Bạn già của chú Lưu họ Ngô, Trình Nặc gọi bà là thím Ngô, một bà thím mập mạp đôn hậu.
Thấy Trình Nặc đến, thím Ngô vội gọi cô vào nhà ngồi, chú Lưu cũng dừng tay, pha trà cho cô. Quá khách khí đâm khiến Trình Nặc ngượng ngùng. Lúc nói đến chuyện tá túc, thím Ngô lập tức bảo không thành vấn đề.
“Nhà chú thím không có gì, chỉ có nhiều phòng, cả tầng hai đều trống không. Đừng nói là mấy ngày, dù ở lâu dài cũng không thành vấn đề!”
Vừa nói vừa muốn dẫn Trình Nặc lên lầu nhìn. Trình Nặc đã đến nhà chú Lưu mấy lần nhưng vẫn chưa lên tầng hai. Nhìn từ bên ngoài thì tầng hai không cao, giống các lầu gác khác. Trên mặt tường đối diện với sân được lắp một dãy cửa sổ kiểu cổ, là loại cửa sổ Trình Nặc đã thích từ lâu lắm rồi.
Cô đi theo thím Ngô lên lầu. Cầu thang cũng bằng gỗ, có hơi hẹp. Lên đến đầu cầu thang là dẫn ngay tới sàn nhà tầng hai. Ở lối vào còn có một cánh cửa nhỏ, khi khép lại, cầu thang biến mất.
Quả nhiên phòng không cao, nóc nhà hình chữ 人. Bốn phía thấp xuống, chỉ quá đầu Trình Nặc một xí, ở giữa nhô cao. Nếu to con như Bạch Nguyên hay Tông Lãng thì đến đây chắc phải khom người.
Cả tầng hai chỉ có mỗi gian phòng này, rất lớn. Trên mặt tường trước sau có rất nhiều cửa sổ, đều là cửa sổ chạm rỗng kiểu cổ, thế nên trong phòng luôn tràn ngập ánh sáng, không vì thấp bé mà thấy chật hẹp.
Giường đặt chính giữa, không có chăn đệm. Cạnh giường là tủ đứng kiểu cũ. Dưới cửa sổ sau có kê bộ bàn ghế xinh xắn. Trên tường ở cuối giường có xếp ít đồ lặt vặt. Tường xây từ gạch xanh không quét vôi, sàn nhà ghép từ các mảnh gỗ dài. Dù phòng để trống nhưng không hề có bụi, có thể thấy là quét dọn thường xuyên.
Chỉ mới nhìn thôi mà Trình Nặc đã thích căn phòng này rồi.
Thím Ngô nói: “Đây là phòng của con gái thím trước khi nó đi lấy chồng, con bé gả xa, một năm cũng không về được hai lần nên mới để trống. Nếu cháu không chê thì cứ ở đây.”
Trình Nặc đáp sao có thể chê được, “Cháu thích nơi này lắm ạ.”
Cô sờ khung cửa cổ xưa đã có phần mục nát, “Cửa sổ kiểu này đẹp quá.” Nói xong lại lấy điện thoại ra chụp rất nhiều ảnh.
Bất giác phát hiện ngoài cửa sổ có một ngôi nhà khác. Cũng là nhà cũ hai tầng tường trắng ngói đen, trong sân trồng hoa quế, tán cây rất rộng, ít nhất cũng có tuổi thọ mấy chục năm. Giờ đang vào cuối thu nên trên cây nở đầy hoa vàng, hương hoa phảng phất theo gió.
Trình Nặc thấy làm lạ, sao trước kia không để ý đến ngôi nhà kia nhỉ, cô hỏi thím Ngô: “Kia là nhà ai ạ?”
Thím Ngô nhìn rồi nói: “À, đó là nhà ông Tông. Trước kia ông Tông ở, bây giờ chỉ có một mình Tông Lãng.”
Trình Nặc khó tin a lên, đúng lúc này, có người bước ra khỏi nhà, đứng dưới tán cây hoa quế nhìn sang đây.
Chính là Tông Lãng.
Tông Lãng giơ tay lên chào hỏi với bên này.
Thím Ngô hỏi anh: “Tiểu Lãng à, hôm nay về sớm thế?”
Tông Lãng đáp vâng: “Hôm nay không có chuyện gì cả ạ.”
Thím Ngô lại hỏi anh, “Đã ăn chưa, chưa ăn thì tới đây ăn cùng. Vừa hay hôm nay có hầm gà.”
Tông Lãng cũng không khách khí mà nhận lời.
Thím Ngô quay sang nói với Trình Nặc: “Cháu cũng ở lại đi, canh gà nhà đấy, người trong thành phố dù có tiền cũng không mua được đâu!”
Trình Nặc mắc cỡ xua tay, “Không cần không cần đâu, thức ăn buổi trưa vẫn còn dư nhiều lắm, cháu về ăn là được rồi.”
Bụng thầm nghĩ, sao lại trùng hợp thế chứ, Tông Lãng ở ngay sau nhà của chú Lưu. Hơn nữa, nhà anh ta cũng hai tầng, kết cấu giống hệt kiểu nhà chú Lưu, nên cửa sổ của tầng hai đối mặt với nhau.
Thím Ngô vờ mất hứng, “Cháu chuyển đến cũng được ít hôm rồi, phải sớm ăn chung một bữa chứ. Châm ngôn có câu mời đến không bằng ngẫu nhiên gặp, hôm nay cứ ở lại ăn đi!”
Trình Nặc không cưỡng được, đành phải gật đầu, “Vậy cháu xin làm phiền ạ.”
Thím Ngô cười nói phiền gì đâu, rồi lại gọi Tông Lãng bảo anh nhanh chân lên.
Tông Lãng nói sẽ đến. Trình Nặc thấy anh vào nhà rồi xách túi đi ra, sau đó đi tới bên tường gần nhà chú Lưu, hai tay chống lên, dễ dàng bay qua tường.
Đi xuống cầu thang, Tông Lãng đã đứng trong sân nói chuyện với chú Lưu.
Tông Lãng đưa chiếc túi trong tay cho thím Ngô, “Đây là thuốc tháng này thím à, hôm qua đem về mà quên đưa cho thím.”
Thím Ngô lau tay, nhận lấy túi, “Tháng nào cũng đều làm phiền cậu hết.”
Tông Lãng cười nói, “Thế thì cháu còn lại nhà chú thím ăn gà nữa mà.”
Nói rồi lại tiếp tục chuyện trò với chú Lưu, cũng không có ý định chào hỏi Trình Nặc.
Trình Nặc suy nghĩ rồi cũng mặc kệ anh ta, đi theo thím Ngô vào bếp.
Nhà bếp không nối liền với nhà chính mà ở trong một gian nhỏ đơn độc ở phía đông sân nhà. Trình Nặc đi theo, phát hiện trong nhà bếp không chỉ có bếp đất mà còn có cả bếp lò lát gạch sứ, bên trên đặt bếp gas, dùng thiết bị hóa lỏng.
Trình Nặc vỗ đầu, sao mình không nghĩ ra nhỉ. Không có khí thiên nhiên thì có thể dùng thiết bị hóa lỏng mà. Như thế thì không cần lo chuyện củi nữa rồi. Tính toán, đợi hai ngày nữa khi đội thi công nghỉ ngơi, cô sẽ lên trấn sắm một bộ mới.
Cháo gà đã hầm trong nồi chất trên bếp đất, mùi thơm lan tỏa. Trong bếp có hệ thống cấp nước, thím Ngô cất túi rửa tay, chuẩn bị xắt rau, vừa xắt vừa nói với Trình Nặc: “Đều là rau nhà tự trồng, không có thuốc trừ sâu lại tươi nữa.”
