Tôi kinh ngạc trước sự việc đó. Thanh sắt này bắt nguồn từ một biển hiệu trên cao của tòa nhà gần đó rơi xuống. Tôi nghĩ rằng nếu mình đi mà không dừng lại, có khi tôi chính là nạn nhân của thanh sắt kia. Đường về đảo sao mà đầy khó khăn đến thế. Giờ tôi đã dần hiểu được lời cảnh báo của cậu bé.
Về tới chợ, tôi liên hệ với người phụ nữ bán hoa quả lần trước rồi lại lên xe về đảo. Kim đồng hồ đã chỉ gần 4h40 phút. Tôi hơi sốt ruột.
Đến nơi, tôi chạy vội xuống dốc. Lúc này đã là 4h46 phút.
Trên cầu lúc này vắng tanh, chỉ có một bóng hình đang đi tới.
Đó chính là Hiệp với gương mặt hãi hùng. Hiệp dừng ngay ở đầu cầu, nhìn thấy tôi nhưng không nói gì. Hiệp bước lên cầu, cô lại gần lan can phía bên phải. Lúc này môi cô mới mấp máy.
"Em không biết tại sao em lại ở đây..."
Tay cô bám lên cầu gồng lên vì một hành động sắp diễn ra. Tôi vội chạy về phía cô.
Vừa bước chân lên cầu, tôi chợt nhớ ra lời dặn cuối cùng của thằng bé.
Chân tôi vội tránh ra khỏi thanh gỗ thứ 4 trên cầu. Khi tôi vừa bước qua, sức nặng của tôi khiến thanh gỗ đó nứt toác ra, gãy gập. Nếu tôi bước chân lên đó, có lẽ tôi sẽ thụt chân xuống dưới. Tôi sẽ bị kẹt ở đó và sẽ không tới chỗ của Hiệp kịp thời.
Tôi chạy đến vừa đúng lúc Hiệp vừa đặt hai chân lên trên thành cầu. Tôi nắm lấy tay Hiệp kéo ngược lại.
Hiệp ngã ngửa ra sau. Tôi đỡ lấy lưng cô gái. Cả hai chúng tôi ngã xuống cầu, người Hiệp đè lên người tôi.
Rất may là tôi đã tới được. Tất cả những sự việc vừa rồi xảy ra đủ để ngăn tôi không đến kịp. Nếu như tôi không nghe lời thằng bé kia...thì...
Ánh mắt cô nhìn thẳng vào ánh mắt tôi. Vẫn là đôi mắt nâu sâu thẳm đấy. Lúc vừa rồi tôi thật sự sợ hãi, sợ mình lại không cứu được Hiệp. Tôi sợ tôi không còn được nhìn thấy đôi mắt nâu ấy nữa. Đôi mắt của Hiệp ngấn nước mắt, thế rồi cô gái mạnh mẽ ấy cũng cúi gục đầu xuống ngực tôi mà òa khóc. Tôi khẽ vỗ nhẹ lưng cô gái rồi tính đỡ Hiệp dậy. Thế nhưng tôi cứ để Hiệp nằm như thế mà khóc, cảm giác mình có thể che chở được cho một cô gái, duy nhất trong đời.
Ấy thế nhưng cùng với trách nhiệm nặng nề ấy, lại là một nỗi sợ hãi thường trực. Tôi sợ nước, vậy làm sao tôi có thể xuống sông diệt quỷ.
Tôi khẽ đỡ Hiệp dậy, an ủi cô. Chúng tôi cứ ngồi cạnh nhau trên cầu như thế. Xung quanh vẫn là tiếng nước chảy róc rách vây hãm.
"Cảm ơn anh...đã cứu em...Khi nãy em ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy đã thấy mình ở đây...". Trên tay Hiệp, những đường vân đen đã lan rộng lên gần tới mặt. Chẳng mấy chốc mà cô cũng sẽ mất đi sự tỉnh táo bây giờ. Tôi nhìn mà thấy bất lực.
Rất khó khăn, tôi mới cất tiếng nói: "Anh xin lỗi...có lẽ anh nghĩ là...là anh không thể bảo vệ được em thêm nữa..."
