Phan Quý choáng người không hiểu ra sao, định tâm nhìn lại thì thấy người đó là một lão già một mắt đã chột, đầu tóc bơ phờ, mình mặc xống áo rách rưới, tay cầm một cái ống sáo con con, tựa như một đứa ăn mày đói rách. Phan Quý liền hỏi:
- Anh này là người hay ma, sao lại hiện tới đây kinh như vậy?
Lão già nghe hỏi, cười toét mồm ra mà rằng:
- Ta đây là ông tổ nhà anh, anh có biết không?
Phan Quý nghe dứt lời, nổi giận đùng đùng, thét lên một tiếng, liền vất Vu Anh xuống thuyền, rồi giơ ngay tay quyền ra để đánh lão già. Lão già thấy Phan Quý sấn đánh thì cười sằng sặc lên mà rằng:
- Được lắm! Con cháu lại đánh ông tổ phải không!
Nói đoạn liền giơ hai ngón tay khẽ bắt lấy Phan Quý và khẽ đẩy cho một cái thì Phan Quý bắn hẳn người ra, ngã lăn xuống sông đến tõm một cái, chìm lỉm hẳn đi.
Phan Quý giẫy giụa dưới nước một lúc, khi ngoi lên được mặt nước thì lão già lại cầm cây sáo trỏ vào một cái thì lại thấy tựa như có người dìm xuống rồi lại chìm nghỉm hẳn đi. Như thế tới ba bốn lượt thì Phan Quý hết sức, không thể ngoi lên được nữa, đành chịu chôn thân ở dưới lòng sông.
Lúc đó Vu Anh đứng ở mũi thuyền trông thấy, biết ngay ông già là một người cứu mạng cho mình, chàng bèn quỳ xuống vái lạy mà rằng:
- Trăm lạy cụ, xin cụ cứu mạng cho con, không thì con không sống được.
Lão già gật gật cười cười bảo Vu Anh rằng:
- Con không sợ nữa, ta đã giết chết nó ở dưới đáy sông kia rồi. Vừa rồi ta đứng trên bờ ta nghe nó nói, biết là nó định hại con, cho nên ta mới xuống đây cứu cho con sống mà giết giống tàn ác ấy đi, vậy đầu đuôi chuyện con thế nào, con nên kể ra cho ta được biết.
Vu Anh bèn đem chuyện bố mẹ bị chết oan và nông nỗi của mình thuật lại cho ông già nghe một lượt. Ông già nghe đoạn, nhân cười bảo Vu Anh rằng:
- Câu chuyện của con ta nghe như thế hiện nay con còn bé nhỏ, vả chăng tiền nong không có, con muốn kêu với quan tư mà báo thù cho cha mẹ thì ai đã xét cho con. Vậy chi bằng con hãy theo ta, ta dạy cho con mấy năm võ nghệ, bao giờ con giỏi hơn người, bấy giờ sẽ ra tay trả thù cho bố mẹ, như thế có ổn hơn không!
Vu Anh nghe nói, biết chắc ông già là tay tài giỏi, bèn vái lạy vâng xin theo lời lập tức. Người ấy cũng lấy làm vui mừng, bèn chèo thuyền vào bến, dắt cho Vu Anh lên nhà, thu làm đồ đệ và ra tâm dạy cho các ngón võ nghệ từ đấy.
Người ấy nguyên là một tay đại bợm trong đám trộm cướp khi xưa vì chàng ta chột mất một mắt, cho nên đi tới đâu người ta cũng gọi là Độc Nhởn Long Triệu Lục Bình. Lục Bình vốn có bản lĩnh cũng khá, các ngón thủy công và bộ công đều có luyện tập đã lâu. Trước đây trong 40 năm trời, Lục Bình đứng vào một chân rất giỏi trong đám ăn sương, song cũng chỉ chuyên cướp bóc những của phi nghĩa, chứ không hề động tới những người lương thiện bao giờ.
Vào hồi ba bốn năm trước đây, danh tiếng của Lục Bình còn đương lừng lẫy, những tay thủy thủ thuộc quyền dưới trướng có tới hơn 2000 người và thống suất tới mấy chục chiếc chiến thuyền rất lớn, vẫn thường tung hoành trên các mặt bể mặt sông, đi tới đâu không ai dám ho he đến.
Có một hôm kia, Lục Bình tụ họp tất cả hơn 20 chiếc chiến thuyền và hơn hai nghìn thủy thủ ra giữa mặt bể thao diễn luyện tập, uy thế ầm ầm, các thuyền buôn lớn nhỏ đi qua, thảy đều kinh sợ tránh dạt ra xa. Bấy giờ chợt đâu có một vị hòa thượng cưỡi một chiếc thuyền con tí, chỉ độ hai người ngồi vừa ở đâu xăm xăm chèo ra áp ngay vào bên cạnh một chiếc thuyền lớn, lấy giây buộc vào đó rồi nhảy tót lên.
Đám thủy quân trông thấy, đổ xô đến hỏi, song hòa thượng lẳng lặng chẳng nói chẳng rằng, cứ phăng phăng đi thẳng tới thuyền Lục Bình không ai ngăn cản lại được.
Lục Bình thấy nhà sư đến đó một cách đường đột như vậy thì cũng nghi ngờ kinh sợ, vội đứng tránh ra một nơi, thủ thế cẩn thận, rồi mới hỏi to lên rằng:
- Nhà sư ở đâu, có việc gì mà xông xáo đến đây như vậy.
Nhà sư lại lẳng lặng chẳng nói chẳng rằng, đi sấn ngay đến, ôm thốc lấy Lục Bình, mang thẳng xuống cái thuyền con, cởi dây thuyền ra, rồi chèo vút đi mất. Trong khi lão hòa thượng ẵm Lục Bình đi, Lục Bình thấy sức lực hòa thượng khỏe mạnh vô cùng, muốn cựa cũng không sao cựa được. Bởi thế nên bọn thủ hạ có nhiều kẻ cũng muốn lăm le xông vào can thiệp, song thấy Lục Bình lặng im không gọi, nên cũng không dám đả động đến chi.
Khi nhà sư đẩy thuyền chèo đi được một lúc thì bỗng dưng trong đám chiến thuyền của Lục Bình có một tiếng nổ lên rất lớn, rồi có tới hơn 10 cái thuyền bị vỡ tung ra, đắm ngay xuống biển, và có tới hơn một nghìn thủy quân cũng bị chết đuối ở đó.
Nguyên trong đám đầu mục của Lục Bình, có một người tên là Thang Anh vốn là một tay gian dâm trí trá không theo kỷ luật.
Một hôm, Lục Bình nhân tra ra mấy việc Thang Anh hà hiếp phụ nữ lương dân, bèn hạ lệnh cho chém lập tức. Thang Anh bị chết đi rồi, còn có người em cũng theo Lục Bình ở đó. Người em Thang Anh thấy anh bị chém, đem lòng thù oán Lục Bình, nhưng không làm sao được, bèn lập kế đặt thuốc nổ ở dưới đáy một cái thuyền to ở giữa, rồi chờ lúc thao diễn thủy quân thì đốt thuốc cho nổ lên để toan giết hại Lục Bình. Bất ngờ Triệu Lục Bình lại được nhà sư đến cứu mang đi, cho nên Lục Bình thì không việc gì, mà chính người đốt thuốc kia thì lại bị thiệt mất thân, sau đó nhà sư kia mang Lục Bình về tới một cái đảo ở ngay giữa bể, liền cấp Lục Bình lên bờ, rồi bảo việc kia cho Lục Bình biết. Lục Bình lúc đó mới hiểu thấu căn nguyên, vội vàng cúi lạy cảm tạ nhà sư.
Nhà sư thấy vậy, nâng Lục Bình dậy, cười mà bảo rằng:
- Đại vương xưa nay cứu vớt bao người, vậy ai có biết cảm ơn Đại vương, mà Đại vương cảm ơn tôi như vậy? Nhà lão tôi hiện ở gần đây, xin mời Đại vương lên chơi một lát, tôi có câu chuyện muốn nói ngài nghe.
Lục Bình vâng lời theo lão hòa thượng lên một ngôi nhà tranh ở trên ngọn đảo. Khi lên tới nơi, lão hòa thượng bèn mời Lục Bình vào chơi.
Lục Bình cung kính hỏi lão hòa thượng rằng:
- Đại sư có lòng cứu vớt cho tôi như vậy, thực tôi thêm phục tấm lòng nghĩa hiệp của đại sư. Song chẳng hay người đây pháp hiệu là gì, xin cho tôi biết, để sau đây may ra có phen tôi còn lại được chiêm bái uy phong.
