Ngay tối đầu tiên Grenouille đã phải làm một hũ to Nuit Napolitaire mà chỉ trong vài ngày đã bán được hơn tám mươi lọ con. Tiếng tăm của nước hoa này lan nhanh như sóng. Mắt Chénier đờ đẫn vì đếm tiền và lưng đau nhức vì phải gập người chào bởi vì khách hàng toàn là những ông to bà lớn, thậm chí cực lớn hay ít nhất cũng là gia nhân của các vị ấy. Có lần cửa bị đẩy tung đến nỗi bật tới bật lui, kêu lách cách, một tên hầu của bá tước d’Argenson bước vào hét rằng ngài muốn có năm chai nước hoa loại mới; chỉ có lũ hầu mới có thể hét to đến thế, mãi mười lăm phút sau Chénier vẫn còn run vì kinh sợ bởi bá tước d’Argenson là đổng lý văn phòng ngự tiền kiêm thượng thư bộ binh của Đức Hoàng thượng và là người quyền thế nhất Paris.
Trong khi Chénier phải một mình chèo chống với làn sóng của khách hàng thì Baldini rút vào xưởng với gã học việc mới. Ông biện minh tình trạng này với Chénier bằng một lý thuyết kỳ quái mà ông gọi là “phân công và hợp lý hoá”. Ông giải thích rằng suốt nhiều năm qua ông đã nhẫn nại chứng kiến Pélissier và những tay coi thường phường hội cùng một giuộc như gã lôi kéo khách hàng, làm cho cửa hàng lụn bại. Bây giờ sự nhẫn nại ấy chấm dứt. Bây giờ ông chấp nhận sự thách thức và trả đòn bọn mới phất theo đúng cách của chúng: mỗi mùa, mỗi tháng, nếu cần thì mỗi tuần ông sẽ tung ra nước hoa mới và nước hoa ra nước hoa nhé! Ông sẽ dựa trên sức sáng tạo tràn trề di truyền. Muốn thế, ông cần tập trung tất cả vào sản xuất nước hoa, chỉ với sự trợ giúp của một thợ phụ không rành nghề, còn Chénier thì phải chuyên tâm mua bán. Với phương pháp hiện đại này ta sẽ mở một chương mới trong lịch sử ngành nước hoa, quét sạch bọn cạnh tranh và sẽ giàu không thể tưởng tượng được, phải, ông cố ý nhấn mạnh từ “ta” vì ông có ý muốn cho người phụ việc lâu năm này được chia sẻ một phần nhất định của sự giàu sang không lường nổi ấy.
Nếu là mấy bữa trước hẳn Chénier cho những lời này của chủ là triệu chứng bắt đầu bệnh cuồng của tuổi già. “Ông ấy đến phải đi nằm Charité mất thôi”, hẳn ông ta sẽ nghĩ thế “chẳng còn bao lâu nữa ông ấy sẽ vĩnh viễn buông chày thôi”. Còn bây giờ thì ông ta chẳng nghĩ gì cả. Nhiều việc quá nên không còn nghĩ được nữa. Ông ta bận tối tăm mặt mũi đến nỗi đêm đêm kiệt sức không dọn nổi két tiền đầy khẳm và kín đáo thuổng cái phần của mình. Dù có nằm mơ ông ta cũng không thể nghi ngờ rằng mọi chuyện không tiến triển tốt khi mà gần như mỗi ngày đều thấy Baldini mang từ xưởng ra một loại nước hoa mới.
Và nước hoa như thế mới là nước hoa chứ! Không chỉ nước hoa thượng hảo hạng mà còn kem, bột, xà bông, thuốc gội đầu, thuốc lau mặt, dầu…tất cả những gì vốn thơm bây giờ thơm hoàn toàn mới, khác hẳn và tuyệt diệu hơn trước kia. Và cứ như bị bỏ bùa mê, người ta nhào vào mua mọi thứ bất kể giá cả, đúng là mọi thứ, ngay cả cái ruy băng kiểu mới tẩm nước hoa nảy sinh trong một lúc bốc đồng của Baldini.
Mọi thứ Baldini sản xuất đều thành công. Và thành công vượt mức đến nỗi Chénier chấp nhận như một hiện tượng tự nhiên và không còn tìm hiểu căn nguyên nữa. Nếu có ai nói với ông ta rằng biết đâu cái gã học việc mới, cái thằng lùn vụng về vẫn ở trong xưởng như một con chó và thỉnh thoảng khi ông chủ bước ra, người ta thấy nó đứng phía sau lau bình, chùi cối giã, biết đâu cái thằng chẳng bằng con số không ấy có liên quan đến sự phồn thịnh gần như hoang đường của cửa hiệu thì chẳng khi nào Chénier lại chịu tin.
Tất nhiên là thằng lùn ấy liên quan đến mọi thứ. Những thứ mà Baldini mang ra tiệm để Chénier bán chỉ là một phần vụn vặt những gì Grenouille đã trộn sau cánh cửa đóng kín. Baldini ngửi không kịp. Đôi khi ông như bị giày vò khi phải chọn trong những thứ tuyệt hảo Grenouille đã làm ra. Cái thằng phụ việc như có phép thần thông này có thể cung cấp cho mọi nhà chế nước hoa trên nước Pháp mà công thức không bao giờ trùng lập, không bao giờ cho ra một thứ phẩm chất kém hay trung bình. Thật ra thì nó không thể cung cấp cách thức, tức là công thúc cho họ được vì trước hết Grenouille sáng tác nước hoa của nó theo cái cách hỗn loạn và hoàn toàn không chuyên nghiệp như Baldini đã từng biết, nghĩa là nó trộn các thành tố tuỳ hứng và hết sức lộn xộn. Để nếu không kiểm soát được thì ít nhất cũng hiểu được công chuyện, một ngày nọ Baldini đòi Grenouille phải dùng cân, ly đong và ống hút khi trộn, cho dù nó thấy không cần thiết, ngoài ra nó còn phải tập thói quen không coi rượu tinh cất như hương liệu mà là dung môi, chỉ cho vào lúc cuối cùng, và sau hết, lạy Chúa, nó phải làm chầm chậm, từ từ, chậm rãi đúng kiểu nghệ nhân.
Grenouille vâng lời. Lần đầu tiên Baldini có thể theo dõi từng động tác của gã phù thuỷ và ghi chép lại. Ông ngồi cạnh Grenouille với giấy bút ghi chú, miệng không ngớt kêu chậm lại, bao nhiêu gam chất này, mấy vạch trên ly đong chất kia, Bao nhiêu giọt của chất thứ ba đã vào bình trộn. Bằng cái cách lạ lùng này, nghĩa là phân tích một quy trình sau khi đã kết thúc bằng chính những phương tiện cân đong, đo đếm mà lẽ ra bắt buộc phải dùng đến trước khi thực hiện quy trình, cuối cùng Baldini cũng có được một tập quy tắc tổng hợp. Bằng cách nào Grenouille vẫn trộn được nước hoa của nó mà chẳng cần đến những nguyên tắc kia thì đối với Baldini vẫn là một câu đố, một phép lạ mới đúng; ít ra ông cũng đã tóm được cái phép lạ ấy dưới dạng công thức và cái đầu óc thèm khát nguyên tắc của ông được thoả mãn đôi chút, đồng thời giữ được cái hình ảnh về thế giới nước hoa của ông khỏi sụp đổ hoàn toàn.
Dần dà ông moi được từ Grenouille cách thức của mọi thứ nước hoa nó đã tìm ra; ông còn cấm nó không được trộn nước hoa mới mà không có mặt của ông để ông quan sát căn kẽ và ghi lại xuống giấy từng bước của quy trình. Những ghi chú này chẳng mấy chốc đã thành vài chục công thức được ông ghi tỉ mỉ với nét chữ nắn nót trong hai quyển sổ nhỏ, một quyển cất trong cái tủ không cháy đựng tiền, quyển kia ông luôn mang trong người ngay cả khi đi ngủ. Ông thấy yên tâm, vì bây giờ, nếu muốn, ông có thể làm lại cái phép lạ mà Grenouille đã làm ông hết sức rung động khi chứng kiến lần đầu. Với bộ công thức này ông tin là có thể chấm dứt sự hỗn loạn khủng khiếp trong sáng tạo tuôn ra từ gan ruột của gã học việc. Ngay cái chuyện ông không còn chỉ biết thộn mặt ngạc nhiên mà đã tham gia những hoạt động sáng tạo bằng sự quan sát và ghi chép cũng làm yên tâm và củng cố lòng tin của Baldini. Ít lâu sau ông còn tin rằng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những loại nước hoa tuyệt vời ấy. Và một khi đã ghi nó vào trong sổ rồi, cất kỹ trong tủ sắt cũng như mang nó sát trước ngực thì ông chẳng hề nghi ngờ gì nữa rằng, đó là công trình của ông và chỉ của ông mà thôi.
Nhưng Grenouille cũng có cái lợi qua cung cách kỷ luật mà Baldini ép buộc. Thực ra nó không cần phải thế. Dẫu mấy tuần hay mấy tháng sau nó chẳng phải tra công thức mới chế lại được một loại nước hoa vì nó không bao giờ quên mùi cả. Nhưng qua sự cưỡng bách sử dụng ly đong, cân mà nó học được tiếng nhà nghề của ngành nước hoa và qua bản năng nó nhận ra rằng biết cái ngôn ngữ ấy có thể có lợi. Sau vài tuần Grenouille không những biết tên mọi thứ hương liệu trong xưởng của Baldini mà nó còn tự viết ra được công thức nước hoa của nó và ngược lại, làm ra nước hoa và những sản phẩm thơm từ những công thức mới lạ. Hơn thế nữa, một khi nó đã học được cách phô diễn cái ý nghĩ về nước hoa của nó bằng gam và giọt thì nó không cần tới cái bước thí nghiệm trung gian nữa. Khi Baldini giao nó làm loại nước hoa mới cho khăn mùi soa, cho túi bột thơm hay cho phấn trang điểm thì Grenouille không đụng tới chai hay bột nữa mà ngồi ngay vào bàn, viết ra liền công thức. Nó đã học được cách thêm sự hình thành công thức vào con đường đi từ sự hình dung mùi thơm đến nước hoa hoàn chỉnh. Theo nó thì đó là con đường vòng. Trong con mắt thế gian, nghĩa là con mắt Baldini, thì đó gọi là bước tiến bộ. Muốn gọi là gì thì gọi, phép lạ của Grenouille vẫn là phép lạ. Nhưng mà việc nó thực hiện phép lạ theo công thức làm cho đôi mắt kia bớt sợ và vì thế chỉ có lợi thôi. Grenouille càng thành thạo các công cụ và mánh lới trong nghề, càng biết diễn đạt bình thường bằng ngôn ngữ của ngành nước hoa thì chủ của nó đỡ sợ và bớt nghi ngại. Chẳng bao lâu sau Baldini không còn coi nó như một Frangipani thứ hai, thậm chí một tay phù thuỷ đáng sợ nữa, tuy vẫn còn đánh giá nó là một con người có biệt tài về mùi, Grenouille thấy vậy càng hay. Với nó thì cái tập tục trong nghề thủ công là một cái vỏ ngụy trang tốt. Rõ ràng nó ru ngủ Baldini qua cái cung cách mẫu mực khi cân các chất phụ gia, khi lắc cái bình trộn, khi rẩy nước hoa lên cái khăn thử màu trắng. Nó vẩy khăn mềm mại, kéo ngang mũi điệu nghệ gần bằng ông chủ. Với những cách quãng có tính toán, nó thỉnh thoảng cố ý làm sai để cho Baldini phải trông thấy như quên không lọc, chỉnh cân sai, viết tỉ lệ cồn long diên hương cao một cách phi lý trong công thức…để được chỉ cho thấy sai lầm và sửa hết sức cẩn trọng. Qua đó nó thành công trong việc ru ngủ Baldini với cái ảo tưởng rằng rút cuộc mọi sự suôn sẻ cả. Nó thật không muốn lừa ông già. Nó thật muốn học ở ông. Không phải cách trộn nước hoa, không phải sự cấu tạo hợp lý của mùi thơm, tất nhiên rồi! Trong lãnh vực này trên thế giới không có ai dạy nó được chút gì và những chất có sẵn trong cửa hiệu của Baldini còn lâu mới đủ để thực hiện loại nước hoa tuyệt vời mà nó hình dung. Những gì thuộc về mùi mà nó làm ở tiệm của Baldini chỉ là trò trẻ con so với những mùi nó trữ trong người nó mà nó dự tính sẽ thực hiện một ngày nào đó. Nó biết rằng muốn thế phải hội đủ hai điều kiện: một là cái vỏ của đời sống trung lưu, ít nhất của một thợ lành nghề để nó có thể miệt mài với những say mê và theo đuổi thực sự dưới lớp vỏ kia mà không gặp trở ngại, hai là sự hiểu biết về những phương pháp thủ công để tạo ra, để cách ly, để cô đặc và bảo quản hương liệu vì chỉ như thế mới có thể có hương liệu sẵn sàng cho những sử dụng cao cấp hơn. Tuy Grenouille có cái mũi nhậy nhất thế giới cả về phân tích lẫn tưởng tượng thật nhưng nó chưa có khả năng làm chủ mùi thật sự.