Chắc mọi người ngạc nhiên vì hai cái chú thích của 12 và 13 quá ngắn?:”)
Làm chi tiết, chú giải đàng hoàng bên đó cũng ổn thôi. Nhưng ý mình là muốn đem sang đây mà nói mấy lời. Chủ yếu là mấy cảm nhận cá nhân về 1930 cho đến thời điểm này.
Cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, bây giờ thì cảm xúc trong mình rối quá:”) Việc public ở ngay chương này xem như là kết thúc một chặng. Mà trạng thái cảm xúc của mình sau chặng này chính là thế đó: Ở giữa đêm sâu.
1930, lạ lùng, đã bắt đầu bằng một đoạn tả cảnh duy nhất, tông màu xám im lặng. Từ đó cho đến hết chương 13 này không còn đoạn nào như thế nữa. Ở các chương sau, một đôi câu nói về ngõ nhỏ Thượng Hải, bến Trường Giang, sông Hoàng Phố, tòa nhà Sassoon House, bến Tùng Thủy, quán trà Đại Thế Giới như một chút gì đó giữ mạch cho chúng ta biết. À, đây vẫn là Thượng Hải, 1930. Không phải nơi nào khác, không phải thời gian nào khác. Thời điểm chông chênh, địa điểm loạn lạc. Một bối cảnh được khai thác nhiều trong văn chương và phim ảnh, nhưng mỗi lần nói đến đều cứ như nhắc lại một vết thương lòng cũ kỹ.
Đây là câu chuyện về những con người sống trong thời đại đó – trong Mười dặm đô thành của bến Thượng Hải. Thành phố này phát triển rất nhanh chóng. Đầu thế kỷ thứ 20, Thượng Hải bắt đầu thành hình. Đến 1930 bắt đầu trở nên hoa lệ. Từ đó trở đi là rực rỡ và loạn lạc. Đến 1949 thì mọi thứ sang trang. Trong khoảng thời gian trước 1949, văn hóa cùng kinh tế Tây Dương đem đến sự giàu sang và trụy lạc cho Bến Thượng Hải. Khu phố Tây ban đầu dài độ mười dặm, gọi là “Thập lý dương tràng”. Về sau, người ta nhắc đến cụm từ này như biểu thị của trung tâm thành phố, nơi các giá trị văn hóa giao thoa, sự giàu sang tột bực và những bí mật không lấy gì làm tốt đẹp ẩn giấu. Dịch cụm này ra thành “Mười dặm đô thành”, hy vọng có thể truyền đạt hết tất cả rực rỡ, phóng túng và cô đơn của nó. Nhất là, khi đi với một cô “hồng bài vũ nữ.”
Nhắc đến đây, mọi chuyện lại quay về Diêu Bội Tư. Khúc ca nàng hát thực ra được dẫn rất nhiều trong các tác phẩm. Linh Nhân Lệ của Thiên Na, ở chương hai có để cho Ly Thu xướng khúc này. (Link: Nguyên Vi,dò đi dò lại trên mạng, cuối cùng cũng ra Nguyên Vi chú giải kỹ càng nhất. Mặc dù mình không hạp Linh Nhân Lệ nhưng quả thật nể công sức tìm hiểu của người biên tập) Bài ca ai oán này nói lên sự thương tiếc của những thân phận bị giam cầm “sau bức bình phong gấm”. Nguyên Vi dịch câu cuối, dùng “ngẩn ngơ” cho Ly Thu. Mình dịch câu cuối, dùng “tần ngần” cho Diêu Bội Tư. Mình trộm nghĩ, Ly Thu khi ấy còn chưa biết gì, nên dùng “ngẩn ngơ”. Còn Diêu Bội Tư đã là một người say khướt, mắt đã kèm nhèm, cử chỉ đã trở nên vô cùng hờ hững, chìm đắm trong độc thoại chậm chạp như nhả khói thuốc, nhìn lại biến cố đã xảy ra chắc sẽ có cảm giác thừ người và sâu kín run rẩy. Dùng “tần ngần” cho nàng, biết là trèo cao học đòi trong khi hiểu biết yếu kém, nhưng mình cảm thấy đã đúng là nàng rồi. Việc không dịch thành thơ cũng vì nghĩ, không khí của 1930 không hạp thơ
À thêm một chút nữa, vừa sực nhớ ra: Hán Việt đoạn đó là vầy:
Tha linh khởi bao, khởi liễu cá điều, xướng trứ: nguyên lai xá tử yên hồng khai biến, tự giá bàn đô phó dữ đoạn tỉnh đồi viên. Lương thần mỹ cảnh nại hà thiên, tiện thưởng tâm nhạc sự thùy gia viện? Triêu phi mộ quyển, vân hà thúy hiên, vũ ti phong phiến, yên ba họa thuyền. Cẩm bình nhân thắc khán đích giá thiều quang tiện!
Tha đạm đạm nhất tiếu, đạo: “Tưởng na nữ tử chẩm yêu hội bất ái na cá thiểu niên, nhất niên hựu nhất niên đích thì quang, tựu toán tha bất ái na thiểu niên, dã hội ái thượng na ta thì quang.”
“Thiều quang” có nghĩa là cảnh trí của mùa xuân, ba tháng mùa xuân, và tuổi xuân.
Còn “Thì quang” là thời gian. Có gì đó tương đồng, mình nghĩ vậy. “Khán giá thiều quang” của Diêu Bội Tư với mình chính là một nỗi buồn của thời gian. Buồn đến tê lòng.
–
13 chương 1930 qua đi thật sự cho mình một trải nghiệm nặng nề. Bắt đầu ở lưng chừng, rồi dần dần đi xuống. Càng làm, càng tìm đến những tư liệu về thời kỳ này, càng cảm thấy bị moi rỗng về mặt cảm xúc. “Tình như nước không biết chảy về đâu” “Yêu anh cũng hận anh, anh có biết” (Ca khúc Bến Thượng Hải), nghe thì sến ha, mà đúng như vậy đó. Cao Kính, Phạm Cửu, Diêu Bội Tư, tình họ như nước, chảy về đâu không biết. Điều khủng khiếp nhất của 1930 là mình biết rất rõ rằng có tồn tại tình yêu. Yêu da diết, yêu phát khóc lên được. Nhưng rốt cuộc, những gì họ làm với nhau là như thế đấy.
Hôm trước có đọc lại một bài viết bên blog của bạn Tiểu Tần, bài “Thay đổi”. Nhắc đến bi kịch xảy ra vì sự thay đổi. Tang Mạch, Ly Thu, Tuyết Khanh, đều thay đổi. Mình đọc xong, nhìn lại Cao Kính và Phạm Cửu thì tự hỏi: Vậy sao các anh không chịu thay đổi? 1930, ngược lại, vì tất cả mọi người đều không thay đổi, nên tình yêu này rốt cuộc đã chết từ trong trứng nước.
13 chương của 1930, âm mưu đấu đá nhau đầy rẫy, không khí đặc sệt mùi thuốc phiện và thuốc súng, mấy câu ký ức nho nhỏ mà nếu đọc QT suông sẽ dễ bỏ qua, còn dịch ra rồi thì ứa nước mắt. Mấy đoạn kể lại cuộc làm tình đọc QT suông sẽ dễ cảm thấy khô khan, còn dịch ra rồi lại thấy sao mà tàn nhẫn với nhau và với bản thân như vậy. Những cử chỉ nhỏ nhặt, không để ý sẽ không thấy. Mình cũng không nghĩ rằng ai thấy rồi cũng đều có thể cảm nhận giống nhau. Cảm giác là của riêng mà. Mình chỉ làm theo những gì mình cảm thấy. Chỉ vậy.
–
Chapter 12, 13, đoạn độc thoại của Diêu Bội Tư, nỗi cô đơn của tình yêu, và bài hát Lover’s Tear, giữa đêm tối, đã khiến mình khóc cạn nước mắt.
Và vì thế, mình quyết định hôm nay, ở cuối chương 13 này, trong dư vị bí mật im vắng đến tận cùng mà đưa 1930 ra ngoài. Đồng thời mình sẽ ngưng nó lại một thời gian, để lòng có thể vui lên một chút.
Cũng là để có ai đó, hãy nói về cảm nhận đối với 1930 mà mình đã kể lại.
Rất mong.
Như.