• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Xa cách người thân, buồn rười rượi,

Âm dương ly biệt hai phương trời,

Lạc bước chốn cũ, nhẹ bước tới,

Gặp lại, hạnh phúc, lệ tuôn rơi…

***

Có những nỗi niềm mà chúng ta vẫn giấu kín trong lòng, chẳng kể cho ai khác. Đâu phải là không muốn chia sẻ, chỉ bởi vì chưa chọn nổi thời gian, địa điểm vừa ý hay khó tìm được đối tượng thích hợp để thoải mái nói ra hoặc là sợ nó gây nên sự hiểu lầm ngớ ngẩn lẫn đáng tiếc. Tâm tư, cảm xúc thực cứ bị chôn sâu, bóp chặt thì thật nhức nhối biết bao…

THE WINDY DAY (Part II)

Từng trang nhật kí của bản thân,

Là những tâm sự trong âm thầm,

Có ai hiểu được dòng cảm xúc,

Hay là phải gửi vào phong vân?

Mây trời lồng lộng, biển nổi sóng,

Gió Đông vẫn thổi biết bao lần,

Cuộc đời phải nếm nhiều cay đắng,

Con người ta mới trưởng thành dần…

***​

Tiết trời đầu tháng sáu oi bức, cái nắng chang chang cả ngày khiến không gian như lò nung, tưởng nướng chín được người. Chỉ khi về chiều tối, mặt trời sắp ngủ, nhiệt độ mới “dịu bớt” phần nào, nhưng chung quy vẫn cực kì nóng nực.

Ở chốn thành thị, không khí ngột ngạt, khó chịu càng tăng lên rõ rệt. Nhà cao tầng sát sàn sạt, cây xanh ít ỏi, xe cộ nườm nượp, tấp nập qua lại, giờ cao điểm chật ních, chen chúc nhau, chẳng còn chỗ hở, khói bụi bốc lên, ám đầy mặt mày, không khác gì vừa đi lao động chân tay về.

Miền quê thì đỡ hơn rất nhiều bởi nơi đây có vô số ao, hồ… đặc biệt là cây cối xanh tươi. Cho dù bây giờ đã bớt đi nhưng vẫn hơn khối ở thành phố. Lại nói, màu xanh mang đến cảm giác mát mẻ, êm ả, yên bình… Xanh lá cây là màu của thiên nhiên, tượng trưng cho sự phát triển, hòa thuận, cảm xúc an toàn và nó cũng có ý nghĩa là hi vọng…

Một sáng hè, mặt trời lên cao, mọi người cũng đã đi làm việc. Lúc này, có gã thanh niên đang lang thang trên con đường làng vừa quen vừa lạ. Quen vì gã đã đi biết bao nhiêu lần không đếm hết, mòn cả chân trần lẫn đôi dép lê. Còn lạ là bởi con đường này hoàn toàn bằng đất!

Đúng thế, đường đất hẳn hoi! Gã nhớ rõ ràng đường làng hiện tại đã đổ hết bê tông, lấy đâu ra đường đất? Đấy là lúc bé thôi. Trừ phi…

Gã xuyên việt, trở lại quá khứ!

Đỗ xanh rau muống! Gã không tin, bèn véo má, véo tay…

Đau!

Thật?!?

Trong phim truyện, tiểu thuyết chả nói là muốn biết mơ hay thực thì chỉ cần xem bản thân có bị đau hay không còn gì?

Như vậy là gã thực sự xuyên việt!

Trời đất! Lúc tối còn đang oánh nhau gần chết với hai tên Recordicon mà? Chẳng lẽ gã chết rồi? Xong linh hồn xuyên qua thời không, trở lại hồi nhỏ?

Không đúng! Gã vẫn là thanh niên này. Thế là cả thân thể đều xuyên qua?

Nhưng các vết thương đâu hết rồi, cả quần áo rách rưới nữa? Chả lẽ ở trong “thời không loạn lưu” được chữa lành?

“Vậy cũng tốt” - Gã gật gù.

Tuy nhiên, gã ngớ người vì bản thân trở về quá khứ thì làm cái gì bây giờ?

Chứng minh thư không có, lấy chi để xác định danh tính?

Chạy về nhà bảo bố mẹ rằng: “Con là Nam, con của bố mẹ từ tương lai quay lại”. Đảm bảo một triệu phần trăm là sẽ bị hô tâm thần, tống cho công an xử lý!

Đi đánh con đề, kiếm tiền cái đã!

Đùa sao? Gã là thánh à mà nhớ được mấy con số của hơn 10 năm trước? Chưa kể là gã chúa ghét cái vụ lô đề, cờ bạc.

Và siêu năng lực của gã… biến mất rồi. Gã chỉ là người bình thường!

Trời ơi!

Làm sao bây giờ?

Làm sao bây giờ?

LÀM SAO BÂY GIỜ?

Một đống suy nghĩ loạn tùng phèo hiện lên. Cuối cùng gom hết thành câu hỏi to đùng trong não gã.

[Vâng, thưa quý vị và các bạn, gã thanh niên này chính là vị siêu anh hùng trẻ tuổi của chúng ta - Nam!

Lý do cậu ta “xuyên việt” như thế nào? Kính mời xem tiếp câu chuyện.]

***​

Ven đường làng có vài nhà dân, còn đâu là vườn tược, lũy tre, đống rơm, ao… Nam nhớ là cứ đợt sâu trên cây tre chết là rơi la liệt ở đường, nhìn phát sợ, phải nhắm mắt chạy qua thật nhanh. Sau người đông lên, xây nhà, chặt hết đi, nghĩ cũng tiếc lắm. Bây giờ gặp lại, có chút bồi hồi, nhớ nhung. Cảnh sắc yên bình và thơ mộng đến lạ.

Bất tri bất giác, Nam đã đi ra cánh đồng làng. Đúng là “Dừa Đồng” có khác, không thấy dừa nhưng đồng ruộng thì cò bay gãy cánh! Source: Bachngocsach.com​

Ngắm cánh đồng bao la bát ngát với sắc xanh ngập tràn, cảm nhận từng làn gió mát mẻ chạm vào làn da, anh chàng hít thở một hơi thật dài cho sảng khoái tinh thần, nhẹ cảm khái:

Thực thoải mái quá đi. Hơn 10 năm sau, diện tích bị thu hẹp còn một nửa, lấy đâu ra cảm giác như thế này?

Nam phóng mắt nhìn khắp mọi nơi…

Nhìn mãi…

Nhìn mãi…

Lạ!

Đúng, có một cảm giác là lạ nào đấy bất chợt hiện lên trong tâm trí cậu.

Đó là gì?

Là gì?

Là…

Con người!

Thật sự là không thấy bóng dáng của bất kì ai!

Phải biết rằng, tầm 10 năm trước, chí ít có hơn chục người đang làm việc trên cánh đồng vào tầm sáng. Khu công nghiệp Quang Minh lúc ý cũng mới thành lập, công nhân bắt đầu đổ về, dù thế, mọi người vẫn quanh quẩn đồng áng nhiều lắm, bét nhất là nửa. Mà kể cả hiện đại, cũng đầy người ra. Nhưng bây giờ thì…

Trường hợp này có chút quỷ dị!

Chạy chạy, ngó ngó, tìm tìm, kiếm kiếm ở gần chung quanh…

Chẳng có ai cả!

Thế này là sao?

Nam bỗng hoang mang. Cậu chợt nhớ lại mấy bộ phim truyện từng xem…

Tình cảnh này…

Chẳng lẽ là…

TẬN THẾ!

Đỗ xanh rau muống! Xuyên vệt về quá khứ lại là tận thế ư?

Không thể nào…

Không thế nào…

Nam bèn chạy một mạch về nhà. Đến cổng, cậu cố bình ổn lại hơi thở, cẩn thận tiến vào.

Chầm chậm thôi…

Bên tay phải là vườn táo, có cả chua và ngọt, Nam thì khoái táo chua hơn. Cậu nhớ lúc bé, nhiều lần trèo lên bị vướng gai táo, rách quần áo lẫn xước da, chảy máu, cơ mà hái xong ăn ngon. À còn nếu ở trong tầm với thì nhảy lên rồi bứt, thành ra rụng khối quả chín. Bọn trẻ con hàng xóm cũng nhiều lần sang vặt trộm, đôi khi bị phát hiện, chạy tán loạn. Ai bảo táo nhà ngon quá cơ.

Bên tay trái là cái ao. Ria bờ ao có cây nhãn, nhưng hình như chả được ăn quả bao giờ. Tác dụng chủ yếu của nó là sử dụng để… nhảy cầu. Đúng thế! Nam với mấy đứa bạn thường leo lên rồi nhảy ùm xuống ao, thích lắm ý. Gần đấy thì có cây mơ, bọn cậu đôi lúc lấy lá mơ rang lên với muối trắng rồi ăn. Nó vị chua chua, chát chát với mặn mặn, cả đăng đắng nữa, xong là cả lũ đen lưỡi!

Sau này, ao bị lấp đi để lấy phần trống xây nhà trọ. Lúc tháo hết nước, nó phải sâu tới 3-4m, có bao nhiêu cá với cua, tha hồ ăn. Nhưng rồi khi xe đất thì lâu và cực vất vả.

Nam đi gần cái giếng đào ở bên phải. Giếng ấy cũng lợi phết vì những đêm trời nóng bức, hai anh em thường chạy ra kéo nước, dội oàng vài phát cho mát mẻ rồi đi ngủ tiếp. Nói chung là nước trong giếng mát vào hè, ấm vào đông. Hoặc là uống trực tiếp cũng chả sao, ngon lành, ngòn ngọt. Đâu như bây giờ, nước kém sạch hơn hoặc toàn mùi cờ-lo.

Bên cạnh cái giếng là chuồng gà, nhưng chả thấy con gà nào. Cả vườn trống không. Nhà Nam còn nuôi lợn nữa. Chuồng lợn thì cách xa mười mấy mét. Hai anh em cậu hay phụ giúp bố mẹ chăn gà, băm bèo, nấu cám cho lợn ăn. Những lần thịt lợn là tầm rạng sáng, kêu điếc hết cả tai. Source: Bachngocsach.com​

Nhà còn có 2 cây hồng xiêm. Nghe kể là do ông nội trồng, tính đến lúc trước khi “xuyên việt” thì chắc trên 30 năm rồi. Thêm điểm đặc biệt nữa là nhà nào ở Dừa Đồng cũng trồng ít nhất 2 cây hồng xiêm trở lên. Vậy nên có câu ca dao sau:

Làng Đồng trồng rất nhều hồng,

Em có bằng lòng lấy chồng là anh?​

Nghe nói là có người từng cưới được vợ nhờ đọc ca dao?!?

Trước mặt Nam là căn nhà cấp 4 cũ kĩ, mái ngói, tường có chút rêu mốc ở chân, hai cánh cửa chính bằng gỗ, cửa sổ cũng vậy. Lúc nhỏ, cậu hay trốn ra chơi bằng cách trèo lên cửa rồi lách qua khe hở giữa cửa và tường, hình như suýt bị kẹt. Vài lần thì không có chìa khóa, đành chờ bố về nhấc cánh cửa ra khỏi bản lề để vào.

Cạnh nhà cũ là nhà 2 tầng mới hơn. Nhớ lúc xây tầng 2, có đống cát ở dưới, hai anh em đua nhau nhảy xuống, may mà không làm sao, nguy hiểm thật. Trước khi có nhà mới này, đấy là vườn rau thì phải, cũng chả rõ lắm, con người chẳng phải máy tính, lâu dần sẽ quên.

Cộc cộc cộc…

Nam tới trước cửa nhà, gõ vài lần…

Không có ai…

Mất một lúc lâu nhưng vẫn vậy. Cậu thử mở cửa.

Khóa rồi…

Cảm giác hoảng sợ ngày càng mãnh liệt.

Nam chạy sang bên nhà chú bác. Họ cũng ở sát đây. Lý do đơn giản là miền quê thì nhà anh em họ hàng luôn cạnh nhau.

Vẫn chẳng có ai…

Cậu lại chạy sang nhà hàng xóm.

Như vừa nãy nốt…

Đến đây, nỗi sợ hãi bùng cháy tột độ, thiêu đốt tâm can.

Chuyện gì xảy ra thế này?

Thực sự là tận thế sao?

Tận thế sao?

Có ai không?

Có ai không?

CÓ AI KHÔNG?

