Đại uý Sakowits là một người chắc nịch, nét vẻ gồ ghề, mặt đầy sẹo, đượm vẻ phong trần, đôi bàn tay rất to, Larry chưa từng thấy ai có bàn tay như thế bao giờ, Sakowits quả là một trong những tay lão tướng trong ngành hàng không.
Ông bắt đầu vào nghề từ những ngày còn những đội phi cơ du hành, bay các máy bay đưa thư một động cơ cho chính phủ, đã từng làm phi công dân sự trong hai chục năm trời và là phi công trưởng của Pan American trong năm năm qua.
- Tôi rất vui mừng được thấy anh đến cộng tác với chúng tôi, anh Douglas ạ - Ông ta nói.
- Tôi cũng lấy làm mừng được có mặt tại đây - Chàng đáp.
- Anh nóng lòng được lên lại máy bay chứ gì?
- Ai cần máy bay nào? - Larry toét miệng cười - Cứ chỉ tôi lên trời, tôi sẽ cất cánh ngay lập tức.
Sakowits chỉ một chiếc ghế tựa.
- Mời ngồi. Tôi rất muốn làm quen với các bạn trẻ đến dây để thế chân cho tôi.
Larry cả cười:
- Ông lại khéo đuổi tôi.
- Ồ, tôi không trách bất kỳ ai trong số các anh. Các anh đều là những loại phi công liều mạng, các anh có thành tích chiến đấu, khi bước vào đây đều nghĩ rằng "nếu thằng già Sakowits này có thể làm phi công trưởng thì người ta phải cho mình làm chủ tịch Ban điều hành mới đáng". Không có một anh nào dự định làm hoa tiêu lâu. Đây chỉ là một bước đệm để tiến đến vị trí phi công. Cũng được. Con đường đi phải như thế!
- Tôi rất mừng vì ông nói ra như vậy - Larry nói.
- Song có một điều anh cần phải biết trước, Larry ạ, tất cả chúng ta đều thuộc một liên đoàn và việc đề bạt phải tuân thủ chặt chẽ theo thâm niên công tác.
- Tôi hiểu.
- Điều duy nhất có thể là anh không hiểu nổi đó là vì sao những công việc này rất "bẫm" và ngày một nhiều người lao vào hơn số rút ra. Vì thế khả năng được đề bạt giảm đi.
- Tôi sẽ tìm kiếm cơ hội - Larry đáp.
Cô thư ký của Sakowits mang cà phê và bánh ngọt vào, hai người còn ngồi chuyện trò, làm quen với nhau thêm một giờ nữa. Tác phong của Sakowits cởi mở, ôn tồn, nhiều câu hỏi của ông có vẻ vu vơ, vụn vặt, song đến khi ra về để đi dự giờ học đầu tiên, Sakowits đã biết được nhiều điều về Larry Douglas.
Larry vừa đi khỏi được mấy phút, Carl Eastman bước vào văn phòng.
- Công việc thế nào? - Eastman hỏi.
- Tốt lắm.
Eastman nhìn ông chăm chú:
- Ông nghĩ thế nào, ông Sak?
- Chúng tôi thử thách anh ta.
- Tôi hỏi là ông nghĩ thế nào?
Sakowits nhún vai:
- Được thôi, tôi sẽ nói với ông. Theo tôi có lẽ y là một tay phi công cự phách. Với chiến tích như vậy thì đích thị là cự phách rồi. Nếu đưa anh ta một chiếc máy bay, hàng đàn máy bay địch lao vào anh, tôi chắc sẽ không ai hơn được anh ta đâu - Ông ta ngập ngừng.
- Cứ nói tiếp đi - Eastman giục.
- Vấn đề ở đây là trên vùng trời Manhattan này không có những máy bay chiến đấu của địch. Tôi quen biết nhiều gã như Douglas vì lý do gì tôi không rõ, cuộc đời của họ đã gắn với hiểm nguy. Họ làm nhiều việc điên rồ như trèo lên các đỉnh núi cao không ai leo lên được rồi nhào xuống biển, cũng có thể họ còn lao vào những nguy hiểm quái quỷ gì nữa chứ. Khi có chiến tranh nổ ra, họ nổi lên như lớp kem trong tách cà phê nóng rẫy - Ông ta xoay chiếc ghế ngồi, quay người nhìn ra ngoài cửa sổ.
Eastman đứng yên lặng chờ đợi.
- Anh Carl ạ, tôi có linh tính về Douglas. Rằng y có chuyện gì đó không ổn. Có lẽ nếu y là trưởng cơ của một chiếc máy bay hãng ta, y được lái, y có thể làm nên chuyện. Song tôi không tin rằng y có đủ phẩm cách tâm lý để chấp hành lệnh của một kỹ sư, một sĩ quan số một và của một phi công, đặc biệt khi y cho rằng y có thể bay giỏi hơn tất cả bọn họ.
Ông xoay lại, nhìn thẳng vào mặt Eastman:
- Và cái điều trớ trêu nhất lại là ở chỗ y có thể làm được.
- Anh làm tôi thấy băn khoăn đấy. – Eastman nói.
- Cả tôi nữa chứ - Sakowits thú thật - Tôi cho rằng y không… (ông ngừng lại, tìm một chữ cho đúng)… vững vàng. Khi nói chuyện với y, tôi có cảm giác y như một thùng thuốc nổ, sẵn sàng nổ tung lên.
- Thế ông muốn giải quyết ra sao?
- Chúng tôi đang làm đây. Y sẽ đến trường huấn luyện và chúng tôi sẽ theo dõi y chặt chẽ.
- Có thể y sẽ nhụt nhí. - Eastman nói.
- Anh chưa hiểu được loại người này. Y sẽ là gã đứng đầu lớp đấy.
Điều Sakowits dự đoán thật là chính xác. Khoá huấn luyện gồm bốn tuần lễ học trên mặt đất, sau đó thêm một tháng nữa tập bay. Vì các học viên đều đã từng là những phi công giàu kinh nghiệm đã có nhiều năm bay cho nên khoá học nhằm hai mục đích: trước hết là học các môn như hàng không, thông tin liên lạc, đọc bản đồ và học các thiết bị bay để cho các phi công có dịp ôn lại kiến thức cũ và xác định những thiếu sót của họ, mục đích thứ hai là giới thiệu cho họ làm quen với những thiết bị mới mà họ sắp phải sử dụng.
Môn thiết bị bay được tiến hành trên một thiết bị tập luyện. Đó là một buồng nhỏ có hình dạng buồng lái của máy bay, được đặt trên cái bệ chuyển động tạo những điều kiện cho người phi công ngồi trong khoang lái có thể điều khiển máy bay theo bất kỳ thao tác nào bao gồm động tác nhào tắt máy, nhào xoáy ốc, xoay tròn và bay vòng tròn. Người ta đặt một nắp che màu đen trên đỉnh khoang lái để phi công không nhìn thấy gì trong khi bay và chỉ sử dụng những thiết bị trước mặt người phi công. Huấn luyện viên ở bên ngoài phòng luyện tập sẽ ra mệnh lệnh cho người phi công, ra chỉ dẫn cho anh ta cất cánh và hạ cánh trong tình hình tốc độ gió mạnh, có bão tố, có những rặng núi trước mặt và cứ cách một lần lại đến một lần xuất hiện một nguy hiểm tưởng tượng phải giải quyết. Đa số các phi công ít kinh nghiệm khi mới bước vào phòng luyện tập có cảm giác đầy tự tin, song ngay lập tức họ nhận ra rằng khoang luyện tập nhỏ bé khó thao tác hơn nhiều so với điều kiện người ta tưởng. Trong một buồng lái nhỏ người ta thấy xuất hiện một cảm giác cô đơn lạ lùng, họ cảm thấy bị tách rời hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài.
Larry là một học viên có năng khiếu. Chàng rất chăm chú nghe giảng trong lớp và lĩnh hội mọi điều người ta truyền đạt. Chàng làm hết toàn bộ các bài tập ở nhà và làm hết sức đầy đủ, cẩn thận. Chàng không hề tỏ ra nóng ruột, bứt rứt hoặc chán ngán gì cả. Trái lại, chàng là một học sinh rất chăm chỉ trong khoá học và chắc chắn là học sinh xuất sắc nhất. Chỉ có một lĩnh vực mới mẻ đối với Larry đó là thiết bị phi cơ DC-4. Những loại máy bay qua tay Douglas là loại máy bay dài, bóng láng với một số thiết bị chưa từng có khi chiến tranh bắt đầu. Larry bỏ ra nhiều giờ để khảo sát các máy bay, từng inch một, nghiên cứu cách lắp ráp chúng với nhau và cách thức chúng hoạt động. Tối tối chàng cặm cụi với hàng chục cuốn sách giáo khoa về sử dụng máy bay.
Một đêm khuya sau khi tất cả các học viên đã rời khỏi xưởng để máy bay, Sakowits còn bắt gặp Larry ngồi trong một chiếc DC-4, chàng đang nằm ngửa ra dưới buồng lái để xem xét hệ thống dây điện.
- Thú thực với anh là thằng khốn nạn này đang tìm cách tranh việc của tôi đấy - Sáng hôm sau Sakowits bảo với Carl Eastman như vậy.
Eastman cười.
- Cứ như cách y đang làm thì rồi đây y có thể đạt được đấy.
Kết thúc tám tuần lễ, người ta tổ chức một lễ nho nhỏ mừng tốt nghiệp. Catherine đầy tự hào đáp máy bay tới New York để chứng kiến việc người ta gắn cho Larry phù hiệu đôi cánh của người hoa tiêu lên áo của chàng.
Chàng cố tỏ ra xem thường việc này.
- Cathy ạ, cái mảnh vải họ treo cho anh chỉ là chuyện vớ vẩn, cần phải nhớ rằng cái chính là công việc khi bước vào khoang lái.
- Ấy anh chớ nói vậy - Nàng bảo - Em đã trao đổi với đại uý Sakowits, ông ấy cho biết rằng anh là học viên xuất sắc.
- Cái thằng Ba Lan ngậm hột thị đó biết gì mà nói! - Larry bảo - Thôi ta đi tổ chức ăn mừng đi.
Tối hôm đó Catherine và Larry cùng với bốn học viên cùng lớp với Larry và các bà vợ của họ đi tới ăn tối tại câu lạc bộ Hai mươi mốt ở phố Năm mươi hai Đông. Căn phòng lớn đông nghịt người, chủ tiệm cho họ hay rằng nếu không có việc đặt trước thì sẽ không có bàn.
- Cái tiệm khốn nạn? - Larry bảo - Thôi ta sang tiệm Toots Shor bên cạnh.
- Khoan đã - Catherine nói. Nàng tiến đến người bồi trưởng, hỏi xin gặp Jerry Berns.
Một lát sau, một người thấp bé, gầy gò với đôi mắt xám xoi mói, hối hả tiến ra, nói:
- Tôi là Jerry Berns. Bà cần gì tôi giúp ạ?
Catherine giải thích:
- Vợ chồng chúng tôi cùng mấy người bạn, chúng tôi có mười người cả thẩy.
Ông ta lắc đầu:
- Nếu như các vị không đặt chỗ trước…
- Tôi là cộng sự của ông William Fraser - Catherine nói.
Jerry Berns nhìn sang nàng trách móc.
- Thế mà bà không nói ngay cho tôi hay. Xin đợi cho mười lăm phút để tôi thu xếp.
- Cảm ơn ông - Catherine đáp, vẻ biết ơn.
Nàng quay lại chỗ cả tốp kia đang đứng đợi.
- Lạ chưa? - Catherine nói - Chúng ta có bàn rồi đấy?
- Em làm thế nào xoay sở được thế? - Larry hỏi.
- Dễ thôi mà. Em nhắc đến tên của William Fraser. - Nàng nhìn thấy cái nhìn là lạ trong đôi mắt Larry. - Anh ấy thường tới đây. - Catherine nói tiếp rất nhanh - Và anh ấy có dặn em nếu như có đến đây, cần bàn ăn ngay thì cứ nhắc đến tên anh ấy.
Larry quay lại những người kia:
- Thôi, chuồn khỏi đây ngay. Chỗ này chỉ dành cho các đôi uyên ương.
Tốp người tiến ra cửa. Larry quay lại Catherine:
- Đi chứ?
Catherine lưỡng lự nói:
- Thì đi. Em chỉ muốn cho họ biết rằng chúng ta không…
- Mẹ cha chúng nó? - Larry nói to - Em có đi không nào?
Mọi người đổ dồn nhìn về phía họ. Catherine cảm thấy mặt đỏ bừng.
- Vâng - Nàng đáp. Nàng quay lại, bước theo sau Larry ra cửa.
Họ tới một tiệm ăn Italia ở Đại lộ thứ Sáu và ăn một bữa rất tồi. Bề ngoài Catherine tỏ ra như không hề có chuyện gì xảy ra, song bên trong nàng giận sôi người.
Nàng giận Larry vì chàng đã cư xử như con nít và vì đã nhục mạ nàng giữa chỗ đông người.
Khi họ về đến nhà, nàng đi thẳng và phòng ngủ không nói một lời, cởi xống váy, tắt đèn, đi ngủ ngay. Nàng nghe thấy Larry ở phòng khách đang pha rượu uống.
Mười phút sau, chàng bước vào phòng ngủ, bật đèn lên rồi tiến tới bên giường:
- Cô định tự hành hạ mình đấy à? - Chàng hỏi.
Nàng ngồi dậy, nổi đoá:
- Anh đừng bắt em phải tự vệ. Thái độ của anh tối hôm nay không thể tha thứ được. Cái gì len vào anh vậy?
- Thì cũng cái thằng đó len vào cô đấy.
Nàng trừng mắt nhìn lại:
- Sao?
- Tôi đang nói đến cái ông toàn thiện toàn mỹ Bill Fraser đấy.
Nàng nhìn chàng, ngơ ngác không hiểu:
- Bill chỉ làm những việc gì giúp đỡ cho chúng ta thôi.
- Đừng có giả bộ ngớ ngẩn - Chàng nói - Cô nhờ hắn mà có việc làm. Tôi cũng nhờ hắn mới có việc làm. Bây giờ hai ta không thể vào tiệm ăn nếu không được Fraser cho phép. Đấy, tôi đã ớn với việc hắn găng họng tôi ra hằng ngày.
Catherine choáng váng trước giọng nói của Larry hơn là nội dung chàng nói gì. Cái giọng đó đầy vẻ chán chường, bất lực và lần đầu tiên nàng nhận thấy chắc hẳn là chàng bị dày vò đau khổ lắm. Chứ sao nữa? Bốn năm đi chiến đấu trở về chàng lại phát hiện ra vợ chàng cùng hội cùng thuyền với người tình cũ. Tồi tệ hơn nữa, nếu không có sự can thiệp của Fraser chàng không thể tự kiếm ra được việc làm.
Catherine nhìn Larry, phút giây đó nàng chợt nhận ra đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời vợ chồng của họ. Nếu như nàng còn ở lại với chàng, thì chàng phải là trước hết, trước cả công việc của nàng, trước hết thảy mọi thứ. Lần đầu tiên Catherine cảm thông thật sự với Larry.
Dường như đọc được ý nghĩ của nàng. Larry nói với vẻ ăn năn:
- Anh xin lỗi. Tối nay anh hành động như một thằng khùng. Nhưng khi chúng ta không kiếm được bàn ăn mà em vừa nhắc đến cái tên Fraser kỳ diệu kia thì anh… anh bất ngờ lộn ruột lên như thế đấy.
- Em cũng xin lỗi, anh Larry ạ - Catherine nói - Em sẽ không bao giờ làm cho anh phải khó chịu nữa đâu.
Khi họ ôm chặt nhau, Larry bảo:
- Đừng bỏ anh, Cathy nhé.
Catherine cảm thấy nàng đã đạt tới hạnh phúc, nàng ghì chặt lấy chàng:
- Em sẽ không bao giờ bỏ anh đâu, cưng ạ.
***
Đợt đi công tác đầu tiên. Larry làm hoa tiêu trên chuyến bay 147 từ Washington đi Paris. Sau mỗi chuyến bay chàng ở lại Paris bốn mươi tám tiếng đồng hồ, sau đó trở về nhà nghỉ ba ngày rồi lại bay chuyến khác.
Một buổi sáng Larry gọi đến văn phòng của Catherine giọng đầy phấn kích:
- Này em, anh đã kiếm được một nhà hàng rất tuyệt dành cho chúng mình. Em có thể bỏ đó mà đi ăn trưa nay được không?
Catherine nhìn đống công văn phải thảo và đem duyệt trước buổi trưa nay, rồi đánh bạo:
- Được thôi.
- Mười lăm phút nữa anh sẽ tới đón em.
Lucia, người trợ lý của nàng than thở:
- Chị không thể bỏ mặc tôi được đâu. Ông Stuyvesant sẽ làm tùm lum lên ngay nếu như chúng ta không chuẩn bị cuộc vận động này trong ngày hôm nay.
- Cứ xếp đó đã Catherine bảo - Tôi phải đi ăn trưa với chồng tôi.
Lucia nhún vai:
- Tôi không trách chị. Bao giờ chị chán anh ta thì nhớ cho tôi hay.
Catherine cười khẩy:
- Chị già quá rồi, không được đâu.
Larry đón Catherine lên xe ở trước sở làm việc.
- Anh làm cho công việc của em ngày hôm nay thêm căng thẳng phải không? - Chàng ranh mãnh bảo.
- Đâu có.
Chàng cả cười:
- Tất cả cái bọn hành chính đó sẽ bị một vố choáng váng.
Larry lái xe về phía phi trường.
- Nhà hàng có xa không? - Catherine hỏi. Chiều nay nàng có năm cuộc hẹn làm việc, bắt đầu từ lúc hai giờ.
- Không xa lắm… Chiều nay em bận à?
- Không - Nàng chối liền - Không có gì quan trọng.
- Tốt.
Khi họ rời đường rẽ vào phi trường, Larry lái xe quẹo vào đó.
- Nhà hàng ở trong phi trường?
- Ở cuối đằng kia - Larry đáp.
Chàng đỗ xe lại, nắm lấy tay Catherine và dẫn nàng vào cổng của hãng Pan American. Một cô gái đầy hấp dẫn ngồi sau bàn chào Larry bằng đích danh chàng.
- Đây là vợ tôi - Larry nói đầy tự hào - Còn đây là Amy Winston.
Họ chào nhau.
- Nào ta đi - Larry nắm lấy cánh tay nàng và họ về phía đường dốc xuất phát.
- Kìa anh Larry… Đi đâu…
- Chà, em là cô gái nhiễu sự nhất mà anh đưa đi ăn trưa đấy.
Họ tiến tới đến cửa 37. Hai người ngồi sau quầy bán vé cho hành khách lên phi cơ. Có một tấm bảng thông báo ghi: "Chuyến bay 147 đi Paris - Xuất phát 1 giờ chiều".
Larry tiến tới chỗ một người ngồi sau bàn:
- Nàng đây rồi, Tony - Chàng trao cho người kia một tấm vé máy bay - Cathy, đây là anh Tony Lombardi. Còn đây là Catherine.
- Tôi đã được nghe nói chiều về chị - Gã đàn ông cười toe toét - Vé của chị đã xong rồi - Y trao cho nàng tấm vé.
Catherine kinh ngạc nhìn tấm vé:
- Thế này là thế nào?
Larry mỉm cười:
- Anh đã dối em đấy. Anh không đưa em đi ăn trưa đâu mà đi Paris đấy. Sang nhà hàng Maxim.
Giọng Catherine lạc hẳn:
- Ma… Maxim? Ở Paris? Bây giờ?
- Đúng thế?
- Em không đi được - Catherine than vãn - Không thể đi Paris bây giờ được.
- Đi được mà - Chàng cười ha hả - Anh đã lấy hộ chiếu cho em rồi.
- Larry! Anh điên rồi sao? Em không mang theo quần áo Có hàng tỉ cuộc hẹn làm việc. Em…
- Đến Paris anh sẽ mua quần áo cho em. Miễn tất cả cuộc hẹn đó. Trong vài ba ngày tới không có em, Fraser vẫn có thể xoay sở được.
Catherine trừng trừng nhìn chàng, không biết nói gì nữa. Nàng nhớ lại những điều nàng đã quyết định phải làm. Larry là chồng nàng kia mà. Chàng phải được ưu tiên số một. Catherine nhận ra rằng điều quan trọng đối với Larry không phải là việc đưa nàng sang Paris. Chàng muốn trổ tài cho nàng thấy, cho nên mới chèo kéo nàng đi trên chuyến phi cơ do chàng dẫn đường. Thế mà suýt nữa nàng làm hỏng hết cả dự định này. Nàng nắm lấy tay chàng, nhìn chàng, mỉm cười:
- Chúng ta còn đợi gì nữa nhỉ? Em đến chết đói bây giờ!
Paris không thiếu gì trò du hý. Larry đã bố trí nghỉ phép một tuần. Catherine có cảm tưởng là bất kể ngày hoặc đêm, giờ nào nàng cũng có việc để làm. Họ lưu trú tại một khách sạn nhỏ xinh xắn ở bên bờ tả ngạn sông Senie.
Ngay buổi sáng đầu tiên ở Paris, Larry đưa Catherine tới một nhà hàng ở Champs Elyséls, tại đây chàng cố tìm mua rất nhiều hàng cho nàng. Song nàng chỉ mua những thứ mà nàng cần vì những thấy choáng váng trước tình hình thứ gì ở đây cũng đắt.
- Em có biết em được thoải mái chọn không? - Larry hỏi - Em quá áy náy về chuyện tiển nong đấy. Nhưng em đang đi hưởng tuần trăng mật cơ mà.
- Vâng, thưa ngài. - Nàng đáp. Song nàng từ chối mua một chiếc áo dài dạ hội vì nàng thấy không cần. Khi nàng hỏi gặng xem Larry lấy đâu ra nhiều tiền như vậy thì Larry gạt đi không chịu giải thích, song cuối cùng nàng cứ một mực đòi được biết.
- Anh được tạm ứng lương - Larry bảo - Cũng khá đấy chứ?
Nhưng Catherine không dám bày tỏ ý kiến gì. Về vấn đề tiền nong, chàng như một đứa trẻ, rộng rãi, vô tư lự, và một phần tình hình thoải mái của chàng là ở đây. Tính cách này cũng thấy được ở cha nàng trước đây.
Larry đi tham quan một vòng quanh Paris, thăm bảo tàng Louvre, Tuileries và Les Invalides, thăm mộ chí của Napoléon. Chàng đưa nàng tới một nhà hàng trang trí sặc sỡ ở gần Sorbonne. Họ đi tới Les Halles, đến chợ nhiều tầng của Paris, ngắm nhìn cảnh rau quả và thịt tươi được mang từ các nông trại khắp nước Pháp tới đây. Họ trải qua buổi chiều chủ nhật cuối cùng tại Versailler, sau đó ăn tối tại khu vườn tuyệt đẹp ở Cog Hardi ngoại ô Paris. Thật là một tuần trăng mật tuyệt đẹp lần thứ hai của họ.
Hai Sakowits đang ngồi trong văn phòng, mở xem các báo cáo nhân sự hàng tuần. Trước mặt ông lúc này là báo cáo về Larry Douglas. Sakowits ngả người ra sau, nghiên cứu bản báo cáo, bặm môi suy nghĩ. Cuối cùng ông lại nhổm dậy và bấm náy nội đàm, bảo:
- Cho anh ta vào.
Một lát sau, Larry bước vào, trong bộ đồng phục của hãng Pan American, khoác theo một chiếc túi bay. Chàng mỉm cười với Sakowits, nói:
- Xin chào sếp.
- Mời ngồi.
Larry nặng nhọc ngồi xuống ghế đối diện chiếc bàn rồi châm điếu thuốc, hút. Sakowits bảo:
- Tôi có trong tay một báo cáo cho biết rằng thứ hai tuần trước ở Paris anh đã đăng ký để xin chuyến bay chậm hơn ấn định bốn mươi lăm phút.
Nét mặt Larry bỗng biến sắc:
- Tôi bị kẹt vì một cuộc diễu binh ở Champs Elysées. Song chiếc phi cơ vẫn cất cánh đúng giờ. Tôi không biết là ở đây người ta quản lý một trại con trai tồng ngồng.
- Chúng tôi quản lý một hãng máy bay - Sakowits lặng lẽ nói - Và chúng tôi quản lý theo điều lệnh.
- Thôi được - Larry bực dọc đáp - Từ nay tôi sẽ không đến gần Champs Elysées nữa. Còn gì nữa không?
- Còn đại uý Swift cho rằng anh đã làm một hai ly trước khi cất cánh trong hai chuyến bay gần đây.
- Hắn nói xạo? - Larry quát lại.
- Cớ gì mà hắn phải nói xạo?
- Bởi vì hắn sợ tôi sẽ tranh mất việc của hắn - giọng Larry càng thêm bực dọc - Thằng chó đẻ đó chỉ đáng là một con mụ đầy tớ già bẽn lẽn, đáng ra phải về hưu cách đây mười năm rồi.
- Anh đã từng bay với bốn trưởng cơ khác nhau, Sakowits nói - Vậy anh thích bay với ai nhất?
- Chẳng thằng nào hết - Larry đáp lại. Chàng nhận ra cái bẫy, song đã quá muộn. Lập tức, chàng vớt vát lại. - À, không… Họ đều tốt cả. Tôi không có gì phản đối họ.
- Họ cũng chẳng thích bay với anh đâu - Sakowits nói đều đều - Anh làm cho họ luôn lo lắng.
- Nói thế là quái gì?
- Nghĩa là khi có tình huống khẩn cấp, anh cần phải đảm bảo cho người ngồi ở ghế bên cạnh anh. Người ta không tin anh.
- Lạy Chúa? - Larry nổi khùng - Tôi đã từng sống qua bốn năm trong tình trạng khẩn cấp trên bầu trời nước Đức và vùng Nam Thái Bình Dương, hàng ngày phải giơ cái "gáo" ra hứng đạn, trong khi đó bọn chúng ru rú ngồi nhà, hưởng lương bẫm béo múp míp, thế mà bây giờ bọn chúng lại không tin tôi? Anh muốn giỡn tôi đấy hả?
- Ai cũng biết là anh rất xuất sắc trên máy bay tiêm kích rồi - Sakowits đáp nhỏ nhẹ. - Nhưng ở đây chúng ta đang điều khiển các máy bay hành khách. Đây là một cuộc chơi bóng kiểu khác.
Larry ngồi, hai tay nắm chặt, cố kiềm chế cơn giận dữ:
- Thôi được - Chàng cau có nói - Tôi đã nhận được thông điệp bay. Ông đã trao đổi xong chưa để tôi còn cho chuyến bay cất cánh sau vài ba phút nữa.
- Đã có người khác tiếp quản việc đó rồi - Sakowits nói - Anh đã bị sa thải.
Larry nhìn ông ta, kinh ngạc:
- Tôi làm sao?
- Douglas ạ, xét về một phương diện nào đó thì đây chính là lỗi tại tôi. Lẽ ra ngay từ đầu tôi không được thuê mướn anh mới phải.
Larry đứng vụt dậy, đôi mắt chàng bừng lên lửa giận dữ.
- Thế tại sao ông lại thuê tôi? - Larry gặng hỏi.
- Bởi vì vợ anh có một người bạn tên là Bill Fraser.
Larry bước sang phía bên kia bàn, chàng giáng thẳng vào mặt Sakowits một trái đấm. Cú đấm đã làm Sakowits lảo đảo đập vào tường. Ông dùng sức bật trở lại đấm Larry hai cú liền, sau đó lùi lại thế thủ. Ông quát lên:
- Cút ngay khỏi đây! Cút ngay!
Larry nhìn ông ta trừng trừng, mặt chàng méo xệch vì căm giận, thét lên:
- Đồ chó đẻ. Mày có lạy tao tao cũng không quay về lại cái hãng máy bay của mày nữa!
Chàng quay người, lao nhanh ra khỏi văn phòng.
Sakowits đứng nhìn theo. Cô thư ký của ông vội vào văn phòng, trông thấy chiếc chế tựa bị đổ và môi Sakowits chảy máu.
- Ông có sao không?
- Thật kinh khủng. Cô mời ông Eastman đến cho tôi gặp.
Mười phút sau Sakowits kể cho Cart Eastman nghe về sự việc vừa rồi.
- Anh thấy Douglas có gì không ổn? - Eastman hỏi.
- Nói thực nhé? Tôi nghĩ hắn là một thằng bị bệnh tâm thần.
Eastman nhìn ông bằng cặp mắt xanh, xoi mói:
- Nhận định hơi nặng đấy, Sak ạ. Trong khi bay, hắn không say bao giờ. Mà cũng chưa có ai chứng minh được rằng khi ở dưới đất hắn cũng uống rượu. Vả lại người ta ai cũng có lúc chậm trễ chút đỉnh.
- Nếu chỉ có vậy thì tôi đã không sa thải hắn Carl ạ. Douglas có điểm sôi thấp. Thú thật với anh hôm nay tôi đã cố tình chọc tức hắn, và cũng không khó gì. Giá như hắn chịu đựng được áp lực, có thể tôi đã liều một phen giữ hắn lại xem sao. Anh có biết tôi băn khoăn chuyện gì không?
- Chuyện gì?
Sakowits kể:
- Cách đây vài hôm, tôi có gặp một thằng bạn cũ đã từng bay với Douglas hồi trong không quân Hoàng gia Anh. Y có kể cho tôi nghe một chuyện rất điên rồ. Hình như hồi Douglas ở phi đoàn Phượng hoàng, hắn có yêu một cô bé người Anh, mà cô ả lại đính hôn với một thằng cha tên là Clark ở cùng phi đoàn với Douglas. Douglas tìm hết cách để len vào, song cô ả không chịu. Trước hôm cô ả với Clark tổ chức đám cưới một tuần, phi đoàn có bay đi làm nhiệm vụ yểm trợ cho một tốp máy bay B-17 tiến hành oanh tạc vùng Dieppe. Douglas bay ở cuối Phi đoàn. Sau khi các pháo đài bay đã trút hết bom, họ quay trở về căn cứ. Khi bay qua biển Manche thì họ đụng phải lũ Messerschmidt và Clark bị bắn rơi.
Nói tới đây, Sakowits dừng lại suy nghĩ. Eastman chờ đợi ông nói tiếp. Cuối cùng Sakowits nhìn thẳng vào Eastman:
- Theo như thằng bạn tôi cho biết, khi Clark bị bắn rơi thì không hề có một chiếc Messerschmidt nào bay bên cạnh.
Eastman nhìn ông trừng trừng không tin:
- Lạy Chúa? Anh muốn nói là Larry Douglas…
- Tôi không nhận định gì cả. Tôi chỉ thuật lại cho anh nghe một chuyện lý thú mà tôi nghe được. Có thế thôi.
Ông ta lại lấy khăn tay chấm lên môi. Máu đã ngừng chảy Khó có thể khẳng định chuyện gì đã xảy ra trong trận không chiến đó. Có thể Clark đã bị hết nhiên liệu cũng nên. Chỉ có một điều khẳng định là hắn đã bị xui.
- Chuyện gì đã xảy ra với cô ả?
- Douglas đã chuyển đến sống với ả cho đến khi hắn về Mỹ thì hắn cũng cho ả rơi luôn - Ông ta nhìn Eastman vẻ đăm chiêu. - Tôi xin cam đoan với ông một điều. Tôi thấy thương hại cho cô vợ của Douglas.
***
Catherine đang ở trong phòng họp giữa lúc có cuộc họp toàn thể công nhân viên thì cửa phòng bật mở, Larry bước vào.
Mắt chàng thâm tím, và sưng vù, một bên má bị rách toạc Nàng vội đi ra phía chàng hỏi:
- Anh Larry, chuyện gì thế?
- Anh bỏ việc rồi - Chàng lẩm bẩm.
Catherine đang ở trong phòng, tránh những cặp mắt tò mò nhìn theo của những người khác. Nàng đắp một miếng vải mát lên mắt và má chàng. Nàng cố kiềm chế nỗi bực tức trước việc người ta gây cho chàng, rồi hỏi:
- Anh hãy kể em nghe xem nào.
