Lại một ngày nữa, nàng ta ngồi trong sân lau nước mắt. Nghe nói ở học đường của nàng ta, có một cô nương thôi học. Cô nương đó năm nay mười hai tuổi, đã đính hôn, phải gả đi xa. Nhà nàng ta không muốn nuôi thêm vài năm nữa, muốn sớm đưa nàng ta đến nhà chồng. Thẩm Diệu khóc nói:
"Nương, con cả đời không lấy chồng."
Mẫu thân nàng ta nói: "Được, không gả thì không gả. Theo nương học nghề y cho tốt, sau này có cái nghề để kiếm sống."
Phụ mẫu Thẩm Diệu hết mực yêu thương nàng ta. Ca ca nàng ta vậy mà cũng nói mình không có thiên phú học y, sau này sẽ giao cửa hàng cho Thẩm Diệu trông nom. Trên đời này, cớ sao có người có thể sống vui vẻ như vậy. Trong lòng ta phẫn uất.
Ta ra khỏi quán trà, bên ngoài đổ mưa lớn. Ta liền đứng trước cửa nhà Thẩm Diệu trú mưa. Nàng ta ngồi trên ghế, cầm hai que kẹo hồ lô. Thẩm Diệu liếc nhìn ta một cái, đưa cho ta một que kẹo hồ lô: "Trong lòng buồn khổ, ăn chút đồ ngọt là sẽ ổn thôi."
Năm ấy ta mới mười bốn tuổi, cái tuổi ẩm ương, ngang bướng nhất. Trong lòng cảm thấy bức bối, khó chịu, thầm nghĩ, đến cả một con nhóc cũng dám thương hại ta sao? Bực tức, ta hất văng xiên kẹo hồ lô của nàng, rồi quay người bỏ đi.
Nhưng khi đi được một đoạn, ta vẫn không kìm được mà ngoảnh đầu nhìn lại. Thẩm Diệu đang lẩm bẩm điều gì đó, cúi xuống nhặt xiên kẹo hồ lô lên. Nàng ngẩng đầu lên, hướng về phía ta gọi to: "Huynh! Muội mua kẹo hồ lô cho huynh này!"
Nghe thấy vậy, ta không nhịn được nữa, bật cười thành tiếng.
Trở về phủ rồi, ta bèn sai người mang bạc đến nhà họ Thẩm, muốn mua Thẩm Diệu. Nhà nàng ta tất nhiên không bằng lòng. Dụ dỗ không được, vậy thì uy hiếp. Thẩm Diệu cõng theo một bọc đồ lớn, miễn cưỡng bước vào Quốc công phủ.
Nàng ta bịch một tiếng quỳ xuống đất, lanh lảnh thưa: "Nô tỳ tham kiến Tam gia."
Ta nhìn búi tóc nhỏ trên đầu nàng ta, thầm nghĩ...
Ngươi nha đầu này, quỳ thì có quỳ đấy, nhưng mà lưng thẳng hơn cả cây trúc ngoài kia.
Ta đã hứa với nàng sẽ không bắt nàng làm nô tỳ. Nàng ta quả nhiên vui mừng ra mặt. Hôm nay cùng Tiểu Thúy đi đá cầu, ngày kia lại dỗ dành Lý ma ma cho bánh ngọt. Người trong Quốc công phủ, ai ai cũng thích gần gũi nàng ta.
Nơi ảm đạm này, có Thẩm Diệu, bỗng chốc như ngày âm u lóe lên một ngọn lửa.
Nàng ta đối đãi với mọi người, luôn luôn nhiệt thành và chân thành. Thế nhưng ta lại không thích nàng ta có nhiều bằng hữu như vậy.
Thẩm Diệu cùng Tiểu Thúy du ngoạn hồ nước, không may rơi xuống nước nhiễm phải phong hàn. Ta để Tiểu Thúy quỳ một canh giờ.