Editor: Gà
(*) Cháo mồng tám tháng chạp: Tương truyền, Thích Ca Mâu Ni Phật – là hoàng tử con Vua Tịnh Phạn ở miền Bắc Ấn Độ xưa (nay thuộc miền Nam Nepan), đã từ bỏ cuộc sống quyền quý sa hoa trong Hoàng cung, xuất gia thành đạo vào đúng ngày mùng 8 tháng Chạp Âm lịch. Sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, khắp nơi xây dựng chùa triền và phong tục nấu cháo kính Phật đã thịnh hành từ khi đó.
Phong tục ăn cháo vào ngày mùng 8 tháng Chạp đã có lịch sử hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Đây còn được coi là “Tiết lệnh” đầu tiên của Tết truyền thống, có nghĩa là qua mùng 8 tháng Chạp không khí của Tết đã đến. Sau một năm lao động vất vả, trong tiết trời lạnh giá của tháng Chạp, mọi người nô nức đi chùa, ăn cháo được nấu từ nhiều loại hạt như kê, gạo tẻ, gạo nếp, hạt dẻ, hạnh nhân, hạt dưa, lạc, hạt thông, nhân táo, nho khô…
(Nguồn: Google)
***
Tại vì sắp đến Tết, hơn nữa phố điện ảnh nằm ở phía bắc nên mùa đông năm nay nhiệt độ luôn dưới không độ, thời tiết hai mươi mấy độ quay phim đã rất khổ sở, ngày càng ít đoàn làm phim đến phố điện ảnh.
Buổi sáng Lạc Anh mở cửa lúc sáu giờ, hiện tại mới có hai thực khách bước vào.
Tuy mới đến thế giới này được một tháng, Lạc Anh cũng hiểu biết về xã hội hiện đại đến bảy tám phần.
Nơi cô đang sống bây giờ, cái gọi là thành phố điện ảnh cũng giống như giáo phường ở Đại Lương, Lê Viên chi địa*, khi xưa địa vị của con hát rất thấp, nhưng nay đã khác, bây giờ họ là những đại minh tinh rất được săn đón, người chạy sau mông đông như vịt.
(*) Giáo phường: Nơi quản lý, giảng dạy ca múa nhạc diễn kịch thời cổ đại
梨园 – Lê viên: vườn lê (Đường Huyền Tông đã từng dạy nhạc công, cung nữ âm nhạc, vũ đạo).
Đương nhiên, “con hát” bây giờ khác hẳn thời xưa, lúc rảnh rỗi Lạc Anh cũng xem mấy bộ phim, rõ ràng cùng một người thế mà hết lần này tới lần khác đóng những vai và cuộc đời khác nhau, thay đổi rất nhiều bộ mặt, tuyệt nhiên không thể khinh thường.
Ở hiện thế, ngành công nghiệp này được coi là ngành nghề có lợi nhuận cao nhất, kẻ trước vừa ngã xuống, người sau lại xông lên, hơn nữa còn biến hóa thành những ngành và vị trí khác nhau, chẳng hạn như quay phim, đạo diễn, biên kịch, tìm kiếm diễn viên và vai quần chúng….Tất cả bọn họ đều là người trong “giới giải trí.”
Nhìn xem, hai người đang ngồi trong tiệm cũng nằm trong vòng tròn đó.
Anh chàng tóc ngắn mặc áo khoác đồng phục học sinh, sấn một thìa sa tế đỏ thẫm cẩn thận trút vào bát.
Tô hoành thánh ban đầu đã có hành thái và rau thơm, nêm một thìa sa tế vào, màu sắc trong tô tức khắc trở nên sặc sỡ.
Hành lá và rau thơm thái nhỏ, xanh trắng có đủ, một khóm màu đỏ đột nhiên tùy tiện gia nhập, xen lẫn giữa đỏ đậm và xanh biếc là những viên màu trắng tròn nổi bần bật, chỉ nhìn thôi đã thấy thèm ăn.
Thấy chàng thanh niên lấy sa tế, ông bác ngồi đối diện cau mày không nói gì.
Trước mặt ông cũng là một tô hoành thánh, ngoài nước súp thì chỉ có hoành thánh, thậm chí một cọng rau xanh trang trí cũng không có.
Súp hoành thánh quan trọng ở nước dùng, mà hoành thánh quan trọng ở nhân.
Theo ông bác thấy, tô hoành thành này có nước dùng là đủ, không cần thiết phải tô điểm thêm thứ gì khác, nếu thêm gia vị vào, chẳng phải trực tiếp hủy đi hương vị cốt lõi sao?
Vỏ hoành thánh cán mỏng, gần như trong suốt. Điển hình của món “hoành thánh sợi nhăn” thịnh hành ở Giang Nam, rất khó để tìm thấy tay nghề nào khéo léo đến vậy.
Ông bác cầm thìa sứ trắng múc hoành thánh vào miệng, vị thanh dịu của nước dùng khiến lưỡi ông run lên, ngay khi viên hoành thánh trượt vào, nhân bánh lập tức nổ tung trong khoang miệng, tổ hợp thịt heo và tôm càng xanh mang lại hương vị độc đáo, thịt lợn là loại được chăn nuôi dưới quê, tôm tươi sống vẫn còn nhảy tanh tách, băm nhuyễn tinh mịn và nắn chắc, không hề có một chút mùi tanh, sau khi nước dùng chạm vào đầu lưỡi, hương vị tươi mới như muốn nuốt luôn cả lưỡi!
Trong tiệm chỉ có hai thực khách, rõ ràng ngồi đối diện nhau nhưng không ai nói chuyện, chàng thanh niên ăn uống rất nhanh, có vẻ đã đánh giá thấp khả năng ăn cay của mình, chỉ có chóp mũi hơi lấm tấm mồ hôi, còn ông bác vẫn chậm rì rì ăn từng miếng từng miếng, ngay cả nước canh cũng húp sạch bách.
Đợi ông bác ăn xong, chàng thanh niên dọn chén bát của hai người bỏ vào bồn rửa bát, lúc này mới rảnh rỗi nói chuyện.
“Hôm nay ông không đi diễn à?” Chàng thanh niên hỏi.
“Không, trời lạnh tay chân ông chống đỡ không nổi, nghỉ mấy ngày. Tiểu Dương, tính lúc nào mới về quê ăn Tết, chẳng lẽ cháu cứ đợi ở đây mãi?”
Cách một lớp áo bông, ông bác sờ cái bụng no căng cho tiêu hóa bớt.
“Hầy, cháu còn trẻ mà, nghe nói hai ngày nữa có đoàn phim đến, cháu định kiếm thêm ít tiền, dù sao Tết cũng phải có tiền giắt eo, lát nữa cháu đưa ông về trước, tuyết nhiều đường trơn khó đi lắm, ông an phận ở nhà mấy ngày đi.”
Chàng thanh niên đeo bao tay rửa bát sạch sẽ, lau khô xếp lên giá gỗ.
Lạc Anh khuấy cháo trong nồi lớn vừa nghe đoạn đối thoại của hai người.
Quán ăn của cô mở chưa đến một tháng, ngày nào cũng có khách quen đến đây, một già một trẻ này cũng là khách quen.
Chàng thanh niên kia tên là Dương Điền, tuổi rất trẻ, tầm khoảng hai mươi, kém hơn Lạc Anh mấy tuổi, cao ráo sáng sủa đủ để gọi là đẹp trai, nước da trắng trẻo mà không nữ tính, khá ưa nhìn.
Cậu thi cử không tốt, gia cảnh lại không khá khẩm cho lắm, đơn giản lấy bằng cấp ba xong thì chạy đến thành phố điện ảnh, đương nhiên trong lòng cũng ôm giấc mộng được Bá Nhạc phát hiện, sau đó nổi tiếng*.
(*) 伯乐 – Bá Nhạc: người thời Xuân Thu, nước Tần, giỏi về xem tướng ngựa. Ngày nay dùng để chỉ người giỏi phát hiện, tiến cử, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, “Bá Nhạc” không những chỉ cá nhân mà còn có thể dùng để chỉ tập thể.
Những giấc mộng như vậy, ở thành phố điện ảnh miền bắc này, có diễn viên và đoàn phim nào mà chưa từng nghĩ đến?
Lạc Anh cũng không biết nhiều lắm, nghe nói lúc Dương Điền mới đến tinh thần rất hăng hái, dù gì ngoại hình của cậu ta ở quê vẫn nổi tiếng tuấn tú, đến nơi này rồi trên người không một xu dính túi, đành phải diễn từ những vai nhỏ nhất, không được lộ mặt hay làm xác chết hôi hám, ấy vậy mà ngay cả cái này cũng phải tranh cướp mới có, theo quy tắc đợi dăm bữa nửa tháng mới được báo danh xông lên giành lấy vị trí, có cơ hội lộ mặt đọc hai câu thoại xem như may mắn.
Một người khác nữa đang đi bộ tiêu thực họ Triệu, trà trộn trong thành phố điện ảnh này khoảng tầm mười năm, tuổi tác càng ngày càng lớn, ông bác mặt mũi dáng vẻ hiền lành, là một “đặc biệt nhỏ” chân chính, nếu muốn tìm một ông cụ có kỹ năng diễn xuất thì lão Triệu là một ứng cử viên xuất sắc.
Hôm qua tuyết lớn, thành phố điện ảnh vốn đã không có nhiều đoàn phim, không biết hôm nay sẽ có bao nhiêu người tận dụng cảnh tuyết trắng để quay phim.
“Bữa nay là Đại hàn*, năm này qua năm khác chẳng biết bộ xương già này còn chịu được bao lâu nữa đây.” Thực khách mới đi vào mang theo một trận gió lạnh, trên áo khoác vẫn còn những bông tuyết chưa tan, lão Triệu chợt cảm thấy bùi ngùi.
(*) Đại hàn (một trong 24 tiết, khoảng 20 – 21 tháng 1, là thời gian lạnh nhất ở Trung Quốc)
“Chẳng riêng gì Đại hàn đâu bác ơi, bữa nay mồng tám tháng chạp đấy! Tiểu Lạc, hôm nay không có cháo mồng tám tháng chạp hả?” Bác gái mới vào cửa không khách sáo chút nào, hỏi thẳng món mới của quán.
Tiểu Lạc mới mở quán ăn này đừng thấy tuổi còn trẻ, tay nghề phải gọi là số một! Chỉ có điều trông hơi yếu ớt, không thích nói nhiều, từ lúc mở tiệm ăn đến giờ quanh đi quẩn lại chỉ bán dăm ba món.
Lúc này Lạc Anh đang xếp những tép tỏi trắng vào bình thủy tinh, đổ giấm gạo màu ngà sâm sấp, sau đó đậy kín nắp.
Nghe bác gái hỏi vậy, Lạc Anh thoáng liếc qua hơi nóng trong nồi, ngẩng đầu lên cười nhẹ: “Thím Chu đến đúng lúc, cháo mồng tám tháng chạp vừa mới nấu xong, phải ăn lúc còn nóng.”
Theo thói quen dùng lịch của người cổ đại, Lạc Anh tất nhiên không quên hôm nay là lễ mồng tám tháng chạp.
Tục ngữ nói: “Qua ngày mồng tám tháng chạp là Tết đã đến.”
Lễ mồng tám tháng chạp quan trọng lắm đó.
Nhắc tới ngày mồng tám tháng chạp lại nhớ đến chuyện xưa, kiếp trước đây là thời điểm bận rộn nhất, từ trên xuống dưới hoàng cung, tuy cô chỉ cần lo phục vụ đồ ăn thức uống của Đế Hậu và mấy vị chủ tử, còn lại giao cho đồ nhi và thuộc hạ làm. Có điều yến hội trong cung hay ban thường cho triều thần đều phải cẩn thận để bụng. Tết mồng tám tháng chạp phải ngâm tỏi mồng tám tháng chạp thật ngon, sau lần mở hàng đầu năm, một mình lão Thái Hậu còn không đủ ăn!
Mỗi nơi dùng nguyên liệu nấu cháo khác nhau, nồi cháo Lạc Anh nấu làm theo công thức riêng của cô.
Cháo mồng tám tháng chạp còn được gọi là “Cháo thất bảo ngũ vị”, cái tốt đẹp của bảy nguyên liệu hòa quện với năm hương vị thì không còn gì bằng.
Lạc Anh bới một bát cho thím Chu, trong bát sứ trắng lớn là cháo nóng hầm lửa nhỏ qua đêm mới ra lò, các loại nguyên liệu điều hòa bổ trợ lẫn nhau, tri kỷ hòa hợp, anh anh em em không thể thiếu món nào.
Lạc Anh dùng gạo trắng, gạo nếp, gạo đen, gạo vàng, đậu đỏ, hạt sen, long nhãn, thêm táo đỏ, óc chó và cẩu kỷ.
Bảy nguyên liệu chính và ba loại phối liệu, nấu đủ những thứ này với ngụ ý thập toàn thập mỹ*.
(*) Thập toàn thập mỹ: Mười phân vẹn mười, hoàn hảo.
Bởi vì tăng thêm phần gạo đen nên cháo trong bát sứ trắng đậm màu hơn, điểm xuyến long nhãn và cẩu kỷ ở giữa trông rất đẹp mắt.
Thím Chu bưng bát ngồi xuống, xúc thử một thìa, cháo đặc quánh thơm nồng, đưa vào miệng đã tan ngay lập tức, thơm ngọt dẻo mềm, ấm nóng, ăn xong chỉ cảm thấy thỏa mãn hết sức.
Trong cháo rõ ràng không cho đường nhưng đã có vị ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi, đây là vị nguyên bản của nguyên liệu, không ngọt ngấy như đường, cũng không vô vị như cháo trắng, vị ngọt như có như không, câu dẫn người ta ăn hết miếng này đến miếng khác không thể dừng lại.
Ăn hết một bát cháo mồng tám tháng chạp, bụng ấm, người ấm, tâm cũng ấm.
Thím Chu đánh ợ một cái, tựa vào lưng ghế, sảng khoái!
Đột nhiên thím nghĩ đến cái gì đó, mở miệng hỏi.
“Tiểu Lạc, chủ nợ của cháu hai ngày nay không đến đây chứ?