Cha mẹ nuôi khi đó khoảng trên dưới ba mươi tuổi, kết hôn đã sáu năm mà vẫn chưa có con, nghe người ta mách, đi nhận một đứa trẻ về nuôi thì sẽ có được đứa con của chính mình. Xuất phát từ mong muốn đó, họ đến cô nhi viện. Lăng Lạc Trần được chọn là bởi vì cô đã lớn, cũng hiểu biết rồi, không cần phải có người trông nom, đưa về là cho đi học luôn, nếu không, một đứa trẻ bị bỏ rơi, lại lớn tướng như cô sẽ rất khó có cơ hội được nhận nuôi.
Lạc Trần lúc đó, do không được ăn uống đầy đủ nên dáng người gầy gò, bé nhỏ. Vì muốn trông dễ thương hơn, cô đã mặc chiếc áo khoác màu hồng đẹp nhất mà cô có, rồi còn được người bên cô nhi viện trang điểm cho nữa, nhưng nhìn cũng chỉ như một đứa trẻ vừa tròn bốn tuổi. Tên của Lạc Trần là do Viện trưởng cô nhi viện đặt, bởi vì tính cách của cô buồn buồn, rất dễ bị người khác bỏ qua, không ai cần và cũng không ai thích, giống như những hạt bụi không đáng để tâm.
Cha mẹ nuôi cũng không có ý kiến gì về tên của cô, khi chính thức nhận nuôi chỉ thêm vào trước đó họ của cha nuôi – Lăng.
Cha mẹ nuôi làm nghề bán quần áo, cha nuôi phụ trách lấy hàng, mẹ nuôi đảm nhiệm phần bán hàng, vì vậy hằng ngày đều rất bận rộn, không có thời gian gần gũi xây dựng tình cảm với cô. Sau khi đưa cô về, họ sắp xếp cho cô ở một căn phòng trống, bên trong có một chiếc giường đôi cũ rất lớn, còn có một chiếc bàn, xem ra là được dùng từ lâu rồi, sơn đã tróc hết, bề mặt thì bị mài nhẵn bóng.
Lạc Trần có phần dè dặt với cuộc sống mới của mình, không dám tin là mình lại may mắn đến thế, được nhận nuôi, lại còn có phòng riêng, không cần phải chen chúc ngủ chung một phòng, rồi cùng tắm giặt, đi toilet với những đứa trẻ khác. So với cuộc sống trước đây, cô cảm thấy hiện tại giống như một giấc mơ. Thời gian đầu, buổi tối cô thường không dám ngủ, chẳng phải bởi vì sợ ngủ một mình mà là sợ sau khi tỉnh dậy, tất cả sẽ biến mất.
Từ lúc còn ở cô nhi viện Lạc Trần đã tự biết cách chăm sóc bản thân, mặc đồ, giặt quần áo, rửa rau, rửa bát việc gì cô cũng làm rất thành thạo. Có nhà, có cha mẹ rồi, trong lòng cô vô cùng cảm kích, nhưng cũng thấy rất hoang mang, không biết phải làm thế nào mới có thể khiến cha mẹ vui.
Nhớ buổi tối của ngày đầu tiên, mẹ nuôi giúp cô sắp xếp chút hành lý ít ỏi, đưa cô đi làm quen với căn nhà, dạy cô dùng các thiết bị điện và các thiết bị trong phòng tắm. Từ trước tới nay cô chưa từng dùng những thứ đó bao giờ, nghe cũng không hiểu lắm, nhưng vẫn bắt mình phải ghi nhớ để sau này khi dùng sẽ tìm hiểu thêm. Quay về phòng khách, cô chợt nhớ ra trước lúc đi Viện trưởng có dặn dò cô nhất định phải gọi họ là cha mẹ. Cô ngẩng đầu lên, nhìn cha mẹ nuôi lúc này đang ngồi trên ghế sofa, miệng mấp máy nhưng không thốt nên lời. Cô rất căng thẳng, cấu mạnh vào đùi mình một cái, giật mình mở to miệng, hét lên gọi: “Cha! Mẹ!”, gọi xong thì cô bật khóc nức nở, những giọt nước mắt to tròn cứ thế lăn dài xuống má. Mẹ nuôi là một người phụ nữ dễ gần, thấy cô như vậy, liền bật cười: “Con nhỏ này, khóc gì chứ? Gọi đúng rồi, từ giờ chúng ta sẽ là cha mẹ của con. Sau này con còn có em trai, em gái, chúng ta là một gia đình”. Cha nuôi không giỏi ăn nói, lúc đó ông chỉ im lặng. Tới bữa tối, ông gắp rất nhiều thịt vào bát của Lạc Trần, sau đó còn bảo cô phải chịu khó ăn nhiều hơn nữa.
Lạc Trần nhanh chóng thích ứng với cuộc sống mới, hằng ngày cha mẹ nuôi đi làm từ sáng sớm, cô được đưa tới trường mẫu giáo. Buổi tối, cô tự mình cầm chìa khóa về nhà. Những việc lặt vặt trong nhà hầu hết đều do Lạc Trần làm, một là công việc làm ăn kinh doanh của cha mẹ nuôi rất bận, đến thời gian nghỉ ngơi còn không có; hai là Lạc Trần đã học được cách sử dụng các thiết bị điện trong nhà, thậm chí cô còn biết dùng cả lò vi sóng. Lạc Trần rất có năng khiếu làm việc nhà, mọi thứ đều được thu xếp gọn gàng sạch sẽ, cô có thể bắc ghế để đứng lên nấu cơm, còn nấu rất ngon.
Lạc Trần làm vậy, cha mẹ nuôi cũng cảm thấy ái ngại, sợ người ngoài xì xào rằng họ nhận con nuôi về để làm ô sin, thỉnh thoảng họ cũng bảo cô nên ra ngoài chơi với bạn sau giờ học. Nhưng lúc ở cô nhi viện Lạc Trần đã bị ức hiếp đến phát sợ nên cô không thích chơi cùng với những người bằng tuổi mình. Hằng ngày, sau khi từ trường mẫu giáo về, làm hết việc nhà, cô bắt đầu đọc mấy quyển sách ít ỏi có trong nhà. Cha mẹ nuôi cũng chẳng phải là người học rộng tài cao, sách trong nhà đa số là những tiểu thuyết tình cảm rẻ tiền, ngoài ra còn có vài quyển tạp chí. Khi đọc, có rất nhiều chữ Lạc Trần không biết, cô đành vừa đọc vừa đoán, lâu dần cũng biết thêm được rất nhiều từ.
Cha mẹ nuôi không đối xử đặc biệt gì với Lạc Trần nhưng cô ở nhà lại cảm thấy rất dễ chịu, cảm giác đây chính là nhà của mình. Mỗi góc nhà cô đều từng quét dọn, quần áo cha mẹ mặc cũng do cô giặt, cơm cha mẹ ăn là do cô nấu, cảm giác cuộc sống không còn gì có thể tốt đẹp hơn nữa.
Do được ăn uống đầy đủ, Lạc Trần lớn rất nhanh, nhìn cũng tầm tầm như những đứa trẻ cùng tuổi khác, hai má bắt đầu phúng phính có da có thịt, nhưng do da cô vốn rất trắng, tính cách lại không hoạt bát như những bé gái khác, vì vậy trông có vẻ yếu đuối.
Cha mẹ nuôi nắm bắt rất tốt xu hướng thời trang, đồ Lạc Trần mặc đều là những kiểu mới nhất, mặc dù chưa chắc đã phải là chất liệu tốt, nhưng rất vừa vặn, ấm áp, Lạc Trần vô cùng thích thú.
Không lâu sau đó, cuộc sống dễ chịu của Lạc Trần đã bị đảo lộn bởi sự ra đời của em trai. Năm Lạc Trần lên tiểu học, đứa con mà cha mẹ nuôi mong đợi bao lâu nay đã ra đời. Lúc em trai được sinh, Lạc Trần vẫn còn ở trường. Hết giờ học, cha nuôi tới đón cô, mặt vẫn chưa hết phấn khởi, nói rằng mẹ và em trai đang ở trong bệnh viện, còn bảo cô về nhà nấu canh mang vào cho mẹ ăn. Buổi tối ngày hôm đó, lần đầu tiên cô nhìn thấy em trai mình. Nói thật, cô cảm thấy đứa trẻ nhăn nhăn nhúm nhúm đó rất xấu. Cô cũng nhận thấy một cách rõ ràng rằng, cha mẹ đối xử với cô và em trai không giống nhau.
Cùng với việc em trai ngày một lớn, cô càng cảm nhận được sự khác biệt về vị trí của mình và em trai trong lòng cha mẹ nuôi, cô là người ngoài trong gia đình này. Mọi sự chú ý của cha mẹ dường như đều dành cho em trai, chỉ cần em khóc một tiếng cũng khiến cha mẹ đau lòng vô cùng. Không phải họ đối xử không tốt với cô, nhưng trong sự quan tâm vẫn có chút gì đó khách sáo.
Cha mẹ đối với em trai thường là phục tùng vô điều kiện, chăm sóc tỉ mỉ từng li từng tí. Những thứ em trai cần hay không cần, họ đều chuẩn bị sẵn cho em, không để em phải chịu bất kỳ sự ấm ức nào. Còn đối với Lạc Trần, hoàn toàn chỉ là làm cho tròn bổn phận mà thôi. Nhớ đến đứa con vừa mới ra đời, cũng sẽ nhớ đến việc mình còn có một cô con gái cũng có nhu cầu, nhưng những thứ họ mua về đều là những thứ em trai thích ăn, đồ chơi cũng là những thứ em trai thích chơi. Lạc Trần đoán rằng, cho dù là cha mẹ ruột, khi sinh được đứa em trai như thế này cũng sẽ yêu thương chăm sóc em và lơ là cô hơn, huống hồ cô lại chỉ là con nuôi. Vì thế, dần dần cô cũng không để ý nữa, ngược lại còn dốc lòng dốc sức giúp cha mẹ chăm sóc em, xem như trả chút nợ ân tình với họ.
Thành tích học tập của Lạc Trần rất tốt, lần nào cô cũng đứng nhất lớp, cha mẹ hoàn toàn không phải lo lắng về việc học hành của cô.
Em trai đều do một tay cô chăm sóc, vì vậy thời gian hai chị em ở bên nhau cũng nhiều hơn, thỉnh thoảng cô còn giảng bài cho em, giống như cô giáo vậy.
Tên của em trai cũng là do Lạc Trần đặt, khi đó mẹ có hỏi cô rằng nên đặt tên em là gì, cô nhớ tới một từ mà mình đã từng đọc trong cuốn sách nào đó, là Lạc Nhạn Bình Sa, cảm thấy rất có khí chất, giống như đại hiệp vậy, vì thế mới trả lời mẹ rằng đặt tên là Lạc Sa có được không? Mẹ nuôi nghĩ một lúc, Lạc Trần và Lạc Sa, gọi tên thôi cũng biết đấy là hai chị em, mà lại nghe rất văn vẻ nữa chứ, thế là dùng luôn tên đó. Vì vậy, Lạc Trần gọi em trai là Sa Sa, em trai gọi cô là Trần Trần. Rất nhiều người sau khi nghe hai chị em họ gọi nhau đã nói tên bị đặt ngược rồi, sao con trai lại đặt tên con gái, còn con gái lại đặt tên con trai thế kia. Cha mẹ nuôi đều không phải là dạng hay tính toán xét nét nên cũng cười cười cho qua.
Vì cha mẹ nuôi rất bận nên em trai đều do một tay Lạc Trần chăm sóc, lúc còn nhỏ thì hằng ngày cô đều đưa em tới nhà trẻ, hết giờ học lại đến đón em về. Trường em trai học cũng là trường cô từng học trước kia. Vừa nhắc đến Lạc Trần, các thầy cô giáo đều biết cô là một học sinh thông minh nhưng ít nói, thành tích học tập luôn luôn đứng đầu lớp. Vì vậy, em trai cô rất tự hào, lúc nào cũng bám lấy, khen cô giỏi.
Đôi khi Lạc Trần nghĩ, dù thế nào thì bên cạnh cô cũng đã có một người thân.
Em trai thường rất nghe lời, hiểu chuyện, đương nhiên cũng có lúc đưa ra những yêu cầu vô lý, ôm lấy cổ cô làm nũng. Đa phần cô đều đáp ứng tất cả những yêu cầu của em, cô cảm thấy bản thân không có được một tuổi thơ hạnh phúc nên càng đặc biệt yêu thương và bao dung đối với đứa em trai luôn ỷ lại vào mình này.
Lạc Trần đã cố gắng sống như thế, cuối cùng cũng đợi được tới ngày cô vào đại học. Không phải vì cuộc sống quá khó khăn, mà vì cô mong muốn sớm được đi bằng chính đôi chân mình. Thi đỗ đại học C, cuộc sống mới của Lạc Trần tràn đầy hy vọng. Chỉ cần hằng năm cô đều có học bổng, vấn đề học phí coi như đã được giải quyết. Còn sinh hoạt phí, cô có thể đi làm gia sư kiếm tiền. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô sẽ tìm cho mình một công việc, giảm bớt gánh nặng trong gia đình, để em trai có cơ hội được học ở trường tốt nhất, có được sự giáo dục tiên tiến nhất.
Hôm đi đăng kí nhập học về, cô tràn đầy niềm vui và hy vọng là thế, nhưng cuối cùng, tất cả đã vỡ vụn sau một tai họa đột ngột.
Cha mẹ nuôi bị tai nạn giao thông, cả hai đều tử vong. Lại một lần nữa trở thành cô nhi, Lạc Trần không thể hiểu được lòng mình có cảm giác gì. Sau khi hỏi rõ sự tình, cô chỉ còn biết dựa vào bản năng để thu xếp mọi việc.
An ủi em trai, ép nó ăn cơm, ép nó ngủ, cô cũng ép bản thân mình phải ăn một ít, sau đó ngồi thần ra ở sofa.
Cho tới tận khi có vài họ hàng tới, người đến người đi lo liệu hậu sự, xử lý công việc, Lạc Trần vẫn ngồi ngẩn ra như thế, cảm thấy mọi người xung quanh hình như đều đang nói, nhưng cô lại không nghe thấy bất cứ điều gì.
Khi mọi việc được thu xếp xong thì đã là ba ngày sau. Thời gian này, Lạc Trần tham gia tang lễ trong tâm trạng vô cùng hoang mang. Lạc Sa mới mười hai tuổi, vừa vào trung học. Cậu là đứa trẻ hiểu chuyện, lúc nhận được tin cha mẹ qua đời, phản ứng đầu tiên là không chịu tin, nhưng đi nhận thi thể về rồi thì nhất quyết không nói một lời nào nữa, nén chặt mọi thứ ở trong lòng. Lạc Trần chỉ còn biết khóc thầm, cô không gào khóc thảm thiết không có nghĩa là cô không đau đớn, nhưng điều khiến cô phải suy nghĩ nhiều hơn chính là sau này phải sống thế nào đây.
Năm nay cô mười tám tuổi, vừa vào đại học, cuộc sống của em trai vẫn cần cô chăm sóc lo liệu. Học phí, sinh hoạt phí, cái gì cũng cần đến tiền.
Tai nạn mà cha mẹ nuôi gặp không phải là tai nạn xe bình thường, phải nói là, họ đã bị người ta mưu sát.
Sáng sớm họ đã ra khỏi nhà sang tỉnh khác để lấy hàng. Xe mà họ đi là xe đã bao trọn gói, trên xe hầu hết đều là những người buôn bán nhỏ, để thuận tiện cho công việc, họ mang theo toàn tiền mặt.
Cha mẹ không chỉ mang theo tiền hàng của nhà mình mà còn lấy giúp nhà khác, trong người cũng phải có đến mấy chục vạn tiền hàng. Bởi vì mang theo nhiều tiền, việc đi lại được hai người giấu kín, chỉ những ai có quan hệ đặc biệt thân thiết mới được biết. Nhưng trên xe không chỉ có mình họ, còn có những thương nhân khác. Trên đường đã xảy ra chuyện gì cụ thể thì Lạc Trần không rõ, tin tức mà cô nhận được là toàn bộ tiền hàng của những người ngồi trên xe đều biến mất, tính sơ sơ cũng đến một, hai trăm vạn. Cả chiếc xe đã lao xuống vực, không một ai sống sót, kể cả lái xe.
Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, nhưng người sống thì vẫn cứ phải sống. Lúc cha mẹ nhận đi lấy hàng thay cho người ta, ai đã đưa tiền đều có ghi biên lai, người ta đâu vì thấy nhà họ Lăng xảy ra thảm án mà không đến đòi tiền. Đối với tiểu thương mà nói, mấy chục vạn chẳng phải con số nhỏ. Do đó, tang lễ vừa kết thúc đã có mấy người mà Lạc Trần nhìn rất quen đến nhà đòi nợ. Lạc Trần biết tiền tiết kiệm trong nhà được cất ở đâu, cha mẹ nuôi không coi cô là người ngoài, ngược lại còn xem cô như người lớn, nuôi dạy cô biết sống tự lập, có khả năng giải quyết vấn đề. Món nợ của mấy người cộng lại, tổng cộng thiếu của người ta hơn năm mươi vạn. Tiền tiết kiệm của cha mẹ chỉ có năm vạn, để dành cho hai chị em ăn học, đều là do cha mẹ phải đầu tắt mặt tối sớm hôm mới có được. Ngoài ra còn có một ít tiền mặt dùng để luân chuyển thì cha mẹ đã mang theo nên cũng bị mất hết trong tai nạn đó.
Có một người nói sẽ nhận mua lại hàng tồn và cửa hàng hiện tại với giá mười vạn, coi như là đã trả xong nợ cho người ta. Căn hộ tuy nhỏ, nhưng lại ở vị trí khá đẹp, nếu đem bán cũng đáng giá mười lăm vạn. Nhưng cho dù làm vậy cũng không đủ để trả hết nợ, mà hai chị em lại không có nhà để ở.
Ông bà nội ngoại đều đã qua đời từ lâu. Cha nuôi hình như còn có một người anh trai ở nơi khác nhưng cũng đã lâu không qua lại, lần này có nhờ người báo tin cũng chẳng thấy ông ta đến. Những người họ hàng tới giúp cô hiện giờ đều là họ hàng xa, nhà xảy ra chuyện họ có thể tới giúp, nhưng khi biết gia đình cô mắc nợ ngập đầu như thế, lập tức đã không còn thấy bóng dáng người nào nữa. Còn hàng xóm bên cạnh thì ai cũng thương cô ngoan ngoãn và em trai đáng yêu, họ đều rất muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm.
Lạc Trần lặng lẽ ngồi trên giường tính toán tài sản trong nhà, cô nghĩ có thể sẽ cho thuê căn hộ của gia đình, rồi hai chị em thuê một căn hộ khác nhỏ hơn, số tiền chênh lệch đó một phần trích ra để trả nợ, một phần để lo cho cuộc sống của hai chị em cô.
Lạc Trần đã từng sống trong cô nhi viện, dù thế nào cô cũng không thể để em mình phải vào đó chịu tội. Từ lúc nhận được tin dữ, cô chưa từng có suy nghĩ sẽ sống tách khỏi em trai. Đến tận bây giờ Lạc Sa vẫn chưa chịu nói gì, nhưng hình như cậu rất sợ ở một mình, lúc nào cũng đi theo sau Lạc Trần, không bao giờ để cô ra khỏi tầm nhìn, đi ngủ cũng nắm chặt tay cô mà ngủ.
Cha mẹ nuôi mất đi không chỉ khiến Lạc Trần đau đớn, mà còn khiến cô không biết phải sống trong những ngày tiếp theo thế nào. Cô tự an ủi mình rằng: nhất định sẽ có cách, ngày mai tới nơi mẹ bán hàng, tìm mấy chủ nợ xem có thể thương lượng được không. Số tiền và hàng còn trong tay phải trả cho ai trước vẫn chưa quyết định được, tất cả những việc này đợi đến ngày mai hãy tính.
Lạc Trần nhìn cậu em trai phải khó khăn lắm mới có thể ngủ say, tự dưng trong lòng thấy thật xót xa: “Lạc Sa còn cần mình, mình phải can đảm lên mới có thể chăm sóc cho em ấy”.
Cô đứng dậy, muốn rút tay ra đi tắm rửa, chợp mắt một lúc trước khi trời sáng nhưng Lạc Sa nắm chặt quá. Lạc Trần thấy em dường như tin tưởng dựa dẫm, xem tay cô như cây gậy dẫn đường thì bất giác mỉm cười, dùng bàn tay kia xoa đầu cậu nhóc rồi dựa vào người Lạc Sa, nhắm mắt nghỉ ngơi một lúc.