• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

đây nhưng nghiệp chưa tròn,

Hoa Đà, Biển Thước cũng còn bó tay.

Hồ Thanh Ngưu vừa cầm cổ tay Trương Vô Kỵ, thấy mạch của thằng nhỏ đập rất lạ lùng, không khỏi kinh hãi, vội ngưng thần xem xét, nghĩ thầm: "Hàn độc thằng bé này bị trúng thật là cổ quái, không lẽ Huyền Minh thần chưởng chăng? Chưởng pháp này thất truyền đã lâu, trên đời này đâu còn ai biết sử dụng". Lại nghĩ tiếp: "Nếu không phải là Huyền Minh thần chưởng, thì là cái gì? Âm hàn độc địa thế này, không có môn chưởng lực nào khác cả. Y trúng phải chưởng lực cũng đã lâu, sao vẫn chưa chết, cũng thật lạ kỳ. Đúng rồi, lão đạo Trương Tam Phong dùng nội lực thâm hậu của mình giúp nó sống lây lất, đến bây giờ âm độc đã lan vào khắp lục phủ ngũ tạng, bám sâu ở trong đó, chỉ có thần tiên mới cứu nó sống được thôi".

Nghĩ vậy y bỏ Trương Vô Kỵ trở lại trên ghế. Qua một lúc sau, Trương Vô Kỵ từ từ tỉnh lại, thấy Hồ Thanh Ngưu ngồi trước mặt, đăm đăm nhìn ngọn lửa trong lò nấu thuốc, xuất thần suy nghĩ, còn Thường Ngộ Xuân vẫn còn nằm ở bãi cỏ trước nhà. Ba người ba tâm sự khác nhau, chẳng ai nói một câu nào.

Hồ Thanh Ngưu cả đời mê say nghề thuốc, những chứng bệnh khó khăn tưởng như bó tay đến y đều chữa khỏi, nên mới được cái danh hiệu Y Tiên. Chữa bệnh mà được chữ tiên có nghĩa là kỹ thuật thần kỳ lắm, không phải người thường. Thế nhưng hàn độc của Huyền Minh thần chưởng, y trong đời chưa từng gặp qua, mà trúng rồi lại dây dưa mấy năm không chết đến khi hàn độc lan vào lục phủ ngũ tạng thì lại càng không thể có được. Y đã định không chữa cho Trương Vô Kỵ, nhưng khi gặp được cái chứng quái lạ, cả đời chưa chắc gặp này, có khác gì tửu đồ gặp rượu ngon, kẻ háu ăn ngửi mùi thịt, làm sao bỏ cho nổi?

Nghĩ ngợi một hồi lâu, sau cùng y nghĩ ra một cách: "Ta cứ chữa cho nó khỏi đã, sau đó sẽ giết nó đi". Thế nhưng muốn đuổi được hết âm độc trong ngũ tạng lục phủ ra, đâu phải dễ dàng. Hồ Thanh Ngưu suy nghĩ mấy tiếng đồng hồ, lấy ra mười hai miếng đồng nhỏ, vận nội lực cắm vào các huyệt Trung Cực ở dưới đan điền, Thiên Đột ở dưới cổ, Kiên Tỉnh ở trên vai... tổng cộng mười hai chỗ. Huyệt Trung Cực là điểm tụ hội của Túc Tam Âm và Nhâm Mạch. Thiên Đột thì là chổ gặp nhau của Âm Duy và Nhâm Mạch, còn Kiên Tỉnh thì là điểm hội tụ của Thủ Túc Thiếu Dương, Túc Dương Minh, Dương Duy. Mười hai miếng đồng đó cắm xuống rồi, mười hai kinh thường mạch và kỳ kinh bát mạch liền bị phân cách ra.

Trong cơ thể con người tâm, phế, tì, can, thận là ngũ tạng, thêm tâm bao sáu bộ phận đó thuộc âm; vị, đại trường, tiểu trường, đảm, bàng quang, tam tiêu là lục phủ, sáu bộ phận đó thuộc dương[1]. Ngũ tạng lục phủ cộng thêm tâm bao gọi là thập nhị kinh thường mạch. Nhâm, Đốc, Xung, Đới, Âm Duy, Dương Duy, Âm Kiều, Dương Kiều tám mạch không thuộc các mạch chính kinh âm dương, không phối hợp biểu lý, đi theo những đường riêng, gọi là kỳ kinh bát mạch.

Sau khi các thường mạch và kỳ kinh trên thân thể Vô Kỵ cách biệt ra rồi, âm độc trong ngũ tạng lục phủ không còn thông được với nhau, Hồ Thanh Ngưu mới dùng ngải hơ[2] hai huyệt Vân Môn, Trung Phủ trên đầu vai, sau đó lại hơ các huyệt Thiên Phủ, Hiệp Bạch, Xích Trạch, Khổng Tối, Liệt Khuyết, Kinh Cừ, Đại Uyên, Ngư Tế, Thiếu Thương từ cánh tay xuống đến ngón tay cái, mười một huyệt đó thuộc Thủ Thái Âm Phế Kinh cốt để tiêu giảm âm độc trong phổi của Vô Kỵ. Cách đó lấy nhiệt công hàn, khổ sở mà Trương Vô Kỵ phải chịu cũng chẳng kém gì lúc âm độc phát tác. Cứu xong Thủ Thái Âm Phế Kinh, tiếp đến Túc Dương Minh Vị Kinh, Thủ Quyết Âm Tâm Bao Kinh...

Khi ra tay, Hồ Thanh Ngưu chẳng cần để ý đến Trương Vô Kỵ có đau hay không, ông ta dùng ngải hơ đến nỗi toàn thân thằng bé chỗ nào cũng đen xì. Trương Vô Kỵ không tỏ ra yếu hèn, nghĩ thầm: "Chắc ngươi tưởng ta sẽ rên rỉ kêu la, ta nhất định không thèm xuýt xoa lấy một tiếng". Y tiếp tục nói chuyện với Hồ Thanh Ngưu về phương vị các huyệt đạo. Tuy y không thông y lý, nhưng nghĩa phụ Tạ Tốn đã từng truyền dạy phép điểm huyệt, giải huyệt, và thuật chuyển dịch huyệt đạo. Thành thử, các vị trí huyệt đạo y cũng rất tỏ tường. So với vị đương thế thần y này, kiến thức của Vô Kỵ về kinh mạch thật là thô thiển, nhưng có liên quan tới y lý chính là ngành mà Hồ Thanh Ngưu rất tâm đắc. Hồ Thanh Ngưu một mặt cứu ngải để rút chất độc trong cơ thể y ra, một mặt giảng giải thao thao bất tuyệt.

Trương Vô Kỵ nghe vào tai, mười phần thì chín phần chẳng hiểu chi cả, nhưng không dám để lộ là "Phái Võ Đương chúng tôi chẳng biết gì cả", thỉnh thoảng lại chêm một câu bình phẩm, cùng ông ta biện luận một hồi. Hồ Thanh Ngưu lại càng xiển thuật, đến khi biết ra "thằng nhãi này thực ra có biết gì đâu, chỉ nói năng lăng nhăng" thì cũng đã mất bao nhiêu là nước bọt. Thế nhưng ở chỗ thâm sơn cùng cốc như thế này, trừ vài đứa tiểu đồng nấu cơm, đun thuốc có ai bạn bè đâu, hôm nay có thằng bé này, cùng y nói nọ nói kia về huyệt đạo, kể cũng thích thú.

Đến khi hơ hết mấy trăm huyệt trên mười hai thường mạch thì trời đã xế chiều. Tiểu đồng dọn cơm lên để trên bàn, lại đem một mâm cơm và rau đưa ra bên ngoài cho Thường Ngộ Xuân ăn. Đêm đó Thường Ngộ Xuân phải ngủ ở bên ngoài. Trương Vô Kỵ cũng không ngỏ lời cầu khẩn Hồ Thanh Ngưu, đến khi đi ngủ y đi ra nằm cạnh Thường Ngộ Xuân, hai người cùng ngủ trên bãi cỏ, để tỏ cái lòng có nạn cùng chịu. Hồ Thanh Ngưu giả như nhìn mà không thấy, chẳng thèm nói đến nhưng trong bụng cũng lấy làm lạ: "Thằng bé này quả thực không giống những trẻ con khác".

Sáng sớm hôm sau, Hồ Thanh Ngưu lại dùng hết nửa ngày để hơ các huyệt đạo trên kỳ kinh bát mạch của Vô Kỵ. Mười hai kinh thường mạch cũng tựa như sông cái sông con, luôn luôn chảy không ngừng, kỳ kinh bát mạch cũng tựa như hồ biển, súc tích tàng trữ, thành ra muốn trừ khử âm độc trong kỳ kinh bát mạch, xem ra lại còn khó hơn. Hồ Thanh Ngưu suy nghĩ viết một toa thuốc, khước tà phù chính, bổ hư tả thực, dùng phương pháp gậy ông đập lưng ông "dĩ hàn trị hàn". Trương Vô Kỵ uống thang thuốc đó rồi, bị lạnh run hết nửa ngày nhưng sau đó tinh thần thêm thư thái hơn trước.

Sau buổi trưa, Hồ Thanh Ngưu lại châm cứu cho Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ cố nói khích ông ta để ông ta chữa cho Thường Ngộ Xuân nhưng Hồ Thanh Ngưu không thèm lý đến, chỉ lạnh lùng đáp:

- Cái ngoại hiệu Điệp Cốc Y Tiên của ta có điểm danh quá kỳ thực. Chữ tiên đâu có thể vọng xưng được đâu? Thế nhưng người ta gọi là Kiến Tử Bất Cứu ta lại thích hơn.

Khi đó ông ta đang châm tại huyệt Ngũ Khu giữa hông và đùi của Trương Vô Kỵ, huyệt đó là nơi hội tụ của Túc Thiếu Dương và Đới Mạch, bên cạnh thủy đạo một tấc năm phân. Trương Vô Kỵ nói:

- Trên cơ thể con người thì đới mạch kỳ lạ nhất. Hồ tiên sinh, ông có biết không, có người không có đới mạch đó.

Hồ Thanh Ngưu ngạc nhiên, nói:

- Chỉ nói bậy. Làm sao lại không có đới mạch được?

Trương Vô Kỵ vốn chỉ thuận miệng nói lăng nhăng, liền tiếp:

- Thiên hạ rộng lớn như thế, chuyện lạ đến đâu cũng có, huống chi đới mạch theo cháu chẳng có lợi ích gì cả.

Hồ Thanh Ngưu nói:

- Đới mạch kỳ lạ thì đúng, nhưng bảo là vô dụng thì sai. Những y sư tầm thường không biết cái tinh áo bên trong, châm kim cắt thuốc không khỏi sai lầm. Ta có viết một cuốn Đới Mạch Luận, ngươi đọc thì biết.

Ông ta liền đi vào phòng, lấy ra một bộ sách mỏng, giấy đã vàng đem ra đưa cho Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ giở trang đầu, thấy viết:

Mười hai kinh và kỳ kinh thất mạch, đều lưu chuyển đi lên đi xuống. Riêng đới mạch bắt đầu từ bụng, bên dưới mạng sườn, đi quanh thân mình một vòng ở eo, như cái đai thắt ngang. Xung, nhâm, đốc ba mạch cùng bắt đầu nhưng đi ba hướng khác nhau, một gốc mà ba ngọn, cùng quấn chung quanh đới mạch.

Sau đó ông bình luận những sai lầm trong y thư xưa nay, Thập Tứ Kinh Phát Huy nói đới mạch có bốn huyệt, Châm Cứu Đại Thành nói đới mạch có sáu huyệt, thực ra có đến mười huyệt, trong đó hai huyệt ẩn hiện vô chừng, khi có khi không, rất khó biện. Trương Vô Kỵ đọc tiếp xuống dưới, tuy không rõ những áo diệu bên trong, nhưng cũng biết cuốn sách này kiến thức không phải tầm thường nên đem những chỗ ông phê bình cổ nhân ra thỉnh giáo.

Hồ Thanh Ngưu rất vui vẻ, một mặt tiếp tục châm, một mặt giải thích, đến khi mười huyệt của đới mạch đã châm xong, ông ta mới ngồi nghỉ một chút, nói tiếp:

- Ta còn một bộ Tí Ngọ Châm Cứu Kinh ghi tất cả những điều tâm huyết trong đó.

Ông ta vào trong phòng đem ra một bộ tất cả mười hai quyển y kinh chép tay. Hồ Thanh Ngưu biết thằng bé này không biết gì về y lý, nhưng y ẩn cư nơi hoang cốc đã lâu, cũng cảm thấy tịch mịch. Những người trước đây đến xin chữa bệnh tuy rất đông, nhưng ai ai cũng chỉ khen ông ta y thuật như thần, những lời đó hai mươi năm nay nghe đã chán. Thực ra chuyện ông ta hãnh diện nhất trong đời không phải "y thuật" tinh tường, mà ở tại "y học", trong đó nhiều điều phát minh sáng kiến mà những người đi trước chưa ai tìm ra. Ông ta biết những thành tựu đó vô cùng to lớn, nhưng chỉ có thể cô phương tự thưởng[3], khiến không khỏi bẽ bàng. Bây giờ thấy thiếu niên này ham thích đọc sách trước tác của mình, ngầm cảm thấy có cái tình tri kỷ, nên đem bộ sách đắc ý cho xem.

Trương Vô Kỵ giở ra xem, thấy mỗi trang viết kín mít những chữ nhỏ bằng con ruồi theo lối chữ tiểu khải, huyệt đạo bộ vị, thuốc men phân lượng, thời khắc và cách châm nông sâu, không gì không chú thích minh bạch. Y bỗng tâm niệm một điều: "Mình duyệt xem có đoạn nào nói về cách chữa thương cho Thường đại ca hay không?" Giở đến quyển số chín Võ Học Thiên trong đó có phần Chưởng Thương Trị Pháp thấy có Hồng Sa Chưởng, Thiết Sa Chưởng, Độc Sa Chưởng, Miên Chưởng, Khai Sơn Chưởng, Phá Bi Chưởng... các loại chưởng lực, các chứng thương, cách cấp cứu, cách trị liệu, đều có ghi đầy đủ. Đọc hết hơn một trăm tám mươi loại, quả nhiên có Tiệt Tâm Chưởng.

Trương Vô Kỵ mừng lắm, lập tức chăm chú đọc kỹ một lần, trong đó mô tả kỹ càng, nhưng trị pháp lại thật giản lược, chỉ nói "chữa bằng cách châm bốn huyệt Tử Cung, Trung Đình, Quan Nguyên, Thiên Trì, theo biến chuyển của âm dương, ngũ hành, xét hàn, thử, táo, thấp, phong[4] năm loại thời tiết, tùy tình trạng hỉ, nộ, ưu, tư, khủng[5] ngũ tình của bệnh nhân mà bốc thuốc".

Y đạo Trung quốc biến hóa đa đoan, cùng một chứng bệnh, người thầy thuốc phải quan sát trời nóng hay lạnh, đêm hay ngày, bên ngoài hay bên trong, đầy hay vơi, đầu hay cuối, động hay tĩnh, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay trẻ em... tùy từng trường hợp mà đưa ra phương thức chữa, mọi thay đổi đều do y sinh chứ không có qui tắc nhất định. Chính vì thế mà thầy thuốc giỏi với thầy thuốc xoàng cách nhau một trời một vực. Cái áo diệu đó Trương Vô Kỵ không biết, nên đọc phương pháp vài lần cốt chăm chăm nhớ trong đầu. Cuối cùng trong Chưởng Thương Trị Pháp chính là Huyền Minh thần chưởng, có viết các triệu chứng khi bị thương, nhưng tại trị pháp chỉ có ghi một chữ "Không".

Trương Vô Kỵ gập bộ sách lại, cung kính đặt trên bàn, nói:

- Bộ Tí Ngọ Châm Cứu Kinh này của Hồ tiên sinh bác đại tinh thâm, vãn bối đọc mười phần thì chín phần không hiểu gì cả, xin mong được chỉ điểm. "Ngự âm dương ngũ hành chi biến" là thế nào?

Hồ Thanh Ngưu giải thích mấy câu, chợt tỉnh ngộ, nói:

- Ngươi định hỏi làm thế nào để trị thương cho Thường Ngộ Xuân, phải không? Ha ha, chuyện khác thì ta nói, chuyện đó ta không nói.

Vô Kỵ không còn cách nào khác hơn, đành phải tra khảo trong các y thư, Hồ Thanh Ngưu để y muốn đọc gì thì đọc, không cấm đoán. Trương Vô Kỵ chăm chú nghiên cứu suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ, không chỉ đọc hết hơn một chục bộ sách Hồ Thanh Ngưu soạn ra, mà cả Hoàng Đế Nội Kinh, Hoa Đà Nội Chiêu Đồ, Mạch Kinh của Vương Thúc Hòa, Thiên Kim Phương, Thiên Kim Dực của Tôn Tư Mạc, Ngoại Đài Bí Yếu của Vương Đảo... các loại kinh điển trong nghề thuốc, cũng đều đọc cả cốt tìm hiểu ý nghĩa các câu đề cập đến trong phương pháp trị Tiệt Tâm Chưởng, chỗ nào có liên quan là đọc kỹ suy nghĩ. Mỗi ngày Hồ Thanh Ngưu châm cứu cho y hai lần, một lần giờ thìn, một lần giờ thân để trừ âm độc.

Cứ như thế mấy ngày liền, Trương Vô Kỵ cắm cúi đọc đủ các loại sách, tuy nhớ được một mớ y lý, thang thuốc, nhưng cái tinh diệu trong y học, y tuổi nhỏ học vấn nông cạn, làm sao trong vài ngày mà hiểu được? Bấm ngón tay tính toán, y đến Hồ Điệp Cốc đã sáu ngày. Hồ Thanh Ngưu đã nói thương thế của Thường Ngộ Xuân nếu do ông ta chữa trong vòng bảy ngày có thể khỏi hẳn, ngoài bảy ngày thì dù có trị được võ công cũng mất hết. Thường Ngộ Xuân đã nằm ngoài cỏ sáu ngày sáu đêm, đến hôm nay trời lại đổ mưa. Hồ Thanh Ngưu thấy chỗ y nằm trũng đầy bùn nước, nhưng tuyệt nhiên không lý tới. Trương Vô Kỵ hết sức giận dữ, nghĩ thầm: "Ta đọc trong các sách thuốc, trừ sách do ngươi soạn ra, sách nào cũng viết là phàm người trong y đạo phải có lòng tế thế huệ dân, còn ngươi thân đầy một bụng y thuật, nhưng lại thấy chết không cứu, vậy thì còn gọi là lương y sao được?".

Đến chiều, trời mưa lại càng thêm nặng hạt, sấm chớp ầm ầm, hết tiếng rền nọ lại đến tiếng sét kia. Trương Vô Kỵ nghiến răng, nghĩ thầm: "Ngoài việc ta đánh liều chữa cho Thường đại ca, không còn cách nào khác". Nghĩ vậy y lấy trong tủ thuốc của Hồ Thanh Ngưu ra tám mũi kim vàng, chạy ra ngồi cạnh Thường Ngộ Xuân, nói:

- Thường đại ca, mấy ngày qua tiểu đệ tận tâm kiệt lực, nghiên cứu đọc Hồ tiên sinh y thư, tuy chưa thông hiểu nhưng thời giờ khẩn cấp, không còn diên trì được nữa rồi. Tiểu đệ chỉ còn cách mạo hiểm hạ châm cho Thường đại ca, nếu chẳng may có chuyện gì, tiểu đệ sẽ không sống một mình đâu.

