Sáng mùng 1 nào cũng thế, mẹ cô sẽ cẩn thận đun một nồi nước rau mùi để cả nhà rửa mặt cho thơm. Tiếp đến là ăn sáng, trước kia không có Andrew thì mỗi người sẽ ăn tạm một miếng bánh trưng nhỏ. Nhưng năm nay có con rể nên bố mẹ cô chuẩn bị bữa sáng khá cầu kỳ.
Sau đó hai mẹ con Hạnh tranh thủ làm mâm cơm cúng gia tiên. Mọi thứ xong xuôi thì đồng hồ mới điểm 9h sáng, sau khi bố cô đặt mâm lên bàn thờ, cắm hương xong xuôi thì ông nội cũng được dìu cần thận ra nhà ngoài để khấn.
Ông khấn gì đó Hạnh không nghe rõ lắm, chỉ thấy lần này ông khấn lâu lắm, lâu hơn cái hồi Hạnh còn chưa đi lấy chồng rất nhiều.
Chờ ông khấn xong, Hạnh cũng vào phòng lấy điện thoại gọi cho mẹ chồng, bên ấy hiện tại đang là 7h tối. Mặc dù Hạnh biết mọi người bên đó không hề biết đến cái tết truyền thống của Việt Nam, nhưng Hạnh vẫn muốn nói câu “chúc mừng năm mới với” với bố mẹ chồng.
Chỉ đến hồi chuông thứ 3 mẹ chồng cô đã bắt máy, khuôn mặt hiền hậu của bà hiện lên màn hình, bên cạnh bà không ai khác chính là ông David. Thấy họ ngay lập tức Hạnh nói lớn:
- Chúc mừng năm mới bố mẹ. CHúc bố mẹ vạn sự như ý.
Bà Funny cười tươi đáp lại:
- Cảm ơn các con, mẹ cũng chúc vợ chồng con luôn may mắn, hạnh phúc và thành công. Bên ấy đã sang năm mới rồi hả, các con ăn tết có vui không.
Andrew chen vào đáp:
- Bên này nhiều phong tục lạ lắm mẹ, khá thú vị nữa.
Ông David cũng nói thêm vào:
- Mỗi nước có một phong tục tập quán khác nhau mà. Julie về đó có ngoan không, con bé có bị lạ không con?
- Dạ, con bé ngoan bố, cũng có chút không quen với múi giờ, nhưng mà bây giờ thì ổn rồi ạ.
- Thế ông bà thông gia đâu rồi, cả cụ nữa, cho bố nói chuyện hỏi thăm sức khoẻ cụ một chút nhé.
Hạnh vâng dạ gật đầu, rồi cầm điện thoại di chuyển đến chỗ ông nội, còn Andrew thì tiến đến chỗ con gái để cưng nựng. Nói chuyện xong với ông nội thì lại đến tiết mục hỏi thăm sức khoẻ của 2 ông bà thông gia, dĩ nhiên Hạnh sẽ luôn phải đứng đó để phiên dịch cho mọi người rồi.
Cuộc nói chuyện kết thúc cũng là lúc các cô các Bác sang đến nhà Hạnh đông đủ. Bữa cơm đầu tiên của năm mới luôn là bữa cơm đông đủ nhất. Bố mẹ Hạnh không phải con trưởng, nhưng mà đang sống trên đất hương hoả, cộng với việc ông nội ở đây. Nên bao năm qua mọi người vẫn giữ thói quen xum họp ăn bữa cơm đầu năm tại nhà Hạnh.
Ngày nhỏ hạnh chỉ háo hức mong chờ đến khi cả nhà dùng bữa xong để được cùng mọi người đi chúc tết.
Mặc dù đi chúc tết từ 11h trưa đến tận chiều muộn nhưng ngày ấy Hạnh không mệt tẹo nào, vì đến đâu cũng nhận được tiền lì xì.
Nhưng đó là ngày nhỏ, còn bây giờ vợ chồng Hạnh mới đi chúc tết được một nửa họ hàng thôi mà đã mệt nhoài. Julie thấy nhiều người lạ thì bám mẹ bắt bế suốt thành ra đã mệt nay còn mệt hơn.
Ngày mùng 1 trôi qua như thế, sang ngày mùng hai cũng không khác là bao. Vợ chồng Hạnh lại theo chân bà Hạ đi chúc tết bên ngoại. Còn ông Thanh - bố Hạnh thì ở nhà tiếp khách.
Đến ngày mùng 3 Hai vợ chồng lại đi chúc tết hết lượt hàng xóm xung quanh. Vợ chồng Hạnh ở xa về, thành ra việc chúc tết cũng cầu kỳ và rườm rà hơn.
Đi đâu cũng một câu nói quen thuộc:
- Con Hạnh lấy chồng tây rồi nên chả cần phải chúc nhiều tiền nữa nhỉ?
Một số người thì hỏi thẳng:
- Lấy chồng tây có sướng hơn chồng Việt không Hạnh?
- Chồng nào mà chẳng giống nhau chứ ạ.
- Mày cứ nói thế, chồng tây vừa giàu lại galang, chồng Việt làm gì có cửa mà bì. Này bên ấy có quen ai, giới thiệu cho con Cúc nhà bác với.
Hạnh cười gượng mà đáp:
- Dạ, thôi đầu năm mới vợ chồng con sang chúc tết cả nhà. Chúc cả nhà một năm mới tấn tài tấn lộc. Giờ con xin phép về, còn đi mấy nhà nữa ạ.
Andrew thì không biết tiếng nên chỉ đi bên cạnh làm bình phong, lâu lâu lại chưng ra nụ cười rất là công nghiệp. Nhưng nhìn bộ dạng của anh, Hạnh đoán anh cũng oải chẳng kém gì cô.
Hạnh thật sự cảm thấy sợ mỗi khi chuẩn bị bước chân vào đâu đó chúc tết. Cô chỉ muốn đứng cùng chồng ở ngoài này mà hít hà cái hương vị mặn mòi của biển cả. Không thì trở về nhà cùng con gái, chứ mấy lễ nghi khuôn phép này thật sự khiến cô mệt.
Nhưng mong muốn và thực tại chẳng giống nhau, hạnh đâu thể làm khác. Chỉ có thể mau chóng hoàn thành thì mới mong về nhà với con gái.
Chiều mùng 3 thì Hạnh có hẹn với chị Phúc và một vài người bạn ngày trước làm chung. Andrew sau mấy ngày dài chúc tết cộng với việc lệch múi giờ thì mệt nhoài nên ở nhà ngủ.
Thấy Hạnh, Hai chị em mừng mừng tủi tủi ôm chặt lấy nhau.
Lát sau chỉ mới kéo Hạnh ngồi xuống mà hỏi:
- cuộc sống của em bên ấy thế nào, có ổn không? Gần đây thấy em ít tâm sự với chị hơn trước. Mà thằng cu nhà chị nó vào lớp 1 nên cũng bận, chẳng hỏi thăm em thường xuyên được.
Hạnh cười tươi nắm tay chị Phúc mà đáp:
- Thời gian trước thì có chút không quen, nhưng hiện tại thì hạnh phúc chị ạ.
- Thật không?
Cái Hoa, bên cạnh xen vào:
- chỉ chỉ khéo lo xa, chồng nó dân Pháp, sang bên ấy tiền tiêu cả quyển, có gì mà ổn hay không mà chị phải lo.
Chị Phúc thở dài đáp:
- Trong chăn mới biết chăn có rận em ạ.
Cái Lan ngay lập tức gạt chị Phúc đi mà hỏi:
- Thôi thôi chấy với rận gì thì tôi không biết. Nhưng mà Hạnh này, hỏi hơi vô duyên tí nhé, khoai tây có khác khoai ta không mày.
Mới đầu hạnh còn ngây ngô chưa hiểu, phải mất mấy giây sau mặt cô mới dần ửng đỏ mà xấu hổ trả lời:
- cái con này rõ vô duyên, khoai với sắn cái gì.
- Đùa tí, làm gì mà mặt đỏ như ăn ớt vậy. Mà hỏi thật lấy chồng tây sướng không, để tao còn biết lối phấn đấu.
Hạnh cười không đáp, sướng hay không Hạnh thật sự không biết. Bởi cuộc đời mỗi người mỗi khác, đâu thể nào mà đem so sánh 2 người ở 2 môi trường sống khác nhau được?
Hơn nữa sướng hay khổ theo quan niệm của mỗi người cũng chẳng giống nhau. Người dễ tính, hoặc đã trải qua quá nhiều buồn tủi như hạnh, thì cô tự thấy cuộc sống của mình tại thời điểm này tạm gọi là sướng.
Nhưng cũng có người đặt ra yêu cầu cao về cuộc sống hôn nhân, thì sẽ không bằng lòng với những gì Hạnh đang có.
Bởi vậy Hạnh chẳng muốn bàn về vấn đề ấy, mà nhanh chóng chuyển hướng câu chuyện sang chủ đề khác.
Tối ấy Hạnh nhắn tin với chị Phúc rất lâu, chị khá tinh ý nên bảo:
- Nhìn vẻ mặt em mỗi lần ai đó hỏi đến chồng, chị tin cuộc sống của em hiện tại vui vẻ. Chị cũng chỉ mong em được hạnh phúc là chị mừng rồi.
- Em đã nói em ổn mà, thế còn chị, chiều em chưa tiện hỏi, chị với cu Bót thế nào?
- Chị mày vẫn vậy, cu thì lớn hơn, nên cũng đỡ vất vả hơn trước rồi, chỉ là phải kèm anh chàng học mất thời gian hơn thôi.
Hạnh biết, chị Phúc mà cô biết là người vô cùng mạnh mẽ, nên cô cũng tin chị sẽ hạnh phúc. Chỉ là nhìn cảnh chị cứ lẻ bóng một mình Hạnh thấy thương thương nên hỏi:
- Chị này, chị đã bao giờ có ý định đi thêm bước nữa chưa?
- Thôi chị xin, một lần là tởn đến gà rồi, hơn nữa giờ chị đâu có một mình, chị còn thằng Bót nữa. Chị không muốn nó phải buồn, cũng sợ người ta không thương nó. Nên chị quyết rồi, chị sẽ ở vậy để chăm lo cho tình yêu lớn nhất đời chị. Nhìn nó khôn lớn là chị hạnh phúc rồi.
Quả thật Hạnh suy nghĩ đơn giản quá rồi, người ta thương chị, nhưng chắc gì đã thương con chị. Chị đổ vỡ một lần rồi, dâu dễ dàng gì mà đánh cược lần 2. Thôi thì số phận an bài cả rồi, có cuõng cầu cũng chả được.
Nghĩ vẩn vơ, chả hiểu sao Hạnh lại nhớ đến Nacer, lâu rồi Hạnh chẳng nói chuyện cùng cậu ta. Trong lòng cô lúc này có chút gì đó cảm giác vừa như trống vắng, lại tựa như nhớ nhung.
Có thể mọi người sẽ thấy Hạnh điên rồ khi nằm bên chồng, lại nhớ đến em chồng. Nhưng Hạnh đâu thể điều khiển được suy nghĩ của bản thân. Hai người trước đó thân thiết như vậy. Đùng một cái Nacer chuyển đi không một lời tạm biệt, tất nhiên Hạnh cũng phải có chút buồn thương rồi.
Phân vân mãi hạnh quyết định nhắn 1 tin ngắn gọn:
- Chúc mừng năm mới.
Đầu giây bên kia như thể đoán trước được tin nhắn của Hạnh sẽ đến. Bởi rất nhanh sau đó Hạnh nhận được tin phản hồi:
- Cảm ơn chị, chúc anh chị trăm năm hạnh phúc.
Lời chúc quen thuộc ấy, nhưng sao Hạnh cảm thấy nó lạnh lẽo tựa như khối băng ngàn năm đè nặng trong tim cô thế này.
Không nhắn thêm nữa, Hạnh tắt máy cỗ dỗ mình vào giấc ngủ để xua đi những suy nghĩ không nên có trong đầu mình.
Hôn nhân của Hạnh đang tốt đẹp, cô không muốn đánh đổi bất cứ điều gì cả. Hơn nữa, cô cũng không mong bản thân sẽ đi sai đường với Nacer. Hơn ai hết, hạnh hiểu cái giá phải trả sẽ lớn đến đâu. Hạnh tự nhủ thầm rằng:
- chẳng có gì cả, cảm xúc lúc này chỉ là thói quen, mà thói quen thì phải cần một chút thời gian mới sửa được. Vậy nên không cần suy nghĩ nhiều quá, ngủ một giấc, ngày mai bình minh lại lên.
Thế rồi không biết Hạnh mơ, hay nhớ quá mà tự tưởng tượng ra mà cô thấy điện thoại mình rung lên. Một tin nhắn đến chỉ vỏn vẹn 4 chữ:
- Bao giờ chị về?