Màn sân khấu từ từ được mở ra. Khâu ánh sáng cũng khá hơn so với lần trước, luồng ánh sáng vừa phải chiếu xuống trung tâm sân khấu. Âm thanh cũng đã thể hiện được tiếng gió bão ở sa mạc. La Chu ngồi ở hàng ghế đầu, nhưng cả người anh vẫn chìm trong bóng tối. Anh hơi căng thẳng, bởi vì bên trái, bên phải anh đều là các nhà đầu tư của đoàn kịch. Đây là lần tổng diễn tập đầu tiên của vở “Đoạn hồn Lâu Lan”, cũng là lần đầu tiên vở kịch này được diễn thử trước khi công diễn, nếu lần này thất bại thì e rằng những đầu tư lần sau coi như tan tành.
Màn thứ nhất là Phần mộ cốc. Bối cảnh toàn là núi non sa mạc và những nấm mộ. Bước ra sân khấu là Quốc vương Thành cổ Lâu Lan lúc còn trẻ. Ông ta từ Thành cổ Lâu Lan quay lại để tìm người con gái đã cùng ông đính ước suốt đời. Nguyên trong kế hoạch, đoạn này định để ở giữa vở, nhưng hiện nay La Chu đã thay đổi, đưa đoạn này lên trên đầu. Vị quốc vương trẻ trong quá trình đi tìm người yêu, thông qua hình thức độc thoại đã trình bày diễn cảnh một năm trước vì bại trận đã lưu lạc đến đây, được một người con gái thần bí cứu, từ đó đã đính ước với cô. Nhưng giờ đây Quốc vương biết được người yêu đã chết, chỉ để lại đứa con gái nhỏ, nên Quốc vương thề nhất định sẽ làm cho con gái hạnh phúc suốt đời.
La Chu không thoả mãn lắm với màn thứ nhất, có lẽ bởi vì diễn viên đóng vai Quốc vương diễn hơi non, nhưng thực tế tài lực và thời gian không cho phép thay đổi. Màn 2 là buổi tối Lan Na và Hoàng tử Vu Điền gặp mặt nhau. La Chu thấy hài lòng với màn diễn này, anh thích Lam Nguyệt lúc vừa xuất hiện đã mang đến cho sân khấu một cảm giác như vậy. Anh cần một cảm giác như thế. Xem Lam Nguyệt trên sân khấu thong thả nói ra câu thoại thứ nhất, anh bỗng nhớ lại những lời cô ấy nói ở nhà anh đêm ấy. Bên tai anh hình như tràn ngập những lời nói của cô, nó khiến cho anh lòng dạ rối bời, không còn tâm trí nào để xem tiếp phần kịch không có Lam Nguyệt diễn.
Anh nhớ đêm ấy, sau khi Lam Nguyệt ra về, anh đã thức suốt đêm để sửa lại kịch bản, đến nỗi gần như gục xuống. Hôm sau lại mất cả ngày để gọt giũa câu văn. Những lúc ấy, những ngón tay của anh múa như bay trên bàn phím, gõ rồi lại gõ, anh hiển nhiên cảm thấy rất khoan khoái. La Chu từ lâu chưa có được một niềm khoái cảm như vậy. Anh vốn dĩ cho rằng chỉ có khi viết tiểu thuyết mới có khoái cảm, còn viết kịch bản giống như bị đày đọa. Bây giờ thì anh thấy mình đã sai, chỉ vì anh chưa bước được vào cửa, chưa tìm thấy kỹ xảo và cảm giác của sân khấu mà thôi, vừa xâm nhập được vào cảm giác này, anh cũng đồng thời tìm thấy niềm vui trong kịch bản.
Khi anh sửa xong kịch bản mang đến cho diễn viên đọc, hầu như mọi diễn viên có mặt đều khen kịch bản rất hấp dẫn, có thể thành công. Nhưng họ đều cảm thấy trong kịch bản hình như ẩn chứa một không khí hãi hùng, điều này có thể làm cho khán giả sợ. La Chu nói giọng khinh miệt, cái mà anh cần là sự sợ hãi của khán giả. Anh lập tức quyết định dùng kịch bản đã sửa này, tất cả đều phải làm lại, cho nên hàng ngày đều phải tập thêm giờ cho đến tận hôm nay. Cái sợ nhất của anh là không đủ thời gian, chuẩn bị vội vàng, nếu cho anh đủ thời gian và kinh phí, anh tin rằng mình có thể làm được cả những vở kịch kinh điển.
Màn 3 và màn 4 cũng như nhau, vì diễn viên đóng vai Hoàng tử Vu Điền diễn hơi khoa trương, nhưng mỗi khi Lam Nguyệt xuất hiện, La Chu đều chú ý đến ánh mắt của các nhà đầu tư ngồi bên, họ đều bị cô lôi cuốn, ít nhiều cũng đủ bù đắp.
Màn 5 là cảnh Hoàng tử Vu Điền cầm quân xuất chinh đi chống lại sự xâm lược của Nhu Nhiên. Lan Na đứng ở phần trước sân khấu, một mình tưởng nhớ Hoàng tử, một đoạn độc thoại dài, giống như vở kịch một người. Và đồng thời, Hoàng tử đứng ở phía nửa phần sau sân khấu, dẫn mấy người lính tượng trưng cho đại quân đang chiến đấu. Trước và sau sân khấu biến thành hai bộ phận cùng đồng thời xuất hiện trước khán giả, một bên độc thoại nội tâm, bên kia là cuộc chiến đấu gian khổ.
Màn 6 là cảnh đêm động phòng của Hoàng tử Vu Điền và Công chúa Thành cổ Lâu Lan. La Chu buộc phải thừa nhận vai Công chúa Tiêu Sắt đóng đúng là một vai quan trọng. Sau khi Hoàng tử Vu Điền kéo mạng che mặt của cô, phát hiện Công chúa không phải người yêu của mình thì giật mình biến sắc, đã hỏi Công chúa một câu: “Nàng không phải Công chúa, nàng là ai?” làm cho Công chúa rất đau lòng, cô và Hoàng tử cả hai người đồng thời phải chịu đựng sự giày vò của tâm linh. La Chu để cho họ đứng bên cạnh sân khấu, độc lập độc thoại biểu thị sự đau khổ nội tâm. Cuối cùng, Hoàng tử giận dữ bỏ đi, để lại Công chúa phòng không, buồng trống. Sau đó là đoạn độc thoại dài của Tiêu Sắt. Cô đã biến tình yêu vô hạn đối với Hoàng tử thành nỗi căm hận khôn cùng đối với chàng. La Chu biết rằng trong kịch nói hiện đại, cá nhân độc thoại hơi nhiều là không tốt, đối với diễn xuất của diễn viên cũng cần nhiều kinh nghiệm, nhưng anh thích như vậy, để đến nỗi các diễn viên phải oán trách. Đương nhiên Lam Nguyệt là ngoại lệ.
Màn thứ 7 là cảnh Hoàng tử tìm ra được sự thật khi hỏi chuyện Lan Na và họ tự nguyện mãi mãi bên nhau. Màn thứ 8 là cảnh Công chúa lừa Hoàng tử nói là Lan Na đã bị xử chết, thi thể đưa đến Phần mộ cốc, thế là Hoàng tử chạy đến Phần mộ cốc rồi tự vẫn vì tình. Màn này, La Chu viết tương đối cảm động, diễn viên đóng vai Hoàng tử cũng đặc biệt khoa trương. La Chu thậm chí còn nghe thấy cả người ngồi bên cạnh cười, xem bi kịch mà lại cười, điều này làm cho La Chu thấy ngượng. Màn thứ 9 là màn mà La Chu sắp xếp hay nhất trong toàn bộ vở kịch, cũng là màn duy nhất Tiêu Sắt và Lam Nguyệt là đối thủ của nhau trong diễn xuất. Nhưng Lam Nguyệt đã hoàn toàn áp đảo Tiêu Sắt, cho dù trong kịch bản, Lam Nguyệt trong vai Lan Na cũng tự tử vì tình trong màn này.
Màn thứ 10 cũng là màn cuối cùng. Bối cảnh là Phần mộ cốc. Khi đó Thành cổ Lâu Lan đã ở trong tình trạng bị hủy diệt vì khô cạn, Công chúa dung nhan tiều tụy đến đây gặp gỡ người mẹ trong mộng, biết rõ toàn bộ sự thật, cuối cùng đã chết trong đau khổ. Sau khi màn hạ, cảm giác của những nhà đầu tư cho đoàn kịch rất tốt, họ muốn tiếp tục đầu tư. Điều đó đã làm cho tâm trạng căng thẳng của La Chu được lắng xuống.
Danh Sách Chương: