Tôi của hiện tại thật sự không phải là người sẽ ngồi ôm gối co ro ở sau sân trường như năm đó nữa.
Nhưng mà lúc mười sáu tuổi, tôi thực sự đã từng làm như thế.
Một mình chui vào một góc sau trường, tay ôm gối, đầu gục vào tay, vai run lên từng đợt, từng đợt buồn khổ. Bây giờ nghĩ lại, cảm thấy chuyện năm đó thực ra cũng không có gì, mấy lời ác ý, vài ánh mắt chà đạp – thời đi học số người phải trải qua chuyện này thực sự không ít. Nhưng mà khi đó hẳn là rất cô độc, rất uất ức, cũng rất đau lòng. Đau lòng đến nỗi không thể nói thành lời, cũng không muốn phản kháng lại, chỉ có thể cuộn người ở một nơi không ai thấy. Hốc cầu thang nhỏ ở giữa hai tòa nhà, trốn ở đó có thể nghe được tiếng người chơi bóng rổ ở sân thể dục kế bên, nhưng mà sẽ chẳng bị ai nhìn thấy.
Không rõ lúc đó tôi có mong muốn được ai đó nhìn thấy hay không. Chắc là cũng có hy vọng ai đó sẽ đến thương mình. Nhưng mà một học kỳ lớp mười, trốn như thế mấy lần, cũng chẳng ai phát hiện ra. Lâu dầu về sau, cảm thấy có thể lặng lẽ một mình ở nơi đó cũng đã tốt lắm rồi.
Nhưng mà khi tôi đã buông bỏ mọi hy vọng như thế, thì Thành Nhất lại chẳng rõ vì sao đi ngang qua nơi ấy. Lúc đó là đầu hè, cũng sắp vào mùa thi, trong kí ức của tôi, Thành Nhất dường như đang trên đường đến thư viện như vậy, trên tay vẫn còn ôm mấy cuốn sách. Ai đó gọi lớn lên.
“Nè, lượm giùm trái bóng đi bạn!”
Trái bóng rổ lăn đến con đường nhỏ bình thường ít ai lui tới, Thành Nhất đứng ở gần hơn, cũng không ngại nhặt giúp bọn họ. Nhưng bởi vì vậy, lại nhìn thấy tôi. Ném trái bóng trở về rồi thì không theo đường cũ băng qua sân, mà lại bước theo lối nhỏ đến chỗ tôi.
Từ lúc trái bóng vô tình lăn đến, tôi đã giật mình đầy cảnh giác, rồi khi thấy có người xuất hiện trong tầm nhìn, lại còn đi về phía mình, thì càng muốn úp đầu sâu hơn vào tay, cứ như thể làm vậy, anh ta sẽ không nhìn thấy tôi.
Nhưng mà tiếng bước chân quả thật mỗi lúc một gần. Nhiều năm về sau, tôi cũng chưa từng quên tiếng bước chân của Thành Nhất. Chậm rãi, đều đặn, bước dần đến trước mặt tôi.
“Bạn à, bạn có sao không?”
Giọng nói của Thành Nhất cũng nhẹ nhàng vô cùng, lúc nói tốc độ có hơi nhanh một chút, nhưng mỗi thanh âm đều rất rõ, rất dễ nghe. Hoặc cũng có thể là trong kí ức của tôi, giọng nói đó đã được bao phủ bởi hoài niệm, vì vậy mà càng trở nên ấm áp.
*
Bài đăng mới nhất của Thành Nhất là một video quảng cáo cho sự kiện mà anh ấy sắp tham gia. Lúc này cũng là mùa hè, dường như Thành Nhất sắp dự một chương trình dành cho học sinh và sinh viên, bởi vậy mà lúc làm video tuyên truyền cũng mặc trên mình áo trắng. Dù rằng kiểu tóc đã khác, gương mặt cũng già dặn hơn, nhưng quả thực chỉ nhìn liền sẽ nhận ra người của năm đó. Khí chất dịu dàng quá đỗi rõ rệt, qua năm tháng cũng chưa từng thay đổi.
Giọng nói có lẽ là trầm hơn một chút, tôi cũng không rõ, dù sao lần cuối cùng nghe thấy đã là mười năm trước rồi, mà cũng chỉ nghe có mấy câu thôi... Lần đó trong sân trường, Thành Nhất nói với tôi bằng giọng Vũ Hán, mà giọng trong video đương nhiên hơi khác một chút – nếu mà cứ cố gắng nói tiếng phổ thông bằng giọng quê nhà, cũng chẳng ai nghe hiểu được.
Anh ấy nói, các bạn học sinh, tôi rất mong đợi lần gặp sắp tới với các bạn, vì tôi có nhiều điều muốn nói với các bạn lắm. Anh ấy nói, trời bây giờ nóng lắm, các bạn nhớ chú ý bảo vệ thân thể, đừng để bị cảm nắng nhé. Video còn chưa tới một phút, nhưng không cần xem bình luận cũng biết phía dưới có bao nhiêu thiếu nữ đã cảm nắng Thành Nhất rồi.
Nghĩ như vậy, liền có cảm giác buồn đến vô hạn. Tôi buông điện thoại xuống, khẽ nhắm mắt lại. Mười năm qua, kỷ niệm bé nhỏ về anh vẫn luôn vỗ về tôi, dù rằng đã sớm chấp nhận chuyện sẽ chẳng còn gặp lại, thì vẫn cứ ôm ấp sự dịu dàng thoáng qua khi đó để mà hồi tưởng những lúc mệt nhoài.
Sự ấm áp của riêng tôi, giờ đã là mộng tưởng của bao nhiêu người khác rồi.
Cảm giác mất mát lớn lao ấy không sao diễn tả nỗi thành lời.
Dù sao tôi vốn cũng không nói chuyện với ai, vậy thì, không thể diễn tả cũng chẳng phải là việc gì tệ lắm.
*
Tôi ở Vũ Hán mấy ngày, cũng không gặp ai, chẳng có bạn bè gì ở thành phố này. Đi học từ nhỏ tới lớn đều là loại trẻ con rất khó kết bạn, cũng không muốn kết bạn.
Ngày ngày đều ở nhà, ngoại trừ thời gian luyện tập thể lực, cũng chỉ phụ giúp mẹ nấu ăn, lên mạng đọc truyện. Tôi ít nói chuyện với ba, từ nhỏ đã khắc khẩu, ít nói câu nào thì tốt câu nấy. Nhưng tới ngày thứ ba, có người ghé qua nhà chơi, nói nói mấy câu lại khiến cho ông phiền lòng. Người đó đi rồi, ông đến gặp tôi nói.
“Con không nghĩ tới đi làm nghề gì đàng hoàng ổn định hơn à?”
Thành tích lúc đi học của tôi khá tốt. Hoặc đúng hơn là rất tốt. Lúc vào đại học cũng là đại học Bắc Kinh. Tốt nghiệp cũng tốt nốt. Đi làm cũng là làm công ty lớn, lương cao – dường như khiến ba mẹ tôi rất tự hào. Vì vậy chuyện tôi bỏ việc đi làm huấn luyện viên thể hình khiến cho cả ba và mẹ đều thất vọng. Ba tôi thậm chí còn thấy xấu hổ với những người khác.
Chỉ có điều, thực sự vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời buồn tẻ của mình, tôi đã thấy quá mệt mỏi với con đường vừa chẳng dễ đi lại vừa chẳng có gì hấp dẫn đó. Ngoại trừ một chút sĩ diện hão và thu nhập tốt một chút, tiếp tục làm việc như vậy có gì hay đâu? Mỗi buổi sáng đều không muốn đi làm, thật sự có gì vui đâu?
Mấy năm đó tiền kiếm được chẳng biết làm gì, ngoại trừ gửi cho ba mẹ, ngoại trừ mấy khoản chi tiêu cần thiết, đều bỏ vào tập luyện. Lúc đó cũng chỉ vì cạnh nhà có phòng tập mới khai trương, mở cửa đến tận một giờ sáng. Mỗi lần làm việc đến chín, mười giờ tối trở về, chỉ muốn vào đó. Công việc áp lực nặng nề, đến trong giấc ngủ cũng nhìn thấy chỉ tiêu doanh thu hiện lên trước mặt, nghe thấy tiếng cãi vã vì tranh giành khách hàng, nhớ lại những nụ cười giả trá mệt mỏi. Chỉ có mấy tiếng tập luyện là thân thể đổ mồ hôi liên tục, đầu óc trống rỗng, vì vậy mà yên tĩnh.
Nên cuối cùng cũng đến một ngày tôi từ bỏ công việc cũ, chỉ vùi mình ở phòng tập thể hình. Có lẽ không có cha mẹ nào vui vì chuyện đó.
Nhưng mà cơ hồ từ đó về sau, tôi ngủ chưa từng gặp ác mộng về công việc một lần nào nữa.
*
Tôi không muốn cãi nhau với ba, bèn ra ngoài chạy bộ. Đường phố ở Vũ Hán vẫn luôn rất thích hợp để chạy bộ, nhất là vào mùa hè, lúc sinh viên đã nghỉ học, trên vỉa hè ít hẳn xe đạp, lối đi bộ không còn thường bị lấn nữa. Tôi chạy một vòng quanh mấy con đường gần nhà, lúc dừng ở trạm xe buýt, chợt thấy Thành Nhất trên tấm poster quảng cáo trên trạm. Anh mặc đồ thể thao, quảng cáo nước uống giải nhiệt mùa hè. Nụ cười tươi tắn dưới tán cây xanh, thực sự là một cảnh tượng đẹp đẽ. Tôi lấy khăn lau mồ hôi trên trán và trên tay, lại tới gần tấm poster đó, đưa tay chạm lên hình chai nước mà anh cầm trên tay.
Năm đó chẳng nói với anh được mấy câu, trong lễ tốt nghiệp của khóa anh học, cũng chỉ đứng trên lầu nhìn xuống, nhìn anh đứng lẫn trong đám đông đang hát một bài hát chia xa. Cái gọi là thầm thương trộm nhớ, quả thật là quá đỗi lặng thầm. Không tặng anh một món quà nào, không chạy đến nói một câu “Anh Thành Nhất, tạm biệt” hay là “Anh Thành Nhất, thi tốt”. Hoàn toàn chỉ là đứng từ xa mà nhìn, cho đến lúc anh rời khỏi sân trường.
Rõ ràng là thích đến như vậy, lại chưa từng thử vươn tay ra. Mười năm sau cũng chỉ có thể chạm vào một tấm ảnh mà thôi...
Nhưng mà nhìn mối tình đơn phương của mình trở thành mối tình đơn phương của hàng triệu người, quả thật là... không cam lòng.
***
Quân Hy: Có rất nhiều khoảnh khắc, vì đã không làm một việc gì đó, tôi luôn thấy hối hận về sau. Không biết các bạn có từng trải qua cảm giác như vậy không?
Nhân vật chính trong truyện làm nghề huấn luyện viên thể hình cá nhân, từ chương tiếp theo sẽ dùng từ PT để thay thế (Personal Trainer).