• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

- Sao Tần lão ngũ lại gọi là Đồ Sư Anh Hùng Hội là sao?

Thọ Nam Sơn mặt dương dương nói:

- Trương gia không biết chứ sư phụ chúng tôi bắt được một nhân vật danh tiếng lừng lẫy, tên là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Phái Thiếu Lâm muốn lần này được nở mày nở mặt với tất cả anh hùng thiên hạ, trước mặt mọi người đem Kim Mao Sư Vương ra giết nên mới mở đại hội này, thành thử mới gọi là Đồ Sư Anh Hùng Hội.

Trương Vô Kỵ cố nén giận hỏi thêm:

- Thế Kim Mao Sư Vương là người thế nào, ngươi đã gặp bao giờ chưa? Sư phụ ngươi là thế nào mà bắt được? Người đó hiện nay nhốt ở đâu?

Thọ Nam Sơn đáp:

- Gã Kim Mao Sư Vương ấy ư, hà hà, quả thật ghê gớm hết chỗ nói, cao phải đến gấp đôi tiểu nhân, bắp tay xem ra còn to hơn đùi tiểu nhân nữa, chẳng nói gì khác, đôi mắt sáng quắc nhìn vào ai là cũng đủ hồn vía lên mây, y chẳng phải ra tay, cũng đã lạy lục xin tha rồi...

Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn đưa mắt nhìn nhau, gã vẫn tiếp tục:

- Sư phụ tôi đấu với y bảy ngày bảy đêm liền, không phân thắng bại, sau cùng thầy tôi giận quá, sử dụng môn võ uy chấn thiên hạ là Cầm Long Phục Hổ Công mới thu phục được y. Hiện nay Kim Mao Sư Vương bị nhốt trong một cái lồng sắt thật lớn tại Đại Hùng Bảo Điện trong chùa, người y bị xích bằng bảy tám sợi dây xích đúc bằng thép ròng...

Trương Vô Kỵ càng nghe càng bực, quát lên:

- Ta hỏi gì cứ thực mà nói, nếu còn nói năng lếu láo thì coi chừng cái mạng chó của ngươi đó. Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn hai mắt đã mù rồi, làm gì có chuyện đôi mắt sáng quắc?

Thọ Nam Sơn nói phét bị bắt quả tang vội nói:

- Vâng, vâng! Chắc có lẽ tiểu nhân nhìn lầm người.

Trương Vô Kỵ hỏi:

- Thế ngươi có thực đã trông thấy lão nhân gia hay không? Tướng mạo Tạ đại hiệp thế nào ngươi nói cho ta biết.

Thọ Nam Sơn quả thực chưa từng thấy Tạ Tốn bao giờ, biết rằng nếu nói láo nữa, không khỏi nguy đến tính mạng vội đáp:

- Tiểu nhân không dám dấu, kỳ thực chỉ mới nghe các vị sư huynh nói lại thôi.

Trương Vô Kỵ muốn tra hỏi cho rõ nơi Tạ Tốn bị nhốt, nhưng gặng qua gặng lại, Thọ Nam Sơn quả thực không biết, có lẽ việc này cơ mật đại sự, những kẻ tép riu như y không thể nào được can dự vào nên chàng cũng đành chịu. Cũng may là Tết Đoan Dương còn đến hơn hai tháng nữa, thời giờ còn dài, đợi cho thương thế khỏi hẳn rồi tìm cách cứu sau, không có gì phải vội vã.

Ba người ở tại Trung Nhạc Thần Miếu mấy ngày, không có chuyện gì xảy ra, chùa Thiếu Lâm cũng không phái ai đến liên lạc. Đến ngày thứ tám, vết thương của Triệu Mẫn cũng đã đỡ đến bảy tám phần, còn Trương Vô Kỵ thì chân khí trong người càng lúc càng thông, chân tay dần dần đã có sức, nếu như địch nhân có kéo đến, muốn đào tẩu cũng không phải khó khăn gì.

Thọ Nam Sơn tận tâm kiệt lực phục thị hai người, không dám có ý gì khác. Triệu Mẫn cười nói:

- Vạn Thọ Vô Cương, ngươi học võ thì chẳng bằng ai nhưng làm quản gia thì thật là nhân tài hạng nhất.

Thọ Nam Sơn cười gượng đáp:

- Cô nương nói phải lắm.

Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn ngày ngày được ăn những món Thọ Nam Sơn hết tâm hết sức nấu cho ăn, Trung Nhạc Thần Miếu lúc nào cũng mùi thơm nức mũi. Lại thêm mươi ngày nữa, hai người thể lực hoàn toàn hồi phục, Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn liền bàn tính làm sao cứu được Tạ Tốn.

Triệu Mẫn nói:

- Đúng ra cách hay nhất là điểm vào tử huyệt của Vạn Thọ Vô Cương, sai y quay về chùa Thiếu Lâm thăm dò tình hình. Thế nhưng gã này lại quá ư là vô tích sự, xem ra dễ bị lộ lắm, đâm ra hỏng cả đại sự. Chi bằng chúng mình đi tới chân núi Thiếu Thất rồi tùy cơ mà hành sự. Có điều mình phải giả trang mới được.

Trương Vô Kỵ nói:

- Giả làm gì bây giờ? Cạo trọc đầu làm hòa thượng, ni cô chăng?

Triệu Mẫn mặt hơi đỏ lên, sẵng giọng:

- Gớm, chàng thật khéo tính toán. Một tiểu hòa thượng dẫn một tiểu ni cô, ban ngày ban mặt đi dung dăng dung dẻ thì còn ra trò trống gì?

Trương Vô Kỵ cười:

- Thế thì mình giả làm hai vợ chồng nhà quê, đến chân núi Thiếu Thất cày ruộng, đốn củi.

Triệu Mẫn lại cười:

- Anh em không được hay sao? Giả làm vợ chồng nếu như Chu cô nương trông thấy, vai bên trái của em lại có thêm năm cái lỗ nữa.

Trương Vô Kỵ chỉ cười trừ không dám nói thêm, quay sang hỏi Thọ Nam Sơn kỹ càng các nơi phòng ốc trong chùa Thiếu Lâm rồi nói:

- Trên người ngươi các tử huyệt bị điểm đã giải hết cả rồi, thôi đi đâu thì đi.

Triệu Mẫn nghiêm nét mặt nói:

- Thế nhưng ngươi một đời phải sống ở phương Nam, chứ nếu thấy băng tuyết là lăn ra chết ngay. Ngươi mau mau về hướng nam, sống ở nơi nào càng nóng càng tốt, chứ nếu gặp phải phong hàn, bị trúng gió ho hen là nguy lắm đấy.

Thọ Nam Sơn tưởng thật, bái biệt hai người, ra khỏi miếu là đi về phương nam. Một đời y quả nhiên chỉ sống ở Lĩnh Nam, giữ gìn cẩn thận, không dám để cho gió máy, đến triều vua Vĩnh Lạc nhà Minh mới chết, tuy chẳng phải là Vạn Thọ Vô Cương, nhưng cũng sống dai lắm rồi.

Trương Triệu hai người đợi y đi xa, cố gắng dọn sạch các dấu vết còn lại trong miếu, đi ra khỏi chừng hai chục dặm, kiếm nhà nông mua quần áo nam nữ, vào chỗ hoang sơn thay ra, còn quần áo đang mặc đem chôn dưới đất rồi thủng thẳng đến chân núi Thiếu Thất. Đến cách núi Thiếu Thất chừng bảy tám dặm, trên đường cũng ba lần gặp các nhà sư trong chùa. Triệu Mẫn nói:

- Mình không nên tới gần hơn nữa.

Nàng thấy ở bên đường đi có hai gian nhà tranh, đằng trước có một mảnh vườn, một ông già nhà quê đang tưới rau liền nói:

- Mình xin ông ta cho ở nhờ.

Trương Vô Kỵ tiến đến gần, vái chào rồi nói:

- Xin lỗi lão trượng, anh em chúng tôi đi đường mỏi mệt, xin cho một bát nước uống.

Ông lão nhà quê làm như không nghe, chẳng nói chẳng rằng cứ hùng hục gánh thùng nước phân đi tưới rau. Trương Vô Kỵ nói lại một lần nữa, ông lão vẫn không đáp lời. Bỗng kẹt một tiếng, cửa mở ra, một bà lão tóc trắng như bông bước ra cười nói:

- Nhà tôi vừa điếc vừa câm, khách quan có việc gì thế?

Trương Vô Kỵ đáp:

- Em gái cháu đi không nổi, muốn xin một bát nước uống.

Bà lão nói:

- Mời hai người vào trong này.

Hai người theo vào trong nhà, thấy phòng ốc sắp đặt thật gọn ghẽ, tuy bàn ghế chỉ bằng gỗ mộc mạc nhưng lau chùi sạch sẽ, ngay cả quần áo của bà lão tuy bằng vải thô nhưng cũng giặt gỵa tươm tất. Triệu Mẫn trong bụng vui mừng, uống bát nước rồi, lấy ra một đĩnh bạc, cười nói:

- Bà cụ ơi, anh cháu dẫn cháu đi thăm bà ngoại, chẳng may đi đường bị trẹo chân, không đi lại được, hôm nay xin bà bà cho nghỉ nhờ một đêm, đợi sáng mai lại lên đường.

Bà lão nói:

- Nghỉ một đêm thì có gì đâu mà phải đưa tiền đưa bạc. Có điều chúng tôi nhà chỉ một gian, một cái giường, vợ chồng tôi nhường cho cô cậu nhưng anh em làm sao ngủ chung một giường được? Hà hà, tiểu cô nương, cô nói thật cho già này nghe đi, có phải cùng nhân tình trốn cha mẹ bỏ nhà ra đi không nào?

Triệu Mẫn nghe bà lão nói đúng tim đen, mặt đỏ nhừ, nghĩ thầm bà lão này thật tinh đời, nghe giọng điệu xem ra không phải chỉ là một bà nhà quê tầm thường, bèn đưa mắt nhìn kỹ thêm một lượt. Chỉ thấy tuy bà ta lưng còng tóc bạc nhưng hai mắt lấp lánh có thần, xem ra không chừng còn biết võ nghệ. Triệu Mẫn biết Trương Vô Kỵ trông còn ra dáng nhà nông chứ như mình dung mạo cử chỉ, ăn nói điệu bộ, thật không giống gái quê chút nào bèn bẽn lẽn nói:

- Bà bà đã đoán ra, cháu cũng chẳng dám dấu. Tăng ca ca đây là bạn cháu từ tấm bé, bố cháu thấy nhà anh ấy bần hàn nên không chịu gả. Mẹ cháu thấy cháu toan quyên sinh, nên đứng ra giúp cháu cùng với anh ấy... anh ấy bỏ nhà đi. Mẹ cháu dặn rằng, qua hai ba năm, chúng cháu có... có con có cái, lúc ấy hãy về, lúc ấy bố cháu có không chịu cũng không xong.

Nàng nói mà mặt đỏ bừng, thỉnh thoảng lại liếc Trương Vô Kỵ một cái, vẻ đầy yêu thương, nói tiếp:

- Nhà cháu ở Đại Đô cũng có chút tiếng tăm, cha cháu lại làm quan. Chúng cháu mà bị bắt lại, A Ngưu ca ca thể nào cũng bị cha cháu đánh chết. Bà bà ơi, cháu nói gì bà bà đừng nói lại với ai nhé.

Bà lão cười ha hả, liên tiếp gật đầu:

- Hồi ta còn trẻ cũng có tính phong lưu. Cháu yên tâm, để ta nhường phòng cho đôi vợ chồng son. Nơi đây vắng vẻ xa xôi, người nhà cháu không thể nào tìm thấy đâu, mà dẫu có ai làm khó cô cậu thì bà bà cũng đâu có tụ thủ bàng quan.

Bà lão thấy Triệu Mẫn ôn nhu mỹ miều, vừa gặp đã đem chuyện hai người tư bôn nói cho bà ta nghe, trong lòng liền có cảm tình nên đã nhất định ra tay tương trợ, tác thành cho hai người nên duyên.

Triệu Mẫn nghe bà ta nói như thế, biết ngay cũng là nhân vật trong võ lâm, nơi đây thật gần chùa Thiếu Lâm, không biết bà ta và Thành Côn là bạn hay thù, thành ra chuyện gì cũng phải dè dặt, không để lộ chút sơ hở nào, bèn sụp xuống lạy nói:

- Bà bà đứng ra lo liệu cho hai đứa cháu, chúng cháu xin đa tạ. A Ngưu ca ca, mau lại tạ ơn bà bà đi.

Trương Vô Kỵ theo lời chắp tay cám ơn. Bà lão cười hì hì gật đầu, lập tức nhường phòng của mình, ra ngoài lấy ván xếp thành một cái giường, trải cỏ lên làm thành một chiếc nệm để nằm. Hai người vào phòng rồi, Trương Vô Kỵ hạ giọng nói:

- Ông cụ tưới rau bản lãnh còn ghê gớm hơn, em có thấy không?

Triệu Mẫn nói:

- Ồ, em không nhìn ra.

Trương Vô Kỵ nói:

- Ông ta gánh nước phân, đi rất chậm vậy mà hai chiếc thùng không sóng sánh chút nào, nội lực phải cao cường lắm.

Triệu Mẫn hỏi lại:

- Thế so với chàng thì sao?

Trương Vô Kỵ cười:

- Để anh thử xem, không biết có được không.

Nói xong liền bồng Triệu Mẫn lên, để ngang trên vai làm như đang gánh nước. Triệu Mẫn cười khúc khích:

- Chao ôi, chàng coi thiếp như gánh phân hay sao?

Bà lão ở bên ngoài nghe tiếng hai người đùa cợt, những gì còn nghi ngại trước đây đều tiêu tan cả. Tối hôm đó hai người ngồi ăn chung với hai ông bà nhà quê, thức ăn cũng có thịt gà thịt heo. Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn cố tình làm như một cặp tình nhân thắm thiết trốn nhà ra đi, thỉnh thoảng len lén nắm tay nhau, keo sơn không rời được một phút. Lúc đầu hai người chỉ làm bộ, đến sau thì thành như thật, bà lão nhìn thấy chỉ mỉm cười, còn ông già thì dường như không để ý, chỉ cắm cúi ăn.

Ăn cơm xong Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn vào phòng, cài then lại. Hai người trong bữa ăn đùa cợt giả giả thật thật, ngờ đâu cả hai đều động tình. Triệu Mẫn má đỏ hây hây, nói nhỏ:

- Chúng mình chỉ đóng kịch chứ không phải thật đâu nhé.

Trương Vô Kỵ ôm nàng vào lòng hôn hít, hạ giọng:

- Nếu như giả vờ, đôi ba năm nữa lấy gì có con để bồng về khoe với gia gia?

Triệu Mẫn thẹn thùng hứ một tiếng nói:

- Thì ra chàng nấp ở đằng sau, nghe lén thiếp nói chuyện.

Trương Vô Kỵ tuy nói đùa nàng như thế, nhưng nghĩ lại mình với Chu Chỉ Nhược có ước định hôn nhân, tuy rằng mai sau lấy được cả hai thì càng tốt nhưng cũng phải kết hôn với Chu Chỉ Nhược rồi mới tính tới chuyện cùng Triệu Mẫn nên duyên. Thành thử trong lúc này tuy người ngọc đang ở trong tay, tình ý triền miên nhưng cũng cố gắng nén lòng, chỉ hôn lên môi lên má rồi đỡ nàng lên giường, còn mình nằm ở cái chõng đằng trước, điều tức vận công, đưa Cửu Dương chân khí vòng quanh đủ mười hai lần, rồi lăn ra ngủ.

Còn Triệu Mẫn thì mặt nóng bừng, lòng xao động, trăn trở mãi không sao ngủ được, mãi đến thật khuya, đang mơ mơ màng màng, bỗng nghe tiếng chân từ xa đi lại thật nhanh, có ai đó đã đến ngay trước cửa. Nàng vội lay Trương Vô Kỵ, ngờ đâu chàng cũng đã tỉnh giấc, nắm lấy tay nàng, hai người siết chặt tay nhau.

Chỉ nghe ở bên ngoài có tiếng người vang lên:

- Xin chào hiền kháng lệ nhà họ Đỗ, cố nhân đêm khuya đến thăm, liệu có vô lễ hay không?

Một lúc sau có tiếng bà lão ở trong nhà nói vọng ra:

- Có phải Thanh Hải tam kiếm đó chăng? Vợ chồng ta từ Xuyên Tây đi trốn tận đây cũng vì sợ Ngọc Chân Quan các ông. Bọn ta chỉ vì một chuyện nhỏ mà sinh chuyện với các người, nhưng cũng chẳng có gì thâm cừu đại oán. Việc đã bao nhiêu năm rồi, Ngọc Chân Quan cớ gì vẫn còn nhất định ép cho bằng được là sao? Người đời thường nói:?Con giun xéo lắm cũng quằn, dồn chó vào chân tường chó cũng cắn lại?.

Người bên ngoài nghe thế cười sằng sặc, nói:

- Nếu quả thực hai vị sợ thì quì lạy bọn ta ba cái, bao nhiêu chuyện cũ Ngọc Chân Quan sẽ bỏ qua cho không truy cứu nữa.

Chỉ nghe kẹt một tiếng cửa đã mở ra, bà già nói:

- Các ngươi tin tức quả thực nhanh nhẹn, quả nhiên đã đuổi đến tận nơi đây.

Khi đó mặt trăng mới hơi khuyết, ánh sáng bạc chiếu trên mặt đất, Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn hai người nhìn theo khe cửa ra, thấy bên ngoài có ba đạo sĩ đội mũ màu vàng. Người ở giữa râu xồm đâm tua tủa, vừa mập vừa lùn, nói:

- Hiền kháng lệ muốn khấu đầu tạ tội hay muốn dùng song câu và liên tử thương một phen sống mái?

Bà lão chưa kịp trả lời, ông già câm điếc đã hung hăng bước ra, đứng ngay trước cửa, tay chống nạnh, khinh khỉnh nhìn ba gã đạo nhân. Bà già cũng đi theo đứng ngay bên cạnh chồng.

Đạo nhân râu xồm hỏi:

- Đỗ lão tiên sinh sao không thấy mở lời? Hay là không thèm nói chuyện với Thanh Hải tam kiếm?

Bà già đáp:

- Chuyết phu tai đã điếc rồi, không nghe ba vị nói gì đâu.

Gã đạo nhân râu xồm?Ồ? lên một tiếng nói:

- Cái tài thính phong biện khí của Đỗ lão tiên sinh vốn là tuyệt nghệ trong võ lâm, làm sao tai lại bị điếc? Tiếc thay, tiếc thay!

Gã đạo sĩ cũng mập đứng bên cạnh rút soẹt kiếm ra nói:

- Đỗ Bách Đương, Dịch Tam Nương hai người sao không dùng binh khí?

Bà già Dịch Tam Nương đáp:

- Mã đạo trưởng, tính tình ông vẫn còn nóng nảy. Còn Thiệu đạo trưởng, mấy năm không gặp, đầu tóc nay cũng đã hoa râm rồi. Ha ha! Chuyện nhỏ như thế mà nhìn cũng không ra, sao mà khổ đến thế?

Hai tay bà ta đột nhiên vung lên, ánh sáng lấp lánh, mỗi tay cầm ba con dao dài chưa đầy nửa thước, tất cả sáu thanh. Ông già câm điếc Đỗ Bách Đương cũng vung tay, trong hai tay cũng đã cầm sẵn sáu thanh đoản đao từ bao giờ. Chỉ thấy ông ta tung dao từ tay phải lăn qua tay trái, tay trái lăn qua tay phải, chẳng khác gì hai bàn tay đan vào nhau, thật là thuần thục.

Ba đạo nhân ngạc nhiên, trong võ lâm chưa từng thấy loại binh khí như thế này bao giờ, là phi đao chăng nhưng phi đao cũng đâu có thủ pháp như vậy. Đỗ Bách Đương vốn nổi tiếng Xuyên Tây về môn song câu, còn vợ ông ta Dịch Tam Nương quen dùng liên tử thương, bây giờ hai vợ chồng lại bỏ môn binh khí đã từng sử dụng mấy chục năm qua, như thế mười hai con dao này hẳn chiêu số phải rất lợi hại, rất quái dị.

Gã đạo sĩ mập Mã Pháp Thông vung trường kiếm một cái, cất tiếng ngâm một câu thơ:

- Tam Tài kiếm trận Thiên Địa Nhân.

Gã đạo sĩ râu ngắn Thiệu Hạc liền đọc tiếp:

- Điện trục tinh trì xuất Ngọc Chân.

Ba đạo sĩ liền bước giãn ra, lập tức vây Đỗ thị nhị lão vào giữa. Trương Vô Kỵ thấy ba đạo nhân lúc qua trái lúc qua phải, chạy ngang chạy dọc, tưởng như tam tài mà không phải tam tài, ba thanh trường kiếm dệt thành một cái lưới hào quang, nhưng chưa ra chiêu tấn công đối phương. Mãi đến khi ba đạo sĩ chạy được bảy tám bước rồi, Trương Vô Kỵ mới nhìn ra đạo lý bên trong, nghĩ thầm:?Ba tên đạo sĩ này thực là giảo hoạt, mồm thì nói là Tam Tài kiếm trận, kỳ thực ngầm sử dụng chính phản ngũ hành. Nếu như kẻ địch tưởng thật, cứ theo phương vị thiên địa nhân của tam tài mà phá giải thì sẽ bị rơi vào trận ngũ hành, khó mà thoát chết.



Ba người này bày Ngũ Hành kiếm trận, mỗi người đảm trách sinh khắc biến hóa một hoặc hơn một hành, kết hợp cả khinh công lẫm kiếm pháp, quả thực uy lực không phải tầm thường.

Còn vợ chồng họ Đỗ hai người dựa lưng vào nhau, bốn cánh tay lấp loáng, mười hai thanh đoản đao đổi qua đổi lại múa may, hai người không phải chỉ tay nọ đổi cho tay kia, mà đao của Đỗ Bách Đương cũng đổi qua tay của Dịch Tam Nương, đao của Dịch Tam Nương cũng đổi qua tay của Đỗ Bách Đương nhưng không thanh đao nào tuột tay ra ngoài, như hư như thực chạy qua chạy lại.

Triệu Mẫn nhìn xem thấy lạ lùng, hỏi nhỏ:

- Bọn họ đang làm trò gì thế?

Trương Vô Kỵ nhíu mày không trả lời, xem thêm một hồi nữa bỗng nói:

- À, anh nghĩ ra rồi, bọn họ sợ môn Sư Tử Hống của nghĩa phụ anh.

Triệu Mẫn hỏi lại:

- Sư Tử Hống là cái gì?

Trương Vô Kỵ gật gù liên tiếp, bỗng cười nhạt nói:

- Hừ, tài nghệ chỉ có thế này, vậy mà cũng đòi đồ sư phục hổ ư?

Triệu Mẫn không hiểu chàng định nói gì, gặng hỏi thêm:

- Chàng nói cái gì mà như câu đố thế? Cứ lẩm bẩm một mình khiến em nghe chẳng hiểu mô tê gì cả?

Trương Vô Kỵ hạ giọng nói thầm:

- Cả năm người này đều là kẻ thù của nghĩa phụ anh. Ông già kia sợ thần công Sư Tử Hống nên tự mình đâm cho điếc tai...

Chỉ thấy leng keng leng keng ròn như tiếng liên châu, năm người đã ra tay đấu với nhau. Thanh Hải tam kiếm liên tiếp tấn công năm thức nhưng đều bị vợ chồng họ Đỗ gạt ra cả. Mười hai thanh đoản đao trong tay họ đổi qua đổi lại, dưới ánh trăng tạo thành ba vòng hào quang, quấn chung quanh người, thủ hộ cực kỳ nghiêm mật. Thanh Hải tam kiếm tấn công lâu không ăn thua gì liền đổi qua thủ ngự, Đỗ Bách Đương thấy thế liền tiến lên, đoản đao đâm luôn vào bụng dưới gã đạo sĩ nhỏ bé Thiệu Hạc.

Trong võ học có nguyên tắc là?Dài một tấc, mạnh một tấc, ngắn một tấc, hiểm một tấc?. Đoản đao dài bất quá năm tấc thành ra nguy hiểm vô cùng, y soẹt soẹt soẹt đâm luôn ba nhát, toàn là đòn sát thủ tấn công, không phòng bị thân mình chút nào. Trường kiếm của Mã Pháp Thông và Thiệu Hạc liền đâm ra nhưng đều bị Dịch Tam Nương dùng đoản đao gạt ra được, mới hay hai vợ chồng ông ta luyện đao pháp này, một công một thủ, phối hợp rất chặt chẽ cẩn mật, người tấn công cứ việc tấn công, người phòng thủ cứ việc phòng thủ, không phải đảm trách cả hai bề. Thiệu Hạc bị đâm luôn ba lần, chân tay luống cuống, phải lùi liên tiếp. Đỗ Bách Đương vẫn tiếp tục tấn công vào người y, mũi đao nào cũng nhắm toàn chỗ yếu hại, càng lúc càng thêm nguy hiểm.

Thiệu Hạc hú lên một tiếng dài, kiếm chiêu liền biến đổi, cùng với kiếm của Mã Pháp Thông hai bên tấn công vào, kết với nhau thành một cái lưới, chặn Đỗ Bách Đương ở ngoài xa ba thước. Ba thanh kiếm phòng bị chặt chẽ, tưởng chừng có tạt nước cũng không vào nổi.

Trương Vô Kỵ lại cười khẩy một tiếng, ghé tai Triệu Mẫn nói nhỏ:

- Cả đao pháp lẫn kiếm pháp này đều tập luyện chỉ để đối phó với nghĩa phụ anh đó. Em coi họ đều thủ nhiều công ít, thủ mạnh hơn công thì có đánh nhau đến một ngày một đêm cũng chẳng ai thắng được ai.

Quả nhiên Đỗ Bách Đương công mấy lần không vào được, lại từ bỏ để quay về thủ ngự. Triệu Mẫn nói:

- Kim Mao Sư Vương võ công trác tuyệt, năm gã này chỉ thủ thì làm sao mà thắng cho được?

Năm người đao qua kiếm lại, biến đổi bảy tám loại chiêu số nhưng vẫn không mèo nào cắn mỉu nào. Mã Pháp Thông đột nhiên quát lớn:

- Ngừng tay!

Y nhún chân nhảy ra khỏi vòng, Đỗ Bách Đương cũng nhảy lùi về sau, chòm râu bạc phất phới, xem ra có uy thế lắm. Mã Pháp Thông nói:

- Pho đao pháp này của hiền kháng lệ, có phải tập luyện cốt để giết sư tử đấy chăng?

Dịch Tam Nương hừ một tiếng nói:

- Nhãn quang nhà ngươi quả là lợi hại.

Mã Pháp Thông nói:

- Hiền kháng lệ với Tạ Tốn có mối thù giết con, đại cừu đó không thể nào không báo. Thế sao đã thám thính được kẻ đối đầu nay đang ở trong chùa Thiếu Lâm, cớ sao không cứu y ra để thanh toán?

Dịch Tam Nương liếc y dò hỏi rồi nói:

- Đó là chuyện riêng của vợ chồng ta, đâu dám để đạo trưởng phải nhọc lòng nghĩ ngợi.

Mã Pháp Thông nói:

- Chuyện qua lại giữa Ngọc Chân Quan và hiền phu phụ, đúng như Dịch Tam Nương mới nói, chẳng qua chỉ là chuyện nhỏ không đáng gì, lẽ nào phải thí mạng với nhau? Chúng mình chi bằng đổi thù thành bạn, sát vai nhau cùng đi kiếm Tạ Tốn có hơn chăng?

Dịch Tam Nương nói:

- Ngọc Chân Quan có dây dưa gì với Tạ Tốn thế?

Mã Pháp Thông nói:

- Dây dưa thì chẳng dây dưa gì cả, hà hà!

Dịch Tam Nương hỏi:

- Nếu như không có thù oán gì với Tạ Tốn, sao lại khổ tâm ra sức luyện môn kiếm pháp đó làm chi? Chúng ta hai bên chiêu số vốn cùng một gốc, đều chỉ dùng để khắc chế Thất Thương Quyền mà thôi.

Mã Pháp Thông đáp:

- Nhãn lực của Dịch Tam Nương thật ghê gớm. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, Ngọc Chân Quan chỉ muốn mượn thanh đao Đồ Long xem chơi một chút thôi.

Dịch Tam Nương gật đầu, đưa ngón tay viết lên lòng bàn tay Đỗ Bách Đương mấy chữ. Đỗ Bách Đương cũng đưa tay viết lại mấy chữ lên tay bà ta. Hai vợ chồng dùng tay thay lưỡi, đàm thoại một hồi. Dịch Tam Nương nói:

- Vợ chồng tôi chỉ mong báo thù, dẫu có phải bỏ mạng cũng cam lòng, thanh đao Đồ Long không có ý tơ hào.

Mã Pháp Thông mừng nói:

- Thế thì hay lắm. Năm người chúng ta liên thủ tiến vào chùa Thiếu Lâm, hiền phu phụ giết người báo cừu, còn Ngọc Chân Quan lấy thanh đao. Tề tâm hiệp lực thì đại công dễ thành, hai bên bên nào cũng toại ý, không tổn thương hòa khí.

Sau đó năm người đập tay ước định, cùng cất tiếng thề nguyền. Vợ chồng họ Đỗ mời ba đạo sĩ vào nhà để bàn thảo kế sách báo thù đoạt đao. Thanh Hải tam kiếm tiến vào ngồi xuống rồi, thấy phòng bên trong đóng chặt cửa, không thể không đòi vào xem cho kỹ. Dịch Tam Nương cười nói:

- Ba vị không có gì phải nghi ngại, đây là một đôi vợ chồng son từ Đại Đô xuống, trốn nhà ra đi, đứa con gái đẹp như ngọc nữ, còn đứa con trai thì hình dáng thô lỗ, cả hai không ai biết tí võ công nào.

Mã Pháp Thông nói:

- Tam nương đừng trách, chẳng phải chúng tôi không tin ở hai ông bà, có điều chúng ta tính toán một chuyệt thật là trọng đại, có điều xung khắc với hào kiệt võ lâm, nếu như để tin tức lộ ra, e rằng...

Dịch Tam Nương cười nói:

- Bọn mình đánh nhau cả nửa ngày trời mà hai đứa chúng nó vẫn ngủ như khúc gỗ. Thế nhưng Mã đạo trưởng muốn cẩn thận cho chắc, muốn chính mắt xem lại cũng không sao.

Nói xong tiến lại đẩy cửa nhưng cửa đó có cài then bên trong. Trương Vô Kỵ muốn từ năm ngưới này dò la mối manh để cứu Tạ Tốn nên lúc này không muốn ra tay, lập tức lật đật tháo giày, lấy chăn đắp lên người giả vờ ôm Triệu Mẫn ngủ trên giường. Chỉ nghe cạch một tiếng nhỏ, then cửa đã bị Thiệu Hạc sử kình chấn gãy. Dịch Tam Nương tay cầm chân nến, tiến vào phòng, Thanh Hải tam kiếm liền bước theo sau.

Trương Vô Kỵ thấy có ánh lửa, mắt nhắm mắt mở choàng dậy ngơ ngác nhìn Dịch Tam Nương ra chiều hoảng hốt. Mã Pháp Thông giơ kiếm lên đâm ngay vào yết hầu chàng, ra chiêu vừa nhanh vừa hiểm độc. Trương Vô Kỵ?A? lên một tiếng kinh hoàng, thân trên nhào về trước, hóa ra đưa cổ vào mũi kiếm. Mã Pháp Thông rụt tay thu kiếm về, nghĩ thầm người này quả không biết chút võ công nào hết, nếu như người biết võ dù mật lớn đến đâu cũng không ai không tránh thế kiếm đó.

Triệu Mẫn ậm ự mấy tiếng, chưa tỉnh giấc hẳn, đôi má hồng hồng, ánh nến chiếu vào xinh đẹp quả khiến xiêu lòng người. Thiệu Hạc nói:

- Dịch Tam Nương nói không sai, thôi mình đi ra.

Năm người liền khép cửa lại đi ra phòng ngoài. Trương Vô Kỵ liền nhảy xuống, xỏ giày vào. Chỉ nghe Mã Pháp Thông nói:

- Không biết hiền kháng lệ biết có chính xác là Tạ Tốn đúng là đang ở trong chùa Thiếu Lâm chăng?

Dịch Tam Nương đáp:

- Cái đó thì chắc chắn là đúng. Chùa Thiếu Lâm đã gửi anh hùng thiếp đi, đến tết Doan Dương này sẽ mở đại hội Đồ Sư, nếu như họ chưa bắt được Tạ Tốn thì còn mặt mũi nào với anh hùng thiên hạ?

Mã Pháp Thông?Ừ? một tiếng nói:

- Không Kiến thần tăng của phái Thiếu Lâm chết về tay Tạ Tốn, đệ tử Thiếu Lâm dù tăng dù tục, không thể không báo thù. Hiền kháng lệ chỉ cần đợi đến tết Đoan Dương vào trong chùa, giương mắt lên xem kẻ thù giơ cổ chịu chém, chẳng tốn chút hơi sức nào cũng đã trả được mối huyết thù đó rồi. Đỗ lão tiên sinh việc gì phải hủy đôi tai, lại cam đắc tội với chùa Thiếu Lâm để làm gì?

Dịch Tam Nương cười khẩy đáp:

- Chuyết phu chọc thủng hai tai là từ năm năm trước rồi. Hơn nữa, đứa con duy nhất của vợ chồng tôi có tội tình gì đâu mà bị ác tặc Tạ Tốn giết hại, hai người chúng ta đối với y thù sâu như biển, báo phục mối thù to như thế đâu lẽ nào lại phải mượn tay người khác hay sao? Một khi bọn ta mà gặp được tên ác tặc Tạ Tốn rồi, việc đầu tiên của lão bà này là chọc thủng hai tai mình. Vợ chồng ta chỉ mong được cùng y đồng qui ư tận, ha ha, từ khi đứa con ta chết đi rồi, hai người chúng tôi đâu còn ham gì sống nữa. Đắc tội với Thiếu Lâm cũng thế, đắc tội với Võ Đương cũng vậy, dẫu có băm vằm trăm nghìn vết đao thì cũng đâu có gì đáng nói đâu?

Trương Vô Kỵ ở phòng trong nghe bà ta nói thấy giọng đầy căm thù khiến người ta phải kinh hồn táng đảm, nghĩ thầm:?Năm xưa nghĩa phụ bị Thành Côn làm hại, bao nhiêu oán hờn trút lên những người vô tội. Hai vợ chồng họ Đỗ này xem ra không phải là người xấu, chỉ vì lòng thương đứa con yêu chết thảm, cho nên rắp tâm giết nghĩa phụ để báo cừu. Mối thù này nếu bảo cố gắng hòa giải thì thật không thể nào được. Ta chỉ còn cách cứu nghĩa phụ ra trốn đi một nơi thật xa để khỏi phải tăng thêm tội nghiệt?.

Lúc này bỗng thấy năm người ở phòng bên không có một chút tiếng động nào, chàng nhìn qua khe vách, thấy vợ chồng họ Đỗ và bọn Mã Pháp Thông ba người chấm tay vào nước trà, viết chữ lên trên bàn, nghĩ thầm:?Năm người này quả thực cẩn thận, tuy đã tin rằng ta và Mẫn muội không phải người trong giới giang hồ nhưng vẫn sợ tiết lộ cơ mật. Than ôi! Nghĩa phụ ta kẻ thù trên giang hồ thật vô kể, kẻ dòm dỏ thanh đao Đồ Long cũng thật là nhiều, từ nay cho đến tiết Đoan Dương không biết bao nhiêu người muốn ra tay trước. Mấy người này không những khổ tâm tính toán mà tài nghệ cũng cao cường, ra tay ác độc, chùa Thiếu Lâm chỉ cần sơ sẩy một chút là nghĩa phụ ta đã lâm vào đại họa ngay, mình phải tìm cách cứu ông ra mới được?.

Năm người kia vẫn dùng tay viết chữ, bàn thảo một cách kín đáo không ngừng. Trương Vô Kỵ bèn quay trở vào tấm phản nằm ngủ không thèm để ý đến bọn họ nữa.

Sáng hôm sau khi trở dậy thì Thanh Hải tam kiếm không còn ở đây, Trương Vô Kỵ nói với Dịch Tam Nương:

- Bà bà, tối hôm qua ba vị đạo gia tay cầm dao sáng quắc, ở đâu đến vậy? Mới đầu chúng cháu tưởng họ đến tróc nã mình, sợ quá mất thôi, sau mới biết là không phải.

Dịch Tam Nương thấy chàng nhìn trường kiếm thành ra con dao, trong bụng cười thầm, thản nhiên nói:

- Bọn họ lạc đường, chỉ uống xong chén trà là đi mất. Tăng tiểu ca, ăn cơm trưa xong, vợ chồng ta muốn đem ba gánh củi lên chùa bán, cậu gánh giúp chúng tôi một gánh được không? Nếu các hòa thượng hỏi đến tôi sẽ bảo cậu là con tôi. Không phải là tôi muốn lợi dụng cậu đâu nhưng để cho những nhà sư trong chùa khỏi nghi. Vợ cậu xinh đẹp như thế, chớ có nên đi theo ra ngoài.

Tuy bà ta bàn với Trương Vô Kỵ như thế nhưng thật chẳng khác gì ra lệnh nào có để cho chàng từ chối. Trương Vô Kỵ nghe xong hiểu ngay ý tứ:?Bà ta lại tưởng mình là một anh nhà quê thực, nên bảo mình đi theo vào chùa Thiếu Lâm xem xét động tĩnh, thực là hay quá?. Chàng liền nói:

- Bà bà bảo sao thì tiểu tử làm vậy, miễn sao bà cho hai đứa cháu ở nhờ. Chúng cháu chạy đôn chạy đáo, lúc nào cũng nơm nớp chẳng ngày nào được bình yên.

Đến xế trưa, Trương Vô Kỵ đi theo vợ chồng họ Đỗ, mỗi người gánh một gánh củi, đi về hướng chùa Thiếu Lâm. Chàng đầu đội nón mê, lưng cài búa ngắn, hai chân xỏ dép gai, trong ba người thì gánh củi của chàng to nhất. Triệu Mẫn đứng ở thềm nhà, mỉm cười đưa mắt tiễn chàng đến tận xa.

Vợ chồng họ Đỗ cố đi thật chậm, thở hồng hộc, đến sơn đình ngoài chùa Thiếu Lâm, liền bỏ quang gánh xuống ngồi nghỉ. Trong sơn đình có hai nhà sư đang ngồi tán gẫu, thấy ba người cũng chẳng thèm để ý.

Dịch Tam Nương lấy chiếc khăn thô quấn trên đầu xuống lau mồ hôi, lại đưa qua lau mồ hôi cho Trương Vô Kỵ hỏi:

- Có mệt lắm không con?

Trương Vô Kỵ lúc đầu không thích bà ta, nay nghe lời nói đầy vẻ thân tình, không phải giả vờ nên đưa mắt nhìn thấy bà lão nước mắt long lanh, biết bà ta nhớ đến đứa con bị Tạ Tốn sát hại, lại thấy bà ta nhìn mình đầy vẻ trìu mến, dường như muốn mình lên tiếng trả lời, trong lòng không khỏi bất nhẫn, liền đáp:

- Thưa mẹ, con không mệt, còn mẹ có mệt không?

Chàng lên tiếng gọi mẹ, nghĩ đến mẹ ruột mình, không khỏi thương cảm. Dịch Tam Nương thấy chàng gọi mình là mẹ, nước mắt rơi lã chã, liền giả vờ lấy khăn lau mồ hôi nhưng thực ra là để chùi nước mắt.

Đỗ Bách Đương đứng lên, cất gánh củi lên vai, tay trái vẫy một cái liền đi ra khỏi sơn đình. Tuy ông ta không nghe thấy hai người nói gì, nhưng cũng biết bà vợ già nhân cảnh mà động lòng, nhớ đến con, sợ không chừng lộ chuyện, để cho hai nhà sư kia nhìn ra chân tướng.

Trương Vô Kỵ chạy lại lấy hai bó củi trong gánh của Dịch Tam Nương bỏ lên gánh của mình nói:

- Thôi mình đi mẹ ạ!

Dịch Tam Nương thấy chàng có ý tứ thế nghĩ thầm:?Nếu con ta có còn sống đến nay thì đã lớn tuổi hơn thanh niên này nhiều, chắc mình cũng đã có mấy đứa cháu nội rồi?. Bà ta tần ngần không muốn bước đi, thấy Trương Vô Kỵ gánh củi chạy ra khỏi sơn đình mới đuổi theo, trong lòng khích động khiến chân bước cũng loạng choạng. Trương Vô Kỵ liền quay lại giơ tay ra đỡ, nghĩ thầm:?Nếu như mẹ ta ngày nay còn sống mà ta được đưa tay đỡ mẹ thế này...?

Một nhà sư thấy thế nói:

- Chàng thanh niên này thật là hiếu thuận, quả trên đời hiếm có.

Nhà sư kia nói tiếp:

- Bà lão ơi, gánh củi có phải bà định gánh lên chùa bán đấy chăng? Mấy hôm nay phương trượng hạ pháp chỉ, không cho người ngoài vào trong chùa, thôi bà đừng lên nữa.

Dịch Tam Nương thất vọng, nghĩ thầm:?Chùa Thiếu Lâm quả nhiên phòng bị thật nghiêm mật, muốn lẻn vào không phải dễ dàng?. Đỗ Bách Đương đã chạy được mấy trượng rồi thấy hai người không đi theo liền ngừng lại đứng đợi.

Một nhà sư nói:

- Gia đình nhà quê này mẹ hiền con thảo, thôi mình cứ đễ dãi cho họ một tí. Sư đệ, chú đưa họ vào cửa sau đến hương tích trù, nếu như giám thủ biết thì cứ nói là những người này vẫn thường đến bán củi, chắc không đến nỗi nào.

Nhà sư kia đáp lời:

- Vâng! Giám thủ không cho người ngoài vào chùa, là để đề phòng những kẻ vô công rồi nghề. Còn những người này là nhà quê trung hậu thật thà, có gì đâu mà phải cấm đoán họ làm ăn?

Nói xong y liền dẫn đường cho vợ chồng họ Đỗ và Trương Vô Kỵ, đi vòng ra sau núi vào chùa, đem ba gánh củi xếp vào trong kho, sau đó nhà sư trông coi hương tích trù tính toán tiền nong ra trả. Dịch Tam Nương nói:

- Chúng tôi có cải bẹ trắng thật ngon, ngày mai sai A Ngưu đem đến vài cân để cho các sư phó nếm thử, chỗ này không tính tiền.

Nhà sư đưa họ đến bèn cười:

- Từ mai trở đi, các người không được đến nữa. Giám thủ mà biết được, trách phạt chúng tôi thì chết.

Nhà sư coi sóc hương tích trù nhìn Trương Vô Kỵ đánh giá, bỗng nói:

- Vào độ trước sau tiết Đoan Dương, nhà chùa có khoảng hơn ngàn vị khách, gánh nước bổ củi xem chừng không xuể. Huynh đệ này tướng tá khỏe mạnh, lại đây giúp việc vài tháng, mỗi tháng trả cho năm tiền có chịu không?

Dịch Tam Nương mừng lắm, vội nói:

- Thế thì tốt quá rồi, A Ngưu ở nhà cũng không có việc gì quan trọng, đến chùa đây cho các sư phó sai phái các chuyện vặt, lại có thêm mấy lượng bạc để dành thì còn gì bằng.

Trương Vô Kỵ nghĩ ra không ổn:?Chùa Thiếu Lâm có nhiều người biết mặt ta, lỡ bất ngờ đến trù phòng thì hỏng cả, ở trong chùa hai ba tháng thể nào cũng có người nhận ra?. Chàng bèn nói:

- Mẹ ơi, còn nhà con...

Dịch Tam Nương nghĩ đây đúng là chuyện nghìn năm một thuở, chỉ có thể may mà gặp chứ không thể cầu mà tới vội vàng nói:

- Thì vợ con cứ ở nhà, hay mày sợ mẹ mày hành hạ nó? Con cứ ở đây, nghe lời sai bảo của các sư phó, không được lười biếng, cứ vài ngày mẹ sẽ lại cùng với vợ con đến thăm một lần. Con nhà lớn đầu như thế mà xa mẹ một buổi cũng không xong, hay mày còn mong mẹ mày cho bú, xi đái mới chịu hay sao?

Bà ta vừa nói vừa giơ tay vò đầu Trương Vô Kỵ, hai mắt đầy vẻ thiết tha lưu luyến. Nhà sư trông coi nhà bếp lâu nay lo lắng, nghĩ đến chuyện trước sau đại hội Đoan Dương, thiên hạ anh hùng tụ hội, chuyện cơm ăn nước uống không phải dễ dàng. Giám thủ tuy cũng đã tăng viện thêm nhiều người đến giúp việc nhưng những hòa thượng đó nếu không chăm chỉ tham thiền thanh tu thì cũng nghiên cứu võ nghệ, những chuyện tạp nhạp nhà bếp có ai chịu làm.

Những người bị giám thủ sai đến chẳng qua chuyện chẳng đặng đừng, thành ra xuống đến hương tích trù ai cũng ra vẻ ta đây, đứng coi thì nhiều, thò tay vào làm thì ít, lúc này thì cũng chẳng sao nhưng khi khách khứa kéo đến thể nào cũng rắc rối to. Nay vừa thấy Trương Vô Kỵ có vẻ chất phác chăm chỉ, nhà sư trông coi nhà bếp liền có ý muốn giữ chàng lại nên vội vàng lên tiếng khuyên lơn. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm:?Ban ngày mì chỉ quanh quẩn trong bếp, chắc chẳng gặp cao thủ trong chùa đâu, đến đêm mình sẽ tìm cách thám thính xem nghĩa phụ ở chỗ nào, xem ra cũng tiện?. Thế nhưng chàng vẫn cố ý ra vẻ trù trừ, đợi cho đến khi nhà sư dẫn chàng vào chùa đứng bên cạnh cũng lên tiếng nói đốc vào, chàng mới miễn cưỡng nhận lời, nói:

- Sư phụ, tốt hơn hết là mỗi tháng sư phụ trả cho tôi sáu tiền, năm tiền tôi đưa cho mẹ tôi, còn một tiền tôi cho vợ tôi mua vải hoa...

Nhà sư trông coi nhà bếp nghe thế liền cười ha hả nói:

- Được rồi, thế là hai bên ba mặt một lời, mỗi tháng sáu tiền cũng được.

Dịch Tam Nương lại dặn dò mấy câu rồi mới cùng Đỗ Bách Đương chậm rãi đi xuống núi. Trương Vô Kỵ đuổi theo gọi vói theo:

- Mẹ ơi, mẹ chăm sóc vợ con nhé!

Dịch Tam Nương đáp:

- Mẹ biết rồi, con cứ yên tâm.

Trương Vô Kỵ ở trong nhà bếp bổ củi xúc tro, nhóm lửa xách nước, toàn những việc không lấy gì làm thích thú. Khi xúc tro chàng cố ý để cho mặt mày lem luốc, đầu tóc bù xù, nhìn vào trong chum nước thấy bóng mình thật không ai còn có thể nhận ra. Đến đêm chàng cùng các hỏa công khác ngủ tại một phòng nhỏ ngay trong hương tích trù. Chàng biết chùa Thiếu Lâm là nơi ngọa hổ tàng long, rất có thể ngay trong đám đầu bếp cũng có người thân mang tuyệt kỹ thành thử việc gì cũng hết sức cẩn thận, cả đến nói chuyện cũng chẳng dám rỉ răng quá một lời.

Cứ như thế được bảy tám ngày, Dịch Tam Nương đưa Triệu Mẫn đến thăm chàng hai lần. Chàng chăm chỉ, từ sáng đến tối, việc gì xốc vác mấy cũng làm thành ra nhà sư trông coi hương tích trù hết sức hài lòng, đối với các đầu bếp khác cũng thật là hòa mục. Chàng không dám dò hỏi, chỉ lắng tai nghe những người khác nói chuyện may ra biết được chút tin tức nào chăng, trong bụng nghĩ thầm thể nào chẳng có người đưa cơm cho nghĩa phụ, nếu như gặp được người đó thì có thể hỏi được nơi giam giữ Tạ Tốn. Thế nhưng chàng cố gắng chờ đợi bao nhiêu ngày nhưng vẫn chẳng nghe được manh mối gì cả.

Đến chiều tối ngày thứ chín, chàng ngủ đến nửa đêm, bỗng nghe từ xa khoảng nửa dặm văng vẳng vọng tới tiếng người hò hét, bèn len lén trở dậy, bốn bề không ai hay biết liền thi triển khinh công, theo âm thanh mà lần tới, thấy tiếng từ khu rừng phía bên trái chùa nên tung mình nhảy lên một cây to, xem xét kỹ sau cây không có ai mai phục mới từ đó nhảy qua cây khác, dần dần tiến tới.

Khi đó trong rừng tiếng binh khí chạm nhau, dường như có mấy người đánh nhau ở một chỗ. Chàng náu mình sau tàn cây chỉ thấy đao quang tung hoành, kiếm ảnh thấp thoáng, tất cả sáu người chia thành hai bên đang đánh nhau. Ba người sử dụng kiếm chính là Thanh Hải tam kiếm, sắp xếp Chính Phản Ngũ Hành giả làm Tam Tài Trận, thủ thế thật là nghiêm mật. Phe tấn công là ba nhà sư, tất cả đều sử dụng giới đao, xông thẳng vào phá trận. Hai bên đánh được hai ba chục chiêu, nghe soẹt một tiếng, một người trong Thanh Hải tam kiếm bị trúng đao ngã lăn ra. Giả Tam Tài Trận bị vỡ một mặt, hai người kia không còn cách gì chống đỡ, chỉ thêm vài chiêu, một người khác "Ối" lên một tiếng thảm thiết, bị chém chết ngay, nghe giọng thì là gã lùn mập Mã Pháp Thông. Người còn lại tay phải cũng bị thương nhưng vẫn nhất quyết tử chiến. Một nhà sư quát khẽ:

- Ngừng tay!

Ba thanh giới đao vây y lại nhưng không tiếp tục tấn công. Một giọng già nua gay gắt hỏi:

- Các ngươi Thanh Hải Ngọc Chân Quan và chùa Thiếu Lâm chúng ta không thù không oán, sao nửa đêm đến đây xâm phạm là sao?

Người còn lại trong ba người của phái Thanh Hải là Thiệu Hạc, buồn bã nói:

- Ba sư huynh đệ bọn ta đã thua rồi, chỉ oán mình học nghệ chưa tinh, còn hỏi han làm gì?

Người giọng già nua kia cười khẩy:

- Các ngươi vì Tạ Tốn mà đến đây, chắc muốn lấy thanh đao Đồ Long chứ gì? Ha ha, ta chưa từng nghe Tạ Tốn giết ai trong Ngọc Chân Quan, thì hẳn là vì bảo đao mà đến. Với tài nghệ như trẻ con thế mà cũng xông vào chùa Thiếu Lâm ư? Phái Thiếu Lâm là lãnh tụ võ lâm đã hơn nghìn năm nay, không ngờ lại bị người ta coi thường đến thế.

Thiệu Hạc lợi dụng khi y đang cao hứng liền đâm vụt ra một kiếm. Nhà sư kia vội vàng tránh qua nhưng vẫn chậm mất một chút, kiếm đâm ngay vào vai bên trái. Hai tăng nhân ở hai bên liền vung đao chém xuống, Thiệu Hạc liền lập tức đầu một nơi mình một nẻo.

Ba nhà sư không nói nửa lời, nhặt mấy cái xác lên, vội vàng đi về phía chùa. Trương Vô Kỵ toan đuổi theo xem ra thế nào, bỗng nghe trong đám cỏ cao ở phía bên phải đằng trước có tiếng thở nhè nhẹ, nghĩ thầm:?Nguy hiểm thực, hóa ra có người ẩn núp nơi đây?. Chàng liền nằm yên không động đậy, qua khoảng nửa giờ sau, mới nghe trong bụi cỏ có hai tiếng vỗ tay, đằng xa cũng có người vỗ tay đáp lại, trước sau trên dưới có sáu nhà sư trồi lên, kẻ cầm thiền trượng, người mang đao kiếm, chia ra thành hình nan quạt quay trở về chùa.

Trương Vô Kỵ đợi cho sáu tăng nhân đó đi xa rồi mới quay về nhà bếp, những người ngủ chung vẫn đang ngon giấc chưa ai thức dậy. Chàng trong bụng than thầm:?Nếu như không phải chính mắt ta trông thấy thì có ai ngờ đâu chỉ trong giây lát, ba hảo hán kia đã bị giết chết không kịp trối trăn?. Từ đó trở đi, chàng biết rằng chùa Thiếu Lâm phòng bị rất là nghiêm nhặt không phải bình thường nên lại càng cẩn thận hơn nữa.

Lại thêm vài ngày nữa đã đến trung tuần tháng tư, thời tiết ấm dần, mỗi ngày lại gần tiết Đoan Dương thêm một chút. Chàng tự nhủ:?Ta ở trong hương tích trù làm những việc cực nhọc này, vậy mà cũng không sao dò hỏi được nghĩa phụ đang ở nơi đâu, tối nay phải mạo hiểm đi các nơi tra xét mới được?.

Đêm hôm đó chàng ngủ đến canh ba liền len lén trở dậy, tung mình nhảy lên mái nhà, nấp sau nóc chùa, đợi tới khi vừa yên ổn đã thấy hai bóng người nhẹ nhàng lướt từ phía nam chạy về hướng bắc, tăng bào phần phật, giới đao sáng loáng chính là những nhà sư trong chùa đi tuần ngang qua.

Đợi cho hai nhà sư đó qua khỏi rồi, chàng tiến lên vài trượng lại nghe trên mái ngói có tiếng chân người, hai tăng nhân khác nhảy qua, người này vừa qua thì người khác tới, đan chéo vào nhau tuần tra thật là sít sao, e rằng đến hoàng cung nội điện cũng chưa bằng được.

Chàng thấy tình hình như thế, liệu rằng nếu tiếp tục tiến lên thể nào cũng bị phát giác, đành phải bỏ cuộc quay về.

Lại thêm ba ngày nữa, tối hôm đó sấm chớp ầm ầm, trời đổ một trận mưa rào. Trương Vô Kỵ mừng lắm, nghĩ thầm:?Thật là trời gúp ta?. Mưa mỗi lúc một to, bốn bề tối đen như mực, chàng liền lẻn ra chạy về phía tiền điện, trong bụng nghĩ:?La Hán Đường, Đạt Ma Đường, Bát Nhã Viện, Phương Trượng tinh xá bốn nơi là yếu địa của chùa Thiếu Lâm, mình phải đến đó thám thính mới được?. Thế nhưng chùa Thiếu Lâm phòng ốc san sát, thật không sao biết được đâu là La Hán Đường, đâu là Bát Nhã Viện. Chàng lấp ló từ từ tiến lên, đến một khu rừng tre, thấy đằng trước có một căn nhà nhỏ, song cửa chiếu ra ánh đèn. Khi đó người Trương Vô Kỵ đã ướt đẫm, những hạt mưa to bằng hạt đậu rơi đập lên người lên mặt, từng giọt từng giọt văng trở lại. Chàng rón rén đến gần căn nhà kia, nghe thấy trong nhà có người nói chuyện, chính là tiếng của Không Văn đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm.

Ông ta nói:

- Vì cái gã Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn kia mà trong tháng vừa qua phái Thiếu Lâm đã giết chết hai mươi ba người, tạo nhiều sát nghiệp, thực trái với đức từ bi của nhà Phật. Quang Minh tả sứ của Minh Giáo là Dương Tiêu, hữu sứ là Phạm Dao, Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu, trước sau đều sai người đến chùa Thiếu Lâm xin chúng ta thả Tạ Tốn ra...

Trương Vô Kỵ nghe nói thế, trong dạ vui mừng:?Thì ra ông ngoại ta cùng bọn Dương tả sứ cũng đã hay được tin tức và cũng đã cử người đến rồi?. Lại nghe Không Văn nói tiếp:

- Bản tự tuy đã thoái thác nhưng Minh Giáo lẽ nào lại chịu bỏ qua? Trương giáo chủ võ công xuất thần nhập hóa, tới nay vẫn chưa thấy ra mặt, e rẳng có tính toán âm mưu gì bên trong. Ta và Không Trí sư đệ được y ra tay cứu cho, còn nợ người ta một món ân tình, nếu như đích thân đến đây xin thì chúng ta biết ăn nói ra làm sao? Chuyện này quả thật là khó. Sư đệ, sư điệt, hai vị có cao kiến gì không?

Một giọng già nua lạnh lùng khẽ đằng hắng một tiếng, Trương Vô Kỵ nghe thấy giật bắn người, biết ngay đó là giọng của Thành Côn, kẻ cải danh Viên Chân. Người đó Trương Vô Kỵ chưa từng đối diện nói chuyện nhưng khi trước trên Quang Minh Đính nằm ở trong cái túi nghe y kể lại chuyện cũ, rồi lại nghe y quát tháo ở sau tảng đá nên khẩu âm nghe đã quen thuộc. Trong chớp mắt chàng chợt nhớ đến khi còn ở chung một chỗ với Tiểu Siêu, trong lòng cảm thấy bùi ngùi, vừa êm đềm, vừa chua xót.

Chàng nghe Viên Chân nói:

- Tạ Tốn có ba vị thái sư thúc canh gác, ắt không thể nào sơ sẩy điều gì được. Cái Anh Hùng đại hội kỳ này có quan hệ đến uy danh, hưng suy vinh nhục của phái Thiếu Lâm chúng ta trong hàng nghìn, hàng trăm năm nay, cái ơn nhỏ của ma giáo kia, phương trượng sư thúc chẳng cần phải khắc khoải làm chi. Huống chi việc xảy ra tại chùa Vạn An chính là do ma giáo ngầm cấu kết với triều đình để gây khó khăn cho sáu đại môn phái, chẳng lẽ phương trượng sư thúc lại không hay biết gì sao?

Không Văn ngạc nhiên hỏi:

- Minh Giáo cấu kết với triều đình là thế nào?

Viên Chân nói:

- Trương giáo chủ của Minh Giáo vốn dĩ kết thân với Chu cô nương chưởng môn phái Nga Mi, ngay ngày làm lễ cưới, quận chúa nương nương của Nhữ Dương Vương bỗng dưng dắt tay tên tiểu tử họ Trương hai người bỏ trốn, chuyện này dấy động giang hồ, phương trượng sư thúc chắc cũng đã nghe tới rồi.

Không Văn đáp:

- Quả đúng thế, ta có nghe chuyện đó rồi.

Viên Chân nói:

- Trong đám thủ hạ của quận chúa nương nương kia có một tên bộ thuộc đắc lực, tên gọi khổ đầu đà, hai vị sư thúc ở chùa Vạn An ắt hẳn cũng đã gặp qua y chứ?

Không Trí tại cao tháp chùa Vạn An bị Triệu Mẫn ép buộc phải biểu lộ võ công, đã từng bị khổ đầu đà hành hạ nhiều lần, nhưng khi đó nội lực mất hết không có cách gì kháng cự, lúc này cũng vẫn còn phẫn nộ chưa thôi liền nói:

- Hừ, chuyện này xong rồi, ta thể nào cũng trở lại Đại Đô gặp tên khổ đầu đà đó một lần mới thỏa dạ.

Viên Chân nói:

- Thế hai vị sư thúc có biết gã khổ đầu đà đó là ai không?

Không Trí nói:

- Gã khổ đầu đà đó kiến thức thật rộng rãi, dường như võ công các nhà các phái nào y cũng thông thạo, nhưng không sao có thể biết được môn phái của y.

Viên Chân nói:

- Khổ đầu đà chính là Phạm Dao, Quang Minh hữu sứ của ma giáo.[4]

Không Văn và Không Trí cùng hỏi dồn:

- Có thực thế không?

Giọng hai người thực vô cùng kinh ngạc. Viên Chân nói:

- Viên Chân lẽ nào dám nói láo hai vị sư thúc? Nếu Tết Đoan Dương này y dám đến bản tự, hai vị sư thúc gặp sẽ biết ngay.

Không Trí trầm ngâm rồi nói:

- Nếu quả là như thế, Trương Vô Kỵ và quận chúa kia quả có ngầm cấu kết với nhau, đưa cô ta ra bắt giữ các thủ lãnh của sáu đại môn phái rồi do Trương Vô Kỵ giả vờ cứu để lấy lòng.

Viên Chân nói:

- Chuyện đó mười phần thì đến tám chín là như thế.

Không Văn nói:

- Ta xem Trương giáo chủ trung hậu hiệp nghĩa, dường như không phải là hạng người làm vậy, mình không nên trách lầm người tốt.

Viên Chân nói:

- Phương trượng sư thúc minh giám, người đời có nói rằng:?Biết người biết mặt chứ sao biết được lòng?. Gã Tạ Tốn kia là nghĩa phụ của Trương Vô Kỵ, lại là một trong tứ đại hộ giáo pháp vương của ma giáo, ma giáo thể nào cũng hết sức cứu y cho bằng được, đến kỳ đại hội Đồ Sư này mọi chuyện sẽ rõ ràng.

Sau đó ba người bàn tính sẽ tiếp đãi khách khứa thế nào, làm sao chống giữ kẻ địch đến cướp Tạ Tốn, rồi xem các môn phái có những ai là cao thủ. Viên Chân thì muốn khích cho các phái đánh lẫn nhau, đợi đến khi tất cả mọi bên đều bại cả, lúc đó phái Thiếu Lâm sẽ ra mặt thu lợi, trấn áp thu phục các môn phái, chưởng quản thanh đao Đồ Long một cách danh chính ngôn thuận rồi giết Tạ Tốn tế Không Kiến thần tăng.

Không Văn vẫn hết sức e dè, không muốn làm tổn thương thêm nhân mạng để đắc tội với đồng đạo võ lâm, lại dường như có phần không muốn làm mất lòng Minh Giáo.

Còn Không Trí thì nước đôi, nói:

- Nói đi nói lại, chuyện quan trọng hơn hết là làm sao ép cho Tạ Tốn nói ra thanh đao Đồ Long nay đang ở đâu, nếu không chuyến này đại hội Đồ Sư xôi hỏng bỏng không, ngược lại hóa ra làm tổn thương uy vọng của bản phái.

Không Văn nói:

- Sư đệ nói phải lắm. Chúng ta phải làm sao trong đại hội này dương đao lập uy, nói cho mọi người biết thanh đao Đồ Long võ lâm chí tôn kia đã thuộc về bản phái chưởng quản, khi đó bản phái hiệu lệnh thiên hạ thì còn ai là kẻ không tuân theo.

Không Trí nói:

- Hay lắm, cứ thế mà làm. Viên Chân, ngươi tìm cách nào nói chuyện với Tạ Tốn thêm một lần nữa, bảo y giao bảo đao ra, chúng ta sẽ tha mạng cho y.

Viên Chân đáp:

- Vâng! Cẩn tuân lời sai bảo của hai vị sư thúc.

Có tiếng chân người nhẹ nhàng, Viên Chân đã đi ra. Trương Vô Kỵ trong bụng mừng thầm, biết ba nhà sư Thiếu Lâm này võ công cực kỳ cao cường, chỉ cần hơi có tiếng động, lập tức sẽ bị phát giác ngay, nếu như cả ba cùng ra tay một lượt, một mình e rằng khó mà thủ thắng, giỏi lắm thì chỉ thoát thân được thôi, còn việc cứu nghĩa phụ thì quả là khó khăn vô cùng. Nghĩ thế chàng bèn nín thở bất động.

Chỉ thấy thân hình gầy cao của Viên Chân đi về hướng bắc, tay cầm một cái dù phất bằng giấy dầu, mưa nặng hột đập lên chiếc ô kêu lộp bộp. Trương Vô Kỵ đợi y đi ra khoảng chừng hơn chục trượng rồi lúc ấy mới nhẹ nhàng cất bước, đi theo sau.

[1]Sách tướng viết là người nào thịt đâm ngang, mặt bành bạnh là người hung ác (diện nhục hoành sinh tính tất hung)

[2] Chỉ sáu giác quan nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý

[3]tức Vân Nam

[4] Việc này sau khi cứu xong sáu đại môn phái tất cả chạy ra ngoài thành thì ai cũng biết rồi vì lúc đó Phạm Dao cũng đi theo cùng sao ở đây Không Văn, Không Trí lại chưa biết?

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK