- Thưa thầy, Lục bí thư cho gọi thầy - một nữ sinh đứng bên ngoài trình bẩm. Anh giả vờ khóa cửa, không cho bất cứ ai tự tiện xông vào, có nói chuyện với học sinh cũng sang văn phòng giáo viên bên cạnh, nhất là đối với nữ sinh. Nhà ông hiệu trưởng ở đầu góc sân bóng rổ, đối diện với phòng anh, lầm lũi hai mươi năm mới lên được cái ghế hiệu trưởng tiểu học, nay trong chốc lát đổi thành trung học, rồi do Lục bí thư dàn dựng, quan tâm, chiếu cố, phần đầu gà ngon ăn kia rơi vào miệng một kẻ ngoại lại. Nếu bắt quả tang hắn đang tằng tịu gì với bọn học sinh con gái là có kế hạ bệ, đuổi cổ ngay, không thương tiếc. Anh biết thế, cầu an và chẳng dám chọc tức người bản địa.
Cô nữ sinh đến gọi anh theo chỉ thị của ông Lục là Tôn Huệ Dung, phải nói là rất xinh đẹp, cha sớm qua đời vì bệnh tật, mẹ bán rau cho quầy hàng hợp tác trên thị trấn, đắp điếm nuôi ba đứa con, đều là gái cả, Huệ Dung lớn nhất. Tôn Huệ Dung thường tìm kế để có thể gặp anh, nào “thầy để em giặt giúp chỗ quần áo bẩn ấy cho”, nào “có mớ rau dền vừa hái trong vườn đem sang để thầy nấu canh”, rồi mỗi bận anh đi ngang qua cổng nhà bốn mẹ con họ, thế nào cũng thấy Huệ Dung chạy ra đon đả “mời thầy vào nhà em uống nước”. Con đường này mỗi hộ, mỗi nhà anh đều quen biết, không vào uống chén trà thì cũng tựa cổng hàn huyên, rút điếu thuốc, thật thân thương như quê hương của chính anh vậy, quả tình thì anh đã là người dân xóm núi, nhưng chưa dám tha thẩn, la cà gia đình nào có con gái. Huệ Dung nói với anh, “thưa thầy, nhà em đang là nữ nhân quốc”, phải chăng cô cần có người cha, hơn thế nữa là một gã đàn ông!
Tôn Huệ Dung đội mưa chạy tới, đầu ướt đẫm, anh cầm cây dù mở cửa bước ra, thấy vậy, bảo Huệ Dung che mưa, trở vào đội nón lá, nhưng cô gái không chịu, bỏ đi, anh đuổi theo mấy bước, Huệ Dung quay lại, lắc đầu, toàn thân đều thấm nước, áo sơ mi dính sát vào người, hằn rõ đôi bầu vú nhỏ xinh đang kỳ phát dục. Nữ sinh họ Tôn vô cùng đắc ý, cười giòn tan, nhìn anh rồi vút chạy, sung sướng lạ thường vì vừa đem đến cho thầy giáo của mình một nguồn tin quan trọng. Ông Lục chờ anh ở sân sau trụ sở công xã, đi vào theo cổng bờ đê, tất cả lát đá thanh rất sạch sẽ, chỉ chừa một cái giếng nước nhỏ miệng. Đây vốn dĩ là nơi dung thân của mụ vợ bé tên địa chủ cường hào đã bị bắn năm xưa, nên thật u tịch, yên ắng. Lục bí thư ngả mình trên chiếc ghế trúc phủ tấm da dê dưới lưng, bên cạnh đặt lò than mà trên đó là một nồi thịt đang sôi sùng sục, mùi thơm tỏa lan đến mức không thể không nuốt nước bọt.
- Thịt chó, lão Trương công an đem tới, hắn bảo là chó rừng, nhưng ai biết chính xác là rừng hay nhà, thôi cứ tin lời hắn nói! - Lục vẫn nằm và bảo anh - thầy giáo cầm bát đũa và rót rượu đi. Lưng mình hơi đau, vết thương cũ vẫn còn di chứng, cứ trở trời là lại thế này. Hồi ấy đánh nhau làm gì có bác sĩ, hộ lý, mạng mình mà còn sống đến bây giờ thì thật là vạn phúc.
Anh tự rót rượu cho mình, gắp thịt trong nồi, vừa ăn vừa uống và nghe ông Lục trút bầu tâm sự.
- Mình cũng đã giết người, tự tay bóp cò nổ súng bắn chết họ, nhưng là lúc đánh nhau, nói mà làm gì. Số người bị gục ngã dưới tay mình đếm không xuể, nhưng không phải đều là đáng chết. Kẻ đáng chết, trớ trêu thay lại cứ sống sờ sờ.
Lục bí thư hôm nay tự nhiên ngoại lệ, không lạnh nhạt, trầm ngâm như mọi lúc, ngược lại hưng phấn lạ thường, anh chẳng rõ điều ông ta đã nói là hàm ý gì.
- Đồ chó đẻ Lâm Bưu vừa rơi chết, đã truyền đạt rồi chứ - Lục hỏi, anh gật đầu rồi, báo cáo, văn kiện viết rằng, phó chủ tịch đảng trên đường bỏ chạy ra nước ngoài, máy bay của ông ta bị rơi ở Mông Cổ. Người trong thôn cũng chẳng mấy ai háo hức, hiếu kỳ hay hỉ hả, họ nói mặt Lâm Bưu có tướng con khỉ, nên khó mà kết thúc đẹp, nếu đoan chính một tí chắc sẽ là hoàng đế.
- Cũng vẫn chưa rơi chết - Lục đặt chung rượu xuống bàn kêu cái phập, nước cay bắn ra tung tóe, và buột miệng thốt ra câu đó. Anh nhận thấy Lục đang phẫn nộ, nhưng lời lẽ của Lục vừa rồi, ngẫm lại, giống như chưa nói gì cả. Lục lão hiểu nhân tình thế sự, kinh qua bao đợt mưa sao bão táp chính trị, mạo hiểm đã từng, gian nguy cũng lắm, đâu dễ đã tâm sự thật lòng với anh, nhưng anh phải giữ cái nồi đất này, giữ lấy ô dù bảo hộ, Lục mà thái bình thì anh cũng đỡ khổ. Ăn đi uống đi, thịt chó thơm cay, chẳng cần biết là chó rừng hay chó nhà, ngon tất.
Lục đứng dậy lấy tờ giấy, trên đó viết sẵn một bài thơ theo luật ngũ ngôn, nội dung bày tỏ niềm hân hoan khi nghe tin họ Lâm rơi chết, đưa cho anh và bảo:
- Thầy giáo xem giúp mình vần điệu đã đúng hay chưa?
Anh nghĩ đây mới là lý do, mục đích mà Lục triệu hồi anh đến. Anh nghiền ngẫm trầm ngâm giây lát, đoạn đề nghị đổi một, hai chữ và nói, không còn cách nào khác nữa. Anh cũng báo với Lục là mình có sách chuyên giảng về niêm luật thơ, từ cổ, sẽ đưa tới để ông tham khảo.
- Mình xuất thân từ đứa trẻ chăn trâu - Lục kể - nhà nghèo làm gì có tiền đi học, cứ trèo lên cửa sổ trường tư trong làng, nghe trộm lũ học trò ngâm thơ đọc sách, lâu dần cũng thuộc cả Đường thi. Thầy giáo già thấy mình hiếu học, nhận làm môn sinh miễn phí, mình đáp lại thầy dăm ba bó củi, lúc nào rảnh thì xin ngồi học ké. Năm lên mười lăm, ôm bầu nhiệt huyết, bỏ nhà theo quân du kích cho mãi tới giờ này, chẳng trường chẳng sở nào cả, chỉ mỗi trường đời...
Vùng sơn trại này là căn cứ du kích của Lục năm xưa, cho nên bây giờ tuy bị hạ phóng về địa phương, không chức vụ nhưng ông vẫn là bí thư của đám bí thư công xã gần xa. Lục ẩn cư nơi đây và tiết lộ với anh rằng cũng có kẻ thù, tất nhiên không phải là dân toàn của bọn địa chủ, phú nông, thổ hào sớm bị trấn áp từ lâu, mà là “người trên đầu chúng ta”. Anh chẳng rõ người nào, hay lại đám cán bộ cấp huyện từng chỉnh ông, phê ông, đấu ông rơi cái phập như thế này. Lục luôn luôn sẵn sàng phòng vệ, dưới gối là con dao găm quân dụng, gầm giường là thùng gỗ đựng khẩu súng trường lau chùi sáng loáng và một hòm đạn chưa mở niêm phong, tất cả đều thuộc cơ số vũ khí của lực lượng dân quân, trích để đây và chẳng ai có cách nào quản lý hoặc khống chế. Có lẽ Lục đang chờ thời “Đông sơn tái khởi” hay phòng sẵn, lỡ nếu một mai thiên hạ lại loạn lạc, thật khó đoán. Lục tiếp tục câu chuyện với anh:
- Người sơn trại, thời bình làm dân, cày ruộng trồng rừng, sang thời loạn làm phỉ, chặt đầu mổ bụng là chuyện thường tình. Mình là đứa trẻ lớn lên giữa bao cảnh chặt đầu. Thời ấy thầy giáo biết không, thổ phỉ bị trói vẫn ngẩng cao đầu, đợi người đến chặt, không hề biến sắc mặt, chứ đâu như bây giờ run cầm cập khi ra pháp trường. - Lục hạ giọng - và suy cho cùng thì du kích quân bọn mình cũng là thổ phỉ, có điều mục đích chính trị rõ ràng, đánh cường hào, chia ruộng đất.
Nhưng Lục không nói tiếp, ruộng đất được chia hồi đó nay đều gom về công xã, theo đầu người nhận lương thực, còn lại bao nhiêu nộp lên trên hết.
- Quân du kích cần tiền cần gạo, thủ đoạn, chiếm đoạt cũng tàn nhẫn như thổ phỉ, hẹn đến ngày đó, nơi kia phải nộp đủ, nếu sai hẹn mà bắt được thì phạt ôm bó nứa đã chẻ ra từng thanh, tuột từ trên xuống dưới, chỉ nghe nói mà rợn cả người và nổi da ốc!
Lục chưa nhúng tay hành xử, nhưng chứng kiến rõ ràng, ông kể lại chắc là muốn giáo dục nhắc nhở anh, một bạch diện thư sinh.
- Thầy giáo là văn nhân xa xứ tới đây, đừng tưởng núi non này đâu cũng thái bình, sơn thủy hữu tình, nếu không bám rễ, e khó lòng trụ nổi.
Những gì Lục nói với anh hoàn toàn không giống như cán bộ tuyên huấn giảng giải, bao chuyện đồng thoại cách mạng còn rớt lại trong đầu, ông đều quét sạch, rất có thể một ngày nào đó Lục cần tới anh và nay phải biến anh thành tàn nhẫn, mạnh tay, xứng đáng là trợ thủ của sơn trại đại vương trong tương lai, nếu điều kiện cho phép. Lục cũng kể, rằng có rất nhiều thanh niên thành phố đã lên núi, sung vào du kích quân, thổ phỉ hóa như ông.
- Các cậu ấy làm sao hiểu được cách mạng là gì, nay nhờ ông cụ nói rõ ra mới thấu tỏ - “ông cụ” mà Lục muốn ám chỉ ở đây chính là Mao - ông cụ nói, họng súng đẻ ra chính quyền, đừng tưởng các tướng quân và chính ủy kia là sạch sẽ, tay họ, thử hỏi ai mà không nhuốm máu?
Anh nghĩ, cả đời mình cũng không làm nổi tướng quân, chính ủy, vì sợ đánh nhau. Lục còn nói thêm:
- Đừng say sưa lắm, có trốn về đây xóm núi, thầy giáo vẫn phải đề phòng người ta mổ bụng đó nghe. - Đây là phép tắc sinh tồn, là kinh nghiệm mà Lục từng trải; cứ biết vậy cái đã, anh thầm nhủ.
- Thầy giáo nghe tôi - Lục giao nhiệm vụ - lên thị trấn làm một cuộc điều tra xã hội, ai hỏi bảo họ Lục chủ trì phái tới, chẳng cần công văn, công hàm gì cả, cứ nói rằng mình giao thầy giáo viết bản lịch sử đấu tranh giai cấp ở cái trấn nhỏ nhoi này. Thầy giáo nghe họ thuật lại, nhưng không thể tin tất cả, và đừng lục vấn, vì thầy giáo sẽ có ngay kiến giải. Lấy ví dụ, xe hơi trước kia không chạy qua đây, thầy giáo đoán chắc là do ổ thổ phỉ. Thầy giáo cũng đừng tưởng anh thợ rèn đêm nọ ngoan ngoãn cúi đầu vái lạy, nếu bức bách quá, hắn sẽ cho thầy giáo một nhát búa vỡ sọ như chơi. Hoặc giả cái bà lão què chân bán nước trên phố, thầy giáo sẽ ngỡ là do bị bó khi còn bé, không phải, vùng núi này không có tục lệ đó, mụ ta bị du kích quân bắt làm con tin, mùa đông rét như dao cắt, mụ dám tháo giày, bàn chân lạnh cóng, teo lại như vậy, phụ nữ mà, nhà này là của mụ, chồng bị trấn áp, thằng con đầu chết ở trại cải tạo, thằng thứ hai chạy ra nước ngoài, nay chỉ mỗi mình mụ què chân.
Lục dạy anh, cuộc sống dạy anh, khiến anh tắt ngấm những gì gọi là phẫn uất, đồng cảm. Lục vẫn chưa buông tha, ông nói:
- Ăn đi, uống đi, sớm mai tỉnh rượu, cùng với mình lên núi, nơi ấy có một cái miếu, máy bay Nhật đã ném bom san bằng. Quân Nhật không lên nổi trên ấy, chỉ mới đến huyện lỵ, biết là quân du kích trốn trong miếu, nên hủy diệt nó. Nghe nói sau khi Thái Bình Thiên Quốc thất bại, một vị hòa thượng đã xây lập miếu này, vốn là tay tạo phản, không chống được triều đình, thất thế, lên núi đi tu ở ẩn. ở đó vẫn còn một mảnh tấm bia vỡ chữ nghĩa không đầy đủ, thầy giáo thử xem xem.
_________________