Không ngờ đấy, Phương Hạo. Cậu còn rất lãng mạn.
Phương Hạo là một người rất giỏi trong việc cân bằng nhịp sinh hoạt. Sau sự cố radar ngừng hoạt động, anh biết bản thân không ổn nên đã cất công gọi điện nhờ Quách Tri Phương đổi ca trực. Anh thật ra cũng rất ngại, vì Quách Tri Phương đang mang thai hơn bảy tháng, trước giờ nếu có thể không làm phiền cô thì anh sẽ cố gắng không phiền tới cô, thế nhưng hôm nay thật sự là tình huống đặc biệt.
Bản thân Phương Hạo cũng biết, nghề của bọn họ không giống các công việc bình thường khác, tỷ lệ cho phép mắc lỗi gần như bằng không. Một kiểm soát viên ở trạng thái không ổn định không khác gì một quả bom hẹn giờ. Phương Hạo đang ở trạng thái không ổn định, không đủ tự tin thì hiển nhiên nên xin nghỉ và đổi ca. Làm vậy là có trách nhiệm với bản thân mình, cũng là có trách nhiệm với tất cả những người xung quanh. Cho dù bình thường anh không bao giờ nhờ vả tới ai, nhưng trước sự an toàn của các chuyến bay, sĩ diện của anh chỉ xếp thứ hai.
Hôm nay anh với Trần Gia Dư nói chuyện một mạch tới nửa tiếng đồng hồ. Mãi đến khi phòng trực ban của tháp chỉ huy gọi báo thợ điện đã tới thì Phương Hạo mới chào tạm biệt Trần Gia Dư. Lúc về, không biết Trần Gia Dư biến từ đâu ra một chiếc túi giấy, khăng khăng bắt anh mang chiếc muffin việt quất còn lại theo, Phương Hạo đành miễn cưỡng nhận lấy.
Trên đường lái xe về, trong xe thoang thoảng hương lá nguyệt quế của bánh, anh ngửi cả đường rồi cũng chợt thấy đói, trong lúc đi lên nhà đã nhanh chóng xử hết chiếc bánh. Lúc ăn bánh, anh đã nghĩ bản thân cần nhận thức lại về con người Trần Gia Dư. Anh ta không phải người thuộc chủ nghĩa vị kỷ tinh vi, tham mọi lợi ích, đi đâu cũng muốn được hưởng đãi ngộ đặc biệt như anh tưởng tượng. Cho dù hôm nay anh ta mời anh ra là vì mục đích lôi kéo làm quen thì nói chuyện với anh ta một lúc quả thức đã giúp anh giảm bớt phần nào áp lực. Hơn nữa, một người có chân thành hay không, ngay lúc nói chuyện cũng có thể cảm nhận được. Ít nhất, trong nửa tiếng đồng hồ đó, Trần Gia Dư ngồi trước mặt anh rất chân thành và chân thực.
(Chủ nghĩa vị kỷ tinh vi: tiếng Trung là “精致利己”, cụm từ này xuất phát từ phát biểu của một giáo sư ngành Trung Văn đại họ Bắc Kinh, chỉ những người thông minh, tinh vi, biết cách diễn trò, ngụy trang, điều khiển người khác để đạt được lợi ích cho riêng bản thân mà đối phương không hề hay biết)
Trước lúc rời đi, Phương Hạo có hỏi về lịch làm việc mấy ngày tiếp theo của Trần Gia Dư. Lúc Trần Gia Dư bảo “vẫn là Thâm Quyến với Thượng Hải” thì Phương Hạo đã cố tình hỏi thêm: “Những chuyến nào đi Thâm Quyến vậy?”
Trần Gia Dư bảo tạm thời không nhớ, chắc vẫn là những chuyến thường bay, để về sẽ nhắn cho Phương Hạo. Phương Hạo bèn xua tay bảo không cần đâu. Thật ra anh cũng chưa nghĩ kỹ xem mình hỏi vậy để làm gì.
Trần Gia Dư không chút khiêm tốn: “Sao thế, muốn mời tôi đi ăn à?”
Tuy lời này chỉ là nói đùa nhưng trong lòng Trần Gia Dư nghĩ, người ta hỏi lịch làm việc của anh, nhẽ nào không phải để tìm anh sao?
Phương Hạo vốn định nói đùa một câu từ chối, nhưng rồi nghĩ kỹ lại thấy Trần Gia Dư sau khi hết giờ làm không về nhà ngay mà lại tới an ủi mình, có lẽ phải mời anh ta một bữa thôi. Vậy nên Phương Hạo nói: “Ừm, để cảm ơn anh hôm nay, hôm khác tôi mời anh đi ăn nhé.”
Sau khi về tới nhà, Phương Hạo vốn đã quên béng chuyện này, nhưng rồi nhận được tin nhắn của Trần Gia Dư:「 Thứ Năm bay 3307, thứ Sáu 1462. 」
Lúc nhìn thấy 1462, mí mắt trái của Phương Hạo khẽ giật – Không phải chứ, trùng hợp như vậy sao? Đúng chuyến bảy giờ tối thứ Sáu Phương Thịnh Kiệt đã đặt. Anh làm việc tại Cơ sở tiếp cận sân bay Đại Hưng gần hai năm, Trần Gia Dư trước đây bay chặng quốc tế cũng có lúc khởi hành từ Đại Hưng, thế nhưng hai người họ lại hoàn toàn chưa từng tiếp xúc. Vậy mà kể từ sau khi quen biết, hơn một tháng trở lại đây, hai người không ngừng gặp mặt, đầu tiên là gặp ở bữa tiệc, sau đó đụng mặt nhau ở sân bay, trên kênh radio cũng thường xuyên gặp, như hôm nay Phương Hạo Kiệt đặt một tấm vé cũng có thể đặt thành có liên quan tới nhau.
Trong đầu Phương Hạo dần vẽ ra một kế hoạch. Tuy nhiên, anh không hề có ý định sẽ nói với Trần Gia Dư, anh tính chờ khi chuyến bay của bọn họ hạ cánh rồi mới báo.
Thứ Sáu, Phương Hạo trực ca sáng. Vì đổi ca với Quách Tri Phương sau vụ việc radar nên thứ Nam anh trực ca chiều tối, về nhà ngủ mấy tiếng, tắm rửa qua rồi lại quay lại. Vốn dĩ Quách Tri Phương xem lịch trực của anh xong có bảo thứ Sáu cũng tiếp tục đổi ca với anh, để anh làm tiếp ca chiều tối, như vậy Phương Hạo có thể nghỉ ngơi lâu hơn một chút. Thế nhưng lịch trực ngày thứ Sáu do Phương Hạo cố ý sắp xếp, vì chuyến bay của em trai anh – Phương Thịnh Kiệt – sẽ tới vào buổi tối, trực ca như vậy anh sẽ có thể đón cậu cùng về nhà.
Sau khi nhận được tin nhắn「 Em lên máy bay rồi, lát gặp nhé 」của Phương Thịnh Kiệt, Phương Hạo hài lòng trở về vị trí, tiếp tục công tác. Dù là tối thứ Sáu nhưng lưu lượng hôm nay khá ổn. Mọi sự mệt mỏi vì chỉ được nghỉ ngơi vài tiếng đã bị tâm trạng mong ngóng em trai về nhà quét sạch, hai tiếng còn lại cũng trôi qua trong nháy mắt.
Như dự liệu, vào 6h30’, Phương Hạo chào đón chuyến bay CA1462 của Trần Gia Dư trở về Bắc Kinh. Anh cấp huấn lệnh không chút chậm trễ: “Air China 1462, Tiếp cận Bắc Kinh, radar nhận dạng tốt. Giữ độ cao 5500, vận tốc 320. Dự kiến… hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17L.”
Trần Gia Dư nghe thấy giọng Phương Hạo cũng chữ “17L” thì cảm thấy bầu trời Bắc Kinh như đột nhiên trở nên quang đãng hơn. Anh nhắc lại: “Giữ độ cao 5500, vận tốc 320, đường cất hạ cánh 17L, Air China 1462.” Sau đó còn nói thêm: “Hôm nay đúng là ngày tốt lành.”
Đương nhiên Trần Gia Dư không biết, hôm nay quả đúng là ngày tốt lành, là sinh nhật của Phương Thịnh Kiệt. Trần Gia Dư trước giờ vẫn luôn như vậy, muốn nói gì sẽ nói nấy. Nếu kênh radio bận thì Phương Hạo đương nhiên có thể mặc kệ Trần Gia Dư, tiếp tục cấp huấn lệnh.
Quả nhiên, Phương Hạo không trả lời Trần Gia Dư mà gọi tàu bay phía trước anh: “China Southern 1470, giảm và giữ độ cao 4000. Ai cấp huấn lệnh cho mấy anh giảm tốc độ?” Rõ ràng là chê tốc độ của bọn họ quá chậm.
Giọng Phương Hạo cực kỳ nghiêm khắc. Cơ trưởng của chuyến China Southern 1470 hơi rùng mình, vội vã giải thích: “Tôi tưởng… trước giờ sau khi tiếp cận đều… để tôi giảm xuống dưới 300.”
Phương Hạo nghe xong thì thầm nghĩ: Hay lắm, lại thêm một vị theo trường phái “tôi tưởng”. Thế nhưng tâm trạng anh đang vui nên cũng lười nói đối phương: “Không nhận được huấn lệnh thì không được giảm tốc độ. Vừa rồi anh bay tốc độ 280 ở độ cao 5000, tàu bay phía sau sắp vượt anh luôn rồi. Nhanh chóng giảm độ cao 4000, điều chỉnh vận tốc lên 300.”
China Southern 1470 trả lời: “À, đã rõ. Giảm độ cao 4000, vận tốc 300. China Southern 1470.”
Phương Hạo kéo giãn khoảng cách giữa China Southern 1470 và Air China 1462 rồi nhắc nhở Trần Gia Dư trên kênh radio: “Air China, tàu bay 737 đang tiến vào cạnh cuối vòng lượn của China Southern đáp xuống đường cất hạ cánh 04. Đảm bảo phân cách trực quan.”
Trần Gia Dư đáp: “Đã rõ, Air China 1462.”
Chờ tới khi tàu bay của hãng Nam Phương từ từ đáp xuống, Phương Hạo chỉ huy hai tàu bay chờ hàng cất cánh thì mới quay lại cấp huấn lệnh cho bên Trần Gia Dư: “Air China 1462, bay hướng 090, được phép thiết lập trên Localizer đường cất hạ cánh 17L.”
Trần Gia Dư: “Bay hướng 090, đường cất hạ cánh 17L, thiết lập trên Localizer. Air China 1462.”
Phương Hạo: “Air China 1462, giữ độ cao 1200, thiết lập trên Glidepath, được phép hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17L.”
Trần Gia Dư trả lời: “Giữ độ cao 1200, thiết lập trên Glidepath, hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17L. Air China 1462.”
Phương Hạo nói câu cuối: “Air China 1462, tự nắm bắt độ cao và vận tốc, chuyển sóng Đài kiểm soát 123.4, tạm biệt.”
Trần Gia Dư đáp lại trôi chảy: “123.4, Air China 1462.”
Thật ra đã hết ca làm của Phương Hạo nhưng anh chờ điều hành xong chuyến của Trần Gia Dư, sau đó mới đi lên tầng, tới Đài kiểm soát. Hôm nay, vừa đúng lúc Sở Di Nhu bắt đầu ca trực chiều tối. Trước mắt, cô đang trông tàu bay của Air China đáp xuống 17L một cách phóng khoáng rồi giảm tốc để lăn vào.
Phương Hạo thấy cô không bận, bèn ngồi xuống bên cạnh cô, hỏi: “Anh gọi Air China 1462 một chút.”
Sở Di Nhu vừa chỉ huy tàu bay đó tiếp đất xong, cũng biết đầu bên kia tần số là Trần Gia Dư. Tuy nhiên cô không rõ về kế hoạch của Phương Hạo, vậy nên cảm nhận theo trực giác của cô thì Phương Hạo với Trần Gia Dư có vấn đề: “Anh với anh Gia lại làm sao rồi?” Nhẽ nào hai người này lại có tranh chấp gì, cãi trên tần số Tiếp cận chưa xong, giờ muốn đổi tần số khác để cãi tiếp?
Phương Hạo sửng sốt trước suy nghĩ của cô: “Anh nào dám. Dù anh có cãi cọ với anh ta tới mức nào thì cũng không dám làm ảnh hưởng việc anh ta hạ cánh đâu. Em yên tâm. Thịnh Kiệt đang trên máy bay của bọn họ, hôm nay là sinh nhật thằng bé.”
Sở Di Nhu đã hiểu, ngoan ngoãn giao micro cho anh: “À, ra là vậy.”
Phương Hạo cầm lấy micro, gọi đầu bên kia: “Air China 1462, đây là Đài kiểm soát.”
Trần Gia Dư nghe thấy giọng Phương Hạo thì cũng rất bất ngờ. Bình thường, một khi bên Đài đã tiếp nhận tàu bay thì Tiếp cận sẽ không tiếp quản lại nữa, trừ tình huống cá biệt có tổ lái nhầm tần số. Thế nhưng, Trần Gia Dư đã nhận một loạt huấn lệnh của Đài kiểm soát rồi, anh biết mình không nhầm tần số. Vậy chỉ còn lại một khả năng, đó là Phương Hạo lên Đài kiểm soát để gọi anh.
Anh vội trả lời: “Air China 1462, cậu nói đi.” Không dùng “Mới nói” luôn.
Phương Hạo nói: “Air China 1462… Tôi có một thỉnh cầu nho nhỏ.”
Giọng Trần Gia Dư rất thư thái và thoải mái, dù sao nhiệm vụ bay cũng đã hoàn thành: “Ừm, Đài kiểm soát, cậu nói đi. Air China 1462.”
Phương Hạo tiếp tục: “Air China 1462, em trai tôi đang trên chuyến bay của mấy anh, hôm nay vừa đúng sinh nhật 18 tuổi của thằng bé. Nhờ anh… phát thanh chúc mừng sinh nhật thằng bé có được không?”
Trần Gia Dư thật sự rất ngạc nhiên, sau đó vui vẻ đồng ý: “Đài kiểm soát, không vấn đề gì. Em trai cậu tên gì? Ghế số bao nhiêu? Để tôi nhờ người xác nhận.” Dù thế nào cũng phải kiểm tra lại, chứ không nhỡ nhầm lại thành ra lúng túng.
Phương Hạo trả lời: “Phương Thịnh Kiệt, 27C.”
Trần Gia Dư gọi tiếp viên trưởng qua, nhờ cô kiểm tra danh sách hành khách. Anh đột nhiên nhớ ra, mấy hôm trước Phương Hạo có hỏi anh bay Thâm Quyến những chuyến nào, hóa ra là vì mục đích này. Thảo nào sau khi anh nhắn số hiệu chuyến bay thì cậu chỉ nhắn lại bằng một chiếc icon giơ ngón cái mà không nói gì thêm. Cảm xúc trong lòng Trần Gia Dư có chút rối rắm. Anh là người thân thiện. Anh cứ nghĩ mình đã cực kỳ thân với Phương Hạo rồi, nhưng lại không biết cậu còn có một cậu em trai cưng.
Trong lúc chờ tiếp viên trưởng, Trần Gia Dư lại cầm bộ đàm lên: “Không ngờ đấy, Phương Hạo. Cậu còn rất lãng mạn.”
“À…” Phương Hạo không biết nên đáp lại như nào. Tối nay tuy ít tàu bay nhưng anh cũng không muốn để người khác nghe thấy. Trần Gia Dư gọi thẳng tên anh như vậy, Phương Hạo cảm thấy có hơi xấu hổ.
Cũng may, tiếp viên trưởng rất nhanh đã kiểm tra xong. Trần Gia Dư nói: “Bọn tôi xác nhận được rồi. Để tôi mở phát thanh cơ trưởng, cậu chờ chút.”
Trần Gia Dư bật loa phát thanh, nói: “Kính chào quý khách. Chào mừng hành khách đã tới Bắc Kinh. Bên ngoài hiện tại thời tiết trong lành, nhiệt độ ở mức 11oC. Ngoài ra, có một thông điệp đặc biệt dành cho vị khách ngồi tại ghế 27C, Phương Thịnh Kiệt. Chúc bạn sinh nhật 18 vui vẻ! Mọi người hãy cùng hát chúc mừng bạn Phương Thịnh Kiệt nhé!”
Phương Thịnh Kiệt hoàn toàn bất ngờ. Cậu đang thu dọn tai nghe và iPad thì bị lời chúc mừng sinh nhật khác nhau từ những người xung quanh làm cho choáng váng. Cậu vốn là một người thích náo nhiệt nên được mọi người cùng hát chúc mừng sinh nhật như vậy cậu rất vui, còn lấy điện thoại ra quay lại.
Lúc xuống máy bay, khi Phương Thịnh Kiệt nhìn thấy Trần Gia Dư với ánh cười nơi khóe mắt, phản ứng đầu tiên của cậu là – Đây không phải vị cơ trưởng ngôi sao đã xoay chuyển tình thế, hạ cánh khẩn cấp đó sao?
Trần Gia Dư gọi cậu lại, còn đích thân chúc mừng: “Phương Thịnh Kiệt phải không? Chúc mừng sinh nhật em nhé.”
Phương Thịnh Kiệt có chút sợ hãi vì được quan tâm: “Cảm ơn cơ trưởng ạ. Anh là… bạn của anh trai em sao ạ?”
Trần Gia Dư thành toàn cho Phương Hạo: “Ừm, đúng rồi. Tất cả đều là ý tưởng của cậu ấy đấy.”
Phương Thịnh Kiệt bèn đáp: “Rất rất cảm ơn anh. Em hạnh phúc lắm ạ.”
Trần Gia Dư cười, bảo: “Tuổi 18 đương nhiên phải đặc biệt một chút. Em có hành lý ký gửi không? Để lát anh dẫn em đi tìm anh trai em.” Chuyện này hiển nhiên không phải Phương Hạo nhờ mà là Trần Gia Dư tự chủ động.
Phương Thịnh Kiệt rất ngoan. Câu đầu tiên của cậu là hỏi anh: “Có ạ. Mà… có làm phiền anh không ạ?”
Trần Gia Dư xua tay với cậu, nói: “Không phiền gì đâu. Để anh ký mấy giấy tờ rồi sẽ qua chỗ lấy hành lý chờ em.”