Sáng sớm dì đã tới rồi. Sức khỏe tôi đã khá hơn trước nhiều. Thật đúng là tuổi trẻ sung mãn.
Ngày đó ba chúng tôi vui đùa thật thỏa thuê, thấy rất nhiều sinh vật biển, đẹp như trong thế giới ảo tưởng vậy, chụp rất nhiều ảnh. Khi về khách sạn đã hơn chín giờ tối. Mẹ bảo ngày mai phải về đơn vị báo cáo kết quả công tác, sáng sớm phải bắt tàu hỏa. Dì Lạc mời tôi ở lại thêm vài ngày, mẹ nói muốn ở thêm cũng được. Ơn trời, tôi làm sao có thể cự tuyệt được cơ chứ?
Ngày hôm sau, dì Lạc đến đón tôi. Tiễn mẹ tôi xong, dì nói phải cùng tôi đi dạo hết cả thành phố W.
Đi trên hè phố, tôi chợt nhận ra người ở đây đa số có vóc dáng cao gầy, ăn mặc giản đơn nhưng rất thời thượng. Nhìn lại mình, có vẻ hơi quê mùa. Dì Lạc như biết thuật đọc tâm, dẫn tôi đến siêu thị chọn mua rất nhiều quần áo. Ra khỏi nhà thì đi tay không, vậy mà bây giờ tay xách đầy túi. Tuy tôi một lần lại một lần nói đừng mua nữa, nhưng dường như di đang rất thích thú, căn bản không nghe tôi nói gì. Ngày đó, tôi chỉ tính mua sơ sơ thôi, nào ngờ dì lại mua áo quần cho tôi đến vài ngàn tệ. Haizz, cảm giác mình thiếu dì thật nhiều, thầm nghĩ sẽ giúp dì làm vài việc lặt vặt trong nhà xem như đền bù vậy.
Trong xe, dì Lạc gọi điện thoại, vì dì nói tiếng địa phương nên tôi nghe không hiểu.
Cúp điện thoại, dì nói với tôi: "Ăn bữa cơm với chú Trình ha, con còn chưa thấy chú mà!"
"Vâng, bà Trình!"
"Quỷ con!"
Chúng tôi đến quán cà phê khá là đẹp. Có lẽ vì ban ngày nên quán rất ít khách. Âm nhạc nhè nhẹ, mùi nước hoa dìu dịu.
"Chào Thỏ Con nha!" Lúc người đàn ông trước mặt đứng lên, cười cười vươn tay ra, tôi cảm giác như mình bước chân vào trong tác phẩm văn học châu Âu cổ điển. Vầng trán cao rộng, ánh mắt sâu thẳm kết hợp với chiếc mũi cao thẳng kiểu Hy Lạp để lộ ra khuôn mặt hình chữ nhật, áo sơ mi màu cà phê, tỏa ra sức quyến rũ mê người.
"Chào chú Trình!" Tôi có chút mặc cảm tự ti, không được tự nhiên đưa tay ra.
"Thảo nào con gọi là Thỏ Con. Thật dễ thương a!" Hình như chú rất am hiểu giao thiệp, câu nói đầu tiên đã phá vỡ lúng túng ban đầu khiến tôi thả lỏng không ít.
Bưa cơm ấy, tôi ăn rất "nhã nhặn", chú Trình và dì Lạc ăn rất từ tốn, một đống đồ ăn mà chỉ nếm qua một chút. Tuy tôi nghĩ thật lãng phí, nhưng không tiện há mồm ăn hết, chỉ bắt chước theo họ ăn uống nhẹ nhàng. Kết quả là chú Trình khen tôi có phong phạm thục nữ, như một tiểu thư khuê các. Tôi thầm cười trong bụng, chợt phát hiện ra dì Lạc ngồi đó cười bí hiểm với tôi. Haizz, xem ra lại bị dì nhìn thấu tâm tư rồi.
"Thỏ Con à! Lần này cơ hội hiếm có, con ở lại thêm vài ngày nữa đi. Cứ tự nhiên như nhà con vậy, muốn ăn gì chơi gì nhất định phải nói cho chúng ta biết!"
"Vâng, con không khách sáo đâu!"
"Vậy là tốt rồi, đều là người một nhà cả, haha!"
Chỉ qua một bữa cơm, tôi phát hiện ra chú Trình đích thật là nhân tài trong chuyện làm ăn. Chú làm người ta có cảm giác nhiệt tình, chu đáo, kiên trì, cẩn thận, hơn nữa bề ngoài đẹp trai lãng tử, muốn không thành công cũng khó khăn!
Buổi chiều, tôi một mình đến thư viện thành phố đọc sách, bọn họ trở lại nhà máy xử lí công việc. Hẹn nhau sáu giờ gặp trước cổng thư viện.
Chiều hôm đó, tôi đọc sách, đi dạo văn phòng phẩm, chụp mặt nạ dán, tiện thể ăn vài món ăn vặt, nhất là takoyaki ngon không thể tả, ăn liên tiếp đến xiên thứ ba mới ngừng lại.
Chưa đến sáu giờ, tôi đứng trước cổng thư viện nhìn xung quanh, đã thấy dì Lạc đứng đợi tự bao giờ.
"Chú Trình đâu?" Tôi phát hiện trên xe chỉ có mỗi dì Lạc.
"Mới gặp một lần mà con đã có mới nới cũ?" Dì thản nhiên quăng cho tôi câu hỏi.
Tôi giả vờ té xỉu. Một chốc sau, dì mới trả lời tôi:
"Chú Trình của con luôn đi xã giao, luôn bận rộn. Theo lễ chào hỏi, ăn cùng chúng ta một bữa cơm đã là không tệ rồi. Không phải buổi trưa đã cho dì mặt mũi rồi hay sao!"
Tôi không hỏi thêm nữa, chợt nghĩ đến Tỳ Bà Hành.
"Thân già mới kết đôi cùng khách thương.
Khách trọng lợi khinh thường ly cách,
Mải buôn chè, sớm tếch miền khơi."
Kỹ nữ bất đắc dĩ cô tịch. Người phụ nữ thường diễn vai oán phụ, vô luận cổ kim. Nhất định dì Lạc cũng tịch liêu cho dù dì có sự nghiệp khiến người khác ngưỡng mộ. Nhớ ngày trước dì đến ở nhà tôi, hầu như dì chưa lần nào trực tiếp nhắc đến chú Trình, chỉ khi nào dì kể chuyện mới đề cập đến chú mà thôi. Có lẽ nào, bọn họ thực sự là đồng sàng dị mộng, bằng mặt mà không bằng lòng? Nếu thật là vậy, sao lại còn chung sống với nhau? Chẳng lẽ là vì sự nghiệp chung của hai người? Vậy chẳng phải dì Lạc không những tịch liêu mà còn đáng thương nữa sao? Nhìn dì đứng bên cạnh, tựa hồ khóe mắt lại thêm vài nếp nhăn, tôi chợt thấy đau lòng. Nhớ lần trước tôi bất mãn với dì, giờ mới phát giác là mình không hiểu chuyện, không suy nghĩ cho dì. Dì phải chịu nhiều thứ, mà điều đó tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi.