Giờ báo thức còn chưa điểm nhưng tất cả tù nhân đã dậy hết. Họ biết, khi một người trong số họ sắp bị hành quyết. Một tiếng rì rầm cất lên; giọng những người Tây Ban Nha hòa vào giọng những người Pháp mà chẳng bao lâu giọng những người Italia cũng đến nhập hội, tới lượt những người Hungary, người Ba Lan, người Tiệpười Rumani. Tiếng rì rầm đã trở thành tiếng hát cất lên cao và mạnh mẽ. Mọi âm sắc hòa trộn và cùng ca vang những lời giống nhau. Đó là bài Marseillaise 1 đang vang vọng trong những bức tường ngục tối của nhà tù Saint-Michel.
Arnal bước vào phòng giam; Marcel thức giấc, anh nhìn bầu trời màu hồng qua khuôn cửa trổ trên mái, và hiểu ngay tức khắc. Arnal ôm lấy anh trong vòng tay. Qua vai ông, Marcel lại nhìn bầu trời và mỉm cười. Anh thì thầm bên tai vị luật sư già "Cháu từng rất yêu cuộc sống."
Đến lượt người cắt tóc bước vào, phải làm gáy người tử tù hở ra. Tiếng kéo lách cách và những lọn tóc nhẹ rơi xuống nền đất nện. Đoàn người tiến bước, trong hành lang Bài ca của những người kháng chiến đã thay thế Marseillaise. Marcel dừng bước ở trên cầu thang, anh quay lại, thong thả giơ cao nắm tay và hô: "Vĩnh biệt các đồng chí." Toàn thể nhà ngục im lặng trong một khoảnh khắc ngắn. "Vĩnh biệt đồng chí và nước Pháp muôn năm", các tù nhân đồng thanh đáp lại. Và bài Marseillaise lại tràn ngập không gian, nhưng bóng hình Marcel đã khuất rồi.
Vai kề vai, Arnal choàng áo khoác rộng, Marcel mặc sơ mi trắng, bước về phía điều không tránh khỏi. Nhìn họ từ phía sau, không biết rõ được người nào đang đỡ người nào. Giám thị trưởng rút từ trong túi ra một bao thuốc lá. Marcel cầm điếu thuốc người ấy đưa, một que diêm bật lên và ánh lửa rọi sáng phần dưới khuôn mặt anh. Vài dòng khói phả ra từ miệng anh, nhóm người tiếp tục đi. Đến ngưỡng cửa trông ra sân, giám đốc nhà ngục hỏi xem anh có muốn một cốc rượu mạnh hay không. Marcel đắt nhìn Lespinasse và lắc đầu. Anh nói:
- Đưa cho con người kia thì hơn, hắn cần cái đó hơn tôi.
Điếu thuốc lăn xuống đất, Marcel ra hiệu anh đã sẵn sàng.
Giáo sĩ bước lại gần, nhưng qua một nụ cười, Marcel tỏ ra cho ông thấy anh không cần ông.
- Cảm ơn giáo sĩ, nhưng tôi chỉ tin vào một thế giới tốt đẹp hơn cho con người tại nơi đây mà thôi, và chỉ con người một ngày kia có lẽ mới quyết định sáng tạo ra thế giới ấy. Cho họ và cho con cái họ.
Giáo sĩ biết rõ Marcel không muốn sự giúp đỡ của ông, nhưng ông có một nhiệm vụ phải hoàn thành và thời gian thúc bách. Thế là, chẳng đợi thêm nữa, con người của Chúa xô đẩy Lespinasse và giơ cho Marcel quyển sách ông cầm trong tay. Ông khẽ nói với anh bằng tiếng yiddish: "Trong ấy có một thứ cho con."
Marcel ngần ngại, anh sờ nắn cuốn sách và lật giở. Giữa các trang, anh thấy bức thư do Jan nguệch ngoạc. Marcel lướt qua những dòng chữ, từ phải sang trái; anh khép mi mắt lại và trả sách cho giáo sĩ.
- Hãy nói với các bạn ấy là tôi cảm ơn các bạn và nhất là, tôi tin vào chiến thắng của các bạn.
Lúc ấy là năm giờ mười lăm, cửa mở ra một trong những sân nhỏ âm u của nhà ngục Saint-Michel. Máy chém dựng ở phía bên phải. Vì tế nhị, các đao phủ đã lắp đặt máy tại đây, để người tử tù chỉ nhìn thấy nó vào khoảnh khắc cuối cùng. Từ trên các chòi gác, những tên lính canh Đức thú vị vì cảnh tượng khác thường đang diễn ra dưới mắt chúng. "Dù sao đó cũng là những gã kỳ cục, những người Pháp ấy, về nguyên tắc thì chúng ta mới là kẻ địch chứ, đúng không?" một tên châm biếm. Tên đồng hương với y nhún vai và cúi xuống để nhìn cho rõ hơn. Marcel trèo lên các bậc máy chém, anh ngoảnh lại Lespinasse lần cuối: "Máu của ta sẽ lại nhỏ xuống đầu các người", anh mỉm cười, rồi nói thêm: "Ta chết cho nước Pháp và cho một nhân loại tốt đẹp hơn."
Không cần ai giúp, Marcel nằm duỗi người trên tấm ván và lưỡi dao hạ xuống. Arnal nín thở, mắt đăm đăm nhìn lên bầu trời dăng dăng những đám mây mỏng nhẹ, cứ như là lụa. Dưới chân ông, những viên đá lát sân nhuộm máu đỏ. Và trong khi người ta đặt thi hài Marcel vào quan tài, những người đao phủ đã đang bận rộn lau rửa cỗ máy của họ. Người ta rắc ít mùn cưa xuống đất.
Arnal sẽ đưa tiễn bạn mình đến nơi yên nghỉ cuối cùng của anh. Ông trèo lên phía trước xe tang, cổng nhà tù mở ra và cỗ xe khởi hành. Ở góc phố, ông đi qua bóng hình của Catherine mà thậm chí chẳng nhận ra cô.
Nép mình vào một khuôn cửa, Catherine và Marianne dõi theo đám tang. Tiếng vọng của móng ngựa tắt dần chốn xa xa. Trên cánh cổng nhà tù, một người canh ngục niêm yết bản thông cáo hành hình. Chẳng còn gì để làm nữa. Người nhợt nhạt, các cô rời chỗ nấp và đi bộ ngược lên phố. Marianne giữ trước miệng một chiếc khăn tay, phương tiện thảm hại chống cơn buồn nôn, chống nỗi đau. Vừa mới bảy giờ khi các cô đến gặp chúng tôi ở nhà Charles. Jacques chẳng nói năng gì, anh siết chặt hai nắm tay. Boris lấy đầu ngón tay vẽ một vòng tròn trên mặt bàn gỗ, Claude ngồi vào tường, nó nhìn tôi. Jan nói:
- Ngày hôm nay phải diệt một tên địch.
- Không chuẩn bị gì sao? Catherine hỏi.
- Mình thì mình đồng ý, Boris nói.
° ° °
Tám giờ tối, vào mùa hè, trời hãy còn sáng rõ. Mọi người đi dạo, tranh thủ lúc thời tiết dịu mát trở lại. Hiên trước các quán giải khát đông chật, vài đôi tình nhân hôn nhau ở góc phố. Giữa đám đông này, Boris có vẻ là một thanh niên như những thanh niên khác, hiền lành vô hại. Tuy nhiên, anh nắm chặt báng khẩu súng tay trong túi. Đã một giờ đồng hồ anh tìm kiếm con mồi, không phải bất cứ con mồi nào, anh muốn tìm sĩ quan để trả thù cho Marcel, tìm lon mạ vàng, tìm áo khoác quân phục có gắn sao. Nhưng lúc này anh chỉ mới gặp hai nhãi thủy thủ Đức chuếnh choáng say và các gã trai non nớt ấy không đủ ác để đáng chết. Boris băng qua quảng trường Lafayette, ngược lên phố Alsace, sải những bước dài trên lề đường quảng trường Esquirol. Xa xa nghe thấy tiếng kèn đồng của một đội nhạc. Thế là Boris để cho nhạc dẫn dắt mình.
Một đội nhạc Đức đang chơi dưới một mái nhà bát giác. Boris kiếm được một chiếc gựa và ngồi xuống. Anh nhắm mắt lại và tìm cách làm dịu những tiếng đập của tim mình. Không có chuyện trở về tay trắng, không có chuyện làm các chiến hữu thất vọng. Chắc chắn, đây không phải là loại phục thù xứng với Marcel, nhưng đã quyết định rồi. Anh mở mắt, Thượng đế phù hộ anh, một viên sĩ quan bảnh bao vừa ngồi vào hàng ghế đầu. Boris nhìn chiếc mũ lưỡi trai mà gã quân nhân đang phe phẩy quạt mát. Trên ống tay áo y, anh thấy dải băng đỏ của chiến dịch tại nước Nga. Hẳn y phải giết nhiều người lắm, viên sĩ quan này, để có quyền nghỉ ngơi ở Toulouse. Hẳn y đã đưa binh lính đến chỗ chết để được hưởng một cách hết sức an bình một buổi tối mùa hè êm dịu ở miền Tây Nam nước Pháp.
Buổi hòa nhạc kết thúc, viên sĩ quan đứng dậy. Boris theo sau y. Cách đó vài bước chân, ở giữa phố, năm phát súng nổ, lửa tóe ra từ nòng súng bạn tôi. Đám đông xô đến, Boris bỏ đi.
Ở một đường phố Toulouse, máu một viên sĩ quan Đức đang chảy xuống cống. Cách đó vài cây số, dưới mặt đất một nghĩa trang Toulouse, máu của Marcel đã khô rồi.
° ° °
Tờ Điện tín đưa tin về hành động của Boris; cũng trong số ra hôm ấy, báo thông cáo việc hành quyết Marcel. Mọi người trong thành phố sẽ nhanh chóng liên kết hai vụ việc. Những kẻ có dính líu sẽ hiểu ra rằng máu một người kháng chiến chẳng đổ xuống mà không có hình phạt, những người khác sẽ biết rằng sát bên họ một số người đang chiến đấu.
Giám đốc sở cảnh sát địa phương vội vã ra một cáo thị để làm kẻ chiếm đóng an tâm về thiện chí phục vụ của y đối với chúng. Y công bố: "Ngay sau khi biết tin vụ sát hại, tôi đã bày tỏ niềm công phẫn của dân chúng với vị tướng chỉ huy bộ tham mưu và với chỉ huy trưởng sở Mật thám Đức." Phó giám đốc cảnh sát địa phương đã thò cẳng góp phần vào thứ văn chương hợp tác: "Một phần thưởng rất lớn bằng tiền sẽ được các nhà chức trách trao cho bất kỳ người nào giúp nhận dạng kẻ hay những kẻ gây ra vụ sát hại ghê tởm bằng súng vào buổi tối 23 tháng Bảy đối với một quân nhân Đức ở phố Bayard tại Toulouse." Chấm dứt viện dẫn! Phải nói rằng y vừa mới được bổ nhiệm, tên Barthener phó giám đốc cảnh sát. Mấy năm năng nổ phục vụ các cơ quan Vichy 2 đã khiến y nổi tiếng là con người đắc lực cũng như đáng gờm và làm y được thăng cái chức mà y xiết bao mơ ước này. Tay ký giả của tờ Điện tín đã nghênh tiếp việc y được bổ nhiệm bằng lời chào mừng y trên trang nhất tờ nhật báo. Chúng tôi cũng thế, theo cách của mình, chúng tôi vừa chào mừng y "kiểu chúng ta". Và để nghênh tiếp y chu đáo hơn, chúng tôi rải một truyền đơn trong toàn thành phố. Qua vài dòng, chúng tôi thông báo đã diệt một sĩ quan Đức để trả thù cho cái chết của Marcel.
Chúng tôi sẽ không đợi lệnh của ai hết. Vị giáo sĩ Do Thái đã kể cho Catherine điều Marcel nói với Lespinasse trước khi chết trên máy chém. "Máu của ta sẽ l xuống đầu các người." Thông điệp đã giáng thẳng vào chúng tôi, như một di chúc do chiến hữu của chúng tôi để lại, và tất cả chúng tôi đều đã giải mã được ý muốn cuối cùng của anh. Chúng tôi sẽ lấy mạng của Lespinasse. Công việc cần chuẩn bị lâu. Người ta không diệt một viên chưởng lý ngay giữa đường phố. Con người của pháp luật chắc chắn được bảo vệ, y hắt chỉ đi lại trên xe hơi có tài xế lái và trong đội chúng tôi không có chuyện một hành động gây chút nguy hiểm nào cho dân chúng. Ngược lại với những kẻ công khai hợp tác cùng bọn quốc xã, với những kẻ tố cáo, những kẻ bắt giữ, những kẻ tra tấn, bắt đi đày, những kẻ kết án, xử bắn, những kẻ, không vướng bận bất kỳ trở ngại nào, lương tâm xúng xính khoác tấm áo choàng của một thứ mạo xưng là bổn phận, đang thỏa thuê niềm căm ghét mang tính phân biệt chủng tộc ở chúng, ngược lại với tất cả những kẻ đó, nếu chúng tôi sẵn sàng để tay mình nhúng chàm, những bàn tay ấy sẽ vẫn sạch sẽ.
° ° °
Do Jan yêu cầu, từ vài tuần lễ nay Catherine thành lập một tổ tình báo. Em hãy hiểu điều đó có nghĩa là cùng với một vài bạn gái, Damira, Marianne, Sophie, Rosine, Osna, tất cả những thiếu nữ mà chúng tôi bị cấm yêu, song dù thế chúng tôi vẫn yêu, cô đi lượm lặt những thông tin cần thiết cho việc chuẩn bị nhiệm vụ của chúng tôi.
Những tháng sắp tới, các thiếu nữ trong đội sẽ chuyên trách ông việc theo dõi, việc chụp lén những bức ảnh, tường kê các hành trình, quan sát các thời gian biểu, điều tra các láng giềng. Nhờ các cô, chúng tôi sẽ biết được tất cả hay gần như tất cả hành vi và hình tích của những kẻ mà chúng tôi nhằm vào. Không, chúng tôi sẽ không đợi lệnh ai hết. Từ nay trở đi đứng đầu danh sách những kẻ đó là viên biện lý Lespinasse.
--- ------ ------ ------ -------1 Quốc ca Pháp.
2 Thành phố có suối nước nóng. Từ 10/7/1940 đến 20/8/1944, Chính phủ của Pétain đóng tại đây, do đó thường được gọi là chính quyền Vichy.