Trống đồng, được ghi nhận bắt đầu xuất hiện từ thời đại Hồng Bàng, khi các người dân Bách Việt hùng cứ cả một khu vực rộng lớn trải dài từ Nam Trường Giang đến Bắc Bộ, với rất nhiều bộ lạc lớn nhỏ nhác nhau. Trong đó, chỉ những vị thủ lĩnh nắm giữ quyền lực tối cao mới có được trống đồng, so với đế ấn của các triều đại phong kiến thời sau còn cao quý hơn.
Mỗi bộ lạc Bách Việt khác nhau, lại có những biểu tượng quyền lực khác nhau, vì vậy mà hình dáng Trống đồng cũng được chia làm nhiều loại.
Về hình dạng chung thì các loại trống đồng đều có một mẫu số chung, chỉ khác biệt về kích thước. Thứ thể hiện văn hóa đặc trưng của các bộ lạc, chính là hoa văn trên bề mặt trống.
Có loại thì in hình tổ hợp hoa văn về nhân sinh và động vật, có loại lại là hoa văn hình học, còn một số có thêm phù điêu hình con cóc ở bên trên, hay sự khác biệt chỉ đơn giản đến từ số cánh của ngôi sao trung tâm.
Việt đau đầu chọn lựa, đây cũng chính là việc mà hắn ghét nhất.
- A đúng rồi, chiếc trống đồng đặt bên trong Lạc Long thủy phủ!
Đang lúc hắn phải đau đầu khi không biết nên chọn lựa như nào, thì đợt nhiên nhớ đến chiếc trống đồng cổ xưa hắn lấy được bên trong thủy phủ Lạc Long Quân. Có lẽ tuổi của nó còn cổ xưa hơn những chiếc trống đồng mà giới khảo cổ khai quật được ngày nay, chỉ tiếc là không rõ hắn đã ném đi đâu mất rồi.
- Hình dáng thì mô phỏng chiếc tiểu cổ lấy được bên trong thủy phủ, còn hoa văn, hiển nhiên phải lựa chọn hoa văn của tế đàn rồi!
Sau khi trải qua sự suy nghĩ nghiêm túc, Việt bắt đầu quá trình tế luyện linh nguyên thành Mệnh binh.
Nếu muốn tế luyện bản nguyên linh lực thành Mệnh binh, không phải dễ dàng như vậy, đây chính là một quá trình gian khổ kéo dài, không phải làm một lần là có thể xong.
Đầu óc chìm vào trạng thái không linh, chỉ có duy nhất hình ảnh một chiếc trống đang định hình, đến khi hình dáng hoàn thiện, Việt mới dùng thần thức tế xuất những đạo linh nguyên, bắt đầu ngưng luyện chúng theo hình dáng đang hiện ra bên trong đầu.
Một chiếc trống đồng có ba phần, phần trên phình ra được gọi là tang, nối liền với mặt trống, phần giữ hình trụ tròn thẳng đứng, còn phần chân hơi loe ra giống hình nón cụt, tạo ra sự ổn định tuyệt đối cho chiếc trống.
Trải qua sự cố gắng không ngừng, những đạo linh nguyên như kim loại bị nung chảy, cối cùng ngưng tụ thành một khối, nhưng khi hắn bắt đầu ép những kim loại nóng chảy nảy vào khuôn đúc, thì lại không ngưng tụ thành hình chiếc trống như ý muốn.
Sau đó, Việt đúc đi đúc lại nhiều lần, vẫn không thể nào ra được hình dáng tưởng như đơn giản thô kệch của chiếc trống đồng, chứ chưa nói đến việc khắc hoa văn lên trên mặt trống. Rõ ràng hình dạng thô sơ của chiếc trống đồng, ẩn chứa rất nhiều huyền bí, dường như hòa hợp với tự nhiên vậy.
Hắn cũng không quá buồn rầu, vì càng khó lại càng kích thích con người ta.
Cứ như vậy một nửa tháng trôi qua, Việt chìm đắm vào tu luyện, do đã nhắc nhở từ trước nên tiểu nhị không vào làm phền.
Trải qua vô số lần tế luyện, nơi trung tâm Huyết hải của Việt, lúc này xuất hiện một chiếc huyết sắc tiểu cổ, tuy không lớn nhưng nặng nề rơi xuống trung tâm biển máu, cứ hờ hững lên xuống theo từng đợt sóng.
“Hình dạng đã xong, giờ đến quá trình chạm trổ Thái hòa đồ!”
Thứ nổi bật nhất trên Thái Hòa đồ, chính là ngôi sao ở trung tâm. Hầu như các loại trống đồng khai quật được đều có hình ngôi sao mười hai, mười bốn hoặc mười sáu cánh, nhưng Việt vẫn nhớ như in, ngồi sao ở trung tâm Thái hòa đồ tại tế đàn là ngôi sao mười tám cánh.
Hắn rất tin tưởng vào tòa tế đàn, vì vậy chậm rãi khắc họa mười tám cánh sao. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình tam giác.
Thời gian rất lâu, hắn mới ngưng luyện xong phần trung tâm mặt trống này, có thể chuyển sang phần tiếp theo.
Việt thu lấy mười sáu linh nguyên, tạo thành mười sáu vòng tròn đồng tâm in trên mặt trống, đương nhiên không chỉ kích cỡ mà hình dạng của chúng cũng khác nhau. Nếu không để tâm, sẽ chỉ tạo thành mười sáu hình tròn mà thôi, như vậy hiển nhiên sai lệch so với Thái hòa đồ.
Thái hòa đồ là đỉnh cao văn minh Việt cổ, mỗi dấu chấm hay mỗi nét đứt cũng đều ẩn chứa huyền cơ, sai một ly có thể phá hủy tất cả công lao.
Việt chậm rãi nhớ lại Thái hòa đồ hiện ra khi tế đàn khởi động, thần thức tiến hành chạm trổ các đường tròn đồng tâm này.
Đường tròn thứ 1, 5, 11 và 16 từ tâm ra là những chấm nhỏ nối tiếp nhau.
Còn đường trón thứ 2, 4, 7, 9, 13 và 14 là tổ hợp của những hình tròn chấm giữa.
Vành thứ ba là những cổ tự gãy khúc nối tiếp nhau.
Vành 12 và 16 là hoa văn răng cưa.
Cứ như vậy, Việt chậm rãi khắc họa những vành hoa văn này, để lại vành 6, 8, 10 thực hiện sau cùng vì chúng là những vành đặc biệt nhất, ba vòng Thiên, Địa, Nhân, là tổ hợp hình người và động vật được xếp ngược chiều kim đồng hồ.
Đến phần cuối cùng này, sự khó khăn càng tăng cao, khi những hình người và động vật trên Thái Hòa đồ nhìn qua có vẻ rất đơn giản nhưng thực tế vô cùng phức tạp và có linh khí.
- Nên tế luyện vành thứ mười trước!
Vành thứ mười, chính là vành khắc họa các loài chim, tổng cộng có 36 con, trong đó có 18 con đang đậu và 18 con đang bay.
Chim bay là loài chim mỏ dài, có mào, đuôi và chân rất dài, thân hình gầy gò, một loài chim vô cùng đặc biệt. Có người cho rằng đây chính là loài thần điểu được người Lạc Việt cổ đại thờ phụng, vẫn được gọi là Tiên Lạc, nhưng không ít người phủ định ý kiến này, họ cho rằng đấy chỉ là một loài chim thường xuất hiện ở phương Nam, thuộc loại cò, sếu hay vạc gì đó.
Còn những con chim đang đậu, có nhiều loại hơn. Con thì mỏ ngắn vênh lên, con thì mỏ dài chúc xuống, Việt cố gắng nhớ lại vị trí tương quan giữ những hoa văn này, không để sai lệch dù chỉ một ít. Cũng may trước kia hắn đã từng tìm hiểu không ít về trống đồng.
Khắc xong vành thứ mười, Việt chuyển sang vành thứ tám. Vành này so với vành mười thì đơn giản hơn, bao gồm hai nhóm, mỗi nhóm có mười con hươu cách nhau bằng hai tốp chim bay, một tốp sáu con và một tốp tám con. Một con hươu đực lại đến một con hươu cái.
Vành thứ tám cũng chiếm rất nhiều thời gian của Việt, nhưng so với vành mười thì nhanh hơn nhiều.
Cuối cùng, Việt chuyển sang vành thứ sáu, cũng là vành phức tạp nhất trong Thái Hòa đồ, Nhân đồ.
Nhân đồ gồm hai phần, là hình người và hình nhà.
Người được khắc lên mặc váy dài, có hai vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa, có người tay cầm rìu, có người thổi kèn, có người lại cầm giáo, cán giá có trang trí lông chim. Có một số tổ hợp đặc biệt hơn, như có người đang quay mặt về phía nhà cầu mùa, xõa tóc, mắc váy; hay có đôi nam nữ đang cầm chày giã vào một chiếc cối, đầu chày cũng trang trí lông chim.
Còn hoa văn hình nhà chỉ có hai loại mà thôi, hai ra hai tốp xen kẽ và đối xứng nhau. Một loại nhà có mái hình cung, hai đầu là hai trụ đứng. Loại nhà còn lại có hình thang, nóc cong lên như chiếc thuyền, hai đầu có hình chim mắt to, hai bên lại có cột chống đỡ, nóc nhà có hai con chim đậu.
Cuối cùng thì sau hai tháng khổ cực, Việt cũng hoàn thiện chiếc trống đồng của bản thân, bất quá vẫn không hài lòng, hắn luôn cảm thấy vẫn chưa đạt tới hình thái hoàn mỹ, vẫn thiếu cái gì đó.
- Đúng rồi, là quai trống!
Việt điều khiến bốn sợi linh nguyên, tạo thành bốn chiếc quai trống chia ra hai cặp gắn vào tang và phần giữa thân trống, hắn còn cầu kỳ chế tác chúng theo kiểu dáng giống như bện thừng.
Nhìn thân trống, Việt chợt nhớ ra là tang trống cũng in một số họa tiết cổ, tuy nhiên Thái Hòa đồ lại không có những họa tiết này, vì vậy hắn quyết định chưa nên động tay vào phần thân trống, kẻo sau này muốn sửa cũng không được.
Chiếc tiểu cổ được tế luyện xong, Việt nhất thời cảm nhận được ý vị và vện mệnh của tự nhiên xuất hiện bên trong thế giới thể, dường như có chiếc trống trấn áp, thế giới thể trở nên ổn định hơn.
Hơn nữa hoa văn Thái hòa đồ khắc bên trên mặt trống khiến chiếc tiểu cổ mặc dù sơ sài nhưng lại có khí tượng vô cùng bất phàm, làm cho người ta có cảm giác nó có một Đạo vận do trời sinh.
Việt có cảm giác chiếc tiểu cổ này có đạo pháp tự nhiên, dường như đã bao hàm cả “đạo” và “lý” của thiên địa này, vừa thần bí vừa huyền ảo!
- Cũng đến lúc rời đi rồi!
Nhẩm tính thời gian, có lẽ cũng đến lúc Thiên Nguyệt chiến khởi động rồi, nếu không đi ngay e rằng không kịp.
Việt rời khỏi nhà trọ, nhanh chóng tiến về phía Đông.