- Thật đúng như ngài nói, Cha xứ đáp; và chính vì thế mà những kẻ cho tới nay đã soạn ra những cuốn sách như vậy càng đáng khiển trách. Họ bất chấp lẽ phải, nghệ thuật và luật lệ là những điều có thể hướng dẫn họ sáng tác và làm cho họ trở thành nổi danh trong lĩnh vực văn xuôi như hai ông hoàng của thơ ca Hy Lạp và La tinh đã nổi danh trong lĩnh vực văn vần.
- Tuy nhiên, ông thầy tu nói, tôi cũng có ý định viết một cuốn sách kiếm hiệp trong đó có tất cả những điểm tôi vừa nêu trên đây, và nếu phải nói thật, tôi đã viết được hơn một trăm tờ. Và để xem sự đánh giá của tôi có chính xác hay không, tôi đã đưa cho những người thông thái giỏi giang ham đọc loại sách đó, rồi lại đưa cho cả những kẻ dốt nát xưa nay chỉ thích nghe những chuyện vô lý; kết quả là tất cả đều tán thưởng. Mặc dù vậy, tôi cũng không viết nốt, nghĩ rằng mình làm một việc xa lạ với nghề nghiệp của mình; vả lại trên đời này người ngu nhiều hơn người khôn nên tôi không muốn chịu sự nhận xét vụng về của những kẻ phàm phu xưa nay thường đọc loại sách này, mặc dù những lời khen của số ít người khôn còn giá trị hơn những lời chê của số đông người dại. Nhưng có một điều chủ yếu đã khiến đôi tay và cả bộ óc của tôi không muốn hoàn thành cuốn sách, đó là một suy nghĩ mà bản thân tôi đã rút ra từ những vở kịch đương thời; suy nghĩ đó như sau: tất cả hoặc hầu hết những vở kịch đang được trình diễn - kể cả những vở hư cấu và những vở dựa theo lịch sử - được những kẻ tầm thường thích thú hâm mộ mặc dù những vở đó chỉ nêu lên những chuyện vô lý, không đầu không đuôi, không đáng được ca ngợi; mặt khác các tác giả và diễn viên của những vở kịch đó nói rằng cần phải đưa ra như vậy mới hợp khẩu vị của đa số công chúng vì rằng những vở kịch soạn theo đúng quy tắc và yêu cầu của nghệ thuật chỉ được dăm ba người sành sỏi tán thưởng còn số đông không hiểu nổi cái hay của nó; rồi họ nói rằng cần dựa vào số đông để kiếm tiền nuôi miệng hơn là dựa vào sự tán thưởng của thiểu số. Như vậy thì cuốn sách của tôi sẽ phải chịu số phận hẩm hiu mặc dù tôi nhọc lòng làm theo đúng quy tắc của nghệ thuật, chẳng khác nào công dã tràng. Đôi lúc tôi có tìm cách thuyết phục các diễn viên, nói rằng họ đã nghĩ nhầm, rằng chỉ có diễn những vở kịch được biên soạn công phu mới lôi cuốn được nhiều người và mới nổi danh; thế nhưng họ vẫn khư khư giữ ý kiến, không một lý lẽ hay chân lý nào làm thay đổi được. Tôi nhớ có một hôm tôi nói với một trong số những anh chàng cứng đầu cứng cổ này như sau: "Ngài nhớ chăng? Cách đây vài năm, ở Tây Ban Nha người ta đưa lên sân khấu ba vở kịch do một kịch gia nổi tiếng soạn; đó là những vở rất hay làm cho khán giả - kể cả những kẻ phàm phu và những người sành sỏi - đều phải thán phục, vui thích và ngạc nhiên; ba vở kịch đó đã mang lại cho các diễn viên nhiều tiền hơn cả ba mươi vở hay nhất được trình diễn sau này". Anh ta đáp: "Chắc là ngài muốn nói tới các vở La Ixabêla, La Philix và La Alếchxanđra". "Đúng vậy, tôi nói; ngài xem đấy, những vở kịch này tôn trọng các quy tắc của nghệ thuật, do đó đã thành công và làm đẹp lòng mọi người. Lỗi không phải ở khán giả tầm thường chỉ đòi hỏi những chuyện vô lý mà ở nhà soạn kịch không biết đưa ra những cái gì tốt đẹp hơn. Ta không thấy có điều gì phi lý trong những vở Sự vô ơn bị trừng phạt, La Numanxia, Người bán hàng si tình, Kẻ thù có hảo tâm hoặc những vở kịch khác do những kịch gia có tài soạn ra, những vở đã mang lại tiếng tăm cho tác giả và tiền tài cho diễn viên". Tôi còn nói nhiều nữa khiến anh ta có phần lúng túng; tuy nhiên anh ta chưa thật tin để có thể rời bỏ những ý nghĩ sai lầm của mình.
Cha xứ nói:
- Thưa ngài, vấn đề ngài vừa đề cập tới đã dấy lên trong con người tôi một mối ác cảm sẵn có đối với những vở kịch đương thời cũng như tôi đã có ác cảm với những quyển sách kiếm hiệp. Theo Tuliô 1, kịch phải là tấm gương của cuộc sống, bài học về phẩm hạnh, hình ảnh của chân lý; trái lại những vở kịch được trình diễn hiện nay là những tấm gương của sự phi lý, bài học về sự bậy bạ, hình ảnh của sự dâm ô. Còn gì vô lý hơn trong vấn đề chúng ta đang bàn đây khi vở kịch đưa ra ở cảnh một, hồi một, một đứa bé mới lọt lòng mẹ, thế mà sang cảnh hai nó đã trở thành một người lớn có râu ria đàng hoàng! Còn gì vô lý hơn là diễn tả một ông già hùng dũng, một chàng trai tráng hèn nhát, một anh hầu có tài hùng biện, một thị đồng chuyên làm cố vấn, một ông vua thô lỗ cục mịch và một nàng công chúa giỏi nghề rửa bát đĩa! Bây giờ lại nói tới việc tôn trọng quy tắc đồng nhất về thời gian trong khi đưa ra những sự kiện khác nhau: tôi đã được xem một vở kịch trong đó ngày thứ nhất mở đầu ở châu Âu, ngày thứ hai diễn ra ở châu Á, ngày thứ ba kết thúc ở châu Phi, và nếu như có bốn ngày thì ngày thứ tư sẽ kết thúc ở châu Mỹ, và như vậy là ở khắp bốn phương trên trái đất. Nếu điều chủ yếu trong kịch là nhắc lại một cách chính xác sự kiện lịch sử thì làm sao có thể thỏa mãn được một khán giả trung bình khi một sự việc xảy ra dưới thời vua Pêpiô hay Carlômácnô mà nhân vật chính trong đó lại là hoàng đế Êracliô cầm cây thánh giá đi vào thành Hêruxalên hoặc là Gôđôphrê đê Buiôn, người đã chiếm được Thánh mộ, những sự kiện cách xa nhau hàng bao nhiêu năm. Còn nếu như kịch là hư cấu thì làm sao có thể đưa lên sân khấu những sự thật lịch sử hoặc những sự việc xảy ra với nhân vật này hay nhân vật nọ ở những thời kỳ khác nhau, nhất là khi người soạn kịch không biết sắp xếp cho vở kịch của mình có vẻ thật mà lại mắc phải những sai lầm hiển nhiên, không tha thứ được. Điều tai hại là có những kẻ ngu xuẩn cho rằng đó mới là hoàn thiện hoàn mỹ, còn như làm trái lại là đi tìm những chuyện không đâu. Lại nói đến sân khấu thánh tích mới càng tệ hại! Người ta bịa ra không biết bao nhiêu phép màu, bao nhiêu sự việc hư cấu không nghe được, người ta gán những phép màu của vị thánh này cho vị thánh khác. Ngay trong sân khấu nhân gian, người ta cũng đưa vào những phép màu, căn cứ vào ý nghĩ chủ quan của mình cho rằng ở một đoạn nào đó cần có phép màu hoặc một xảo thuật sân khấu, như họ thường nói, để cho những khán giả ngốc nghếch hâm mộ tới xem. Tất cả những điều đó có phương hại đến sự thật, làm giảm giá trị của lịch sử và làm nhục cho những nhà sáng tác kịch ở Tây Ban Nha. Một khi xem những vở kịch đầy rẫy những chuyện phi lý của ta, những kịch gia nước ngoài xưa nay vẫn tôn trọng những quy tắc về soạn kịch, sẽ bảo chúng ta là một lũ người man rợ ngu xuẩn. Có người nói: "Trong những quốc gia có tổ chức, người ta cho phép công diễn các vở kịch nhằm mục đích chính là mua vui cho dân chúng bằng những cuộc giải trí lành mạnh và tránh cho họ những hành vi bất thiện do nhàn cư gây ra; một khi vở kịch nào - dù tốt hay xấu - cũng đạt được mục đích đó thì hà tất phải đặt ra những luật lệ quy tắc và buộc những kịch gia và diễn viên phải tuân thủ làm chi vì rằng như đã nói ở trên, bất cứ vở kịch nào cũng đạt được mục đích đề ra kia mà". Cách bào chữa như vậy không ổn và tôi xin trả lời rằng: những vở kịch tốt sẽ đạt được mục đích cao hơn những vở xấu rất nhiều, không gì so sánh nổi; sau khi xem một vở kịch soạn có nghệ thuật và bố cục chặt chẽ, khán giả ra về sẽ lấy làm thích thú về những đoạn hay, học hỏi được những điều tốt, suy nghĩ về những sự việc nêu ra, trở nên tế nhị vì những lời đối thoại, hiểu biết thêm về cảnh đời đen bạc, được rèn luyện vì những gương tốt, biết căm ghét những thói hư tật xấu và yêu quý những phẩm chất tốt đẹp; một vở kịch tốt cần gợi lên được những tư tưởng đó ở người xem, dù là người ngu đần dốt nát. Một vở kịch có đầy đủ những yếu tố đó nhất định làm cho khán giả vui thích, tiêu khiển, thỏa mãn hơn là một vở kịch thiếu những yếu tố đó như tình trạng của hầu hết những vở kịch đang được trình diễn trước công chúng. Ta không thể đổ tội cho nhà viết kịch được vì có nhiều người thấy rất rõ rằng họ làm như vậy là sai lầm và biết rằng mình phải làm như thế nào là đúng. Nhưng họ nói - và họ nói có lý - rằng kịch đã trở thành món hàng bán rao và những người diễn sẽ không mua nếu như không đúng yêu cầu; thế là nhà viết kịch phải viết theo yêu cầu của người diễn kịch là người trả tiền. Để chứng minh điều này, xin hãy xem những vở của một kịch gia có kỳ tài ở trong nước 2. Ông ta đã soạn ra rất nhiều vở rất trau chuốt, duyên dáng với những lời thơ rất thanh tao, những câu đối thoại tế nhị, những câu châm ngôn răn đời và một văn phong sắc sảo khiến danh tiếng của ông lừng vang khắp năm châu bốn biển. Thế nhưng chỉ vì muốn cho hợp khẩu vị của những người trình diễn mà có rất nhiều vở kịch của ông đã không đạt tới sự hoàn thiện mong muốn. Có những kịch gia khác sáng tác mà không suy nghĩ về việc mình làm thành thử sau khi trình diễn, các diễn viên phải lánh mặt đi trốn sợ bị trừng trị bởi chưng có nhiều lần họ đã bị khiển trách vì đưa ra những điều có phương hại đến thanh danh của một vài ông vua và một vài dòng họ quý phái. Tất cả những chuyện không hay như vậy và còn nhiều chuyện khác nữa sẽ chấm dứt một khi trong triều có một người thông thái giỏi giang soát lại các vở kịch trước khi đưa ra trình diễn, không những các vở diễn ở kinh đô mà tất cả các vở người ta muốn diễn trong khắp nước Tây Ban Nha. Một khi vị giám khảo đó không phê chuẩn, ký tên và đóng triện vào các vở kịch thì các nhà chức trách địa phương không được cho phép trình diễn. Có làm như thế thì những người diễn kịch mới quan tâm gửi các vở kịch tới cho triều đình duyệt và sau đó họ mới trình diễn được yên ổn. Các nhà soạn kịch cũng sẽ làm ăn thận trọng hơn vì biết rằng tác phẩm của họ sẽ phải qua một sự sát hạch chặt chẽ. Làm như vậy sẽ có những vở kịch tốt và sẽ đạt được mục đích đề ra tức là vừa tiêu khiển cho công chúng, vừa đem lại tiếng tăm cho những người sáng tác ở Tây Ban Nha, vừa có lợi và bảo đảm sự an toàn cho các diễn viên khiến họ không phải lo bị khiển trách. Nếu người ta giao cho vị giám khảo này hoặc cử một vị khác kiểm duyệt những cuốn sách kiếm hiệp mới viết, chắc chắn ta sẽ thấy xuất bản một số sách thật hoàn hảo như ngài nói, và những cuốn đó sẽ là một kho tàng quý giá chứa đựng những áng văn chương hùng hồn làm giàu cho ngôn ngữ nước nhà, làm lu mờ những tác phẩm cũ và mang lại một sự tiêu khiển lành mạnh không những cho đám người nhàn cư mà còn cho cả những kẻ lắm công nhiều việc, là vì một cây cung không thể giương căng mãi được và sức con người cũng có hạn không thể chịu đựng mãi sự căng thẳng nếu không được bù đắp bằng một giải trí lành mạnh.
Thầy tu và Cha xứ còn đang đàm luận thì bác phó cạo tiến lại gần nói với Cha xứ:
- Thưa ngài cử, như tôi đã nói, chỗ này rất tốt cho chúng ta nghỉ trưa và cho những con bò kéo tha hồ gặm cỏ tươi.
- Tôi cũng thấy thế, Cha xứ đáp.
Thấy Cha xứ có ý định nghỉ chân tại thung lũng này và trước cảnh vật ngoạn mục như đang đón chào, ông thầy tu cũng muốn dừng lại một lát, vừa để ngắm cảnh đẹp vừa để chuyện trò thêm với Cha xứ mà ông bắt đầu có cảm tình, đồng thời để biết rõ hơn về những chiến công của Đôn Kihôtê. Ông bèn bảo đám gia nhân đến chỗ quán trọ (đường đi tới quán trọ cũng không còn xa bao nhiêu) kiếm cái ăn mang về cho tất cả mọi người vì ông quyết định nghỉ trưa tại đây. Một người hầu đáp là con la chở lương thực (nó đi trước và có lẽ đã tới quán trọ) còn mang đủ lương ăn cho nên chỉ cần lại quán trọ mua lúa đại mạch cho súc vật thôi. Thầy tu bảo:
- Nếu vậy các người hãy dắt lừa tới quán trọ và đưa con la về đây.
Trong khi đó, Xantrô thấy có thể nói chuyện riêng với chủ, không sợ bị Cha xứ và bác phó cạo quấy rầy - quả thật bác không tin hai người, - bèn tiến lại gần chiếc cũi trong đó nhốt Đôn Kihôtê; bác nói với chủ:
- Thưa ngài, để lương tâm tôi được thanh thản, tôi muốn nói rõ về việc ngài bị phù phép: hai con người bịt mặt đi cùng chính là Cha xứ làng ta và bác phó cạo; tôi nghĩ rằng họ đã bày mưu tính kế đưa ngài đi như thế này vì họ ghen tức thấy ngài lập được những chiến công vang dội và tỏ ra hơn họ. Nếu ta công nhận sự thật đó tức là không phải ngài bị phù phép mà bị đánh lừa. Để chứng minh điều tôi nói, tôi muốn hỏi ngài một câu và tôi chắc rằng câu trả lời của ngài sẽ đúng như điều tôi nghĩ: nếu ngài trả lời đúng như vậy tức là ngài đã nắm được mưu mô của họ và thấy rằng mình không phải bị phù phép mà bị loạn trí.
- Xantrô con ta muốn hỏi gì cũng được, Đôn Kihôtê đáp; ta sẽ trả lời cho con vui lòng. Còn như con bảo rằng hai người cùng đi với chúng ta là Cha xứ và bác phó cạo, những người đồng hương quen thuộc của chúng ta, rất có thể là con tưởng tượng ra như vậy nhưng chớ nên bao giờ nghĩ rằng việc đó có thật. Con phải nghĩ và hiểu rằng nếu chúng giống Cha xứ và bác phó cạo như con vừa nói, điều đó có nghĩa là lũ yêu ma đã đội lốt hai người. Xưa nay bọn pháp sư có thể thay hình đổi dạng một khi chúng muốn, cho nên chúng đã hóa thành hai ông bạn của ta khiến cho con nghĩ ra như vậy và bị lúng túng trong mê cung không sao ra thoát dù có sợi dây của Têxêô chỉ đường 3. Chúng còn làm ra thế để cho đầu óc ta u mê không biết tai họa từ đâu tới. Này nhé, một mặt con nói rằng Cha xứ và bác phó cạo ở làng ta nhốt ta vào cũi mang đi, mặt khác ta biết rằng sức người không phải là vô hạn nên không thể nhốt ta vào cũi được, vậy thì con làm thế nào cho ta nói khác và nghĩ khác một khi ta vẫn thấy rằng việc phù phép này còn ghê gớm hơn những chuyện phù phép khác mà ta đã đọc trong những cuốn sách viết về các hiệp sĩ giang hồ bị phù phép? Bởi thế, con cứ việc nghĩ rằng chúng là Cha xứ và bác phó cạo cũng như ta là người Thổ Nhĩ Kỳ vậy. Bây giờ định hỏi gì thì hỏi đi, ta sẵn sàng trả lời dù cho con hỏi từ giờ tới ngày mai.
- Lạy Chúa! Xantrô gào lên; lẽ nào bộ óc của ngài lại rắn chắc và mất hết cả tủy đến nỗi ngài không thấy rằng điều tôi nói là hoàn toàn có thật, và sở dĩ ngài bị giam cầm khốn khổ khốn nạn thế này là do âm mưu xảo trá chứ không phải tại yêu thuật! Đã vậy, tôi sẽ chứng minh rõ hơn rằng ngài không bị phù phép. Mong rằng Chúa sẽ cứu vớt ngài thoát khỏi tai vạ này và ngài sẽ chóng được sống yên ổn trong đôi cánh tay bà chủ Đulxinêa của tôi.
- Thôi, đừng cầu nguyện nữa, Đôn Kihôtê nói: muốn hỏi gì thì cứ hỏi đi; ta đã nói là ta sẽ trả lời thật nghiêm túc mà.
- Tôi cũng mong như vậy, Xantrô nói; điều tôi muốn biết là xin ngài nói tất cả sự thật, không thêm bớt, như người ta có thể chờ đợi được ở cửa miệng những người làm nghề võ và mang danh hiệp sĩ giang hồ như ngài...
- Ta hứa sẽ không nói sai bất cứ một điều gì, Đôn Kihôtê đáp. Thôi, hỏi đi; quả thật những lời khen ngợi, cầu nguyện, rào trước đón sau của anh làm ta mệt cả người.
- Tôi tin vào tấm lòng tốt và sự thành thật của ông chủ tôi và điều này rất cần thiết trong câu chuyện ta đang bàn. Bây giờ tôi xin cung kính hỏi ngài một câu: từ lúc ngài bị nhốt vào cũi - nói như ngài là từ lúc thấy mình bị yêu ma phù phép nhốt vào cũi - ngài có thấy muốn đi đại thủy tiểu thủy không?
- Xantrô, ta chẳng hiểu đi thủy là gì cả; hãy nói rõ hơn nếu muốn ta trả lời chính xác.
- Có lẽ ngài không hiểu đi đại thủy, tiểu thủy là gì? Trẻ con mới cai sữa cũng đã biết điều đó. Xin thưa rằng tôi muốn hỏi ngài có lúc nào muốn làm một việc mà con người ta không thể đừng được không?
- Hiểu rồi! Có chứ, có nhiều lúc và ngay cả lúc này đây! Hãy cứu ta khỏi cơn nguy khốn kẻo ta vãi ra rồi!