Cathy ạ, bọn chúng theo dõi anh một thời gian rồi.
Anh nghĩ chúng ghen tức với anh vì anh đã đi chiến đấu còn chúng thì không. Dù sao, hôm nay cũng là ngày cao điểm. Sakowits gọi anh tới, cho anh biết lý do duy nhất để chúng đuỏi anh trước hết chính là vì em là bồ của Bill Fraser.
Catherine nhìn chàng, im lặng.
- Anh đánh hắn - Larry nói - Anh không chịu được.
- Thế hả? - Catherine bảo - Em rất tiếc.
- Sakowits còn ân hận hơn - Larry đáp - Anh đã nện hắn rất đau. Còn việc hay mất việc, chẳng thành vấn đề. Anh không thể để cho bất kỳ đứa nào nói về em như thế?
Nàng ôm chầm lấy chàng, an ủi:
- Thôi anh đừng bận tâm làm gì. Anh có thể đi làm cho bất kỳ hãng hàng không nào trong toàn quốc, lo gì.
Điều dự đoán của Catherine rất ít có cơ sở. Larry đã xin việc tất cả các hãng hàng không, một vài hãng cho anh được phỏng vấn, song không đưa lại kết quả gì.
Bill Fraser ăn trưa cùng với Catherine và nàng đem chuyện vừa rồi ra kể cho ông nghe. Fraser không nói gì, song ông suy nghĩ rất nhiều trong suốt bữa ăn. Có đôi lần nàng cảm thấy ông muốn nói với nàng điều gì, nhưng lại thôi ngay. Cuối cùng ông mới lên tiếng:
- Anh quen biết rất nhiều người, Cathy ạ. Em có đồng ý để anh giới thiệu Larry đến một nơi khác nữa không?
- Cảm ơn anh - Catherine đáp - Nhưng theo em không cần thiết. Để bọn em tự quyết định lấy.
Fraser nhìn nàng một lúc lâu gật đầu:
- Bao giờ em thay đổi ý kiến, em hãy cho anh biết ngay.
- Vâng! - Nàng tán thành - Có vẻ như cứ khi nào em có vấn đề là em lại tìm đến cầu cứu anh.
***
HÃNG AN NINH TUYỆT ĐốI
2402 phố "D"
Washington, D. C.
Về vụ việc 2-179- 210
Ngày 1 tháng Tư năm 1946
Ông Barbet kính mến,
Cảm ơn ông về lá thư đề ngày 15 tháng ba năm 1946 cùng tấm hối phiếu của ông.
Kể từ sau lần tôi báo cáo với ông gần đây, đối tượng đã tìm được việc làm phi công cho Công ty vận tải Flying Whees, đó là một công ty nhỏ, độc lập, hoạt động ở Long Island. Một cuộc kiểm tra qua cơ quan Dun và Bradstreet cho thấy vốn của họ là 750.000 đô-la. Trang bị của họ gồm một máy bay B-26 và một máy bay DC3 được cải tiến dùng cho dân sự. Họ có số dư nợ ngân hàng là 400.000 đô-la.
Ngài Phó chủ tịch ngân hàng Paris đóng trụ sở ở New York, nơi mà họ có tài khoản chính tại đây, khẳng định với tôi rằng công ty này có tiềm năng và tương lại phát triển rất tốt. Ngân hàng đang xem xét khả năng cấp tín dụng cho họ đủ tiền mua thêm máy bay dựa trên thu nhập hiện nay của họ là 80.000 đô-la mỗi năm với mức tăng dự kiên hằng năm là 30% trong thời gian năm năm tới.
Nếu ông muốn biết thêm chi tiết về triển vọng tài chính của công ty này, xin ông báo cho tôi hay.
Đối tượng đã bắt đầu làm việc vào ngày 19 tháng ba năm 1946. Ông giám đốc phụ trách nhân sự (cũng là một trong số các chủ của công ty này) đã cho cộng tác viên của tôi biết ông cảm thấy rất may mắn có được một phi công như đối tượng làm việc cho ông. Tôi sẽ cung cấp thêm chi tiết sau.
Kính chào ông, R. Ruttenberg Giám đốc quản trị
Banque De Paris
Thành phố New-York, bang New York
Philipe Chardon Chủ tịch Ban quản trị
Cô Noelle thân mến(1)
Cô thật là ác! Tôi không biết người đó đã có hành động gì với cô, nhưng dù thế nào chăng nữa, người ta cũng đã trả tiền thuê anh ta rồi. Hãng Flying Wheels đã mở rộng cửa đón anh ta, và ông bạn tôi có cho tôi biêí rằng anh đang gặp khủng hoảng cần được giúp đỡ.
- Tôi mong có dịp tới Athens và được gặp cô.
Mặc dù tôi có những quan hệ bằng hữu với Costa, song tôi mong cô hãy ban cho một chút ân huệ nhỏ là hãy giữ kín chuyện bí mật giữa chúng ta.
Thương yêu.
Philipe
***
HÃNG AN NINH TUYỆT ĐỐI
1402 Phố "D"
Washington D.C
Về việc 2-179-210
Ngày 22 tháng 5 năm, 1946
Ông Barbet kính mến,
Đây là báo cáo tiếp theo của tôi đề ngày mùng 1 tháng năm 1946.
Ngày 14 tháng Năm năm 1946, đối tượng bị sa thải khỏi công ty Vận tải Flying Wheels. Tôi đã tìm hết cách khéo léo điều tra nguyên nhân, song lần nào cũng vấp phải một bức tường đá. Không một ai muốn nhắc đến việc đó.
Tôi chỉ có thể giả định rằng đối tượng đã làm việc gì đó tự bôi nhọ mình vì thế họ không muốn nhắc đến.
Đối tượng đang cố tìm một công việc trong hàng không, song rõ ràng trước mặt hiện nay chưa có triển vọng gì.
- Tôi sẽ cố gắng thu nhập thêm tin tức về lý do tại sao y bị sa thải.
Kính chào ông,
R. Ruttenberg Giám đốc quản trị
***
Ngày 29, tháng Năm 1946
ĐIỆN TÍN
Christian Barbet Cable Christbar
Paris, France
Đã nhận được tin điện, Sẽ chấm dứt ngay việc điều tra lý do đối tượng bị sa thải. Sẽ tiếp tục các công việc khác như cũ.
Kính R. Ruttenberg
HÃNG AN NINH TUYỆT ĐỐI
1 402 Phố "D"
Washington, D. C.
Về việc 2-179-210
Ngày 16 tháng Sáu, 1946
Kính gửi ông Barbet,
Cảm ơn ông về lá thư của ông đề ngày 10 tháng 6 và tấm hồi phiếu của ông.
Ngày 15 tháng Sáu, đối tượng đã nhận việc làm phi công bay kép của hãng Global Airways, hãng máy bay tiếp vận khu vực hoạt động giữa Washington, Boston và Philadelphia.
Hãng Global Airways là một hãng mới, nhỏ với trang bị ba chiếc máy bay quân sự được cải tiến thành dân dụng và theo những tin tức tôi có thể khẳng định họ chưa đủ vốn và đang mắc nợ. Ông phó chủ tịch công ty nay cho tôi biết Ngân hàng Quốc gia số một Dallas có hứa cấp tín dụng trong vòng sáu mươi ngày nữa, với số tiền này họ có đủ vôn củng cố và phát triển sự nghiệp công ty.
Đối tượng được người ta đề cao và có lẽ sẽ có tương lai tốt đẹp tại đây.
Xin ông cho hay ông có cần tin tức gì thêm về Golbal Airways nữa không.
Kính chào ông, R. Ruttenberg Giám đốc quản trị.
***
HÃNG AN NINH TUYỆT ĐỐI
1402 Phố "D"
Washington, D.C.
Về việc 2-197-210
Ngày 20 tháng 7, 1946
Kính gửi ông Barbet, Hãng Golbal Airways bất ngờ tuyên bố phá sản và sắp chấm dứt hoạt động. Theo tôi biết, động tác này là do tác động của việc Ngân hàng Quốc gia số một Dallas đã từ chối không cho họ vay tiền đã hứa trước. Đối tượng lại một lần nữa bị mất việc và quay về với kiểu hành vi như tôi đã nêu ra trong các báo cáo trước đây.
Tôi sẽ không theo đuổi việc điều tra lý do tại sao ngân hàng lại từ chối không cho vay cũng như điều tra các khó khăn tài chính của Golbal Airways, trừ phi ông đặc biệt đề nghị tôi tiến hành việc này.
Kính chào ông, R. Ruttenberg Giám đốc quản trị.
***
Noelle cất giữ toàn bộ các báo cáo và những tin cắt từ các báo trong một chiếc túi da đặc biệt và chỉ có nàng có chìa khoá duy nhất. Chiếc túi đó lại cất trong một valy khoá kỹ và đặt phía sau chiếc tủ áo trong phòng ngủ của nàng, sợ Demiris tọc mạch những tài liệu của nàng bởi vì nàng biết ông rất thích âm mưu vụng trộm. Đây là mối tử thù riêng của Noelle, nàng muốn rằng Demiris sẽ đóng một vai trong vở kịch báo thù của nàng, song ông không bao giờ biết gì cả. Noelle nhìn lại lần cuối cùng bản mục lục giấy tờ rồi khoá lại, đầy vẻ thoả mãn.
Nàng đã sẵn sàng bắt tay vào việc.
Bắt đầu là một cú điện thoại.
***
Catherine và Larry đang ngồi ăn tối trong một không khí im lặng bứt rứt. Gần đây Larry rất ít khi trở về nhà, và mỗi khi trở về nhà, chàng lại cau có, thô bạo. Catherine thông cảm với sự bất hạnh của chàng.
- Cứ như có quỷ dữ bám sau lưng anh vậy - Chàng đã nói như thế với nàng khi hãng Golbal Airways bị phá sản.
Mà đúng thế thật. Chàng đã gặp vận xui liên tục khó mà tin được. Catherine cố tìm cách động viên Larry, cố ôn lại thời kỳ chàng còn là một phi công đại tài và những ai có được chàng đến cộng tác thì thật là đại phúc. Nhưng Catherine cũng cảm thấy nàng đang sống bên một con sư tử bị trọng thương. Nàng không biết trước lúc nào thì chàng sẽ lớn tiếng chừi mắng nàng và vì nàng không muốn làm cho Larry rối chí, nàng cố tìm hiểu những cơn giận dữ điên khùng của chàng và cố gạt chúng sang bên.
Lúc nàng đang dọn món tráng miệng thì có tiếng chuông điện thoại. Nàng nhắc ống nghe nói lên.
- Alô.
Đầu dây đằng kia là một giọng nói của người Anh:
- Larry Douglas có nhà không ạ? Tôi là Ian Whitestone đây.
- Ông đợi cho một lát - Nàng giơ ống nói ra cho Larry - Họ gọi anh đấy, Ian Whitestone.
Chàng nhíu mày, lúng túng:
- Ai nhỉ? Đột nhiên nét mặt chàng rạng ngời - Lạy Chúa tôi. Chàng tiến lên cầm ống nói từ tay Catherine - Ian đấy à? - Lạy Chúa, thế là đã gần bảy năm rồi đấy nhỉ? Làm thế nào mà cậu lùng ra được tớ?
Catherine quan sát thấy Larry gật đầu và mỉm cười trong lúc nghe điện thoại. Sau khoảng năm phút mới thấy chàng đáp:
- Bồ ạ, nghe hay đấy. Được, mình làm được. Ở đâu thế? - Chàng lại nghe - Được. Nửa giờ nữa nhé. Mình sẽ gặp cậu sau.
Chàng đặt ống nghe xuống, vẻ trầm tư suy nghĩ
- Bạn cũ của anh? - Catherine hỏi.
Larry quay lại phía nàng:
- Không, không hoàn toàn như vậy. Thế mới lạ chứ.
- Hắn là một thằng cùng bay với anh hồi trong không quân Hoàng gia. Chưa bao giờ hai đứa hợp với nhau. Thế mà bây giờ hắn nói hắn có một việc làm cho anh.
- Việc gì thế? - Catherine hỏi.
Larry nhún vai:
- Lúc anh trở về anh sẽ cho em rõ.
Gần ba giờ sáng Larry trở về nhà. Catherine đang ngồi trong giường đọc sách. Larry xuất hiện ở cửa phòng ngủ.
- Chào em!
Có chuyện gì đó đã xảy ra làm chàng vui mừng phấn chấn khác thường, một tâm trạng đã lâu lắm Catherine không thấy được ở chàng. Chàng tiến đến bên giường.
- Cuộc gặp mặt của anh ra sao?
- Theo anh thì tuyệt vời - Larry nói có cân nhắc - thực tế là rất tuyệt đến mức anh không thể tin nổi. Có lẽ anh sẽ kiếm được một việc làm.
- Làm cho Ian Whitestone?
- Không. Ian chỉ là một phi công. Anh đã kể với em là bọn anh đã từng bay với nhau.
- Vâng.
