Phù Quang không nói tiếp được nữa, ta nhìn lưng thẳng tắp của Yến Ôn, cũng thấy đau lòng.
Nói cho cùng, tất cả đều là tại tên hôn quân nhà họ Tống khốn kiếp kia.
"Hồi nhỏ biểu ca không như vậy, có lẽ là chịu khổ quá nhiều trong lúc chạy nạn, không muốn nói chuyện nữa."
Một câu "chịu khổ quá nhiều", sao có thể bao hàm hết nỗi khổ của một người?
Ta đau lòng, thương xót lão thái thái, cũng thương xót hắn.
"Yến Ôn, đợi chúng ta với!"
Ta kéo Phù Quang chạy theo hắn, hắn bước chân chậm lại một chút nhưng không dừng lại.
"Muội nhỏ tuổi, sao lại gọi thẳng tên ta?"
"Sao? Muốn ta gọi huynh là ca ca như Phù Quang sao?"
Lưng hắn cứng lại, không nói gì thêm.
Hắn thà để ta gọi hắn là Yến Ôn, dù sao thì xưng hô ca ca cũng quá thân mật rồi.
"Về nhà ta đi, cá nhỏ dùng nấu canh, cá lớn thì kho, được không?"
Cuối cùng cũng sánh vai cùng hắn, ta nghiêng đầu hỏi.
Vai lưng thiếu niên vẫn còn mảnh khảnh, mắt hơi cụp xuống, lông mi không dày lắm nhưng rất dài, che giấu hoàn toàn cảm xúc trong mắt.
"Ta phải đọc sách."
"Ăn cơm xong rồi đọc không được sao? Nhà ta còn có bánh đậu xanh mới làm sáng nay, không ngọt lắm, rất mịn, huynh không phải thích ăn sao?"
"Ai nói ta thích ăn?"
Thiếu niên cãi, nhưng tai lại đỏ lên.
"Ta thích ăn, Phù Quang thích ăn, chỉ có huynh không thích thôi sao?"
Không biết vì sao, mắt ta lại ướt.
Nói đi nói lại, ta cũng từng mang họ Tống, hắn vốn nên giống Ngụy Đồng, lớn lên trong cảnh giàu sang phú quý, hằng ngày làm thiếu niên vui vẻ.
Là nhà họ Tống thiếu nợ hắn.
Về đến nhà, những hạt giống đã được trồng trong vườn nhỏ đã nảy mầm, xanh um một vùng.
Rau mùi đã có thể ăn, ta dọn cá, Phù Quang ngắt rau mùi, còn đào vài cây hành nhỏ ngồi rửa trong sân.
Yến Ôn ngồi trên ghế nhỏ lật xem chữ ta mới viết, miệng ta không ngừng nói chuyện với Phù Quang về câu chuyện mới đọc.
Trời rất xanh, mây rất thấp, tầng tầng lớp lớp ép lên tường viện thấp bé, cơn gió nhẹ thổi qua, cuốn lên đuôi tóc thiếu niên, làm bay tà áo.
Khói từ ống khói từng đợt từng đợt bay xa không thấy, nhưng cuối cùng vẫn vô tình dính đầy người thiếu niên.
Hắn trông cũng như một thiếu niên có chút mùi khói lửa nhân gian.
Bạch vân thương cẩu*, ta cũng đã có bạn của riêng mình, từ xuân đến đông, náo nhiệt qua ngày.
(*) Bạch vân thương cẩu: Mây trắng biến thành chó xanh. Ý nói việc đời biến hóa vô thường
Có khi ta đi mua gạo mua bột, đi giao kinh thư mới chép, luôn gặp Yến Ôn.
Thiếu niên dần cao hơn, vai rộng ra, chân cũng rất dài, ta vác cái túi nặng nhọc, hắn có thể dễ dàng xách bằng một tay.
Chúng ta đi cạnh nhau, hắn không nói gì, nhưng rất chăm chú nghe ta nói chuyện phiếm.
Chúng ta cùng viết chữ, hắn vẽ rất có thiên phú, mùa đông ta nhờ hắn vẽ một bức "Thị thị như ý" theo cây hồng già ngoài sân.
Phù Quang muốn một bức tranh tuyết mùa đông, hắn vẽ xong, ta lấy quả hồng làm mứt cho hắn ăn.
Hắn phải đi thi Hương, ta và Phù Quang tiễn hắn, thiếu niên rất ít khi cười, nhưng khi ta và Phù Quang nói hết những lời chúc tốt đẹp, lại nhắc lại những lời dặn dò của lão thái thái và cha ta, thiếu niên mới cười.
Trong đôi mắt nhạt cũng nhuốm đầy ấm áp, bảo chúng ta về nhà đợi hắn.
Năm đó ta mười hai, hắn mười sáu.
Đêm nằm trên giường, ta vì Yến Ôn mà rơi lệ.
Hắn học giỏi, biết viết chữ, biết vẽ tranh, thơ từ cũng thành thạo, còn biết đàn, đánh cờ với phụ thân chưa từng thua.
Hắn tính cách lạnh lùng, đối đãi người khác chân thành lễ phép, hắn có đôi mắt đào hoa đen thẫm, đuôi mắt tự nhiên vương bảy phần phong tình.
Hắn đẹp như vậy, ta khóc, là vì ta tự thấy mình không xứng với hắn.
Điều khó khăn nhất trên thế gian này, là đột nhiên nhận ra mình thích một người, khó khăn hơn nữa là nhận ra mình không xứng với người ấy.
Ngụy Đồng nói, Yến Ôn chỉ tham gia một lần hội thơ, đã nổi danh kinh thành.
Kinh thành khắp nơi đều có cô nương hỏi thăm về hắn, con gái nhỏ của Hộ Quốc tướng quân Hứa Nghênh Ca, vì tìm hắn mà đến Quốc Tử Giám.
Tử Chi phong lưu, danh động kinh thành, chính là nói hắn.
Cha ta nói, hắn có tài kinh bang tế thế, sau khi thi Điện thí, đạt trạng nguyên hoặc thám hoa là chuyện dễ như trở bàn tay.
Ta hy vọng hắn thật tốt, nhưng hắn lại quá tốt.