này trúng tuyển. Vừa về tới quê nhà, bọn họ đã được làng mở tiệc khao rất lớn. Gia đình bọn họ cũng nhận được không ít lễ vật chúc mừng từ bà con lối xóm.
Trong số mấy học trò dự thi của mình, việc Trí Viễn đỗ cử nhân đều nằm trong dự liệu của Chu Thanh An. Hôm nay nhân dịp mấy học trò tới bái kiến, bà cũng hỏi phương hướng tiếp theo của nàng ta thế nào:
- Sau đây con có dự định gì chưa, Trí Viễn?
Nguyễn Gia kính cẩn đáp:
- Bẩm thầy, lần đi này con thi cử xong cũng đã ghé qua thư viện Lam Kinh sát hạch và đã nhận được sự chấp thuận nhập học của họ. Ra Giêng, con sẽ tới Lam Kinh theo học tiếp ba năm. Thời gian này con dự tính qua đó xem xét thu thập chỗ ăn ở xem thế nào. Tuy rằng thư viện yêu cầu học sinh trọ học trong khuôn viên nhưng có một gian nhà nhỏ bên ngoài cũng không tệ lắm. Ngày nghỉ có thể ra ngoài, người nhà có đến thăm nom cũng có nơi nghỉ lại.
Chu Thanh An nghe Nguyễn Gia nói chuyện thì cũng gật đầu, Đột nhiên bà nhớ tới một người học sinh khác có thư mời tới thư viện Lam Kinh thì quay sang nói:
- Nếu trò đi thư viện lần này thì gọi Hiểu Linh đi cùng. Trò ấy cũng có thư mới tới Lam Kinh. Tuy Hiểu Linh thông minh, mẫn tiệp nhưng dù sao vẫn là đứa nhỏ chưa đi được tới đâu, cần có người dìu dắt. Trò ấy có thể sẽ không theo học nên hẳn là phải có một nơi để tá túc bên ngoài.
Nguyễn Gia trong lòng cười thầm nhưng trên mặt lại có chút lưỡng lự rồi đáp:
- Bẩm thầy, con sẵn lòng đưa sư muội đi Lam Kinh cùng, nhưng Hiểu Linh trước nay dường như có ấn tượng không tốt về con cho lắm. Con e rằng sư muội sẽ tìm mọi cách từ chối.
Chu Thanh An khoát tay đáp:
- Ta là nói trước với con một tiếng để con xem thế nào chuẩn bị tư tưởng, chuyện bảo Hiểu Linh đi cùng thì để ta. Tủ sách ta tích cóp cả đời đứa nhỏ đó sắp nuốt trôi hết rồi. Con nghiện sách đó không có sách để đọc chắc chắn khó chịu lắm. Đứa nhỏ đó có phần ngang bướng nhưng nói phải củ cải cũng nghe. Ta còn là nói được trò ấy.
Nguyễn Gia nhìn lại thầy mình ánh mắt có chút ngạc nhiên. Thời gian nàng rời đi không bao lâu mà Phạm Hiểu Linh đã khiến sư phụ có thể thương yêu đến thế này rồi sao. Giọng điệu thầy tuy nói có chút trách mắng nhưng thực ra lại vô cùng vui vẻ sủng ái. Nguyễn Gia khẽ cười nói:
- Số sách của sư phụ con còn chưa đọc nổi một phần mười, sư muội thật sự là quá giỏi khi có thể hiểu được hết chúng.
Chu Thanh An hớn hở gật đầu:
- Ngoại trừ mấy cuốn liên quan đến học vấn thi cử Hiểu Linh chưa sờ đến còn những sách khác về văn hóa, xã hội, lịch sử, thơ từ đều lấy về đọc một lượt rồi. Con phải chú tâm vào thi cử nên số sách này chưa đọc tới cũng bình thường. Hiểu Linh a… đứa nhỏ đó có những lý giải mà ta thật sự không ngờ tới. Con bé nói có lẽ do nó chưa tiếp xúc với tứ thư, ngũ kinh nên tư tưởng có phần khác biệt. Để lúc nào ta hỏi Hiểu Linh cuốn ghi chép những lý giải của con bé cho con đọc thì con sẽ hiểu.
Nguyễn Gia đáp:
- Dạ vâng thưa thầy.
Nàng cũng đang rất tò mò về Phạm Hiểu Linh đây. Đột nhiên có cơ hội đọc những kiến giải riêng của nàng ấy về sách chẳng phải càng có thể hiểu sâu con người này hơn sao. Thật đáng trông đợi.
***
Hiểu Linh bất giác hắt hơi ba cái liên tục, không biết kẻ nào đang tính toán cô đây. Từ hôm nhận được hoa từ Hà gia, Hiểu Linh lập tức tách chậu, sắp đặt các màu hoa khác nhau lại gần nhau. Sau khi cây sống khỏe trở lại, cô cẩn thận cắt vát một phần thân ở cả hai cây, áp sát chúng lại với nhau rồi buộc kỹ cố định. Mấy chậu hoa này một tay Hiểu Linh chăm sóc tỉ mỉ, quan sát tình hình từng ngày. Hai cây bị ghép vào với nhau nhưng vẫn sống rất khỏe vì bộ lá và rễ còn nguyên. Các bông hoa đang nở sẵn cũng không có dấu hiệu bị héo tàn. Xem ra cách này làm được.
Tiện có sẵn nhiều mắt cúc nhỏ, Hiểu Linh cũng thử ghép mắt xem sao. Cách ghép hai thân kia chỉ giới hạn được hai đến ba thân là cùng, nhưng với ghép mắt, khả năng cô có thể tạo ra cây hoa năm màu cũng được. Nhưng nếu thật sự thành công, sợ rằng Phạm gia sẽ quá nổi tiếng mất. Cô cứ thử làm đã rồi cân nhắc chuyện này sau vậy. Dù sao thì không phải cái gì Hiểu Linh thử nghiệm cũng có thể thành công 100%.