Nam chụm hai tay thành loa gọi to…

Vô dụng…

***​

Có người hỏi:

- Tận thế là gì? Là thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo, chiến tranh… là bạo lực, giết chóc, là những nguyên tắc pháp luật, giá trị đạo đức, luân thường đạo lý bị đạp đổ… là bùm một cái, Trái Đất bị hủy diệt… như thế có đúng không?

Ừm, có thể khẳng định như vậy… nhưng chưa đủ.

Loại thứ 2 là?

- CÔ ĐỘC!

- ???

- Nghĩ mà xem: Không có ai chuyện trò, tâm sự cùng mình, đến cả một con vật nuôi cũng không, hoặc là chẳng ai thèm lắng nghe, thấu hiểu, cứ một mình lẩm bẩm lầm bầm như bị thần kinh. Đi ăn uống, chơi bời một mình. Không ai cổ vũ, động viên, thậm chí là cười chê, chửi mắng cũng không nốt. Chẳng ai quan tâm, săn sóc, cũng chẳng ai hời hợt, ghẻ lạnh. Giữa bao nhiêu người mà bản thân như kẻ vô hình, không hề tồn tại. Cứ mãi lủi thà lủi thủi một mình. Vui, buồn, chán, ghét, yêu, hận… chỉ riêng mình.

- …

- Một nhóm tử tù được đưa vào phòng giam, mỗi người một phòng, chờ ngày phán quyết. Điều kì lạ là mọi trang thiết bị của cuộc sống đều được cung cấp khá đầy đủ trong phòng, trừ chuyện cắt đứt hoàn toàn các phương thức liên lạc. Mới đầu chưa thấy gì, xong rồi bọn họ dần trở nên mất kiểm soát, kích động. Và chỉ sau 1 - 4 tuần, tất cả đều tự sát. Đây cũng là thí nghiệm cho thấy sự đáng sợ của nỗi cô độc, chẳng khác gì tận thế.

***​

Tại sao như vậy cơ chứ?

Còn mỗi mình cô độc trên thế giới hay sao?

Phải làm sao bây giờ?

Nếu đây là cơn ác mộng, làm ơn cho con tỉnh dậy đi…

Những câu hỏi không có đáp án cứ quanh quẩn trong đầu Nam. Cậu là kẻ sợ nỗi cô đơn, sợ hãi sự tĩnh mịch và cô độc. Lúc bé, có lần ngủ dậy, chẳng ai ở nhà, cửa thì khóa ngoài, thành ra chỉ mỗi mình Nam. Cậu đã khóc suốt, mãi khi bố mẹ về mới nín được, thỉnh thoảng còn bị ám ảnh.

Dù sao thì nay lớn hơn, mặc dù đang không tin vào sự thực trước mắt nhưng Nam vẫn ôm một niềm hi vọng nhỏ nhoi nào đó. Thế rồi cậu lại lạc bước trên con đường làng đầy đất.

Ơ!

Một bóng người mờ ảo bỗng dưng xuất hiện đằng trước. Nhìn hình dáng ấy, Nam cảm giác quen thuộc lắm.

Đó là…

Không lẽ…

Cậu chạy tới, nhưng chẳng hiểu sao khoảng cách giữa đôi bên vẫn giữ như cũ, mặc cho cố gắng kiểu gì đi chăng nữa. Một lúc sau, ra cánh đồng, bóng người chợt biến mất, Nam thấy tim mình như thắt lại, ngừng đập giây lát.

Đột nhiên, người đó lại xuất hiện bên bờ mương, tay thì đang giữ dây diều sáo, cạnh là chiếc cần câu. Có vẻ là tâm trí chăm chú thả diều hơn là câu cá.

Đến rồi thì lại đây đi.

Đoành!

Giọng nói trầm ấm như tiếng sấm vang lên trong tâm trí anh chàng. Quên làm sao được, đấy là giọng của… bố cậu.

Nam tới gần, bóng người càng rõ ràng hơn. Chính là người bố đã mất. Cậu như tê liệt đi vì bất ngờ và xúc động, lẩy bẩy đưa bàn tay tới, nước mắt trào ra, run run hỏi:

- Thật… thật… là bố đấy ư?

- Chả là tao thì ai vào đây?

Ông bố tỏ vẻ bực dọc. Nhưng nhận thấy cậu con trai thế này, ông nhẹ giọng:

- Ầy, gà trống choai lớn rồi mà còn khóc nhè nữa. Thôi nín đi nào, bố cho cái kẹo kéo.

Nói xong, trên tay ông bỗng hiện ra thanh kẹo kéo hấp dẫn, đưa cho Nam. Cậu nhận lấy, để vào miệng, kẹo tan chầm chậm với vị ngọt dịu nhẹ cùng chút hương mật khiến tâm trạng ổn định chút, nhưng dù thế, từng giọt lệ vẫn rơi.

Người ta thường bảo: “Nước mắt nam nhân khó đổ, vì chưa tới mức thương tâm”. Câu đấy còn thiếu, bởi khi hạnh phúc, lệ lại rơi.

Bố Nam xem cậu ăn kẹo rồi ngắm nhìn trời xanh, khẽ ngâm bài thơ:

DIỀU

Vi vu tiếng sáo dịu hiền,

Âm thanh nhè nhẹ bình yên sớm chiều,

Lên cao đi, hỡi cánh diều,

Mang theo khát vọng, những điều ước mong,

Nỗi niềm thầm kín cõi lòng,

Gửi ngươi bay hết vạn vòng trời xanh,

Hương đồng gió nội ngọt lành,

Phút giây an tĩnh để dành con tim…



Lời thơ đầy giản dị, mộc mạc với hình ảnh chiếc diều sáo gần gũi, tượng trưng cho một phần làng quê Việt Nam được cất lên bởi chất giọng trầm ấm, truyền cảm và đầy nội lực của người bố làm cho tâm hồn của Nam dần trở nên bình ổn, có cảm giác thư thái, dễ chịu hơn rất nhiều. Khi bài thơ ngâm xong cũng là lúc cây kẹo kéo tan hết và nước mắt đã ngừng. Source: Bachngocsach.com​

Nam ngắm bố một cái thật lâu. Ông mặc chiếc áo cũ bằng vải kaki màu vàng nâu nhạt, kẻ caro sọc xám, quần vải cùng chất liệu, màu đen. Mái tóc nhuốm hoa râm, trán có nếp nhăn, khuôn mặt hiền hậu, chất phác. Điểm đặc biệt và thu hút nhất, khiến cho người khác nhìn một lần mà khó quên trên gương mặt đó là đôi mắt: chân thành, chính trực, từng trải, ưu tư, u buồn…

Xong rồi anh chàng chuyển ánh nhìn lên chiếc diều sáo trên cao, khẽ nói:

- Ngày bố ra đi, mẹ khóc ngất luôn, con thì chưa hiểu cái gì hết, mãi sau mới biết. Con gọi điện cho bà ngoại báo chuyện của bố. Tình hình lúc ý rối ren lắm. Mọi thứ cứ loạn hết lên như một cơn bão lớn đang hoành hành. Cảm tưởng thế giới sắp sụp đổ vậy.

Chuyện đã qua nên để lắng lại. Cả nhà dạo này thế nào?

Sức khỏe của mẹ cũng ổn ổn ạ, công việc thì vất vả hơn vì không có bố làm trụ cột. Chỉ là vào ngày giỗ, mẹ cứ rưng rưng nước mắt. Nhiều lúc căng thẳng, áp lực, tủi thân mà không chia sẻ được thì mẹ lại khóc. Con chỉ biết nghe mẹ kể lể chứ chả biết an ủi kiểu gì. Mà nhiều lúc con vẫn làm cho mẹ không vui, buồn lòng.

Anh thì đang làm cho một công ty sản xuất khuôn mẫu của Việt Nam, khá là ổn định. Con thì vừa ra trường, được nhận vào công ty của Nhật Bản, làm về ô tô. Mọi người ở trong phòng thân thiện, hòa đồng với nhau nên không khí rất vui vẻ.

Có lần con nghe mẹ kể: Bố đèo mẹ và anh bằng chiếc xe đạp thồ để đến nhà ông bà ngoại. Có đoạn đường gập ghềnh, đầy ổ trâu ổ gà, bố vừa đi vừa nói chuyện, tới tít ngã ba, quay đầu lại thì chẳng thấy hai mẹ con đâu. Hóa ra, do đường xóc quá nên mẹ bế anh xuống xe, còn bố chả chú ý gì, cứ bốc phét mãi.

Đợt con với anh chơi đùa với nhau, hai anh em cứ kéo tay rồi quay quay vòng tròn. Chắc là do mạnh quá nên con bị gãy tay, khóc thét lên. Bố mẹ vừa về thấy thế, mẹ thì xem, bố thì cầm que đánh anh. Sau đó bố mẹ đèo con đi bệnh viện bó bột.

Con nhớ có lúc đang chơi game say sưa, bố xuất hiện đằng sau, nhẹ vỗ vai rồi bảo về. Đến nhà, bố gọi vào phòng và lấy cây gậy to lắm, con nhìn thấy liền sợ hết cả người. Mới ăn có một phát mà con đã khóc rồi, van xin mãi mới được bố tha cho. Sau đó, bố lấy tấm gỗ và viết vào đó mấy chữ rõ lớn: “CẤM CHƠI ĐIỆN TỬ”.

Hồi mua máy tính về, có hôm con hậm hực, giận dỗi do tranh máy với bố. Không hiểu sao con lại xử sự như thế nữa.

Bây giờ thì…

Con xin lỗi…

Con xin lỗi…

Hai dòng lệ của anh chàng lại chực tuôn rơi.

- Khóc lóc cái gì? Con trai phải luôn mạnh mẽ. Đừng bao giờ để người khác thấy sự yếu đuối của bản thân.

Bố Nam ra điều không bằng lòng, xong thấy cậu như vậy, ngẫm nghĩ, bảo:

- Haizzz! Nói thế thôi chứ chắc thánh nhân mới làm nổi. Khóc cũng tốt, ít ra là giải tỏa được tâm trạng.

- Vâng ạ! - Nam nhẹ gật đầu, lấy tay lau nước mắt.

Thế rồi, hai bố con lại tiếp tục trò chuyện với nhau, đủ thứ từ trên trời xuống dưới đất rồi sang đông tây kim cổ. Từ lúc còn bé tý rồi lớn dần lên, những vất vả, khó khăn, đắng cay, buồn bã, mừng vui, hạnh phúc…

Nam cảm giác cậu được trở về thuở nhỏ, sống trong sự bao bọc, chở che của bố, vô lo, vô nghĩ…

***​

Là con người, bất kể trai hay gái, cho dù mạnh mẽ tới đâu thì họ vẫn có những lúc yếu đuối, bất lực, mệt mỏi khi phải chống lại bao cám dỗ, sóng gió cuộc đời. Và thật may mắn khi có gia đình để trở về. Ở đó, trong sự vỗ về, an ủi của bố mẹ, họ lại được tiếp thêm sức mạnh để vững bước trên con đường đã chọn.

Nếu như người mẹ thể hiện tình cảm qua cả lời nói như những lời động viên ngọt ngào và hành động như từng cái ôm ấm áp thì người bố thường chứng minh tình yêu thương bằng việc làm hơn là dùng ngôn từ. Nó gai góc, xù xì, đanh thép, trầm mặc, khô khan, nghiêm khắc với các hình thức kỷ luật nhưng tất cả đều chỉ muốn cho con cái được tốt hơn:

BỐ

Dẫu cuộc sống bão táp, mưa sa,

Bố là núi, chống cả bầu trời,

Như gió lặng lẽ, kiệm lời,

Âm thầm nâng đỡ cuộc đời của con,

Dù nhiều lúc đánh đòn, quát tháo,

Cũng bởi vì dạy bảo nên người,

Ngọc thô muốn đẹp rạng ngời,

Phải mài, phải dũa, chớ lười, siêng năng,

Đường trưởng thành tuy rằng khó nhọc,

Nhưng chẳng bằng một góc công cha,

Khắc ghi ơn nghĩa bao la,

Quyết tâm, nỗ lực để là con ngoan...

***​

Qua biết bao nhêu lâu, đang chuyện trò say sưa, bố Nam bỗng nói:

- Cũng đến lúc rồi, con cần trở về thôi…

- Trở về? Ý bố là sao ạ?

Anh chàng ngạc nhiên, vẻ khó hiểu. Chợt, cậu nhớ lại rằng bản thân đã xuyên việt và không may là quá khứ dường như lâm vào tình cảnh giống như là… tận thế!

Chẳng có bất kì người nào, chẳng có cả gia súc gia cầm hay động vật nào tồn tại. “Thế giới” như rơi vào yên tĩnh vĩnh cửu cho tới khi gặp bố.

Đúng! Cả “Trái Đất” này chỉ có mỗi bố Nam và cậu!

Không!

Không lẽ đây là…

Là…

Một giấc mơ ư?

Không thể nào!

Không thể nào!

Tại sao lại như vậy?

Tại sao lại như vậy?

Mọi thứ... mọi thứ vốn dĩ rất... rất... chân thật mà?

Đây này, từng làn gió, hương thơm, cây cỏ... và đặc biệt là bố nữa, đều vô cùng thực.

Tại sao lại có thể như thế chứ?

Tại sao tất cả lại chỉ là một cơn mơ được?

Ta không tin!

Không tin!

AAAAA...

Nam cố phủ nhận rằng những gì đã trải qua từ hồi sáng cho tới bây giờ đều là giấc mộng. Nhưng rồi một trận đau đớn khó có thể diễn tả bằng ngôn từ bỗng nhiên bộc phát. Cậu ngã vật xuống, lăn lộn điên cuồng.

Không biết mất bao lâu thời gian, có thể là ngàn vạn năm hoặc là mới chỉ chớp mắt, cơn đau đỡ dần nhưng vẫn cào xé thân thể. Nam chống hai tay một cách khó nhọc, nặng nề đứng dậy, thở hồng hộc và ngước nhìn mọi thứ trước mắt cậu.

Quang cảnh xung quanh trở nên mờ ảo và bóng hình người bố cũng trở thành mông lung. Ngạc nhiên, sững sờ, hoảng hốt... Mặc kệ nỗi đau còn đang tấn công, Nam dùng hết sức bình sinh chạy đến chỗ bố mình. Thế nhưng, dẫu cậu cố gắng, nỗ lực dường nào đi chăng nữa, khoảng cách hai bên cứ kéo dài ra... vô tận. Source: Bachngocsach.com​

- KHÔNG! ĐỪNG MÀ BỐ! HÃY Ở LẠI VỚI CON! CON XIN BỐ MÀ!

Nam gào to tuyệt vọng. Hai hàng nước mắt cậu tuôn ra không ngừng. Đôi chân cứ chạy, hai tay cứ vươn ra muốn nắm lấy nhưng chỉ vào hư vô. Ánh sáng mất dần, cảnh vật càng lúc càng mịt mờ, hình ảnh người bố càng xa, càng mơ hồ.

- Con phải trở về. Mẹ và anh trai cần con, gia đình cần con, bạn bè cũng cần con. Đừng mãi sống trong những kỉ niệm đau buồn mà hãy biến quá khứ thành động lực để hiện tại bước đến tương lai tươi sáng. Con nhớ bố từng nói với con điều gì không? “Gà Trống Choai có thể rơi lệ, có thể sợ hãi, có thể lùi bước, có thể liên tiếp gặp thất bại, có thể đổ máu, gục ngã bất kì lúc nào... Nhưng... Gà Trống Choai không bao giờ được phép bỏ cuộc...”. Chỉ cần mọi người còn nghĩ đến bố thì cũng có nghĩa là bố vẫn luôn ở bên cạnh. Trở về đi. Bố yêu con!

Âm thanh của bố Nam kết thúc, đồng thời là lúc tất cả tiếng động, ánh sáng, hình ảnh... biến mất hoàn toàn.

Bóng tối bao phủ, thế giới chìm vào tĩnh lặng vĩnh hằng... và cô độc...

***

“Xuyên thời gian”, ngược dòng quá khứ,

Bao kỉ niệm vẫn giữ nơi đây,

Chợt thấy “Tận thế” bủa vây,

Hoang mang, sợ hãi… tràn đầy không thôi,

Rồi gặp bố, bồi hồi cảm xúc,

Nhưng chuyện trò mấy lúc, nửa non,

Hạnh phúc chớp mắt chẳng còn,

Chưa kịp từ biệt, cha con xa rời,

Ai ngờ rằng, ý trời đã định,

Nên tuyệt vọng, phải tỉnh cơn mê,

Tâm can đau đớn ê chề,

Cô đơn, chua xót, tái tê… vĩnh hằng…

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK