- Cô đã nhọc công vô ích rồi đấy nữ huân tước ạ! – Rôcốp lên tiếng – cám ơn cô đã tự mang đứa trẻ đến đúng làng này. Nếu cô không mang nó đến, thì tôi phải làm thôi. Cô đã chịu đựng bao nhiêu vất vả cùng bao đe dọa dọc đường. Dù sao thì tôi cũng phải cám ơn cô vì đã gánh chịu cho tôi phần việc chẳng lấy gì làm lý thú. Đây chính là mảnh đất của một làng mà ban đầu tôi có ý định đưa con cô tới.
Bạn của tôi – thủ lĩnh Ganoada sẽ chăm sóc và dạy bảo nó thành một tên ăn thịt người chính hiệu. Nếu như cô may mắn mà trở về được Châu Âu với thế giới văn minh, chắc chắn cô sẽ rất dễ chịu khi nghĩ tới những gì đang chờ đợi đứa con cô nơi này. Nó sẽ sống với những kẻ ăn thịt người. Một lần nữa, xin cám ơn cô vì cô đã đem nó đến hộ tôi. Nhưng bây giờ tôi buộc phải yêu cầu cô vĩnh biệt nó. Tôi sẽ hiến dâng nó cho những ông bố nuôi của nó. Họ là những người đỡ đầu lý tưởng đấy cô ạ! – Rô cốp nói với nụ cười mỉa mai, đắc ý rồi đưa tay định đón lấy đứa bé.
- Xin mời! Ông có nó đây – Potơrôva nói và dâng đứa bé lên cao – ơn Chúa! Từ nay ông không thể làm hại đời nó được nữa.
Thấy thái độ dửng dưng của người mẹ trẻ, Rôcốp giật mình. Hắn vội thọc tay vào chiếc bọc, kéo khóa lật mặt đứa bé ra nhìn. Potơrôva nín thở theo dõi. Bao ngày qua, cô rất lo, không biết Rôcốp có phát hiện ra đứa bé không phải là con cô hay không. Nhìn khuôn mặt Rôcốp méo đi vì tức giận, cô biết rằng Rôcốp không phát hiện ra điều đó.
Rôcôp đẩy đứa bé trả lại cho Potơrôva rồi lồng lộn trong lều, vừa dậm chân vừa chửi rủa.
- Cô cứ cười đi ! Rôcôp thét lên – cô cứ nghĩ rằng tôi quỳ mọp gối trước cô để cầu xin ư? Tôi sẽ cho cô một bài học giống như đã cho cái thằng khỉ đột chết tiệt – chồng cô … rồi cô sẽ biết xúc phạm Nicolai Rôcôp nghĩa là phải chịu hậu quả gì. Cô đã ăn cắp của tôi đứa bé này. Tôi không thể biến nó thành đứa con của bọn ăn thịt người được nữa nhưng … - Rôcôp lúng búng giây lát rồi lại lồng lên – Nhưng tôi có thể biến mẹ nó thành vợ của một kẻ ăn thịt người. Điều đó tôi sẽ làm được. Tôi sẽ thanh toán được món nợ này. Khi đưa ra cái hình ảnh đe dọa ấy Rôcôp nghĩ rằng Potơrôva sẽ vô cùng hoảng hốt. Nhưng hắn đã nhầm. Thực ra các giác quan của Potơrôva lúc này đã trơ lì rồi. Cô không nghe thấy gì, cũng không nhìn thấy gì nữa. Cô cũng chẳng còn sức lực để mà sợ hãi, để mà đau khổ nữa. Trái với dự đoán của Rôcôp, người mẹ trẻ không hề lo lắng, hoảng hốt. Trên đôi môi nhợt nhạt của cô chỉ thoáng nở một nụ cười yếu ớt. Trái tim mệt mỏi của cô đang hướng về thằng Giếch mến yêu. Rôcôp không hề hay biết sự nhầm lẫn vừa rồi. Chính điều đó làm lòng cô yên tĩnh, thảnh thơi.
