Cuộc điều tra vụ ám sát Donald Kenyon là một chiến dịch phối hợp giữa FBI và cảnh sát Beverly Hills. Nhưng vụ này đã bị đóng băng. Các đặc vụ chủ chốt của FBI, một cặp thuộc đơn vị điều tra đặc nhiệm tại Los Angeles tên là Nevins và Uhlig, đã kết luận trong báo cáo mới nhất đệ trình hồi tháng Mười hai rằng chắc hẳn Kenyon đã bị một tên giết thuê hành quyết, về chuyện ai đã thuê kẻ giết người này thì có hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất là, một trong số hai ngàn nạn nhân vụ ngân hàng tiết kiệm và cho vay sụp đổ đã không thỏa mãn với phán quyết của tòa về vụ Kenyon hoặc có thể e rằng Kenyon sẽ thoát khỏi công lý thêm lần nữa, thế nên người này đã nhờ tay một kẻ giết người. Giả thuyết thứ hai là tên giết người này làm việc cho bên đối tác im lặng mà theo Kenyon khai trước tòa thì đã buộc gã phải bòn rút các khoản tiết kiệm và cho vay. Theo báo cáo cuối cùng này thì kẻ đối tác đó, mà Kenyon không chịu nói tên, cho đến giờ Cục vẫn chưa xác minh được là ai.
McCaleb thấy phác họa đại cương giả thuyết thứ hai trong bản báo cáo là khá thú vị; nó cho thấy chính phủ liên bang giờ đây hẳn đang tin vào tuyên bố của Kenyon rằng gã đã bị một bên thứ hai ép buộc bòn rút các quỹ tiết kiệm và cho vay của ngân hàng gã. Trong phiên tòa, tuyên bố này của Kenyon đã bị bên nguyên nhạo báng, họ đi đến chỗ gọi cái bên thứ hai mà Kenyon viện ra kia là bóng ma của gã. Thế mà đây, một hồ sơ của FBI gợi ý rằng cái bóng ma ấy có thể tồn tại thật.
Nevins và Uhlig kết thúc bản báo cáo tóm lược bằng một chân dung phác họa ngắn về nghi phạm chưa biết đã thuê tên giết người. Chân dung này khớp với cả giả thuyết một lẫn giả thuyết hai: là một kẻ giàu sang, có khả năng giấu hành tung và đến giờ vẫn vô danh, có dính líu hay thậm chí là một bộ phận của giới tội phạm có tổ chức theo lối truyền thống.
Ngoài bản báo cáo thổi hồn cho bóng ma của Kenyon kia, điều thứ hai khiến McCaleb quan tâm là lời gợi ý rằng kẻ thuê sát thủ - do vậy là kẻ thực sự giết người - có dây mơ rễ má với giới tội phạm có tổ chức theo lối truyền thống. Theo lối nói của FBI thì tội phạm có tổ chức theo lối truyền thống có nghĩa là Mafia. Vòi bạch tuộc của Mafia hầu như có ở khắp nơi, nhưng dù có vậy đi chăng nữa thì ở miền Nam California bọn ấy cũng không có ảnh hưởng gì lắm. Ở vùng này số lượng tội ác có tổ chức là rất lớn, chỉ có điều phần lớn kẻ thủ ác không phải là đám găng tơ thường thấy trên màn ảnh. Tại bất cứ thời điểm nào thì ở miền Nam California cũng có nhiều tội phạm người châu Á hoặc người Nga hơn là tội phạm gốc Ý.
McCaleb sắp xếp hồ sơ theo trình tự thời gian rồi trở lại từ đầu. Hầu hết là các báo cáo tóm tắt theo thủ tục và tin tức cập nhật về khía cạnh này nọ của cuộc điều tra, được chuyển tiếp đến các cấp quản lý ở Washington. Nhanh chóng đọc qua các hồ sơ, ông tìm thấy một báo cáo về hoạt động của nhóm giám sát vào buổi sáng xảy ra vụ nổ súng, liền đọc đầy hào hứng.
Có bốn đặc vụ trong nhóm giám sát ngồi trong chiếc xe thùng tại thời điểm vụ giết người. Đó là lúc thay ca, tám giờ sáng thứ Ba. Hai đặc vụ đến thay, hai đặc vụ về nhà. Đặc vụ đang theo dõi các máy nghe lén tháo tai nghe đưa cho người đến thay mình. Tuy nhiên, người đến thay là một tay có tính cách thuộc loại A, anh này tuyên bố mình từng bị lây rệp tai từ một đặc vụ khác trong khi bàn giao tai nghe kiểu này. Thế nên anh ta nhẩn nha đeo hai miếng lót bằng mút vào cái tai nghe, sau đó lại còn xịt thuốc khử trùng lên, vừa làm vừa đáp trả những lời châm chọc chua cay của ba đặc vụ kia. Sau khi rốt cuộc anh này cũng đeo tai nghe lên đầu, anh ta nghe thấy im lặng gần một phút, kế đó có tiếng người nói chuyện qua lại nhưng bị nghẹt đi, rồi cuối cùng là một tiếng súng nổ từ chỗ nhà Kenyon. Tiếng súng bị ỉm đi bởi người ta không gắn thiết bị nghe lén ở sảnh vào nhà, họ cho rằng nếu Kenyon có lên kế hoạch đào tẩu kiểu gì đi nữa thì cũng không phải bằng cửa trước. Họ đã gắn bọ nghe lén ở các khu vực thật sự dành cho sinh hoạt trong ngôi nhà.
Đội đã trực đêm vừa qua hãy còn chưa đi mà vẫn tiếp tục cười đùa bỡn cợt trong xe. Sau khi nghe tiếng súng, đặc vụ đang nghe máy liền quát bảo họ im.
Anh ta lắng nghe trong mấy giây trong khi một đặc vụ khác đeo vào một tai nghe khác. Cả hai đều nghe tiếng ai đó trong nhà Kenyon nói rành rọt một câu ở gần một trong các máy ghi âm: “Đừng quên bánh cannoli đấy.”
Hai đặc vụ đang nghe máy nhìn nhau và nhất trí rằng không phải Kenyon vừa nói câu đó. Các đặc vụ liền tuyên bố tình trạng khẩn cấp rồi vứt bỏ vỏ bọc mà tức tốc xông vào nhà, chỉ vài tích tắc sau khi Donna Kenyon về tới, mở cửa thì thấy chồng nằm trên sàn đá hoa cương, đầu tắm trong vũng máu. Gọi cho lực lượng dự phòng ở Cục, cảnh sát địa phương và cấp cứu y tế xong, các đặc vụ lục soát ngôi nhà và khu vực xung quanh. Hung thủ đã biến mất.
McCaleb chuyển sang đoạn chép lại giờ cuối cùng trên băng ghi âm tại nhà Kenyon. Cuốn băng đã được phòng lab của FBI xử lý nhưng vẫn không nắm bắt được mọi lời nói. Có tiếng hai đứa con gái ăn điểm tâm, rồi thì cuộc trò chuyện thông thường vào buổi sáng giữa Kenyon với vợ con gã. Thế rồi, lúc 7 giờ 40, ba mẹ con rời khỏi nhà.
Bản ghi lưu ý rằng có chín phút im lặng trước khi Kenyon gọi điện đến nhà luật sư của gã là Stanley LaGrossa.
LAGROSSA: Vâng?
KENYON: Donald đây.
LAGROSSA: Chào Donald.
KENYON: Ta vẫn tiếp tục chứ?
LAGROSSA: Vẫn, nếu anh vẫn còn nghiêm túc về chuyện đó.
KENYON: Tôi nghiêm túc. Vậy tôi đến gặp anh ở văn phòng nhé.
LAGROSSA: Anh biết là không nên mà. Tôi sẽ đến gặp anh.
Tám phút nữa trôi qua, rồi thì ta nghe thấy một giọng mới, không biết của ai trong ngôi nhà. Một phần cuộc trò chuyện cộc lốc bị mất vì Kenyon và kẻ lạ đi tới đi lui trong nhà, hết vào rồi lại ra khỏi tầm hoạt động của thiết bị nghe trộm. Cuộc trò chuyện rõ là diễn ra trong khi các đặc vụ đang nhẩn nha lần lữa việc bàn giao tai nghe trong chiếc xe tải nhỏ đầy máy móc.
KENYON: Cái gì...
KẺ LẠ: Câm mồm! Làm như tao nói thì cả nhà mày sống, hiểu chửa?
KENYON: Mày không thể cứ thế bước vào đây mà...
KẺ LẠ: Tao đã bảo câm! Đi thôi. Lối này.
KENYON: Đừng hại gia đình tôi. Xin làm ơn, tôi…
KẺ LẠ: (không nghe rõ)
KENYON: ... làm thế. Tôi không dám, mà ông ấy biết thế. Chuyện này tôi không hiểu. Ông ấy... Tôi không dám, ông ấy biết thế cơ mà. Tôi không hiểu gì cả. Ông ấy...
KẺ LẠ: Câm mồm. Tao đếch cần.
KENYON: (không nghe rõ)
KẺ LẠ: (không nghe rõ)
Báo cáo ghi nhận rằng có hai phút im lặng trôi qua, rồi thì mẩu trao đổi cuối cùng.
KẺ LẠ: Được, để rồi xem ai...
KENYON: Đừng... Cô ấy chả liên quan gì tới chuyện này. Cô ấy…
Thế rồi một phát súng vang lên. Và thoáng chốc sau micro số 4 giấu trong một căn phòng nhỏ phía hậu có cửa mở ra vườn sau ghi được lời cuối cùng của kẻ lạ.
KẺ LẠ: Đừng quên bánh cannoli đấy.
Cửa vào phòng hậu này để mở. Nó đã được dùng làm một phần lối thoát thân của hung thủ.
McCaleb đọc lại bản ghi một lần nữa, bị mê hoặc bởi ý nghĩ đây là những khoảnh khắc và lời nói cuối cùng của một con người. Ông ước gì mình có cuốn băng kia, để có thể cảm nhận được tốt hơn điều gì đã xảy ra.
Tài liệu kế tiếp mà ông đọc lý giải vì sao các điều tra viên tình nghi có sự tham gia của bọn tội phạm có tổ chức. Đó là báo cáo của nhóm mật mã. Cuốn băng thu âm ở nhà Kenyon đã được gửi đến phòng lab tội phạm để xử lý. Sau đó đoạn ghi lại được gửi đến bộ phận giải mã. Chuyên viên phân tích được giao nhiệm vụ tập trung vào câu cuối cùng của kẻ giết người, nói sau khi Kenyon gục xuống và dường như chẳng ăn nhập vào đâu. Câu “Đừng quên bánh cannoli đấy” được nạp vào máy tính giải mã để xem có khớp với một mã nào họ đã biết không, liệu có từng gặp trong các báo cáo trước đây của Cục hay là một câu trích từ văn chương phim ảnh không. Hóa ra có một câu khớp tắp lự.
Trong phim Bố già, bộ phim đã truyền cảm hứng cho lũ lĩ những tên côn đồ mafia có thật ngoài đời, một đầu lĩnh của gia đình Corleone là Peter Clemenza được giao nhiệm vụ dẫn một tên phản bội gia đình đến vùng đồng cỏ chăn thả ở New Jersey và giết gã này. Buổi sáng Clemenza rời nhà đi làm nhiệm vụ, vợ hắn bảo hắn ghé hiệu bánh để mua bánh. Khi gã Clemenza béo ục ịch ì ạch đi về phía chiếc xe đang đợi sẵn trên đó có kẻ mà hắn được giao nhiệm vụ giết, vợ hắn gọi với theo: “Đừng quên bánh cannoli đấy.”
McCaleb thích phim ấy và giờ ông nhớ câu nói đó. Nó nắm bắt quá rõ ràng bản chất của cuộc sống giới băng đảng trong phim ảnh - sự hung ác tàn bạo và vô cảm đi liền với giá trị gia đình và sự trung thành. Giờ thì ông hiểu tại sao Cục kết luận rằng vụ giết Kenyon có liên quan đến giới băng đảng theo cách này hay cách khác. Câu nói này mang sự càn rỡ và ngang tàng của giới xã hội đen. Ông có thể thấy một kẻ giết người sắt đá dùng nó làm con triện đóng lên tác phẩm của mình.
“Đừng quên bánh cannoli đấy,” McCaleb nói to lên.
Đột nhiên ông nghĩ gì đó và rồi một cơn sốc điện nhỏ lướt qua người ông.
“Đừng quên bánh cannoli đấy,” ông nhắc lại.
Ông đi nhanh đến chỗ cái túi da, lục lọi cùng khắp cho đến khi tìm thấy cuốn băng video quay vụ bắn James Cordell. Ông lại chỗ tivi, nhét cuốn băng vào rồi cho chiếu. Sau khi nắm được mình đang ở đoạn nào của cuốn băng, ông tua nhanh về sau cho đến khoảnh khắc xảy ra vụ nổ súng rồi lại nhấn Play. Mắt ông dán vào miệng kẻ đeo mặt nạ và trong khi gã đó bắt đầu nói trên cuốn băng câm, McCaleb nói to lên cùng với hắn.
“Đừng quên bánh cannoli đấy.”
Ông tua băng về trước rồi lại làm vậy nữa, lại nói thế nữa. Lời ông nói ra khớp với môi của hung thủ. Ông tin chắc là khớp. Ông cảm thấy nỗi phấn khích và adrenalin sôi trào lên trong ông lúc này. Đó là một cảm giác chỉ xuất hiện khi ta có xung năng, khi ta đang bứt phá chính mình. Khi ta đang tiến gần tới sự thật bị ẩn giấu.
Ông lấy cuốn băng quay vụ giết Gloria Torres ra, đút vào đầu video rồi lại lặp lại quy trình. Một lần nữa những từ đó lại khớp với môi của hung thủ. Không nghi ngờ gì nữa.
“Đừng quên bánh cannoli đấy,” ông nói to một lần nữa.
Ông đi lại chỗ tủ gần bàn vẽ hải đồ, lấy điện thoại ra. Ông vẫn còn chưa nghe lại các tin nhắn đã tích lại suốt kỳ nghỉ cuối tuần qua, nhưng lúc này ông đang quá kích động chẳng còn tâm trí đâu để làm vậy. Ông bấm số gọi Jaye Winston.
“Anh biến đi đâu vậy, có khi nào anh chịu kiểm tra máy chưa hả?” chị hỏi. “Tôi cày cục gọi anh suốt cả cuối tuần rồi lại suốt cả ngày đặng mà giải thích. Không phải tôi…”
“Tôi biết. Không phải chị. Mà là Hitchens. Nhưng tôi cũng đâu có gọi vì chuyện đó. Tôi biết Cục họ nói gì với chị rồi. Tôi biết các chị đã tìm được gì - có mối liên hệ với Donald Kenyon. Chị phải đưa tôi vào lại vụ này.”
“Không thể được. Hitchens đã nói thậm chí tôi còn không được nói chuyện với anh nữa kìa. Làm sao tôi có thể đưa...”
“Tôi có thể giúp chị.”
“Làm sao? Bằng cái gì?”
“Chỉ cần trả lời tôi điều này thôi, xem tôi nói đúng không. Sáng nay Gilbert Spencer và một cặp đặc vụ tác chiến - tôi đoán tên họ là Nevins và Uhlig - đã đến cho chị biết tin rằng viên đạn chị gửi đến Washington khớp với viên đạn bắn Kenyon. Đúng không?”
“Đến giờ thì đúng, nhưng đâu phải là...”
“Tôi chưa nói hết. Kế tiếp, ông ta bảo chị rằng Cục muốn xem xét vụ của chị và vụ của bên Los Angeles nhưng ban đầu dường như không có mối liên hệ nào khác ngoài hung khí gây án. Ông ta bảo rằng nói gì thì nói vụ Kenyon là do sát thủ chuyên nghiệp, còn hai vụ của bọn chị thì chỉ là cướp đường mà thôi. Không chỉ vậy, hung thủ giết Kenyon dùng đạn Devastator còn gã của bọn chị thì dùng thứ khác. Federal. Điều đó hỗ trợ cho giả thuyết của bên Cục rằng hung thủ chuyên nghiệp trong vụ Kenyon sau khi gây án thì liền vứt súng đâu đó, thế rồi hung thủ trong hai vụ của chị mới xuất hiện mà nhặt súng ấy. Hết liên hệ. Tới giờ thì tôi đúng sai thế nào?”
“Đúng phóc.”
“OK, thế rồi chị hỏi Spencer thông tin về vụ Kenyon, chỉ là để chị có thể tự kiểm tra chéo, nhưng rồi chuyện đó không suôn sẻ mấy.”
“Anh ta bảo vụ Kenyon đang ở thời điểm - trích nguyên văn - nhạy cảm và rằng anh ta muốn đám lính trơn bọn tôi chỉ được phép biết những gì cần biết mà thôi.”
“Và Hitchens đồng ý thế?”
“Anh ta gió chiều nào xuôi chiều nấy.”
“Thế có ai dọn bánh cannoli lên chưa?”
“Gì cơ?”
McCaleb dành năm phút sau đó để giải thích mối liên hệ về chuyện bánh cannoli, đọc cho chị bản ghi lại đoạn băng nghe lén trong nhà Kenyon và kết luận của báo cáo giải mã. Winston bảo tất cả những chuyện đó Gilbert Spencer chẳng hề nhắc tới trong cuộc họp hồi sáng. McCaleb biết anh sẽ không nhắc. McCaleb từng là người ở Cục. Ông biết cái kiểu Cục vẫn làm xưa nay. Hễ có cơ hội là người ta sẽ cho đám cảnh sát địa phương ra rìa và bảo từ phút này trở đi Cục sẽ lo mọi thứ.
“Vậy là mối liên hệ bánh cannoli khiến ta thấy rõ đó chẳng phải là một khẩu súng vứt đi rồi thằng cha của chúng ta tình cờ nhặt được,” McCaleb nói. “Trong cả ba vụ đều chỉ một hung thủ mà thôi. Kenyon, rồi Cordell, rồi thì Torres. Người ở Cục nhà chị có biết điều đó hay không khi đến họp, tôi không biết. Nhưng nếu chị sao cho họ hồ sơ cái vụ án cùng với mấy cuốn băng thì giờ họ biết, vấn đề là, làm thế nào ráp ba vụ giết người đó lại với nhau được.”
Winston im lặng một thoáng trước khi cuối cùng để lộ nỗi bối rối.
“Trời ạ, tôi không... thôi nào, có khi chẳng liên hệ gì với nhau hết. Xem đó, nếu đó là một kẻ giết thuê như bên Cục nói thì cũng có khi là ba vụ thuê riêng rẽ. Anh hiểu không? Có thể chẳng có mối liên hệ nào hết ngoại trừ chuyện cùng một kẻ sát nhân đó giết ba người theo ba vụ làm ăn khác nhau.”
McCaleb lắc đầu nói: “Cũng có thể, tôi đoán vậy, nhưng nếu thế thì chẳng hợp lý gì hết. Ý tôi là cô Gloria Torres thì đã làm gì nên nông nỗi trở thành đích ngắm của một sát thủ chuyên nghiệp? Cô ấy làm việc ở nhà in của tòa báo thôi mà.”
“Có thể là cô ấy đã thấy cái gì đó. Có nhớ hôm thứ Sáu anh đã nói gì về chuyện có mối liên hệ nào đó giữa hai người, Torres và Cordell không? Ừ thì có thể vẫn đúng là thế, chỉ có điều cái chung giữa hai người bây giờ là đã họ cùng thấy hoặc cùng biết một điều gì đó.”
McCaleb gật.
“Thế còn những biểu tượng, mấy thứ mà hắn lấy của Cordell và Torres thì sao?” ông hỏi, với chính mình hơn là với Winston.
“Tôi không biết,” chị nói. “Có thể ấy là một tên sát thủ thích lấy thứ này thứ nọ làm kỷ niệm. Có thể là hắn phải có gì đó trình cho kẻ thuê hắn để làm bằng là hắn đã giết đúng người. Có chỗ nào trong báo cáo nói là có một thứ gì đó của Kenyon bị lấy đi không?”
“Theo tôi thấy thì không.”
Tâm trí ông rối nùi biết bao nhiêu khả năng có thể xảy ra. Câu hỏi của Winston khiến ông nhận ra rằng trong lúc hưng phấn ông đã gọi chị quá sớm. Ông hãy còn một đống hồ sơ về vụ Kenyon chưa đọc. Mối liên hệ ông đang tìm kiếm có khi nằm ngay trong đó.
“Terry này?”
“Vâng, xin lỗi, chỉ là tôi đang suy nghĩ thôi. Này, tôi sẽ gọi lại chị sau. Tôi còn một số thứ phải xem cho kỹ và có thể...”
“Anh còn những gì nữa?”
“Tôi nghĩ tôi đã tìm được tất cả, hoặc hầu như tất cả những gì Spencer không nói cho chị biết.”
“Tôi dám nói rằng điều này sẽ khiến anh lại được đội trưởng chấm điểm cao đấy.”
“Ồ, đừng nói gì với ông ta vội. Cứ để tôi suy nghĩ cho thấu đáo thêm chút nữa rồi tôi sẽ gọi cho chị.”
“Anh hứa đấy chứ?”
“Ừ.”
“Thì nói rõ ra thế đi. Tôi không muốn anh lại làm tôi phải giơ đầu chịu báng lần nữa đâu.”
“Này, tôi về hưu rồi, nhớ không? Tôi hứa.”
Một tiếng rưỡi sau McCaleb nghiên cứu xong mớ hồ sơ của Cục. Lượng adrenaline đã khiến ông hừng hực ban nãy giờ đã tiêu biến. Ông đã biết thêm nhiều thông tin mới trong khi đọc mớ hồ sơ, nhưng chẳng có gì gợi ra rằng liệu giữa Kenyon với Cordell và Torres có mối liên hệ nào hay không.
Phần còn lại trong mớ hồ sơ của Cục bao gồm một bản in dài thườn thượt tên họ, địa chỉ và lịch sử đầu tư của hai ngàn nạn nhân vụ ngân hàng tiết kiệm và cho vay sụp đổ. Nhưng cả Cordell lẫn Torres đều không phải nhà đầu tư.
Cục đã phải xem mỗi một nạn nhân của vụ ngân hàng sập tiệm là một nghi phạm trong vụ bắn chết Kenyon. Mỗi cái tên trong danh sách nhà đầu tư đều được truy cứu tận nguồn, rà đi soát lại để xem có mối liên hệ nào với giới tội phạm không, có dấu hiệu nào khả dĩ khiến cái tên đó có thể bị nâng lên mức nghi phạm thực tế không. Chừng một tá nhà đầu tư đã bị nâng lên mức đó, nhưng rốt cuộc đều được loại ra sau khi người ta tiến hành điều tra thực địa đầy đủ.
Thế rồi họ chuyển hướng điều tra, tập trung vào giả thuyết thứ hai, rằng cái bóng ma của Kenyon là có thật và kẻ đó đã xuống lệnh hạ sát kẻ biển thủ hàng triệu đô cho hắn.
Giả thuyết này có thêm sức thuyết phục khi người ta biết được rằng Kenyon sắp sửa tiết lộ gã đã chuyển quỹ bòn rút từ ngân hàng ra cho ai. Theo một bản khai từ luật sư của Kenyon là Stanley LaGrossa, Kenyon đã quyết định hợp tác với nhà chức trách với hy vọng văn phòng luật sư Hoa Kỳ sẽ gửi đơn xin giảm án lên vị thẩm phán đã tuyên phạt gã. LaGrossa nói rằng đúng vào buổi sáng Kenyon bị ám sát, họ đã dự định gặp nhau để bàn xem LaGrossa sẽ thương thảo thế nào về việc Kenyon hợp tác với chính quyền.
McCaleb lật nhanh các báo cáo đã đọc rồi đọc lại bản tường thuật ngắn ghi lại cú gọi của Kenyon cho LaGrossa chỉ mười phút trước vụ ám sát. Cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa luật sư và khách hàng xem ra hỗ trợ cho lời khai của LaGrossa rằng Kenyon đã sẵn sàng hợp tác.
Giả thuyết của cục được sơ phác trong một báo cáo bổ sung kèm theo tờ trình của LaGrossa như sau: đối tác im lặng của Kenyon hoặc vì muốn chắc ăn nên bèn khử Kenyon, hoặc là hắn khử Kenyon sau khi biết rõ rằng đối tác của hắn đang định hợp tác với điều tra viên của chính phủ. Báo cáo bổ sung này lưu ý rằng các đặc vụ và công tố viên liên bang vẫn chưa được bên phía Kenyon tiếp xúc với đề nghị hợp tác. Thế có nghĩa, nếu có chuyện rò rỉ thông tin cho đối tác im lặng của hắn biết thì ắt là rò rỉ từ người của Kenyon, có khi từ chính LaGrossa không chừng.
McCaleb đứng dậy rót một cốc nước cam, dốc sạch cả một hộp nửa gallon ông vừa mua sáng thứ Bảy rồi.
Ông vừa uống vừa nghĩ xem toàn bộ thông tin về vụ Kenyon có ý nghĩa gì đối với cuộc điều tra. Nhất định là nó chỉ khiến mọi chuyện thêm mờ mịt. Mặc cho cơn ngây ngất ban đầu nhờ adrenaline, lúc này ông nhận ra rằng về cơ bản mình đã quay lại mốc khởi đầu, chẳng biết hơn được bao lăm về chuyện ai giết Gloria Torres và tại sao lại giết so với khi mới mở bưu kiện do Carruthers gửi.
Trong khi súc cốc vừa uống, ông nhận thấy có hai người đàn ông đang bước xuống cầu tàu chính dẫn vào bến. Họ mặc com lê màu xanh dương hầu như giống hệt nhau. Bất cứ ai mặc com lê mà bước xuống bến tàu đều không thể lẫn vào đâu được - thường đấy là nhân viên ngân hàng cho vay đến siết nợ một thuyền nào đó. Nhưng lần này McCaleb biết không phải thế. Nhìn cái kiểu họ là ông nhận ra ngay. Họ đến để tìm ông. Ắt hẳn họ đã phát hiện ra Vernon Carruthers rồi.
Thật nhanh, McCaleb lại bàn nhặt nhạnh hết mớ hồ sơ của Cục. Đoạn ông tách riêng chồng giấy tờ liệt kê tên, địa chỉ và các thông tin khác về vụ sụp đổ ngân hàng tiết kiệm và cho vay. Ông cất chồng hồ sơ dày đó vào một trong các tủ kín cao hơn đầu ở trong bếp. Chỗ hồ sơ còn lại thì ông nhét vào túi da rồi luồn vào cái tủ dưới bàn vẽ hải đồ.
Ông đẩy cửa trượt phòng khách rồi bước ra mũi thuyền chào hai đặc vụ. Ông đóng cửa rồi khóa lại sau lưng mình.
“Ông McCaleb?” người trẻ hơn nói. Anh ta có ria mép, khá là cả gan so với chuẩn mực của Cục.
“Để tôi đoán nhé, các anh là Nevins và Uhlig.”
Họ trông chẳng vui vẻ gì khi bị nhận diện. “Chúng tôi lên thuyền được không?”
“Được chứ.”
Người trẻ hơn được giới thiệu là Nevins. Người lớn tuổi hơn Là Uhlig, hầu như chỉ mình anh ta nói.
“Nếu ông đã biết bọn tôi là ai thì ông cũng biết tại sao bọn tôi tới. Bọn tôi không biết cái vụ này đã hôi lại càng hôi. Nhất là nếu tính tới chuyện ông từng phục vụ ở Cục. Thành thử nếu ông đưa cho bọn tôi mớ hồ sơ bị đánh cắp thì chuyện có thể kết thúc ngay ở đây.”
“Ôi cha,” McCaleb nói, giơ hai tay lên trời. “Hồ sơ bị đánh cắp á?”
“Ông McCaleb này,” Uhlig nói. “Chúng tôi đã để mắt tới chuyện ông đang nắm giữ hồ sơ mật của FBI. Ông không còn là đặc vụ nữa. Ông không nên nắm giữ chỗ hồ sơ đó. Như tôi vừa nói, nếu ông muốn gặp phiền phức vì chuyện này thì bọn tôi có thể làm nó thành ra phiền phức cho ông. Nhưng thật tình bọn tôi muốn là muốn lấy chỗ hồ sơ đó lại.”
McCaleb bước tới ngồi lên mép thuyền. Ông đang cố nghĩ xem làm cách nào họ biết được, và rồi nghĩ ra chỉ có thể là từ Carruthers. Không còn cách nào khác. Vernon chắc hẳn đã bị người ta bắt nọn ở Washington nên đành phải khai ra McCaleb. Nhưng xem ra bạn cũ của ông khó lòng làm như vậy, dù có bị người ta gây sức ép thế nào đi nữa.
Ông quyết định tin vào trực giác của mình và lật bài ngửa. Nevins và Uhlig biết Carruthers đã tiến hành so sánh đạn đạo bằng laser theo yêu cầu của McCaleb. Chuyện đó chẳng có gì là bí mật cả. Nếu vậy thì ắt họ phải cho rằng Carruthers hẳn đã gửi cho ông bản sao các file trong máy tính.
“Quên đi, các cậu,” cuối cùng ông nói. “Tôi chả có hồ sơ gì ráo, ăn cắp hay gì cũng vậy thôi. Các cậu có thông tin sai rồi.”
“Vậy thì làm thế nào ông biết bọn tôi là ai?” Nevins hỏi.
“Dễ mà. Hôm nay tôi đã biết khi các cậu đến văn phòng cảnh sát trưởng đặng bảo họ cho tôi ra rìa trong vụ này.”
McCaleb khoanh tay trước ngực nhìn qua hai đặc vụ về phía thuyền của Buddy Lockridge. Buddy đang ngồi nơi mũi thuyền, vừa nhấp một lon bia vừa quan sát cảnh hai người vận com lê trên chiếc Biển Theo Ta.
“Thôi được, bọn tôi sẽ đi kiểm tra một vòng cho chắc,” Uhlig nói.
“Nếu không có lệnh khám xét thì không được, mà tôi ngờ lệnh thì các cậu không có.”
“Sau khi ông cho phép chúng tôi vào tìm thì chúng tôi không cần có lệnh khám.”
Nevins bước lại chỗ cửa trượt phòng khách, cố đẩy cửa mở rộng ra. Anh ta thấy cửa khóa. McCaleb mỉm cười.
“Cách duy nhất để các cậu vào được trong đó là phá cửa, Nevins ạ. Mà làm vậy thì trông chả giống được phép vào lắm đâu, nếu hỏi thì tôi nói thế. Ngoài ra, các cậu không nên làm vậy khi có một nhân chứng không dính líu gì đang quan sát.”
Cả hai đặc vụ bắt đầu nhìn quanh vũng neo thuyền. Cuối cùng, họ nhìn ra Lockridge, anh này liền giơ lon bia lên như để chào. McCaleb thấy cơn tức tối khiến cho hàm Uhlig cứng lại.
“Được rồi, McCaleb,” tay đặc vụ lớn tuổi hơn nói. “Cứ giữ hồ sơ đi. Nhưng tôi bảo anh ngay bây giờ, đồ khôn lỏi ạ, đừng có mà xen vào. Cục đang trong quá trình tiếp quản vụ này và bọn tôi hoàn toàn không muốn có gã người thiếc tay mơ nào đấy huy hiệu chả có đã đành mà ngay cả trái tim của chính mình cũng không có nốt lại đi xía vào xới tung mọi chuyện lên.”
McCaleb cảm thấy hàm của chính mình cứng lại.
“Cút khỏi thuyền tôi ngay.”
“Được rồi. Tụi này đi đây.”
Cả hai trèo lại lên bến thuyền. Trong khi tiến về phía cầu tàu, Nevins ngoái lại nói: “Hẹn gặp sau nhé, Người Thiếc.”
McCaleb nhìn theo cho đến khi họ đi qua cổng.
“Chuyện gì thế hả?” Lockridge hỏi với sang.
McCaleb xua tay trong khi vẫn quan sát hai tay đặc vụ.
“Mấy thằng bạn cũ đến thăm thôi mà.”
Lúc này đã gần 8 giờ tối ở miền Đông. McCaleb gọi điện về nhà Carruthers. Bạn ông nói anh ta vừa bị sếp nạo cho mẻ ra trò.
“Tớ bảo họ, tớ nói, ‘Ấy, có thông tin gì tớ chuyển hết cho Lewin rồi. Vâng, quả là tớ có hơi vội gửi bưu kiện đi theo yêu cầu của cựu đặc vụ McCaleb, nhưng tớ không cung cấp bản sao báo cáo đó hay bất cứ báo cáo nào khác cho ông ta hết.’ Này, họ không tin tớ thì họ cứ đi mà bới. Tớ là gã đường đường chính chính. Họ muốn tớ đi chỗ khác chơi thì tớ đi. Đã thế thì mỗi lần họ bắt tớ đến kiểm chứng một trong các vụ của tớ là họ phải trả tiền tớ. Mà tớ thì có ối vụ, nói thế cậu hiểu đấy.”
Anh ta nói như thể cho cả một người thứ ba đang nghe lén. Mà với FBI thì ta chẳng bao giờ chắc được liệu một kẻ như thế có hay không có. McCaleb hiểu ý.
“Ở đây cũng thế thôi. Họ tới, cố cư xử như thể tớ đang có mấy bản báo cáo mà kỳ thực tớ không có, tớ mới bảo họ cút khỏi thuyền tớ tức khắc.”
“Ừ, cậu cừ đấy.”
“Cậu cũng vậy Vernon. Tớ phải đi đây. Trông coi Biển Theo Ta, bồ ạ.”
“Là gì vậy?”
“Hãy coi chừng sau lưng mình.”
“Ừ, phải. Cậu cũng thế nhé.”
Winston nhấc máy chỉ sau nửa hồi chuông.
“Anh đi đâu suốt vậy?”
“Bận. Nevins với Uhlig mới ghé thăm tôi tí chút. Chị có copy cho họ tất cả những gì đã copy cho tôi tuần rồi không?”
“Hồ sơ, băng, Hitchens đưa tất cho họ mà.”
“Ừ, được rồi, ắt là họ đến về vụ mối liên hệ bánh cannoli. Họ đến là muốn giành vụ này, Jaye à. Chị sắp phải cố mà trụ đấy.”
“Anh nói gì thế? Cục đâu thể khơi khơi giành lấy một cuộc điều tra án mạng như vậy được.”
“Họ sẽ tìm ra cách. Giành thì họ không giành, nhưng họ sẽ đảm nhận hết. Tôi nghĩ họ biết rằng trong mấy vụ này không phải chỉ mỗi khẩu súng là yếu tố chung duy nhất. Họ là đồ chết giẫm nhưng là đồ chết giẫm khôn. Tôi nghĩ một khi đã xem mấy cuốn băng chị đưa cho thì họ cũng nghĩ được điều tôi nghĩ. Họ biết trước sau chỉ có một hung thủ và có cái gì đó kết nối ba vụ lại với nhau. Họ tới để đe tôi, buộc tôi phải rút lui. Kế tiếp là chị đấy.”
“Nếu họ nghĩ tôi sẽ cứ thế giao tất vụ này cho họ và...”
“Không phải chị đâu. Họ sẽ tới gặp Hitchens. Và nếu ông ta không đồng ý làm theo ý họ thì họ sẽ còn leo lên trên nữa. Tôi từng là người trong bọn họ, nhớ không? Tôi biết cách làm việc của Cục. Mình càng lên cao thì sức ép càng lớn.”
“Chó chết!”
“Chúc mừng chị gia nhập nhóm.”
“Anh định sẽ làm gì đây?”
“Tôi á? Mai tôi trở lại làm việc. Tôi không phải báo cáo với Cục hay Hitchens hay bất cứ ai. Chỉ mình tôi trong vụ này.”
“Ừ, anh hẳn là người duy nhất có cơ hội làm việc này. Chúc may mắn.”
“Cám ơn. Tôi có thể tận dụng cái cơ hội ấy.”