Bước vào hiệu ăn chỉ hợp với túi tiền của bọn dân binh và bọn Đức, Claude tưởng tôi dẫn nó đi đánh một đòn. Khi hiểu ra rằng chúng tôi ở đó để ăn uống thỏa thích, tôi thấy sống lại trên gương mặt Claude những thần sắc của tuổi thơ em. Tôi thấy nó lại nở nụ cười như khi mẹ chơi trốn tìm trong căn hộ của chúng tôi, thấy lại niềm vui trong mắt nó khi mẹ đi qua chiếc tủ, vờ như không nhìn thấy nó đang ở trong đó.
- Chúng ta ăn mừng điều gì thế? nó thì thào.
- Điều gì tùy ý em! Mùa đông này, chúng mình này, được sống này, anh chẳng biết.
- Mà anh định trả tiền như thế nào?
- Em đừng lo chuyện ấy và hãy thưởng thức đi.
Claude nhìn chòng chọc những chiếc bánh mì giòn tan trong giỏ, với nỗi thèm thuồng của một tên cư nhìn thấy những đồng tiền vàng trong một cái tráp. Cuối bữa ăn, tinh thần phấn chấn lại vì thấy thằng em hạnh phúc đến thế, tôi gọi thanh toán trong khi nó vào nhà vệ sinh.
Tôi thấy nó quay lại với vẻ mặt giễu cợt. Nó không muốn ngồi xuống, chúng ta phải đi ngay lập tức, nó bảo tôi thế. Tôi chưa uống hết tách cà phê, nhưng em tôi nài nỉ để chúng tôi gấp gáp lên. Hẳn nó dễ cảm thấy một mối nguy hiểm mà tôi còn chưa biết. Tôi trả tiền, mặc áo khoác và cả hai chúng tôi đi ra. Ở ngoài phố, nó níu cánh tay tôi và kéo tôi về phía trước, ép tôi rảo bước.
- Nhanh lên, em bảo anh thế mà!
Tôi liếc nhìn qua vai mình, chắc có ai đó đi theo chúng tôi, nhưng đường phố vắng vẻ không người và tôi thấy rõ thằng em cưỡng lại một cách khó khăn cái cười như nắc nẻ đang muốn bật ra.
- Nhưng mẹ kiếp, có chuyện gì thế? Cuối cùng em làm anh sợ đấy!
- Đi nào! nó nài nỉ. Đến kia kìa, ở con phố hẻm, em sẽ giải thích với anh.
Nó dẫn tôi đến cuối một ngõ cụt và, chuẩn bị hiệu quả, nó mở áo khoác ra. Ở phòng treo quần áo của tiệm Bà Hoàng Pédauque, nó đã cuỗm đai lưng của một tên sĩ quan Đức cùng khẩu Mauser, lủng lẳng trong bao súng.
Hai chúng tôi bước đi trong thành phố, đồng lõ hơn bao giờ hết. Buổi tối đẹp trời, thức ăn đã đem lại cho chúng tôi đôi ba sức lực và cũng chừng ấy hy vọng. Lúc chia tay, tôi đề nghị ngay ngày mai lại gặp nhau. Claude khẽ nói:
- Em không đến được, em đi hành động. Ồ, với lại mẹ kiếp lệnh cấm chứ, anh là anh trai em mà. Nếu với anh mà em không kể được những gì em làm, thì tất cả những cái đó để làm gì chứ?
Tôi không nói gì hết, tôi không muốn ép nó nói, cũng không muốn ngăn nó tâm sự với mình.
- Ngày mai, em phải đi cuỗm tiền của bưu điện. Chắc Jan nghĩ rằng em thực sự được tạo ra để ăn cắp vặt đủ kiểu! Nếu anh biết được điều ấy làm em bực bội thế nào!
Tôi hiểu nỗi bối rối của nó, nhưng chúng tôi cần tiền ghê gớm. Những người là "sinh viên" trong chúng tôi cũng phải ăn uống chút ít nếu họ muốn có thể tiếp tục chiến đấu.
- Nguy hiểm lắm phải không?
- Thậm chí không! Có lẽ đó chính là điều xúc phạm nhất, Claude càu nhàu.
Và nó giải thích với tôi kế hoạch thực thi nhiệm vụ.
Mỗi sáng, một nữ nhân viên bưu điện một mình đến bưu cục phố Balzac. Người ấy vận chuyển một đãy đựng tiền mặt đủ để tất cả chúng tôi có thể cầự được thêm vài tháng. Claude phải đánh gục người ấy để lấy đãy tiền. Émile sẽ che chắn.
- Em đã từ chối dùng dùi cui! Claude nói gần như giận dữ.
- Thế em định làm như thế nào?
- Em sẽ không bao giờ đánh một phụ nữ! Em sẽ dọa cho bà ta sợ, tệ nhất là xô đẩy bà ấy một tí; em giằng lấy cái đãy và chỉ thế thôi.
Tôi chẳng biết rõ lắm mình nên nói gì. Chắc Jan phải hiểu là Claude sẽ không bao giờ nện một phụ nữ. Nhưng tôi sợ mọi việc không diễn ra như Claude trông đợi.
- Em phải chuyên chở tiền đến tận Albi. Hai ngày sau em mới quay về.
Tôi ôm lấy nó, và trước khi ra đi tôi bắt nó hứa là sẽ thận trọng. Chúng tôi vẫy tay tạm biệt nhau lần cuối. Cả tôi nữa tôi cũng có một nhiệm vụ phải thực hiện vào ngày kia và tôi phải đến nhà Claude lấy đạn dược.
° ° °
Như dự kiến, vào bảy giờ sáng, Claude ngồi xổm sau một bụi cây trong vườn nhỏ ven bưu cục. Như dự kiến, vào tám giờ mười phút, cậu nghe tiếng chiếc xe tải nhỏ chở người nữ nhân viên đến và tiếng sỏi ở lối đi lạo xạo dưới chân người đó. Như dự kiến, Claude nhảy bật dậy, nắm đấm đe dọa. Không hề như dự kiến chút nào, người nữ nhân viên nặng một trăm ki lô, và bà ta đeo kính!
Phần còn lại diễn ra rất nhanh. Claude đã thử xô đẩy bà ta bằng cách sấn vào bà ta; nếu cậu có lao vào một bức tường, thì hiệu quả có lẽ cũng thế thôi! Cậu thấy mình nằm dưới đất, hơi choáng váng. Cậu không còn giải pháp nào khác ngoài cách trở lại với kế hoạch của Jan và đánh gục bà nhân viên. Nhưng nhìn cặp kính của bà ta, Claude nghĩ đến tật cận thị kinh khủng của tôi; ý nghĩ làm những mảnh kính vỡ bắn vào mắt nạn nhân khiến cậu từ bỏ hẳn dự định.
"Cướp!" bà nhân viên rú lên. Claude tập trung mọi sức lực và cố giằng lấy cái đãy mà bà ta đang siết chặt vào bộ ngực có kích thước quá cỡ. Có phải lỗi do một xúc động thoáng qua? Do tương quan lực lượng không đồng đều? Cuộc vật lộn bắt đầu và Claude thấy mình nằm dưới đất, với một trăm kilô nữ tính trên lồng ngực. Cậu cố sức giãy giụa, vùng ra được, níu chặt lấy cái đãy, và, trước ánh mắt rụng rời của Émile, nhảy lên xe đạp. Cậu chạy trốn mà không người nào đuổi theo. Émile kiểm tra cho chắc điều này rồi đi theo hướng ngược lại. Vài người qua đường tụ tập, bà nhân viên bưu điện đã đứng dậy, mọi người an ủi bà.
Một tên cảnh sát đi xe máy phóng ra từ một con phố chạy ngang và hiểu hết;n phát hiện Claude ở đằng xa, nhấn ga và lập tức truy đuổi cậu. Vài giây sau, thằng em tôi cảm thấy cái quật như sét đánh của cây dùi cui hất nó xuống đất. Tên cảnh sát xuống xe và lao vào nó. Những cái đá hung bạo lạ thường tới tấp trên người nó. Súng lục kề bên thái dương. Claude đã bị còng tay, nó coi khinh chuyện đó, nó đã bất tỉnh.
° ° °
Khi Claude tỉnh lại, nó bị trói vào chiếc ghế dựa, hai tay quặt sau lưng. Nó không tỉnh lâu, trận đòn đầu tiên của viên cẩm tra hỏi nó khiến nó bật ngã ngửa. Sọ nó đập xuống đất và bóng tối trở lại. Đã bao nhiêu thời gian trôi qua cho đến khi nó lại mở mắt? Một tấm màn màu đỏ che ờ mắt nó. Các mí sưng phồng dính bết máu, miệng nó kêu răng rắc và méo mó dưới những miếng đòng. Claude chẳng nói gì hết, không một tiếng rên, thậm chí không một tiếng thì thầm. Chỉ vài lúc ngất lịm tránh cho nó sự bạo hành, còn khi nó vừa ngóc đầu dậy, là những cây gậy của các viên thanh tra hăm hở giáng xuống.
- Mày, mày là một thằng Do Thái bẩn thỉu, hử? viên cẩm tra Fourna hỏi. Còn tiền, là để cho ai?
Claude bịa ra một câu chuyện, một câu chuyện trong đó không có những đứa trẻ chiến đấu cho tự do, một câu chuyện không có các chiến hữu, không có ai để tố giác. Câu chuyện ấy chẳng đứng vững; Fourna thét lên
- Cái ổ của mày ở chỗ nào?
Phải trụ được hai ngày trước khi trả lời câu hỏi ấy. Đó là chỉ thị, thời gian cần thiết cho những người khác để đến "dọn dẹp". Fourna đánh tiếp, ngọn đèn treo trên trần nhà chao đảo và kéo em tôi theo điệu vũ quay tròn của nó. Claude nôn mửa và đầu lại gục xuống.
° ° °
- Hôm nay là ngày bao nhiêu? Claude hỏi.
- Đằng ấy ở đây được hai ngày rồi, người canh ngục đáp. Họ đã giã đằng ấy ra trò, nếu đằng ấy nhìn thấy bộ mặt mình.
Claude giơ tay lên mặt, nhưng chỉ vừa chạm nhẹ là cái đau lại làm em chìm ngợp. Người canh ngục lẩm bẩm "Tớ chẳng thích cái đó." Anh ta để suất ăn lại cho em và đóng cánh cửa lại sau lưng mình.
° ° °
Vậy là hai ngày đã qua. Cuối cùng Claude có thể buông ra địa chỉ của mình.
Émile đảm bảo rằng cậu đã nhìn thấy Claude tẩu thoát. Tất cả mọi người đều nghĩ chắc cậu lần chần ở Albi. Sau đêm thứ hai chờ đợi, đã quá muộn để đến dọn sạch phòng cậu, Fourna và người của y đã bao vây nó rồi.
Bọn cảnh sát thèm khát ngửi thấy mùi của người kháng chiến. Nhưng trong căn phòng tồi tàn chẳng có gì nhiều để mà tìm ra, gần như chẳng có gì để mà phá hủy. Đệm bị rạch tung, không gì hết! Chúng xé gối, lại không gì hết! Chúng bẻ gãy ngăn kéo tủ, vẫn không gì hết! Chỉ còn cái lò sưởi ở góc phòng. Fourna đẩy tấm giá đỡ than bằng gang. Y hét lên, mừng như điên:
- Lại xem ta tìm thấy cái gì này!
Y cầm một trái lựu đạn. Nó được giấu trong lò sưởi nguội tắt.
Y cúi xuống, gần như thò cả đầu vào; y lần lượt lấy ra từ lò sưởi những mảnh của một bức thư em tôi viết cho tôi. Tôi đã không bao giờ nhận được bức thư ấy. Vì biện pháp an toàn, em đã ưng xé nó ra. Chỉ thiếu tiền mua một ít than để đốt nó.
° ° °
Khi tôi chia tay Claude, anh vui vẻ như thường lệ. Lúc này, tôi không biết em tôi đã bị bắt, tôi hy vọng nó đang ẩn náu ở Albi. Charles và tôi đã trò chuyện đôi chút trong vườn rau, nhưng chúng tôi đã vào nhà vì trời lạnh buốt. Trước khi tôi đi, anh đã giao tôi vũ khí cho nhiệm vụ mà ngày mai tôi phải thực hiện.
Tôi có hai trái lựu đạn trong túi, một khẩu súng ở thắt lưng quần. Đạp xe trên con đường Loubers không dễ, với đồ lề như thế.
Đêm đã xuống, con phố tôi ở vắng vẻ không người. Tôi để xe đạp trong hành lang và tìm chìa khóa phòng. Tôi mệt lử vì đoạn đường vừa đi. Đây rồi, tôi cảm thấy chiếc chìa khóa ở đáy túi. Mười phút nữa là tôi sẽ nằm trong chăn. Ánh đèn hành lang vụt tắt. Không hề gì, tôi biết tìm ra chỗ của ổ khóa trong bóng tối.
Một tiếng động sau lưng. Tôi không kịp ngoảnh lại; tôi bị đè gí xuống đất. Trong vài giây, cánh tay tôi bị vặn, hai bàn tay bị còng, mặt tóe máu. Bên trong phòng tôi, sáu tên cảnh sát đang đợi. Cũng chừng ấy tên ngoài vườn, không kể bọn baoây con phố. Tôi nghe thấy bà lão Dublanc hét lên. Tiếng lốp xe lạo xạo, đâu đâu cũng là cảnh sát.
Quả thật là ngu ngốc, trên bức thư em tôi viết cho tôi có địa chỉ của tôi. Em chỉ thiếu vài mẩu than để đốt thư. Sự sống chỉ tùy thuộc có vậy.
° ° °
Mờ sáng, Jacques không thấy tôi đến chỗ hẹn làm nhiệm vụ. Chắc điều gì đó đã xảy ra với tôi dọc đường, một vụ kiểm soát đã xoay chiều bất lợi. Anh lên xe đạp và phóng đến nhà tôi để "dọn sạch" phòng tôi, đó là quy định.
Hai tên cảnh sát mai phục đã bắt anh.
° ° °
Tôi cũng bị đối xử như em tôi. Viên cẩm tra Fourna nổi tiếng hung tợn, tiếng tăm ấy không phải là đồn thổi quá mức. Mười tám ngày tra hỏi, đấm đá, nện dùi cui; mười tám đêm tiếp nối những vết bỏng vì thuốc lá đốt và những đợt tra tấn đủ kiểu. Khi nào vui tính, tên cẩm Fourna bắt tôi quỳ, hai tay dang ra, mỗi tay cầm một quyển danh bạ. Hễ tôi vừa khuỵu xuống, là bàn chân y vung lên đá vào tôi, đôi khi giữa hai xương bả vai, đôi khi trúng bụng, đôi khi vào mặt. Khi cáu kỉnh, y nhằm đũng quần. Tôi không nói. Chúng tôi có hai người trong các phòng giam của sở cảnh sát phố Lũy-Saint-Étienne. Đôi khi, ban đêm, tôi nghe tiếng Jacques rên. Cả anh cũng không nói gì hết.
° ° °
23 tháng Chạp, hai mươi ngày rồi, chúng tôi vẫn không nói. Giận dữ điên cuồng, cuối cùng tên cẩm Fourna ký lệnh tạm giam chúng tôi. Sau một ngày cuối cùng khảo đả đúng quy củ, Jacques và tôi được giải đi.
Trong chiếc xe mui kín chở chúng tôi đến nhà tù Saint-Michel, tôi còn chưa biết rằng vài ngày nữa, các tòa án binh đặc biệt sẽ được thiết lập, tôi không biết rằng họ sẽ xử tức thì tại sân nhà tù ngay sau khi tuyên án vì đó là số phận dành cho tất cả những người kháng chiến bị bắt.
Xa lắm bầu trời nước Anh, dưới vầng sọ bầm dập của mình, tôi không còn nghe thấy tiếng động cơ vù vù từ chiếc máy bay Spitfire của tôi.
Trong chiếc mui kín chở chúng tôi đến điểm cuối hành trình, tôi nhớ lại những giấc mơ trẻ con của mình. Mới cách đây chưa đầy tám tháng.
° ° °
Và một ngày 23 tháng Chạp, năm 1943, người canh ngục ở nhà tù Saint-Michel đóng lại sau lưng tôi cánh cửa phòng giam bọn tôi. Khó lòng nhìn thấy gì trong cảnh tranh tối tranh sáng này. Ánh sáng chỉ hơi lọt qua những mi mắt sưng tấy. Chúng phồng lên đến mức chúng tôi chỉ hơi hé được mắt.
Nhưng trong bóng tối xà lim ở nhà ngục Saint-Michel, giờ đây tôi hãy còn nhớ, tôi đã nhận ra một giọng nói mong manh yếu ớt, một giọng nói thân quen với tôi.
- Chúc Noel vui vẻ.
- Chúc Noel vui vẻ, em trai.