- Số là sau chiến tranh, một thằng bạn người Hy Lạp của hắn đã kiếm cho hắn công việc làm phi công tư cho Demiris.
- Đại tư bản ngành tàu biển?
- Demiris thống trị nửa thế giới. Cả tàu biển, khai thác dầu lửa và vàng. Whitestone đã có một chỗ êm ấm ở đó.
- Rồi sao?
Larry nhìn nàng, cười ha hả:
- Whitestone đã bỏ việc. Hắn sắp sang Australia. Một người quen sắp dựng cho hắn một doanh nghiệp riêng bên đó.
- Em vẫn chưa hiểu - Catherine nói - Thế nhưng chuyện như vậy có liên quan gì đến anh?
- Whitestone có nói với Demiris rằng anh sẽ thế chân hắn: Hắn bỏ đi rồi. Demiris không có cơ hội nào để tìm ra người thay thế. Whitestone cho rằng anh rất sẵn sàng nhận công việc này - Chàng ngập ngừng Cathy ạ, em không biết được công việc này sẽ có ý nghĩa với anh như thế nào đâu.
Catherine nhớ lại những lần khác, những công việc khác và nàng nhớ lại người cha nàng, nhớ đến những giấc mơ trống rỗng của ông, nàng cố giữ một giọng bình thản không muốn làm cho Larry phải nuôi hy vọng giả tạo, tuy nhiên nàng cũng không muốn dội một gáo nước lạnh lên sự nhiệt tình của chàng.
- Anh chẳng nói là anh với Whitestone trước đây không phải là bạn bè thân thiết đặc biệt sao?
Chàng ngập ngừng:
- Đúng thế?
Một thoáng ưu tư gợn lên trên trán chàng. Quả thực chàng và Ian Whitestone chưa bao giờ mến nhau. Cú phôn tối nay khiến chàng hết sức ngạc nhiên. Trong cuộc gặp mặt này, Whitestone tỏ ra bồn chồn một cách lạ lùng. Khi anh giải thích hoàn cảnh, Larry bảo:
- Mình ngạc nhiên rằng tại sao cậu lại nghĩ đến mình.
Im lặng lúng túng một lát, Whitestone bảo:
- Demiris cần có phi công xuất sắc và người đó phải là cậu.
Dường như Whitestone ấn công việc đó cho chàng và Larry làm việc này là làm một ân huệ. Anh ta có vẻ rất thoải mái khi Larry nói rằng chàng quan tâm đến công việc và sau đó anh ta có vẻ bồn chồn ra về ngay. Tóm lại đó là một cuộc gặp mặt rất kỳ quặc.
- Đây có thể là một cơ hội cho cả cuộc đời - Larry bảo - Demiris đã trả cho Whitestone mười lăm ngàn drachma(2) một tháng. Tức là năm trăm đô-la và anh ta đã sống như một ông hoàng ở bên đó.
- Thế nghĩa là anh sẽ phải sống ở bên Hy Lạp?
- Chúng ta sẽ sang sống bên Hy Lạp - Larry sửa lại lời Cathy - Với số tiền như vậy thì chỉ sau một năm chúng ta có thể tiết kiệm đủ sống độc lập. Anh đã nhận lời rồi đấy.
Catherine ngập ngừng, thận trọng tìm lời để nói:
- Larry ơi, bên đó quá xa, hơn nữa anh lại không hiểu con người Constantin Demiris ra làm sao. Ở đây cũng có công việc cho anh chứ…
- Không! - Giọng chàng trở nên hung tợn. - Ở đây chẳng có đứa chó nào biết giá trị của một phi công giỏi như thế nào. Chúng chỉ chăm chăm vào việc người ta đã đóng bao nhiêu tiền vào quỹ nghiệp đoàn chết tiệt của chúng. Ở bên đó anh sẽ hoạt động độc lập Cathy ạ, anh mơ ước điều đó đã từ lâu rồi. Demiris có cả một đội phi cơ, em không thể tưởng tượng nổi, và thế là anh lại được bay, cưng ạ. Anh chỉ cần làm vừa lòng có mỗi một người, đó là Demiris, và theo như Whitestone nói thì ông ta yêu quý anh lắm.
Nàng lại nhớ đến chuyện Larry đã làm cho hãng Pan American và những hy vọng chàng đã ấp ủ với hãng đó, rồi những thất bại của chàng với các hãng máy bay nhỏ. Nàng nhủ thầm: Lạy Chúa! Mình phải tham gia vào đó như thế nào? Như thế có nghĩa là nàng phải từ bỏ sự nghiệp mà nàng đã gây dựng và nếu như nàng muốn giữ vững cuộc hôn nhân này, nàng sẽ phải đến sống cùng một chỗ với chàng. Nếu công việc suôn sẻ thì thật là đẹp biết bao.
Chàng sẽ trở lại là một Larry như trước đây. Một người đàn ông mà lúc cưới nàng, chàng đáng yêu, hấp dẫn, tuyệt diệu biết nhường nào. Nàng phải liều một phen xem sao.
Catherine nói:
- Tất nhiên em sẽ theo anh chứ. Anh bay sang gặp Demiris xem sao. Nếu công việc ổn thoả, em cũng sẽ bay sang với anh ngay.
Chàng mỉm cười, nụ cười tươi tỉnh như con nít:
- Anh biết là em đáng tin cậy mà, cưng - Em cởi chiếc áo ngủ ra hay để anh làm cho vậy.
Trong lúc Catherine từ từ cởi áo, nàng nghĩ đến việc ngày mai nàng phải nói gì với Bill Fraser.
Sáng hôm sau, Larry bay sang Athens để gặp Constantin Demiris.
Suốt mấy ngày liền sau đó Catherine không hề bắt được tin tức gì của chàng. Một tuần trôi qua, nàng nghĩ rằng công việc ở bên Hy Lạp không suôn sẻ và Larry sắp quay về. Thậm chí chàng có tìm được việc làm ở chỗ Demiris chăng nữa, cũng không thể nói trước công việc kéo dài bao lâu. Chắc chắn chàng có thể tìm được một việc ở ngay trên đất Hoa Kỳ.
Larry đi được sáu ngày. Catherine nhận được một cú phôn từ hải ngoại gọi về.
Catherine đấy à?
- Alo, chào anh.
- Chuẩn bị hành lý lên đường. Em đang nói chuyện với phi công tư mới được Constantin Demiris tuyển dụng đây.
Mười ngày sau Catherine lên đường sang Hy Lạp.
Chú thích:
(1) Đoạn thư này nguyên văn bằng tiếng Pháp (người dịch).
(2) Đơn vị tiền Hy Lạp.