Thật ra, lúc Phó Kính Thù mới nghe cái tên “Phó Duy Tín” thậm chí trong nhất thời không nhớ nổi đó là ai. Cũng may anh sớm nhận ra sự nặng nề trong sắc mặt của Lục Ninh Hải mà kịp thời phản ứng, người cũng mang họ Phó này chính là con trai ruột của bà chủ Trịnh, anh em cùng cha khác mẹ với Phó Duy Nhẫn, anh đối với người này phải gọi một tiếng “chú”.
Nhưng anh với người chú này chưa từng gặp mặt đến khi nghe tin ông qua đời.
Năm xưa bà chủ Trịnh không có con, đó là nỗi đau to lớn nhất trong lòng bà, cho đến tuổi trung niên lại có thể sinh ra một đôi song thai long phượng, bà coi đó là ân huệ to lớn mà trời cao ban bố ình. Đôi song sinh của bà nhỏ hơn Phó Duy Nhẫn mười tuổi, là con ruột của Phó Truyền Thanh nhưng sinh trưởng trong hoàn cảnh không giống nhau, hơn nữa bé trai của cặp song sinh này chính là máu thịt của bà chủ Trịnh, từ nhỏ đã cưng chìu ôm ấp trong tay, chỉ e không đem được mọi tinh hoa của cuộc đời mà ban cho nó.
Nghe nói Phó Duy Tín này cũng không làm bà chủ Trịnh thất vọng, sinh ra trong gia đình giàu có từ nhỏ đã phong độ oai nghi, cao lớn khôi ngô, tính tình thông minh hướng ngoại, so với Phó Duy Nhẫn mặt mày nhợt nhạt thiếu sức sống mà nói, càng lộ ra sự khỏe mạnh rạng ngời. Khi còn sống Phó Truyền Thanh luôn cảm thấy áy náy với con riêng của mình là Phó Duy Nhẫn, nhưng nói đến thật tâm yêu quý, ông lại để lòng nghĩ đến đứa con ở cạnh hơn, vả lại tính cách của Phó Duy Tín so với ông lại có nhiều điểm tương đồng. Điều này làm cho bà chủ Trịnh rất an ủi, cũng xua tan nỗi buồn chồng có con riêng không ít trong lòng.
Trước khi Phó Truyền Thanh lâm chung, hy vọng vợ mình có thể nhận Phó Duy Nhẫn đưa về Tây Á, cùng lúc đó đem hết cơ nghiệp trăm năm của mình và bà chủ Trịnh giao lại cho Phó Duy Tín, đây cũng là nguyện vọng chung của hai vợ chồng ông.
Phó Duy Tín sinh ở Mã Đại, mười mấy tuổi đã được đưa sang Châu Âu học, tính cách đều tương đối bị Tây hóa. Ông đối với việc thừa kế tổ nghiệp gia tộc cũng không hề để ý. Cha mất đi, gia đình đều do mẹ ông kiên cường lèo lái, bản thân chỉ thích tự do tự tại làm chuyện mình muốn. Trọng tâm sinh hoạt của ông là hưởng thụ cuộc đời, hưởng thụ mỹ nhân, hưởng thụ tất cả những thứ xa hoa phù phiếm.
Bà chủ Trịnh đối với thái độ coi cuộc sống như trò tiêu khiển này cũng phê bình kín đáo, bà hy vọng con trai có thể hồi tâm, quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp gia tộc, để tránh sau này khi tiếp nhận sẽ túng ta lúng túng. Nhưng Phó Duy Tín lại cảm thấy anh trai cùng cha Phó Duy Nhẫn và chị ruột Phó Duy Mẫn đều thích hợp với việc này hơn so với bản thân mình.
Tuy nhiên, Phó Duy Tín mặc dù bản thân không thể bỏ tật ham chơi, nhưng là người coi trọng tình nghĩa, tình cảm với chị ruột từ nhỏ đã rất tốt, cả khi vui lẫn khi buồn, đối với anh trai khác mẹ là Phó Duy Nhẫn cũng đối xử không quá tệ. Lúc Phó Duy Nhẫn bệnh, ông ta từng chạy về thăm, còn nhiều lần khuyên mẹ mình nên đối xử tử tế với đứa con cô độc mà anh trai để lại trong nước. Điều này lại chạm đến một nỗi đau khác của bà chủ Trịnh, Phó Duy Nhẫn dù làm thế nào cũng không vừa lòng bà còn có hậu nhân, vậy mà Phó Duy Tín tuổi không còn nhỏ, lại chẳng chịu tìm phụ nữ mà tính chuyện sinh con đẻ cái, vì quan niệm truyền thống này khiến bà chủ Trịnh luôn nóng nảy bất an. Cho dù con gái mình đã lập gia đình sinh con, nhưng chỉ có con do Phó Duy Tín sinh ra mới là cháu của bà, danh chánh ngôn thuận trở thành hậu nhân của Tam phòng Phó gia.
Bất hạnh là chuyện bà chủ Trịnh sợ nhất cũng đã thành sự thật. Hai tháng trước, Phó Duy Tín cùng với người bạn du thuyền ở Nam Mỹ thì gặp tai nạn ngoài ý muốn, lúc vớt lên đã không còn cách cứu chữa, lúc này ông chỉ tròn ba mươi sáu tuổi, tuy có một người bạn gái mật thiết nhưng không để lại đứa con nào.
Cái chết của Phó Duy Nhẫn khiến cho bà chủ Trịnh đang bước vào tuổi xế chiều bị đả kích nặng nề, vì quá thương tâm nên lâm bệnh không thể ngồi dậy, chứng suy tim cũ lại tái phát ác liệt hơn, con gái con rể mà mọi người trong gia đình đều cho rằng bà không qua nổi cửa ải này, đại diện của Nhị phòng cũng bay đến Cát Long (Kuala Lumpua – thủ đô Malaysia) thăm hỏi, luật sư cùng gia tộc và những quan chức cao cấp trong công ty đều vây quanh đầu giường, ai cũng rối trí chuẩn bị đến thời khắc xấu nhất. Nhưng không ngờ, bà chủ Trịnh cuối cùng lại qua khỏi, trước đây không lâu đã có thể xuống giường đi lại. Cùng lúc đó, luật sư đại diện cho Phó gia ở trong nước là Lục Ninh Hải lại theo ý bà xuất hiện tại Phó gia Hoa viên.
Phó Kính Thù nghe xong mục đích viếng thăm của Lục Ninh Hải, yên lặng một hồi, chỉ nghe được tiếng lắc rắc của âm thanh cắt nhành hoa từ cây kéo làm vườn anh đang cầm trong tay. Lục Ninh Hải đang đợi câu trả lời, ông thấy đây có lẽ là đáp án rõ ràng nhất.
“Chỉ một cái họ thì quan trọng đến vậy sao?’ Phó Kính Thù ngẩng đầu hỏi Luật sư.
Lục Ninh Hải đưa mắt nhìn người thanh niên đối diện, ông phát hiện mình cũng không thể hoàn toàn nhìn thấu tâm tư cậu ấy. Đối thoại với người thông minh vừa là điều thoải mái lại vừa là chuyện phiền hà. Thoải mái vì không gặp những câu nói vô vị đáng bực mình, phiền hà là vì những câu nói quá thẳng thừng có đôi lúc làm người khác không khỏi lúng túng.
Lục Ninh Hải nói: “Điều này còn phải xem là đối với ai”.
Ít nhất cả hai đều biết, một chữ “Phó” có quan hệ huyết mạch cùng Phó gia đối với bà chủ Trịnh mà nói là tất cả. Lúc Phó Duy Tín còn sống, bà cơ bản không để mắt đến Phó Duy Nhẫn, cũng có thể làm bộ quên lãng trong nhà còn có một đứa trẻ họ Phó tồn tại. Vì con trai ruột của bà còn trẻ, tương lai bà sẽ có đầy con cháu, đến ngày bà xuôi tay nhắm mắt có thể đem cơ nghiệp mà Phó gia khổ sở gầy dựng cả đời giao lại cho con cháu ruột cùa mình, đời đời truyền lại sự nghiệp tổ tông cho huyết mạch của bà và chồng.
Nhưng Phó Duy Tín trẻ trung phong độ bỗng dưng như lá rụng lìa cành. Sau khi bà vượt qua cửa ải sinh tử, đón nhận sự thật tàn khốc con trai đã vĩnh viễn bỏ mình ra đi, đồng thời phải đối mặt trước tình cảnh Tam phòng Phó gia không còn ai hương khói. Phó Duy Tín không để lại con trai con gái gì, nhưng con gái và con rể của bà chủ Trịnh thì chẳng cần lo. Tuy nhiên con gái là con của người ta, cháu ngoại rốt cuộc cũng là con nhà người khác, đến khi bà chết thì Tam phòng Phó gia cũng coi như tuyệt tự tuyệt tôn, tất cả đều giao về cho họ nhà con rể, sự nghiệp mà hai vợ chồng bà cả đời gầy dựng bằng máu và nước mắt đều phó mặc cho dòng nước.
Dĩ nhiên, bà chủ Trịnh cũng không phải không còn lựa chọn, nhà mẹ đẻ ở bản xứ nổi danh một thời tuy có chút suy tàn nhưng cũng không ít người, xa thì Nhị Phòng tại Đài Loan cũng có người để mắt, nói chung có thể từ trong số con cháu đông đúc của Nhị Phòng chọn ra một người kế thừa Phó Duy Tín đã mất, dù xấu tốt gì cũng là người của Phó gia.
Bà chủ Trịnh đã già, hơn nữa trận ốm nặng lần này càng làm cho bà lĩnh ngộ được, người dù ạnh mẽ đến đâu cũng có một ngày lực bất tòng tâm, bà nhất định phải vì chuyện sau này mà lo nghĩ. Bà nhớ đến lúc hôn mê, tựa hồ giữa khoảng mông lung của hai bờ sinh tử thấy được người chồng đã qua đời Phó Truyền Thanh, bộ dạng vẫn còn ngời ngời như lúc trẻ. Chính vì như vậy, bà chủ Trịnh mới đem cả cuộc đời con gái mà phó thác cho ông, từ đó nương dựa vào nhau, trút hết tâm huyết giữ cho được căn cơ Phó gia Tam phòng.
Sau khi tỉnh lại, thật ra trong lòng bà đã có câu trả lời. Con gái con rể bà sẽ để lại một phần của cải, bảo đảm một đời không phải lo ăn lo mặc. Phía nhà mẹ ruột thì mấy thập niên qua cũng đã nhận được quá nhiều từ bà. “Hảo ý” của Nhị phòng bà thấy không thể nào tiếp nhận, vì dù sao người anh thứ hai này cũng chỉ là được nhận nuôi, chỉ mang cái họ “Phó” thôi. Duy nhất còn lại cậu bé ở Hoa viên Phó gia, vốn bà không định gặp lại cha con bọn họ, hơn nữa còn hận cha con họ chỉ sinh ra từ cuộc ái ân nhơ nhuốc của chồng mình, nhưng bây giờ cũng phải thừa nhận, cậu ta mới thật sự là huyết mạch của Phó gia Tam phòng, cũng là giọt máu cuối cùng còn lại trên đời của người chồng mà bà yêu quý nhất.
Bà chủ Trịnh quyết định không chần chừ nữa. Thừa lúc bây giờ còn kịp, đứa bé kia đang tuổi vị thành niên, cha mẹ đều qua đời, nếu đón cậu ta về chắc rằng cậu ta sẽ cảm động rơi nước mắt. Chỉ cần chọn thời điểm tốt vun bồi, chưa chắc không phải là một hạt giống tốt. Huống chi bà nghe Lục Ninh Hải nói qua, đứa bé đó vốn tính tình không giống cha nó, thông minh, trầm ổn, tới lui đều quyết đoán, đây chính là người hiện giờ bà và Phó gia cần, nói không chừng trong bóng tối đã le lói ánh quang minh.
“Bà chủ Trịnh muốn tôi chuyển lời với cậu, những tháng ngày qua bà cũng rất quan tâm đến sự trưởng thành của cậu. Cuộc sống của cậu ở đây cũng có thể nói là trải qua tôi luyện”. Lục Ninh Hải nói với Phó Kính Thù.
“À!” Phó Kính Thù ngừng tay cắt tỉa hoa một chút. Lục Ninh Hải cười gượng, ở trước mặt cậu thanh niên này nói ra những lời trái lòng như vậy, bản thân ông cũng thấy là hành động buồn cười, nhưng vì là trách nhiệm nên không thể không làm.
“Cám ơn ông, Luật sư Lục”.
“Đừng khách sáo”. Lục Ninh Hải trầm ngâm chốc lát, mới tỏ thái độ quan tâm đến việc bận của người thanh niên: “Tôi hiểu… Nhưng chuyện quan trọng, tôi chờ quyết định của cậu”.
Phó Kính Thù im lặng không lên tiếng. cánh hoa to bằng ngón út bị anh cắt đứt rơi xuống đất, đáng tiếc đó lại là một cành hoa tươi tốt sum xuê.
“Đừng làm hỏng hoa của anh chứ”.
Phó Kính Thù quay đầu lại, Phương Đăng ngồi trên đầu tường rào nhìn anh cười. Trước đó Lục Ninh Hải đã lẳng lặng rời đi.
“Xem ra em vẫn không bỏ được sở thích trèo tường”. Phó Kính Thù nói.
Phương Đăng duỗi chân, giọng nói nhẹ nhàng: “Làm sao biết được, nói không chừng sau này lại chẳng thể trèo lên nữa”.
Cô nhảy xuống đi vài bước đến bồn hoa, lấy đi chiếc kéo trồng vườn trong tay Phó Kính Thù, tự mình cắt vài nhát, rồi thờ ơ nói: “Anh nên đi”
“Em muốn anh đi sao?” Phó Kính Thù dĩ nhiên không tin đây là lời nói thật tâm của Phương Đăng. Họ đều không quên, chính trong tiểu viện này, anh đã hứa sẽ không đi, có hồ ly đá và ngọn gió kia làm chứng.
“Bây giờ không còn như trước đây!” Phương Đăng cười hì hì nói: “Trước kia là anh không đi được, bây giờ bà chủ đó đang gấp rút chờ anh… Với lại, anh đi không, em cũng phải đi”.
“Sao chứ?”
“Đại luật sư họ Lục nói ông ấy muốn nhận em làm con nuôi, cùng ông ta dọn ra thành phố sống. Phó Thất, anh nói có phải chúng ta cùng nhau khởi sắc không?”
“Lục Ninh Hải?” Phó Kính Thù khẽ cau mày, chuyện Phương Đăng nói với anh là điều vô cùng bất ngờ.
Phương Đăng lấy cùi chỏ híc Phó Kính Thù một cái: “Sao, không tin hả? Em không thể may mắn vậy sao? Con gái của Luật sư, so với “con gái của sâu rượu” hay “con gái nhà tội phạm bắt cóc” có phải hay hơn nhiều lắm không?”
Phó Kính Thù hoài nghi hỏi: “Em đồng ý với ông ta?”
“Tại sao không?” Phương Đăng nói: “Không phải ai cũng muốn bản thân mình sống tốt hơn sao?”
Cô dùng bộ dạng quen thuộc nghiêng đầu nhìn anh mỉm cười. Phó Kính Thù lại thấy vô cùng khó chịu.
“Em đâu phải không biết…”
“Em biết” Phương Đăng mau chóng cắt ngang lời anh nói: “Cũng vì biết, em mới nói anh nên đi”
Sự đắn đo của anh chỉ có Phương Đăng hiểu rõ nhất. Nỗi hận nhiều năm bị bỏ rơi ở nơi này, vết xe đổ của cha mình, thân thế không minh bạch… Còn có cô, đều là những nguyên nhân khiến anh do dự.
“Anh cam tâm cả đời sống thế này sao? Bị nhét vào chỗ này phó thác cho số mệnh, bị người một nhà như Phó Chí Thời coi thường như vậy, nó còn nói chúng ta là chuột cùng ổ. Anh cũng biết loài chuột sống thế nào mà, không thấy được ánh sáng, ai ai cũng chán ghét, ăn thứ rác rưởi của người khác để lại, nghe chút tiếng động là sợ đến run người. Phó Thất, chúng ta có thể không sống thế này đúng không? Lần này anh đi, chính là cơ hội tốt nhất để thay đổi vận mạng… thay đổi số mệnh của hai chúng ta”.
“Vậy sao?” Phó Kính Thù nhắm mắt lại, những gì Phương Đăng nói sao anh lại không hiểu rõ, chỉ là những gì ở phía trước đều không thể dự đoán, tại sao đến lúc anh chấp nhận sự an bài của số mạng thì lại có một cơ hội bất ngờ đến vậy.
“Anh sống tốt, em mới vui vẻ được”. Phương Đăng nhấp kéo vào cành hoa rũ xuống nhìn giống loại hải đường, cắt xuống một phiến lá khô héo. “Anh đã nói, một chậu hoa không tươi tốt, chẳng qua chỉ là triệu chứng, có cắt tỉa chăm bón thế nào cũng vô dụng, ổ bệnh đã nằm trong gốc rễ của nó rồi”.
Lúc ăn cơm tối, A Chiếu vội vã kéo Phương Đăng qua một bên.
“Chị, nghe nói anh Thất muốn đi nơi khác… Hình như là ra nước ngoài”.
“Cậu bắt tin cũng nhạy ghê”. Phương Đăng tiếp tục ăn phần cơm của mình.
“Sao lại như vậy được”. Nhìn A Chiếu như là sắp khóc đến nơi. “Chị có thể khuyên anh ấy đừng đi không”.
Phương Đăng nhìn A Chiếu, cậu ta đã cao hơn, hai hàng nước mũi nhỏ dài cũng không còn nữa, chỉ là nét ngây thơ trên mặt chưa mất đi. Cậu ta mới mười ba tuổi, nhưng cứ cho là mình đã lớn, bây giờ đánh nhau còn ác hơn cả Phương Đăng, tuy là gầy, nhưng bề trong lại lộ ra sự dũng mãnh, mỗi khi gây nhau với người khác, không đánh người ta ngã thì nhất định không bỏ qua, hiện tại bọn trẻ cùng lứa ở cô nhi viện đều có chút kiên nể cậu ta. Phương Đăng thật sự không biết những gì lần đầu mình dạy cậu ta rốt cuộc là đúng hay sai. Bây giờ cậu ta không bị người khác bắt nạt, còn cả ngày muốn bảo vệ Phương Đăng, đứa bé này rất liều mạng, trong thế giới của cậu ta, chỉ có bản thân mình, có chị Đăng, anh Thất, đây chính là tam giác sắt bất di bất dịch, họ ở đây, cậu ta mới có gia đình.
Phương Đăng sợ A Chiếu buộc mình đi giữ Phó Kính Thù lại, làm cho anh vô duyên vô cớ không vui, liền nói thẳng: “Đi thì đi, tôi để anh ấy đi”
“Tại sao?” A Chiếu không thể nào hiểu được.
“Tại sao gì chứ?” Phương Đăng giả vờ hồ đồ.
“Chị, chị ngốc quá. Chị và anh Thất ở đây không phải rất tốt sao, anh ấy đi rồi, nói không chừng sẽ không trở lại”.
A Chiếu nói xong, thấy Phương Đăng vẫn yên lặng ăn cơm, cậu ta kéo tay áo cô, cô dứt khoát hất tay cậu ta, quay đầu đi ra ngoài.
Phương Đăng đến một chỗ không người, đem từng miếng cơm nhét vào miệng mình, dường như không có thời gian dừng lại thì sẽ ít đau khổ hơn. Ngay cả A Chiếu cũng biết, anh đi rồi không biết khi nào sẽ trở về. Ở trên đảo này, anh là Tiểu Thất của cô, cô còn có thể nắm giữ cái bí mật đó, thỉnh thoảng lại tự ình quyền mơ ước xa vời. Song khi ngay lúc anh ra đi, anh sẽ là Phó Kính Thù, quang minh chính đại trở thành người của Phó gia, cô coi như là người có liên hệ huyết thống với anh, là em họ nhà người mẹ xấu xa của anh, và giữa họ là không bao giờ có thể.