Người trước mặt thấy mặt Quỳnh ngây ra, vội gọi tiếng vài tiếng cô nương. Nghe thanh âm ấm áp từ chàng, Quỳnh mới như bừng tỉnh, ngượng ngùng nói lời xin lỗi, giọng thỏ thẻ như chú chim non.
Chàng mỉm cười, hỏi Quỳnh rằng chàng có thể ngồi bên cạnh được không. Quỳnh vội vã gật đầu, lát sau lại nhận ra hành động của mình thật ngốc quá.
Cảm giác ấm áp từ người trong mộng đang ở ngay bên cạnh, Quỳnh bồi hồi, không dám tin đó là sự thật. Phía xa xa là tiếng, tiếng ồn ào của người qua kẻ lại, bên cạnh, là giọng nói của người nàng thương.
Chàng nhẹ nhàng nói với Quỳnh về chuyện bỏ đi ngày hôm trước, về con mèo của bạn chàng mà nhờ Quỳnh mới tìm thấy được. Từ mấy câu chuyện của chàng, Quỳnh mới dần mở lời xua bớt cảm giác e thẹn, cất tiếng nói nhiều hơn.
Thì ra, chàng là người mới tới làng của Quỳnh gần đây, chuyên vẽ tranh chân dung. Chuyện này Quỳnh có biết. Dạo gần đây, trong làng bỗng trở nên nổi tiếng với chàng họa sĩ tài giỏi. Thậm chí quan huyện hay bất cứ nhà giàu nào cũng tìm đến để muốn chàng vẽ. Bao cô gái đã ngày đêm nhắc đến chàng, không chỉ vì tài năng mà còn vì gương mặt tuấn tú, ước mong chàng có thể một lần họa bức chân dung cho mình. Những tâm tư này, bây giờ Quỳnh mới cảm thấy giống mình làm sao. Chàng nói rằng vẽ tranh là thứ chàng yêu thích, chàng cảm thấy rất vui khi mọi người tìm đến chàng. Quỳnh cúi đầu thầm nghĩ, nếu mình cũng bảo chàng.. vẽ một bức cho mình thì, chàng có đồng ý không? Ý nghĩ vừa đến, Quỳnh tự động lắc đầu liên tục. Tất nhiên là không rồi, dù sao nàng và chàng vừa mới quen biết, không đời nào chàng lại làm chuyện điên rồ như vậy.
Cả hai nói biết bao nhiêu chuyện, mỗi khi nghe chàng nói đến điều gì hài hước, Quỳnh lại bật cười, tiếng cười ngọt ngào tự nhiên của người thiếu nữ như thứ gì đó gãi vào lòng người nghe. Khi nghe nàng nói chuyện, chàng đều nhìn chăm chú, tập trung vào từng lời Quỳnh nói khiến nàng ngượng đỏ cả mặt. Mãi cho đến khi không biết từ lúc nào, tiếng người phía xa đã vãng, ánh chiều tà chiếu trên con đường đất phía trước, Quỳnh mới buồn bã nhận ra đã đến lúc tạm biệt. Ở bên chàng mới vui làm sao, cảm giác như chỉ mới ngồi bên nhau có một chút thôi dù nửa ngày đã trôi qua. Để ý thấy vẻ mặt của Quỳnh, chàng nhìn trời cũng đã trễ, cho rằng bản thân thất lễ, chàng liền đứng lên.
Trong lòng Quỳnh cứ mãi bồn chồn, hối thúc nàng nói lên câu hỏi mà ngày đó đã vụt mất. Lòng bảo dạ, nếu lần này còn không nói ra sợ rằng sẽ không còn gặp lại nhau mất. Và rồi Quỳnh đứng bật dậy, nhìn thẳng vào chàng và hỏi:
"Có, có thể.. tôi có thể được biết tên chàng không?"
Chàng nhìn mặt nàng rơm rớm như muốn khóc, lại tựa như thở phào ra mà bật cười. Quỳnh nghe rõ giọng chàng vang bên tai, đi vào trái tim nàng và mãi mãi trở thành thứ âm thanh ngủ yên trong đó.
"Là ta lỗ mãng, không giới thiệu với cô nương, ta họ Trần tên Trang"
Trần Trang, Quỳnh đọc thầm lại hai lần. Lần một là lẩm bẩm trong miệng, lần hai là lời thì thầm trong tim.
Trần Trang, là tên chàng.
Chưa kịp mừng rỡ, chàng đã để lại câu nói tiếp theo trước khi rời đi, trở thành lý do khiến nhiều đêm về sau của Quỳnh đều trằn trọc không yên giấc.
"Ta luôn mong có thể gặp lại nàng lần nữa."
* * *
Ngày qua ngày, Quỳnh sống trong thấp thỏm chờ đợi. Đêm nào Quỳnh cũng ngước lên trời, cầu xin thần linh lắng nghe tiếng lòng chàng có giống với nàng không. Quỳnh không dám tham lam nghĩ chàng cũng thích mình, nhưng nhớ lại ngày hôm đó, lòng Quỳnh lại không ngừng vui sướng và nghĩ đến cuộc hội ngộ kế tiếp sẽ như thế nào.
Từ khi biết được chàng là danh họa và nhà ở cuối làng, sáng nào Quỳnh cũng cố tình đi đường vòng ra chợ, ngang qua căn nhà màu xanh nhạt ấy sẽ giả vờ liếc mắt vào trong, định bụng nếu thấy bóng dáng chàng là nàng sẽ chạy biến đi ngay.
Nhưng kì lạ, dù Quỳnh đã làm đủ cách, cũng chưa gặp lại chàng từ hôm đó bao giờ. Vậy đó, thứ gieo rắc trong lòng nàng ngày một thành hình, ngày một lớn dù chưa từng có đáp án rõ ràng.
* * *
Quỳnh chỉ sống một mình, trong căn nhà tương đối lớn do mẹ để lại. Nhiều người thắc mắc, gia đình Quỳnh ở đâu, làm nghề gì mà giàu có đến mức cho hẳn người con gái chưa gả chồng cả một căn nhà. Có người đồn Quỳnh là vợ lẽ của một vị quan nào đó, họ để Quỳnh ở nơi này để kín đáo gặp riêng với nhau. Vô số lời đồn đãi về Quỳnh, nàng nghe hết nhưng chỉ cười nhạt rồi thôi. Mà có khi cũng vì nàng không biết chối cãi như thế nào.
Mọi người chỉ đoán trúng một nửa, bởi người là vợ lẽ trong lời đồn là mẹ Quỳnh, chứ không phải Quỳnh.
Người cha này của Quỳnh có lẽ là người giàu có, nhưng cha đã bỏ rơi mẹ con Quỳnh ở nơi này. Nhớ những ngày mẹ còn sống, Quỳnh thường nghe mẹ kể về kinh thành, về xe ngựa kiệu hoa, về người đàn ông trong cuộc đời mẹ. Nhưng dừng lại trong đầu Quỳnh mãi mãi là hình ảnh mẹ thoi thóp nằm trên giường bệnh, miệng trào máu cũng luôn nhắc nàng cả đời này không được yêu ai. Quỳnh đã luôn muốn hỏi, mẹ ơi, liệu lời nói đợi cha trở về đoàn tụ là lời nói dối đúng không? Mẹ bảo sẽ luôn bên cạnh con suốt đời, cũng là lừa gạt đúng không? Và khi mẹ bảo cha rất yêu hai mẹ con mình, thế tình yêu là gì mà bây giờ mẹ lại khóc vậy mẹ? Quỳnh lúc sáu tuổi, đã ôm xác mẹ và bỏ ngỏ những câu hỏi đó.
Qua thời gian, những hình ảnh về mẹ, những câu hỏi trong Quỳnh bây giờ cũng phai mờ, duy chỉ có lời dặn sau cùng của mẹ in đậm trong lòng.
Quỳnh không biết tình yêu là gì. Quỳnh cho rằng, chỉ cần là người luôn bên Quỳnh, không bỏ rơi nàng như cha từng đối xử với mẹ, đó chính là tình yêu. Và từ lúc nào, Quỳnh đã vô tình đặt niềm tin đầu đời ấy vào chàng, người đã sưởi ấm trái tim cô đơn của Quỳnh.