Con Thắm ôm đầu:
- Eo ôi! Ra là xì ke đấy? Kinh khủng quá!
Bảy nuốt nước bọt:
- Thế dì Sáu có nói gì về con dao không?
- Không.
- Không à! Lạ nhỉ?
Bảy nheo mắt nhìn ra biển một lúc rồi quay lại nhìn Tin, hỏi sang chuyện khác:
- Thế sau khi nghe chuyện này, mẹ mày có nói gì không?
- Mẹ tao không nói gì hết. Mẹ tao chỉ nhìn tao cười cười.
- Thế còn ba mày?
- Ba tao hả? - Tin lim dim mắt - Ba tao nói: “Giỏi lắm, tụi con!”
Mặt Bảy sáng trưng, như có một mặt trời vừa đậu xuống trên tóc nó:
- Ba mày nói là “tụi con” à?
- Ừ.
- Tức là ba mày khen cả tao và con Thắm nữa đấy?
- Chứ gì nữa! - Tin cười toe - Hai đứa mày là phó chúa đảo và chúa đảo phu nhân mà!
Hôm đó, thằng Bảy hỏi Tin bao nhiêu là chuyện.
Nhưng chuyện quan trọng nhất nó lại quên.
Chỉ có con Thắm nhớ:
- Tin này, thế ba của bạn có nói chừng nào sẽ khởi công xây căn nhà kho không?
Đang hào hứng thuật chuyện dì Sáu Dừa, người Tin bỗng nhói một cái, cứ như thể con Thắm vừa dùng mũi kim nhọn khâu câu hỏi đau đớn đó vào tâm trí nó.
Nó vo ve đáp, môi giần giật:
- Ngày mai.
CUỘC SỐNG LÀ THẾ: NIỀM VUI VÀ NỖI buồn cứ nối tiếp nhau, không dừng được.
Ba chúa đảo mới khen chúa đảo hôm trước “Giỏi lắm”, hôm sau chúa đảo đã không còn nhìn thấy hòn đảo của mình nữa.
Tối đó, có ba đứa trẻ thao thức trên chỗ nằm.
Cả ba bồi hồi ôn lại những ngày vui buồn trên đảo Robinson và những biến cố xảy ra quanh hòn đảo.
Chúa đảo và phó chúa đảo nhớ lại trận đánh nhau kinh hồn với thằng Phàn, chỉ nhớ lại trong tâm trí thôi đã thấy sướng râm ran khắp người.
Rồi tụi nó nhớ lại những ngày mưa, những ngày tụi nó túm tụm co ro dưới tán dù mỏng manh để tránh những cơn bão gió mùa quăng quật ầm ầm như những con trăn lớn trên không trung, cán dù rung bần bật trong mười ngón tay.
Tụi nó nhớ lại bài tập làm văn trên lớp, nhớ đến ngày cô giáo và đám bạn ghé thăm đảo.
Con Thắm chả thích thú gì chức “chúa đảo phu nhân”, nhớ lại cái hôn đầy nước bọt của thằng Tin nó càng thấy gớm, nhưng bây giờ thì nó ao ước giá mà có một phép màu nào đó giữ hòn đảo Robinson ở lại với tụi nó, nó sẽ sẵn sàng làm chúa đảo phu nhân suốt đời.
Cuộn mình trong bóng tối, ba đứa trẻ của chúng ta trằn trọc nghĩ ngợi, bất lực và đau khổ, cuối cùng thiếp đi trong tiếng sóng vọng tới từ đâu đó. Trong mơ, hình như tụi nó còn nghe thấy cả tiếng sủa của con sư tử Pig.
BUỔI SÁNG, LÚC ÔM CẶP RA KHỎI NHÀ, Tin đã nghe khóe mắt mình ngân ngấn nước khi nhìn thấy tốp thợ xây lăng xăng trong sân.
Thằng Bảy và con Thắm đứng đợi Tin ngay trước cổng, đã thấy những gì Tin thấy, đã buồn những gì Tin buồn.
Cho nên lúc Tin bước ra, cả ba lặng lẽ bước bên nhau, không ai nói với ai tiếng nào.
Trong ngày trọng đại này, con Thắm xin mẹ đi bộ đến lớp cùng Tin và Bảy, không đi theo xe chị nó như mọi ngày.
Hoa cúc dại ven đường đang kín đảo tỏa hương như thầm nhắc bọn trẻ rằng trời đã vào thu nhưng tâm trạng đang rối bời chẳng đứa nào nghe thấy.
Thằng Phàn lại xuất hiện chỗ đầu hẻm quen thuộc. Nó chống hai tay vào hông, nheo mắt nhìn ba đứa nhóc từ xa đi tới.
- Sắp tiêu rồi hả tụi bay? - Phàn reo lớn, tiếng nó vang vang nhưng phát ra từ một chiếc kèn trompette.
Tụi thằng Tin không đáp, vẫn lầm lũi đi tới.
- Tao biết ngày hôm nay hòn đảo của tụi mày sẽ bị xẻ thịt mà. - Thằng Phàn lại gào lên hoan hỉ, cứ như nó đang khoe có người sắp mổ lợn mời nó đánh chén.
Phàn chỉ đứng bên đường hò hét. Nó chưa dám làm gì bọn trẻ. Dù sao Tin và Bảy vẫn còn là chúa đảo và phó chúa đảo cho đến hết ngày hôm nay.
Còn hòn đảo, Tin vả Bảy vẫn còn lý do để lì lợm.
Thằng Phàn biết thế. Nó đợi cho bọn nhóc đi khỏi một quãng rồi hét vói theo:
- Đợi đấy! Hòn đảo mà bị làm thịt rồi, tao sẽ làm thịt tụi bay!
TIN, BẢY VÀ THẮM LẾCH THẾCH KÉO NHAU qua cửa lớp, ngạc nhiên thấy tụi bạn ồn ào hẳn lên khi tụi nó bước vào.
Nhiều cái miệng nhao nhao:
- A ha! Ba đứa nó đây rồi!
- Chào chúa đảo Robinson!
Bảy ngó quanh:
- Chuyện gì vậy?
Một đứa nói:
- Sáng nay tụi mày không đọc báo à?
Một đứa khác:
- Sáng nay báo nói về hòn đảo Robinson. Rằng nhờ chúa đảo và các cư dân trên đó mà một bọn tội phạm đã bị bắt.
Tin, Bảy, Thắm đưa mắt nhìn nhau: Chắc dì Sáu đã tiết lộ chuyện này cho nhà báo.
Cô giáo xuống tới. Và việc đầu tiên cô làm sau khi ổn định trật tự lớp học là biểu dương tụi thằng Tin:
- Ba em giỏi lắm!
Ba khuôn mặc của chúa đảo, phó chúa đảo và chúa đảo phu nhân khi mới bước vào lớp trông như ba chiếc lá héo đến lúc này đã tươi lên như có mưa xuống.
Cô giáo lướt mắt khắp lớp, tiếp tục làm mưa:
- Các em thấy chưa! Cô đã bảo đó là một hòn đảo mà. Bây giờ thì hòn đảo Robinson đã nổi tiếng rồi, phải không các em?
TỤI BẠN HÔM NỌ ĐÙNG ĐÙNG ĐÒI ĐI thăm hòn đảo ngay sau giờ tan học.
- Tụi mình đã được giải oan rồi. Tụi mình lại lên đảo chơi.
- Nhưng đi ngay bây giờ tao không dẫn con Mi Mi theo được.
- Hôm khác dẫn nó theo. Bây giờ phải tới nhìn hòn đảo một cái.
Tin lắc đầu, giọng nghèn nghẹt, như thể nó đột ngột chuyển qua phát âm bằng mũi:
- Chẳng còn hòn đảo nào cho tụi mày nhìn đâu!
Cả đống miệng há hốc:
- Mày nói vậy là sao?
- Là hòn đảo Robinson không còn nữa. - Tin cố để đừng mếu máo, cảm thấy điều gì đó trong lòng đang tan chảy ra theo từng tiếng nói.
- Vô lý! Vô lý!
- Không tin! Không tin!
Một đống cẳng chân nhảy tưng tưng.
Một đứa xông ra cửa:
- Đi, tụi bay! Thằng Tin xạo đó!
- Đúng rồi, thằng Tin xạo! Một hòn đảo nổi tiếng như thế mà!
Đám bạn rồng rắn kéo đi, bất chấp chúa đảo, chúa đảo phu nhân và phó chúa đảo âu sầu đưa mắt ngó nhau.
NẮNG NHƯ RƠM VÀNG.
Tiếng gì như tiếng lá reo dọc đường đi. Tin nhìn thấy một cánh chim bên trên những tàng cây. Chim gì giống như hải âu vậy ta? Nhưng Tin biết ngay là không phải. Hòn đảo không còn, dĩ nhiên biển cũng không còn. Biển không còn thì hải âu không còn. Đó chỉ là chim sẻ thôi. Ôi, buồn quá!
- Thời tiết như thế này, hòn đảo chắc trông đẹp lắm!
Tiếng một đứa nào đó vọng lại từ đằng trước như xát muối vào lòng Tin.
Nó muốn nhìn sang thằng Bảy và con Thắm một cái nhưng nó cố ép mình đừng nhúc nhích. Nó biết mặt mày hai đứa này chắc cũng đang nhàu nhò như mình.
Sáng nay đã có lúc Tin nghĩ đến chuyện không về nhà. Nó sợ phải nhìn thấy hòn đảo thân yêu biến mất trong mắt mình. Nhưng không về nhà thì Tin chẳng biết đi đâu. Nó còn nhỏ quá.
Nó cố bước thật chậm để trì hoãn thời khắc đối diện với số phận của hòn đảo. Lần đầu tiên nó muốn con đường từ trường về nhà kéo dài mãi mãi, đi hoài không tới.
Nhưng đám bạn trước mặt nó đi nhanh quá.