• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Khi chỉ còn cách mấy khối nhà, mùi Người Sống trở nên gần như không chịu nổi. Sân vận động tựa như một tháp phát điện Tesla khổng lồ liên tục phát ra những tia chớp sự sống hồng hào thơm phức. Tất cả mọi người trong nhóm tôi đều ngẩng lên nhìn nó mê mải. Vài người còn để mặc cho nước dãi nhỏ ròng ròng. Nếu không phải là họ vừa ăn xong thì kế hoạch sơ sài của chúng tôi sẽ đổ bể ngay lập tức.

Trước khi đến trước cánh cổng, chúng tôi rẽ sang một phố bên và dừng lại ở một ngã tư, nấp đằng sau một chiếc xe tải chuyển phát nhanh. Tôi ló ra một chút để ngó quanh góc phố. Cách đó chưa đến hai khối nhà, bốn lính canh đang đứng trò chuyện trước cổng chính của Sân vận động, súng trường đeo lủng lẳng trên vai. Những câu nói cụt ngủn kiểu nhà binh của họ còn ít âm tiết hơn cả lời nói của chúng tôi.

Tôi nhìn M. “Cảm ơn. Vì… việc này.”

“Không có gì.” âm đáp.

“Đừng chết.”

“Sẽ… cố. Sẵn sàng… chưa?”

Tôi gật đầu.

“Sống động… lên nhé.”

Tôi mỉm cười. Tôi cào tay chải tóc lại một lần nữa, hít một hơi thật sâu, rồi vùng chạy.

“Cứu!” Tôi hét lên và vẫy tay. “Cứu, chúng ở… ngay sau tôi!”

Với những bước chân đều đặn chắc chắn nhất, tôi chạy về phía cổng. Âm và những Người Chết khác lảo đảo đuổi theo tôi, phát ra những tiếng rên rỉ rất kịch.

Đám lính canh phản ứng lại theo bản năng: họ giơ súng lên và nổ vào những Xác Sống. Một cánh tay bị bắn bay. Một cẳng chân. Một trong số chín Xác Sống vô danh kia bị mất đầu và gục xuống. Nhưng không có một vũ khí nào chĩa về phía tôi. Vừa tập trung vừa mường tượng ra vẻ mặt của Julie trong không khí, tôi vừa lao đi với sự quyết tâm của một vận động viên Olympic. Sải chân của tôi rất tốt, tôi có thể cảm thấy thế. Trông tôi rất bình thường, đầy sức sống, và tôi lập tức được xếp vào một loại khác: “Con người”. Hai lính canh nữa xuất hiện giơ cao khẩu súng, nhưng họ thậm chí còn chẳng thèm nhìn tôi. Họ nheo mắt, ngắm bắn, và họ hét, “Mau lên! Chạy vào trong đi!”

Hai Xác Sống khác ngã xuống sau lưng tôi. Khi lách qua cánh cổng, tôi thấy âm và những Người Chết còn lại chuyển hướng và rút lui. Vừa quay đi, bước chân của họ lập tức thay đổi. họ không lảo đảo nữa mà chạy đi như những sinh vật sống. Không nhanh như tôi, cũng không uyển chuyển bằng, nhưng họ chạy một cách có chủ đích. Đám lính canh băn khoăn ngừng bắn. “Cái quái gì thế..?” một người lẩm bẩm

Ngay trong cánh cổng là một người cầm tấm bìa kẹp tờ giấy và quyển sổ. Một nhân viên nhập cảnh đang sẵn sàng để ghi tên tôi và bắt tôi điền vào một đống đơn từ, rồi sau đó rất có thể sẽ tống tôi ra ngoài. Suốt bao năm nay, nhờ người này mà Người Chết chúng tôi được cung cấp những người lang thang không được bảo vệ mà chúng tôi thường ăn ở bên ngoài những khu đổ nát. Ông ta tiến về phía tôi, lật lật quyển sổ, không hề nhìn vào tôi. “Suýt chết, phải không anh bạn? Giờ thì anh phải…”

“Ted, ra mà xem cái quái quỉ gì này!”

Ted ngẩng lên, nhìn qua cánh cổng mở, và thấy mấy người lính đang đứng đờ ra. Ông ta liếc nhìn tôi. “Đợi ở đây nhé”

Ted chạy ra đứng cạnh đám lính canh, trố mắt nhìn những Xác Sống linh hoạt đến rợn người đang lao về đằng xa như người thật. Tôi tưởng tượng ra vẻ mặt của những người đàn ông kia trong khi bụng họ cồn cào cái cảm giác đáng sợ rằng mặt đất dưới chân đang chuyển động.

Nhất thời bị bỏ quên, tôi quay người chạy thẳng. Tôi chạy qua khoảng hành lang tối, chạy về phía ánh sáng ở đầu bên kia, tự hỏi đây là đường ra khỏi bụng mẹ hay đường lên Thiên đàng. Tôi đang đến hay đang đi? Dù thế nào thì cũng đã quá muộn để quay trở lại rồi. Ẩn náu dưới cái ánh sáng chạng vạng của bầu trời đỏ quạnh, tôi bước vào thế giới của Người Sống.

KHU THỂ THAO mà Julie gọi là nhà rộng đến khó hiểu, có lẽ nó là sân vận động siêu cấp được xây vào cái thời mà rắc rối lớn nhất của thế giới chỉ là không biết tổ chức tiệc tùng ở đâu. Từ bên ngoài, nó chẳng có gì ngoài những bức tường khổng lồ hình ovan không có gì đặc biệt, một chiếc thuyền Noah bằng bê tông mà đến cả Chúa cũng không làm cho nổi được. Nhưng bên trong Sân vận động là linh hồn của nó: hỗn loạn nhưng làm ra vẻ có trật tự, như những khu ổ chuột lộn xộn của Brazil nếu chúng được thiết kế bởi một kiến trúc sư theo trường phái hiện đại vậy.

Tất cả ghế ngồi đã bị dỡ ra để lấy chỗ cho một hệ thống bàn cờ trải rộng gồm các tòa tháp chọc trời tý hon, những căn nhà lênh khênh được xây cao và hẹp một cách tự nhiên để tiết kiệm đất. Tường nhà được ghép linh tinh từ bất cứ thứ vật liệu nào họ góp nhặt được - một trong những tòa tháp cao hơn cả có móng bằng bê tông, nhưng càng cao lên thì càng mỏng manh hơn, từ thép cho đến nhựa cho đến tầng chín chênh vênh chỉ làm từ bìa cứng sũng nước. Nhìn bề ngoài hầu hết tòa nhà đều gợi ấn tượng chỉ gió thổi qua cũng đổ, nhưng toàn thể thành phố được đỡ bởi một mạng lưới dây thép chạy từ nhà này sang nhà khác để siết chặt toàn bộ hệ thống. Những bức tường bên trong của Sân vận động vươn cao lên hết thảy, với những ống nước, dây điện va cột thép bị cắt đâm lên khỏi lớp bê tông nom như bộ râu tua tủa. Những ngọn đèn đường yếu ớt tỏa ánh sáng vàng vọt nhạt nhòa, khiến cả thành phố trong quả cầu thủy tinh này luôn chìm trong bóng tối.

Ngay khi tôi bước ra khỏi đường hầm, xoang mũi tôi đã bị tấn công bởi một luồng mùi sự sống cực mạnh. Nó ở khắp quanh tôi, thơm sực đến nỗi làm tôi đau đớn, tôi cảm thấy như mình đang bị chết chìm trong một lọ nước hoa. Nhưng giữa làn hương sặc sụa ấy, tôi vẫn nhận ra Julie. Mùi hương đặc trưng của nàng nổi bật hơn những mùi khác, mời gọi tôi như một giọng nói nghe được dưới nước. Tôi đi theo nó.

Các con phố ở đây chỉ rộng bằng vỉa hè, làm từ những dải đường nhựa hẹp đổ lên trên lớp cỏ giả cũ kỹ, giờ còn lộ ra ở những chỗ chưa được rải nhựa như một thứ rêu xanh chói mắt. Trên biển tên phố không có tên. Thay vì đề tên bang hay tên tổng thống thì chúng chỉ có những biểu tượng màu trắng đơn giản: Quả Táo, Quả Bóng, Con Mèo, Con Chó - một bảng hướng dẫn học chữ cái cho trẻ con. Ở đâu cũng đầy bùn, bùn bám trơn trượt trên nhựa đường và chất đống ở các góc cùng với rác rưởi của cuộng sống thường nhật: lon nước ngọt, mẩu thuốc lá, bao cao su đã dùng, và vỏ đạn.

Tôi cố không trố mắt nhìn thành phố như một tên du khách nhà quê, nhưng có một cái gì đó còn hơn cả sự tò mò làm tôi không thể rời mắt khỏi từng lề đường, từng mái nhà. Mặc dù tất cả với tôi hết sức xa lạ, tôi vẫn cảm thấy một thoáng quen thuộc, thậm chí là hoài niệm nữa, và khi tôi đi dọc theo một con phố chắc có tên là Phố Mắt, một vài kí ức bị đánh cắp của tôi bắt đầu thức tỉnh.

Đây là nơi chúng ta bắt đầu. Đây là nơi họ dồn chúng ta đến một khi hai đầu bờ biển biến mất. Khi bom rơi. Khi bạn chúng ta chết đi và sống lại dưới một hình thù khác, xa lạ và tàn bạo.

Đó không phải giọng của Perry - là giọng của tất cả mọi người, một dàn đồng ca khe khẽ của tất cả những cuộc sống tôi đã nuốt trôi, giờ đang tụ tập trong căn phòng tăm tối của tiềm thức tôi để nhớ lại.

Đại lộ Quốc Kì, nơi họ cắm quốc kì chúng ta khi các quốc gia vẫn còn tồn tại và màu cờ vẫn còn quan trọng. Phố Súng, nơi họ dựng lên các trại chiến tranh, lên kế hoạch tấn công và phòng vệ để chống lại những kẻ thù không ngớt kéo tới, cả Người Sống lẫn Người Chết.

Tôi cúi gằm đầu mà đi, cố bám sát các bức tường. Khi gặp người đi theo chiều ngược lại, tôi nhìn thẳng về phía trước cho tới phút cuối cùng, rồi mới đưa mắt nhìn họ một cái thật nhanh để không có vẻ không giống con người. Chúng tôi bước vội qua mặt nhau chỉ với một cái gật đầu ngượng nghịu.

Chẳng mấy chốc ngôi nhà xây bằng nền văn minh nhân loại đã bị sụp đổ. Chỉ vài cơn gió mạnh là xong, sự cân bằng bị phá vỡ, phép màu bị hóa giải. Những công dân tốt nhận ra ranh giới đánh dấu cuộc sống của họ chỉ là tưởng tượng và có thể dễ dàng vượt qua. Họ có ham muốn, nhu cầu và sức mạnh để thỏa mãn chúng, và họ đã làm vậy. Khi đèn tắt, không còn ai giả vờ nữa.

Tôi bắt đầu thấy lo lo về quần áo của mình. Tất cả những người tôi gặp đều mặc quần bò dày màu xám, áo khoác không thấm nước, ủng lao động đầy bùn. Tôi nào có sống trong thế giới người ta vẫn còn ăn mặc vì đẹp nữa? Nếu không ai nhận ra tôi là Xác Sống thì họ vẫn có thể báo rằng có một tên điên rồ thích thời trang đang lang thang trên phố với chiếc áo sơ mi ôm và cà vạt. Tôi rảo bước nhanh hơn, cố bám theo mùi của Julie.

Đại lộ Đảo, nơi họ xây khoảng sân cho các buổi họp cộng đồng, nơi “họ” trở thành “Chúng ta”, hay ít nhất chúng ta cũng tin là vậy. Chúng ta bỏ phiếu chọn người lãnh đạo, những người đàn ông va phụ nữ dễ mến với hàm răng trắng tinh và cái lưỡi dẻo quẹo, và chúng ta dồn bao hi vọng cùng sợ hãi vào tay họ, dựa vào cái bắt tay rất chắc của họ mà tin rằng những bàn tay ấy đủ khỏe. họ làm chúng ta thất vọng, luôn là thế. Không thể có chuyện họ không làm chúng ta thất vọng - họ chỉ là con người, và chúng ta cũng vậy.

Tôi rẽ khỏi phố Mắt và tiến về trung tâm bàn cờ. Mùi của Julie rõ rệt hơn, nhưng tôi vẫn chưa nhận ra được hướng cụ thể của nó. Tôi cứ mong sẽ nhận được manh mối nào đó từ những lời nói trong đầu, nhưng những hồn ma già cỗi này không quan tâm gì đến cuộc tìm kiếm vớ vẩn của tôi.

Phố Ngọc, nơi chúng ta đã xây trường học khi rốt cuộc chúng ta cũng chấp nhận đây là thực tại, rằng đây là thế giới mà con cái chúng ta sẽ thừa hưởng. Chúng ta dạy chúng cách săn bắn, cách đổ bê tông, cách giết và cách tồn tại, và nếu chúng sống được tới lúc đó, nếu chúng nắm vững các kĩ năng đó và có thời gian rảnh, thì chúng ta sẽ dạy chúng cách đọc và viết, cách lý luận, cách liên hệ, cách hiểu thế giới của chúng. Mới đầu chúng ta hết sức cố gắng, chúng ta còn nhiều hi vọng và niềm tin, nhưng cũng giống như trèo lên ngọn đồi dốc trong mưa, nhiều người đã trượt xuống.

Tôi nhận ra bản đồ trong những kí ức này đã hơi quá đát; con phố họ gọi là phố Ngọc đã được đổi tên. Biển tên phố mới hơn, sơn màu xanh tươi lá cây, và thay vì một biểu tượng thì trên đó có ghi chữ. Tò mò, tôi rẽ xuống ngã tư này và tiến về phía một căn nhà rộng bằng kim loại khác hẳn những nhà khác. Mùi của Julie vẫn còn ở xa, nên tôi biết tôi không nên dừng lại, nhưng ánh sáng nhàn nhạt qua các ô cửa sổ dường như đang gây một nỗi đau đớn không lời cho những giọng nói trong tâm can tôi. Khi tôi áp mũi vào cửa kính, tiếng nói của họ liền im bặt.

Đó là một căn phòng rộng thênh thang. Những chiếc bàn kim loại trắng xếp thành dãy dưới những ngọn đền neon. Mấy chục đứa trẻ, tất cả đều dưới mười tuổi, được chia theo hàng thành từng nhóm: một hàng sửa máy phát điện, một hàng xử lý xăng, một hàng lau súng trường, mài dao, khâu vết thương. Và ở tận cuối, gần sát cửa sổ tôi đang nhòm qua: một hàng đang mổ tử thi. Nhưng tất nhiên chúng không phải là tử thi. Khi một cô bé tám tuổi với hai bím tóc vàng bóc thịt khỏi miệng vật thí nghiệm của mình để lộ một nụ cười méo mó bên dưới, mắt vật này bật mở và nó nhìn quanh, hơi cựa quậy dưới những dây trói, rồi lại thả lỏng người với vẻ mệt mỏi và chán chường. Nó nhìn về phía cửa sổ của tôi và mắt chúng tôi giao nhau ra chốc lát, trước khi cô bé cắt mắt nó ra.

Chúng ta đã cố tạo ra một thế giới tươi đẹp ở nơi này, những giọng nói thì thầm. Có những người coi sự tận thế là cơ hội bắt đầu lại từ đầu, để xóa hết mọi sai lầm của lịch sử - để sống lại thời niên thiếu vụng dại của nhân loại với sự thông thái của thời hiện đại. Nhưng tất cả đã xảy ra quá nhanh.

Tôi nghe thấy có tiếng xô xát mạnh từ đầu bên kia tòa nhà, tiếng giày quẹt lên nền xi măng, khuỷu tay thúc vào tấm kim loại. Có tiếng gầm gừ trầm trầm, khàn đục. Tôi đi ngang qua tòa nhà, tìm chỗ nhìn tốt hơn.

Bên ngoài những bức tường của chúng ta là hàng đoàn người và quỷ dữ chỉ hòng cướp đi những gì chúng ta có, và trong này là món hổ lốn điên loạn của riêng chúng ta, bao nhiêu nền văn hóa và ngôn ngữ và những giá trị không thích hợp bị nén vào một cái hộp nhỏ xíu. Thế giới của chúng ta quá nhỏ bé để chúng ta có thể chia sẻ nó một cách bình yên; không ai nhất trí, không thể có được sự hòa thuận. Vì vậy chúng ta đã thay đổi mục tiêu của mình.

Qua một ô cửa sổ khác, tôi thấy một khoảng trống rộng ngang cái nhà kho, lờ mờ sáng, khắp nơi đầy xe hỏng và những mẩu vụn gạch đá như muốn dựng lại cảnh thành phố bên ngoài. Một đám trẻ con lớn hơn vây quanh một bãi quây bằng dây thép và những tấm chắn đường bằng bê tông. Trông nó giống như “khu tự do ngôn luận” thường được dùng để ngăn người biểu tình bên ngoài các cuộc hội họp chính trị, nhưng thay vì tập trung đầy người chống đối đang cầm biển thì trong đó lại chỉ có bốn người: một thằng bé trang bị từ đầu đến chân bằng áo giáp cảnh sát, và ba Người Chết đã khô quắt lại.

Những bác sĩ thời Trung cổ có thể bị chê trách vì phương pháp của họ không? Những trò chích máu, dùng đỉa, hay khoan lỗ trong sọ? Họ chỉ biết mò mẫm tìm đường một cách mù lòa, cố nắm bắt những điều bí ẩn trong một thế giới không khoa học, nhưng bệnh dịch đã tấn công họ, họ phải làm điều gì đó. Khi đến lượt chúng ta thì cũng chẳng có gì khác. Bất kể mọi kĩ thuật và sự khai sáng của chúng ta, bất kể những dao mổ laser và dịch vụ xã hội, cũng chẳng có gì khác. Chúng ta cũng mù lòa như vậy và cũng tuyệt vọng như vậy.

Cứ nhìn dáng đi lảo đảo của họ là tôi biết những Người Chết trong đấu trường này đang chết đói. Chắc hẳn họ phải biết mình đang ở đâu và chuyện gì sẽ xảy ra với họ, nhưng họ không còn lại chút tự chủ ít ỏi nào nữa. Họ lao vào thằng bé và nó giơ khẩu súng lên ngắm bắn.

Thế giới bên ngoài đã chìm trong biển máu, và giờ những ngọn sóng đỏ ngầu ấy đang phả vào thành trì cuối cùng của chúng ta - chúng ta phải chống trụ lại tường thành. Chúng ta nhận ra rằng sự thật khách quan nhất chúng ta có thể đạt được là dựa vào niềm tin của số đông, vì vậy chúng ta có thể chọn số đông và lờ đi những giọng nói khác. Chúng ta bổ nhiệm các vị tướng và các chủ thầu, cảnh sát và kĩ sư, chúng ta loại bỏ hết những vật trang trí không cần thiết khác. Chúng ta nấu chảy lí tưởng của mình trong hơi nóng và áp suất khủng khiếp cho đến khi những phần mềm yếu cháy hết, và những gì còn lại là một khung cứng đã được tôi luyện đủ để gánh chịu thế giới chúng ta đã tạo ra.

“Sai rồi!” Thầy giáo quát thằng bé trong đấu trường khi nó nhắm súng vào đám Người Chết đang tiến đên làm ngực họ thủng lỗ chỗ và bắn bay ngón tay ngón chân họ. “Bắn vào đầu, quên những phần khác đi!” Thằng bé bắn thêm hai phát nữa nhưng trượt hẳn vào trần nhà bằng gỗ nặng. Xác Sống nhanh nhất túm lấy tay nó và giật khẩu súng ra, loay hoay với cái chốt an toàn một lát, rồi ném khẩu súng sang bên và xô thằng bé vào hàng rào, nhe răng cắn mạnh vào tấm chắn mặt trên mũ bảo hiểm của nó. Thầy giáo lao vào đấu trường, ấn một khâu súng lục vào đầu Xác Sống ấy, bắn một phát, rồi lại tra súng vào bao. “Phải nhớ,” ông ta nói với toàn thể phòng học, “súng trường tự động khi bắn sẽ bị giật lại làm nòng súng bật lên, đặc biệt là ở những khẩu Mossberg cũ này, vì vậy phải nhắm bắn thấp, nếu không các em sẽ bắn lên trời đấy.” Ông ta nhặt khẩu súng lên và dúi vào bàn tay run rẩy của thằng bé. “Tiếp tục.”

Thằng bé ngần ngừ, rồi nhấc khẩu súng lên và bắn hai phát. Máu me đen sì bắn đầy tấm chắn mặt nó. Nó giật chiếc mũ bảo hiểm ra và nhìn hai xác chết dưới chân mình, thở hổn hển, cố không òa khóc.

“Tốt,” thầy giáo nói. “Tuyệt lắm, ai tiếp theo nào?”

Chúng ta biết việc này là sai trái. Chúng ta biết chúng ta đang hạ thấp mình theo những cách chúng ta còn không thể đặt tên nổi, và đôi khi chúng ta khóc than cho kỉ niệm về những ngày tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta không còn thấy được sự lựa chọn nào khác. Chúng ta chỉ biết cố gắng hết sức để sống sót. Phương trình ở cốt lõi vấn đề của chúng ta quá rắc rối, và chúng ta quá kiệt sức để tìm lời giải.

Tiếng khụt khịt dưới chân cuối cùng cũng bứt tôi ra khỏi cảnh tượng sau cửa sổ. Tôi cúi xuống và thấy một chú cún Bec-giê đang phồng mũi đánh hơi chân tôi. Nó ngẩng lên nhìn tôi. Tôi nhìn xuống nó. Nó thích thú thở hồng hộc rồi bắt đầu gặm chân tôi.

“Trina, không!”

Một chú bé chạy đến túm lấy vòng cổ con chó, giật nó ra khỏi tôi và kéo nó về ô cửa mở của một ngôi nhà. “Chó hư.”

Trina quay lại nhìn tôi vẻ thèm thuồng.

“Xin lỗi anh!” Chú bé gọi với lại từ bên kia đường.

Tôi đưa tay vẫy nó một cái như muốn nói, không sao.

Một cô bé xuất hiện ở ngưỡng cửa đứng cạnh chú bé, bụng phưỡn ra, cặp mắt sẫm màu ngắm tôi chăm chú. Tóc cô bé đen nhánh, còn tóc chú bé lại vàng và xoăn tít. Cả hai đứa đều khoảng sáu tuổi.

“Anh đừng mách mẹ bọn em nhé?” Cô bé hỏi.

Tôi lắc đầu, cố nuốt trôi một luồng cảm xúc đột nhiên trào lên trong lòng. Giọng nói của hai đứa trẻ này, cách diễn đạt hoàn hảo đầy trẻ con của chúng…

‘Các em có… biết Julie không?” Tôi hỏi chúng.

“Julie Cabernet ấy ạ?” Chú bé hỏi lại.

“Julie Gri…gio.”

“Bọn em quý chị Julie Cabernet lắm. Thứ tư nào chị ấy cũng đọc cho bọn em nghe.”

“Đọc truyện.” Cô bé thêm vào.

Tôi không nhận ra cái tên này, nhưng nó đã khuấy động một chút kí ức nào đó. “Em có biết… chị ấy ở… đâu không?”

“Phố Hoa Cúc.” Chú bé trả lời.

“Không, phố Hoa chứ! Đấy là bông hoa.”

“Hoa cúc là bông hoa mà.”

“Ồ.”

“Chị ấy sống ở góc phố. Giao giữa phố Hoa Cúc và đại lộ Quỷ.”

“Đại lộ Bò chứ.”

“Đấy không phải con bò, đấy là Quỷ. Cả bò lẫn quỷ đều có sừng.”

“Ồ.”

“Cảm ơn,” tôi nói với bọn trẻ và quay lưng đi.

“Anh có phải là Xác Sống không?” Cô bé bẽn lẽn khẽ hỏi.

Tôi sững sờ. Cô bé đợi tôi trả lời, gót chân xoay xoay sang phải rồi sang trái. Tôi thả lỏng người, mỉm cười với cô bé và nhún vai. “Julie… không nghĩ vậy.”

Một giọng giận dữ từ tầng năm hét vọng xuống nói gì đó nào là về lệnh giới nghiêm, nào là đóng cửa lại và không được nói chuyện với người lạ, nên tôi vẫy tay chào hai đứa trẻ rồi đi về phía Hoa Cúc và Quỷ. Mặt trời đã lặn và bầu trời có màu gỉ sắt. Một chiếc loa ở đâu đó phát ra một loạt con số, và những ô cửa sổ quanh tôi tối sầm lại. Tôi tháo lỏng cà vạt ra và bắt đầu chạy.

* * *

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK