Kể lại những hành động của hiệp sĩ Mặt Buồn lúc còn có một mình trên núi, sách đã ghi: sau khi phi ngược hai chân lên trời, đầu lộn xuống đất, nửa thân trên mặc áo, nửa dưới trần truồng, và thấy Xantrô không buồn ở lại xem những việc làm điên rồ khác của mình, Đôn Kihôtê leo lên một mỏm núi đá cao chót vót, ngồi nghĩ tới một chuyện đã bao lần làm chàng phải đắn đo mà vẫn chưa quyết định được; vấn đề đặt ra là bắt chước những hành động điên rồ của ai hay hơn và hợp hơn: bắt chước những hành động phá phách lung tung của Rôlđan hay những hành động ủy mị của Amađix? Chàng tự nhủ: "Nếu Rôlđan đã được người đời ca ngợi là một hiệp sĩ dũng cảm, điều đó không có gì lạ cả vì chàng được pháp sư phù trợ; muốn giết được chàng, chỉ có một cách là dùng một cái kim màu trắng đâm vào gan bàn chân, nhưng khốn nỗi chàng luôn luôn đi giày có đế bằng sắt dày. Tuy nhiên, Bernarđô đel Carpiô đã trị được mọi pháp thuật của Rôlđan và đã dùng hai cánh tay kẹp chết chàng hiệp sĩ tại đèo Rônxexvaiex. Nhưng ta không bàn về sự dũng cảm của chàng mà muốn nói tới sự điên rồ của chàng; đúng là chàng đã mất trí sau khi nhìn thấy những dấu hiệu của sự phản bội ở bên bờ suối và sau khi có một người chăn cừu kể lại rằng nàng Anhêlica của chàng đã ngủ trên hai buổi trưa với Mêđôrô, tên Môrô bé loắt choắt, tóc quăn, vẫn đi theo hầu Agramantê. Và một khi chàng đã tin vào lời của người chăn cừu và tin rằng người yêu đã lừa dối mình thì việc chàng phát điên là tất nhiên. Về phần ta làm sao có thể bắt chước chàng được vì ta có lý do gì để phát điên đâu? Ta có thể khẳng định rằng nàng Đulxinêa làng Tôbôxô của ta suốt đời chưa nhìn thấy một người Môrô nào như tên Môdêrô và cho tới ngày nay nàng vẫn tiết hạnh như người mẹ đã sinh ra nàng. Nếu ta nghĩ khác về nàng để cũng phát điên theo kiểu của chàng Rôlđan điên rồ thì thật là một sự xúc phạm trắng trợn đối với nàng. Mặt khác, ta nhận thấy chàng Amađix nước Gôlơ tuy không mất trí và cũng không làm điều gì điên rồ mà vẫn nổi tiếng là một chàng si tình hơn ai hết. Theo sách kể lại, khi nhìn thấy mình bị nàng Ôriana hắt hủi không cho gặp mặt chừng nào nàng chưa muốn, chàng đã bỏ ra đảo Nghèo cùng với một tu sĩ; tại đó, chàng không ngớt than vãn và cầu Chúa, và cuối cùng Chúa đã đến với chàng trong cơn đau khổ cùng cực. Nếu quả thật như vậy - mà cũng đúng như vậy-, việc gì ta phải tự lột trần truồng và làm tình làm tội những cây cối này trong lúc chúng không hề đụng chạm đến ta? Việc gì ta phải khuấy đục dòng nước trong trẻo của những con suối sẵn sàng cho ta nước uống khi ta cần tới? Chàng Amađix sẽ sống mãi! Đôn Kihôtê xứ Mantra này xin gắng noi theo chàng và người đời sẽ nói về ta như đã nói về chàng; họ sẽ bảo: nếu chàng không làm nên nghiệp lớn, ít ra chàng đã chết vì có ý định muốn làm. Ta không bị nàng Đulxinêa làng Tôbôxô hắt hủi và làm nhục nhưng ta cũng đã phải xa cách nàng. Thôi, hãy bắt tay vào việc! Hỡi những hành động đẹp đẽ của Amađix, hãy lại đây chỉ cho ta phải bắt đầu như thế nào! Ta biết rằng chàng chỉ cầu nguyện và kêu cứu Thượng đế, khốn nỗi ta không có tràng hạt".
Bỗng Đôn Kihôtê nảy ra một sáng kiến: chàng xé vạt áo, tết mười một cái nút trong đó có một cái to hơn cả, thế là thành một tràng hạt để cho chàng có thể đọc một triệu bài kinh Kính mừng trong suốt thời gian ở trên núi. Có một điều làm chàng rất áy náy là thiếu thầy tu để rửa tội và khuyên nhủ chàng. Có tràng hạt rồi, chàng bắt đầu đi đi lại lại trên cánh đồng, thỉnh thoảng dừng chân viết lên cát hoặc khắc vào thân cây một bài thơ mô tả nỗi buồn của mình và ca ngợi nàng Đulxinêa. Trong số những bài thơ, người ta chỉ tìm được một bài còn nguyên vẹn, nét chữ rõ ràng, bài đó như sau:
"Hỡi cỏ cây cao vút, xanh tươi! Nếu các ngươi xót thương nỗi bất hạnh của ta, xin hãy lắng nghe những lời than vãn chính đáng này.
Nỗi đau khổ của ta thật ghê gớm, nhưng mong rằng nó không làm các ngươi bận lòng; và để đền đáp tấm lòng của các ngươi, nơi đây Đôn Kihôtê khóc than vì phải xa cách nàng Đulxinêa làng Tôbôxô.
Nơi đây có một tình nhân chung thủy nhất đang lánh mặt người yêu; chàng đã gặp bao nỗi đắng cay mà không hiểu duyên cớ vì đâu.
Một mối tình vô cùng ác nghiệt đang giày vò tâm can chàng; nước mắt tràn đầy, nơi đây Đôn Kihôtê khóc than vì phải xa cách nàng Đulxinêa làng Tôbôxô.
Chàng đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu mạo hiểm trên núi cao chót vót, trong rừng thẳm khe sâu, và đã gặp những điều bất hạnh.
Tình yêu không dịu dàng đối với chàng và đã dùng gậy cứng quật vào đầu chàng; nơi đây Đôn Kihôtê khóc than vì phải xa cách nàng Đulxinêa làng Tôbôxô".
Những người tìm ra bài thơ này đã không nhịn được cười vì thấy Đôn Kihôtê thêm hai chữ làng Tôbôxô sau tên Đulxinêa; họ đoán rằng chàng phải ghi thêm làng Tôbôxô sau tên Đulxinêa để cho bài thơ dễ hiểu. Quả thật như vậy vì sau đó, chính tác giả cũng đã tự nhận. Như đã nói, chàng làm nhiều bài nhưng chỉ có bài này còn nguyên vẹn.
Đôn Kihôtê cứ tha thẩn trên núi, lúc làm thơ, lúc thở vắn than dài, lúc kêu gọi thần đất, thần rừng, thần suối, thần Êcô đau khổ và sướt mướt, cầu xin các vị đó lắng tai nghe, giải đáp và an ủi chàng; có lúc chàng đi hái cỏ để ăn trong khi chờ Xantrô quay trở về. Và nếu bác giám mã về chậm không phải ba ngày mà ba tuần, chắc chắn mặt mũi chàng hiệp sĩ Mặt Buồn sẽ quắt queo lại, đến mẹ đẻ của chàng cũng chẳng nhận ra được.
Nhưng thôi, mặc cho chàng làm thơ và than vãn; bây giờ hãy kể về Xantrô và sứ mệnh của bác. Ra khỏi dãy núi Môrêna, Xantrô theo đường cái quan nhằm hướng làng Tôbôxô thẳng tiến; ngày hôm sau, bác tới cái quán trọ mà mấy ngày trước chẳng may bác đã bị tung lên vật xuống. Thoạt nhìn thấy nó, bác đã tưởng như mình đang bay bổng trên trời; bác không muốn vào mặc dù giờ này nên vào và phải vào vì là giờ ăn; đã thế, bác đang thèm một bữa ăn nóng sốt vì đã bao ngày nay phải ăn toàn đồ nguội.
Bụng đói bắt buộc Xantrô phải đi lại cái quán trọ đó mặc dù bác vẫn chưa biết có nên vào hay không; còn đang phân vân, bỗng từ trong quán có hai người bước ra; họ nhận ra bác ngay và nói với nhau:
- Này, ngài cử, người cưỡi ngựa kia mà bà quản gia của chàng hiệp sĩ nhà ta bảo là đã đi theo chủ, làm giám mã, phải chăng là Xantrô Panxa?
- Đúng rồi, ông cử đáp; và con ngựa kia chính là của chàng Đôn Kihôtê của chúng ta đó.
Họ tỏ ra rất thông thạo vì hai người này chính là Cha xứ và bác phó cạo cùng làng với Đôn Kihôtê, những người đã lục soát và kiểm tra tủ sách của chàng. Sau khi đã nhận ra Xantrô Panxa và con Rôxinantê, hai người chạy vội tới để hỏi tin tức về Đôn Kihôtê. Cha xứ gọi đích danh bác giám mã:
- Chào anh bạn Xantrô Panxa, tình hình ông chủ anh ra sao?
Xantrô Panxa cũng đã nhận ra hai người và bác định bụng không cho biết chỗ ở và tình hình của chủ. Bác chỉ đáp rằng chủ bác đang ở một nơi nọ và đang làm một việc gì đó rất quan trọng, bác không thể tiết lộ được vì còn muốn giữ đôi mắt ở trên mặt mình.
- Thôi đi Xantrô Panxa, bác phó cạo nói, nếu không cho chúng ta biết ông ấy ở đâu, chúng ta sẽ bảo và có quyền bảo rằng anh đã giết chủ để ăn cướp vì anh đang cưỡi con ngựa của ông ta. Thôi, hãy báo cáo về chủ nhân con vật này đi, nếu không hãy liệu hồn.
- Không việc gì phải dọa dẫm tôi cả vì tôi không cướp của giết người. Con người ta sống chết đều do trời định. Ông chủ tôi đang tự hành phạt trong núi kia kìa.
Rồi bác thao thao kể về tình hình Đôn Kihôtê, về những chuyện phiêu lưu mạo hiểm đã xảy ra, về bức thư bác mang tới cho nàng Đulxinêa làng Tôbôxô, con gái Lôrenxô Corchuêlô, người yêu ngàn đời của Đôn Kihôtê. Nghe Xantrô kể, hai người lấy làm kinh ngạc lắm mặc dù họ chẳng lạ gì tính nết điên rồ của Đôn Kihôtê. Họ bảo Xantrô cho xem bức thư gửi nàng Đulxinêa làng Tôbôxô. Bác giám mã kể thêm là thư viết trong một quyển lưu niệm và chủ dặn khi tới một làng nào, phải nhờ người chép lại ngay. Được Cha xứ nhận lời chép hộ thật sạch sẽ, Xantrô bèn thò tay vào ngực tìm quyển sổ nhưng chẳng thấy đâu - ví thử bác có tìm đến bây giờ thì cũng chẳng thấy - bởi vì Đôn Kihôtê vẫn giữ có đưa cho bác đâu, mà bác cũng quên không hỏi lúc ra đi.
Không tìm thấy sổ, mặt Xantrô tái nhợt như người chết rồi; sau khi đã nắn bóp khắp người vẫn không thấy, bác lấy hai tay túm bộ râu vặt trụi hết nửa rồi thụi luôn sáu bảy quả đấm vào mặt mũi hộc cả máu ra. Cha xứ và bác phó cạo hỏi duyên cớ vì sao mà tự hành hạ như vậy, bác đáp:
- Duyên cớ vì sao ư? Thế là chỉ trong nháy mắt tôi mất toi ba con lừa con, mỗi con đáng giá cả một tòa lâu đài.
- Thế là thế nào? Bác phó cạo hỏi.
- Tôi đã đánh mất quyển lưu niệm trong có bức thư gửi Đulxinêa và một tấm phiếu do ông chủ tôi ký trong đó ngài dặn cô cháu gái trao cho tôi ba con trong số bốn, năm con lừa con nuôi ở nhà.
Xantrô kể cả vụ mất trộm con lừa. Cha xứ phải dỗ dành bác và bảo:
- Khi nào tìm thấy chủ anh, ta sẽ bảo ông ta làm lại một tấm phiếu khác viết trên giấy trắng cho hợp lệ vì không ai công nhận và thi hành những mệnh lệnh ghi trong sổ lưu niệm đâu.
Nghe nói vậy, Xantrô cũng nguôi dần; bác cũng chẳng lo đã đánh mất bức thư gửi cho Đulxinêa vì bác đã gần thuộc lòng và có thể đọc cho người khác chép lại bất cứ ở nơi nào và lúc nào.
- Xantrô, anh hãy đọc đi, bác phó cạo nói, chúng ta sẽ chép lại cho.
Xantrô gãi đầu gãi tai cố nhớ lại bức thư; bác co chân trái lên, rồi lại co chân phải, khi nhìn xuống đất, lúc ngước lên trời; cuối cùng, sau khi đã gặm hết nửa cái móng tay, khiến Cha xứ và bác phó cạo hết sức hồi hộp vì phải chờ đợi lâu, bác mới lên tiếng:
- Lạy Chúa, thưa ngài cử, tôi chỉ mong cho quỷ sứ tha hết chữ nghĩa trong thư mà tôi còn nhớ được. Tuy nhiên, bức thư mở đầu bằng câu: "Thưa quái nương".
- Không phải quái nương, bác phó cạo nói, chắc là quý nương đấy.
- Đúng rồi, Xantrô đáp. Nếu tôi không nhớ nhầm, bức thư viết tiếp như sau: "Kẻ mang nhiều vết thương, thiếu ngủ và đau khổ này xin hôn tay nàng, hỡi con người bạc bẽo và kém nhan sắc". Sau đó, hình như trong thư còn nói tới sức khỏe và bệnh tật gì đó, rồi dần dần đi tới kết thúc bằng câu: "Vì nàng phụng sự suốt đời, hiệp sĩ Mặt Buồn".
Cha xứ và bác phó cạo rất phục trí nhớ của Xantrô Panxa, tấm tắc khen mãi, và yêu cầu bác đọc lại bức thư hai lần nữa để họ học thuộc lòng, khi nào có dịp sẽ chép lại. Xantrô đọc luôn ba lần không lần nào giống lần nào. Sau đó, bác kể tiếp những chuyện phiêu lưu của chủ nhưng không hề đả động tới việc bác bị tung hê lên trời trong cái quán trọ này mà bác không muốn vào nữa. Bác còn nói thêm rằng sau khi chủ bác nhận được thư phúc đáp tốt lành của nàng Đulxinêa làng Tôbôxô, chàng sẽ lên đường mưu cầu trở thành hoàng đế hay xoàng ra cũng làm vua như hai thầy trò đã thỏa thuận với nhau. Theo bác, với một con người dũng cảm và một cánh tay dũng mãnh như Đôn Kihôtê, điều đó không có gì khó; rồi một khi đã lên ngôi, chủ bác sẽ cưới xin cho bác vì đến lúc đó, chắc là vợ bác đã chết rồi, không thể nào khác được; vợ mới của bác sẽ là cô hầu gái của hoàng hậu, ăn thừa tự một lãnh địa lớn trong đất liền chứ không phải ở giữa biển vì bác không thích sống ở đảo. Xantrô thốt ra những lời điên dại như vậy với một vẻ rất nghiêm trang, thỉnh thoảng lại chùi mũi, khiến Cha xứ và bác phó cạo lại một phen nữa kinh ngạc; họ cho rằng sự điên rồ của Đôn Kihôtê phải tới mức độ cao lắm nên mới lây sang cả bác giám mã đáng thương này. Tuy nhiên, hai người cũng chẳng buồn giải thích cho bác tỉnh ngộ vì để bác nói năng ngớ ngẩn như vậy cũng không làm hại gì mà lại vui tai. Họ bảo bác hãy cầu Chúa ban sức khỏe cho chủ với thời gian rất có thể chủ bác sẽ trở thành hoàng đế hay ít ra cũng giữ chức tổng giám mục hoặc một chức tước gì tương đương. Nghe thấy vậy, Xantrô nói:
- Thưa hai ngài, nếu chẳng may mọi sự việc đảo lộn và tự nhiên ông chủ tôi lại muốn làm tổng giám mục, không làm hoàng đế nữa, tôi muốn biết các vị tổng giám mục thường hay cho giám mã của họ những cái gì?
- Họ thường ban cho giám mã của họ một vài chức vụ, Cha xứ nói, hoặc giao cho trông coi phòng đồ thánh với một số lợi tức thường xuyên và một số bổng ngoại tương đương.
- Vậy thì người giám mã không được lấy vợ và ít nhất phải biết giúp lễ. Nếu quả như thế thì thật vô phúc quá vì tôi đã có vợ lại không biết một chữ cái nào kể từ chữ đầu tiên. Rồi đây, thân phận tôi sẽ ra sao một khi ông chủ tôi không muốn trở thành hoàng đế theo tục lệ của các hiệp sĩ giang hồ mà lại muốn làm tổng giám mục?
- Anh bạn Xantrô chớ lo, bác phó cạo nói; chúng tôi sẽ khuyên can chủ anh; nếu cần, chúng tôi sẽ làm cho ông ta phải suy nghĩ và quyết định làm hoàng đế chứ không làm tổng giám mục. Chúng tôi sẽ bảo ông ta: "Ông là một người dũng cảm hơn là một nhà thông thái, vì vậy làm hoàng đế hợp hơn".
- Tôi cũng nghĩ như vậy, Xantrô đáp, mặc dù có thể nói rằng ông chủ tôi làm việc gì cũng giỏi. Riêng tôi sẽ cầu Chúa xếp đặt sao cho ông ta ngồi đúng nơi đúng chỗ để tôi được hưởng thật nhiều bổng lộc.
- Anh nói năng khôn ngoan và chắc là sẽ hành động như một con chiên ngoan đạo. Nhưng công việc phải làm trước tiên là làm sao cứu chủ anh thoát khỏi cuộc đày ải vô ích kia như anh đã kể. Bây giờ, để tìm ra giải pháp và để giải quyết cái dạ dày, vì đã đến giờ ăn rồi, ta hãy vào trong quán này đã.
Xantrô mời hai người vào để bác đứng ngoài chờ, sau này bác sẽ nói lý do vì sao không vào và không tiện vào; bác nhờ họ mang ra một bữa ăn nóng cho bác và lúa mạch cho Rôxinantê. Hai người bèn vào trong quán và một lát sau, bác phó cạo mang đồ ăn ra cho Xantrô. Sau đó, Cha xứ và bác phó cạo bàn tính mưu kế để dụ Đôn Kihôtê ra khỏi núi Môrêna. Cha xứ nghĩ ra một kế rất thích hợp với tính tình của chàng hiệp sĩ cũng như với ý đồ của hai người: Cha sẽ mặc quần áo tiểu thư giang hồ còn bác phó cạo đóng vai giám mã thật giống, rồi hai người sẽ đến tìm Đôn Kihôtê; Cha xứ đóng giả một cô gái lâm nạn tới cầu cứu chàng; là một hiệp sĩ giang hồ dũng cảm, chắc chàng sẽ không từ chối; cô tiểu thư sẽ kể lể tình cảnh và mời chàng đi theo để rửa cho cô một mối nhục do một tên hiệp sĩ xấu xa đã gây ra; đồng thời cô cũng yêu cầu Đôn Kihôtê không bắt cô phải tháo cái mạng che mặt và hỏi han lôi thôi gì chừng nào chưa trị xong tên hiệp sĩ tồi tệ kia. Cha xứ tin chắc rằng Đôn Kihôtê sẽ vui lòng nhận tất cả những yêu cầu trên và bằng cách đó, họ sẽ kéo được chàng ra khỏi núi Môrêna, đưa về làng tìm thuốc men chữa bệnh điên cho chàng.