Lão hòa thượng cười nói mà rằng:
- Chẳng giấu ngài, tôi đây chính là Ngộ Nhất Thượng nhân, tu hành ở đây đã lâu, chắc chắn các ngài cũng biết...
Lục Bình nghe dứt lời, vội vàng đứng dậy lạy chào lượt nữa, và nói:
- Hóa ra chính ngài là Vô Lượng Thọ Phật Ngộ Nhất Thượng nhân, thế mà ngày nay chúng tôi mới được bái yết, thực là hân hạnh vô cùng. Chúng tôi vẫn được nghe tiếng đại sư là bậc cao thâm, đến nay mới biết quả nhiên như thế. Vậy chẳng hay cái kết quả của đời tôi sau này thế nào, đại sư có thể rộng ơn bảo giúp cho không?
Ngộ Nhất Thượng nhân nghe Lục Bình hỏi, liền cười khanh khách mà đáp rằng:
- Sự kết quả của đời đại vương, cần gì mà đại vương phải hỏi đến tôi. Đại vương nên biết trồng đậu thì được ăn đậu, trồng dưa thì được ăn dưa, cái kết quả của đời người thế nào, chỉ hỏi tự mình cũng biết, can chi phải hỏi người ngoài?
Lục Bình nghe dứt lời, dường như một người đương mê bỗng tỉnh, chàng bèn cúi đầu cung kính mà rằng:
- Đại sư dạy mấy lời đó, thực là ý nghĩa cao sâu, chúng tôi vâng xin lĩnh biết.
Ngộ Nhất Thượng nhân liền cười hỏi lại Lục Bình rằng:
- Đại vương đã hiểu như vậy thì bây giờ đại vương định ý ra sao? Đại vương về thủy trại, lão tôi xin đưa về thủy trại mà đại vương định về trên mặt đất thì lão tôi xin đưa về trên mặt đất...
Lục Bình nghe đoạn cười mà nói rằng:
- Theo lời đại sư vừa nói thì Triệu mỗ còn về thủy trại làm chi. Triệu mỗ xin thề trước mặt đại sư, từ đây trở đi, không khi nào Triệu mỗ lại làm cái nghề xưa nữa.
Ngộ Nhất Thượng nhân lắc đầu mà rằng:
- Cái đó có làm gì mà ngài phải thề ! Ngài làm nghề cũ hay không làm nghề cũ, là tùy ý ngài, lão tôi đâu dám hỏi đến... Nhưng ngài đã không muốn về thủy trại thì xin ngài đi xuống thuyền, tôi xin đưa ngài về tận bến kia.
Nói đoạn liền đứng dậy đưa Lục Bình xuống dưới chân đảo, hai người cùng trèo lên thuyền, rồi đưa thẳng vào trong bãi biển.
Khi vào tới bãi biển. Lục Bình vừa mới bước chân lên bờ, toan quay đầu lại để chào Ngộ Nhất Thượng nhân thì đã thấy cả thuyền lẫn người đều biến đi đâu mất cả. Lục Bình càng lấy làm kinh lạ và lại càng ngẫm nghĩ cảm phục những lời Thượng nhân đã nói. Chàng ta bèn lập tức về nhà, đem hết tài sản tích lũy từ xưa chia phát những người nghèo khó. Rồi chàng chỉ để lại mấy gian nhà lá và mấy mẫu ruộng xoàng để cho vợ con làm ăn đủ cùng no ấm với nhau. Còn chàng thì chỉ lang thang nay đây mai đó giả làm kẻ ăn mày, để cứu vớt người nghèo khó chứ không hề hỏi đến nghề nghiệp ngày xưa.
Hôm ấy cũng là một sự bất thần, Lục Bình đi qua chỗ bến lau, nhân thấy Phan Quí sắp giết Vu Anh, cho nên chàng ta cứu được Vu Anh, bèn đem về nhận làm đồ đệ và dạy cho các món võ nghệ quyền thuật. Vu Anh ở đó được 6 năm trời, các môn quyền thuật cũng vào một tay hơi khá. Một hôm Vu Anh nhân nghĩ đến đại cừu cha mẹ chưa trả được xong, bèn xin phép Lục Bình đi về Bắc Kinh để giết Phan Nhược Thủy. Lục Bình thấy Vu Anh bản lĩnh đã có phần tấn tới vả lại có bụng nhiệt thành như thế nên cũng ưng thuận cho đi và trao cho một thanh bảo kiếm để phòng vệ lấy thân. Vu Anh nhận được thanh kiếm bèn bái tạ Triệu Lục Bình, rồi một mình quay ra rảo bước về đất Bắc Kinh để tìm Phan Nhược Thủy.
Về phần Phan Nhược Thủy, sau khi đã đưa tiền cho Phan Quý rồi thì thấy công việc im bẵng hẳn đi, không hề một ai lai vãng.
Nhược Thủy lấy làm hơi ngờ trong bụng liền thân hành đến nhà Vương Nho Cát để hỏi dò tin tức. Mãi sau dò ra mới biết việc đó toàn là Phan Quý bịa đặt vu vơ, chứ Vương Nho Cát thực không biết tới. Phan Nhược Thủy nhân thế, cũng được thư tâm đỡ lo đôi chút.
Duy đối với Vu Anh, Nhược Thủy đoán chắc là Phan Quý đã bịa đặt chuyện kia để lấy tiền mình thì Vu Anh tất nhiên còn sống, mà sau này tất còn báo phục có phen. Bởi thế hắn phải nghĩ cách đề phòng lấy thân, bèn đón 8 lên giáo sư giỏi võ về nhà để ngày đêm trông coi hộ vệ.
Hôm ấy, Vu Anh tới nơi định giết Phan Nhược Thủy thì gặp ngay 1 tên giáo sư là Khương Á thoáng trông ngay thấy, Khương Á nguyên là một tay võ giỏi đất Sơn Đông, người ta vẫn gọi là Trấn Sơn Đông Khương Á xưa nay. Trấn Sơn Đông Khương Á thoạt khi trông thấy Vu Anh bò lom khom ở trên nóc nhà thì biết ngay là một hạng đáng ngờ, bèn vác thanh bội đao cũng nhảy lên mái nhà sấn đến để đánh. Vu Anh thấy vậy vội múa kiếm đánh lì. Rồi hai người cùng ra sức đấu nhau ở trên nóc nhà, hồi lâu không phân thắng phụ.
Được một lát lại có một viên giáo sư nữ là Thanh Diệu Thần Hồ Thạch Hoa cũng nghe tiếng chạy ra để đánh. Hồ Thạch Hoa vốn là người Sơn Âm, khiến cây giáng ma chử rất giỏi. Khi Hồ Thạch Hoa đi tuần phía nhà sau, thấy hai người đương đánh nhau ở trên nóc nhà, bèn nhảy vót ngay lên để giúp Khương Á cùng đánh Vu Anh. Vu Anh chống cự hai người, thanh kiếm múa lên loang loáng khiến cho Khương Á cùng Hồ Thạch Hoa đều ra sức chống đỡ mà cũng có cơ nguy hiểm đến nơi.
Khi hai người thấy thế lực đã hơi kém, bèn kêu dội lên để cầu người nữa đến cứu thì liền ngay lúc đó một người nửa là Quá Sơn Hổ Trương Tiến tay múa thanh kiếm Tang Môn nhảy lên đánh giúp. Vu Anh cũng vẫn đối địch với cả ba người, không hề chịu lép. Nhưng chỉ trong chốc lát thì lại có một người nữa là Ảo Thái Tuế La Chấn, tay cầm một khẩu Quỷ đầu đao sấn sổ nhảy lên, bốn người đều vây bọc để đánh Vu Anh.
Vu Anh thấy bọn họ đông người như vậy, nghĩ chừng cũng khó lòng mà báo thù cho được, chàng liền đổi ngay kiếm pháp, dùng theo lối kiếm Mai Hoa, múa đủ năm năm hai mươi nhăm ngọn, để đánh chống với bọn kia, và lựa thế tìm đường tháo chạy.
Bọn Khương Á không biết là Vu Anh dùng thuật, liền khi thấy chàng ta đổi sang lối kiếm Mai Hoa thì cả bốn người liền đổ dồn vào một mặt thục thân cố đánh.
Vu Anh thấy Khương Á đứng giữa trước mặt mình, chàng liền giơ kiếm đánh dứ một cái, làm cho Khương Á kinh sợ hoảng hồn, cúi rạp ngay mình xuống để tránh ngọn kiếm. Vu Anh thấy vậy liền nhảy một cái thật cao quá đầu bốn người sang hẳn mái nhà bên kia để chạy.
