Nhưng ông chẳng làm gì được cả. Tạm thời thì đây là màn diễn của Arrango. McCaleb không thực sự mong sẽ còn nghe được tin gì từ gã. Ông biết ông phải tự gọi cho gã thì may ra mới biết câu trả lời. Luật chơi là thế. McCaleb quyết định đợi tới sáng mai mới gọi lại.
Khi xe tới, McCaleb chui vào băng sau, ngay sau tài xế. Đó là một cách để ngăn đừng trò chuyện. Ông kiểm tra bằng lái xe đặt trên bảng đồng hồ thì thấy đó là một cái tên Nga không thể phát âm. Ông rút cuốn sổ nhỏ ra khỏi túi xách rồi đưa cho tài xế địa chỉ Siêu thị Sherman ở Công viên Canoga. Họ đi về phía Bắc trên Đại lộ Reseda rồi rẽ hướng Tây trên phố Sherman cho tới khi đến một chợ nhỏ gần giao lộ Đại lộ Winnetka.
Xe tạt vào bãi đậu đằng trước cái cửa hàng nhỏ. Chỗ này trông xoàng xĩnh, chẳng có gì nổi bật, những ô cửa sổ bọc kính dày dán chi chít biển quảng cáo hàng màu sắc lòe loẹt. Nó giống hệt như hàng ngàn cái siêu thị mini khác trong thành phố. Ngoại trừ khi có ai đó quyết định rằng chỗ này đáng cướp và để đạt được mục đích thì giết hai mạng người cũng đáng. Trước khi ra khỏi xe, McCaleb xem xét kỹ mấy biển quảng cáo phủ kín các ô cửa sổ. Chúng che kín mất bên trong. Ông biết có lẽ đó là lý do để hung thủ chọn chính cửa hàng này. Thậm chí dù có ai đó đi xe ngang qua, họ cũng sẽ không thấy chuyện gì đang xảy ra trong kia.
Cuối cùng, ông mở cửa, chui ra khỏi xe. Ông tiến lại chỗ cửa sổ tài xế, bảo anh ta đợi ông. Trong khi đi về phía cửa hiệu, ông nghe thấy tiếng một quả chuông kêu lanh canh từ phía trên cửa ra vào. Cái máy tính tiền mà ông thấy trong cuốn băng được gắn gần bức tường phía trong, đối diện cửa ra vào. Một phụ nữ luống tuổi đứng phía sau quầy. Bà ta nhìn đăm đăm vào McCaleb, có vẻ e sợ. Bà ta người châu Á. McCaleb nhận ra bà ta có thể là ai.
Nhìn quanh như thể ông đến là có mục đích chứ không phải để trố mắt nhìn như thằng ngốc, ông thấy các giá bày hàng đầy chật những kẹo, liền nhón lấy một phong Hershey. Ông lại chỗ quầy đặt phong kẹo xuống, để ý thấy mặt kính trên quầy vẫn nguyên vết nứt. Chính khi đó ông choáng váng nhận ra rằng ông đang đứng chính ngay chỗ Gloria Torres đã đứng mỉm cười với ông Kang. Ông ngẩng lên nhìn bà già với vẻ mặt đau khổ mà gật đầu.
“Gì nữa không?”
“Không, thế này thôi.”
Bà tính tiền và ông trả cho bà. Ông quan sát kỹ những động tác ngập ngừng của bà. Bà biết ông không phải là hàng xóm hay khách hàng quen. Bà vẫn không thấy thoải mái. Có lẽ bà sẽ chẳng bao giờ thoải mái được.
Khi bà thối lại tiền thừa, McCaleb nhận thấy cái đồng hồ bà đeo trên cổ tay có dây đeo rộng bản bằng cao su màu đen, mặt đồng hồ lớn. Nó là đồng hồ nam giới, khiến cho cổ tay nhỏ xíu, dường như dễ gãy của bà trông càng nhỏ. Ông thấy cái đồng hồ này rồi. Nó đã ở trên cổ tay Chan Ho Kang trong đoạn băng giám sát. McCaleb nhớ mình đã tập trung chú ý vào cái đồng hồ trong khi đoạn phim mô tả Kang lúc đó đã bị thương đang mò mẫm tìm chỗ víu trên mặt quầy rồi cuối cùng gục xuống sàn.
“Bà là bà Kang?” McCaleb hỏi.
Bà ngừng tính tiền mà nhìn ông.
“Phải. Tôi có quen ông không?”
“Không. Chỉ là tôi... Tôi có nghe nói chuyện xảy ra ở đây. Với chồng bà. Tôi rất tiếc.”
Bà gật.
“Vâng, cám ơn ông.” Rồi, như thể cần một lời giải thích hoặc để xoa dịu vết thương của mình, bà nói thêm, “Cách tốt nhất để không cho cái ác vào nhà là đừng mở cửa. Chúng tôi không làm vậy được. Chúng tôi phải làm ăn.”
Giờ thì McCaleb gật. Có lẽ đó là điều chồng bà đã nói với bà khi bà lo ngại bởi thấy chồng làm ăn có thu chi bằng tiền mặt ở một thành phố đầy rẫy tội ác.
Ông cảm ơn bà rồi bỏ đi, cái chuông trên đầu lại kệ leng keng khi ông bước qua cửa. Ông chui vào trong taxi rồi đánh giá mặt tiền cửa hàng thêm lần nữa. Ông thấy chẳng hợp lý chút nào. Sao lại chỗ này cơ chứ? Ông nghĩ đến cuốn băng video. Bàn tay hung thủ vớ lấy đống tiền. Hắn đâu kiếm được là bao. McCaleb ước gì ông biết được nhiều hơn về tội ác này, nhiều chi tiết hơn.
Chiếc điện thoại trên bức tường về bên phải dãy cửa sổ của cửa hàng đập vào mắt ông. Đó là điện thoại mà Người Tốt bụng chưa thể định danh chắc hẳn đã dùng. Ông tự hỏi liệu người ta đã in dữ liệu lưu trong máy ra chưa sau khi nhận ra rằng anh chàng đó sẽ không xuất hiện. Chắc là không. Đến khi đó thì quá muộn rồi.
Đằng nào thì cũng lâu rồi.
“Đi đâu?” tài xế hỏi, âm sắc giọng anh ta nghe rất rõ dù chỉ trong hai âm tiết.
McCaleb cúi về phía trước để đưa địa chỉ cho anh ta nhưng rồi lại ngần ngừ. Ông vừa gõ gõ mấy ngón tay lên lưng bọc nhựa của ghế trước vừa nghĩ một thoáng.
“Cứ để đồng hồ nhảy số. Tôi phải gọi vài cuộc điện cái đã.”
Ông lại chui ra khỏi xe, tiến về phía cái điện thoại trả tiền trước, một lần nữa lại rút sổ tay. Ông tìm một số điện thoại rồi quẹt thẻ để trả tiền. Có tiếng trả lời ngay lập tức.
“Thời báo, Russell nghe đây.”
“Cô nói là Thời báo hay Thời láo?”
“Buồn cười nhỉ, ai đấy?”
“Này Keisha, tôi Terry McCaleb đây mà.”
“Chào, thế nào rồi ông bạn?”
“Tôi ổn. Tôi muốn cám ơn cô về bài báo đó. Lẽ ra tôi gọi sớm hơn mới phải. Nhưng bài hay lắm.”
“Ối, ông này hay thật đấy. Chưa hề có ai gọi điện để cảm ơn tôi về cái gì sất.”
“Ồ, tôi chả hay đến thế đâu. Tôi gọi còn là vì tôi cần cô giúp một chút. Cô có đang mở máy không đấy?”
“Ông thật là biết cách làm hỏng một chuyện đang hay. Ừ có, tôi đang bật máy. Chuyện gì nào?”
“À, tôi đang tìm một thứ nhưng không biết chắc làm sao tìm được. Cô xem liệu có thể làm một cuộc truy tìm theo từ khóa cho tôi không? Tôi muốn tìm những bài báo nói về một tên cướp chuyên bắn chết người.”
Cô phá lên cười.
“Thế á?” Cô nói. “Ông có biết người ta hay bị dính đạn trong các vụ cướp như thế nào không? Đây là Los Angeles, ông cũng biết còn gì.”
“Ừ, tôi biết, nếu chỉ thế thì xuẩn thật. OK, nếu thêm vào đó là đeo mặt nạ trượt tuyết thì sao. Và có thể chỉ là cách đây chừng mười tám tháng. Vậy đã đủ thu hẹp lại chưa?”
“Chắc đủ.”
Ông nghe tiếng bàn phím của cô bắt đầu kêu lách cách trong khi cô kết nối vào thư viện điện tử của tòa báo, nơi lưu tài liệu bài vở. Bằng cách dùng các từ khóa “cướp”, “mặt nạ trượt tuyết” và “bắn”, cô sẽ truy xuất được tất cả các bài có bao hàm những chữ đó.
“Mọi việc thế nào, Terry? Tôi cứ nghĩ ông về hưu rồi.”
“Tôi nghỉ hưu mà.”
“Nghe thì đâu phải thế. Vụ này cứ như là hồi xưa ấy. Ông đang điều tra đó à.”
“Kiểu vậy. Tôi đang kiểm tra vài thứ cho một người bạn, mà cảnh sát Los Angeles thì vẫn cứ là cảnh sát Los Angeles. Đã vậy không có huy hiệu thì lại càng tệ nữa.”
“Chuyện là gì vậy?”
“Chưa đáng đăng báo đâu, Keisha à. Đến khi nào đáng đăng thì cô là người tôi cho biết đầu tiên.”
Cô thở hắt ra vì cáu tiết.
“Cứ hễ bọn các ông làm thế là tôi ghét cay ghét đắng,” cô phản đối. “Ý tôi là tại sao tôi phải giúp ông nếu ông không cho tôi quyết liệu đó có phải chuyện đáng đưa tin hay không? Tôi mới là nhà báo chứ không phải ông.”
“Tôi biết, tôi biết. Chắc là ý tôi định nói, tôi muốn chỉ mình tôi biết chuyện này chừng nào tôi vẫn chưa thấy rõ đâu vào đâu. Sau đó tôi sẽ kể với cô. Tôi hứa đấy, cô sẽ được bật mí đầu tiên. Có thể cũng chẳng được gì đâu, nhưng dù gì tôi cũng sẽ cho cô biết. Cô đã truy được gì chưa?”
“Có,” cô nói, trề môi nhạo báng. “Sáu mục trong mười tám tháng qua.”
“Sáu? Là những gì vậy?”
“Sáu bài. Tôi sẽ đọc đầu đề cho ông, còn ông, thấy cần lấy các bài ấy ra thì cho tôi hay.”
“Được.”
“Rồi. Đây nhé. ‘Hai người bị bắn trong vụ cướp không thành’, rồi thì ‘Một người bị bắn và cướp bên máy ATM’. Sau đó ta có ‘Quan chức cầu cứu vì bị bắn ở ATM.’ Xem nào, ba bài kế xem chừng liên quan tới cùng một vụ. Đầu đề là ‘Chủ hiệu, khách hàng bị bắn trong vụ cướp,’ theo sau là ‘Nạn nhân thứ hai chết, là nhân viên của Thời báo’, - ồ, quỷ thật, cái này tôi chưa nghe bao giờ. Chính tôi sẽ phải đọc - còn bài cuối là ‘Cảnh sát truy tìm Người Tốt bụng’. Ấy, sáu bài đấy.”
McCaleb nghĩ một thoáng. Sáu bài, ba vụ khác nhau.
“Cô làm ơn lấy ba bài đầu rồi đọc xem có dài không, nhé.”
“Được.”
Ông lắng nghe trong khi bàn phím của cô kêu lách cách. Mắt ông lơ đãng nhìn ngang qua chiếc taxi về phía Phố Sherman. Đó là một phố bốn làn xe, đêm rồi mà vẫn nhộn nhip. Ông tự hỏi liệu Arrango và Walters có đã tìm được nhân chứng nào nhìn thấy hung thủ chuồn đi không, có ai chăng ngoài Người Tốt bụng ra.
Mắt McCaleb nhìn sang bên kia đường, và nơi bãi đỗ xe của một khu phức hợp siêu thị, ông nhìn thấy một người đàn ông ngồi trong ô tô. Người đó giơ một tờ báo lên ngay khi McCaleb nhận thấy điều đó, và khuôn mặt y biến mất. McCaleb xem xét kỹ chiếc xe. Đó là một chiếc ô tô cũ rích bệ rạc, xuất xứ nước ngoài, nên ông loại bỏ khả năng có thể là Arrango cho người bám đuôi ông. Ông loại bỏ khả năng đó khi Keisha bắt đầu đọc bài báo trên màn hình của cô.
“OK, bài đầu tiên đăng ngày mồng tám tháng Mười năm ngoái. Bài ngắn thôi. ‘Theo cảnh sát IngleWood hôm thứ Năm, một cặp vợ chồng bị bắn bị thương hôm thứ Năm bởi một tên toan cướp của, tên này sau đó bị một nhóm người qua đường quật xuống đất tóm gọn. Cặp vợ chồng đang đi dọc Đại lộ Manchester lúc 11 giờ thì một người đàn ông đeo mặt nạ trượt tuyết đến gần và...”
“Gã đó bị bắt à?”
“Bài báo nói thế.”
“Được rồi, bỏ qua đi. Tôi đang tìm những vụ chưa phá được kia.”
“Rồi, bài kế là ngày thứ Sáu, hai mươi tư tháng Giêng. Đầu đề là ‘Một người bị bắn và cướp nơi máy ATM.’ Không có tít phụ. Cũng là bài ngắn. ‘Đêm thứ Tư, một người vùng Lancaster đang rút tiền từ một máy ATM thì bị bắn chết, theo phó cảnh sát trưởng hạt Los Angeles thì đây là một vụ giết người nhạy cảm. James Cordell, ba mươi tuổi, bị bắn một phát vào đầu bởi một kẻ tấn công lạ mặt, kẻ này sau đó cướp ba trăm đô mà ông Cordell vừa rút ra khỏi máy. Vụ nã súng xảy ra vào khoảng mười giờ đêm tại chi nhánh khu vực của Ngân hàng Nhà nước, tại lô sô 1800 Phố Lancaster. Thám tử Jaye Winston dưới quyền quận trưởng cảnh sát cho hay một phần vụ nã súng đã bị ghi lại trên camera an ninh của máy ATM, nhưng không đủ để nhận diện hung thủ. Khung hình duy nhất có hung thủ trên camera cho thấy hắn đeo mặt nạ trượt tuyết đan len màu sẫm trùm kín đầu. Tuy nhiên, Winston nói cuốn băng tiết lộ rằng về phần Cordell, ông ta không hề chống cự hay từ chối đưa tiền.’ Đó là một hành động hoàn toàn máu lạnh,” Winston nói, “Gã này chỉ bước tới, bắn nạn nhân rồi lấy tiền. Rất lạnh lùng và tàn bạo. Gã này không quan tâm, hắn chỉ muốn tiền. ‘Cordell gục ngã phía trước máy rút tiền đèn thắp sáng choang, nhưng chỉ khi một người khách khác đến sau đó khoảng mười lăm phút thì xác ông ta mới được phát hiện. Nhân viên cấp cứu tuyên bố ông ta đã chết ngay tại hiện trường’. Rồi, bài có thế thôi. Ông sẵn sàng nghe bài kế chứ?”
“Sẵn sàng.”
McCaleb đang mải ghi nhanh vài chi tiết trong bài báo vào sổ tay. Ông gạch dưới cái tên Winston ba lần. Ông biết Jaye Winston. Ông nghĩ Winston chắc sẽ sẵn lòng giúp ông, sẵn lòng hơn Arrango và Walters. Jaye Winston thì không phải một tay khó nhảy cùng. McCaleb cảm thấy rốt cuộc ông đã gặp vận may.
Keisha Russell bắt đầu đọc bài báo kế tiếp.
“OK, cũng chuyện ấy. Không có tít phụ. Cũng ngắn, đăng sau đó hai ngày. ‘Phụ tá cảnh sát trưởng cho biết không có nghi can trong vụ nã súng trong tuần này làm chết một người đang rút tiền từ máy ATM ở phố Lancaster. Thám tử Jaye Winston nói sở cảnh sát muốn nói chuyện với bất cứ người nào, lái xe hoặc đi bộ, có mặt trong khu vực lô số 1800 phố Lancaster vào đêm hôm thứ Tư và có thể đã thấy hung thủ trước hoặc sau vụ nã súng lúc mười giờ hai mươi. James Cordell, ba mươi tuổi, bị một tên cướp đeo mặt nạ bắn một phát vào đầu. Ông chết ngay tại hiện trường vụ cướp. Ba trăm đô bị lấy mất trong vụ cướp. Mặc dù một phần vụ việc đã được ghi lại trong camera an ninh của Chi nhánh khu vực Ngân hàng Nhà nước, song các điều tra viên không nhận diện được nghi phạm vì hắn đeo mặt nạ’. Phải có lúc nào đó hắn gỡ mặt nạ ra,” Winston nói. “ ‘Hắn không thể đi bộ hay lái xe dọc phố mà vẫn đeo mặt nạ. Người ta ắt phải có thấy gã này, và chúng tôi muốn nói chuyện với những người đó’. OK, thế thôi.”
McCaleb không ghi chép gì từ bài thứ hai. Nhưng ông đang mải nghĩ về những gì Keisha vừa đọc nên không nói gì.
“Terry, ông vẫn còn đó chứ?”
“Ừ. Xin lỗi.”
“Có ích gì không?”
“Tôi cho là có. Có lẽ.”
“Rồi thì ông vẫn không cho tôi biết là chuyện gì sao?”
“Chưa được, Keisha ạ, nhưng cám ơn. Cô sẽ là người đầu tiên biết.”
Ông gác máy rồi rút tấm danh thiếp mà Arrango đưa cho ra khỏi túi áo. Ông quyết định không chờ đến mai mới gọi Arrango hay Walters. Giờ thì ông có một manh mối cần bám sát, dù cho cảnh sát Los Angeles có hợp tác với ông hay không. Trong khi chờ đầu bên kia trả lời, ông nhìn sang bên kia đường. Chiếc xe có gã đàn ông đọc báo đã đi khỏi.
Điện thoại được nhấc lên sau sáu hồi chuông và cuối cùng người ta chuyển ông đến gặp Arrango. McCaleb hỏi Buskirk đã về chưa.
“Tin xấu, ông bạn à,” Arrango nói. “Trung úy về rồi, an toàn vô sự. Nhưng ông ấy không muốn chuyển hồ sơ cho anh.”
“Chà, sao lại thế được?” McCaleb hỏi, cố vờ tỏ ra bực dọc.
“Ừ thì, thực ra tôi không hỏi, nhưng tôi nghĩ ông ấy cáu vì anh không đến gặp ông ấy trước. Tôi đã bảo anh mà. Lẽ ra anh phải theo đúng trình tự trên dưới.”
“Cái đó hơi khó, vì sáng nay ông ta không có mặt mà. Với lại tôi có nói với anh tôi đã xin gặp ông ấy đầu tiên. Anh có bảo ông ta vậy không?”
“Có chớ, tôi có nói. Tôi nghĩ chắc ông ấy đang cơn cáu tiết, vừa từ văn phòng Valley về mà. Chắc ông ấy vừa bị xạc một mẻ nên về tới là ông ấy xạc luôn tôi. Thỉnh thoảng vẫn vậy mà. Trên xạc dưới, dưới lại xạc dưới nữa, cả dây chuyền. Dù sao thì, xem đấy, anh vẫn gặp may. Tụi tôi đã cho anh xem hết cuốn băng còn gì. Anh có thể khởi đầu từ đấy rồi. Đáng ra chúng tôi không nên làm thế cho anh.”
“Cũng đại khái là khởi đầu. Anh biết đó, cứ kiểu quan liêu vớ vẩn thế này mà giải quyết được chuyện gì thì cũng thật là lạ. Tôi nghĩ FBI chẳng giống ai. Chúng tôi thường gọi nó là Pederal Bureau of Inertia, Cục Trì trệ Liên bang. Nhưng chắc là ở đâu cũng thế thôi.”
“Này, tụi tôi cóc cần anh ba hoa thiên địa. Tụi này có khối việc làm ở đây rồi. Sếp tôi hình như nghĩ là tôi mời anh tới nên giờ ông ấy sùng tôi lắm. Tôi đếch cần. Nếu anh muốn khùng lên mà cuốn xéo thì tùy anh. Nhưng làm ơn cuốn xéo đi cho.”
“Tôi đi đây, Arrango. Anh sẽ không nghe tin gì của tôi đâu chừng nào tôi chưa tóm được hung thủ của anh. Tôi sẽ dẫn hắn vào sở cho anh.”
Ngay khi vừa nói xong McCaleb đã biết nói thế chỉ là huênh hoang vô tích sự. Nhưng từ ngày mồng chín tháng Hai ấy đến giờ, ông càng lúc càng nhận ra mình hết còn khoan dung nổi với những thằng đần.
Arrango phá lên cười chế nhạo để đáp lại, rồi nói: “Ừ, được rồi. Tôi sẽ đợi anh.”
Gã gác máy.