“Lá thư này là nhằm nói rõ cho Ngài biết ý muốn của tôi về số phận của thằng bé con Ngài và số phận của chính bản thân Ngài.
Ngài đã chào đời như một con khỉ. Và cũng giống như một con khỉ, Ngài đã sống, đã lớn lên trong rừng sâu. Vậy thì có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài phải trở về cái quê hương chôn rau cắt rốn của Ngài. Nhưng riêng con trai của Ngài thì không thể lập lại con đường cũ của bố nó. Theo quy luật tất yếu của sự tiến hóa, con hơn cha là nhà có phúc. Thằng bố là một con khỉ độc. Thế thì thằng con được phép làm một con người. Nó sẽ được đeo bên hông những thứ đồ trang sức bằng đồng. Có thể mũi nó cũng sẽ được sỏ một cái khoang bằng sắt. Ngài hãy hình dung thằng con trai nối dõi tông đường của Ngài như vậy! Bởi vì nó sẽ trở thành một thành viên của bộ lạc ăn thịt người. Nó được phép làm người, nhưng sẽ là một người rừng chính hiệu. Tôi đã có thể giết Ngài dễ như trở bàn tay. Nhưng chỉ giết Ngài thì vô ích vì Ngài chẳng còn biết gì về số phận con Ngài. Nếu để Ngài sống ở một nơi nào đó, một nơi mà Ngài không thể thoát, ngài sẽ có khối thời giờ để mà suy nghĩ, tưởng tượng về thằng con bất hạnh của mình.
Gieo gió thì phải gặp bão. Chính Ngài tự chuốc tai họa vào mình. Sự trừng phạt như vậy là xứng đáng. Bởi vì đã biết bao lần Ngài cản đường tôi.
NicôlaiRôcốp.
Tái bút: Sự trừng phạt sẽ còn lớn hơn nữa khi bổ xuống đầu vợ Ngài. Điều ấy thì tôi để cho Ngài tự hình dung lấy...”
Trong lúc đang đọc những dòng chữ trên, Tácdăng nghe thấy sau lưng mình có tiếng động sột soạt. Tiếng động nghe có vẽ rất quen thuộc, khiến chàng sực tỉnh và biết ngay điều gì đang đến với mình. Toàn bộ giác quan mạnh mẽ của chàng đã hồi sinh trở lại. Trong phút chốc chàng đã biến thành Tácdăng – Đứa con của rừng già. Chàng quay phắt lại với tư thế của con mãnh thú chuẩn bị bước vào trận đấu. Bản năng sinh tồn và phản xạ tự vệ trỗi dây, khiến cả cơ thể của chàng căng lên. Chàng rùng mình một cái rồi hạ thấp người, mặt đối mặt với địch thủ, trước mặt chàng lúc này là một con vượn khổng lồ.
Đã hai năm trôi qua tính từ khi Tácdăng từ giã rừng già. Chính vì thế sức mạnh của vị chúa tể muôn loài trong người chàng có phần vơi cạn. Cuộc chiến đấu với con vượn đực đang tuổi sung sức đối với chàng đã thành một sự thử sức gian nan. Nhìn ra xung quanh chàng còn thấy có mấy con vượn khác. Những kinh nghiệm của cuộc sống bầy đàn đã cho chàng biết rằng những con vượn đó sẽ không tấn công chàng. Đàn vượn bao giờ cũng để cho con đầu đàn chiến đấu một mình.
Con vượn lắc đầu một cái rồi xông thẳng về phía Tácdăng. Nếu như mấy năm trước, Tácdăng cũng có thể dương trán ra ứng chiến. Nhưng đã bao ngày sống với con người, tất nhiên chàng đã biết nhiều thế đánh mà đối với loài thú là điều hoàn toàn xa lạ. Ngay tức khắc, chàng né sang bên. Con thú vừa lao qua, chàng đã giáng một cú đấm nặng tay vào bụng nó. Con vượn rống lên đau đớn, ngã khuỵu xuống đất. Nó vừa nhổm mình đứng dậy, đối thủ da trắng đã áp sát bên canh, vung tay bồi hết cú đấm này tới cú đấm khác. Chẳng còn thấy gì trong giây phút này những dấu hiệu của chàng huân tước nước Anh. Tácdăng đã trở lại là đứa con hung dữ của vượn mẹ Kala thủa nào. Hai hàm răng trắng khỏe mạnh của chàng cắn ngập vào cổ họng địch thủ. Còn quả đấm của chàng thì tới tấp giáng xuống bộ mặt lông lá của con vật chẳng khác gì chiếc búa máy. Con vượn lúc này chỉ biết nhe răng, sùi bọt mép, giẫy dụa một cách bất lực. Những con vượn trong đàn đã vây quanh lại thành một vòng tròn, quan sát cuộc chiến. Có mấy con vượn to béo cất tiếng hú ầm ỹ, chạy lồng lộn, có vẻ muốn khích lệ bạn mình. Đột nhiên chúng dừng chân, giương mắt nhìn kinh ngạc khi trông thấy con vượn da trắng, không lông đã vòng ra phía sau, xiết chặt gáy đối phương rồi dí mạnh xuống đất. Tácdăng đang sử dụng lại lối đánh rất hiệu quả mà chàng đã dùng lần đầu trong cuộc chiến đấu với Tơ cốt ngày xưa.
Từ cơ thể con thú bỗng vang lên một tiếng “ rắc” giống như tiếng cành cây bị gió bẻ gẫy. Cái đầu to xù của con vượn rũ gục xuống ngực. Tiếng kêu thét, gầm gừ tắt lịm. Đàn vượn xung quanh giương tròn mắt, hết nhìn cơ thể bất động của con vượn bạn, lại nhìn sang con thú da trắng đang đứng phủi tay bên cạnh. Đàn vượn không hiểu vì sao bạn nó không đứng dậy tiếp tục tấn công kẻ thù hai chân kia. Vừa lúc đó, kẻ thù hai chân nọ bước tới, đặt chân lên cổ con vượn rồi ngửa mặt rú lên man dại – Tiếng thét chính hiệu của loài vượn sau khi chiến thắng đối thủ. Tới lúc ấy đàn vượn mới biết rằng con vượn đầu đàn của chúng đã chết.
Tiếng thét của Tácdăng sắc nhọn như mũi dao, xuyên qua từng kẽ lá. Lũ vượn con trên các lùm cây nô đùa vội vàng nép vào lưng mẹ. Chim chóc ngừng kêu. Cả một dải rừng già im ắng. Chỉ thỉnh thoảng đó đây vang lên tiếng quả khô rơi xào xạc.
Tácdăng dừng lại, không thét nữa. Chàng lắc đầu cho mái tóc bay lên khỏi trán. Đó là một thói quen từ thời chàng còn để tóc dài ngang vai.
Quan sát một hồi kỹ lưỡng, chàng nhận ra đàn vượn bao quanh chàng rất giống bộ lạc vượn cũ của mình. Chàng nhớ rằng, theo tập quán, nếu một con vượn nào đó được thừa nhận là thủ lĩnh, nó có toàn quyền hành động, có thể tự do cắn xe đồng loại bất cứ lúc nào, tùy thích. Nếu một thành viên của bộ lạc khác đến nhập bầy mà giết chết hoặc khuất phục được thủ lĩnh đương quyền, nó sẽ nghiễm nhiên “ lên ngôi” trở thành người kế vị. Chính vì vậy nếu Tácdăng bỏ đi, sớm muộn lũ vượn đực cũng phải cắn xé nhau để lựa chọn kẻ thống trị bộ lạc.
Tácdăng còn đang băn khoăn thì một con vượn đực cao lớn tiến thắng đển chỗ chàng. Con vượn này đang độ trung niên, sung sức. Những bắp cơ của nó nổi lên từng múi lớn, rùng rùng chuyển động dưới lớp lông đen, bóng mượt. Nó há mồm, gầm gừ, để lộ những chiếc răng to, trắng lớn. Tácdăng vẫn đứng im lặng, theo dõi từng cử động nhỏ của con vật. Chàng biết rằng nếu lúc này chàng tiến hoặc lùi một bước, đều có nghĩa là chấp nhận cuộc chiến đấu. Thực lòng chàng không muốn thử sức lần thứ hai. Vì vậy chàng vẫn tiếp tục đứng im, bình thản nhìn con thú đang nhe răng tiến tới.
Nhưng cái điều chàng không muốn lại cứ xảy ra. Sau phút bỡ ngỡ vì tiếng thét dữ dội của kẻ chiến thắng lạ mặt, đàn vượn lại xiết chặt vòng vây quanh chàng. Chúng có vẻ muốn chứng kiến cuộc tỉ thí và kiểm nghiệm sức mạnh của ứng cử viên thủ lĩnh. Vòng vây của đàn vượn càng kích thích dòng máu nóng trong mình con vượn đực. Sự cổ vũ âm thầm của đồng loại đã thôi thúc con vượn đực vững tâm lao vào cuộc chiến. Đôi chân của nó hơi ngắn nhưng khá nhanh nhẹn. Cái đầu to xù của nó hơi cúi xuống đất nhưng gồ vai của nó vẫn cao ngang mặt Tácdăng.
Đột nhiên trong đầu Tácdăng lóe lên những âm thanh quen thuộc của thời thơ ấu. Chàng đã nhớ ra ngôn ngữ của bộ lạc vượn.
- Mày là ai? – Tácdăng hỏi con vượn đực – mày đang xúc phạm Tácdăng con trai của Kala đấy.
- Tao là Acút- Con vượn đực trả lời – Môlát chết rồi thì tao làm thủ lĩnh. Mày hãy cút đi! Nếu không tao sẽ giết mày.
- Mày đã trông thấy tao giết Môlát rất dễ dàng, nếu tao muốn làm thủ lĩnh, tao có thể giết mày như thế. Nhưng Tácdăng này không muốn làm thủ lĩnh bộ lạc. Tácdăng chỉ muốn sống bình yên trên mảnh đất này thôi. Mày và Tácdăng này hãy trở thành bạn bè! Tácdăng sẽ giúp mày và mày cũng giúp đỡ Tácdăng.
- Mày không thể giết được Acút! – Con vượn đực trả lời – Không có ai khỏe bằng Acút này. Nếu mày không giết Môlát thì Acút cũng giết nó. Bởi Acút này đã quyết định trở thành thủ lĩnh từ lâu rồi.
Thay cho câu trả lời , Tácdăng bất thần lao vào con vượn ngang bướng. Nhanh như chớp, chàng đẩy mạnh chiếc mỗm con vượn sang bên trái rồi vòng sang bên phải, áp người phía sau lưng nó. Con vượn bàng hoàng, chưa kịp ứng phó đã bị Tácdăng vòng tay qua nách, khóa chặt cổ địch thủ, giống như lần trước. Chàng không muốn giết Acút nên chỉ gì chặt cánh tay để cho nó hiểu thế nào là sức mạnh Tácdăng.
- Ka gô đa? – Tácdăng thì thào hỏi Acút. Đó là câu mà chàng đã có lần hỏi Kétchác ngày xưa. Trong ngôn ngữ của loài vượn “ Ka gô đa?” có nghĩa là “ đầu hàng chứ?”
Acút chợt nhớ tiếng thét man rợ cảu Tácdăng sau khi giết chết Môlát. Nó khẽ rùng mình. Nhưng nó vẫn thích vị trí của người cầm đầu bộ lạc. Vì vậy nó không trả lời, cố vùng vẫy để xoay chuyển tình thế. Tuy vậy vòng tay đối thủ trên cổ nó mỗi lúc một xiết mạnh, làm nó vô cùng đau đớn. Chịu đựng được vài giây, nó buộc phải bật mồm run run kêu lên:
- Ka gô đa.
Tácdăng thả lỏng cánh tay.
- Tao để cho mày sống mà làm thủ lĩnh- Tácdăng nói – Tácdăng này không thích cầm đầu bộ lạc. Nếu có kẻ nào tranh quyền thủ lĩnh của mày, Tácdăng này sẽ giúp cho mày.
Acút đứng thẳng dậy, lắc cái đầu to xù, gầm gừ nhìn từng con vượn đực đang bao quanh. Nó biết rằng rất nhiều con vượn đực khỏe mạnh như nó cũng muốn làm thủ lĩnh. Nửa phút im lặng trôi qua không một con vượn nào xông ra tuyên chiến. Ngược lại lũ vượn đực xung quanh đã khiêm tốn lùi ra một quãng. Cuối cùng Acút nhập vào đàn biến mất vào rừng sâu.
Trên bờ biển chỉ còn trơ lại một mìnhTácdăng. Cho tới lúc này chàng cảm thấy đau. Hoá ra trong cuộc vật lộn với Môlát, da chàng bị cào rách mấy mảng. Tuy vậy chàng vẫn kiên nhẫn chịu đựng và có phần dửng dưng với các vết máu,chẳng khác gì một con thú rừng. Chàng nghĩ bụng: Cần phải sắm sửa vũ khí càng sớm càng tốt.Tiếng gầm của các loài hổ báo từ rừng sâu vọng ra nhắc cho chàng nhớ rằng cuộc sống nơi đây cũng đầy đe doạ. Chảng còn cách nào khác là phải trở về với lối sống ngày xưa. Cuộc đấu tranh sinh tồn trong rừng xanh là vậy: Mày không giết tao, tao sẽ giết mày! Từ hôm nay chàng lại sẽ bị thú dữ rình mò săn đuổi. Ngai từ giờ phút này chàng phải có vũ khí phòng thân.
Ngay ven bờ biển có một vách đá màu xanh. Nhìn màu đá Tácdăng biết đó là một loại đá cứng. Loay hoay một hồi chàng đã lấy được một thanh đá mỏng, có đầu nhọn. Vừa mài vừa đập, mấy tiếng đồng hồ sau, chàng đã có con dao bằng đá - thứ công cụ của loài người nguyên thuỷ. Sau dó chàng vào rừng kiếm một cành cây rất cứng bẻ lấy một đoạn rồi vót ngọn một đầu. Chàng tìm một lỗ đá trên đỉnh núi và nhồi vào đó một ít vỏ cây khô, thọc mũi gậy cứng vào lỗ đá rồi xoay chiếc gậy liên tục bằng hai lòng bàn tay. Sự kiên nhẫn của chàng đã được bù đắp lại chính đáng. Chỉ một lát sau từ lỗ đá chứa vỏ cây đã bốc lên một làn khói mỏng. Vỏ cây bốc cháy. Chàng nhanh nhẹn gạt những cành củi khô lên trên. Một hồi sau ngọn lửa đã bốc lên cháy rần rật.
Từ lúc có lửa, Tácdăng miệt mài làm việc. Chàng mài dũa hoàn chỉnh con dao bằng đá. Chàng còn chế tạo các vũ khí cần thiết giống như ngày trước. Đốc dao găm, một cánh cung, một ống tên và một ngọn giáo. Sau khi có đủ các trang bị cho cuộc sống săn bắn và tự vệ. Chàng tìm một lùm cây cao ven sông làm một cái chòi rất kín đáo. Chàng dùng lá cọ lợp thành mái che và dùng cỏ khô rải làm lớp đệm.
Trời đã tối từ lúc nào, Tácdăng không hề biết. Chàng chợt nhận ra là bụng mình rỗng tuếch. Cơn đói bắt đầu hành hạ chàng. Trong lúc lang thang tìm kiếm vật liệu làm vũ khí, chàng đã phát hiện được đoạn sông mà lũ thú rừng thường tới uống nước.
Với sự khéo léo nhanh nhẹn của loài khỉ, Tácdăng chuyền qua các lùm cây hướng thẳng tới máng nước đó. Rừng sâu đã bắt đầu rậm rịch tiếng chân các loài thú ăn đêm. Tácdăng khẽ thở dài. Nếu không có nỗi lo lắng nhớ nhung vò xé trong lòng, chắc hẳn chàng sẽ cảm thấy mình là người hạnh phúc. Bởi vì sau bao ngày tháng lăn lộn trong thế giới loài người, tới giờ này chàng mới trở về cuộc sống tự do của thời niên thiếu. Bằng một cú nhảy nhẹ nhàng, chàng vọt sang một cành cây cổ thụ mọc ngả xuống lối mòn mà thú rừng thường qua lại. Đôi mắt tinh tường của chàng đảo bốn xung quanh, tìm kiếm con mồi. Quả là " cầu được ước thấy", chàng vừa co chân theo tư thế của loài báo vồ mồi, đã trông thấy một con hươu thủng thẳng đi tới. Nhưng con hươu không phải đi tới một mình. Bám sát sau lưng nó , còn có một con vật khác. Hình như con hươu không hề trông thấy, cũng không đánh hơi được kẻ đang bám sau lưng mình. Từ trên cành cây, đứa con trai của rừng xanh đã trông thấy tất cả. Chàng chưa biết chắc chắn con thú sau lưng hươu là con gì, nhưng ắt hẳn là một loài thú dữ cũng đang kiếm ăn như chàng. Có thể đó là một con sư thử hoặc một con báo Sêta. Nếu con hươu không chạy nhanh tới chỗ Tácdăng, Tácdăng tất dễ bị con thú hớt tay trên, cái ý nghĩ lo sợ mất mồi vừa thoáng hiện trong đầu Tácdăng, thì ngay lúc đó con hươu giật mình phóng thẳng tới chỗ Tácdăng. Hình như con hươu đã phát hiện ra mối đe doạ rình rập sau lưng mình nên định chạy thoạt sang bên kia vũng lội. Đúng thế, sau lưng con hươu khoảng dăm chục thước lộ ra thân hình uyển chuyển của con sư tử Numa, Tácdăng đã nhận rõ mặt con sư tử. Cùng lúc ấy con hươu đã chạy tới tầm vồ của chàng.
Không do dự, Tác dăng nhảy thẳng xuống lưng hươu. Trông thấy kẻ cướp mồi, sư tử Numa vội vàng phóng tới. Tácdăng nhanh tay tóm chặt sừng hươu , nghiến răng xoắn cổ con vật gần hết một vòng. Con vật chỉ kịp kêu ré lên một tiếng ngạt hơi rồi dãy chết. Tácdăng vác con hươu còn đang dãy trên vai rồi leo lên cành cao đúng lúc sư tử Numa lao tới gốc cây. Chàng mỉm cười hài lòng, cúi đầu nhìn xuống đất. Đôi mắt màu vàng lóng lánh của sư tử Numa đang chiếu thẳng vào mặt chàng bằng thứ ánh sáng của lòng căm uất tột độ. Sau khi ngồi thật thoải mái trên cây, chàng thong thả rút dao khoét một miếng thịt thật ngon ở mông hươu, đưa lên miệng. Phía dưới đất, con sư tử vẫn lồng lộn chạy qua chạy lại, thỉnh thoảng lại với hai chân trước lên gốc cây, cào xoàn xoạt. Tiếng gầm gừ của nó mỗi lúc một nhỏ dần. Nó đã có vẻ tuyệt vọng, chán chường vì tên cướp chưa kịp nhìn rõ mặt.
Sau khi nếm đủ hai chục miếng thịt nóng ngọt ngào, Tácdăng đặt con hươu ăn dở lên một chạc cây. Chẳng thèm để ý tới con sư tử còn đang tức tối, lởn vởn phía dưới, Tácdăng vội vã chuyền qua các lùm cây, tìm về mái chòi của mình. Món ăn tươi bữa tối vẫn còn để lại dư vị ngon lành cho tới khi chàng sửa soạn chỗ ngã lưng. Dòng máu rừng già trong cơ thể chàng hình như bắt đầu chảy mạnh hơn. Chàng huân tước Grâyxtâu chợt nhận ra rằng, bữa thịt hươu vừa rồi ngon gấp trăm lần những bữa đại tiệc trong các vũ hội của giới quý tộc Luân đôn... Chàng kéo búi cỏ gối đầu rồi ngủ một mạch cho tới bữa trưa ngày hôm sau.