Không dè chàng vừa mới nhảy sang đến bên kia thì lại gặp ngay Phi Thiên Báo Tư Mã Đắc và Hoa Đao Lý Tam Hắc nhảy ra đón chặn lấy đường và quát lên rằng:
- Thằng giặc con kia, mày định trốn đâu cho thoát!
Nói dứt lời thì Tư Mã Đắc múa song tiên đánh lại phía trước và Lý Tam Hắc thì múa đan đan đánh ở một bên. Vu Anh thấy bọn họ lúc đó duy có hai người nên chàng cũng có ý coi thường, chỉ ung dung khẽ múa thanh kiếm và né mình tránh ngọn binh khí của họ, để liệu cơ sẽ chạy thoát đi.
Nhưng không ngờ chàng chưa kịp chạy thì bọn Khương Á, Hồ Thạch Hoa, La Trấn cùng Trương Tiến đã từ phía sau đuổi dồn cả đến. Vu Anh thấy thế, liền đứng riêng ra một bên vừa đánh vừa lùi và vừa đưa mắt và phía sau để nhìn địa thế.
Khi lùi được mấy bước, chàng ta chợt trông thấy chỗ ấy liền ngay với một cái sân to, chàng liền lựa thế nhảy một cái thực nhanh xuống thẳng giữa sân.
Không ngờ chưa kịp đặt chân xuống đất thì đã thấy ngay có một người to lớn ra tướng ngũ đoản, tay vác một thanh côn sắt nhảy sả đến đánh. Người này cũng là một tên giáo sư của Phan Nhược Thủy tên là Kim Diện Viên Lâm Hiểu Tôn. Lâm Hiểu Tôn thấy bọn kia đánh nhau trên nóc nhà đoán chừng thế nào rồi Vu Anh cũng chạy trốn xuống đó, nên chàng ta nấp sẵn đấy trước định đợi khi Vu Anh nhảy xuống thì đánh cho một gậy tất chết ngay .
Nhưng cũng may cho Vu Anh khi nhảy xuống sân lại cách xa chỗ Lâm Hiểu Tôn đứng hàng mấy mươi bước, cho nên khi Lâm Hiểu Tôn múa gậy ra đánh thì Vu Anh lại nhảy lên mái nhà bên kia mà thoát thân đi được.
Thế là lần thứ nhất Vu Anh đến báo thù không được, chàng ta lấy làm tức tối bội phần, bất đắc dĩ đành phải nén lòng đợi đến hôm sau lại tới.
Rồi thì cách dăm hôm nữa. Vu Anh lại một mình lửng thửng đến nhà Phan Nhược Thủy, song hôm ấy cũng lại bị động, tám người giáo sư đều đổ xô ra đánh, làm cho Vu Anh bị một trận vất vả kinh hồn mà rút cục cũng chẳng ăn thua.
Nhân vậy Vu Anh tự biết võ nghệ của mình còn kém, nếu không tìm thầy luyện tập thêm vào thì cũng khó lòng mà báo thù cho được, chàng nghĩ vậy bèn hết sức đi khắp các nơi, tìm kiếm các bậc danh nhân, để cố sức trau dồi võ nghệ.
Rồi một đêm kia chàng ta đi tới Duyên Thu Các ở núi Uyên Bình thì bất thình lình được gặp ngay Lục Bất hòa thượng Bành Khải Lôi ở đó, và được Lục Bất đưa về động Lưu Xuân dạy cho võ nghệ đến lúc thành tài thì cho về đất Bắc Kinh để báo phục thù xưa .
Hồi ấy bọn Trấn Sơn Đông Khương Á, Thanh Diệu Thần Hồ Thạch Hoa, Ảo Thái Tuế La Chấn, Quá Sơn Hổ Trương Tiến. Độc Long Thần Hồ Bá, Kim Diện Viên Lâm Hiển Tôn, Phi Thiên Báo Tư Mã Đắc và Hoa Đao Lý Tam Hắc tất cả tám vị giáo sư cũng còn ở nguyên cả nhà Phan Nhược Thủy như 6 năm trước.
Duy từ sau khi Vu Anh đến đó hai lượt đều bị bọn họ trị cả được rồi thì bẵng hẳn từ đấy trở đi, không hề thấy có việc chi xảy ra lạ nữa. Nhân thế đối với công việc tuần phòng, bọn họ cũng không cần săn sóc như xưa, bởi thế chuyến này Vu Anh mới tự do vào không hề một ai biết tới.
Khi Vu Anh vào tới nơi thì mới chừng vào khoảng canh ba mà tám người giáo sư đã ngủ yên tất cả. Duy còn Phan Nhược Thủy thì còn ngồi khật khưỡng với người vợ lẽ là Bạch Ngũ Nhi ở trong phòng riêng, đánh chén nói chuyện với nhau.
Năm ấy Phan Nhược Thủy đã ngoài 60 tuổi, song người vẫn khỏe mạnh như thường, cho nên sau khi Ninh Thị chết đi rồi, hắn ta đã lấy thêm hai người vợ nữa và đến Bạch Ngũ Nhi đây lại là người vợ thứ ba.
Phan Nhược Thủy đối với Bạch Ngũ Nhi rất lòng yêu quý. Cứ tối đến trước khi đi ngủ thì Phan Nhược Thủy lại bắt Ngũ Nhi vào buồng cùng ngồi uống rượu nói chuyện với nhau hồi lâu rồi mới cùng nhau đi nghỉ.
Nhân thế, hôm ấy hai người, đương khi nói chuyện với nhau thì ngoài kia Vu Anh đã nhảy tường lần vào mà bắt gặp được. Vu Anh vào tới phía ngoài gian phòng ấy, nhờ chỗ khe nhìn vào thấy rõ ràng Phan Nhược Thủy ở đó thì tấm lòng căm tức nổi lên ầm ầm, chàng liền giơ kiếm chém bung cửa sổ ra, rồi nhảy tót ngay vào để bắt.
Đằng kia Phan Nhược Thủy cũng nhanh ý, thoạt khi nghe thấy có tiếng hơi động ở ngoài cửa sổ thì chàng ta đã vội vàng đứng phắt ngay dậy mở lối cửa sau chạy trốn ra ngoài. Khi Vu Anh vào tới nơi, không thấy Nhược Thủy ở đó, bèn kề ngay thanh kiếm vào cổ Bạch Ngũ Nhi mà hỏi rằng:
- Thằng giặc già trốn đi đâu rồi, muốn sống nói ngay không .. ông cắt cổ đi giờ.
Bạch Ngũ Nhi không hiểu đầu đuôi ra sao, xanh xám mặt lại trỏ ra phía sau mà không nói được nên lời. Vu Anh hiểu ý, liền chạy vội ra phía sau để tìm.
Chàng ta tìm quanh tìm quẩn, thấy ở phía sau cái phòng đó chỉ có bốn bức tường cao ngất, không còn chỗ nào khuất khúc ẩn thân, mà Nhược Thủy thì không thấy ở đó. Chàng ta lấy làm nghi ngờ, bụng bảo thầm trong dạ: "Nhà này không khéo lại có cơ quan ẩn nấp gì đây! Rõ ràng lúc ta vào cửa thì thằng Phan Nhược Thủy còn ngồi trong phòng, nếu nó chạy ra lối trước, tất không thể thoát được tay ta. Vậy chỉ còn một lối trong này, không lẽ nó lại chui xuống kẽ ngạch mà trốn đi được hay sao. Cái này tất ta phải tra khảo con này mới được".
Chàng ta nghĩ đoạn, liền phăng phăng quay vào phòng. Vừa hay khi đó, Bạch Ngũ Nhi cũng vừa hết cơn kinh sợ định lại tinh thần và toan quay ra cửa để kêu người cầu cứu thì bất chợt Vu Anh đã ra tới nơi, nắm ngay tay Bạch Ngũ Nhi kéo lại, dí ngọn kiếm vào giữa ngực khẽ nói rằng:
- Thằng Phan Nhược Thủy nó trốn chỗ nào? Mày là người thân của nó tất mày phải biết... Vậy có muốn tránh cái lưỡi kiếm này thì phải đưa ta đến đó, ta sẽ tha cho. Bằng không thì ngươi đừng trách...
Bạch Ngũ Nhi nghe nói xám hẳn mặt lại, run lên bây bẩy khóc mà nói rằng:
- Thưa ngài, chúng tôi là phận tỳ thiếp xin ngài làm phúc tha cho. Chúng tôi xin dẫn ngài đến nơi đến chốn. Nhưng có một điều là xin ngài đừng nói với ông ta thì tôi mới còn sống được, ngài có ưng thế cho không?
Vu Anh nghe dứt lời, dậm chân ra dáng nóng nảy mà rằng:
- Nhà ngươi cố ý dềnh dàng cho nó trốn hay sao? Muốn sống hãy đưa ta đi ngay đi...
Nói tới đó liền nắm tay Bạch Ngũ Nhi bắt đi vào trước, rồi tự mình cầm kiếm đi sau.
Bạch Ngũ Nhi dẫn Vu Anh vào tới chỗ lúc nãy liền đi đến chỗ cái đèn treo ở giữa nhà, trỏ vào chỗ đất chính giữa mà bảo Vu Anh rằng:
- Ông có nhìn thấy hòn gạch vuông to đấy không? Hòn gạch ấy chính là một chỗ cơ quan rất kín, ông cứ dặm chân vào hòn gạch thật mạnh thì khắc bên tường có một cái cửa mở ra, ông sẽ trông thấy người ta ở đấy...
Vu Anh nghe nói, một tay cứ nắm chặt lấy Bạch Ngũ Nhi và một tay cầm lăm lăm thanh kiếm bảo Bạch Ngũ Nhi rằng:
- Được rồi, nhà ngươi cũng phải đến đây với ta. Nếu sai lời là ta giết chết.
Nói đoạn liền kéo cả Bạch Ngũ Nhi đứng vào hòn gạch chính giữa nhà và nhúng một cái thật mạnh thì liền đó thấy đến soạch một tiếng, rồi thấy phía tường trước mặt bỗng hiện ra một cái cửa rất to và trông thấy Phan Nhược Thủy đương đứng thu mình trong đó .
Khi ấy Phan Nhược Thủy trông thấy Vu Anh thì nghĩ thế không sao tránh được, liền cầm một thanh đao sáng loáng nhằm giữa Vu Anh ném ra một cái rất mạnh, rồi thừa thế ù té chạy ra toan trốn. Nhưng Vu Anh nguyên là một tay võ nghệ cao cường, tài sức lúc đó dẫu đến 8 tay giáo sư trong nhà Phan Nhược Thủy cũng khó lòng mà tránh đi được, huống chi một người già yếu như Phan Nhược Thủy thì phỏng đã thấm vào đâu.
Bởi thế khi thanh đao của hắn ném ra thì bị Vu Anh giơ kiếm khẽ gạt một cái, thanh đao bắn hẳn ra ngoài, rồi thì Vu Anh vẫn cứ một tay cầm chặt thanh kiếm, còn một tay thì đẩy một cái cho Bạch Ngũ Nhi ngã sấp xuống đó và nhảy thoắt ngay ra đón bắt được Phan Nhược Thủy lập tức.
Nhược Thủy đến lúc đó, vẫn không thấy 8 người giáo sư đến cứu thì trong bụng sợ hãi cuống cuồng vội vàng kêu thật to lên mấy tiếng, để gọi người đến cứu, Vu Anh vội vàng giơ tay bịt chặt lấy mồm Nhược Thủy và lôi xồng xộc ra ngoài buồng ngoài rồi trỏ thanh kiếm vào mặt mà bảo rằng:
- Mày có nhớ ta là ai đây không? Cả một nhà ta, từ cha đến mẹ, đều bị một tay mày giết hại như chơi. Lại đến ta đây, nếu không phải là trời xanh vun rủi mà cho người cứu vớt giữa dòng thì bây giờ có lẽ cũng đã hóa ra bùn ra nước, còn đâu về được tới đây ! Mày là một đứa mặt mũi thế kia, nỡ đâu mà có bụng tham tàn thế ấy ! Bây giờ đã đến tay ta, phỏng mày còn định kêu ai mà trốn thoát được?
Nói tới đó liền đưa thanh kiếm vào một bên tai Phan Nhược Thủy, cắt đến xoẹt một cái, đứt hẳn bên tai, máu ra lênh láng. Bạch Ngũ Nhi trông thấy sợ hãi choáng hồn, nằm ngã vật xuống một bên, bất tỉnh nhân sự.
Anh hùng khi đã mài thanh kiếm.
Cho lũ gian tà phải biết tay.
Nhân gian nhân bảo từ đây.
Cài hương báo ứng xưa nay thế nào?