Lam Kinh thư viện tọa lạc trên một sườn núi thoai thoải của dãy Lam Sơn. Nhìn từ bên dưới, toàn bộ tòa thư viện chìm đắm trong màu xanh của núi rừng, có lẽ là một nơi thật sự tốt để các sĩ tử tĩnh tâm ôn học.
Bước chừng hai trăm bậc cầu thang, Nguyễn Gia dừng lại thở dốc nhìn Hiểu Linh vẫn điềm nhiên đi như không thì cảm thán:
- Sao sư muội có thể nhẹ nhàng đi như vậy. Ta thật sự hết sức rồi.
Hiểu Linh cũng dừng lại đáp:
- Chút bậc thang này không làm khó được ta. Nguyễn cử nhân nên chú ý sức khỏe hơn một chút.
Nguyễn Gia xua tay:
- Ta không hề yếu. Trong đám học trò của thầy Thanh An, ta đã là một trong số những người khỏe nhất rồi. Học trò a.. đâu có thể so được với nông phụ, người học võ thường xuyên rèn luyện chứ.
Hiểu Linh nghe Nguyễn Gia nói có chút nhíu mày. Cái câu ngày xưa cô thường nghe học trò tay không thể nâng, vai không thể gánh thật sự là có thật sao. Nếu yếu ớt như vậy, khi làm quan phụ mẫu lấy sức đâu ra mà làm việc chứ. Hiểu Linh đáp:
- Vậy chúng ta đứng nghỉ một lát. Nguyễn cử nhân bao giờ thấy ổn lại đi tiếp.
Nguyễn Gia cười cười nói:
- Có lẽ Lam Kinh thư viện cố tình xây nơi cao như vậy để đám học trò chúng ta một khi đã đi lên liền ngại xuống núi. Như vậy có thể dành nhiều thời gian để học tập mà không bị xao nhãng quá nhiều.
Hiểu Linh cười khì một tiếng đáp lại:
- Sao Nguyễn cử nhân không nghĩ tới Lam Kinh thư viện cố tình làm vậy để phân loại những người tới đây. Quá yếu ớt liền không thể theo hoc nơi này. Muốn theo học? về rèn luyện thêm sức khỏe đi thôi.
Vừa đi vừa nghỉ, rốt cuộc bọn họ cũng leo lên đến cổng thư viện. Cánh cửa thư viện mở rộng nhưng bên trong lại không hề có người gác khiến Hiểu Linh có chút khó hiểu liếc sang nhìn Nguyễn Gia như muốn hỏi: nơi này là vậy sao?
Nguyễn Gia điềm nhiên bước vào nói:
- Cứ vào đi thôi. Nơi này không có người giữ cửa. Ta biết nơi có thể gặp viện trưởng, sư muội cứ theo ta là được.
Hiểu Linh gật gật đầu đi theo Nguyễn Gia. Vừa đi cô vừa đánh giá xung quanh, nơi này… có chút vắng vẻ a… học sinh cũng không thấy nhiều lắm. Cô hỏi:
- Lam Kinh thư viện vắng như vậy sao? Nơi này thật sự nổi tiếng như Thầy Chu nói?
Nguyễn Gia đáp:
- Lam Kinh thư viện xưa rất nổi tiếng với các thầy giảng dạy đều là các nhà Nho nổi tiếng. Nhưng có lẽ do quá xa xôi, các thư viện khác trong nội đô phủ Thanh Hoa mọc lên, lôi kéo một phần các vị học giả nổi tiếng đi, dần dà học sinh theo học cũng ít dần. Tuy mấy năm nay có phần đi xuống, nhưng thư viện truyền xuống được gần trăm năm này thật sự có rất nhiều sách đáng cho sư muội bỏ công lặn lội tới xin đọc. Nhiều bậc Nho giả vẫn thường tới đây để nghiên cứu.
Hiểu Linh ồ lên một tiếng. Nếu Lam Kinh thật sự đang sa sút như Nguyễn Gia nói thì có lẽ đây là cơ hội cho cô đầu tư vào giáo dục như ý tưởng ban đầu của mình đi. Có điều, cô cần phải xem vị viện trưởng ở đây là người như thế nào đã.
Nguyễn Gia dẫn Hiểu Linh đến một tiểu viện nhỏ. Cánh cửa khép hờ. Nàng vươn tay gõ ba cái và gọi:
- Có ai ở nhà không ạ?
Tiếng tiểu đồng đáp lại:
- Tới ngay… tới ngay.
Cánh cửa mở ra, nhìn thấy là người lạ, đứa nhỏ liền hỏi:
- Hai người tới tìm thầy tôi xin học sao?
Nguyễn Gia đáp:
- Đúng vậy. Không biết Phan viện trưởng có nhà hay không?
Cánh cửa hoàn toàn mở rộng, tiểu đồng nhường đường cho hai vị khách đi vào và đáp:
- Thầy tôi đang đọc sách trong nhà. Hai vị vào đi. Để tôi gọi thầy tôi.
Tiểu đồng khép cánh cửa rồi nhanh chân đi trước dẫn hai người vào phòng khách, châm trà rồi lùi xuống đi mời thầy mình tới. Bọn họ không phải chờ lâu lắm thì một vị lão phụ đã đi tới. Mái tóc bạc trắng như cước búi gọn phía sau. Ánh mắt rất sáng, tinh tường. Nhưng dáng đi của người ấy cho thấy sức khỏe không còn tốt lắm.
Vừa thấy người nọ, Nguyễn Gia đứng dậy, chắp tay xá một xá:
- Phan viện trưởng khỏe mạnh.
Hiểu Linh vội làm theo:
- Phan viện trưởng khỏe mạnh.
Phan Sư Khương đáp lời:
- Hai vị đa lễ, ngồi đi.
Đoạn bà nhận ra một trong số hai người nên có chút ngạc nhiên hỏi:
- Đây chẳng phải là Trí Viễn sao? Lần trước ngươi vừa trúng tuyển rồi, ra Giêng liền có thể nhập học, không biết có chuyện gì lại quay lại vậy?
Phan Sư Khương có chút lo lắng. Chuyện học trò tới xin học rồi sau đó lại đổi ý theo học ở một thư viện khác bà đã gặp không ít. Học trò này không phải cũng thế chứ?
Nguyễn Gia đáp lời:
- Thưa viện trưởng, lần này ta chủ yếu đến là muốn dẫn người bạn này của mình tới. Để ta giới thiệu với ngài: Đây là Phạm Hiểu Linh.. người đã tạo ra chiếc máy tuốt lúa mà ngài từng hỏi ta lần trước. Sư muội có một lá thư của huyện lệnh tới cho ngài để xin được đọc sách ở đây.
Hiểu Linh đứng dậy chắp tay xá thêm một xá khi Nguyễn Gia giới thiệu cô. Cô cũng nhân đó trình lên lá thư của vị huyện lệnh:
- Phan viện trưởng ngài đọc.
Phan Sư Khương nhận lá thư nhưng cũng không vội vàng mở ra. Bà đánh giá tiểu nữ trước mặt. Tuổi đời còn nhỏ vậy liền có thể tạo ra chiếc máy tuốt lúa làm phúc cho thiên hạ. Người có tiềm năng như vậy cho dù đi tới thư viện nào cũng đều được nhận lấy. Lam Kinh thư viện cũng không hề ngoại lệ.