Dĩ nhiên Baldini lo lắm. Sẽ hết sức phiền nếu cái thằng học việc quý giá của ông đúng vào cái lúc ông dự tính mở rộng việc buôn bán ra khỏi phạm vi thủ đô, thậm chí ra ngoài biên giới đất nước. Vì quả thật không chỉ các tỉnh mà cả cung đình các vương quốc khác cũng đặt thường xuyên hơn những nước hoa loại mới mà Paris khao khát. Để đáp ứng nhu cầu này, Baldini nuôi ý định lập một chi nhánh ở Faubourg Saint-Antoine, một xi nghiệp nhỏ thôi để trộn khối lượng lớn những nước hoa thông dụng và đóng hàng loạt vào những chai nhỏ, xinh xắn, do những cô gái nhỏ nhắn dễ thương đóng thùng để gởi sang Hà Lan, Anh và Đức. Đối với một chủ tiệm cư ngụ tại Paris thì hành động liều lĩnh này không thật hợp pháp nhưng gần đây Baldini có được sự che chở ở những nơi chóp bu, nước hoa tuyệt diệu của ông đã tạo cho ông sự che chở không chỉ của ngài đổng lý văn phòng ngự tiền mà còn ở những nhân vật quan trọng như của quan giám thu quan thuế (zollpaechter) của Paris và của ngài Feydeau de Brou, thành viên hội đồng tài chính hoàng gia, đồng thời là người tài trợ các xí nghiệp làm ăn phát đạt. Thậm chí ngài còn tính tới khả năng ông sẽ được đặc ân của hoàng gia, một thứ giấy thông hành giúp thoát khỏi mọi quy định của nhà nước và phường hội, chấm dứt mọi lo lắng trong hành nghề và là một bảo đảm vĩnh viễn cho sự thịnh vượng vững chắc không ai dám tranh chấp, nghĩa là cái cao nhất mà người ta chỉ dám mơ.
Baldini còn ấp ủ một dự tính khác, dự tính ưa thích nhất, như một đối chọi với xí nghiệp ở Faubourg Saint-Antoine, không sản xuất hàng loạt nhưng ai cũng có thể mua được; ông muốn chế, phải nói là ông ra lệnh chế thì đúng hơn, một số loại nước hoa riêng cho một số khách hàng tuyển chọn có địa vị cao và thật cao, giống như quần áo được đo cắt riêng, chỉ thích hợp với từng cá nhân, chỉ người đó sử dụng và chỉ mang cái tên tăm tiếng của người ấy. Ông hình dung ra nào là nước hoa của Marquis de Cernay, nào là nước hoa của Maréchale de Villars, nào là nước hoa của Duc d’Aguillon, vân vân. Ông mơ đến nước hoa của Madame la Marquise de Pompadour, thậm chí một nước hoa của Sa Majesté le Roi, đựng trong lọ con mài bằng đá mã não đắt tiền với viền vàng trạm trổ, có khắc ẩn trên mặt trong của đáy lọ cái tên Giuseppe Baldini, nhà làm nước hoa, tên của ông và tên của Đức Vua ở cùng một món hàng, Baldini đã dám thả hồn cao đến những tưởng tượng tuyệt vời nhường ấy! Vậy mà Grenouille lại ốm! Dù rằng Grimal, xin Chúa đoái thương linh hồn hắn, đã thề sống thề chết rằng nó chẳng bao giờ ốm cả, nó chống chọi được tất, kể cả bệnh dịch hạch đen.
Thế mà thình lình nó đau chờ chết. Nhỡ nó chết thật thì sao? Khủng khiếp quá! Những đề án hay ho về xí nghiệp, về những cô bé dễ thương, về đặc ân và về nước hoa của Đức Vua cũng sẽ chết theo nó.
Cho nên Baldini quyết định phải cứu mạng sống quý báu của tên học việc. Không thể không thử được. Ông ra lệnh dời nó từ cái phản trong xưởng lên một cái giường sạch sẽ trên lầu. Ông cho trải giường với khăn thêu hoa. Tự tay ông giúp khiêng người bệnh lên cầu thang chật hẹp dù rằng những mụn nhọt lở lói làm ông kinh tởm khôn xiết. Ông ra lệnh cho vợ nấu canh gà với rượu vang, Ông cho tìm tay thầy thuốc nổi tiếng nhất khu phố, một tay Procope nào đấy, và phải trả trước những hai mươi quan thì hắn mới chịu đến cho.
Thầy thuốc đến, dùng đầu ngón tay hất khăn giường ra, ném một cái nhìn duy nhất lên thân thể Grenouille trông không khác bị cả trăm viên đạn bắn lỗ chỗ, rồi rời khỏi phòng ngay, không thèm mở cái cặp mà người phụ tá của ông luôn luôn mang theo. Ông ta nói với Balidni rằng trường hợp này quá rõ ràng. Đây là biến chứng giang mai của bệnh đậu mùa lẫn với bệnh sởi làm mủ in stadio ultimo[1]. Không cần điều trị gì nữa vì không thể dùng lưỡi trích để lấy máu đúng quy cách được trên một thân thể đã rữa, chết nhiều hơn sống như thế kia. Dưới góc độ khoa học nghiêm túc thì sự chưa nhận thấy được trong tíến trình căn bệnh cái mùi hôi đặc trưng của bệnh dịch là một hiếm có nho nhỏ, đáng ngạc nhiên, nhưng chắc chắn rằng bệnh nhân sẽ chết trong vòng bốn mươi tám giờ nữa, rõ như tên ông ta là bác sĩ Procope vậy. Ông ta thu thêm hai mươi quan nữa vì đã đến thăm và chẩn bệnh, rồi cáo lui, nếu để cho ông ta sử dụng cái xác với những biểu hiện kia vào mục đích thuyết minh thì sẽ được hoàn lại năm quan.
Balidni quýnh lên. Ông than vãn, khóc lóc vì tuyệt vọng. Ông cắn ngón tay vì căm giận số phận, Lại một lần nữa những dự án hứa hẹn thành công, thành công vĩ đại của ông bị hỏng ngay khi đã gần tới đích. Trước kia là Pélissier và lũ bạn bè với sự sáng tạo phong phú của chúng. Bây giờ là thằng lỏi này với cái kho nước hoa không bao giờ cạn của nó, cái thằng nhỏ khốn nạn quý hơn cả vàng này, nó lại nhè ngay cái giai đoạn xây dựng cơ sở làm ăn mà bị đậu mùa do giang mai với sởi làm mủ in stadio ultimo! Nhè ngay lúc này! Tại sao không đợi hai năm nữa? Một năm thôi cũng được? Tới lúc đó thì có thể khai thác nó hết sạch như một mỏ bạc hay một con gà đẻ trứng vàng. Một năm nữa nó được quyền chết thanh thản. Nhưng mà không! Nó phải chết bây giờ cơ, lạy Chúa tôi, và trong vòng bốn mươi tám tiếng!
Balidni cân nhắc rất nhanh, có nên hành hương sang Notre-Dame, châm một ngọn nến và cầu xin Đức Mẹ cho Grenouille được khỏi bệnh hay không. Nhưng ông bỏ ý định đó vì cấp bách quá rồi. Ông chạy tìm giấy mực rồi đuổi vợ ra khỏi phòng người bệnh. Ông muốn tự canh chừng. Rồi ông ngồi xuống cái ghế cạnh giường, giấy đặt trên đầu gối, bút mực trong tay, tìm cách moi từ Grenouille lời xưng tội – dĩ nhiên là về nước hoa. Lạy Chúa, nó đừng im lìm mang theo cái kho tàng trong người! Nó hãy để lại vào giây phút cuối cùng một di chúc nơi người đáng tin cậy để hậu thế không bị mất đi những nước hoa tuyệt diệu nhất tự cổ chí kim! Ông, Baldini này, sẽ thực hiện hết sức trung thực những công thức kinh điển của những nước hoa tuyệt vời hơn mọi nước hoa đã từng biết và sẽ làm rạng rỡ mọi nước hoa của nó.Ông xin thề trước các thánh rằng sẽ gắn chặt các vinh hoa bất tử với tên của Grenouille, phải, ông sẽ dâng lên Đức Vua loại nước hoa tuyệt nhất, đựng trong một lọ con bằng đá mã não có viền vàng trạm trổ và khắc hàng chữ kính dâng của “Jean-Baptiste Grenouille, nhà chế nước hoa của Paris”. Ông nói như thế hay đúng hơn không ngớt thì thầm vào tai của Grenouille, thề thốt, năn nỉ, mơn trớn.
Nhưng đều vô ích. Từ Grenouille chẳng thoát ra được gì khác ngoài cái nước vàng và mủ với máu. Nó nằm câm nín trên nệm hoa, tiết ra cái chất nước ghê tởm kia chứ không phải là kho báu của nó, sự hiểu biết của nó, chẳng có lấy được một công thức nước hoa nào. Baldini muốn bóp cổ nó, muốn đánh nó, muốn nện cho bật từ cái thân thể chờ chết kia sự bí mật quý báu nếu như quả có triển vọng thành công…và nếu ý thức về tình thương đồng loại của một con chiên không kịch liệt phản kháng.
Thế là ông lại tiếp tục êm ái thổi vào tai người bệnh những lời ngọt lịm, vuốt ve và dùng khăn lạnh thấm từ cái trán đẫm mồ hôi và những vết lở nóng như núi lửa, dù phải cố hết sực chịu đựng đến rợn người, rót từng muỗng vang vào miệng nó để làm cho lưỡi nó phát ra tiếng, suốt đêm như thế nhưng công toi. Sáng sớm ra ông bỏ cuộc. Ông kiệt sức buông người xuống ghế trong một góc phòng và, không còn giận dữ nữa mà chỉ còn là cam chịu thầm lặng, nhìn sững cái thân thể Grenouille nhỏ bé chờ chết trên giường phía góc bên kia mà ông không còn có thể vớt vát gì được cho mình, đành chịu bó tay nhìn nó lìa đời như một thuyền trưởng nhìn con tàu của mình chìm mang theo tất cả của cải xuống đáy biển.
Bỗng đôi môi của kẻ chờ chết hé mở, nó nói rõ ràng và chắc chắn chẳng có vẻ gì là của một kẻ sắp lìa đời: “Maitre, xin cho biết có cách nào khác để lấy được hương thơm từ một vật thể ngoài cách ép hay chưng cất không?”
Baldini nghĩ rằng tiếng nói nọ là do ông tưởng tượng hay đến từ thế giới bên kia nên trả lời như máy: “Có đấy”.
“Cách gì?” câu hỏi vọng ra từ giường và Baldini mở choàng đôi mắt mệt mỏi. Grenouille nằm không động đậy trên gối. Cái xác đã nói ư?
“Cách gì?” câu hỏi vang lên và lần này Baldini nhận ra đôi môi Grenouille mấp máy. “Hỏng thật rồi”, ông thầm nghĩ, “đã tới lúc rồi, hoặc là cuồng vì sốt, hoặc là giẫy chết”. Rồi ông đứng dậy, bước tới giường và cúi xuống người bệnh. Nó mở mắt nhìn Baldini cũng với cái nhìn rình rập lạ lùng như ở lần gặp nhau đầu tiên.
“Cách gì?” nó hỏi.
Baldini quyết định sau một lúc do dự, ông không muốn kẻ sắp chết điều mong muốn cuối cùng nên trả lời: “Có ba cách, con ạ. Cách enfleurage à chaud, cách enfleurage à froid và cách enfleurage à l’huile [2]. Chúng trội hơn phương pháp chưng cất về nhiều mặt và người ta dùng để có thể lấy được những mùi hương thanh cao nhất: hương hoa nhài, hoa hồng và hoa cam”.
“Ở đâu?” Grenouille hỏi.
“Ở phía nam”, Baldini đáp. “Nhiều nhất là ở thành phố Grasse”.
“Hay lắm”. Grenouille nói.
Rồi nó nhắm mắt lại. Baldini từ từ đứng dậy, ông quá chán nản, gom lại những tờ giấy không ghi được một dòng nào, thổi tắt nến. Bên ngoài trời đã sáng. Ông hết sức mệt mỏi. Lẽ ra phải mời một linh mục đến, ông thầm nghĩ. Rồi ông đưa tay phải làm dấu thánh giá vội vàng và ra đi.
Còn lâu Grenouille mới chết. Nó chỉ ngủ thật say, mơ thật sâu và hút trở vào những thứ tiết ra trên thân thể. Những vết phồng da bắt đầu khô lại, những vết lở ngưng chảy mủ, những vết loét khép lại dần. Trong vòng một tuần nó khỏi hẳn.
Chú thích:
[1] Ở giai đoạn cuối cùng (tiếng La Tinh).
[2] Các phương pháp lấy hương thơm trong ngành nước hoa: cách lấy nóng, cách lấy lạnh và cách lấy bằng dầu.