Những thú vui ở chốn thị thành quả là quá phức tạp đối với việc nuôi dạy một đứa trẻ. Chúng rất dễ dẫn đến sự sa ngã. Tôi nghĩ thế, và Jonathan cũng vậy. Clare không chắc lắm – nàng lo rằng sự êm ả quá mức có thể làm thui chột trí tưởng tượng của đứa bé.
“Nếu nó trở thành một đứa cù lần thì sao?” Nàng nói. “Em không muốn đứa con nào của mình lại lớn lên để trở thành một người quá tốt bụng cả. Em không thể chịu được điều đó.”
Tôi nhắc nàng nhớ lại rằng New York đã chuẩn bị những gì cho những người quá nhỏ bé và không mấy hiểu biết, những người khó có thể giành được một chỗ đứng ở đó. Tôi nghĩ ra những con số xác suất về những trường học ở thị trấn và những hiệu quả của màu xanh tới sự phát triển tâm lý.
“Và nghe này, ở thời buổi bây giờ, đâu còn cái khái niệm cứ lớn lên ở nông thôn là người ta lại hiền lành tốt bụng nữa,” Jonathan nói. “Hầu hết những kẻ sát nhân thực sự gây xôn xao đều xuất thân từ những trang trại vô chủ và những khu nhà lưu động đấy.”
“Ừm, thôi được rồi,” cuối cùng Clare nói. “Tôi nghĩ New York là nơi để mọi người đổ xô đến. Nếu chúng ta nuôi con ở đây, nó sẽ chuyển về nông thôn khi nó lớn lên mất.”
Và thế là chúng tôi bắt đầu gọi điện thoại. Chúng tôi bắt đầu lái xe ra ngoại thành để tìm kiếm những mảnh đất quá xa lạ hoặc hoang vắng mà chúng tôi có thể mua bằng tiền thừa kế của Clare. Khi đi mua những bất động sản rẻ tiền, bạn sẽ có được cái nhìn của người trong cuộc về sự thất bại thường nhật của con người. Bạn ngửi thấy mùi cây cỏ ẩm ướt từ bên ngoài len lỏi vào qua những tấm ván lát tường ẩm thấp, trông thấy những trần nhà và sàn nhà đang dần dần xuống cấp. Bạn thấy được thời tiết và tình trạng mục nát đã chiến thắng thế nào chỉ bằng cách tiếp tục, ngày này qua ngày khác, cho đến khi nào tiền bạc cạn kiệt.
“Chúng ta không thể dừng lại quá lâu để suy nghĩ được,” Clare cứ lải nhải. “Chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm. Nếu chúng ta dừng lại và suy nghĩ quá lâu, em e rằng em sẽ đổi ý đấy.”
Sau ba tuần, chúng tôi đã tìm được một ngôi nhà hai tầng màu nâu cách Woodstock năm dặm, một căn nhà không mấy giá trị với những ưu điểm và nhược điểm gần như tương đương. Những bức tường được xây trên một nền móng vững chắc. Giá nhà lại rẻ - vì chủ nhà muốn bán tống bán tháo nó đi. Ánh sáng từ đồng cỏ linh lăng bồng bềnh qua những căn phòng như thể thời gian đang ngưng đọng. Nước giếng trong và lạnh hệt như nước được chảy ra từ vòi.
Nhược điểm của ngôi nhà là hệ thống dây điện đã xuống cấp còn hệ thống ống nước thì bám đầy gỉ sắt. Ván lát sàn bằng gỗ thông cũ đầy rẫy những con kiến đục gỗ và đang trong tình trạng mục khô.
“Ít nhất thì nơi này cũng có một linh hồn,” Jonathan nói. “Chị biết ý em là gì không? Em cảm thấy bây giờ vẫn còn chưa quá muộn. Nơi này vẫn chưa bị hư hỏng hoàn toàn.”
Clare gật đầu. Nàng miết ngón cái theo khung cửa, và nhìn vào ngón tay với vẻ tần ngần.
“Có vẻ được đấy,” tôi nói. “Nơi này không gây ra cho em cảm giác gì sao?”
“Hừm,” Clare nói. “Buồn nôn. Chóng mặt. Hoảng loạn.” Nàng vẫn nhìn vào ngón tay cái.
Chúng tôi bàn bạc trong một tuần, và mua ngôi nhà đó. Kèm theo nó là cả cái giếng và ánh nắng chiếu, cùng mười lăm cây sồi, tám cây thông, một bụi mâm xôi, và một cặp mộ quá cũ đến nỗi bia mộ đã bị bào mòn nhẵn thín. Khi Clare ngồi trên cái ghế nhựa màu xanh, với cái bụng to, để ký giấy tờ, nàng nói: “Tạm biệt, Paris và Istanbul.”
Jonathan thêm vài: “Tạm biệt, thời trang Armani. Tạm biệt, những đôi giày cá sấu.” Hai người họ cùng thốt ra một tiếng cười hơi chua chát. Và rồi việc mua bán hoàn tất. Clare đã mua cho tất cả chúng tôi một sự khởi đầu mới bằng tài sản kiếm được từ kim cương giả của người ông quá cố của nàng. Để chúc mừng, nhân viên của công ty bất động sản đã cùng chúng tôi uống rượu vang trắng đựng trong những cái cốc xốp màu trắng.
Khi rời khỏi căn hộ ở New York, chúng tôi đã vứt đi tất cả những thứ bị hư hỏng hay vỡ nát – chúng chiếm gần một nửa số tài sản của chúng tôi. Chúng tôi vứt chúng ra đường như món quà biếu dành cho những người mới đến, những người đang tràn đầy hi vọng trước cuộc sống mới ở nơi mà chúng tôi sắp rời đi này. Từ cửa sổ, chúng tôi ngắm nhìn những người qua đường đến lấy và mang chúng đi. Một phụ nữ lấy cái đèn dung nham. Hai gã đầu trọc và một cô gái xăm mình mập mạp thì lấy đi cái sofa bọc vải polyester da báo bị võng.
“Tạm biệt, những kho báu,” Clare nói. Hơi thở của nàng tạo nên một làn khói mong manh trên kính.
“Tạm biệt, những món phế thải từ thùng rác ở các cửa hàng đồ cũ,” Jonathan nói. “Cưng à, có những lúc chúng ta chẳng cần phải tiếc nuối thứ gì hết.”
“Tôi đã tha cái sofa đó về đây từ phố Sáu mươi bảy,” nàng nói. “Nhiều năm trước, cùng với Stephen Cooper và Bill Choắt. Bọn tôi đã khiêng thứ chết tiệt đó qua vài dãy nhà, dừng lại và ngồi lên nó, rồi lại đi thêm vài dãy nhà nữa. Chúng tôi đã mất cả đêm để mang nó về. Có lúc đám ăn xin cũng ngồi lên nó với chúng tôi, và tất cả chúng tôi cùng nhau uống bia. Đêm đó chúng tôi đã kết bạn được với rất nhiều người.”
“Và giờ thì chị sắp được làm một bà chủ nhà và một bà mẹ rồi,” Jonathan nói. “Chị có thực sự muốn mình tha thẩn nhặt nhạnh quanh các con phố của New York suốt đời không?”
“Bill Choắt mất rồi,” nàng nói. “Tôi đã bảo cậu chưa nhỉ?”
“Chưa.”
“Corinne bảo tôi thế. Anh ấy mất ở Nam Carolina, ôi, ít nhất đã được một năm rồi. Trước đó chúng tôi đều đã mất liên lạc với anh ấy.”
“Em rất tiếc. Stephen vẫn ổn chứ?”
“Ôi, Stephen vẫn ổn. Anh ấy đã thực sự mở một tiệm kim hoàn ở mũi Cod. Tôi cho rằng anh ấy đang kiếm bộn tiền nhờ vào việc bán những con cá voi và những con mòng biển nho nhỏ bằng vàng cho khách du lịch.”
“Chà,” Jonathan nói. “Tuyệt quá. Ý em là, ít nhất anh ấy vẫn còn sống.”
“Ừm.”
Chúng tôi nhìn theo chiếc sofa được mang đi trên phố Bốn Đông. Trên vỉa hè, phía dưới cửa sổ của chúng tôi, một cặp đôi mặc áo khoác da đang reo lên trước chiếc đồng hồ treo tường cũ của Clare – một chiếc có hình boomerang bằng nhựa màu vàng với những con số điện tử màu hồng và đỏ.
“Không thể tin nổi là tôi lại nghe theo lời xúi giục của cậu mà ném cái đồng hồ đó đi,” nàng nói. “Tôi sẽ xuống dưới đó và bảo họ là tôi đã nhầm.”
“Quên đi,” Jonathan nói. “Họ sẽ giết chị đấy.”
“Jonathan, chiếc đồng hồ đó là một vật đặc biệt. Nó đáng tiền đấy.”
“Cưng ơi, nó hỏng rồi,” cậu nói. “Nó đâu còn báo giờ nữa. Hãy để họ lấy nó đi.”
Nàng gật đầu và lặng lẽ dõi theo cặp đôi kia chạy bộ về hướng đại lộ Một, chuyền qua chuyền lại chiếc đồng hồ như một quả bóng bầu dục. Nàng xoa xoa cái bụng bầu của mình. Hơi thở của nàng phả lên mặt kính.
Đó là hơi mười tháng trước. Còn hiện giờ chúng tôi đang sống trong một cánh đồng quay mặt về phía núi. Những bông hoa có mũi nhọn màu xanh leo lên những thanh hàng rào nhà chúng tôi. Những con ong kêu vo ve trong nhịp hối hả của công việc hằng ngày, và một bầu trời màu xanh sữa lơ lửng sau những rặng cây. Đây là dãy núi già. Mưa gió đã bào mòn chúng. Chúng không nhấp nhô hay hùng vĩ như những dãy núi “ăn ảnh” hơn. Những ngọn núi này đổ xuống một cái bóng bằng phẳng – những vách đá của chúng không gợi nhắc đến sự va chạm của những đĩa lục địa. Chúng được những cây thông bao quanh. Chúng nhô những hình bán nguyệt khiêm tốn lên bầu trời.
“Em ghét phong cảnh,” Clare nói. “Nó quá hiển nhiên.” Nàng đang đứng cạnh tôi trên bãi cỏ không được tỉa xén. Đó là tháng Tư đầu tiên của thập kỉ mới và nàng là một Clare mới. Giờ nàng sắc sảo hơn, những lời nói đùa châm biếm hơn. Đáng lẽ việc trở thành một người mẹ phải khiến nàng dịu dàng hơn thế.
“Ôi, thôi nào,” tôi bảo nàng. “Hãy cố vượt qua điều đó đi, nhé?”
Một đôi quạ bay lướt qua ngôi nhà. Một con phát ra tiếng kêu khàn khàn, như tiếng hai miếng kim loại xoắn vào nhau.
“Lũ chim ó,” Clare nói. “Lũ chim ăn xác thối. Chúng đang chờ người đầu tiên trong số chúng ta chết vì buồn chán đấy.”
Tôi khẽ hát vào tai nàng. Tôi hát: “Lúc chúng tôi đến Woodstock, chúng tôi có tới nửa triệu người, và khắp nơi tràn ngập những bài ca và những lời tán tụng.”
“Thôi đi,” nàng nói, xua bài hát đi như thể nó là một con quạ khiêu khích. Những chiếc vòng tay bằng bạc của nàng kêu leng keng. “Điều duy nhất mà em chưa bao giờ ngờ tới,” nàng nói, “là rốt cuộc mình sẽ trở thành một kẻ hippie lụ khụ.”
“Em biết đấy, đó đâu phải là điều tệ nhất,” tôi nói.
“Quá muộn rồi,” nàng nói. “Những quả bom bướm đang quay lại những chiếc máy bay ném bom. Anh không nhận thấy sao? Người ta sẽ xây những tòa chung cư trên ngọn núi đó, cứ chờ mà xem.”
“Anh không nghĩ thế. Anh nghĩ nó sẽ không có đủ khách hàng đâu.”
Nàng nhìn dãy núi như thể tương lai được viết trên đó bằng những chữ cái nhỏ bé lấp lánh. Nàng nheo mắt. Trong một thoáng, nàng giống như một phụ nữ nông thôn, gân guốc và đa nghi, và không bao giờ để ý đến son môi hay những chiếc áo màu lục nhạt. Nàng có thể giống như bà ngoại tôi, đứng trên rìa mảnh đất ở Wisconsin của mình, bất mãn nhìn ra sự rộng lớn của thứ mà bà không sở hữu.
“Miễn là vẫn có đủ khách hàng cho Tiệm ăn Gia đình. Chúa ơi, em vẫn không thể tin được là chúng ta lại quyết định đặt tên cho nó như thế.”
“Người ta sẽ thích cái tên đó,” tôi nói.
“Ôi, nó thật quá kì cục. Nó quá lỗi thời và... kì cục.”
“Ồ, chỉ một chút thôi mà,” tôi nói.
“Một chút cái gì chứ.”
Nàng quá gay gắt và khó chịu, quá giống với bản thân đã bị thay đổi của nàng, đến mức một niềm vui khó hiểu chợt dâng lên trong tôi. Nàng quá thật, quá Clare. Tôi chợt ngó ngoáy một điệu nhảy. Nó không quyến rũ chút nào, cũng không tuân theo những luật chặt chẽ, vô hình về nhịp điệu – tôi giống như một con rối bằng gỗ nhỏ bé trên một sợi dây. Clare đảo mắt như một người vợ. Ở đây có chỗ cho những sự kì quặc thường nhật.
Nàng nói: “Em thấy mừng vì ít nhất một người trong chúng ta cũng cảm thấy hài lòng với tất cả chuyện này.”
“Ôi cưng ơi, em thấy không hài lòng điều gì nào?” Tôi nói. “Giờ đây chúng ta đã là một thứ gì đó, ý anh là chúng ta sẽ không bị chia lìa chỉ vì một người trong chúng ta muốn thế.”
“Nếu mà đúng như thế thì tốt,” nàng nói.
“Em có biết mai này anh muốn làm gì không? Anh muốn sửa lại cái nhà kho thành một ngôi nhà nhỏ riêng biệt, để cô Alice có thể chuyển đến đây khi cô ấy đã chán công việc nấu nướng thuê.”
“Ôi, chắc chắn rồi. Hãy xây cả một ngôi nhà tranh cho giáo viên lớp bốn cũ của em nữa.”
“Clare?” Tôi nói.
“Ừm?”
“Em thực sự không thấy hạnh phúc khi ở đây à? Ý anh là, đây là cuộc sống của chúng ta. Đúng không?”
“Ồ, đúng vậy. Đây là cuộc sống của chúng ta. Anh hiểu em mà, em suy nghĩ dưới dạng phàn nàn. Đó là cách trí óc em làm việc.”
“Đúng,” tôi nói.
Chúng tôi đứng ngắm những ngọn núi, rồi quay sang ngắm ngôi nhà. Ngôi nhà này đã quá cũ đến nỗi linh hồn của nó đã ngấm vào trong những bức tường. Nó không chứa những nỗi bất hạnh của riêng ai mà là nơi ghi dấu những tháng ngày của mười thế hệ, những bữa ăn và những cuộc cãi cọ, những lần sinh nở và những hơi thở cuối cùng. Giờ đây, ngay lúc này, nó là một sự kết hợp tai tiếng giữa những nỗi thất vọng cũ và mới. Những tấm ván lát sàn nhà đang mục nát, và căn bếp đã được tu sửa chật ních với lớp vải sơn lót sàn màu cam và những cái tủ con giả gỗ kiểu Tây Ban Nha. Chúng tôi sẽ sửa lại căn nhà, dần dần, bằng số tiền chúng tôi kiếm được nhờ tiệm ăn của mình. Chúng tôi từ thành phố đến đây để tạo nên một cuộc sống mới với tài năng và công cụ, cùng niềm tin vào một tương lai rộng mở. Jonathan và Clare thường nhìn ngắm ngôi nhà và ngẫm nghĩ xem liệu nó có thể trở thành cái gì. Họ nói về những đồ vật cố định cổ xưa, những khung cửa sổ trượt loại “tám-tám”[64], một bệ lò sưởi bằng đá vôi được lấy từ một ngôi nhà ở Hudson và được chở về đây. Dù không phản đối sự cải tiến, nhưng tôi vẫn thích ngôi nhà như nó vốn có, với sàn nhà thủng lỗ chỗ và những tấm ván hóa học vân gỗ, như thể nỗi buồn và sự lười biếng đã trở thành một vật cố định trong nhà. Nằm trên một khoảnh đất um tùm rộng tới bốn mẫu, ngôi nhà trông thật xứng với dãy núi già. Nó cũng hiền hòa và không còn nguyên vẹn. Nó cũng đã bị khuất phục bởi thời gian.
[64] Loại cửa sổ đôi khung trượt, với mỗi khung được chia thành tám ô.
“Em vẫn đang nghĩ,”Clare nói. “Nếu chúng ta sơn những ô kính cửa sổ thành màu xanh thì sao? Màu xanh cô ban chẳng hạn, anh biết không? Anh có nghĩ trông nó sẽ quá nhí nhảnh không?”
“Hãy hỏi Jonathan ấy,” tôi đáp. “Cậu ấy là người hiểu rõ về những thứ như thế.”
Nàng gật đầu. “Bobby này?” Nàng nói.
“Ừ?”
“Ôi, em không biết nữa... Em đi vòng quanh nơi này và cảm thấy mình như đang đứng trên cánh của một chiếc máy bay ở độ cao chín nghìn mét vậy. Em cho là em muốn anh và Jonathan cũng nghĩ giống em rằng chuyện này quả thật là lạ.”
Từ trong nhà, đứa bé bắt đầu khóc. “Chính vì nó đấy,” Clare nói. “Em luôn tự gây ra sai lầm, trước kia em chưa bao giờ phải lo lắng cho ai như thế này.”
“Không sao đâu,” tôi bảo nàng. “Mọi chuyện đều ổn và hoàn hảo mà. Hãy tin anh đi. Được không?”
Nàng do dự gật đầu. Nàng vẫn cứ lo lắng dù trong lòng cũng muốn tin. Lo lắng là một trong những yếu tố khiến nàng hay cáu kỉnh, nàng đang cố bộc lộ một tính cách hợp với những mong đợi tệ nhất của nàng.
“Hãy đến xem Jonathan làm ăn ra sao với con bé nào,” nàng nói.
“Ừ. Đi thôi.”
Chúng tôi cùng nhau đi vào nhà. Cánh cửa ra vào mở thẳng vào phòng khách, một căn phòng lớn hình chữ nhật tồi tàn vẫn còn dán giấy có họa tiết những con chim đại bàng đỏ dữ tợn và những cái trống màu xanh. Vào thời điểm này trong ngày, ánh nắng chênh chếch xiên vào từ ba phía đang ngập tràn căn phòng. Jonathan đang đi một vòng với Rebecca ngồi trên vai. Nó khóc i i, một chuỗi tiếng ngằn ngặt như những tiếng nấc đáng xấu hổ.
“Những cơn khóc hờn vô cớ,” cậu nói. “Tã lót của nó không hề hấn gì, và nó mới ăn nửa tiếng trước.”
“Để tôi thử xem nào,” Clare nói.
Jonathan không giấu nổi sự miễn cưỡng. Cậu không muốn bỏ cuộc với con bé, ngay cả với những giấc mơ của nó. Nhưng khi Clare chìa tay ra, cậu vẫn trao nó cho nàng.
Clare ôm nó vào lòng, thì thầm với nó: “Này, con yêu,” nàng nói. “Sao thế? Có gì không hài lòng à?”
Rebecca nặng chín cân, với mái tóc tơ và đôi mắt sẫm dữ dằn. Mới được mười một tháng mà nó đã có tính nết riêng. Nó hay trầm ngâm. Nó cưỡng lại cả nỗi buồn và tiếng cười cho đến khi chúng lấn át nó, buộc nó hoàn toàn bỏ cuộc.
Clare bế nó đi quanh phòng khách, thủ thỉ với nó. Nàng nói chuyện với con bé hệt như cách nàng nói chuyện với Jonathan hay với tôi, trong những câu đầy đủ, nhưng khi nói với con bé, giọng nàng không ẩn chứa một cơn thịnh nộ nào.
“Này, tiểu thư Rebecca,” nàng nói. “Nàng chẳng biết điều gì cả. Nhưng, này, nàng cần gì phải thế nhỉ? Chúa ơi, nếu tôi bắt đầu cằn nhằn để nàng biết điều hơn, nàng sẽ bắn tôi chứ hả?”
Jonathan ngắm họ với vẻ say sưa trìu mến. Thiên chức làm cha mẹ đã mang lại vài điều ngạc nhiên – điều lớn nhất chính là sự tận tụy ghê gớm của cậu. Clare và tôi điềm tĩnh hơn trước vẻ yếu ớt và những nhu cầu bất tận của Rebecca. Jonathan chưa hề nghỉ ngơi từ khi con bé bước vào cõi đời này. Cậu là một bằng chứng sống cho việc sức mạnh của tình yêu có thể làm thay đổi suy nghĩ của con người.
Giờ đây cậu đã có một thứ cần thiết để gìn giữ. Giờ đây trong mọi câu chuyện bi kịch mà cậu tự kể đã có một nạn nhân nhỏ bé.