"Sao lại thế?" Hiệp ngạc nhiên. "Em sẽ cố gắng chống chọi mà.."
"Anh bất tài lắm..."
"Anh đừng nghĩ thế! Tại sao vậy?"
Tôi khó nhọc thú nhận:
"Anh...sợ nước..."
"Sợ nước?" Hiệp ngạc nhiên.
"Ừm..." Tôi cúi đầu. "Mà muốn diệt nó thì phải xuống sông...chắc chỉ có nhờ thầy Lộc, người mới đến làm thôi...". Tôi nhường công việc cho đối thủ của mình.
Hiệp ôm chặt lấy hai cánh tay của tôi mà lắc, nhìn thẳng vào mắt tôi.
"Anh làm được mà!"
Đúng lúc đó, những ký ức ùa về trong tôi, những mảng màu vừa tươi đẹp vừa đen tối, ngập tràn trong đôi mắt nâu ấy. Có tiếng nói văng vẳng: "Con làm được mà!" kéo tôi về khoảng thời gian cách đây hơn 30 năm trước.
Lúc ấy tôi vẫn còn là một đứa trẻ 5 tuổi.
"Vĩnh ơi! Đi chơi về rửa tay rửa mặt ăn cơm con!"Giọng mẹ tôi vang lên trong bếp.
Tôi vứt nhành cây vừa nhặt được trên đường chơi xuống đất rồi chạy xồng xộc vào bếp.
"Hôm nay ăn gì hả mẹ?"
Mẹ tôi vẫn đang lúi húi rán đồ ăn trên bếp.
"A! Đậu rán chấm mắm hành hả mẹ! Ngon quá!" tôi nhón lấy một miếng đậu nhỏ vừa rán xong bỏ vào miệng.
Mẹ tôi vỗ tay tôi cái đét: "Ăn vụng hư quá! Bẩn thỉu! Đi rửa tay đi!"
Thế rồi tôi chạy ù ra ngoài, vừa nhai vừa cười.
Cuộc sống của một đứa trẻ lúc đó trôi qua êm đềm. Mẹ tôi là một người mẹ nghiêm khắc nhưng lại rất quan tâm và ân cần. Tôi ốm đau, cả đêm mẹ thức chăm. Ngã hay xây xước gì cũng một mình mẹ tôi rửa ráy băng bó. Bố tôi bận đi làm ăn liên miên, chẳng mấy khi ở nhà, vì thế tôi chỉ bám mẹ, ở bên cạnh mẹ tôi cảm thấy an toàn, hạnh phúc. Cũng chẳng cần phải khoe về mẹ nhiều, vì tôi nghĩ người mẹ nào cũng sẽ như vậy. Mẹ yêu thương tôi và dành tất cả mọi tình cảm cho tôi qua những hành động mà có lẽ ở độ tuổi ấy tôi đã không hiểu hết được.
Vào mùa hè năm ấy, nhà tôi sửa nhà. Bao nhiêu thợ vữa đi ra đi vào, tiếng khoan tiếng đục ngày đêm, bụi mù cả lên. Bố tôi tính cơi nới thêm phòng cho căn nhà một gian nho nhỏ của chúng tôi, sau này còn tính đón thêm em bé. Thấy nhà cửa bụi bặm và ồn ã quá, bố tôi mới bảo hai mẹ con tôi qua nhà bác ở tạm tầm tuần đến khi nhà sửa xong phần ngoài. Thế là mẹ con tôi khăn gói đồ đạc chuyển sang nhà bác ở tạm. Nhà bác cách nhà tôi như đâu có 2 cây số đường đất loằng ngoằng.
Tuy nhiên, 1 tuần sang nhà bác ở đó lại là 1 tuần đen tối nhất cuộc đời tôi.
Thời đó, nhà cửa ở các vùng làng quê còn đơn sơ, không đến mức nhà nào cũng là nhà tranh vách đất, thế nhưng hầu hết đều là nhà một gian, có xây thêm vài căn nhà kho nho nhỏ, nhà bếp, xen lẫn xung quanh là vườn tược, giếng nước ao cá, núi đồi,...Nhà bác tôi cũng như vậy. Nhà bác từ cổng vào, phía bên trái có ngay một chiếc ao lớn, đi sâu vào nữa mới là căn nhà một gian nằm đối diện với vườn cây ăn quả nhỏ trồng đủ loại cây cối. Trong nữa lại là dãy nhà kho, nhà bếp với một chiếc giếng khoan lớn. Trong giếng thả vài con cá cảnh màu vàng bơi qua bơi lại. Sau nhà còn mênh mông cây vườn nữa. Xung quanh nhà của bác tôi, nhà nào cũng na ná như vậy. Lần đầu tiên tôi được tới khu làng đó chơi lâu như vậy nên thích thú lắm, mày mò chán chê ở nhà bác, tôi chạy ra các khu nhà xung quanh để chơi. Ở khu nhà của gia đình tôi, nhà cửa san sát, đất chật người đông, dù cũng là làng xã nhưng cây vườn chẳng có nhiều, chỉ có đồng ruộng trồng lúa. Chính vì thế về đó chơi, tôi phải chơi cho đã hẵng. Lần nào cũng thế, tôi mới chỉ xuống nhà bác chơi dăm ba lần vào lễ Tết, chơi chưa được nửa ngày đã phải đi, vì thế đây là một cơ hội hiếm có.
"Ê...thằng cu! Đi chơi với anh không?" Ông anh họ của tôi, là con nhà bác, lớn hơn tôi 5 tuổi vẫy vẫy tôi lại gần. Năm ấy anh 10 tuổi.
"Anh!" Tôi cười thích thú. Chúng tôi hay có dịp gặp nhau mỗi lần cả gia đình tụ họp trên nhà bác cả làm lễ cúng giỗ gì đó. Dù là con bác hai nhưng anh lại lớn tuổi nhất, hay đầu têu mấy trò nghịch ngợm, trèo cây hái quả hay tổ chức đá banh, đá cầu. Từ bé tôi đã hay theo anh cùng với tụi trẻ con trong nhà chơi đủ thứ trò. Lần này về nhà bác hai chỉ có anh với tôi thôi. Người anh họ rủ tôi đi chơi đấu trận giả, xem chọi gà ngoài đình làng. Cả chiều hôm ấy tôi chỉ có việc là cười, cười toét cả miệng. Tôi vui lắm.
Trên đường về nhà, thấy tôi cứ ngó nghiêng mọi vật ra chiều háo hức lắm, ông anh mới khều tôi:
" Em câu cá bao giờ chưa?"
"Chưa...em có biết câu cá đâu?"
"Thế có thích câu cá thử không?"
"Có chớ!" Tôi gật đầu lia lịa.
"Thế mai ra sau nhà anh dạy nhá! Lần trước anh câu được một con cá rô phi to đùng đấy...Mà phải xem mày có sát cá không cơ."
"Sát cá là như nào ạ?"
"Là dễ câu được cá đấy..."
Tối đầu tiên của tôi ở nhà bác trôi qua trong sự háo hức như thế. Ăn cơm xong, xem tivi một lát tôi trèo lên giường nằm cạnh mẹ ngủ. Nhà có một gian nên chỉ có độc 2 cái giường. Anh họ tôi ngủ với bác trai, hai mẹ con tôi nằm với bác gái. 3 người nằm chen chúc cạnh nhau trên chiếc sập gỗ rải chiếu. Lúc đó gia đình nhà bác chưa có thêm chị Quỳnh, chị họ sau này của tôi, kém tôi tận mấy tuổi. Mẹ tôi với bác gái cứ rì rầm trò chuyện trong khi tôi nằm im lìm. Tôi mong chờ đến ngày mai anh họ dạy tôi câu cá.
Sáng hôm sau, ngủ nướng chán chê, tôi mới dậy. Anh họ tôi thì đã dậy từ trước lâu rồi, phụ giúp bố mẹ việc này việc nọ.
Đánh răng rửa mặt xong, tôi kéo áo anh họ tôi.
"Anh! Đi câu cá đi!"'
Anh tôi bèn kéo tôi ra sau vườn, mang theo một chiếc xô đỏ với 2 cái xẻng xúc nho nhỏ.
"Mày sợ giun với sâu không?"
"Em không..." Tôi đáp. Tôi còn hay bắt sâu dọa bọn con gái. Tôi sợ gì, chỉ sợ bắt nhầm sâu róm hay bị ngứa ngáy thôi.
"Thế giờ xúc xẻng đào, bắt giun đất nhá! Vườn nhà anh tơi xốp, nhiều giun lắm. Bắt tầm 2 chục con thôi..."
Thế là anh tôi làm mẫu trước, tôi cứ lúi húi làm sau. Chẳng mấy chốc mà giun đã bò kín đáy chiếc xô đỏ nhỏ.
Thế là rồi anh tôi chạy vào trong kho, lôi ra hai chiếc cần tre hơi cong cong, có nối sợi dây thép có móc câu. Đó là những chiếc cần tự chế, còn không có cấu trúc thu dây câu.
"Mấy đứa chơi cẩn thận đấy! Thằng Tí nhớ trông em!". Bác gái gọi với theo chúng tôi.
"Vầng!!" Anh tôi đáp.
Anh họ bảo tôi xách hai chiếc xô đỏ, một xô giun và một xô chứa nước lưng lửng, còn anh vác chiếc cần câu- lúc đó còn dài hơn cả người anh tôi- lên vai rồi đi tới chiếc ao đầu cổng nhà. Anh tôi hướng dẫn qua cách nhận biết cá cắn câu, quan trọng là phải kiên nhẫn, rồi chúng tôi bắt đầu câu.
Chúng tôi xiên mấy con giun vào đầu lưỡi câu rồi thả dây xuống ngồi đợi. Cả chiều hôm đó, anh tôi câu được 3 con cá nho nhỏ. Cũng có một lần, tôi câu được một con cá. Thấy cần nằng nặng, phao chìm xuống, tôi hét lên: "Anh ơi! Giờ làm thế nào ạ?"
"Chuẩn bị, giật mạnh lên, dứt khoát vào nhá!"
Thế là tôi phấn khích giật mạnh cần câu lên, dưới móc câu móc được một con cá rô be bé. Tôi giật hăng quá, dây tung lên, mắc cả vào cành cây ở gần đó. Con cá treo lơ lửng trên cành cây, tôi cười khanh khách thích thú.
Anh họ tôi gỡ con cá cho vào xô nước rồi lại câu tiếp. Cuối buổi chiều, trong chiếc xô nước đã có 4 con cá nhỏ đen đen bơi lội. Thế rồi trước lúc về, tự dưng anh tôi cầm xô nước lên, hất cả 4 con cá xuống lại ao.
Tôi hét lên: "Ơ! Sao anh làm thế? Cá câu mãi mới được mà!!"
"Cá này nhà anh nuôi đem bán mà, câu vài con lên được gì. Mới cả nên phóng sinh cho chúng nó chứ...Hôm nay coi như tập thôi, ha!" rồi anh đi vào trong nhà.
Thế là tôi phụng phịu, hờn dỗi cả buổi tối ngày hôm ấy. Tôi những tưởng được mang cá về khoe với mẹ, rồi được ngồi chơi cá cả tối, giờ thì công cốc...
"Thằng anh làm gì thằng em mà để nó cứ hờn dỗi nãy giờ thế hả!" Bác gái quát anh tôi.
"Con chả làm gì! Em nó thích câu cá mang cá lên nghịch!"
"Thì cho em nó chơi chứ sao! Mai bắt cho em nó mấy con."
"Nhưng mai con phải đi học mà, mà nó thích câu cơ, không thích bắt đâu..."
Nghe thế tôi òa khóc lên vì ấm ức, mẹ tôi phải dỗ dành mãi.
Đâu ai ngờ cái tính ương bướng ấy của tôi đã phải trả giá đắt như thế nào.