Thật ra cô chỉ muốn thét vào mặt Rôcôp cho hắn biết sự thật. Nhưng cô không đủ can đảm và biết rằng đó là việc làm dại dột. Hắn không biết, có nghĩa là đứa con trai yêu dấu của cô còn được sống bình yên. Không nên để hắn biết rằng con cô còn sống. Mà ngay cả khi hắn biết chuyện con cô còn sống thì hắn sẽ làm gì được nó? Có thể con cô đang ở Luân đôn, có thể có kẻ nào đã đánh tráo con cô bằng đứa trẻ này để đòi một khoản tiền chuộc lớn hơn từ gia đình huân tước Tácdăng Clayton. Có thể trong lúc gia đình cô vắng mặt, bạn bè thân thích đã thu xếp, giải quyết xong vụ tống tiền bẩn thỉu đó và đang chăm sóc thằng Giếch thay cho vợ chồng cô. Bao nhiêu điều có thể ấy đã chiếm lĩnh toang bộ những ý nghĩ của cô dọc đường chạy trốn.
Nghĩ đến con trai rồi cô lại nghĩ đến mình. Cô biết rằng mình đã rơi vào tình thế tuyệt vọng. Anđécxen và cả Tácdăng của cô đều đã chết. Giữa một Phi châu bao la chập trùng rừng núi này, cô chẳng còn một nơi nương tựa. Cô chẳng có một ai có khả năng giúp cô thoát cơn hoạn nạn. Những lời đe dọa của Rôcôp mà cô loáng thoáng nghe được cũng chẳng có ý nghĩa gì. Để trả thù, hắn có thể nghĩ ra mọi cách. Nhưng cách gì thì cách, hắn cũng không thể nào đạt được cái quyết định sắt đá của cô. Cô phải tìm một cách nào đó để kết thúc cuộc đời mình trước khi Rôcôp có thời gian hành hạ cô. Điều cô cần nhất lúc này là thời gian để chuẩn bị cho cái chết. Tất nhiên cô chỉ chết khi thấy không còn khả năng tự vệ. Mối dây ràng buộc cô với cuộc đời chính là giọt máu của cô – đứa con của cô. Cô vẫn tin rằng, một lúc nào đó cô sẽ có cơ hội tìm được con mình. Mà như vậy, cô chỉ còn một trong hai khả năng lựa chọn: một là đánh lừa Rôcôp, hai là bình thản vĩnh biệt cuộc đời này.
- Ông cút đi ! – Potơrôva quát vào mặt gã người Nga – hãy để tôi được yên với đứa con tôi! Chẳng lẽ ông hành hạ tôi như thế vẫn chưa đủ hay sao ? Tôi đã làm gì ông mà ông cứ lẵng nhẵng bám theo tôi như vậy ?
- Muộn rồi phải không ? – Rôcôp trả lời – cô nhận ra sai lầm trong quyết định nhân duyên của mình rồi phải không. Tôi chưa gặp một người đàn bà nào lại thích một gã người rừng gốc khỉ và quay lưng trước lời cầu hôn của một người văn minh lịch duyệt. Thôi, cô đừng ân hận làm gì. Đằng nào thì cũng muộn rồi. Hãy để đứa bé ở đây ! Chúng tôi sẽ đem chôn, còn bây giờ cô sẽ cùng tôi quay về trại. Ngày mai tôi sẽ đưa cô trở lại đây với người chồng mới của cô – Ông thủ lĩnh Ganoada quý mến ấy mà.
Rô Côp định thò tay xách đứa bé lên nhưng Potơrôva chồm dậy xiết chặt nó vào lòng.
- Để tôi tự tay chôn cất ! – Potơrôva nói rất kiên quyết – Ông hãy bảo mấy người đàn ông ra sau làng đào huyệt.
Không muốn để dây dưa quanh chuyện cái xác trẻ con, Rôcôp chấp thuận ngay yêu cầu của Potơrôva. Hơn nữa hắn nghĩ rằng Gian Potơrôva đã hoàn toàn buông xuôi theo số phận. Hắn bước ra khỏi lều và vẫy tay gọi cô đi theo hắn.
Cùng với mấy người đàn ông, hắn dẫn Potơrôva ra ngoài hàng rào. Mấy người da đen chọn một gốc cây to, có bóng mát, đào một chiếc hố nhỏ. Potơrôva thận trọng quấn lại cho đứa trẻ mấy vòng vải lót rồi nhẹ tay đặt cái cơ thể bé bỏng đáng thương ấy xuống đáy hố. Cô đứng dậy, quay mặt đi để khỏi nhìn thấy những hòn đất đầu tiên rơi vào đứa trẻ. Tiếng đất rơi xen lẫn với lời cô cầu nguyện. Có ai ngờ đứa trẻ xa lạ ấy lại gắn bó với một đoạn đời cô. Không sống nổi cùng cô trong những tháng ngày phiêu bạt lầm than, khổ sở, cái linh hồn bé bỏng ấy sẽ lang thang nương tựa ở chốn nào ?
Với đôi mắt đẫm lệ Potơrôva đứng dậy bước theo những người thổ dân. Họ dẫn cô đi theo những lối mòn rậm rạp, nối từ làng người da đen tới khu trại cuả Nicolai Rôcôp. Màn đêm đã phủ kín núi rừng. Những bóng cây cổ thụ um tùm đổ bóng xuống lối đi khiến cô có cảm giác như đi xuyên qua các hang động tối tăm của thuở hồng hoang. Thỉnh thoảng con đương mòn lại dẫn cô ra những khoảng sáng cuả bầu trời. Ánh sáng nhợt nhạt của mảnh trăng tàn cuối tháng không đủ sức chọc thủng bóng cây. Tiếng chân bước của các loài thú ăn đêm vang lên sột soạt bốn phía rồi bỗng chốc tắt lặng nhường quyền ngự trị cho tiếng gầm săn mồi của loài sư tử. Mấy người hộ tống dừng lại để đốt lửa. Họ bắt đầu cầm đuốc soi hai phía của lối mòn để chọn chỗ đặt chân và xua đuổi trăn rắn. Rôcôp thúc giục những người thợ khuân vác đi nhanh hơn.. Nghe giọng Rôcôp Potơrôva biết rằng hắn rất sợ rừng đêm. Potơrôva cũng không khỏi lo sợ. Nhưng những tiếng động vọng ra từ lòng rừng già khiến cô nhớ tới cái đêm đầy kỉ niệm cùng vị Thần Rừng – Tácdăng. Khi ấy cô chẳng thấy lo sợ gì hết trừ tiếng gầm của loài hổ báo, mọi thứ tiếng động khác đối với cô đều xa lạ và không có ý nghĩa gì cả. một khi đã có Tácdăng bên cạnh, cô có cảm giác yên tâm như đang sống giữa một lâu đài … Lòng Potơrôva nổi lên một nỗi nhớ vô bờ. Nếu như cô biết rằng lúc này chồng cô đang hối hả trên đường tìm vợ. Mọi tâm trạng, ý nghĩ của cô sẽ hoàn toàn khác. Nhưng cô đã tin rằng Tácdăng không còn sống nữa. Tất nhiên nhiều lúc cô có linh cảm rằng điều đó không thể xảy ra. Nhưng biết làm thế nào, khi đó là sự thật và Tácdăng bất khả chiến bại của cô vẫn chỉ là một con người bằng xương bằng thịt giống như bất cứ ai ! Nếu như Rôcôp nói với cô rằng Tácdăng của cô đã chết chắc chắn cô sẽ không tin và cho rằng hắn cố đánh lừa cô. Nhưng người thông báo cho cô biết cái tin dữ ây laị là một thổ dân, là Ganoada. Cái gã thủ lĩnh xấu xí đó thì nói dối cô làm gì ! Cho tới lúc này, chưa khi nào cô nghĩ rằng gã thủ lĩnh đó đã bàn bạc với Rôcôp trước khi nói với cô về cái chết của Tácdăng.
Cứ đi , đi mãi rồi cuối cùng đoàn người hộ tống Potơrôva cũng chạm tới những chiếc cọc rào thô kệch. Đó là hàng rào mà những người thợ khuân vác đã dựng lên xung quanh khu trại của Rôcôp. Trong trại đột nhiên náo loạn. Potơrôva không biết có chuyện gì xảy ra. Cô chỉ thấy Rô Côp đang lồng lộn chửi rủa. Vừa nghe ngóng quan sát, vừa phỏng đoán cuối cùng cô mới vỡ lẽ ra là: Trong lúc Rôcôp vắng mặt, rất nhiều thổ dân trong đoàn hộ tống của Rôcôp đã chạy trốn và lấy đi khá nhiều của cải, súng đạn.
Khi Rôcôp đã tra hỏi chán chê những người khuân vác còn lại và đã nguôi cơn giận dữ, hắn quay về trại của mình. Hắn nheo mắt cho hai thủy thủ đang canh giữ Gian Potơrôva ra ngoài rồi chộp lấy tay cô, lôi vào trong trại. Potơrôva cố gắng chống cự, trong khi đó hai gã thủy thủ chỉ đứng lùi ra xa, tán gẫu.
Rôcôp là người không biết nhẹ tay một khi gặp người cưỡng lại ý định của hắn. Thấy Potơrôva vùng vẫy không chịu hứa, hắn đánh thẳng vào mặt cô. Cả cô lẫn hắn bị trượt ngã trên mặt đất mấy lần. Cuối cùng cô buộc lòng phải buộc theo hắn vào trong. Cô cảm thấy đầu óc quay cuồng, không đủ sức đứng vững nữa. Người hầu của Rôcôp đã chờ sẵn ở trong trại. Thấy ông chủ kéo một người đàn bà đi vào, hắn thắp một ngọn đèn nhỏ rồi nhanh nhẹn lẻn ra ngoài. Potơrôva ngã vật giữa nền lều bạt. Cô ngất đi một lúc, nhưng khi tỉnh dậy, cô vẫn nằm im tính toán và lấy sức, cô tự nhắc mình rằng phải hành động thật mau lẹ. Liếc mắt quan sát khắp trại, cô cố tìm ra một vật gì đó làm vũ khí tự vệ. Rôcôp nâng cô lên và kéo cô lên giường ngang hông hắn có một khẩu súng rất to và nặng. Potơrôva đã nhìn thấy khẩu súng. Cô giả vờ tỏ ra yếu đuối và rình một cơ hội thuận tiện.
Cơ hội ấy đã đến khi Rôcôp đang cố gắng vật cô ra đệm. Có một tiếng động lạ vang lên ở cửa ra vào. Rôcôp dừng tay ngoảnh mặt ra cửa. Nhanh như cắt, Potơrôva rút được khẩu súng của hắn ra khỏi bao. Rôcôp giật mình nhìn xuống và nhận ra ngay sự nguy hiểm. Potơrôva không đủ can đảm bóp cò súng. Cô sợ những viên đạn sẽ trúng vào những kẻ đứng ngoài. Mà nếu như cô giết chết Rôcôp thì đồng bọn của hắn sẽ ùa vào. Khi ấy mọi chuyện xảy ra sẽ khó mà hình dung nổi. Ngày xưa, cô cầm súng bắn sư tử mà cô hầu Exmeranda suýt chết vì viên đạn sượt qua trán. Thành tích bắn súng của cô thì ai cũng nhớ. Vả lại, lúc này hai gã thủy thủ bên ngoài không phải là những kẻ điếc lác.
Tất nhiên những ý nghĩ đó chạy thoáng qua đầu cô nhanh như tia chớp. Khi gã người Nga vừa quay mặt lại nhìn cô, chưa hết kinh ngạc thì cô đã vung khẩu súng nặng nề lên cao, rồi dùng hết sức lực giáng một đòn vào trán hắn. Gã người Nga ngã vật ra đất nằm thẳng cẳng. Potơrôva đã được tự do trong chốc lát.
Bên ngoài vẫn vang lên tiếng động – thứ tiếng động đã làm Rôcốp trước đó giật mình quay nhìn ra cửa. Có chuyện gì đã xảy ra? Điều đó Potơrôva không cần biết. Vì sợ người hầu quay lại lều, biết chuyện, Potơrôva nhảy tới mặt bàn, tắt phụt ngọn đèn dầu hỏa, căn lều trở nên tối om, Potơrôva đứng im trong bóng tối, suy tính xem phải làm gì. Xung quanh cô chỉ toàn kẻ thù và sau lưng kẻ thù là rừng già đày thú dữ. Khó lòng mà sống nổi lấy vài ngày, nếu như cô thân gái dặm trường, đơn độc giữa rừng sâu. Nhưng cô nghĩ rằng mình đã vượt qua rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm mà vẫn chưa hề phải trả giá, chưa hề bị thương; hơn nữa ở một phương trời xa xôi nào đó đứa con trái yêu dấu đang khóc đòi cô; vì vậy cô phải sống, phải can đảm hành động. Cô không được phép lùi bước mà phải chụp lấy cơ hội trong tay. Cô sẽ liều tìm đường ra biển, tự cứu mình, và cứu lấy con.
Chiếc trại của Rôcốp nằm gần như ở chính giữa những hàng rào, xung quanh trại của hắn là chỗ ở của những kẻ đồng hành da trắng và những người thợ khuân vác da đen. Thoát ra khỏi khu trại lúc này là một việc làm vượt qua sức người. Nhưng Potơrôva biết rằng không còn con đường nào khác. Nếu cô cứ ngồi trong lều mà do dự, tính toán thì rất sớm bị phát hiện. Chờ đợi có nghĩa là từ bỏ tất cả những hi vọng mà mình đã can đảm tạo ra. Với suy nghĩ ấy, Potơrôva rón rén bước vaò góc trại, cô sờ soạng trong bóng tối và chạm tay vào vách gỗ rất cứng. Hóa ra trại của Rô Cốp được phủ vải bạt bên ngoài, còn bên trong vẫn được dựng xây bằng gỗ. Potơrôva thở dài thất vọng rồi quay lại chỗ Rôcốp đang nằm. Một lát sau cô rút từ thắt lưng Rôcốp một con dao săn rất dài. Với con dao ấy cô hì hục cậy các tấm gỗ rồi xé rách một lỗ bạt dày. Lối thoát khỏi trại đã được mở.
Potơrôva thở dài nhẹ nhõm. Tất cả mọi người trong khu trại đều đã ngủ say. Dưới ánh sáng nhợt nhạt của đống lửa tàn, cô trông thấy một tên lính gác đang ngồi xổm, quay mặt ra ngoài rừng. Như một con thỏ trắng Potơrôva luồn qua bóng tối, men theo những chiếc trại thấp lụp xụp của đám thợ khuân vác, tiến tới hàng rào. Trước mặt cô rừng già đen đặc như một bức thành khổng lồ. Rừng đêm châu Phi không bao giờ chịu ngủ. Bởi vì từ lòng rừng xa lúc nào cũng vang lên tiếng gầm của sư tử. Tiếng hú thê thảm của những con vượn lạc bầy và tiếng động xào xạc của đủ các loài thú ăn đêm.
Nghe tiếng động rùng rợn của rừng đêm, Potơrôva khẽ rùng mình, do dự: nếu như lọt vào hàm răng sư tử thì… xương mình kêu răng rắc, dòn tan! Potơrôva cảm thấy cột sống ớn lạnh. Chờ một lát cho lưng ấm lại, cô nghiến chặt răng, lách mũi dao cậy hàng rào. Con dao của Rôcốp rất sắc cứng nhưng những chiếc cột hàng rào vừa chôn sâu vừa nhiều gai nhọn. Đôi bàn tay mềm mại của cô đã toạc rách máu chảy ướt lạnh. Bất chấp mọi đau dớn, cô vẫn nghiến răng, tiếp tục phá rào.
Cuối cùng, một lỗ hổng đã được mở ra. Potơrôva thở mạnh vài hơi lấy sức rồi chui tuột ra ngoài. Cô đã để lại sau lưng mình một cuộc sống an toàn nhưng ê chề nhục nhã và còn tồi tệ hơn cái chết. Nhưng trước mặt cô lại là một cái chết khó lòng tránh khỏi. Có điều cái chết trước mặt là cái chết nhanh chóng, trong sạch, không bị vấy bẩn.
Không một chút lo sợ, không khóc lóc thương thân, Potơrôva rảo bước tiến lên phía trước, chỉ vài giây sau, bóng tối đã khép chặt phía sau lưng cô. Rừng đêm như một màn đen khổng lồ nuốt chửng cô vào bụng.