• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tôi đã rất ấn tượng lúc nghe phán đoán của Poirot về lá thư nặc danh ông nhận được, nhưng phải thú thật là tôi quên béng mất chuyện đó cho đến ngày 21 khi Chánh thanh tra Japp của Scotland Yard ghé thăm ông bạn tôi. Ông thanh tra Cục Điều tra Hình sự Anh (CID) này quen biết chúng tôi nhiều năm rồi và ông chào tôi rất niềm nở.

Ông reo lên: “Chà, không thể tin được. Chẳng phải là Đại úy Hastings trở về từ miền hoang dã đây sao! Gặp ông với ông Poirot ở đây khiến tôi nhớ đến những ngày xưa. Trông ông cũng khỏe đấy. Chỉ khác là tóc ông có vẻ thưa đi một chút hả? ừ, chúng ta ai rồi cũng thế. Tôi cũng vậy mà”.

Tôi hơi cau mày. Tôi tưởng đã chải tóc hất lên đỉnh đầu kỹ thế thì cái chỗ tóc thưa mà Japp nói đến khó thấy được. Song, Japp vốn là người cư xử không mấy tế nhị nên tôi giả vờ như không và đồng tình rằng chúng tôi không còn trẻ nữa.

Japp nói: “Trừ ngài Poirot ra. Ông ấy có thể quảng cáo cho thuốc dưỡng râu tóc được đấy. Râu ông mọc tốt hơn bao giờ hết. Dù ở cái độ tuổi xế chiều rồi ông vẫn còn được công chúng chú ý. Ông can dự vào tất cả vụ án nổi tiếng của thời đại. Vụ án trên tàu, trên không, những cái chết của giới thượng lưu, ôi, ông thật là xuất quỷ nhập thần. Ông càng nổi tiếng hơn từ khi nghỉ hưu ấy chứ”.

Poirot vừa nói vừa cười: “Tôi cũng mới nói với Hastings rằng tôi giống như kép chính sắp giải nghệ mà lúc nào cũng phải quay trở lại sân khấu”.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu rốt cuộc ông lại là người điều tra cái chết của chính mình”, Japp vừa nói vừa cười sảng khoái. “Ý tưởng này hay đó chứ. Phải viết thành sách mới được”.

Poirot nháy tôi và nói: “Đến lúc ấy thì Hastings phải làm việc đó cho tôi thôi”.

Japp cười lớn: “Ha ha! Tôi đùa thôi mà”.

Tôi chẳng thấy ý tưởng đó có gì thú vị đến thế và câu nói đùa đó thật là thô thiển. Poirot tội nghiệp phải ngậm bồ hòn làm ngọt rồi. Những câu đùa về chết chóc đối với ông bạn tôi không dễ chịu chút nào.

Có lẽ bộ dạng nói lên cảm nhận của tôi nên Japp thay đổi chủ đề.

“Ông nghe chuyện lá thư nặc danh của ông Poirot chưa?”

Ông bạn tôi trả lời giúp: “Tôi đã đưa Hastings xem hôm trước rồi”.

Tôi à lên: “Ừ nhỉ. Tôi quên mất chuyện đó. Để tôi nhớ xem, trong thư nói đến ngày nào ấy nhỉ?”

Japp trả lời: “Ngày 21. Đó là lý do vì sao tôi ghé đây. Hôm qua là ngày 21 và vì tò mò nên tối qua tôi gọi điện đến Andover. Đúng là trò đùa mà. Không có gì xảy ra cả. Chỉ có một cửa hàng bị con nít ném đá với một vài kẻ say xỉn và bọn quấy rối thôi. Thế nên lần này ông bạn người Bỉ của chúng ta đã đoán sai rồi nhé”.

Poirot đáp: “Phải thừa nhận là tôi thấy nhẹ nhõm lắm”.

Japp nói vẻ nhiệt tình: “Ông đã lo lắng về vụ đó chứ gì. Tội nghiệp ông, bọn tôi nhận hàng tá thư như thế mỗi ngày! Do những kẻ rỗi hơi và kém não viết. Chúng chẳng hại gì! Chỉ phấn khích chút thôi”.

Poirot đáp: “Tôi đúng là khờ khi quan trọng hóa vụ đó. Chõ mũi vào chuyện không đâu”.

“Ông cứ chuyện nọ xọ chuyện kia thôi hà”.

“Pardon?” [1]

“Mấy cái câu thành ngữ ấy mà. Thôi, tôi phải đi đây. Có công việc ở đường kế bên phải giải quyết - vụ chứa chấp nữ trang bị đánh cắp ấy mà. Nhân tiện trên đường tới đó tôi ghé qua báo để ông yên lòng. Đáng tiếc là mấy cái tế bào chất xám của ông phải tốn công vô ích”.

Nói và cười sảng khoái xong, Japp đi.

Poirot hỏi: “Lão Japp ấy chẳng thay đổi gì nhỉ?”

“Lão ta già đi trông thấy đấy chứ”, tôi đáp. Rồi nói thêm như để trả đũa: “Tóc bạc gần hết”.

Poirot đằng hắng một tiếng rồi nói: “Hastings này, có một dụng cụ nhỏ mà theo thợ làm tóc của tôi - một người cực kỳ giỏi, bảo rằng mình có thể gắn nó vào da đầu rồi chải tóc che lên. Không phải là tóc giả, ông biết đấy, nhưng...”

Tôi gào lên: “Poirot, tóm lại là tôi không bao giờ dùng mấy cái phát minh kỳ quái của cái thằng cha làm tóc ấy đâu. Đầu tóc tôi có sao đâu cơ chứ?”

“Không, không sao cả”.

“Làm như thể đầu tôi sắp hói không bằng”.

“Không! Đương nhiên là không rồi!”

“Thời tiết nóng nực của Nam Mỹ đương nhiên làm tóc tôi rụng chút xíu. Tôi sẽ mang về bên ấy một loại dưỡng tóc cực tốt”.

“Précisément”. [2]

“Nhưng mà việc đó thì có liên can gì tới lão Japp cơ chứ? Lão ấy đúng là ác mồm ác miệng. Không hề có óc hài hước. Cái loại người cười nhạo khi thấy ai đó bị kéo mất ghế lúc định ngồi xuống”.

“Nhiều người cũng sẽ cười mà”.

“Thật là vô duyên hết biết”.

“Đứng về phương diện của người chuẩn bị ngồi xuống cái ghế đó thì vô duyên thật, tất nhiên rồi”.

Khi cơn bực mình đã hạ nhiệt (phải thú thật là tôi hơi nhạy cảm với cái đầu tóc lưa thưa của mình), tôi nói: “À, rất tiếc là vụ bức thư nặc danh đó chẳng đi đến đâu”.

“Thật sự tôi đã phán đoán sai vụ này. về lá thư đó, tôi nghĩ nó có mùi tanh. Rốt cuộc chỉ là một trò đùa ngu ngốc. Trời ơi, tôi đã già và đa nghi như con chó săn bị mù hay sủa ma”.

Tôi vừa cười vừa trêu: “Nếu tôi hợp tác với ông thì chúng ta phải tìm một vụ khác thật ‘hoành tráng’.”

“Ông có nhớ nhận xét của ông hôm rồi không? Nếu có thể chọn vụ án như chọn món ăn thì ông sẽ chọn cái gì?” Tôi thích cách đùa hóm hỉnh của Poirot.

“Để tôi nghĩ xem nào. Hãy xem thực đơn đã. Cướp bóc? Lừa đảo? Không, tôi không nghĩ thế đâu. Mấy ‘món’ này hơi chay tịnh quá. Phải là một vụ giết người - một vụ đẫm máu - có đủ món ăn kèm nữa”.

“Hiển nhiên rồi. Phải có món khai vị”.

“Nạn nhân là đàn ông hay đàn bà đây? Tôi nghĩ nên là đàn ông. Một nhân vật tầm cỡ nào đó. Tỉ phú Mỹ. Thủ tướng. Chủ báo. Hiện trường vụ án, xem nào, ở một thư viện lâu đời thì sao nhỉ? Không gian của chỗ đó thì không có nơi nào bằng. Còn về vũ khí thì sẽ là dao găm lưỡi xoắn kỳ lạ hoặc một dụng cụ hơi cùn như là cái tượng khắc bằng đá...”

Poirot thở dài.

Tôi tiếp: “Hoặc là có thuốc độc nhưng như thế thì phức tạp quá. Hoặc là một tiếng súng nổ trong đêm. Rồi thì có thêm vài cô gái đẹp...”

Ông bạn tôi lẩm bẩm: “Có mái tóc vàng nâu chứ gì”.

“Ông cứ hay đùa. Một trong mấy cô rất xinh đó phải bị nghi oan, hẳn rồi, và có chuyện hiểu lầm xảy ra giữa nàng và chàng trai trẻ. Rồi thì có thêm những nghi phạm khác như một bà già bí ẩn và nguy hiểm, một vài người bạn hay địch thủ của người đàn ông bị giết, và một thư ký kiệm lời nhưng có khả năng tiềm ẩn và một người đàn ông nồng hậu và chất phác, và một vài người giúp việc hoặc người giữ rừng bị sa thải hoặc đại loại thế, và một thằng cha thám tử ngu ngốc kiểu như Japp - vậy là đủ rồi đấy”.

“Ý tưởng của ông về một vụ án hoành tráng là vậy đó hả?”

“Ông không đồng ý sao?”

Poirot buồn bã nhìn tôi.

“Ông liệt kê ra hầu hết những câu chuyện trinh thám mà người ta đã viết rồi”.

Tôi hỏi lại: “Chứ ông chọn thế nào?”

Poirot nhắm mắt lại tựa vào lưng ghế. Giọng ông thều thào.

“Một vụ án rất đơn giản. Một vụ án không có những chi tiết phức tạp. Một vụ án về cuộc sống thường nhật... rất lạnh lùng và rất riêng tư”.

“Vụ án thì làm sao riêng tư được?”

Poirot lầm bầm: “Giả sử bốn người ngồi chơi bài và một người không chơi, ngồi trên ghế bên lò sưởi. Cuối buổi chiều tối ấy người đàn ông ngồi bên lò sưởi bị chết. Một trong bốn người kia hạ bài và bước đến giết ông ta và vờ đang chơi để ra tay khiến ba người còn lại không để ý. Vụ án như thế đấy. Ai trong bốn người đó là ké giết người?”

Tôi nói: “Chà, tôi không thấy có gì gay cấn cả!”

Poirot nhìn tôi vẻ trách móc.

“Không gay cấn vì không có dao găm lưỡi xoắn kỳ lạ, không tống tiền, không có viên ngọc lục bảo mà kỳ thực là con mắt của một vị thần bị đánh cắp, không có loại thuốc độc khó phát hiện của phương Đông chứ gì. Ông thật là người ưa kịch tính quá mức, Hastings à. Ông không chỉ muốn có một vụ giết người đơn thuần mà là một vụ giết người hàng loạt”.

Tôi đáp: “Phải thừa nhận là vụ án thứ hai xuất hiện trong một quyển sách thường kích thích hứng thú. Nếu vụ giết người bắt đầu ở chương một thì độc giả phải theo dõi hết các chứng cứ ngoại phạm của tất cả các nhân vật cho tới trang cuối cùng, mà như thế thì hơi tẻ nhạt”.

Chuông điện thoại reo và Poirot đi nghe máy.

Ông nói: “Alô, Alô. Vâng, tôi Hercule Poirot đây”.

Ông lắng nghe một vài phút rồi tôi thấy sắc mặt ông thay đổi. Ông trả lời vắn tắt và rời rạc.

“Mais oui...” [3]

“Vâng, đương nhiên rồi...”

“Vâng, chúng tôi sẽ đến...”

“Tất nhiên...”

“Có thể đúng như lời ông nói...”

“Vâng, tôi sẽ mang nó theo. Vậy thì a tout à l’heur [4]”.

Ông gác điện thoại và đi về phía tôi.

“Là Japp gọi đó, ông Hastings”.

“Thế a?”

“Ông ấy mới quay về Sở Cảnh sát. Có tin từ Andover...”

“Andover ư?” Tôi la lên phấn khích.

Poirot chậm rãi trả lời: “Một bà cụ già chủ một quầy báo và thuốc lá có họ là Ascher mới bị giết”.

Tôi thấy hơi thất vọng. Cảm giác tò mò khi nghe cái tên Andover bùng lên nhanh bao nhiêu thì bây giờ xẹp xuống bấy nhiêu. Tôi mong có cái gì đó thật kỳ quái, khác thường! Vụ giết một bà già bán thuốc lá nghe có vẻ hèn hạ và chẳng thú vị gì cả.

Poirot kể tiếp với một giọng điệu chậm rãi và nghiêm nghị:

“Cảnh sát ở Andover tin họ có thể bắt được kẻ đã gây ra vụ đó...”

Tôi thất vọng lần nữa.

“Hình như bà cụ có chuyện xích mích với ông chồng. Ông ấy hay uống rượu và là một lão dữ dằn. Ông ta từng dọa giết bà cụ vài lần rồi”.

Poirot kể tiếp: “Dù sao thì theo sự việc xảy ra, cảnh sát ở đó muốn xem lại bức thư nặc danh mà tôi nhận được. Tôi nói với họ là ông và tôi sẽ xuống Andover ngay”.

Tôi hưng phấn lên đôi chút. Nói cho cùng, vụ án này có hèn hạ mấy thì cũng là một vụ án, và đã lâu lắm rồi tôi không can dự vào vụ án hay tên tội phạm nào cả.

Tôi chẳng để ý những gì Poirot nói tiếp. Mà về sau nhớ lại hóa ra là rất quan trọng.

Hercule Poirot nói: “Đây mới chỉ là bắt đầu”.

Chú thích:

[1] Sao cơ?

[2] Đúng rồi.

[3] Đúng rồi.

[4] Ngay bây giờ.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK