Ra khỏi nhà chị dâu cả, mọi người lặng lẽ bước đi, không ai nói tiếng nào. Đến bãi đỗ xe, cũng không ai vội vàng lên xe, người thì đứng đó hút thuốc, người thì im lặng không nói gì. Chị dâu cả gầy đến mức mất dáng, trong nhà cũng bừa bộn ngổn ngang.
Anh hai dập tắt đầu thuốc, nói trước: “Sau này Dục Nhất đi nước ngoài, tiền bạc cứ để anh lo.”
Tôn Cánh Phi nói: “Ba người chúng ta chia nhau…”
“Không cần phải vậy.” Anh hai nói: “Sau này nếu con bé muốn tiếp tục học lên, ba anh em chúng ta sẽ bàn bạc tiếp.”
Chị em Tôn Cánh Thành gật đầu.
“Phụ nữ các em tâm lý, sau này hãy thường xuyên đến thăm chị ấy.” Anh hai dặn dò, “Anh cả không còn, chị dâu cả vẫn là chị dâu cả. Vài năm nữa nếu chị ấy muốn… Thì lại tính tiếp.”
“Ba cũng đã nói rồi, hai đứa nhỏ theo chị dâu cả và tùy ý của chúng, chúng ta không ép buộc. Sau này dù chúng đi đâu, chúng ta làm cô làm chú sẽ dốc lòng giúp đỡ như chính con mình.” Nói xong, anh hai nhìn mọi người, “Bắt đầu từ hôm nay, chuyện anh cả đã qua, nên làm gì thì làm, nên tiến lên thì tiến lên.”
Trên xe về nhà, chị dâu hai không nhịn được mà nói anh ấy, một là chuyện của Gia Duệ; hai là chuyện Dục Nhất đi nước ngoài. Đàn bà mà, chẳng qua cũng chỉ càm ràm vậy thôi, nhiều năm như vậy đã quen rồi, anh hai mặc kệ chị ấy, không nói gì.
“Anh mãi không sửa được cái tật thích bày vẽ.”
“Được rồi bà xã.” Anh hai hứa với chị ấy, “Số tiền anh trai em đã lấy, nếu đòi lại được thì là tiền riêng của em, nếu không đòi lại được thì coi như gió thổi mây bay đi.”
“Tại sao không đòi lại!” Miệng thì nói vậy, nhưng trong lòng chị dâu hai cũng hiểu. Năm năm trước, anh trai chị ấy nhận thầu một công trình, đã lấy của họ tổng cộng một triệu hai, sau đó công trình bị lỗ, một triệu hai đó coi như mất toi.
“Anh ta không trả thì anh ta phải nợ em cả đời, cả đời không ngẩng đầu lên trước mặt em được!” Nhắc đến anh trai ruột của mình, chị ấy nghiến răng nghiến lợi. Mấy năm nay vì đòi số tiền này mà tình anh em của họ cũng đã sớm tiêu tan.
Hai người bên đây về nhà thì nằm vật ra đó, không tập thể dục, cũng không đi nhảy múa, rửa mặt xong nằm dài trên giường đọc sách. Một người đọc tiểu thuyết, một người thì đọc sách y.
Cả hai đọc được khoảng nửa tiếng, Tôn Cánh Thành trả lời một tin nhắn, thuận miệng hỏi cô: “Em đọc gì vậy?”
Chu Ngư hắng giọng, đọc cho anh một đoạn thơ, bài thơ “Cũng Tư gửi cho Đặng A Lan và tôi bức ảnh chụp chúng tôi.” của nhà thơ Hồng Kông Ma Nhược: Ai có thể cho tôi một chỉ dẫn rõ ràng, ngôi sao mọc lặn phương nào và có vị trí cố định không, sau này sẽ thế nào trời biết, thế sự và tình người luôn mơ hồ, tốt nhất là nên tỉnh lại, mang theo câu thơ vui vẻ trở về…
“Bài thơ em thích nhất, chia sẻ với anh đó.”
“Cảm ơn em.”
“Thích không?”
“Em thích thì anh cũng thích.” Tôn Cánh Thành hàm hồ nói.
Chu Ngư nhìn ngón tay anh, hỏi: “Muốn đàn piano không?”
“Ồn lắm.”
“Anh tốt ghê.” Chu Ngư khen chê không rõ.
“Quá khen.”
……
“Mà này, quán cà phê bên ngoài khu dân cư đang tìm người đàn piano đó.” Chu Ngư đề nghị với anh, “Anh không những có thể chơi tùy thích mà còn có thể kiếm được tiền nữa.”
“Bao nhiêu?”
“Ít nhất cũng phải ba bốn trăm tệ một tiếng thì phải? Con của đồng nghiệp em mời giáo viên đến nhà dạy, một tiếng đã năm trăm tệ rồi.”
“Anh đàn, em ngồi đó nghe, còn được năm trăm tệ?” Tôn Cánh Thành nhìn cô.
“Nếu anh đàn hai tiếng, không phải sẽ kiếm được một ngàn tệ sao?” Chu Ngư góp lời.
Hai kẻ mê tiền lên đường, càng nghĩ càng thấy khoái chí, đến quán cà phê, họ gọi hai ly cà phê ngồi ở khu giải trí bên ngoài đón gió, thật ra cũng chỉ là viện cớ để ra ngoài tản bộ mà thôi, không ai coi là thật cả.
Quần áo ở nhà cũng không thay luôn mà.
Hai người ngồi không mà không thấy chán. Gió rất nhẹ, rất thoải mái, bên cạnh là một cây tử đinh hương sắp nở hoa, toả mùi thơm thoang thoảng. Chu Ngư xõa tóc, dựa vào lưng ghế mặc cho gió thổi.
Tôn Cánh Thành cũng rất thoải mái, nhàn rỗi không có việc gì, cùng cô nói chuyện phiếm, nhớ đến đâu thì nói đến đó. Nửa câu trước nói chuyện anh đến Tương Tây, nửa câu sau đã nói có đói cũng không giết trâu cày ruộng, có nghèo cũng không giết chó giữ nhà, tiếp đó lại phổ biến cho cô kiến thức về trâu với bò, đặc điểm của các loài chó bản địa ở từng tỉnh.
“Hồi nhỏ anh nuôi một con chó Bắc Kinh, còn gọi là chó sư tử. Lông dài màu trắng, chân ngắn. Anh và Tôn Cánh Phi thường phải giúp nó cắt lông trên đầu, vì lông quá dài, cứ rũ xuống che mất mắt.” Tôn Cánh Thành nói: “Khi đó trên phố toàn là chó cỏ… Nói theo cách nói bây giờ là chó quê, chó chồn, chó thịt, chó ngu… Vì chúng quá đỗi bình thường, bình thường đến mức khiến người ta khinh thường, nên cho dù chúng đi đến đâu, người ta cũng nhặt đá ném đuổi đi.”
“Những năm này thấy những chú chó ngoại quốc được ưa chuộng trên phố, anh lại nghĩ đến những chú chó cỏ chẳng làm gì sai, nhưng lại bị người ta liên tục khinh thường đuổi đi, rồi dần dần biến mất.”
“Chó cỏ chủ yếu là để trông nhà, ngày nay không cần nữa nên chúng cũng ít đi.” Chu Ngư nói.
“Đến khi chúng ta già rồi, không biết sống có được tôn nghiêm hơn chó cỏ không.” Tôn Cánh Thành đầy tâm trạng, “Sau này nếu anh không cử động được nữa, em sẽ chăm sóc anh chứ?”
“Em sẽ ném anh ra đường.” Chu Ngư trả lời không chút do dự.
…
“Độc nhất là lòng dạ đàn bà.” Tôn Cánh Thành nhịp chân, thản nhiên nhìn cô, “Ném ra đường là tội bỏ rơi, anh báo cảnh sát bắt em!”
“Ừ, bắt em đi.” Chu Ngư dùng năm ngón tay vuốt tóc, xoa da đầu, bị gió thổi rất dễ chịu, cô cảm thán nói một cách chân thành: “Mùa xuân đẹp quá.” Nói rồi, Tôn Cánh Thành đưa hai tay đến trước ngực cô, cô định giơ tay đánh, thì thấy anh đang cài cúc áo ở nhà cho mình, nói cô càng ngày càng không đứng đắn.
Ý định ra ngoài đón gió này là do hai người bất chợt nảy ra, cô quên mất mình không mặc áo ngực, cũng không biết cúc áo ở ngực mình đã bung từ lúc nào. Nghĩ đến đây mặt cô hơi đỏ, không nói gì. Cô không bao giờ mặc quần áo ở nhà ra ngoài, đây cũng là lần đầu tiên.
Tôn Cánh Thành cài nút áo cho cô, rồi chỉ vào các huyệt đạo trên đầu cô, hướng dẫn cách xoa bóp da đầu sao cho thoải mái nhất. Chu Ngư nghe không tập trung, cứ khen anh nhiệt tình, thoải mái đến mức muốn ngủ quên.
“Em đúng là đồ nịnh hót.” Tôn Cánh Thành mắng cô.
Chu Ngư không quan tâm, chỉ cần có lợi cho cô, cô sẵn sàng làm người nịnh hót.
Tôn Cánh Thành vừa xoa bóp cho cô vừa ngửi ngón tay mình, “Em mấy ngày không gội đầu rồi?”
“Hai ngày?”
Tôn Cánh Thành ghét chết đi được, nhưng vẫn kiên nhẫn xoa bóp cho cô thêm một lúc. Công việc ở trường bận rộn, hôm qua cô lại dậy lúc năm giờ để trực tiết tự học, buổi tối về thì than đau đầu, nói tóc rụng rất nhiều.
“Dễ chịu không?”
“Dễ chịu.” Chu Ngư sắp ngủ quên luôn rồi.
“Thích cuộc sống thế này chứ?”
“Thích.”
“Hãy trân trọng anh đi, đừng có kiếm chuyện với anh nữa.” Tôn Cánh Thành nói với cô: “Anh còn biết châm cứu xoa bóp nữa đó.”
“Được, được.” Chu Ngư cứ nói được, cũng không nói là được gì.
Hai người lại thư thả ngồi thêm một lúc, quá thoải mái nên không ai nhắc đến chuyện đi về, chỉ muốn kéo dài mãi sự yên bình này.
Cho đến khi quán cà phê đóng cửa, hai người mới lưu luyến ra về. Trên đường về không ai nói gì, cả hai đều đắm chìm trong sự yên ả và cảm xúc sâu lắng này.
Về đến nhà đóng cửa lại, họ không kiềm được ôm chặt lấy nhau, rất biết ơn nhau lúc này, biết ơn cuộc sống hiện tại.
Sáng hôm sau, Tôn Cánh Thành ngập ngừng đến nhà chị dâu cả, do dự vài phút bên dưới, rồi lên lầu, thương lượng với chị dâu cả xem có thể dẫn Dục Ngôn đến phòng khám thăm ông bà nội không, chiều anh sẽ trả cháu về.
Chờ đến khi đưa Dục Ngôn lên xe, anh vào nhóm của mấy anh chị em nhắn cho anh hai, nói sẽ đến nhà anh ấy đón Gia Hưng và Gia Duệ cùng đến phòng khám, để nhà cửa náo nhiệt lên.
Tôn Cánh Phi nhận được tin nhắn, sáng sớm bảy giờ đã nhắn tin cho Kha Vũ đang ở nhà Chu Ngư làm bài tập, dặn cậu làm bài tập xong thì đến phòng khám. Sau đó nhắn riêng cho Tôn Cánh Thành: “Sao Kha Vũ thích đến nhà cậu vậy?”
Tôn Cánh Thành trả lời: “Chu Ngư có thể kèm thằng bé học.”
Tôn Cánh Phi đáp lại: “Vậy thì cũng thường xuyên quá?”
Tôn Cánh Thành trả lời: “Thằng bé đang trong giai đoạn bối rối, có lẽ là có chuyện muốn nói với Chu Ngư.”
Trong lòng Tôn Cánh Phi không thoải mái: “Ý cậu là nó không có gì muốn nói với chị sao?”
Tôn Cánh Thành đáp: “Vậy mà chị cũng ganh tị?”
Tôn Cánh Phi đang lo lắng, lời nói không rõ ràng, chỉ nói: “Thằng bé đang tuổi vị thành niên nổi loạn, chị sợ lời nói của nó không thích hợp, xúc phạm vợ cậu.”
Tôn Cánh Thành nói: “Chu Ngư cũng mất ba ở độ tuổi của Kha Vũ, cô ấy là người từng trải, biết cách chỉ dẫn cho Kha Vũ.”
Tôn Cánh Phi nói: “Kha Dũng đâu có chết.”
Tôn Cánh Thành trả lời: “Hình ảnh người cha sụp đổ và tan vỡ trong lòng đứa trẻ còn đau khổ hơn cả cái chết.” Sau đó cân nhắc, lại nhắn: “Kha Vũ đã vô tình đụng phải người phụ nữ và đứa trẻ đó.”
Tôn Cánh Phi trả lời: “Ai nói?”
Tôn Cánh Thành trả lời: “Tuần trước Kha Vũ nói với Chu Ngư, mùng hai Tết, nó vô tình gặp ở nội thành. Chắc là do người phụ nữ đó lén dẫn con đến, Kha Vũ nói hai người đó đã xảy ra xung đột.”
Tôn Cánh Phi phàn nàn với anh: “Sao bây giờ cậu mới nói?”
Tôn Cánh Thành trả lời: “Chị không biết thì tốt hơn. Kha Vũ chịu nói ra đã là khó lắm rồi, nếu chị biết thì sẽ phá hỏng sự tin tưởng này, vậy thì vợ em sẽ thành người như thế nào?”
Tôn Cánh Phi hiểu, lập tức xóa đoạn tin nhắn trò chuyện, rồi trả lời anh: “Thay chị cảm ơn Chu Ngư.”
Tôn Cánh Thành nhắn lại: “Chị trực tiếp cảm ơn đi.”
Tôn Cánh Phi trả lời: “Chị mua tặng vợ cậu một chiếc túi.”
Tôn Cánh Thành bực bội: “Các chị đều giàu thật. Một giáo viên như cô ấy xách đồ xa xỉ thì có được không? Nói thẳng với chị nhé, trước đây em tặng túi và trang sức, vợ em chưa từng đeo lần nào.”
Tôn Cánh Phi trả lời: “Chị tặng quà mà cũng sai hả? Vợ cậu suốt ngày giả vờ thanh cao, làm sao chị biết được tặng gì mới vừa ý chứ?”
Tôn Cánh Thành trả lời: “Thôi đi! Chỉ cần chị thành tâm một chút, hỏi em là được mà?”
Tôn Cánh Phi hỏi: “Được, vợ cậu thích gì?”
Tôn Cánh Thành trả lời: “Nhà bọn em thiếu máy lọc không khí, điều hoà nóng lạnh. Cô ấy thích bộ chén dĩa, bộ khăn trải giường, thích sô cô la… Cô ấy còn thích sưu tầm đồ lót và vớ.” Trong phòng ngủ có một tủ năm ngăn, đựng đầy đồ lót và vớ của cô, có mặc đến già cũng không hết.
…
Tôn Cánh Phi trả lời: “Đã biết.”
Tôn Cánh Thành trước sau đón được ba đứa nhỏ, trên đường về thì nhận được tin nhắn của Tôn Cánh Phi: “Ba Chu Ngư cũng ngoại tình đúng không?”
Tôn Cánh Thành ngay lập tức tấp xe vào lề, trả lời chị: “Chị nói linh tinh gì vậy hả?”
Một lúc lâu sau, Tôn Cánh Phi trả lời: “Vậy là chị nhớ nhầm sao?” Chị nhớ hồi học cấp hai, hình như chị đã nhìn thấy ở công viên Nhân dân… Nhưng chị lại không chắc chắn lắm, nghĩ đến việc bàn tán về người đã khuất không hay, vội dặn anh: “Nhớ xóa đoạn tin nhắn trò chuyện.”
Tôn Cánh Thành thuận tay xóa đi, không trả lời chị nữa.
Hơn một tháng không gặp, ba đứa nhỏ vui đến phát điên, trong xe suýt nữa thì nâng cả nóc lên luôn. Xuống xe rồi mà đầu óc anh vẫn còn thấy choáng váng.
Bọn trẻ băng qua đường, chạy thẳng vào phòng khám, gọi lớn: “Ông ơi! Bà ơi!”
……
Vì không biết có đón được không nên trước khi đến Tôn Cánh Thành không báo trước. Tôn Hữu Bình khó giấu được sự kích động, cởi áo blouse trắng, chuẩn bị dẫn các cháu ra ngoài mua đồ ăn vặt. Ở đó vừa mới mở một cửa hàng đồ ăn vặt nhập khẩu.
Mẹ Tôn cứ trách anh, nói anh không thông báo trước, để bà chuẩn bị đồ ăn sớm.
“Chuẩn bị bây giờ cũng chưa muộn, còn lâu mới đến bữa trưa mà mẹ.” Tôn Cánh Thành nói.
Mẹ Tôn mắt đỏ hoe, cũng không dám hỏi chị dâu cả thế nào, tranh thủ lúc bọn trẻ mua đồ ăn vặt, vội vã đi chợ.
Tôn Cánh Thành gửi cho Chu Ngư một đoạn video quay bọn trẻ vui vẻ đi theo Tôn Hữu Bình mua đồ ăn vặt. Anh còn muốn nhắn: Vợ à, chúng ta sinh con đi.
Nhưng cuối cùng vẫn không nhắn.
Anh không tự tin mình có thể làm tròn trách nhiệm của một người ba, gánh vác một sinh mạng nhỏ. Anh không có khả năng vượt qua được những trở ngại, đảm bảo con anh suốt đời không bệnh tật, không tai nạn; đảm bảo con có thể yêu người mình yêu, làm những gì mình thích; đảm bảo con mọi điều như ý, trăm sự vui vẻ.
Anh thực sự quá tham lam.
Sau khi kết hôn, cả hai đều không nói đến chuyện có con, anh cảm thấy Chu Ngư cũng không muốn có. Có lần hai người ân ái, ở nhà không có bao cao su nên anh xuất tinh vào trong một cách tự nhiên.
Sau đó Chu Ngư đã uống thuốc.
Bên kia Chu Ngư cũng không rảnh xem video, cô đang lái xe máy điện chở Kha Vũ đến phòng khám. Cô đi đường tắt, qua những con ngõ cũ, mua một loạt trái cây theo mùa ven đường: đào, dâu tằm, thơm… Có cả quả anh đào vỏ mỏng mà cô thích nhất, còn gói thêm hai phần thạch đậu và bánh kẹp rau.
Đến phòng khám thì bị bọn trẻ cướp mất, còn bị mẹ Tôn mắng một trận, nói đồ bên ngoài kém vệ sinh, muốn ăn gì thì về nhà làm không được sao?
Tôn Cánh Thành ra hiệu với cô, hai người lén xuống lầu, chạy xe máy điện đi ăn thạch đậu.
Thạch đậu ngon không thể tả!!
Một cái thau đựng thạch đậu màu trắng hình chậu úp ngược trên bàn, người bán hàng cầm cái nạo lỗ tròn, cạo nhanh thoăn thoắt, hai nhát nạo tính là một chén, từng sợi thạch đậu trơn tuột được nạo vào chén. Sau đó chan lên một lớp nước tỏi giã nát có thêm rau mùi, chan nước hành gừng, nhỏ dầu mè, nước tương, bột ngọt, giấm, cuối cùng chan thêm một muỗng dầu ớt, trộn đều, trộn đều, hút một cái vào miệng – trơn, mát, chua, cay, vô cùng k1ch thích vị giác!
Thường thì vào mùa hè, Chu Ngư có thể ăn hết hai tô.
Nhưng lúc này cô không nuốt nổi một miếng nào cả. Bởi vì cái tên đáng ghét Tôn Cánh Thành này, lúc ông chủ đang nạo thạch đậu, anh hỏi cô: “Có giống hai dòng nước mũi của Tôn Dục Ngôn không?”