Nhiều năm nay không được nghe Vương Nhuệ thổi kèn, sự thật này khiến cô hốt hoảng. Có lần cô bảo anh: “Muốn nghe anh thổi ác-mô-ni-ca quá.”
Vương Nhuệ đáp: “Cái kèn ngày xưa phế lắm, giờ mà mua phải mua cái nào xịn hẳn, ít nhất cũng phải tốn hàng trăm đồng cơ, đủ để anh đi thăm em hai ba chuyến rồi. Khi nào phát tài anh sẽ mua cái nào đắt nhất, dùng nó làm tiếng báo thức gọi em dậy mỗi sáng!”
Mỗi lần đến ngày nhận lương, Lâm Tú San đều đến ngân hàng. Cô chỉ để lại một trăm đồng tiền tiêu vặt, số còn lại sẽ đem gửi ngân hàng. Trừ những khi trái gió trở giời buộc phải mặc theo thời tiết, xưa nay cô gần như không sắm thêm quần áo mới. Cô dùng kem đánh răng và xà phòng loại rẻ nhất, chẳng bao giờ dùng đồ trang điểm. Một cái bàn chải đủ để dùng cả năm, dùng đến mức độ lông bàn chải xoắn xuýt hết vào nhau, chúng chẳng khác nào mớ xương cá chà lợi cô tứa máu. Băng vệ sinh cô dùng cũng không phải loại có bao bì đẹp mắt và thoáng khí mà là giấy vệ sinh giá rẻ. Cô gấp chúng thành từng chồng như chiếc băng vệ sinh. Bữa tối hẹn hò của cô và Vương Nhuệ sang nhất cũng chỉ vào một quán ăn nhỏ gọi hai phần sủi cảo hoặc hai bát mì tương trộn thịt bằm. Đa phần họ sẽ tới những sạp ăn ồn ào khách khứa, xếp hàng gọi hai tô mì hoành thánh.
Vương Nhuệ không được nhận lương đều đặn hàng tháng như Lâm Tú San mà phải đợi đến lúc hoàn thiện một công trình mới được tận mắt thấy tiền. Đã vậy tiền về tay luôn ít hơn mấy trăm so với mức công ty hứa hẹn ban đầu. Bột rễ cây bản lam và moroxydine(*) được phát hồi cao điểm cúm mùa giữa đông, bánh ú và trứng gà ăn ngày Tết Đoan ngọ, tất tật đều tính vào lương của công nhân. Công ty còn hay lấy cớ thi công không đạt chuẩn để xén bớt tiền lương của mọi người, công nhân cũng chẳng thể làm gì hơn.
(*)Moroxydine: một loại thuốc trị cảm cúm.
Lâm Tú San từng mấy lần đến thăm lều trại ngoài công trình của Vương Nhuệ, chúng được bố trí đồng bộ, bước vào là thấy phản gỗ dài làm giường, bên trên có hàng chục bộ đồ gấp xiêu vẹo chen chúc, bên dưới là túi hành lý, chậu rửa mặt, giày dép v.v. Lối đi lại hẹp đến mức chỉ đủ một người đi.
Vương Nhuệ nói có những tối quá mệt, đèn điện trong lán còn tối, họ còn chui nhầm vào chăn của nhau. Mỗi khi nhìn chỗ nằm của chồng trên phản gỗ, Lâm Tú San đều cảm thấy đau đáu. Tiền kiếm được chẳng dễ dàng nên họ tiêu tiền hết sức dè dặt. Mỗi lần về thăm nhau, họ luôn ngồi tàu chậm với mức giá rẻ nhất.
Khoản chi tiêu nhiều nhất trong năm của hai người là những dịp đầu năm về quê ăn tết. Vừa phải sắm quần áo, giày mũ mới cho người nhà, vừa phải biếu chút tiền cho gia đình cả hai bên mua hạt giống và phân bón.
Sức thu hoạch hoa màu ở Hạ Tam ngày càng tệ, tuy nhiên người dân vẫn tràn đầy hi vọng, năm nào cũng gieo hạt đều đặn. Có những hộ nông thậm chí sẵn sàng vay tiền để kịp gieo hạt vụ xuân. Những hạt giống ấy dù cho không bị bão cát quét mất, khó khăn nảy mầm, thì sau khi mọc mầm cũng chẳng thu hoạch được tí nào vì khô hạn.
Chịu ở lại thôn Hạ Tam làm đồng cơ bản đều là người già. Thanh niên cường tráng đều ra ngoài kiếm việc. Các chuyện trên trời dưới bể phát sinh do ra ngoài kiếm việc cũng nhiều vô cùng tận. Người thì bị lừa nên quyết định đi lừa gạt người khác, lĩnh một suất vào tù; người thì thấy thế giới phồn hoa ngoài đó khó cầm lòng ném tiền vào “gái làng chơi”, về đến thôn nhặng lên đòi ly dị vợ; còn có người tàn phế vì chấn thương lao động, chủ sử dụng lao động cũng phớt lờ như không, bất đắc dĩ đành đưa nhau đi kiện.
So với những người làm thuê khác, Vương Nhuệ và Lâm Tú San cũng coi như may mắn, tuy nói cho cùng vẫn là số vất vả, nhưng dù gì thì tiền vẫn về đến tay. Quý hơn cả là họ có sức khỏe, có tinh thần, thuận vợ thuận chồng, không giống một số đôi vợ chồng khác vừa rời khỏi thôn Hạ Tam là đứt gánh tơ hồng, đường ai nấy đi.
Mong muốn mua tặng Vương Nhuệ một chiếc kèn a-mô-ni-ca khác của Lâm Tú San không phải chuyện ngày một ngày hai. Lần này nỡ bỏ tiền mua là vì cô bỗng ăn may kiếm được 60 đồng.
||||| Truyện đề cử: Chiến Thần Thánh Y/Huyền Thoại Thánh Y |||||
Mỗi dịp lễ tết, xưởng dệt len thường thưởng quà cho công nhân. Ví như Tết Đoan ngọ cho trứng gà, Trung thu phát bánh trung thu, vân vân. Công nhân làm việc trong nhà ăn chỉ có cô không phải người làm chính thức, vậy nên đến lượt nhận quà đều không có phần của cô. Lâm Tú San sớm đã quen với cảnh nhìn người ta hoan hỉ nhận quà, mình cô ngồi một góc xúc cơm, gắp thức ăn.
Nhưng Trung thu năm nay thì khác hẳn mọi năm, Lâm Tú San được đặc cách phân đến xưởng dệt chăn lông tại gia.
Quản lý hậu cần mới nhậm chức mấy ngày trước đến nhà ăn kiểm tra công tác, lúc đó Lâm Tú San đang mặc chiếc tạp dề loang lổ mỡ đông, tay cầm dao chặt xương lợn đoàng đoàng.
Trong quầy thực phẩm phụ, xương lợn chia làm ba loại, thượng hạng nhất là xương sườn, hay còn gọi “dẻ sườn”, loại xoàng nhất là xương ống, tầm trung có xương sống. Căng-tin chủ yếu dùng xương sống là nhiều.
Chặt xương sống heo cần có lực và kỹ xảo. Có lực mà không có kỹ xảo dễ chặt thành mảnh vụn, ngược lại có kỹ xảo mà không có lực thì cục xương sẽ để lại vết tích lởm chởm.
Lâm Tú San chặt xương dứt khoát từng đao, các miếng đều tăm tắp, lớn nhỏ bằng nhau, dễ dàng chế biến. Quản lý hậu cần thấy cô hạ đao vô cùng thành thạo, bèn đứng cạnh nhìn một hồi. Lâm Tú San không để ý, lúc chặt xong đống xương, ngẩng đầu mới phát hiện quản lý đang đánh giá cô, ánh mắt ấy toát vẻ nể phục và tràn ngập tán thưởng khiến Lâm Tú San đỏ mặt, cô không quen bị đàn ông nhìn với cái nhìn hảo cảm. Cũng giống như ánh mắt tán thưởng Vương Nhuệ nhìn cô sau khi kết hôn, nó khiến cô phải đỏ mặt.
Quản lý hậu cần hỏi Lâm Tú San là người ở đâu? Lâm Tú San đáp cô là người thôn Hạ Tam. Quản lý không biết đấy là chỗ nào liền hỏi cô, kết quả Lâm Tú San càng giải thích, quản lý càng chẳng hiểu mô tê gì.
Cô không nói rõ thôn đó thuộc vùng nào, huyện nào, chỉ tả phải ngồi tàu chậm mười mấy tiếng từ Nhượng Hồ Lộ, sau đó đổi sang tàu khác đi thêm ba tiếng, lại xuống tàu bắt ô tô, ngồi thêm bốn tiếng nữa là đến.
Không chỉ quản lý nghe mà choáng ngợp, đến những công nhân khác trong bếp cũng váng đầu, mọi người cười phá lên khiến khuôn mặt vốn đã đỏ của Lâm Tú San càng thêm tưng bừng, đỏ như miếng thịt trên cục xương sống cô vừa chặt ra vậy.
Tổ trường nhà bếp Vương Ái Linh trước nay luôn đối xử tốt với Lâm Tú San, nhân cơ hội này chị khen ngợi cô vài câu trước mặt quản lý hậu cần, nào là tính nết tốt, chịu thương chịu khó, ngoan ngoãn dịu dàng, còn nói mỗi tháng ngoài tiền lương cố định 400 đồng chưa từng được nhận phúc lợi gì khác, vậy nhưng cũng chẳng bao giờ oán trách than vãn gì. Quản lý nghe đoạn vẫy tay: “Mấy ngày nữa là Trung thu, có phát quà gì cũng phải thêm cho cô ấy một phần!”
Thật ngoài sức tưởng tượng của Lâm Tú San, cứ như những ngày thơ ấu dưới quê ngắm trăng trên mặt hồ, ngỡ tưởng nó chỉ là giả.
Mãi đến mấy ngày trước, cũng giống bao công nhân khác, cô cũng được nhận một tấm chăn lông xinh đẹp, lúc này mới dám tin là thật.
Loại chăn lông này công ty Bách Hoa bán ra với giá 200 tệ, kể cả là giá xuất xưởng cũng phải trên dưới 140 tệ. Lâm Tú San vừa nhìn thấy nó, trong đầu liền hiện ra hình dạng một chiếc kèn ác-mô-ni-ca.
Bộ chăn đệm nhà cô được nhận từ xưởng dệt gồm: Một tấm đệm bông tương đối rắn, một bộ chăn họa tiết ô vuông màu lam. Tuy đệm hơi cứng một chút, chăn cũng hơi mỏng, song cô cảm thấy dùng chăn lông thì quá xa xỉ. Dẫu biết được đắp chăn lông sẽ mềm mại sung sướng, chưa kể mùa đông đắp lồng thêm vào chăn cũ sẽ ấm áp phải biết, nhưng cô vẫn không nỡ mang ra dùng. Cô tính lặng lẽ mang tấm chăn lông này ra chợ nông bán đứt, sau đó lấy tiền mua tặng Vương Nhuệ một chiếc kèn mới.
Chợ nông thường có các thiểu thương không cố định, mình cách họ ăn mặc liền biết là nông dân ngoài huyện. Bọn họ đeo những chiếc gùi chứa hạt dưa, hoặc xách một giỏ hạt óc chó, một giỏ nấm hoặc quả dại… Ngoài ra còn mang theo một cái cân đòn, đi đây đi đó bán buôn.
Thái độ buôn bán của họ không hùng hồn như những tiểu thương có cửa hàng cố định, lúc mời chào hàng thường sẽ liếc đông liếc tây, sợ sệt đụng độ phải quản lý thị trường. Nếu thực sự trông thấy bóng dáng ai đội mũ kê-pi, mặc bộ đồng phục xanh xám dạo qua, họ sẽ sợ chạy trối chết.
Hình thức làm ăn này rất vất vả, cũng thú vị và mạo hiểm, Lâm Tú San muốn thử một lần nhưng chẳng có gì để bán. Giờ tấm chăn lông này đến rất đúng lúc, cô sẽ sắm vai một con buôn thực thụ.
Cô đã ngầm định giá chiếc chăn này, miễn là không dưới 120 tệ. Tối đó, cơm nước xong xuôi, cô chuẩn bị mang chiếc chăn ra chợ nông thì bị Vương Ái Linh gọi lại. Vương Ái Linh kể em trai sắp kết hôn, chị cũng được thưởng một tấm chăn lông y hệt nên muốn mua thêm một chiếc để ghép lại thành đôi, chi bằng Lâm Tú San bán lại chiếc của cô cho chị, cô cũng đỡ tốn công tốn sức đem đi bán. Ngộ nhỡ không bán được, lại bị quản lý thị trường tóm được thì đồ bị tịch thu không nói, đã thế còn phải nộp phạt. Lâm Tú San nghe đoạn liền sảng khoái bảo chị mang chiếc chăn đó về, coi như cô biếu chút quà mừng cho em trai chị!
Lâm Tú San hiểu, nếu không có Vương Ái Linh, cô cũng không được hưởng cái “phúc lợi” này. Vương Ái Linh nói: “Như vậy sao được, em mà không lấy tiền, chẳng thà chị đi mua một cái cho xong!”
Lâm Tú San đáp: “Thôi được rồi, vậy chị đưa em vài đồng là được.”
Vương Ái Linh rút ra tờ 100 đồng đưa cô, Lâm Tú San giật mình, nghĩ bụng thế này còn ít hơn 20 đồng so với giá cô định bán ra, trước mắt cô gần như hiện lên hình ảnh chiếc kèn thổi không ra tiếng của Vương Nhuệ. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cô lại nói: “Nhiều quá nhiều quá!”
Hai người bày đặt tranh qua giành lại, người thì kêu đưa quá nhiều, người nằng nặc thế này còn ít, sau cùng Lâm Tú San lấy Vương Ái Linh 60 đồng. Lúc đầu cô có chút ủ dột vì nghĩ đến chiếc kèn tịt cả nửa hàng lưỡi gà của Vương Nhuệ, nhưng cô nhanh chóng tươi tỉnh hẳn khi hay tin Trung thu được cho nghỉ một ngày, Vương Ái Linh bảo cô đến Cáp Nhĩ Tân thăm Vương Nhuệ, đây quả là một bất ngờ lớn.
Cô ra ngân hàng rút 150 đồng, mua cho Vương Nhuệ một chiếc kèn mới giá 130 đồng, lại mua thêm một gói bánh trung thu, chỗ tiền còn lại để mua tiền vé tàu và tiền sinh hoạt lúc đến Cáp Nhĩ Tân.
Lâm Tú San vuốt ve chiếc kèn, cảm giác như đang chạm vào bờ môi ấm áp của Vương Nhuệ. Cô sẽ dành tặng anh một niềm vui bất ngờ. Đoán chừng buổi sáng Vương Nhuệ sẽ ra công trường, cô định xuống xe liền chạy thẳng ra đó tìm anh. Trưa nay hai người sẽ đến quán ăn gọi hai xửng sủi cảo, tối nay xử lí cái bánh trung thu. Cô định sau sáu giờ tối mới đi thuê phòng trọ, kẻo lại cho không người ra tiền phòng nửa ngày trời.
Tàu chậm giống như người ưa làm việc thiện, trái với những chiếc tàu cao tốc chẳng thèm dừng chân ở các trạm kia, nó chậm rãi đỗ lại. Đi một quãng đường lại dừng lại. Thường hành khách rất phiền với việc tàu chậm buộc phải dừng ở tất cả các trạm, Lâm Tú San thì khác. Những trạm dừng đó khiến cô nhớ về thôn Hạ Tam.
Thôn Hạ Tam không mở đường tàu hỏa, đến một trạm dừng nhỏ tí xíu cũng không có. Nếu tàu hỏa nào cũng lao vun vút, bỏ qua những trạm dừng này, thế thì khác nào những phú ông phú bà kênh kiệu, bỏ mặc người ăn xin ven đường?
Hành khách lên tàu từ những trạm dừng này trông ai cũng đầy mệt mỏi, áo quần cũ kĩ, biểu cảm nhìn người khác thường là đờ đẫn, kèm một chút nhút nhát, một chút bình thản, cũng phảng phất một chút hiếu kỳ. Nhiều tàu chậm không soát kĩ số ghế ngồi, hành khách lên xe trước hết luôn vội vàng xông đến những ghế còn trống, thường thường họ còn chưa kịp ngồi xuống thì tàu đã chuyển động.
Thời gian tàu tạm dừng ở các trạm thường là ba phút, lâu nhất không hơn năm phút. Người lên người xuống lúc nào cũng hớt ha hớt hải. Lâm Tú San ngồi lâu đâm bí bách, cô thích soi xét ngầm những vị khách mới lên xe.
Có người phụ nữ diện bộ váy áo rất xinh đẹp, cô cứ ngắm nhìn người ta không thôi; có đứa trẻ con hai má hồng hào, cô lại ngẩn ngơ nhìn mãi. Có lần thấy một người đàn ông nọ để kiểu tóc khá đẹp, cô nghĩ nếu Vương Nhuệ để kiểu này hẳn cũng không tệ chút nào. Cuối cùng anh nông dân đa tình kia tưởng cô nhìn trúng mình, bèn lặng lẽ duỗi chân dưới gầm bàn, với tới cạnh chân cô, nhẹ nhàng đá đưa, ám chỉ và thăm dò ý cô. Lâm Tú San lập tức mở miệng phô bày hàm răng vàng, chẳng khác nào mở bao ngô vàng óng đem đi phơi, tên đàn ông kia giật mình, vội vàng đứng dậy tìm chỗ ngồi khác, Lâm Tú San lúc này mới khép miệng, cô nhoài ra bàn cười thầm.
Lâm Tú San nghĩ, may mà chưa thẩm mỹ lại bộ răng, vẻ ngoài khó coi của nó chính là viên đạn nhắm vào những tên nảy sinh ý đồ bất chính với cô.
Lâm Tú San ngắm chiếc kèn một lúc rồi đặt lại vào hành lý, lại lôi đồng hồ báo thức ra nghịch, nghịch xong lại cất trở về. Tuy mới đầu thu, gió hiu hiu lạnh, nhưng ánh nắng vẫn chan hòa. Cô ngẩng đầu nhìn những đám mây trắng như tuyết trên nền trời xanh trong, trong môn văn học hồi tiểu học, chúng được ví với đàn cừu trắng. Lâm Tú San cảm thấy cách ví von này quá chuẩn. Cô nghĩ, đàn cừu ông trời thả ra quả là khác biệt, chúng vừa béo khỏe vừa sạch sẽ. Chỉ là cô không biết ai là người chăn cừu. Là mặt trời ư? Cũng có thể, vì ánh nắng mặt trời chiếu xuống trong mắt cô trông thật giống những chiếc gậy chăn cừu.
Lâm Tú San là người có trí tưởng tượng phong phú. Ví dụ đường ray tàu hoả trong mắt cô rõ ràng là một đôi chân dài ngoằng, những bốt điện thoại im lìm trên đường phố thành thị dưới cái nhìn của cô cũng biến thành những lỗ tai to lớn. Hành lý của cô lúc này có thêm chiếc kèn ác-mô-ni-ca, cô lại nghĩ con tàu này chính là một cây đàn hoạt động liên tục, để đàn phát ra âm thanh là nhờ đường ray như cung đàn phía dưới. Hiện giờ cô đang ngồi trên một chiếc đàn vi-ô-lông đến thăm Vương Nhuệ, cuộc đời còn gì tuyệt vời hơn điều này được đây?
Tiếng tàu hỏa vang lên, khoang xe có tiếng người trò chuyện, tiếng ho hắng, tiếng trẻ con gào khóc, ngoài cửa có tiếng còi hơi vọng tới, cô cảm thấy những âm thanh này đều đang cùng chiếc “vi-ô-lông” tấu nên một bản nhạc phong phú âm sắc.
Cô yêu những thanh âm này, huyên náo, vụn vặt, thân mật, ôn tồn.