Trình Nặc nói chuyện mình có vườn rau, vừa nói vừa giúp thêm lửa dưới bếp.
Nhanh chóng nấu xong cơm, Trình Nặc giúp bưng đồ lên bàn ở nhà chính, Tông Lãng cũng phụ sắp bát đũa.
Quanh năm chỉ có hai người chú Lưu và thím Ngô ăn cơm ở nhà nên rất quạnh quẽ. Hôm nay nhiều người, chú Lưu lấy rượu rót cho Tông Lãng một ly, rồi khăng khăng đòi rót cho Trình Nặc nữa.
Trình Nặc nói sợ say, chú Lưu bảo: “Đường có đoạn thôi, dù say cũng không sao đâu, bảo Tiểu Lãng cõng cháu về là được.”
Trình Nặc nhớ lại chuyện ngày đầu tiên ở trên trấn, mình uống say ở chỗ ông chủ mập rồi được Tông Lãng đưa về, thế là càng không dám uống.
Bàn vuông, mỗi người ngồi một bên, Tông Lãng ngồi ngay bên phải Trình Nặc. Anh xít lại gần, cười khẽ: “Không phải cô thích uống rượu lắm à.”
Trình Nặc trừng mắt với anh, cuối cùng ly rượu trong tay cũng bị chú Lưu cầm lấy, rót gần nửa ly.
Tay nghề của thím Ngô rất tốt, làm mấy món đơn giản mà rất ngon. Rồi lại khách khí nhường hai cái đùi gà cho Trình Nặc và Tông Lãng. Trình Nặc xấu hổ, nhưng lại thấy Tông Lãng chỉ mấy hồi đã gặm sạch sẽ cái đùi.
Trình Nặc nghĩ, một năm chưa chắc thím Ngô và chú Lưu đã chịu giết gà mấy lần, thế mà hay, đều để hai người họ ăn cả.
Trên bàn nói tới chuyện con cái chú Lưu, một trai một gái, giờ một người đã lập gia đình ở trên tỉnh, một người gả đến thành phố Lâm Hải ở xa, có lúc Tết cũng không về được.
Chú Lưu nói, “Cũng chịu thôi, đám trẻ bây giờ đều không muốn ở lại cù lao. Chưa đến mười mấy hai mươi năm nữa, rồi đám người già như chú cũng sẽ qua đời, chỉ sợ cù lao này sẽ biến mất.”
Trình Nặc không lên tiếng. Cô rất thích nơi này, cũng rất muốn ở đây trong quãng đời còn lại của mình. Nhưng thế sự luôn không được như ý, cô cũng từng nghĩ mình và Lâm Dĩ An sẽ sống bạc đầu ở thành phố T, cuối cùng lại không thể được mãn nguyện.
Thế nên, cô không dám tùy tiện nói ra câu muốn ở đây đến hết đời.
Tông Lãng nói: “Không phải còn có cháu đây à, yên tâm đi, nhất định nơi này sẽ có người ở.”
Chú Lưu cười, “Mấy năm nay cũng may là có cháu, nếu không trên cù lao toàn người già trẻ nhỏ, cũng không dễ chịu gì.”
Trình Nặc nghe mà thấy lạ, không hiểu ý của chú Lưu.
Chú Lưu nói, “Tiểu Trình chưa biết à, trên cù lao này ngoài Tông Lãng ra thì đều là người già trẻ nhỏ, nhà ai có việc tốn sức thì đều tìm cậu ấy giúp, mà cậu ấy cũng rất sẵn lòng.”
Thím Ngô cũng nói: “Như đống thuốc hạ huyết áp thím uống đấy, trên trấn không dễ mua, cũng may mỗi tháng Tiểu Lãng lại mua trong thành phố về cho thím. Đã năm sáu năm rồi, mua hàng tháng, cho tới nay chưa từng thiếu.”
Trình Nặc nhìn Tông Lãng, anh đang húp cháo gà. Nghĩ bụng thì ra trong mắt mấy người chú Lưu anh lại là người tốt. Cô lại nghĩ đến chuyện băng vệ sinh, chẳng lẽ anh thực sự tốt bụng nên mới giúp, chứ không có ý gì khác?
Một bữa cơm, vừa trò chuyện vừa ăn uống cho đến khi sắc trời tối hẳn.
Trình Nặc tạm biệt chú Lưu và thím Ngô, thím Ngô lại gọi Tông Lãng đến, muốn anh đưa cô về.
Trình Nặc vội nói không cần, “Cũng không xa lắm, chỉ mấy bước là đến rồi.”
“Dù đường không xa, nhưng trời quá tối không nhìn rõ, cháu lại còn uống rượu, vẫn nên để Tiểu Lãng đưa cháu về đi.”
Trình Nặc còn định từ chối, nhưng Trình Nặc đã đi ra ngoài trước cô.
Lần này Tông Lãng không đem đèn pin mà lấy dùng đèn pin ở điện thoại. Hai người vẫn một trước một sau đi về.
Tông Lãng nói: “Hôm nay không uống say à?”
Trình Nặc giải thích: “Thật ra tôi rất ít khi uống rượu.” Chỉ có mấy lần đó mà thôi, mà lần nào cũng bị anh bắt gặp.
Tông Lãng cười, “Thi thoảng uống say cũng không tệ.”
Trình Nặc lại nhớ đến lần đầu uống say, bèn hỏi cô: “Khi tôi say, là yên tĩnh hay làm càn?”
Cô nghĩ, nếu là làm càn thì từ nay không cần uống rượu nữa.
“Rất yên tĩnh.” Anh trả lời, “Chỉ là nói hơi nhiều.”
Trình Nặc cảnh giác, hỏi anh: “Tôi nói gì?”
Anh lại bật cười, vì trời quá tối nên Trình Nặc không thấy rõ vẻ mặt của anh, chỉ nghe thấy tiếng cười không có ý chế nhạo, cứ như đang nghĩ đến chuyện vui nào đó.
“Cũng không nói gì cả, chỉ cứ đòi đồ.”
“Đòi gì? Rượu à?” Trình Nặc còn nhớ, cô cứ nằng nặc đòi rượu với Thiệu Hồng.
Trình Nặc lại không trả lời, nói mình không nhớ.
Trình Nặc lườm anh, đáng tiếc vì trời tối nên anh cũng không nhìn thấy.
Về đến nhà, Tông Lãng vẫn đợi cô vào nhà, khóa cửa rồi mới rời đi.
Rửa mặt xong, cô ngồi trên giường xem ảnh mình chụp ở nhà chú Lưu. Ngẫm nghĩ không bằng cơ hội sửa nhà này mà lắp thêm nhiều cửa sổ chút. Lại bỏ mảnh gỗ ngăn cách ở giữa nhà đi, thông hai gian với nhau, như thế nhà sẽ sáng hơn.
Dù sao cũng chỉ có một mình cô ở nhà này, không cần nhiều phòng lắm.
Cô lại chọn mấy tấm trong đống hình, có ảnh chụp lúc mấy người chú La dựng trụ, có ảnh chụp cửa sổ nhà chú Lưu, còn cả giường trúc và nồi thịt kho tàu kia nữa, đều post lên weibo cả, rồi lại như ngày thường viết vài dòng làm nhật ký.
Lúc tắt laptop vẫn chưa đến chín giờ, nhưng hôm nay cô mệt rồi, ngáp dài một cái rồi chuẩn bị đi ngủ.
Từ sau khi dọn tới nơi này, cô đã hình thành thói quen ngủ sớm dậy sớm, chất lượng giấc ngủ rất tốt. Quan trọng nhất chuyện là, cả ngày bận rộn, những chuyện cũ trước kia ở thành phố đều như cách cô một ngày một xa.