• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tác giả: Bạch Đường

Lại qua thêm một ngày nữa, tư thế của tôi đã chuyển từ ngồi sang nằm, bụng tôi đã không còn kêu lên sốt ruột nữa, mà đã quặn luôn lại, tôi nghĩ nó đã tự ăn luôn chính mình.

Đã cha ngày tôi không có cái gì vào bụng, ngoại trừ vài chén nước mẹ đem đến.

Chắc tôi phải chết thật quá, bởi vì nghĩ tới chuyện phải gả cho Ngô què, thì tôi thà chết còn hơn.

Tiếng bản lề cửa cót két thật là chói tai, tôi chậm chạp nhấc mắt mình lên, nhận ra trước mắt sáng lòa. Cơ hội tự do đã xuất hiện trước mắt, mà tôi chẳng mảy may có sức để đứng dậy nữa.

Mẹ tôi bước vào, bà vẫn cầm theo cái chén sứt như thường lệ.

Mẹ đỡ tôi dậy, tôi đoán mình trông thảm hại lắm, bởi vì mặt mẹ tràn ngập chán nản và giận dữ. Mẹ đỡ tóm chặt gáy tôi, rồi nhét cái chén vào mồm tôi.

Vị ngòn ngọt của cháo làm đầu lưỡi tôi nổ tung, có lẽ thật sự nổ tung, bởi vì nóng quá đi mất. Tuy nhiên thà để phỏng cả mồm miệng chứ tôi không thể phun miếng cháo này ra được, tôi hớp lấy hớp để như chưa từng được ăn món gì ngon đến thế trong đời. Sau khi ngụm cháo cuối cùng trôi tuột vào họng, tôi chẳng còn nhớ ra được chén cháo này có vị như thế nào.

Chắc là vị của sự sống.

Tôi thấy tay chân mình dần có lực trở lại, rồi tôi cũng tự mình ngồi được. Mẹ ngồi bên cạnh tôi, mới hai hôm mà trông bà như già đi vài tuổi, đôi mắt bà tràn ngập vẻ bất lực, khi bà nhìn tôi, có lẽ còn có cả chán ghét nữa.

Bà nói: "Mày nghĩ kĩ chưa, còn muốn chống đối cha mẹ đấy à? Chẳng lẽ tao với cha mày lại đi hại mày được ư? Gả cho người ta mà thôi, chẳng lẽ mày tính ở nhà này suốt đời? Chúng tao làm gì mà nuôi nổi mày?"

Tôi không phản bác, cũng không nhìn mẹ tôi. Bà tiếp tục nói: "Mày như thế này thì vợ con gì kia chứ, ả nào mà chịu gả cho mày, chỉ có nước lấy chồng thôi con. Chúng tao thương mày mới nuôi dạy mày đến tận bây giờ, nhìn con gái nhà người ta mà coi, mười bốn mười lăm đã là tân nương rồi. Hạng như mày phải gọi là đồ già ế rồi đấy! Ấy là chưa kể đến mày còn... Người ta chịu lấy mày là phúc tám đời đấy, sao mà mày ngu đần quá vậy hả, có chuyện thế này mà cũng không hiểu? Mày còn tính làm khổ cha mẹ mày tới chừng nào nữa, con ơi..."

Tôi chăm chú ngắm bàn tay chai sạn của mình, giọng của mẹ trở nên thật xa xôi. Từ năm lên tám tôi đã theo cha ra đồng làm ruộng, sáng sớm tinh mơ đã dậy cắt cỏ tranh, tối muộn còn đan giỏ mang ra chợ lấy tiền. Cuộc đời của tôi chưa từng có một ngày sung sướng nào, nhưng tôi chưa từng thấy khổ sở.

Nhưng hóa ra sự tồn tại của tôi đã là một nỗi khổ với cha mẹ.

"Mày không gả đi, thì tháng kế tiền học của đệ đệ mày phải làm sao đây? Mày muốn mẹ chết cho mày vừa lòng đúng không?"

Tôi muốn hỏi mẹ, nếu gả tôi, còn ai sẽ đan giỏ tre đi bán lấy tiền cho mẹ, còn ai sẽ giúp cha tôi làm đồng, ai sẽ nhóm củi nấu cơm, ai sẽ đi kiếm rau dại cho con heo ở nhà... nhưng tôi chẳng nói được một lời.

Tôi biết mình có làm nhiều thế nào đi nữa, cha mẹ cũng chẳng muốn giữ tôi ở lại đâu.

Điều này tôi đã biết được từ sớm rồi.

______

Mười ngày sau, sức khỏe tôi đã khôi phục lại, chỗ nhốt tôi đổi từ phòng kho thành phòng tôi, đồ ăn cũng phong phú ngon miệng hơn hồi xưa.

Lúc trước là khoai này khoai kia độn, còn bây giờ thì là cháo gạo trắng tinh.

Mẹ tôi bảo ăn thêm ít gạo trắng sẽ trở nên dễ coi hơn, dưỡng lại cái dung nhan ốm o gầy nhẳng của tôi.

Sau nhiều lần soi chính mình dưới dòng suối nhỏ, tôi tự nhận xét bản thân lớn lên cũng không xấu xí, chỉ do quá gầy mà thoạt nhìn không đủ khí sắc, mẹ tôi cũng bảo thế, bà hy vọng tôi có thể trở nên đẹp mắt một chút vào ngày kết hôn, để bà và cha tôi không đến nỗi mất mặt, cho dù đã mất mặt sẵn bấy nhiêu năm nay vì tôi.

Thoáng cái đã đến ngày tôi phải lên kiệu hoa về nhà chồng. Từ sau lần nói chuyện với tôi trong nhà kho, cha mẹ cũng không nhiều lời gì với tôi về đám cưới này. Chuyện này âu cũng thường tình, cha mẹ vốn chẳng thích nói chuyện với tôi, tôi cũng không buồn hỏi, gả cho Ngô què có cái gì sướng sung đâu mà phải hỏi? Dám chừng dăm cha bữa không có tiền mua rượu gã cũng bán quách tôi đi, cơ mà gã lấy đâu ra tiền hỏi cưới tôi, tôi vẫn chưa nghĩ thông khoản này.

Mà thôi kệ, biết cũng chẳng làm gì được.

Từ sáng sớm tinh mơ mẹ đã dựng tôi dậy, mà tôi cũng chẳng ngủ được mấy cả đêm qua, ruột gan cứ lộn tùng phèo cả lên. Từ sáng sớm tôi đã thấy mắc ói, tới nỗi khi mẹ bưng cho một chén chè tôi cũng chẳng ăn được mấy. Qua giữa trưa thì một đám đàn bà con gái xông vào phòng tôi.

Toàn là người quen cả thôi, thím Hoa nhà hàng xóm, Nhị thẩm, Tam thẩm... Họ tóm lấy tôi, rồi thoa son trét phấn, tròng một bộ áo lụa vào người tôi. Giọng Nhị thẩm là oang oang nhất: "Oa, nhà muội là nhất rồi đấy Lưu nương à, con bé thế này mà còn gả được vẻ vang thế kia..."

Mẹ tôi cười gượng, khoát tay: "Có là gì so với Ngọc nương của tỷ chứ, con của muội cũng chỉ là may mắn."

Nhị thẩm có vẻ rất vừa lòng trước câu tâng bốc của mẹ tôi, còn dạ dày tôi thì lộn ngược cả lên.

Con bé? Bà ta gọi tôi là con bé hả?

Con bé cái đầu bà ấy!

Nhưng nhìn trước mặt là tôi lại tịt ngòi, bởi vì thím Hoa tốt bụng đã mang sang cho tôi cái gương đồng ở nhà bà ấy.

Thú thật đây là lần đầu tiên tôi được soi gương, nhìn rõ hơn mặt nước thật, cũng làm tôi tuyệt vọng phát hiện ra hóa ra mình lại giống con gái đến thế.

Cái đứa mặt trắng môi đỏ này tuyệt đối không phải là tôi!

Mẹ tôi cố gắng lơ đi lời khoe khoang của Nhị thẩm, bà vớ lấy cây lược chải tóc cho tôi, tay bà túm rất chặt làm tóc tôi phát đau, nhưng tôi không hé răng một lời.

Đến tận lúc phủ khăn lên mặt tôi, bà mới lẩm bẩm: "Tại sao mày không được như Ngọc nương chứ?"

Cô dâu nào mà phải phủ khăn? Tập tục này không phổ biến ở quê chúng tôi, vào ngày cưới, cô dâu mặc yếm vóc lụa là, trang phục rực rỡ xinh tươi, chỉ có tôi, hạng mất mặt gia đình mới phải phủ khăn xuất giá.

Tôi không thể nhìn thấy nét mặt của bà, nhưng tôi biết bà đang nói cho mình nghe. Tôi nếm được vị rỉ sắt trong miệng.

Đúng thế. Tại sao tôi không thể là một đứa con trai để cha mẹ tự hào như Tiểu Hổ, cũng không phải một đứa con gái ngoan ngoãn gả tốt như Ngọc nương?

________

Với thôn dân như chúng tôi, kiệu hoa đơn giản chỉ là vài mảnh gỗ mỏng ghép lại mà thôi.

Nhà nào vẻ vang thì mới mướn được xe trâu xe bò để kéo, chứ nhà tôi thì đừng hòng. Nhà Ngô què càng như thế, tôi dám chắc gã đã lấy toàn bộ tiền ra để cưới tôi, rồi sau khi gả qua bên đó tôi phải uống gió Tây Bắc mà sống, cùng gã đi mót rau ăn cắp trứng mà qua ngày.

Nghĩ tới ngày sau bi thảm, tôi bấu tay áo thật chặt.

Ồ, cái áo lụa này xinh quá nhỉ, trong đời tôi còn chưa từng thấy vải đẹp thế này bao giờ.

Không kiềm lòng được mà sờ sờ thân vải, cõi lòng tôi tràn ngập hoang mang, cha mẹ tôi có nhiều tiền vậy ư? Không không, Ngô què có nhiều tiền vậy ư? Chẳng lẽ nhà gã vừa phát hiện ổ vàng ông cha để lại?

Cố nén nghi hoặc, tôi thuận theo được người ta dắt tay lên xe hoa, tôi nghe thấy tiếng kêu của động vật và cái mùi cố hữu đặc trưng. Chỗ tôi ngồi cũng được lót vải bố dày dặn, tôi nghe thấy tiếng người quát tháo, rồi cái xe chậm rãi nhúc nhích.

Tôi đang được chở trên một chiếc xe bò.

Đến lúc này thì tôi thật sự choáng váng. Hôn lễ này có nằm mơ tôi cũng chẳng tưởng mình có thể trải qua.

Bởi vì hoang mang quá nên tôi chẳng biết đã trôi qua bao lâu, cuối cùng xe cũng ngừng lại, xung quanh tôi cũng còn nhốn nháo âm thanh náo nhiệt, quá nhiều người cùng xuất hiện trong đời tôi hôm nay. Đến lúc này tôi lại thấy biết ơn chiếc khăn mẹ đã đội lên cho tôi, giống như một tấm màn ngăn cách tôi lại với thế giới ồn ã xung quanh vậy.

Lễ tơ hồng sau đó đối với tôi như một giấc mơ, hương khói nghi ngút, mùi nến cháy cứ rần rật bên mũi tôi, rồi mùi thức ăn xào nấu thơm lừng nữa, cả những lời chúc làm tôi choáng ngợp, hay giọng nói uy nghiêm của một vị trưởng bối đức cao vọng trọng nào đó.

Có cả giọng cha tôi, và giọng một người đàn ông cộc cằn khác.

Chỉ có giọng người bên cạnh là tôi không nghe thấy mà thôi.

Đúng vậy, người đang đứng cạnh tôi đây, là chồng tôi. Qua mép hở của chiếc khăn, tôi chỉ biết hắn đang mặc một chiếc áo gấm màu lam, bàn tay ngăm đen, da thô. Bàn tay to lớn giống như cha tôi vậy.

Có lẽ cũng đánh đau như ông.

_______

Bởi vì hôn lễ tổ chức vào chiều tà, cho đến khi làm lễ xong xuôi, quan khách ra về, trời đã tối khuya rồi.

Tôi được người ta dắt vào buồng trong rồi bỏ lại đó một mình, chuyện dọn dẹp sau đó chẳng liên quan gì đến tôi, mà có lẽ họ cũng không ăn nhậu gì nhiều lắm. Chẳng mấy lâu sau mà bụng tôi đã biểu tình ầm ĩ, cũng phải, cả ngày nay tôi đã ăn được gì đâu.

Tôi lén lút vén chiếc khăn lên một tí, quan sát xung quanh.

Đây là một căn phòng thô sơ, trông như mới mà cũng trông như cũ. Cũ là lớp vách đất tiêu điều hay mái nhà xơ xác, còn mới là chăn nệm mà tôi đang ngồi lên như thể chỉ vừa được mua hôm qua. Chồng tôi là một kẻ có tiền đây, tôi thầm nghĩ khi nhìn cặp nến đỏ cháy sáng trên bàn.

Cặp nến này nhìn sơ qua cũng mấy chục mấy trăm đồng tiền đi?

Trên bàn có bày một cái hồ lô nhỏ, tôi chẳng biết đựng gì, và hai cái ly nhỏ xinh, giống ly uống rượu của cha tôi.

Chắc trong bình là rượu, tôi đói, nhưng không dám đụng vào vật gì.

Khi cây nến đỏ cháy được một phần ba thì tiếng ồn bên ngoài dần không còn nữa, sau đó tôi nghe thấy tiếng bước chân. Bàn tay đang nhấc khăn của tôi cứng lại. Tôi nhìn thấy cái bóng cao lớn ngoài cửa.

Ngô què cao lớn tới vậy ư?

Không, người này đứng rất đường hoàng, không giống bị thọt chân.

Lòng tôi kinh hoàng, đến lúc này tôi mới nhận ra.

Con mẹ nó không phải Ngô què cưới tôi!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK