Từ trên bục chủ tịch đoàn, ông cựu trung tá chõ mồm vào micro, oai phong tuyên bố. Ngồi bên cạnh là đại diện Trương, quân phục, mũ mão, nai nịt chỉnh tề, vị chủ tịch ủy ban quân quản nghiêm nét mặt, ánh mắt đảo khắp hội trường.
“Mao Chủ tịch muôn năm!” - cử tọa hưởng ứng bằng cách hô khẩu hiệu tưởng có thể làm vỡ tung phòng đấu. Một lão già béo phị ngồi hàng ghế phía sau bị hai thanh niên xốc nách đứng dậy. Lão vùng vẫy, cố sức giơ cao cánh tay phải, miệng hô to: “Mao... Chủ tịch muôn năm! Mao... Mao...” Tiếng hô của lão lịm dần, và hai thanh niên nữa xông tới, họ là lính quân dịch giải ngũ đã học cách bắt trói trong thời gian ba năm nghĩa vụ, nên dễ dàng bẻ trật cách khỉ lão già, lão chỉ còn cách quỳ xuống, bốn trang hảo hớn lôi lão, lão già tội nghiệp như một con lợn sống đưa lên bàn chọc tiết, không còn hơi sức mà rên la hay hô khẩu hiệu. Quần chúng im lặng chú ý dõi theo cảnh tượng đó, người ta tròng vào cổ của lão một vòng dây thép treo lủng lẳng biển tên Triệu Bảo Trung phản động, mặt lão tím ngắt, nước mắt nước mũi chảy đầm đìa. Triệu là công nhân già, thủ kho sách cơ quan, thời Quốc dân đảng đã ba lần bị bắt lính, hai lần trốn thoát, lần thứ ba thì đầu hàng giải phóng quân, làm một lão binh, bây giờ đang gập lưng cúi đầu quỳ trước mặt tất cả độc giả bấy lâu nay thường lui tới mượn sách. Người ta sắp xếp Triệu vào cuối hàng những tên đầu trâu mặt ngựa mà cứ mỗi lần đấu tố là cứ bị lôi ra.
- “Kẻ địch không đầu hàng, thì ta tiêu diệt chúng!” - Cử tọa lại hô khẩu hiệu hưởng ứng sau màn thị uy đối với Triệu Bảo Trung, người lính già mà hơn ba mươi năm trước đã đầu hàng Cộng sản.
- “Nếu ngoan cố tới cùng, thì chỉ mỗi con đường chết!” - vẫn là khẩu hiệu của quần chúng. Và hẳn họ chưa quên, bốn năm trước, thời còn cựu bí thư đảng ủy Ngô Đào, cũng chính tại hội trường này, Triệu Bảo Trung được tuyên dương là tấm gương học tập Mao tuyển. Là người của giai cấp công nhân chịu bao nỗi thâm thù, Triệu Bảo Trung tố cáo chế độ cũ, ngợi ca xã hội mới, lúc ấy lão đã cảm động nhỏ lệ, xứng đáng là một bài học đối với các văn nhân chưa hoàn thành những khóa cải tạo.
- Tiếp tục lôi cổ Trương Duy Lương, gián điệp cho nước ngoài, con chó đặc vụ của Quốc dân đảng - ông cựu trung tá ra lệnh, và lại một lão già nữa bị xốc nách kéo lên bục đấu.
- “Đả đảo Trương Duy Lương!”
Quần chúng hô vang, nhưng với Trương thì chưa “đả” đã “đảo” từ lâu rồi, lão không thể nào đứng nổi, mặc cho mấy thanh niên lực lưỡng cứ thế kéo lê. Đó là cái thời bất kì ai cũng có thể trở thành kẻ thù, bất kì lúc nào cũng có thể bị lôi ra đấu đá, đả đảo. Người bị đấu và kẻ đấu người đều thuộc lòng chính sách anh minh của ông Mao khoan hồng với thành khẩn, nghiêm trị với ngoan cố và ai ai cũng hô to “Mao... Chủ... tịch muôn năm!”
Nhưng phải đặc biệt chú ý, không được hô sai. Thời ấy họp hành đấu tố liên miên, và có rất nhiều câu khẩu hiệu, lại thường tổ chức vào ban đêm, lúc mà đầu óc mệt mỏi, dễ mơ hồ, dễ căng thẳng, lỡ mồm hô không đúng khẩu hiệu là lập tức toi đời, trở thành phần tử chống phá cách mạng hiện hành. Các bậc cha mẹ luôn luôn căn dặn con cái, không được vẽ bậy, viết bậy hay xé rách báo chí, nhật trình vì ngày nào cũng có hình ảnh lãnh tụ, phải giữ gìn sạch sẽ, nếu sơ ý dùng cho những trường hợp bẩn thỉu là y như phạm trọng tội, tù đày mạt kiếp. May cho anh là không con không cái, chỉ lo giữ cái mồm của bản thân mình, nói năng rõ ràng, nhất là khi hô khẩu hiệu không được lơ đãng và ngọng miệng.
Đến tinh mơ sáng hôm sau, đấu tố xong anh mới cưỡi xe về nhà, đi qua cửa bắc Trung Nam Hải, gập người leo dốc Bạch Thạch Kiều, rồi thả phanh thở phào, nhìn trời mây và cây cối. Thế là một ngày căng thẳng đã qua, vẫn còn sống, nhưng ngày mai rồi sẽ ra sao, anh lắc đầu, chẳng biết!
Ngày mai, lại đi làm, lại đến cơ quan, thi thể ai đó nằm một góc dưới chân đại lầu, phủ tạm manh chiếu lấy trong phòng trực ban, trên tường và dưới sân còn in dấu màu máu tím đen và não tương trắng xám.
- Người nào đó?
- Có thể là của phòng nghiệp vụ biên tập...
Đầu và mặt đều bị chiếu phủ kín, không thể nhận rõ là ai, vả lại đã chắc gì còn?
- Từ lầu mấy?
- Nào ai biết!
Tòa lầu có ngàn con người, có trăm ô cửa, thật khó có thể xác định là ai và từ đâu.
- Lúc mấy giờ?
- Khi trời gần sáng...
Nói đúng hơn là sau hội nghị thanh tra.
- Có ai nghe thấy không?
- Hỏi vớ vẩn!
Đồng nghiệp, đồng sự, đồng chí của người xấu số cũng chỉ hỏi han qua loa, dừng lại giây lát, rồi vội vàng vào phòng làm việc của mình, nhìn lên tấm hình lãnh tụ treo trên tường hoặc chằm chằm vào cái ót của người đến trước để tám giờ đúng, các loa phóng thanh nổi nhạc và mọi người đồng loạt cất cao lời ca “Ra khơi nhờ tay lái vững”, và đây là lúc mà tổ ong khổng lồ giữ trật tự nhất.
Một bức thư gửi cho anh để sẵn trên bàn làm việc, anh giật mình sợ hãi. Lâu lắm rồi có viết lách với ai đâu, vả lại nếu liên lạc thì cũng không ghi địa chỉ cơ quan. Anh không dám mở xem mà vội nhét vào túi quần và cả một buổi sáng cứ ngồi phán đoán ai là người viết lá thư này, nét chữ lạ lẫm, hay là thư tố cáo, hay là thư nặc danh nhắc nhở, dán tem tám xu ngoại tỉnh, cũng có thể người trong thành phố, thậm chí cùng cơ quan muốn che mắt thiên hạ mà ngụy trang như thế, hay là của lão Đàm, lão Đàm giờ này đâu có thể viết thư, hay là cạm bẫy nhử ta vào tròng... Anh lo lắng, không khéo trong danh sách thanh tra đợt ba đã có tên anh, anh cúi gằm mặt xuống và tưởng tượng bất kì ai đi ngoài hành lang cũng đều đang dò xét anh, bởi vì đại diện ủy ban quân quản vẫn thường xuyên động viên “Đại kiểm tra, đại vạch mặt, quét sạch bọn phản động chống phá cách mạng đang ẩn nấp trong chúng ta”. Anh nhìn ô cửa sau lưng, bất giác nghĩ đến thi thể đắp manh chiếu nằm dưới tòa lầu và lạnh toát mồ hôi, nhưng phải giả bộ điềm tĩnh, không tỏ thái độ gì đối với người tự sát cũng như lá thư đang được giấu trong túi quần.
Chuông reo báo giờ cơm trưa, may quá, dẫu buổi chiều có làm cách mạng thì bây giờ cũng phải no cái bụng. Anh nghĩ như vậy chứ nào có dám thốt lên câu nói phản động đó, đúng là cổ nhân từng dạy “họa tùng khẩu xuất” thật chẳng sai chút nào, tai ương hay hiểm họa đều từ lỗ miệng mà ra, ôi một chân lí kết tinh bao trí tuệ tự cổ chí kim, chính xác vô cùng, anh không chịu học mà cứ mơ hồ tìm kiếm đâu đâu. Anh vào nhà vệ sinh, đó là lẽ thường tình trước khi dùng bữa, đi thẳng tới phòng đại diện, chốt cửa, bóc thư. Trời ơi, là của Hứa Sảnh, em viết “Thế hệ hi sinh chúng ta, chẳng còn số phận nào khác...”. Anh hãi quá, xé nát lá thư, nhưng bình tĩnh cho tất cả giấy vụn vào phong bì, giật nước như người vừa đi ngoài, quan sát kĩ càng không rơi vãi một mụn giấy nào, mới mở cửa bước ra.
Tối hôm ấy về nhà, đợi cho hàng xóm ngủ say, anh xếp lại những mảnh vụn của lá thư, đọc đi đọc lại cho tới mức thuộc lòng, rồi hỏa táng. Đây là lời ai oán, tuyệt vọng, có điều không hề nhắc tới nửa chữ về cái đêm ba lần làm tình ở phòng trọ, về cảnh tượng bị tách chia trên bến phà qua sông sáng hôm sau. Thư viết, lá thư này là đầu tiên và cũng là cuối cùng, Sảnh nói, anh em mình chắc không bao giờ gặp nhau nữa “Thế hệ hi sinh chúng ta, chẳng còn số phận nào khác...” em mở đầu như vậy và kể tiếp. Em được phân công về vùng núi Tấn Bắc[10] làm giáo viên cho một trường tiểu học, nhưng chưa dám đi, còn lần lữa ở chiêu đãi sở huyện thành. Bởi trước Hứa Sảnh có một nữ sinh sư phạm Hoa kiều cũng bị điều lên đó, bà mẹ cô ta ở Singapore sắm cho sáu hòm của hồi môn, cô bé thuê xe lừa chở đến nơi dạy học, một tuần sau thì chết luôn trong khe núi, chẳng rõ nguyên nhân vì sao. Bây giờ em mà đi là dấn thân vào tử địa, cha mẹ, bà dì ruột đã không cứu nổi, hi vọng cuối cùng của Sảnh chỉ còn anh!
Đã nửa đêm, nhưng anh vẫn đạp xe đến tòa lầu bưu điện Tây Sơn xin gọi điện thoại đường dài đến chiêu đãi sở, nơi Hứa Sảnh đang tá túc. Đầu dây đằng kia, giọng người đàn bà ngái ngủ “muốn tìm ai... à, đợi một lát!”.
- Tôi là Hứa Sảnh đây! - Sao giọng em lại xa lạ thế này, không một chút nhu mì, dễ thương như cái đêm ngẫu nhiên ân ái tại nhà trọ, anh thất vọng.
- Biết Sảnh còn ở đấy, anh mừng lắm...
- Có vậy thôi mà giữa đêm khuya dựng người ta dậy, đến là phát khiếp.
Anh định nói, anh yêu Sảnh, dù thế nào đi nữa thì em cũng phải sống Sảnh ạ, trên đường từ nhà đến đây anh đã suy nghĩ như vậy, nhưng vì điện thoại đường dài nhất định có người giám thính, sợ liên lụy tới Sảnh, nên anh đành thôi mà chỉ lắp bắp:
- Anh đã nhận được thư của Sảnh...
- Anh muốn điện thoại thì hãy gọi vào ban ngày - giọng Hứa Sảnh vô cùng lạnh nhạt.
- Anh xin lỗi, Sảnh ngủ tiếp đi! - máy cúp, cuộc điện thoại đầu tiên giữa anh và Sảnh thế là xong.