Thường Ngộ Xuân cười ha hả, nói:

- Tiểu huynh đệ sao lại nói như thế? Ngươi mau mau châm kim chữa bệnh cho ta, nếu may mà trời cho khỏi được, ta sẽ trêu ghẹo Hồ sư bá một phen. Còn nếu mới châm một hai mũi mà ta chết rồi, cũng còn hơn sống mà phải nằm trong vũng bùn này chịu khổ.

Trương Vô Kỵ hay tay run rẩy, nhìn kỹ mò đúng huyệt đạo của Thường Ngộ Xuân, lập cập cầm một mũi kim châm vào huyệt Quan Nguyên. Y chưa được tập luyện thuật châm cứu, cách đâm kim vào hết sức vụng về, chỉ bắt chước cách Hồ Thanh Ngưu châm cho mình mỗi ngày, theo đó mà làm. Những mũi kim của Hồ Thanh Ngưu lại do vàng ròng đúc thành nên rất mềm, không phải là người có nội lực thâm hậu không thể sử dụng được. Trương Vô Kỵ dùng sức hơi quá nên cái kim bị cong vẹo đi, không tiến sâu hơn được nữa, đành phải rút ra châm lại. Nếu đúng theo châm cứu thuật, rút ra không chảy máu, nhưng vì y lúng túng châm không đúng chỗ, máu từ huyệt Quan Nguyên của Thường Ngộ Xuân chảy vọt ra. Huyệt Quan Nguyên nằm ở bụng dưới là chỗ yếu hại của con người nên chảy máy không cầm được, Trương Vô Kỵ trong bụng càng nôn nóng không còn biết làm gì.

Bỗng nghe đằng sau có tiếng người cười ha hả, Vô Kỵ quay lại, thấy Hồ Thanh Ngưu tay chắp sau lưng, dáng vẻ tự đắc, cười khà khà nhìn y hay tay đầy máu. Trương Vô Kỵ vội hỏi:

- Hồ tiên sinh, huyệt Quan Nguyên của Thường đại ca chảy máu không ngừng, phải làm cách nào đây?

Hồ Thanh Ngưu nói:

- Dĩ nhiên ta biết cách nào cầm máu, nhưng việc gì phải nói cho ngươi nghe?

Trương Vô Kỵ ngang nhiên nói:

- - Thôi bây giờ một mạng đổi một mạng, xin ông mau cứu Thường đại ca, tôi lập tức chết ngay trước mặt ông là xong.

Hồ Thanh Ngưu lạnh lùng đáp:

- Ta đã nói không chữa là không chữa. Hồ Thanh Ngưu này chỉ thấy chết không cứu chứ đâu phải quỉ vô thường đi đòi mạng, ngươi chết có ích lợi gì cho ta đâu? Dù có chết mười Trương Vô Kỵ cũng không cứu được một Thường Ngộ Xuân.

Trương Vô Kỵ biết có nói thêm cũng chỉ mất thì giờ, nghĩ thầm kim này mềm quá, không thể dùng được, lúc này không còn cách nào đi kiếm các loại kim khác, đồng châm thiết châm không thấy đâu, suy nghĩ một chút, bèn đi tìm một khúc tre, dùng dao chẻ thành mấy cái tăm, đâm vào bốn huyệt Tử Cung, Trung Đình, Quan Nguyên Thiên Trì trên người Thường Ngộ Xuân.

Mấy cái tăm tre quả nhiên đâm vào không thấy máu chảy. Một lúc sau, Thường Ngộ Xuân nôn ra mấy ngụm máu bầm. Trương Vô Kỵ không biết mình châm lung tung như thế khiến cho Thường Ngộ Xuân bệnh nặng thêm hay có công hiệu trục được ứ huyết trong cơ thể ra, quay đầu lại nhìn Hồ Thanh Ngưu thấy ông ta tuy trên mặt nụ cười có vẻ chế riễu, nhưng có ẩn vài phần khen ngợi. Trương Vô Kỵ biết mấy mũi trúc châm của mình đâm xuống không hẳn sai lạc, nên chạy vào trong lục lọi y thư, suy nghĩ thật kỹ, viết một cái toa thuốc. Tuy y đọc trong sách biết vị nào chữa bệnh nào nhưng sinh địa, sài hồ hình dạng ra sao, ngưu tất, mật gấu như thế nào, y chưa biết đến, đành phải trơ trẽn đem toa thuốc giao cho thằng nhỏ nấu thuốc, nói:

- Nhờ anh theo toa này nấu dùm một thang.

Thằng nhỏ đem toa thuốc trình cho Hồ Thanh Ngưu xem, hỏi ông ta xem có nên nấu không. Hồ Thanh Ngưu nhăn mũi hừ một tiếng nói:

- Thật nực cười, nực cười.

Y cười khẩy mấy tiếng, nói:

- Ngươi cứ theo đó mà nấu. Y uống xong nếu không chết thì trên đời này không còn ai chết nữa.

Trương Vô Kỵ vội giật lại toa thuốc, giảm phân lượng mỗi thứ một nửa. Tên tiểu đồng cứ theo đó mà cắt đem nấu thành một tô thật đặc.

Trương Vô Kỵ bưng bát thuốc ra để vào miệng Thường Ngộ Xuân nghẹn ngào nói:

- Thường đại ca, uống thang thuốc này vào lành hay dữ, tiểu đệ hoàn toàn không biết...

Thường Ngộ Xuân cười đáp:

- Tốt lắm, tốt lắm, cái này đúng là thằng mù chữa kẻ thong manh.

Y nhắm mắt, ngửa cổ uống một hơi hết sạch cả cặn. Đêm hôm đó Thường Ngộ Xuân bụng đau như dao cắt, nôn ọe ra máu không ngừng. Trương Vô Kỵ dưới gió mưa sấm chớp hầu hạ y suốt cả đêm. Đến sáng sớm hôm sau, mưa ngừng hạt, Thường Ngộ Xuân cũng bớt thổ huyết, máu nôn ra không còn đen mà đã thành tím, rồi từ tím sang đỏ. Thường Ngộ Xuân mừng nói:

- Tiểu huynh đệ, thuốc ngươi cắt hóa ra uống không chết, xem ra thương thế lại giảm đi nhiều.

Trương Vô Kỵ mừng rỡ nói:

- Thuốc của tiểu đệ uống thấy thế nào?

Thường Ngộ Xuân cười đáp:

- Cha ta đã biết trước có ngày như thế này nên đã đặt tên cho ta là "Thường Ngộ Xuân", nghĩa là thường thường gặp được danh y diệu thủ hồi xuân[6] mà. Có đều chú mày cắt thuốc xem chừng hơi bá đạo, uống vào bụng chẳng khác nào có mấy chục con dao nhỏ đâm chém loạn xạ trong ấy.

Trương Vô Kỵ nói:

- Đúng thế, đúng thế. Xem ra liều lượng quả có hơi nặng.

Thực ra y ra toa nào chỉ có "hơi nặng" mà quả là nặng gấp mấy lần bình thường, lại không có những vị khác để điều hòa phụ giúp, nên công phạt càng mạnh hơn. Tuy y đã đọc trong sách của Hồ Thanh Ngưu về thuốc nào trị bệnh nào nhưng đạo dùng thuốc "quân thần tá sứ" hoàn toàn chẳng thông hiểu, nếu Thường Ngộ Xuân không thể phách cường tráng, khỏe mạnh hơn người thì ắt đã ô hô ai tai rồi.

Hồ Thanh Ngưu rửa mặt chải đầu xong, khoan thai đi ra, thấy Thường Ngộ Xuân mặt mũi hồng hào, tinh thần sảng khoái, không khỏi giật mình nghĩ thầm: "Một tên thông minh lớn mật, một tên thể phách tráng kiện, thương thế của Tiệt Tâm Chưởng thế mà trị được rồi".

Trương Vô Kỵ cũng viết thêm một toa thuốc bổ, nào là nhân sâm, lộc nhung, thủ ô, phục linh bao nhiêu loại bổ dược quí giá viết cả ra. Trong nhà Hồ Thanh Ngưu chứa biết bao nhiêu là thuốc, loại nào cũng đều là loại thật tốt, nên dược lực thật mạnh. Uống thuốc bổ như thế mươi ngày, Thường Ngộ Xuân thấy thần thái sung mãn, võ công hoàn toàn trở lại như xưa, nói với Trương Vô Kỵ:

- Tiểu huynh đệ, hiện nay thương thế của ta hoàn toàn khỏi hẳn rồi, ngày ngày ngươi ra nằm dầm sương với ta xem ra không hợp lý. Thôi vậy anh em mình từ biệt nhau.

Trong hơn một tháng qua, Trương Vô Kỵ và y cùng chung hoạn nạn, hai bên xả thân, thành một đôi bạn sinh tử có nhau, nay phải chia tay, thật quyến luyến không muốn rời. Thế nhưng biết rằng Thường Ngộ Xuân không thể ở mãi tại đây, Vô Kỵ đành nuốt lệ chấp nhận.

Thường Ngộ Xuân nói:

- Tiểu huynh đệ, ngươi đừng quá khổ sở. Ba tháng nữa, ta sẽ quay lại thăm, nếu lúc đó hàn độc trong thân thể ngươi hết rồi, sẽ dẫn ngươi trở về núi Võ Đương để gặp lại thái sư phụ.

Y đi vào trong nhà bái biệt Hồ Thanh Ngưu, nói:

- Đệ tử thương thế nay đã đỡ, tuy là do Trương huynh đệ ra tay chữa trị nhưng toàn là do sách thuốc của sư bá mà theo, lại uống không biết bao nhiêu là dược vật quí giá của sư bá.

Hồ Thanh Ngưu gật đầu:

- Thế nhưng cũng chưa xong đâu. Thương thế của ngươi tuy đã đỡ, nhưng tuổi thọ cũng bị giảm mất bốn mươi năm.

Thường Ngộ Xuân không hiểu, hỏi lại:

- Sao thế?

Hồ Thanh Ngưu đáp:

- Cứ theo thể phách của ngươi mà nói, ít ra ngươi cũng sống đến tám mươi. Thế nhưng thằng bé dùng thuốc sai lầm, lúc hạ châm lại không đúng cách, từ nay trở về sau, mỗi khi trời âm u mưa gió, ngươi sẽ thấy toàn thân đau nhức, nói chung đến khoảng bốn mươi tuổi, sẽ phải đi gặp Diêm Vương thôi.

Thường Ngộ Xuân cười ha hả, hiên ngang đáp:

- Đại trượng phu giúp đời trả nợ nước, nếu như lập nên công nghiệp, thì ba mươi tuổi cũng đã đủ, cần gì phải đến bốn mươi? Còn như sống đời tầm thường, dù có sống đến trăm tuổi, cũng chỉ tốn cơm tốn gạo mà thôi.

Hồ Thanh Ngưu lại gật đầu, nhưng không nói thêm nữa.[7]

Trương Vô Kỵ tiễn chân ra đến tận cốc khẩu, Thường Ngộ Xuân giục y trở lại, hai người mới gạt lệ chia tay. Trương Vô Kỵ trong bụng thầm toan tính: "Ta chữa trị, cắt thuốc sai lầm khiến Thường đại ca giảm thọ bốn mươi năm. Thân thể anh ấy vì ta mà tổn hại, không lẽ về sau ta không thể làm gì giúp ích được sao? Ta phải tìm cách nào làm cho anh ấy hoàn toàn khôi phục như trước mới xong".

Từ đó ngày ngày Hồ Thanh Ngưu châm cứu, kê toa cắt thuốc cho Trương Vô Kỵ để tiêu trừ âm độc trong thân thể. Trương Vô Kỵ cũng ngày đêm chăm chú đọc sách thuốc, ghi nhớ dược điển, gặp chỗ nào nghi nan không rõ liền hỏi lại Hồ Thanh Ngưu. Chuyện đó Hồ Thanh Ngưu rất thích nên lại càng ra công giải thích chỉ điểm. Có khi Vô Kỵ đưa ra những câu hỏi lạ lùng, suy nghĩ khác thường mà trước đây Hồ Thanh Ngưu chưa hề tưởng đến. Lúc đầu ông ta định bụng chữa khỏi Trương Vô Kỵ rồi sẽ ra tay giết thằng bé, nhưng bây giờ nghĩ nếu nó chết đi sẽ mất một người bạn tâm đầu ý hợp nên không còn nghĩ đến việc khỏi sớm chết sớm nữa.

Cứ như vậy mấy tháng liền, một hôm Hồ Thanh Ngưu bỗng nhiên phát giác, huyệt Quan Xung ở bên cạnh ngón tay vô danh, huyệt Thanh Lãnh Uyên ở cách khoeo tay hai tấc, huyệt Ti Trúc Không ở chỗ lõm sau lông mày khi châm vào không phản ứng gì cả. Ba huyệt đó đều thuộc Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu Kinh. Tam tiêu bao gồm thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu là một trong lục phủ, từ trước tới nay y thư chép là rất huyền diệu bí áo, khó lòng tìm được.[8] Hồ Thanh Ngưu tiềm tâm suy nghĩ, dùng đủ mọi loại phương pháp xảo diệu vẫn không trục được âm độc trong tam tiêu của Vô Kỵ. Hơn mười ngày sau, đầu tóc ông ta đã bạc thêm hơn chục sợi mà chưa đến đâu.

Trương Vô Kỵ thấy ông ta lao thần suy nghĩ, hết sức khổ não, trong lòng không khỏi cảm kích, thấy dạ không an, nói:

- Hồ tiên sinh, ông đã tận tâm kiệt lực khu độc cho cháu. Trên đời này có ai không chết đâu, âm độc chạy vào tam tiêu của cháu không đuổi ra được, âu cũng là số mệnh phải chịu, tiên sinh không phải quá phí tâm sức, vì chuyện cứu mạng cho cháu mà tổn lao thân thể.

Hồ Thanh Ngưu hừ một tiếng, lạnh lẽo đáp:

- Ngươi coi Minh giáo, Thiên Ưng giáo không vào đâu, đời nào ta muốn cứu mạng cho mi? Chỉ có điều ta trị bệnh cho ngươi không khỏi, hóa ra cái tên Điệp Cốc Y Tiên là kẻ vô năng hay sao? Ta định bụng sau khi chữa khỏi cho ngươi rồi sẽ giết ngươi chết.

Trương Vô Kỵ không khỏi lạnh người, nghe ông ta nói một cách thản nhiên tưởng như coi chuyện đó chẳng vào đâu, biết y đã nói ra khỏi miệng rồi quyết không thay đổi, thở dài nói:

- Cháu xem ra âm độc trong cơ thể không cách nào trừ được, tiên sinh không cần ra tay, cháu cũng phải chết. Thế nhân xem ra chỉ muốn người khác chết sạch thì mới vui lòng. Chúng ta học võ luyện công, chẳng phải là để giết người khác hay sao?

Hồ Thanh Ngưu nhìn vào khoảng không xa vắng ngoài nhà, xuất thần hồi lâu, buồn bã nói:

- Khi ta còn trẻ ra sức học thuốc, lập chí tế thế cứu nhân, nhưng rồi ra mới biết mình lầm. Ta cứu người ta rồi, người ta quay lại hại ta thật là tàn nhẫn. Có một chàng trai kia trúng phải Kim Tàm trùng độc ở Miêu Cương Quí Châu, là loại độc chất vô cùng nguy hiểm, người trúng độc này thể nào cũng chết nhưng trước khi chết còn phải chịu thống khổ không chịu nổi. Ta ba ngày ba đêm không ngủ, hao phí tâm sức cứu được y, cùng y nghĩa kết kim lan, tình như ruột thịt, lại hứa gả đứa em gái cho y. Nào ngờ về sau y lại hại em ta đến phải chết. Ngươi có biết y là ai không? Hiện nay y chính là một thủ não danh tiếng vang lừng của một danh môn chính phái đó.

Trương Vô Kỵ thấy trên mặt y các bắp thịt giựt giựt, thần tình cực kỳ đau khổ, trong lòng không khỏi thương xót, nghĩ thầm: "Thì ra ông ta đã từng gặp nhiều thảm cảnh, vì thế nên mới có cái tính "kiến tử bất cứu". Bèn hỏi:

- Tên vong ân phụ nghĩa, lòng lang dạ thú đó là ai thế?

Hồ Thanh Ngưu nghiến răng nói:

- Y... y chính là chưởng môn phái Hoa Sơn Tiên Vu Thông.

Trương Vô Kỵ hỏi:

- Sao tiên sinh không đi tìm y mà trả thù?

Hồ Thanh Ngưu thở dài:

- Trước sau ta đã đi kiếm y ba lần, đều bị thảm bại, lần sau cùng tưởng chết về tay y rồi. Người này võ công cao cường, lại thêm cơ trí tuyệt luân, ngoại hiệu của y là Thần Cơ Tử, ta tài nghệ kém y xa. Huống chi y lại là chưởng môn phái Hoa Sơn, người nhiều thế mạnh. Minh giáo ta mấy năm nay chia năm xẻ bảy, cao thủ trong bản giáo tàn sát lẫn nhau, ai ai cũng nói là mình bận nên không ai giúp đỡ cả. Hơn nữa, ta cũng xấu hổ không đi nhờ cậy ai. Cái oán cừu đó, chỉ e không thể báo thù được. Ôi, đứa em khốn khổ của ta ơi, từ bé ta mồ côi, anh em nương tựa lẫn nhau...

Nói đến đây, nước mắt rưng rưng.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: "Y thực ra không phải là kẻ vô tình lạnh lùng đâu". Hồ Thanh Ngưu đột nhiêu gay gắt nói:

- Chuyện ta nói hôm nay, từ rày không được đề cập đến nữa, nếu tiết lộ cho người khác biết, ta sẽ làm cho người sống không được, chết không xong.

Trương Vô Kỵ định cãi lại vài câu, nhưng bỗng thấy chạnh lòng, biết người này vì gặp thảm sự nên chẳng chấp nê, liền nói:

- Cháu không nói đâu.

Hồ Thanh Ngưu xoa đầu nó, thở dài:

- Tội nghiệp, tội nghiệp.

Nói xong quay vào hậu đường.

Từ khi Hồ Thanh Ngưu nói chuyện với Trương Vô Kỵ, lại thấy hàn độc đã chạy vào tam tiêu không có thể khu trừ được, dù được người tinh thâm y thuật chữa trị, cũng chỉ sống thêm được vài năm, khiến ông ta biến đổi tâm tình. Tuy ông ta không thổ lộ thêm về thân thế, tâm sự, nhưng thấy thằng bé nhạy hiểu lòng người, lại sống nơi núi rừng tịch mịch, có một người bạn như thế rất tốt nên ngày ngày ông ta chỉ điểm cho Vô Kỵ về biến hóa âm dương, ngũ hành trong y học cùng các cách châm kim, kê toa bốc thuốc. Trương Vô Kỵ ra công nghiên cứu, hết sức dụng tâm học tập. Hồ Thanh Ngưu thấy ngộ tâm của y thật cao, đọc các sách y thư như Hoàng Đế Hà Mô Kinh, Tây Phương Tử Minh Đường Cứu Kinh, Thái Bình Thánh Huệ Phương, Châm Cứu Giáp Ất Kinh, Thiên Phương Kinh của Tôn Tư Mạc... đều rất am tường, không khỏi than thầm: "Cứ như tài trí của thằng bé này, lại được gặp minh sư trăm năm khó gặp như ta chỉ dạy, chưa đến hai mươi tuổi cũng đã ngang ngửa với Hoa Đà, Biển Thước rồi, tiếc rằng... tiếc rằng... than ôi!"

Ý ông ta muốn nói đến là dù Vô Kỵ y học có giỏi bao nhiêu, nhưng số chẳng sống được lâu, thì việc chăm chỉ cần mẫn kia có ích gì? Thế nhưng Trương Vô Kỵ trong bụng đã có chủ tâm, y quyết ý học thành y thuật cao minh, để khi gặp lại Thường Ngộ Xuân, sẽ chữa cho y được trở lại bình thường, hoặc chữa cho Du Đại Nham không còn cần phải ai nâng dắt, đi đứng một mình được. Đó chính là hai đại tâm nguyện của nó, nếu hoàn thành được thì dù có chết đi cũng không có gì ân hận.

Sống trong thung lũng an tĩnh vô sự, ngày tháng trôi qua, chẳng mấy chốc đã hơn hai năm, Trương Vô Kỵ nay đã mười bốn tuổi. Trong hai năm đó, Thường Ngộ Xuân có đến thăm y mấy lần, nói Trương Tam Phong nghe tin bệnh tình của Vô Kỵ có chiều thuyên giảm, mười phần hoan hỉ, dặn cứ ở lại Hồ Điệp Cốc thêm, bao giờ khỏi hẳn thi thôi. Trương Tam Phong và sáu người đệ tử cũng gửi cho nó quần áo, đồ dùng, tất cả ai cũng nhớ nhung, nhưng vì môn phái khác biệt, không tiện đến thăm.

Trương Vô Kỵ đối với thái sư phụ và các sư thúc, sư bá càng thương nhớ nhiều, hận không thể về núi Võ Đương ngay để gặp lại. Thường Ngộ Xuân cũng cho hay tin tức bên ngoài, mấy năm nay người Mông Cổ đối với Hán nhân càng thêm bạo ngược, trăm họ không đủ ăn, trộm cướp nổi lên như rươi, xem chừng thiên hạ sắp sửa đại loạn. Ngoài ra, các danh môn chính phái trên giang hồ tranh chấp với ma giáo, tà phái mỗi ngày thêm kịch liệt, hai bên chết chóc cũng nhiều, oán cừu ngày càng thêm sâu.

Mỗi lần Thường Ngộ Xuân đến Hồ Điệp Cốc đều ở lại vài ngày, dường như công việc trong Minh giáo ngày càng thêm bận rộn.

Một buổi tối, Trương Vô Kỵ đang đọc cuốn "Thử Sự Nan Tri[9]" của Vương Hảo Cổ, bỗng thấy thấy mệt mỏi, đầu óc mơ mơ màng màng, lập tức lên giường ngủ. Hôm sau tỉnh dậy thấy nhức đầu khôn cùng, đang định đi kiếm mấy loại thuốc trị phong hàn, khi vào trong sảnh thì mặt trời đã ngả về phương tây, hóa ra đã quá trưa. Y giật mình kinh hãi: "Sao mình ngủ giấc này lâu thế, xem ra mình bị bệnh mất rồi". Vội vàng tự bắt mạch nhưng không thấy gì khác lạ, lòng thầm kinh hãi: "Không lẽ âm độc trong người mình phát tác, đến ngày tận số rồi chăng?".

Vô Kỵ đến ngoài phòng của Hồ Thanh Ngưu thấy cửa đóng chặt, ho khẽ một tiếng. Hồ Thanh Ngưu ở bên trong nói ra:

- Vô Kỵ, hôm nay trong người ta không được khỏe, cổ họng đau, ngươi tự mình học đi nhé.

Trương Vô Kỵ đáp:

- Vâng.

Y quan tâm đến bệnh tình của Hồ Thanh Ngưu nên hỏi tiếp:

- Tiên sinh, để cho cháu xem thử cổ họng tiên sinh xem thế nào, được không?

Hồ Thanh Ngưu giọng khàn khàn đáp:

- Không cần đâu, ta soi gương xem thử, thấy không có gì nặng lắm, đã uống Ngưu Hoàng Tê Giác Tán rồi.

Đến chiều hôm đó, khi tiểu đồng mang cơm vào phòng, Trương Vô Kỵ cũng đi theo, thấy Hồ Thanh Ngưu mặt mày tiều tụy, nằm trên giường. Hồ Thanh Ngưu xua tay:

- Ra ngoài đi, cậu có biết ta bị bệnh gì không? Đậu mùa đấy.

Trương Vô Kỵ nhìn trên mặt, trên tay ông ta, quả nhiên đầy những chấm đỏ, nghĩ thầm bệnh đậu mùa phát ra rất độc địa, nếu chữa không khéo, nặng ắt chết, nhẹ cũng rỗ mặt. Hồ Thanh Ngưu y đạo tinh thâm, dù có nhiễm bệnh cũng tự chữa lấy được nhưng Vô Kỵ vẫn không khỏi lo lắng. Hồ Thanh Ngưu nói:

- Cậu không được vào phòng ta, đũa bát chén đĩa cho ta, đều phải dùng nước nóng tráng qua, cậu và các tiểu đồng không được dùng chung.

Ngẫm nghĩ một lát, ông ta nói tiếp:

- Vô Kỵ, cậu nên ra khỏi Hồ Điệp Cốc tìm nơi tá túc một thời gian độ nửa tháng, để khỏi lây bệnh đậu mùa của ta.

Trương Vô Kỵ vội nói:

- Không cần. Tiên sinh bị bệnh, cháu lại đi khỏi, ai lo lắng cho ông? Dẫu gì cháu cũng hiểu y lý hơn những tiểu đồng này.

Hồ Thanh Ngưu nói:

- Nhưng cậu tránh đi vẫn hơn.

Thế nhưng dù ông ta nói sao, Vô Kỵ nhất định không chịu. Mấy năm qua, hai người sớm tối có nhau, Hồ Thanh Ngưu tuy tính tình quái dị, hai thầy trò dẫu sao cũng vẫn có tình, huống chi lúc hoạn nạn lại đi khỏi, thật là không hợp bản tính của Trương Vô Kỵ chút nào. Hồ Thanh Ngưu nói:

- Thôi được. Thế nhưng cậu tuyệt đối không được bước chân vào trong phòng của tôi.

Cứ như thế ba ngày liền, sớm tối Vô Kỵ lại trước cửa phòng hỏi thăm, thấy Hồ Thanh Ngưu tuy bị khản tiếng, tinh thần vẫn đầy đủ, cơm nước xem ra còn ăn nhiều hơn lúc thường, chắc không có gì đáng ngại. Hồ Thanh Ngưu mỗi ngày đọc các vị thuốc cùng liều lượng, tiểu đồng theo đó mà sắc đem vào phòng cho ông ta. Đến chiều hôm thứ tư, Trương Vô Kỵ ngồi trong thảo đường đọc Hoàng Đế Nội Kinh đến thiên Tứ Khí Điều Thần Đại Luận tới câu:

Cho nên thánh nhân không trị bệnh đã phát ra rồi mà trị bệnh từ khi chưa phát, không trị khi đã loạn rồi mà trị từ khi chưa loạn, chính là vì thế. Đại bệnh có rồi mới cho thuốc, loạn đã có rồi mới cứu chữa, có khác nào khát nước mới đi đào giếng, đánh nhau rồi mới đúc chùy, chẳng đã trễ ư?

(Thị cố thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh, bất trị dĩ loạn, trị vị loạn, thử chi vị dã. Đại bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, thí do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú trùy, bất diệc vãn hồ?)

Không khỏi gật đầu khen hay, nghĩ thầm: "Mấy câu này quả thật là hay, khát nước mới đi đào giếng, đánh nhau mới đi đúc binh khí làm sao cho kịp. Quốc gia loạn rồi trở lại thanh bình, dù có an định nhưng nguyên khí không khỏi thương tổn rất nhiều. Trị bệnh thì phải trị từ khi chưa có bệnh mới là hay. Thế nhưng bệnh đậu mùa của Hồ tiên sinh là do bên ngoài nhiễm vào, có muốn trị từ trước cũng không được". Lại nghĩ đến Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận trong Nội Kinh có mấy câu:

Người giỏi chữa bệnh chữa khi bệnh còn ngoài da, thứ đến là người chữa khi bệnh ở máu thịt, thứ nữa là chữa khi bệnh ở gân mạch, sau nữa mới đến bệnh trong lục phủ, sau nữa mới đến bệnh vào trong ngũ tạng. Trị ngũ tạng thì đã nửa phần sống, nửa phần chết.

(Thiện trị giả trị bì mao, kỳ thứ trị cơ phu, kỳ thứ trị cân mạch, kỳ thứ trị lục phủ, kỳ thứ trị ngũ tạng. Trị ngũ tạng giả, bán tử bán sinh dã)

Vô Kỵ nghĩ thầm: "Lương y thấy bệnh mới chớm là đã trị. Bệnh đã vào đến lục phủ ngũ tạng mới chữa trị, chỉ còn có một nửa phần hi vọng thôi. Như ta âm độc đã tan vào lục phủ ngũ tạng, đâu phải chỉ nửa sống nửa chết mà là chín chết một sống rồi".

Y còn đang tấm tắc khen kiến thức trác tuyệt của người xưa, lại nghĩ đến thương thế của mình, bỗng nghe có tiếng vó ngựa từ ngoài cửa thung lũng vọng tới, chẳng bao lâu đã đến ngay bên ngoài căn nhà tranh rồi một người lớn tiếng nói:

- Võ lâm đồng đạo, xin được gặp Y Tiên Hồ tiên sinh, để nhờ lão nhân gia trị bệnh.

Trương Vô Kỵ đi ra ngoài cửa, thấy một người mặt mũi đen sì đứng bên ngoài, tay dắt ba con ngựa, trên hai con ngựa nằm phục hai người, quần áo loang lổ đầy vết máu, rõ ràng thân bị trọng thương. Hán tử đó đầu băng một mảnh vải trắng, trên cũng thấm đầy máu tươi, tay phải cũng có băng treo lủng lẳng trên cổ, xem ra bị thương cũng không phải nhẹ.

Trương Vô Kỵ nói:

- Các vị đến thật không đúng lúc, chính Hồ tiên sinh cũng đang bị bệnh, nằm trên giường không dậy được, không thể nào trị bệnh cho quí vị được, xin đi kiếm thầy lang khác.

Hán tử đó nói:

- Chúng tôi chạy mấy trăm dặm đến đây, sống chết chỉ trong sớm tối, chỉ còn trông chờ Y Tiên cứu mạng thôi.

Trương Vô Kỵ nói:

- Hồ tiên sinh đang bị bệnh đậu mùa, bệnh thế thật là ghê gớm, đó là chúng tôi nói thực, không dám man trá đâu.

Người kia nói:

- Ba người chúng tôi lần này bị trọng thương nếu như không được Y Tiên cứu, thì chỉ có nước chết thôi. Xin phiền tiểu huynh đệ bẩm lại một lời, để xem Hồ tiên sinh dạy bảo thế nào.

Trương Vô Kỵ nói:

- Nếu đã như thế, xin quí vị cho biết tôn tính đại danh.

Hán tử trả lời:

- Ba người chúng tôi tiện danh không đáng nói, chỉ nói là đệ tử của Tiên Vu chưởng môn phái Hoa Sơn.

Nói đến đây, thân hình y lảo đảo muốn ngã, xem ra không chịu nổi nữa rồi, há mồm ọe ra một ngụm máu tươi. Trương Vô Kỵ giật mình, nghĩ thầm Tiên Vu Thông của phái Hoa Sơn là kẻ đại thù của Hồ tiên sinh, không biết ông ta xử trí thế nào, đi đến trước phòng của Hồ Thanh Ngưu nói:

- Tiên sinh, ngoài cửa có ba người bị thương nặng đến xin chữa bệnh, nói là đệ tử của Tiên Vu chưởng môn phái Hoa Sơn.

Hồ Thanh Ngưu hừ một tiếng, gắt:

- - Không chữa, không chữa, bảo chúng nó cút đi.

Trương Vô Kỵ đáp:

- Vâng.

Y trở lại thảo đường nói với người kia:

- - Hồ tiên sinh bệnh tình trầm trọng lắm, không thể nào tiếp khách được, kin tha lỗi cho.

Gã kia nhíu mày, đang định năn nỉ thêm nữa thì một gã gầy gò đang nằm phục trên lưng ngựa bổng ngửng đầu lên, giơ tay búng ra, một ánh vàng lấp lánh, nghe cạch một tiếng, một ám khí nho nhỏ rơi ngay trên bàn trong nhà. Gã hán tử gầy gò nói:

- Ngươi đem mũi Kim Hoa này cho Kiến Tử Bất Cứu xem, nói ba người bọn ta đều bị chủ nhân của bông hoa vàng này đả thương. Người đó nay mai sẽ đến tìm y để rửa hận, nếu Kiến Tử Bất Cứu trị khỏi cho bọn ta, ba người sẽ ở lại đây, giúp ông ta ngự địch. Dù võ công bọn ta chẳng ra gì, nhưng dù sao cũng có thêm ba tay giúp sức.

Trương Vô Kỵ thấy tên này ăn nói xấc láo, không phải như hán tử nọ có vẻ lễ độ, đi đến bên cạnh bàn, thấy ám khí nọ là một bông hoa mai đúc bằng vàng, cũng to y hệt một bông mai thật, bạch kim làm nhụy hoa, trông thật là tinh xảo. Y đưa tay cầm lấy, nào ngờ cái búng của gã gầy gò nọ rất mạnh, bông hoa khảm chặt xuống bàn, đành phải lấy ra kẹp dùng để gắp thuốc, nạy mấy cái mới lấy ra được. Y nghĩ thầm: "Võ công của tên gầy gò này không phải dở, nhưng bị chủ nhân bông hoa vàng này đánh cho bị thương nặng như thế, y nói người đó đến tầm cừu, mình cũng nên cho tiên sinh biết".

Y cầm bông hoa đến bên ngoài phòng của Hồ Thanh Ngưu chuyển thuật lời của gã gầy gò. Hồ Thanh Ngưu nói:

- Đem vào cho ta xem.

Trương Vô Kỵ nhẹ nhàng mở cửa phòng, vén tấm màn ra, thấy trong phòng tối như mực, biết rằng người bị đậu mùa sợ gió sợ ánh sáng, cửa sổ đều dùng mền che kín. Hồ Thanh Ngưu trên mặt che một miếng vải xanh, chỉ để lộ đôi mắt. Trương Vô Kỵ cảm thấy sợ hãi: "Không biết dưới miếng vải kia, các nốt đậu trên mặt ông ta mọc như thế nào? Sau khi khỏi rồi, liệu có bị rỗ không?".

Hồ Thanh Ngưu nói:

- - Để bông hoa vàng trên bàn cho ta, rồi đi ra cho mau.

Trương Vô Kỵ y lời để bông hoa xuống bàn, vén màn đi ra, chưa kịp đóng cửa đã nghe Hồ Thanh Ngưu nói:

- Ba tên đó chết sống ra sao, họ Hồ này không can hệ gì. Hồ Thanh Ngưu chết hay sống, cũng chẳng cần ba tên đó phải để tâm đến.

Nghe vèo một tiếng, bông hoa vàng đó xuyên qua màn cửa, bay vụt ra ngoài, nghe keng một tiếng rơi trên mặt đất. Trương Vô Kỵ đã ở chung với ông ta hơn hai năm rồi, không từng thấy ông ta luyện võ công, không ngờ vị thần y trông vẻ thư sinh này lại là một cao thủ, tuy đang bị bệnh nhưng không võ công không mất.

Trương Vô Kỵ nhặt bông kim hoa lên, đem trả lại cho gã gầy gò, lắc đầu:

- Hồ tiên sinh quả thật bệnh nặng...

Bỗng nghe tiếng chân ngựa cộp cộp, tiếng xe rầm rập, một chiếc xe ngựa chạy vào trong thung lũng. Trương Vô Kỵ đi ra khỏi cửa, thấy con ngựa chạy rất nhanh, chỉ chớp mắt đã tới trước cửa, ngừng ngay lại. Trên xe đi xuống một thanh niên nước da vàng vọt, ôm ra một lão già đầu hói, hỏi:

- Điệp Cốc Y Tiên Hồ tiên sinh có nhà không? Môn hạ phái Không Động là Thánh Thủ Già Lam[10] Giản Tiệp từ xa đến chữa bệnh...

Nói chưa hết câu, y đã lảo đảo, cùng ông già đầu hói hai người đều ngã lăn xuống đất. Cũng thật lạ, hai con ngựa kéo xe đồng thời kiệt sức, miệng sùi bọt mép, gục luôn xuống. Xem thần tình của hai người, không hỏi cũng biết là từ xa bôn ba đến đây, đi đường không nghỉ, nên cả người lẫn ngựa mới mỏi mệt đến thế. Trương Vô Kỵ nghe nói bốn chữ "môn hạ Không Động", nghĩ đến trên núi Võ Đương bức tử cha mẹ mình có các trưởng lão của phái này, tuy gã đầu hói này hôm đó không thấy lên núi, nhưng chắc cũng chẳng phải kẻ tốt lành gì, đang định cự tuyệt, lại thấy sơn đạo thấp thoáng, thêm bốn năm người chạy đến, kẻ thì chống gậy khập khiễng, kẻ thì người nọ đỡ người kia, người nào cũng bị thương cả.

Trương Vô Kỵ nhíu mày, không đợi bọn đó đến gần, lớn tiếng nói:

- Hồ tiên sinh bị bệnh đậu mùa, chính ông ta cũng không biết sẽ ra sao, không thể nào trị thương cho các vị được. Xin các vị sớm đi tìm danh y, để khỏi lỡ dịp chữa thương.

Đến khi bọn đó tới gần hơn, nhìn rõ tất cả năm người, người nào mặt cũng tái mét nhưng trên người không có dấu máu, xem ra đều bị nội thương. Người đi đầu vừa cao vừa mập, nhìn gã đầu hói Giản Tiệp và gã gầy gò gật đầu, ba người nhìn nhau cười gượng, hóa ra họ đều biết nhau. Trương Vô Kỵ hiếu kỳ, hỏi:

- Các ông cũng đều bị chủ nhân bông hoa vàng đả thương phải không?

Gã mập đáp:

- Chính thế.

Hán tử đến đầu tiên mới bị hộc máu hỏi lại:

- Tiểu huynh đệ họ gì? Bà con với Hồ tiên sinh ra sao?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Tôi là bệnh nhân của Hồ tiên sinh, Hồ tiên sinh nói không chữa là nhất định không chữa đâu, các ông có nán lại đây cũng vô ích.

Hai bên đang nói chuyện lại có thêm bốn người nữa tới, có kẻ đi xe, có kẻ cưỡi ngựa, cả bọn ai ai cũng muốn gặp Hồ Thanh Ngưu. Trương Vô Kỵ thấy lạ lùng: "Hồ Điệp Cốc là nơi hoang vắng, ngoại trừ người trong ma giáo ra, trên giang hồ rất ít người biết đến. Những người này không phải Không Động thì cũng Hoa Sơn, đều không phải người đồng đạo, sao lại không hẹn mà cùng bị thương, lại không hẹn mà cùng đến đây xin chữa bệnh?" Lại nghĩ thầm: "Chủ nhân của bông kim hoa này tài nghệ ghê gớm đến thế, muốn giết những người này nào có khó khăn gì, sao lại chỉ đánh cho họ trọng thương thôi?".

Mười bốn người đó, có người lên tiếng khẩn cầu, có người một lời không nói, nhưng không ai chịu đi, nhìn ra trời đã sắp tối, mười bốn người ngồi chật cả căn nhà lá. Đứa tiểu đồng nấu ăn đem cơm cho Trương Vô Kỵ, y không nể nang khách sáo gì, ngồi ăn tự nhiên, đốt một ngọn đèn dầu giở sách thuốc ra ngồi đọc, đối với bọn người kia làm như không thấy, nghĩ thầm: "Ta học y thuật của Hồ tiên sinh nhưng cũng phải học luôn cả cái công phu Kiến Tử Bất Cứu của ông ta nữa".

Đêm vắng lặng, trong căn nhà tranh ngoài tiếng sột soạt của Trương Vô Kỵ giở sách, và tiếng thở nặng nề của bọn người bị thương, không còn âm thanh gì khác. Bỗng dưng từ con đường mòn ở bên ngoài có tiếng bước chân nhẹ nhàng của hai người, chậm chạp đi về hướng căn nhà tranh. Một lúc sau, giọng thánh thót của một đứa con gái nhỏ cất lên:

- Mẹ, trong nhà có ánh đèn, mình đến nơi rồi.

Cứ theo giọng đó thì đứa trẻ còn nhỏ lắm. Có tiếng một người đàn bà nói:

- Con có mệt không?

Đứa bé nói:

- Con không mệt. Mẹ ơi, thầy lang trị bệnh cho mẹ mẹ sẽ hết đau.

Người đàn bà đáp:

- Ừ, nhưng không biết thầy lang có chịu chữa cho mẹ không nữa.

Trương Vô Kỵ trong lòng chấn động: "Người đàn bà này giọng nói nghe quen lắm, hình như Kỷ Hiểu Phù cô cô thì phải". Lại nghe cô bé con nói:

- Thể nào thầy thuốc cũng chữa cho mẹ mà. Mẹ đừng sợ, mẹ đã đỡ đau chưa?

Người đàn bà nói:

- Mẹ bớt đau rồi. Ôi, tội nghiệp cho con.

Trương Vô Kỵ nghe đến đây, không còn hoài nghi gì nữa, chạy ra ngoài cửa, kêu lên:

- Kỷ cô nương, có phải cô không? Cô bị thương đấy ư?

Dưới ánh trăng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay dắt một đứa bé gái, chính là nữ hiệp phái Nga Mi Kỷ Hiểu Phù. Khi nàng gặp Trương Vô Kỵ trên núi Võ Đương, lúc đó nó chưa đầy mười tuổi, lúc này cách nhau gần năm năm, Trương Vô Kỵ từ một đứa bé đã thành một thiếu niên, trong đêm tối đột nhiên gặp lại, làm sao còn nhận cho ra, ngạc nhiên chỉ lắp bắp:

- Cậu... cậu...

Trương Vô Kỵ nói:

- Kỷ cô nương, cô không nhận ra cháu sao? Cháu là Trương Vô Kỵ. Lúc ở trên núi Võ Đương hôm cha mẹ cháu qua đời, có gặp cô một lần.

Kỷ Hiểu Phù kinh hoảng "A" một tiếng, không ngờ lại gặp y ở nơi này, nghĩ đến mình là thân con gái chưa chồng, nay tay lại dắt một đứa con. Trương Vô Kỵ lại là sư điệt của người chồng chưa cưới Ân Lê Đình, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng cũng không thể nào giải thích cho xuôi, không khỏi vừa thẹn vừa quẫn mặt đỏ bừng. Nàng bị thương vốn không phải nhẹ, kinh hoảng rồi, thân hình lảo đảo dường như muốn ngã.

Đứa con gái chỉ chừng tám chín tuổi, thấy mẹ loạng choạng, vội hai tay đưa ra đỡ ï. Tuy nhiên nó bé bỏng yếu sức làm sao đỡ nổi xem ra hai người cùng ngã. Trương Vô Kỵ vội chạy đến đỡ vai Kỷ Hiểu Phù, nói:

- Kỷ cô nương, mời cô vào đây nghỉ một chốc.

Y dìu nàng vào trong thảo đường, dưới ánh đèn thấy vai và cánh tay bên trái bị đao kiếm chém cực kỳ trầm trọng, lớp vải băng không ngừng rỉ máu tươi, lại thấy cô ta ho liên tục, không sao ngăn được. Y thuật của Trương Vô Kỵ lúc này đã hơn xa những bậc "danh y" bình thường, thấy tiếng ho của nàng có vẻ khác lạ, biết là lá phổi đã bị chấn thương nặng, liền nói:

- Kỷ cô nương, cô dùng tay phải đối chưởng với người ta đã bị thương ở phế mạch thái âm.

Nói rồi lấy ra bảy mũi kim châm, xuyên qua áo châm vào hiệt Vân Môn ở đầu vai, huyệt Hoa Cái ở trên ngực, huyệt Xích Trạch ở cùi chỏ... tổng cộng bảy chỗ. Lúc này thuật châm cứu của y so với lúc trị thương cho Thường Ngộ Xuân quả là một trời một vực. Trong hơn hai năm qua, y theo Hồ Thanh Ngưu tiềm tâm khổ học, cả chẩn đoán bệnh tình, cách biến hóa dùng thuốc đã hiểu biết rất nhiều, tuy so với Hồ Thanh Ngưu còn kém xa, nhưng riêng châm cứu thì đã học được bảy, tám thành bản lãnh của Y Tiên.

Lúc đầu Kỷ Hiểu Phù thấy y lấy kim ra chưa biết dụng ý, nào ngờ Vô Kỵ thủ pháp cực nhanh nhẹn, chỉ trong nháy mắt, bảy mũi kim đã đâm vào các huyệt đạo. Bảy huyệt đó đều thuộc Thủ Thái Âm Phế Kinh, kim vừa châm xong, tình trạng tức ngực liền giảm ngay. Nàng vừa mừng vừa sợ, nói:

- Hảo hài tử, đâu có ngờ cháu ở đây, lại học được bản lãnh thần kỳ như thế.

Hôm ở trên núi Võ Đương, Kỷ Hiểu Phù thấy Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố tự sát, thương xót Trương Vô Kỵ cô đơn khổ sở, từng dịu giọng an ủi, lại lấy cái vòng vàng đeo cổ ra cho nó. Thế nhưng lúc đó Trương Vô Kỵ trong lòng phẫn khích, buồn đau coi ai lên núi cũng đều là kẻ thù bức tử cha mẹ nó, thành thử đã hục hặc cả với Kỷ Hiểu Phù, khiến nàng không biết phải ăn nói ra sao. Về sau khi Trương Vô Kỵ đã lớn lên, nghe hôm đó cha nó và các sư bá, sư thúc đã toan cùng các nữ hiệp phái Nga Mi liên thủ, cùng chống cường địch, mới hay phái Nga Mi là bạn chứ không phải thù, cho nên tấm lòng của Kỷ Hiểu Phù đối với nó, mỗi khi nghĩ lại không khỏi cảm kích.

Đêm nọ ở trong rừng hai năm trước, Vô Kỵ cùng Thường Ngộ Xuân đã thấy Kỷ Hiểu Phù ra sức cứu Bành hòa thượng, biết là vị Kỷ cô nương này đối với người rất tốt, còn việc nàng chưa chồng mà đã có con, vì đâu mà đối đãi không phải với Ân thúc thúc, tuổi còn nhỏ, chuyện nam nữ y chưa để ý tới, nghe qua rồi không để vào tai, cũng không nhớ tới. Còn Kỷ Hiểu Phù trong lòng hổ thẹn, bất ngờ gặp một người quen của Ân Lê Đình nên không khỏi quẫn bách, tưởng như không có cách nào tránh mặt, đâu biết việc này hai năm trước Vô Kỵ đã nghe Đinh Mẫn Quân nói tới. Tuy nhiên y cho rằng Đinh Mẫn Quân là kẻ xấu xa, thành thử những gì cô ta nói ra chưa hẳn đã xấu.

Vô Kỵ thấy đứa con gái của Kỷ Hiểu Phù đứng bên cạnh mẹ, mặt đẹp như tranh vẽ, đôi mắt to đen láy chăm chăm nhìn mình một cách hiếu kỳ. Cô bé ghé tai mẹ nói nhỏ:

- Mẹ, cậu bé này là thầy lang đấy ư? Mẹ có còn đau không?

Kỷ Hiểu Phù nghe đứa bé gọi mẹ, mặt lại đỏ bừng, đến nước này không còn có thể dấu được nữa, lộ vẻ sượng sùng, nói:

- Đây là Trương gia ca ca, cha anh ấy là bạn của mẹ.

Quay sang Trương Vô Kỵ nói:

- Nó... nó tên là Bất Hối.

Ngừng lại một lát, nói tiếp:

- Họ Dương, tên là Dương Bất Hối.

Trương Vô Kỵ cười đáp:

- Hay nhỉ, tên tiểu muội muội cũng na ná như tên anh, anh là Trương Vô Kỵ, cô em là Dương Bất Hối.

Kỷ Hiểu Phù thấy Vô Kỵ thần sắc bình thường, không có vẻ gì trách cứ, lòng thấy yên tâm, quay sang con nói:

- Bản lãnh của Vô Kỵ ca ca giỏi lắm, mẹ không còn đau nhiều nữa.

Đôi mắt linh hoạt của Dương Bất Hối chuyển qua mấy vòng, đột nhiên chạy tới ôm lấy Vô Kỵ, hôn trên má y một cái. Ngoài mẹ ra, cô bé chưa từng gặp người ngoài, lần này mẫu thân bị trọng thương, trong cơn hoạn nạn được Trương Vô Kỵ làm cho mẹ bớt đau, trong lòng hết sức cảm kích. Trước nay mỗi khi thương mẹ, cô bé thường sà vào lòng ôm mẹ hôn lên má, nên lúc này cũng làm thế với Trương Vô Kỵ.

Kỷ Hiểu Phù mỉm cười nói:

- Bất nhi, đừng làm vậy, Vô Kỵ ca ca không thích đâu.

Dương Bất Hối mở to đôi mắt, không hiểu nguyên do, hỏi lại Trương Vô Kỵ:

- Anh không thích ư? Sao anh lại không thích em thương anh?

Trương Vô Kỵ cười đáp:

- Anh thích lắm chứ, anh cũng thương em nữa.

Y nhẹ nhàng hôn lên đôi má bầu bĩnh của cô bé. Dương Bất Hối vỗ tay cười:

- Thầy lang nhỏ ơi, anh mau mau trị cho mẹ em hết bệnh, em sẽ hôn anh lần nữa.

Trương Vô Kỵ thấy cô em nhỏ này thơ ngây lanh lợi, thật là dễ thương. Y từ hơn mười năm nay, những người quen biết đều là sư bá, sư thúc lớn tuổi hơn nhiều, Thường Ngộ Xuân tuy gọi nhau huynh đệ, nhưng cũng lớn hơn tám tuổi. Hôm ở trên thuyền gặp Chu Chỉ Nhược, hai đứa cũng chỉ ở với nhau một ngày, rồi lại chia tay, ngoài ra chưa hề có một người bạn nhỏ nào, lúc này không khỏi nghĩ thầm: "Giá như có được đứa em gái dễ thương như thế này, mình sẽ thường thường dẫn nó đi chơi".

Y chỉ mới mười bốn tuổi, còn nhiều tính trẻ con, nhưng tuổi thơ đã nhiều gian truân, chẳng được mấy lúc vui đùa. Kỷ Hiểu Phù thấy bọn Thánh Thủ Già Lam Giản Tiệp cũng bị thương nặng, rõ ràng chưa được chữa trị gì cả, nàng không muốn được ưu tiên nên nói:

- Các vị này đến đây trước cô, cháu xem cho họ đã. Bây giờ cô thấy đỡ nhiều lắm rồi.

Trương Vô Kỵ nói:

- Bọn họ đến nhờ Hồ tiên sinh chữa trị đâu ngờ chính tiên sinh cũng đang bị bệnh nặng, không chữa cho ai được. Thế nhưng mấy người này không chịu đi. Kỷ cô cô, cô không phải nhờ đến Hồ tiên sinh chữa bệnh, cháu ở đây cũng đã lâu, biết chút đỉnh y đạo, nếu cô bằng lòng, để tiểu điệt xem thương thế ra sao.

Kỷ Hiểu Phù cũng chẳng khác gì bọn Giản Tiệp, sau khi bị thương được người ta chỉ đến Hồ Điệp Cốc cầu Hồ Thanh Ngưu, thấy tình trạng của bọn người kia, rõ ràng Kiến Tử Bất Cứu Hồ Thanh Ngưu không chịu chữa. Khi Trương Vô Kỵ châm kim các yếu huyệt nàng thấy lập tức kiến hiệu, xem ra tuy tuổi y còn nhỏ, y đạo cũng đã rất cao minh, nay nghe nói thế liền đáp:

- Vậy thì cám ơn cháu. Đại quốc thủ không chịu chữa, nay được tiểu quốc thủ chữa nào có khác gì.

Trương Vô Kỵ liền mời nàng vào trong phòng, cắt bỏ khúc áo nơi vết thương, thấy trên vai nào có tới ba vết đao chém, xương cánh tay cũng bị gãy, một chỗ bị nát vụn. Xương gãy như thế, nếu ở bên ngoài việc tiếp cốt thật là khó khăn nhưng đối với đệ tử của Điệp Cốc Y Tiên lại không có gì gay go, y bèn nối xương rắc thuốc cho nàng, lại kê thêm một toa thuốc nói tiểu đồng theo đó mà đun. Đây là lần đầu y nối xương gãy, thủ pháp không được nhanh nhẹn, nhưng cũng chỉ một giờ sau mọi việc đều xong, nói:

- Kỷ cô cô, cô nên nằm ngủ một giấc, khi thuốc mê tan hết rồi, vết thương sẽ đau lắm đấy.

Kỷ Hiểu Phù nói:

- Cám ơn cháu.

Trương Vô Kỵ lại đi đến phòng thuốc, lấy một vốc táo tàu, mận khô đem cho Dương Bất Hối, nào ngờ đêm qua thức khuya, lúc này cô bé đã rúc vào lòng mẹ ngủ say sưa. Trương Vô Kỵ bỏ táo, mận vào túi cho nó, quay trở lại thảo đường.

Tên đệ tử phái Hoa Sơn bị thổ huyết thấy y vội đứng dậy, chắp tay vái một cái thật sâu, nói:

- Tiểu tiên sinh, nếu Hồ tiên sinh bị nhiễm bệnh, chắc phải phiền thầy chữa bệnh cho chúng tôi, cả bọn ai ai cũng cảm kích đại đức.

Trương Vô Kỵ từ khi học ngành thuốc tới nay, ngoại trừ Thường Ngộ Xuân và Kỷ Hiểu Phù, chưa hề dùng đến, nay thấy mười bốn người này, kẻ thì nội tạng chấn thương, kẻ thì chân tay gãy, mỗi người một loại thương thế chẳng giống nhau. Người đời thường nói rằng học phải được dùng, nên y cũng muốn thử, ngặt nỗi Hồ Thanh Ngưu đã nói không chữa, nên đáp:

- Đây là nhà của Hồ tiên sinh, tiểu khả cũng chỉ là bệnh nhân thôi, đâu dám tự tiện như thế.

Gã hán tử nọ trông mặt đặt tên, thấy y từ chối không có vẻ quyết liệt, lại chắp tay nịnh thêm một câu:

- Xưa nay danh y người nào cũng phải già cả năm, sáu mươi tuổi, ai ngờ thầy tuổi còn trẻ quá mà đã có được bản lãnh như thế, quả thực trên đời ít thấy, xin thầy ra tay chữa cho.

Gã mập trông như nhà buôn nói:

- Bọn chúng tôi mười bốn người trên giang hồ cũng có chút danh tiếng, nếu được tiểu tiên sinh cứu chữa, cả bọn ra ngoài tuyên dương, ai ai cũng nghe đến đại danh y thuật như thần của thầy, chỉ trong sớm tối, tên thầy đã truyền khắp thiên hạ rồi.

Trương Vô Kỵ tuổi còn nhỏ, không biết tình đời, nghe hai người nịnh mấy câu, không khỏi hoan hỉ, nói:

- Dang vang thiên hạ đâu có để làm gì? Hồ tiên sinh nếu không chữa, tôi cũng không làm sao được. Thế nhưng các ông bị thương nặng cả, thôi để tôi cắt cho các ông thuốc giảm đau thì được.

Nói rồi y lấy ra kim sang ra bôi cho họ cầm máu, bớt nhức.

Khi Vô Kỵ coi kỹ vết thương mỗi người, càng coi càng cảm thấy lạ lùng kinh dị. Thì ra mỗi người một loại thương thế, mà cách đả thương cũng khác nhau, toàn là những loại mà từ trước đến nay Hồ Thanh Ngưu chưa từng dạy qua bao giờ. Có người thị bị ép uống mấy chục mũi cương châm, trên kim lại có tẩm thuốc độc. Có người thì bị nội lực đánh dập can tạng nhưng các huyệt Hành Gian, Trung Phong, Âm Bao, Ngũ Lý là các yếu huyệt để trị gan lại bị dao đâm nát, hiển nhiên người hạ thủ cũng tinh thông y lý, cốt để thầy thuốc không có cách chữa. Có người thì hai lá phổi bị cắm hai cái đinh sắt, không ngừng ho ra máu. Có người gân cốt hai bên bị đánh đứt nhưng tim phổi lại không sao. Có người hai tay bị cắt đứt, nhưng tay phải nối qua tay trái, tay trái nối qua tay phải, máu me bê bết, trông không ra hình thù gì. Lại một người khác cả người bầm tím, nói là bị rết, bò cạp, ong vàng hai mươi loại độc trùng cùng cắn.

Trương Vô Kỵ chỉ mới coi sáu bảy người đã phải nhíu mày, nghĩ thầm: "Những người này thương thế cổ quái như thế, đến một loại ta còn trị chưa xong. Hung thủ ra tay đánh người, sao lại hành hạ người ta ác độc ghê gớm đến vậy?"

Bỗng y chợt nghĩ ra: "Vết thương trên vai và cánh tay Kỷ cô cô xem ra bình thường, hay là cô bị nội thương nào đặc biệt, không lẽ một mình cô không giống người khác?". Y vội quay vào phòng trong, nắm tay bắt mạch Kỷ Hiểu Phù, lập tức giật mình, thấy mạch cô ta lúc mạnh lúc yếu, lúc sáp, lúc hoạt[11], hiển nhiên nội tạng có gì khác thường, nhưng tại sao lại ra như thế, quả thật khó biết.

Mười bốn người kia thương thế khác lạ, Vô Kỵ chẳng để tâm, còn thầm nghĩ bọn người phái Không Động có liên quan đến việc bức tử cha mẹ mình, lúc này bị chứng quái dị, có chết cũng đáng. Thế nhưng thương thế của Kỷ Hiểu Phù thì không thể không chữa, nên y bèn đi tới trước phòng của Hồ Thanh Ngưu, hạ giọng hỏi:

- Tiên sinh, ông đã ngủ chưa?

Nghe Hồ Thanh Ngưu nói:

- Chuyện gì thế? Dù có là ai ta cũng không chữa.

Trương Vô Kỵ đáp:

- Vâng. Có điều những người này bị thương, sao thật là kỳ quái.

Y đem tất cả bệnh trạng mỗi người nhất nhất kể lại cho Hồ Thanh Ngưu nghe. Hồ Thanh Ngưu ở cách chiếc mền che chăm chú nghe, chỗ nào không rõ ràng, bảo Trương Vô Kỵ đi ra coi lại rồi cho hay. Trương Vô Kỵ tốn mất cả nửa giờ mới kể hết các chứng của mười lăm người kia. Hồ Thanh Ngưu miệng không ngớt ừ hử, rõ ràng đang suy nghĩ, một lúc lâu sau mới nói:

- Hừ, những quái thương này, ngoài ta ra không ai...

Đằng sau Trương Vô Kỵ bỗng có người tiếp lời:

- Hồ tiên sinh, vị chủ nhân của bông hoa vàng bảo tôi nhắn lại với ông là "Ngươi uổng xưng Y Tiên, trong mười lăm loại kỳ thương quái độc này, không thể chữa nổi một loại nào cả". Ha ha, quả nhiên ông chỉ trốn ở trong nhà, giả vờ bị bệnh.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK