– Chốc nữa vào nếu mẹ em có hỏi thì bảo là em sang nhà tôi để giúp một tay nhớ chưa.
– Tại sao ạ?
– Nếu em còn muốn được đi chơi thì cứ thế mà làm, đừng hỏi nhiều.
– À… em biết rồi nhớ… – Tôi khẽ à lên.
– À với ồ cái gì đồ dốt, thế có muốn đi chơi nữa không?
– Nếu đi nữa thì thầy lại gắp thú bông cho em nhớ?
– Em mơ à. Hôm nay là tôi đền cho hôm Noel thôi, liệu mà học hành cho tốt vào. Mà hôm nọ tôi ngó sổ điểm của thầy Tuấn rồi, môn vật lý của em dạo này tệ hại quá đấy nhé. Bây giờ các tối lại sang nhà tôi kèm cho, biết chưa.
– Ơ…ơ..
– Ơ với ờ cái gì, tôi nói rồi đấy, kệ em.
Và đó là toàn bộ lí do để tôi ngồi ở đây còn anh thì ngồi ở bàn làm việc, nghe tai phone với vẻ mặt khoái chí ngồi đọc báo. Ôi cái sự học đời tôi…
Tôi tính tính toán toán cặm cụi nháp lên nháp xuống rồi lại gạch gạch tẩy tẩy, khổ cực như thế mà con mèo béo không thương thì thôi mà lại còn nhảy vào chen ngang. Nheo từ đâu chạy vào nhảy tót lên đùi Anh Quân rồi nằm gọn trong đó, nghêu ngao vài tiếng rồi trèo phắt qua chỗ tôi ở góc phòng, con mèo béo nghịch ngợm, vờn vờn mép giấy rồi thừa lúc tôi đang mải mê với đống từ trường cảm ứng gì gì đó mà cào nát tờ bài làm của tôi không thương tiếc.
– Giời ơiiiii – Tôi gào lên – Con lợn nàyyyyy
– Nó là mèo! – Anh Quân bình thản.
– Mèo gì mà ngu như lợn, đã thế còn hay phá hoại nữa.
– Mèo của tôi để em mắng nhiếc thế hả?
– Là em tìm thấy nó chứ.
– Thế bây giờ ai mới là người bỏ công ra nuôi nó hả? – Anh vẫn ung dung nhìn vào màn hình.
Tôi cứng họng, ôm cả cục tức lườm con mèo rồi chỉ tay ra cửa, miệng nói thật nhỏ để anh không nghe thấy.
– Biến. – Tôi trừng mắt với con mèo thì thầm.
Nhưng nó không biết sợ là gì, như thể hành động của tôi là đang trêu đùa nó vậy. Con mèo béo vểnh hai bên ria mép ngửa mặt ưỡn ngực lượn qua lượn lại trước mặt tôi một cách kiêu hãnh rồi sau đó hếch cái mông lượn ra phía ngoài cửa, mặt vẫn ngoái về phía tôi để trêu tức. Nó vẫn hếch cái mặt lên trông rất đáng ghét và rồi đập mặt vào cửa, khiến cho cánh cửa đang mở toang hơi khép lại, để lộ một mảng tường phía sau. Tôi thấy con mèo đáng ghét đó bị đập mặt thì cười hả hê rồi ngay sau đó bản thân mình cũng đần mặt ra khi nhìn thấy bức tường phía đằng sau cánh cửa. Bức tường đó dán đầy những mảnh giấy nhớ, những mẩu giấy xanh xanh hồng hồng chi chít chữ dán đầy trên tường. Tôi cứ tưởng anh phải gỡ hết những mẩu giấy đó xuống nhưng anh không làm thế mà hình như anh còn dán thêm lên đó. Là những lịch báo giảng, là những kiến thức mà tôi còn thiếu sót, là những điều tôi chưa được học.
– Em cứ tưởng thầy bóc hết ra rồi chứ.
– Gì cơ?
Lúc bấy giờ anh mới gỡ tai nghe mà quay lại chỗ tôi đang đứng, đôi lông mày hơi nhướn lên, đáy mắt có chút xao động.
– Bóc ra thì sẽ phải sơn lại tường. Thôi khỏi bóc đi. – Anh trở lại trạng thái bình thản rồi đứng dậy đi về phía sau cánh cửa. – Mấy cái đó cũng có ích đấy chứ mà em ra kia học tiếp đi.
Nhảm nhí nhưng tôi thấy vui. Ít ra thì anh cũng không nói tôi là ngốc hay gì gì đó đại loại như thế, quan trọng hơn là anh đã không gỡ chúng xuống mặc dù cái lí do của anh là “không muốn sơn lại tường”. Tôi tủm tỉm, ngoan ngoãn quay vào làm bài tập.
Ngồi được một lúc nhưng tôi không tài nào có thể tập trung được với cái đống chữ ngổn ngang này. Nhìn bâng quơ ánh mắt tôi lại vô thức hướng về phía anh đang ngồi. Từ chỗ anh đến chỗ tôi cách có khoảng năm bước chân nhưng tôi lại không dám vượt qua năm bước chân đó để đến bên cạnh anh, tôi hoàn toàn không có lí do để làm vậy. Đã có một khoảnh khắc tôi suýt chút nữa nói ra tất cả, suýt chút nữa tôi đã nói với anh rằng tôi thích anh, thích nhiều lắm nhưng rồi không biết rằng may hay rủi khi mà tôi định làm điều dại dột đó thì Bảo Khánh xuất hiện. Tôi như một quả bóng bị xì hơi, xẹp lép và hụt hẫng nằm một góc. Phù hợp với anh có lẽ là một thế giới hào nhoáng, phù hợp để đứng bên cạnh anh có lẽ là một người con gái hoàn mĩ như Bảo Khánh. Đã từng có lần tôi ước mình đừng có gặp anh, tôi ước năm học lớp 10 mình không dại dột dây dưa với Mai Hương hôm ở phòng tin để nó ngứa mắt phá tan tành đôi giày của tôi, báo hại tôi đúng hôm hết giày, tôi cũng ước giá mà chiều hôm đó tôi lại không mua giày ở cái shop gần nhà đó, tôi cũng ước anh không mua tranh với tôi cái đôi giày màu tím than với những viên ngọc lấp lánh đính ở mũi giày hôm ấy, như vậy tôi sẽ không có ấn tượng gì với anh, như vậy anh cũng sẽ chỉ là một người thầy bình thường của tôi. Nếu vậy chắc chẳng có gì xảy ra, chắc tôi sẽ không thích anh nhiều đến vậy, sẽ không mắc kẹt trong chính những cảm xúc mông lung hỗn độn của mình, cảm giác như tôi đang mắc kẹt trong chính đôi giày ấy, mắc kẹt với chính tình cảm này.
Tôi ngồi bần thần nghĩ ngợi thì tiếng chuông điện thoại kêu “Ting” một tiếng.
“Tao Hạ đây, đống cọ vẽ hôm nọ mày vứt đâu rồi?”
Tôi nhắn một cái tin nhanh và ngắn gọn gửi cho nó.
“Trên nóc tủ. Sắp tết rồi mà vẫn học à?”
Tôi chẳng cần đợi lâu để nhận lại tin nhắn của nó.
“Đang vẽ dở nên vẽ nốt thôi. Hoàn thành những việc dang dở trước khi sang năm mới. Giống khi yêu ý, đó là một điều kiện cần và đủ. Nghe lởm vãiiii.X-D ”
– Làm cái gì thế? – Anh Quân nghe thấy tiếng điện thoại thì quay lại kiểm tra. – Tôi bắt em làm bài chứ bảo em ngồi nhắn tin à?
– Thầy ơi, điều kiện cần và đủ nghĩa là sao ạ?
– Sao hỏi tôi, sao tôi biết được. Mà bắt em học lý tự nhiên em hỏi cái gì ở đâu đâu ấy là sao?
– Tại em tự nhiên thắc mắc.
Vừa nói cái mặt tôi vừa xị ra như cái bánh bao. Anh thở dài một cái rồi lắc đầu, chầm chậm nói.
– Điều kiện cần là điều kiện mà nếu nó không được thực hiện thì điều khẳng định đã cho chắc chắn là không đúng còn điều kiện đủ là điều kiện mà từ đó có thể suy ra điều khẳng định đã cho.
– Là sao ạ? – Mặt tôi có vẻ đần.
– Nôm na thế này nhé, nói”Con chó có 4 chân” là đúng, trong toán học gọi câu nói đó là Mệnh đề thuận, như vậy con chó dứt khoát phải có 4 chân, con nào có 2 chân, 3 chân, túm lại số chân không phải là 4 thì chắc chắn không phải là con chó. Phần này em hiểu không?
Tôi gật đầu cái rụp, anh cũng gật đầu rồi tiếp tục.
– Vậy thì điều kiện cần để một con vật được gọi là con chó thì phải có 4 chân.Ngược lại bây giờ có một con có 4 chân rồi thì đó có phải là con chó không? Câu trả lời là chưa chắc vì mới chỉ có 4 chân thôi thì chưa ĐỦ. Muốn là con chó phải thỏa mãn thêm điều kiện: có đuôi, biết cắn người, ăn được nữa mới là con chó được. Đó là các điều kiện đủ. Hiểu chưa?
– Chắc là rồi ạ.
– Vậy thì làm bài tiếp đi, đừng tốn thời gian vì những câu hỏi không đâu nữa.
– Nhưng mà em mệt lắm. Bài thầy cho nhiều quá em làm phát mệt.
– Tôi giao là để em làm chứ để em càu nhàu hả? – Anh Quân chống nạnh vẻ “đanh đá” lên tiếng nạt nộ.
– Tại vừa khó vừa nhiều mà cũng sát tết rồi làm gì còn ai có tâm trạng học hành gì chứ.
– Ai bảo em học tụt dốc, em mà không tụt dốc tôi cũng chẳng tốn thời gian bắt em làm cái đống này làm gì, xong đã thế còn tốn bao nhiêu thời gian vàng ngọc của tôi nữa, em nghĩ tôi rảnh chắc?
– Thời gian của thầy là vàng ngọc còn của em là sỏi đá chắc.
– A giỏi nhỉ bây giờ còn dám cãi lại tôi nữa, lâu rồi không ăn đòn nên nhờn đúng không hả?
Anh cúi xuống dùng hai nắm tay ép chặt vào hai bên thái dương khiến tôi kêu oai oái còn tôi thì ra sức dùng tay kéo hai tay anh ra khỏi cái đầu đáng thương của mình. Đúng lúc đó ở phía ngoài cánh cửa ra vào là Bảo Khánh với ánh mắt bất ngờ. Tôi bất động còn Anh Quân thì đứng thằng người, nụ cười đùa vui khi nãy cũng dần tan biến sạch. Dường như hiểu ra ẩn ý sâu xa trong ánh mắt của Anh Quân Bảo Khánh chậm rãi nói.
– Ở trường hôm nay họp bàn về chương trình chào xuân, đây là nội dung mà thầy tổng phụ trách nhờ em chuyển cho anh.
– Được nhờ hay là xung phong?
Bảo Khánh mím môi không nói lời nào nhưng cũng không có ý định rời đi. Tôi, cái đứa ít hiểu chuyện nhất căn phòng này bắt đầu cảm thấy không khí trong phòng dần trở nên gượng gạo thì không chịu được, khẽ lên tiếng.
– Em xin phép xuống kia một lát.
Nói rồi tôi chuồn ngay tức khắc. Nghĩ đến việc Bảo Khánh và Anh Quân cũng nhau bàn chuyện tôi lại có chút tự ti. Đã có đôi lúc tôi hoang tưởng rằng có lẽ anh cũng có chút gì đó gọi là thích tôi nhưng rồi khi thấy anh và Bảo Khánh ở cạnh nhau tôi lại cảm thấy muốn tự cười vào mặt mình. Tựa như tôi không nên, à không, phải là không bao giờ nên có những suy nghĩ tương tự vậy, thật là ngốc nghếch, thật hão huyền. Thật là buồn cười khi có những trường hợp ngang trái như vậy, thật khiến con người ta cảm thấy hổ thẹn. Liệu đó có phải điều kiện cần và đủ để tạo nên một cuộc sống? Con mèo béo vài phút trước còn làm bộ chảnh chọe giờ đã nhảy tót vào lòng tôi ngồi. Một cơn gió thoáng qua, tôi rùng mình, cảm giác như mùa đông chưa thực sự đến mà mùa xuân đã vội vã về.
Suốt những ngày nối theo sau đó trong lòng tôi chỉ toàn là những chán nản và thiếu tự tin về bản thân. Ở trường, mọi người đều đang chuẩn bị cho chương trình chào xuân gì gì đó sắp tới, là một cuộc thi tài năng nhỏ do cả trường bình chọn và có vả sự góp vui của các thầy cô trong trường. Có người bảo tôi tham gia nhưng nghĩ lại thì tôi cũng không hứng thú và cũng chẳng có ý định tham gia. Không phải tôi ghét bỏ piano hay chán ngán mấy cái hoạt động trường, chỉ vì tôi không đủ tự tin để đứng trên sân khấu đó và tôi biết chắc rằng đa số mọi người sẽ không để ý, không quan tâm đến một bản piano dù nó có hay như thế nào, sâu sắc như thế nào đi chăng nữa. Tôi không oán trách, đơn giản vì piano là một loại hình âm nhạc rất kén người nghe, không phải ai cũng nhận thấy cái hay, cái đẹp của một bản đàn. Tôi cũng yêu piano nhiều lắm chứ nhưng chỉ sau cái bút chì mà thôi, ngẫm lâu thêm một chút nữa thì có lẽ sau cả anh nữa.
Tôi đeo tai nghe, bật volum thật to. Trong lúc mọi người ở trường bận rộn, người thì tập luyện để đi thi bóng rổ, người chăm chú học để thi đội tuyển, người thì lại chăm chỉ tập luyện cho cuộc thi sắp tới thì tôi lại ở một chỗ cách đó khá xa, đứng mân mê bên giá vẽ với cây bút chì và cục tẩy, thế giới của tôi hiện giờ chỉ có bút chì, bảng vẽ, mẫu vật, cục tẩy và những giai điệu ngân vang đều đều trong tai nghe. Hôm nay mẫu vẽ của tôi là một đầu tượng thạch cao, bức tượng đó có khuôn mặt rất giống Anh Quân, chỉ khác mỗi đôi môi và cả đôi mắt, khiến tôi mân mê dựng hình suốt cả buổi. Đây có lẽ là bức hình họa lâu nhất mà tôi từng dựng hình. Cũng gần nghỉ tết nên lớp học vẽ hôm nay khá vắng vẻ, chị Trúc thì xin phép nghỉ tết sớm vì gia đình chị sẽ đi du lịch trong kì nghỉ tết, Hạ thì đang ngồi lướt facebook cho dù cái bài màu của nó suốt từ tuần nào rồi mà đến hôm nay mà vẫn chưa hoàn thiện xong, lũ trẻ con cũng nghỉ một nửa, không gian phòng học hôm nay yên ắng hơn mọi ngày. Thấy tôi mãi mà vẫn không xong được nổi phần dựng hình thì nó bắt đầu quan tâm.
– Có mỗi cái đầu mà nãy giờ chưa xong hả bà nội?
– … – Tôi đeo tai nghe nên chẳng nghe thấy gì, vẫn tiếp tục miệt mài.
– Ê con điên.
– …
Hạ đá vào chân tôi đau điếng, suýt chút thì ngã nhào vào giá vẽ.
– Gì thế? – Tôi gắt
– Ai bảo gọi không nghe, mày làm cái quái gì lâu thế? Tượng đẹp trai quá vẽ không nổi à?
– À… – Tôi à một câu rồi ngây người ra nhìn về phía bức tượng. Đẹp? Ờ thì cũng có đẹp nhưng không có đôi mắt giống đôi mắt mà tôi yêu nên bức tượng này sẽ chỉ hơi đẹp mà thôi.
– Mày đang “cảm nắng” thằng cha nào à? – Hạ hỏi bất ngờ.
– Gì cơ? -Tôi có tật nên đã giật mình.
– Tao hỏi là mày mê thằng nào rồi à? Nãy giờ cứ à với ơ, ngơ ngơ ngác ngác trông chán đếch tả nổi.
– Trông tao giống như đang yêu lắm à? – Tôi ngây thơ hỏi lại.
– Mặc xác mày, qua đây tao hỏi này. – Hạ nhìn tôi bằng ánh mắt không quan tâm rồi chìa ra cái điện thoại. – Có cuộc thi này hay lắm này mày ơi, tham gia không?
Tôi dí mặt vào cái điện thoại của nó đọc lướt qua. Đó là một cuộc thi sáng tạo tìm kiếm tài năng, được tài trợ bởi một trường đại học nghệ thuật của Anh quốc với giải nhất là một khóa học trong nước nhằm nâng cao kỹ năng vẽ, giải nhì là một chiếc cúp lưu niệm và 50 triệu đồng tiền mặt, giải ba là 25 triệu đồng. Cuộc thi được áp dụng cho toàn bộ học sinh sinh viên tại Việt Nam, cho những ai có nguyện vọng tham gia cuộc thi gửi bào thi của mình về địa chỉ email phía dưới. Hạn nộp bài thi là tháng 3, cuối tháng 3 ban tổ chức sẽ công bố kết quả. Đọc qua một lượt tôi chẹp chẹp miệng vài cái rồi quay trở lại vị trí.
– Tao không tham gia đâu, bao người cũng tham gia, chắc quái gì mình đã đạt giải. Còn chưa kể chỉ có hơn một tháng nữa thôi là hết xừ nó hạn nộp bài rồi. Thôi thôi, dẹp dẹp đi, mày đi thi thì thi còn tao xin kiếu.
Hạ nhìn tôi một cái rồi làm mặt trêu chọc vẻ khinh thường. Tôi cũng không quan tâm đến việc đó lắm, hiện tại tôi chỉ nghĩ đến đôi mắt anh, màu nâu, trong veo, một đôi mắt đẹp khiến người ta có phần ganh tị. Và thế là buổi tối hôm đó sau khi ăn cơm tối tôi giam mình trong phòng chỉ để ngồi phác họa lại đôi mắt ấy nhưng năm lần bảy lượt cái “đống” mà tôi vẽ ra thường lại không phải đôi mắt của anh. Sau ba tiếng đồng hồ vật vã tôi bỏ cuộc, ném bút ném tẩy ở đó ôm laptop ngồi online facebook. Tôi ấn chuột vào bảng trò chuyện xem có những ai đang online, cái nick mà tôi quan tâm không có đèn màu xanh, à hôm nay anh có lớp dạy thêm ở trung tâm. Ngồi thêm một lúc tôi log out rồi đi ngủ sớm. Đêm hôm đó tôi đã mơ một giấc mơ, mộng mị và đáng sợ. Lúc thức dậy tôi chẳng còn nhớ gì hết, chỉ thấy mồ hôi rịn trên trán và cơ thể không ngừng run rẩy.
Tôi đến trường, bạt và phông nền đã được căng lên, mọi người đều rất hào hứng còn tôi chỉ thấy bình thường. Tôi nhìn thấy Anh Quân đang đi, trên tay anh là một tờ giấy, tôi đoán đó chắc hẳn là lời bài hát mà Bảo Khánh nhắc đến hôm trước, anh sẽ góp vào chương trình một tiết mục chào đón năm mới. Vẫn là dáng vẻ lạnh lùng quen thuộc tạo cho người ta một sự xa cách nhất định nhưng cũng là một chút gì đó thân thiện khiến cho người khác muốn lại gần. Biết rằng người đó khó gần những vẫn muốn tiến gần đến, đó có phải là ngu ngốc không?
Tôi ngây ra nhìn anh một lúc rồi nhanh chóng bước đi ngay khi thấy Bảo Khánh ở phía xa đang gần tiến về phía anh. Không hiểu sao nhưng cứ khi nào nhìn thấy hai người họ ở cạnh nhau là tôi lại cảm thấy bản thân mình không tự nhiên, cứ gượng gạo thế nào ấy. Suốt cả ngày hôm ấy tôi chỉ toàn thấy người ta nôn nóng cho cái chương trình sắp diễn ra. Cảm giác người ta thì hào hứng còn mình thì chẳng mấy quan tâm nó rất bình thản. Nhìn người ta vội vội vàng vàng còn mình thì yên vị ngồi một xó với quyển sách trong tay tôi cảm thấy bản thân mình mờ nhạt hơn rất nhiều. Khoảng một năm trước tôi cũng là cái đứa hớt ha hớt hải chạy qua chạy lại giống như bao người kia, vừa tập đàn cùng Duy Khang lại vừa chuẩn bị gian hàng cùng với lớp để kịp tiến độ cho hội chợ, tôi nhớ chứ, cái cảm giác ấy mệt ghê gớm, mệt tới mức chỉ cần tìm được một chỗ nào đó là có thể lăn quay ra ngủ như chết, bù lại là những trận cười bể bụng, là những kỉ niệm vui vẻ của thời học sinh. Nhưng năm nay lại không vậy, năm nay tôi chấp nhận làm một người không liên quan, chấp nhận làm một con người nhạt nhẽo. Tôi chỉ cảm giác mình mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi. Tôi sống như người già vậy. Chỉ trong thời gian một năm thôi mà con người ta có thể thay đổi nhiều đến vậy.
Ngay cả các giáo viên bộ môn cũng không chịu nổi “nhiệt” của không khí tết và sự náo nhiệt phía bên ngoài sân trường mà cho lớp ngồi chơi. Ngay cả giáo viên cũng chẳng còn thiết tha giảng dạy thì làm sao có thể trách đám học sinh chúng tôi lười nhác bê tha học hành. Thực ra thì tết đến, ngày nghỉ cận kề, chẳng ai còn tâm trạng làm việc, nhất là khi các cửa hàng đang thi nhau giảm giá xả hàng cuối năm ào ạt, nhà cửa bộn bề chưa ai có thời gian để dọn dẹp đón tết, rồi thì còn một đống việc không tên cần giải quyết và có cả những lịch hẹn tụ tập với bạn bè nữa, ai cũng vậy thôi. Tôi ngồi trong lớp nhìn chúng nó mà không khỏi cảm thấy chạnh lòng, cảm giác mọi thứ chẳng còn hoàn hảo như trước, những người bạn mà tôi coi như gia đình ấy hóa ra cũng có lúc tồn tại một thứ khoảng cách xa xôi đến vậy.
Hết giờ, bác bảo vệ lại làm cái công việc huy hoàng của mình, đó là vác cái dùi và đánh trống. Giống như một loại phản xạ vô điều kiện, đồng thời với tiếng trống vừa vang lên là tiếng hò reo vui thích của học sinh từ các lớp. Kế tiếp đó là dòng người đông đúc ùa ra từ phía các lớp học, đổ dồn về phía sân trường, nơi buổi tổng duyện sắp diễn ra. Chỉ cần đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy anh đang đứng sau cánh gà với thầy Tùng dạy thể dục. Tôi do dự đứng lại một lúc rồi đi về phía cổng trường, hoàn toàn không có ý định ở lại để xem buổi tổng duyệt này.
Con đường từ chỗ tôi đứng về phía cánh cổng cũng không đông cho lắm, tôi có thể dễ dàng đi về mà không phải chen lấn hay chờ đợi dòng người nhích từng bước một. Đa số học sinh đã đứng vây kín sân khấu, đi về như tôi cũng chỉ có tầm vài chục người chứ không đông như mọi ngày. Vừa đi tôi vừa nghĩ, có phải là tôi đang “già” đi không? Không phải về hình thức, tôi cảm giác mình cằn cỗi từ trong tâm hồn, cảm thấy muốn khóc vì những chuyện gần đây, cảm thấy áp lực, cảm thấy rất tiêu cực, cảm thấy mệt mỏi. Nếu là tôi của những ngày xưa đó thì chắc chắn nơi tôi đang đứng hiện tại sẽ là ở cõỗ kia, cái chỗ mà người ta đang kéo nhau đến chứ không phải là cánh cổng trường. Ngày trước tôi đã ao ước được một lần thấy anh trổ tài trên sân khấu, bây giờ có thể nói là điều ước của tôi đã trở thành sự thật nhưng tôi lại lựa chọn không nhìn cảnh tượng ấy. Tôi sợ nhìn thấy người đứng cạnh anh là Bảo Khánh, sợ cách anh nhìn chị ấy và cũng sợ cái cách chị ấy quan tâm anh, nói chuyện với anh. Chung quy cũng chỉ tại tôi sợ anh sẽ phát hiện ra tình cảm thật sự của mình, tôi sợ anh sẽ phát hiện ra tiếng nói của con tim, đó là Bảo Khánh. Chính vì vậy nên tôi không muốn nghe, cũng không muốn nhìn gì hết. Tôi vẫn muốn đắm mình vào những ảo tưởng ngọt ngào mà tôi tự vẽ ra cho dù tôi nghĩ mình đã biết trước được sự thật bi thảm của cái tình cảm đơn phương này.
Tôi đi, như một con người bình thường, bên ngoài thì bình thản còn bên trong thì nặng nề. Chiếc điện thoại đang phát bài nhạc yêu thích mà tôi cái riêng cho Anh Quân bỗng rung lên, màn hình nhấp nháy hai chữ “anh thầy”.
– Alô? – Tôi hẵng giọng, bước chân chậm lại.
– Đến sau canh gà đi – Anh cố gắng nói to, phía bên kia đầu dây rất ồn.
– Em đang đi về rồi.
– Quay lại. – Anh nói ngắn gọn.
– Nhưng mà em sắp về đến…
– Em còn chưa ra đến cổng trường, quay lại. – Anh chặn lời rồi dập máy.
Tôi quay đầu về phía sân khấu, thấy anh đứng lấp ló, tay nhét túi quần, ánh mắt đang hướng về phía tôi. Tôi vẫn giữ chiếc điện trong tay, mắt vẫn hướng về phía anh nhưng chân thì tiến về phía cổng trường. Do khoảng cách quá xa cộng thêm đám học sinh đứng đầy xung quanh khiến tôi không thể nhìn thấy được nét biểu cảm trên khuôn mặt anh. Tôi chỉ thấy anh rút điện thoại lên, vài giây sau là chiếc điện thoại trong tay tôi rung lên bần bật.
– Tôi đùa với em đấy à? Nhanh lên, thầy tổng phụ trách muốn gặp em.
Chẳng để cho tôi kịp mở miệng anh đã dập máy rồi đi về phía sau sân khấu chỗ tôi không thể thấy. Tôi đeo lại cặp, bàn chân thay vì bước ra cổng trường giờ quay lại phía sân khấu. Đúng là như đùa nhau, dù thế nào thì tôi vẫn phải tiến về cái chỗ đông đúc này. Và nơi đông đúc ấy có anh.
Sau một hồi xô đẩy chen lấn đến bẹp ruột tôi cũng đến được sau cánh gà. Đi thêm vài bước ra đến dãy hành làng tôi thấy anh đang nói gì đó với thầy tổng phụ trách. Thầy tổng phụ trách béo ị với cái đầu hói vẻ mặt đăm chiêu suy xét nhưng nét mặt thì thoáng có nụ cười, còn Anh Quân thì khỏi phải nói, nụ cười của anh mang vẻ quyết đoán và rất chắc chắn về điều mà anh đang nói. Cứ nhìn thấy nụ cười ấy là tôi lại cảm thấy hơi lạnh sống lưng.
Tôi đứng ở một góc khuất nhìn hai người đó nói chuyện với nhau một cách thận trọng và e dè, một nửa tôi muốn đi về, nửa còn lại thì rất sợ sẽ bị anh “xử lí” vì làm trái lệnh. Đang lúc không biết phải làm thế nào thì một giọng nói trong trẻo vang lên khiến tôi giật mình.
– Sao lại đứng đây thế này? – Bảo Khánh choàng một chiếc áo len màu ghi, nghiêng đầu nhìn tôi. Công nhận chị đẹp thật.
– À…. em…thầy tổng phụ trách gọi em nhưng em thấy thầy ấy và thầy Quân đang bàn chuyện nên chưa ra đấy ạ.
– Ra là thế, em cứ ra đấy đi, không sao đâu. Để chị đi cùng em.
Bảo Khánh cười hiền rồi choàng vai đẩy tôi về phía hai ông thầy đang bàn chuyện. Tôi cảm thấy chân tay mình cứng đờ và thừa thãi, cảm giác không thoải mái và cũng rất mất tự nhiên và nụ cười của Bảo Khánh, tôi chẳng thấy nụ cười ấy thân thiện chút nào.
– Chắc thầy tổng phụ trách muốn nhờ em làm gì thôi. À mà tối mai nhớ cổ vũ chị nhé, mai chị cũng phải góp một tiết mục văn nghệ, nhưng chị hát dở tệ à, thế nên mai cổ vũ chị nha.
Bảo Khánh nói nhanh, tôi chưa kịp trả lời thì cả hai chị em đã đến chỗ Anh Quân và thầy tổng phụ trách.
– A Tú Anh đây rồi. – Thầy tổng phụ trách nhìn thấy tôi thì à lên một tiếng đầy chờ đợi.
– Là Tú An ạ. – Tôi lễ phép chỉnh lại.
– À à, xin lỗi em nhé, già rồi nên lẫn thế đấy ha ha ha. – Thầy tổng phụ trách nghe xong thì cười lớn. Anh Quân cũng cười, một cái cười nhẹ tênh rồi dần trở thành mỉa mai khi ánh mắt anh rơi trên cánh tay đang choàng qua vai tôi của Bảo Khánh.
– Con bé thấy hai thầy đang bàn chuyện say sưa quá nên không dám chen ngang, em đi tiện đường thì đi cùng em ấy thôi. – Bảo Khánh lên tiếng giải thích.
– Cũng đâu có ai hỏi. – Anh Quân bình thản nói nhưng ẩn sâu bên trong cái “bình thản” ấy lại là một chút gì đó lành lạnh.
Bảo Khánh thoáng nhìn anh rồi xin phép đi ngay. Ba thầy trò chúng tôi đứng ở hành lang bắt đầu vào chủ đề chính, chẳng là thầy tổng phụ trách muốn tôi chơi đàn piano vào tối ngày mai bởi dù sao tôi cũng đã từng đi thi đoạt giải về cho trường nên thầy muốn tôi góp chút công sức vào buổi văn nghệ ngày mai. Tôi dám cá là vụ này có cả Anh Quân nhúng tay vào.
– Nhưng mà thế có gấp gáp quá không ạ? Tại vì tối mai là đến chương trình của trường rồi mà em thì vẫn chưa tập luyện, cũng chưa biết chương trình mai thế nào, làm sao mà em tham gia được ạ.
– Không sao, thầy đã bàn với thầy Quân đây rồi. Thầy ấy sẽ phổ biến lại mọi thứ cho em về chương trình ngày mai bao gồm giờ giấc, thứ tự các tiết mục và chủ đề của ngày mai. Thầy nghĩ rằng em cũng khá thành thạo về vấn đề này cho nên việc tập luyện và chọn bài thì chắc chỉ trong một buổi sáng là xong, còn chưa kể buổi chiều nay nữa.
– Nhưng mà….
– Còn chưa kể thầy Quân đang kiến nghị hay là em đệm đàn cho phần tiết mục của thầy ấy đây này. Thôi chốt hạ thế nhé. Bây giờh hai thầy trò tự tập luyện đi nhé. Tú An sẽ có một tiết mục đệm đàn piano cho thầy Quân và một tiết mục solo nhé. Mà cái solo em chọn một bài nhạc trẻ nào đấy chứ không cần mấy bài đi thi đâu. Thôi thế nhé, tiến hành luôn đi, thầy còn bao nhiêu việc nữa.
Nói xong thầy đi thẳng, để lại mỗi tôi và Anh Quân đứng trơ chọi ở hành lang. Anh đề nghị vào phòng truyền thống để tập luyện ngay và đương nhiên là tôi không được phép từ chối. Bài mà anh sẽ hát vào tối mai có tên gốc là ” ’O sole mio”, một bài hát của xứ Napoli, miền Nam Italia và bản tiếng Anh có tên là “There’s no tomorrow”. Anh vứt cho tôi bản sheet, bắt tôi ngồi nghe rồi tập một dạo rồi sau đó mới ghép nhạc.
– Thầy có chắc là thầy muốn hát bài này không ạ? – Tôi nhìn anh với ánh mắt e ngại. – Bài này khá cao, quãng ngân cũng khá dài.
– Tôi đâu có nói là tôi sẽ hát giống như mấy bản đấy đâu. Hạ thấp tông xuống một chút, không cần phiêu nên cứ cho nó cao vừa vừa thôi.
Anh Quân vừa nói vừa cười, nụ cười tươi rói không chút phiền muộn. Tôi thích anh cười như thế này hơn là nụ cười ban nãy. Nụ cười ấy gần gũi và ấm áp hơn nhiều.
Tôi mải miết tập trung vào các phím đàn nhưng tâm trí đôi lúc vẫn lửng lơ treo xung quanh anh thầy đang ngồi cạnh tôi. Giọng anh ấm dù không được khỏe và cao như ca sĩ nhưng đối với người bình thường thì có lẽ như thế là hay rồi nhưng nãy tới giờ anh cứ cố tình hát sai để rồi cả hai lại phải quay lại từ mốc xuất phát. Đúng một tiếng đồng hồ trôi qua và chúng tôi chẳng tập được cái quái gì cả. Tôi chán nản gục đầu xuống bàn phím tạo nên một tiếng “pưng” ghê rợn.
– Giật cả mình. – Anh Quân quay sang lườm tôi.
– Em chịu. – Tôi giơ tay ý đầu hàng. – Em bỏ cuộc. Thầy tự đàn nhé, em mệt lắm rồi.
– Thôi được rồi, vậy chúng ta nghỉ một lát nhé. Đây là các tiết mục ngày mai, chỗ mũi tên này là chuyển tiết mục, những chỗ màu vàng và màu xanh là các mục đang xem xét.
– Thế tại sao không cho cùng một màu luôn ạ?
– Bút hết mực, thông cảm. – Anh cụt lủn. – Còn đây, chỗ màu đỏ mà bị gạch này là các tiết mục bị bỏ còn màu hồng này là các phần bị thay. Tôi vừa bàn bạc với thầy tổng phụ trách xong đấy.
Tôi cầm tờ giấy đọc lướt lướt qua một hồi. Phần piano của tôi xếp đầu tiên trong các tiết mục của học sinh còn phần đệm đàn cho bài hát của Anh Quân là phần thứ năm trong phần của các giáo viên. Tóm lại là cái bảng phân công đó rất loằng ngoằng, tôi nhìn mà muốn nhức cả mắt. Tôi chỉ định nhìn xem phần tiết mục của mình nó nằm chỗ nào lúc mấy giờ rồi gập lại trả anh nhưng rồi cái màu hồng đậm lại thu hút ánh nhìn của tôi. Người ta nói quả thật không sai, cấu tạo của mắt là để phát hiện ra những thứ đặc biệt nổi bật , ví dụ như cái màu để tô vào những phần tiết mục bị thay thế lại được dùng để tô đè lên phần có chữ Bảo Khánh. Tôi còn chưa kịp nhìn xem tiết mục của Bảo Khánh là bài hát gì, hát cùng ai thì Anh Quân đã đưa tay ra cầm lấy tờ giấy rồi cất đi. Tôi vẫn ngơ ngác nhìn theo tờ giấy phân công, não tôi vẫn đang loading một đống thắc mắc. Anh Quân thấy tôi đần ra một lúc thì gõ nhẹ vào trán tôi bằng một tờ giấy.
– Thôi nghiêm túc nào. Em xem kĩ bản nhạc này đi, đây mới là bài mà chúng ta cần tập luyện. Tập cho kĩ nhé tôi đi xuống canteen một lát đã.
=”= Đùa nhau à •_• Thế nãy giờ anh bắt tôi ngồi đây làm cái trò gì thế hả _ _” Thật tức điên mà. Đáng lẽ giờ này tôi có thể ở nhà ngồi vào bàn ăn và vui vẻ với bữa trưa của mình thế mà hiện tại tôi vẫn dính chặt mông ở cái chỗ quái thai này, tập riết một bản nhạc với một lão dở hơi xong đùng một cái lão ta lại bảo rằng bài cần tập luyện không phải là cái bài đó và tôi bằng một cách nào đó lại phải làm lại từ con số 0. =’=
Tôi ép mình ngồi xem qua bài hát đó một chút, đang xem dở thì tôi sực nhớ chưa báo cho mẹ rằng trưa nay tôi về muộn và thế là tôi lại lóc cóc lôi điện thoại ra báo tin cho mẹ. Lúc tôi cất điện thoại cũng là lúc Anh Quân quay lại, trên tay anh một bên là một hộp bánh, bên còn lại là một cốc cafe và một cốc trà sữa kèm theo một nụ cười tươi rói.
– Tập xong rồi ăn.
Mọi bực dọc của tôi chợt nhiên bay biến đi đâu mất bởi nụ cười đó. Thật là mất mặt, mất mặt quá đi mất.
Tôi như con rùa rụt cổ, ngoan ngoãn làm theo, không cãi một câu. Còn anh thì chốc chốc lại mỉm cười. Tập luyện xong cho phần của anh tôi lại quay ra tập cho tiết mục của tôi. Chọn đại một bài nào đó đang có vẻ hot hot rồi tập theo, thế là xong. Nghe có vẻ đơn giản nhưng toàn bộ công việc đó ngốn hết bao nhiêu thời gian và công sức của tôi. Trong khoảng thời gian luyện tập, hầu hết Anh Quân đều có mặt bên cạnh giám sát để góp ý và chỉnh sửa giúp tôi nhưng đôi lúc có việc anh vẫn phải chạy đi. Cứ chạy qua chạy lại như thế giữa thời tiết lạnh thế này mà trán anh vẫn lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Có một cảm giác gì đó và thế là tôi lại nỗ lực tập luyện, cảm thấy như chỉ vì tôi nên anh mới phải vất vả chạy qua chạy lại như vậy. Nghĩ thế nên tôi đẩy nhanh tiến độ tập của mình lên để có thể hoàn thành sớm hơn. Tập xong tôi chạy đi tìm thầy tổng phụ trách trao đổi một chút, đợi thầy duyệt xong tôi xin phép ra về, Anh Quân cũng không nói gì chỉ mỉm cười gật đầu rồi lại đi làm việc.
Hôm sau cả trường tôi náo nhiệt còn hơn cả hôm qua. Buổi sáng hầu như chẳng còn ai ngồi yên trong lớp để học hành gì nữa, học sinh đứa nào đứa đấy tụm năm tụm ba nói chuyện rôm rả, cười nói không ngớt, các giáo viên cũng chẳng còn ở yên trong lớp để quản lí học sinh nữa, mỗi thầy cô mỗi người một việc. Ngay cả mấy bà giáo khó tính nhạt nhẽo ở văn phòng còn phấn khởi tươi cười đi ra đi vào thì làm gì còn ai đủ kiên nhẫn mà ngồi yên một chỗ, nhồi kiến thức vào đầu được nữa chứ. Ngồi thêm một lúc bác bảo vệ đánh trống và chúng tôi lại lục đục kéo nhau về. Chung quy buổi sáng hôm nay đi học cũng chỉ là để lấy lệ mà thôi.
Tầm chiều tối sân trường lại được lấp đầy bởi hàng trăm học sinh xúng xính trong những bộ áo váy bắt mắt, ai cũng có chung một tâm trạng đó là háo hức, háo hức để ngắm các trai xinh gái đẹp của trường, háo hức chờ đợi xem có ai đó để ý đến mình hay không. Những dịp như thế này ở trường tôi có thể coi là dịp để mình phô bày vẻ đẹp của bản thân và là cơ hội để thoát khỏi kiếp FA. Mọi người thì háo hức còn tôi thì bình thản đứng giữa đám bạn cười cười nói nói ầm cả một góc. Dương Thùy từ đằng sau chạy tới khoác vai tôi thân thiết.
– Ây yaaa tưởng không đi? – Thùy chớp chớp mắt. Hôm nay nó mặc một chiếc váy kẻ ngang tới đầu gối, cổ váy và thắt lưng được trang trí bằng những họa tiết bắt mắt trông vô cùng trẻ trung.
– Ờ bị ép đi. – Tôi cười ngờ nghệch.
– Tí mày lên kia đúng không, mà sao không mặc váy? Lần cuối mày mặc váy là bao giờ thế?
– Chắc là từ khi hết lớp 4? – Tôi nhún vai nhìn xuống chiếc áo len thụng dài ngang đùi cùng chiếc quần đen của mình. Rất rất nhiều năm nay rồi tôi chưa chui vào bất kì bộ váy nào cả. Mà nhắc đến váy tôi lại nhớ đến chiếc váy mà bác Lân, mẹ Anh Quân mua tặng tôi từ sinh nhật năm ngoái, chiếc váy rất đẹp nhưng cũng bị tôi xếp xó.
Thùy lắc đầu chán nản rồi tất cả chúng tôi lại cùng góp tiếng cười của mình vào mấy câu chuyện hài tếu táo của mấy thằng con trai. Khi chương trình chính thức bắt đầu thì tôi cũng không được ở lại chung với đám bạn nữa mà thay vào đó là lui vào sau cánh gà để chuẩn bị. Tôi nhìn thấy thằng nhóc Minh Hoàng đang ngồi chỉnh lại dây của đàn guitar, thằng nhóc bây giờ là chân chạy vặt của câu lạc bộ, nó nhiệt tình nhưng không sức để trở thành chủ tịch câu lạc bộ. Nó vẫy tôi rồi lại cắm cúi vặn vặn chỉnh chỉnh. Động tác và vẻ mặt của nó khiến tôi nhớ tới một người khác nữa cũng chơi guitar, là Duy Khang. Tôi bất chượt nghĩ đến anh như một lẽ tự nhiên khi nhìn thấy cây đàn guitar. Không biết giờ này anh ra sao, sống có tốt không, có còn nhớ về những chuyện xưa cũ hay không. Nghĩ đến Khang tôi chỉ thấy bản thân mình thật tội lỗi và vô tâm.
Đang thở dài buồn bã thì tôi bị cái nhìn của Bảo Khánh làm cho tỉnh cả người. Tôi không hiểu nổi cái nhìn đó có thể gọi như thế nào nữa, cảm giác gay gắt mà cũng lạnh lẽo pha chút gì đó bực bội. Tôi lại ngơ ra trong chốc lát. Cái nhìn đầy rắc rối đó là sao? Tôi cứ ngẩn ra cho đến khi có người vỗ vào vai nhắc tôi rằng đến phần tôi phải lên sân khấu rồi.
Xong tiết mục của mình tôi vẫn chưa được về mà phải ở lại đợi đến phần của Anh Quân. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh ở trên sân khấu nhưng lần này tôi không những được nhìn mà còn được đứng chung với anh trên đó. Mấy đứa “hâm mộ” anh thì có vẻ rấ ganh tị với tôi, cảm giác như lúc biểu diễn chúng nó dám chạy lên đẩy tôi xuống khỏi sân khấu lắm chứ. Nghĩ đến đây mà tôi nổi cả da gà.
Minh Hoàng vừa khép lại tiết mục của nó cũng như một loạt tiết mục của học sinh. MC lên giới thiệu gì gì đó, một trang vỗ tay ròn rã vang lên sau khi MC vừa dứt lời còn tôi thì cũng không để ý cho lắm bởi Minh Hoàng từ sân khấu đi xuống đã bám lấy tôi nói chuyện.
– Em cứ nghĩ chị sẽ không tham gia cơ đấy. Có phải chị có ý định quay lại câu lạc bộ không?
– Chắc không. Sắp hết 11 rồi, năm sau lên 12 bận nhiều lắm làm sao mà gánh nổi ba cái trò hoạt động thế này chứ. Cái này cũng alf lệnh từ thầy tổng phụ trách thôi, lệnh từ “cấp trên” nên mới bắt buộc phải làm thôi chứ không thì tối nay chị đã ở nhà ngủ sớm rồi.
– Em cứ nghĩ là chị sẽ quay lại cơ. Kiểu tại vì em chỉ quý mỗi chị cả anh Duy Khang. Anh Duy Khang đi rồi giờ còn mỗi chị trong cái câu lạc bộ đấy là em quý xong giờ chị cũng đi nốt chẳng ai dạy piano cho em nữa.
– Câu lạc bộ cũng nhiều đứa giỏi lắm mà, cái Linh 10A2 chẳng hạn, hay là thằng Bách 10A11 cũng được mà, nếu không thì Minh Ngọc 11A7 chị thấy chúng nó cũng được mà.
– Uể oải lắm chị ạ, chẳng có tinh thần gì đâu, tập chán, hoạt động cũng chán xong chẳng bao giờ đông đủ. Tưởng có chuyện gì không họp được đã đành đằng này mấy ông bà toàn trốn về sớm cho nhanh xong đùn đẩy công việc. Nói chung là chán lắm.
Hoàng vừa nói vừa lắc đầu nhăn mặt lè lưỡi, vẻ mặt của nó rất biểu cảm, tay chân khua khoắng diễn tả độ suy sụp của cái câu lạc bộ để cho tôi hiểu. Tôi nghe xong mà cũng thấy nản theo. Câu lạc bộ âm nhạc đó là ước mơ của Duy Khang, nghe anh kể rằng anh đã phải năn nỉ ỉ ôi, chấp nhận làm culi cho thầy tổng phụ trách bao nhiêu lâu thì mới nhận được sự chấp thuận của thầy, nay cái câu lạc bộ trở nên mục rỗng như thế khiến cho tôi có cảm giác giống như mọi người đang cố đẩy tất cả công sức của Duy Khang xuống sông xuống bể bằng sự vô trách nhiệm của mình một cách không thương tiếc. Tôi vừa cảm thấy bực mình vừa cảm thấy buồn và có lỗi. Khang trước lúc đi có nói với tôi rằng nhờ tôi quản lí cái câu lạc bộ đó cho thật tốt, coi như là tôi giúp anh hoàn thành nốt ước mơ của một “thằng nhóc học sinh yêu âm nhạc” nhưng tôi thay vì tiếp tục quản lí câu lạc bộ thì lại rời bỏ nó không lâu sau khi anh đi du học. Liệu anh có tét tát mắng vào mặt tôi vì đã không giữ đúng lời hứa của mình?
– Tú An.
Bảo Khánh từ đâu chen ngang vào cuộc trò chuyện giữa tôi và Minh Hoàng. Chị mặc một chiếc váy suông màu thiên thanh nữ tính, nở một nụ cười dịu dàng nhìn tôi. Tôi nhìn chị từ đầu đến chân rồi chợt nhớ lại ánh mắt hung hãn lúc đầu mà cảm thấy có chút rối loạn.
– Dạ?
– Thầy Quân gọi em, thầy ấy muốn duyệt lại một lần nữa.
Tôi nhìn Bảo Khánh rồi nhìn Minh Hoàng. Thằng nhóc đưa tay ý muốn nói là “chị cứ đi đi” rồi mỉm cười. Tôi nhìn nó bằng anh mắt hối lỗi rồi đi cùng Bảo Khánh.
– Duyệt ở đâu hả chị?
– Ở phòng truyền thống.
Sau đó mọi thứ còn lại hcir là âm thanh phát ra từ loa ở trên sân khấu.
Ngoài sân trường náo nhiệt bao nhiêu thì ở chỗ phòng truyền thống im lặng bấy nhiêu, chỉ cần đóng cửa là chẳng nghe thấy gì nữa. Bảo Khánh dặn dò tôi đợi Anh Quân một lát, anh bận một lát rồi sẽ qua ngay rồi cũng quay lưng đi thẳng. Tôi ngồi một mình trong phòng truyền thống nhìn quanh quẩn, đến thời gian trôi đi qua từng chuyển động của kim giây trên đồng hồ treo tường. Chờ mãi chẳng thấy anh đâu, tôi sốt ruột lôi điện thoại ra, tìm tìm một lúc rồi ấn nút gọi. Tiếng tút ngân dài trong điện thoại như đang thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Đợi mãi anh cũng không bắt máy, tôi đứng ngồi không yên, nhìn lên đồng hồ cũng không thể biết được đã đến phần tiết mục của anh hay chưa. Tôi bất chấp đi thẳng ra sân khấu.
Phía dưới là cả một biển người còn trên sân khấu là Anh Quân đang song ca cùng Bảo Khánh. Theo tôi nhớ thì đây là tới lượt tôi đệm đàn cho anh cơ mà. Trong cái tờ phân công hôm nọ thì Anh Quân sẽ chỉ hát một bài thôi chứ. Làm sao…làm sao có thể…?
Tôi trân trối nhìn về phía sân khấu, có chút gì đó mà tôi không thể thốt lên được, có gì đó không cam tâm, có gì đó xuyên qua trái tim tôi. Một cảm giác hụt hẫng, một cảm giác nặng nề đè lên phía lồng ngực trái khiến tôi không thở được. Vậy là sao? Có phải là anh chọn Bảo Khánh? Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ khóc nhưng lúc này đây tôi có thể cảm nhận được khóe mắt mình ầng ậc nước. Tôi hít một hơi rồi chớp chớp mắt để những giọt nước mắt không có cơ hội rơi.
Tôi vẫn đứng đó nhìn về phía sân khấu. Ở chỗ tôi đứng tôi có thể nhìn thấy anh một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất nhưng tôi không dám chắc rằng anh cũng sẽ nhìn thấy tôi dễ dàng như cách tôi nhìn thấy anh. Có phải sẽ là như vậy, sẽ là tôi thì lúc nào cũng nhìn về phía anh còn anh thì có nhiều hướng để nhìn về? Liệu trong một giây phút nào đó của cuộc đời, anh vô tình nhìn về phía tôi không? Hay có bao giờ anh có ý định kiếm tìm tôi trong biển người nơi ấy? Tôi giống như một con cá nhỏ bơi trong cái bể kính của riêng mình. Hạnh phúc, tự do và luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ sẽ như thế cho đến mãi mãi sau này. Con cá nhỏ đang hạnh phúc với thế giới nhỏ của nó thì bỗng nhiên một ngày nọ một con cá khác xuất hiện trong bể, con cá đó nói rằng tất cả mọi thứ trong cái bể đó là của nó. Con cá mới khiến cá nhỏ cảm thấy tự ti về bản thân mình, khiến cá nhỏ cảm thấy nó giống như bị thả vào bồn cầu và đang phải gắng sức để đối chọi lại với xoáy nước của cái bồn cầu bẩn thỉu đó. Con cá nhỏ vùng vẫy, cố gắng để bơi ngược dòng nhưng rốt cục nó vẫn bị xoáy nước cuốn trôi. Một câu chuyện thật cảm động về con cá và cái bồn cầu.
Bài hát đang dần đi đến hồi kết thúc, học sinh rào rào vỗ tay. Anh Quân nắm tay Bảo Khánh cúi chào rồi sau đó cùng nhau bước xuống khỏi sân khấu. Họng tôi nghẹn đắng, khô khốc không nói nên lời. Mọi người vỗ tay rào rào, thằng cha MC lại vác cái micro nói nói gì đó mà tôi nghe không vào. Tôi cảm thấy mình giống như một nốt trầm trong bản nhạc toàn những nốt cao ấy. Có lẽ vì cao quá tôi với không nổi nên đã tự chọn cho mình một chỗ như thế. Tôi sợ mình sẽ hối hận vì sự lựa chọn ấy nhưng giờ thì tôi không biết nữa.
Tôi xong phần việc của tôi rồi, anh cũng đã xong tiết mục của mình, có lẽ công việc của tôi đến đây là chấm hết được rồi, tôi nên đi về thôi. Nghĩ ngợi tôi quay ra cổng rồi lại chạy đi tìm bọn bạn để bảo cho chúng nó rằng tôi chuẩn bị về. Hình như đây chỉ là một cái cớ, một cái cớ hoàn hảo để tôi có thể vô tình gặp được Anh Quân nhưng hình như có cố thì cũng chẳng thể tạo nên cái vô tình hiếm hoi ấy. Tôi đi vòng quanh trường mà chẳng tìm thấy anh ở đâu hết. Cho đến khi tôi đến được chỗ mà chúng nó đang ngồi thì tôi cũng chưa thấy anh đâu cả, cũng không thấy Bảo Khánh đâu hết. Chắc hai người họ đi với nhau. Thôi nào Tú An, thực tế đi.
– Mày sao thế? – Lam đưa tay lên sờ trán kiểm tra.
– Tao á? Không sao. – Tôi chun mũi rồi cười híp mí tỏ vẻ mình ổn. Con người lạ lắm nhé, rõ ràng là rất buồn, rõ ràng cách đây mấy phút còn suýt nữa khóc, rõ ràng mọi thứ cứ như thể đang vỡ vụn ra, rõ ràng là đang rất không ổn, thế mà vẫn có thể trưng ra nụ cười tươi rói và tỏ vẻ như không có gì.
– Mà vừa nãy thầy Quân với chị Khánh lên hát đấy mày có thấy không? – Mai Chi hớn hở khoe với tôi.
– À, lúc đấy tào tháo đang đuổi tao nên tao không thấy. Ha ha ha. Chắc là hay lắm nhỉ. – Tôi nói như thật.
– Nhìn cũng đẹp đôi phết. – Dương Thùy lên tiếng.
– À…ừ… à mà tao về trước nhớ. Có việc bận. – Nụ cười của tôi trở nên thiếu tự nhiên hẳn.
– Nhưng mà mày bảo là tí đi chung với bọn tao mà?
– Tao xin lỗi nhưng việc đột xuất mày ạ. Thôi tao đi trước nhé.
Chúng nó nhìn tôi bằng ánh mắt tiếc nuối. Gần đây hiếm khi nào mà chúng tôi tụ họp được đông đủ như thế cho nên bây giờ đi về tôi cũng cảm thấy có phần tiếc nuối nhưng ở lại với một tâm trạng bất ổn định thế này thì tôi không nghĩ là mình có thể vui vẻ được. Bước thật nhanh về phía cổng, MC vẫn thao thao bất tuyệt dẫn chương trình còn tôi thì cố gắng bước đi thật nhanh. Cảm giác bước chậm một chút nữa thôi là tôi sẽ mắc kẹt trong mớ hỗn độn này.
– An.
Một giọng nói vang lên làm giảm tốc độ của tôi lại. Ngay khi giọng nói đó vừa cất lên là tôi đã biết rằng dù có bước nhanh hay chậm thì tôi vốn đã sớm mắc kẹt trong những thứ đau đầu như thế rồi. Anh Quân chậm rãi gọi tên tôi, khiến cho bước chân tôi chậm lại. Tôi bị phân tâm bởi tiếng nhạc phía bên trong sân trường cùng với tiếng gọi của anh nhưng rồi lại mau chóng bước tiếp. Thấy tôi không dừng lại sau tiếng gọi đó anh vẫn cố gắng gọi tên tôi.
– Tú An.
Tôi nhất quyết không dừng lại. Nói tôi bướng cũng được, nói tôi chảnh cũng không sao, mắng tôi điếc hay dọa dẫm tôi tôi cũng sẽ không dừng lại. Vì sao ư? Đơn giản là vì khi con người ta bị tổn thương thì họ sẽ chẳng còn quan tâm đến thứ gì khác ngoài vét thương của họ. Và tôi thì đang tổn thương đây.
Đi được một đoạn tôi quay lại nhìn, anh cũng quay lưng và đi về phía ngược lại. Bóng lưng anh xa dần cho đến khi anh quay vào trường. Ai cũng vậy cả thôi, ai làm mãi một việc thì cũng sẽ đều cảm thấy chán nản mà không muốn làm nữa, ngay cả níu kéo một người. Anh quay đi, có lẽ vì anh biết tôi sẽ không quay lại, có lẽ anh đã tìm được lối đi cho riêng mình. Còn tôi, tuy bàn chân vẫn bước đấy nhưng đi về đâu thì tôi cũng không rõ nữa. Bạn có thể hiểu nổi cảm giác bàn chân vẫn bước nhưng tâm trí thì mắc kẹt, bản thân thì phiêu du khắp mọi nơi còn trái tim thì bị kẹt lại giữa những ngã đường ngang dọc, giữa nhớ thương và từ bỏ, giữa một mớ bòng bong của cuộc đời. Cuộc đời tạo ra nhiều thắt nút để thử thách con người, còn tôi thì lại là một đứa rất kém trong việc gỡ rối, có lẽ chính vì thế mà tôi mới tiến thoái lưỡng nan như thế này, có lẽ vì thế nên tôi mới bị mắc kẹt trong chính tình cảm của mình. Ngay từ đầu, vẫn đều là do tôi đã tự chọn cho mình một con đường khó đi. Bởi tôi tưởng anh sẽ ở đó, sẽ giúp đỡ, sẽ giúp tôi đi hết con đường nhỏ ngõ hẹp ấy nhưng có vẻ tôi nhầm rồi.
Một buổi tối của một ngày cuối năm. Người người đi lại, xe cộ đông đúc, có tôi một mình mắc kẹt giữa bao nỗi niềm.