Tôi lưỡng lự, không ưa bất cứ một vai trò nào của các luật gia mà tôi đã thấy trong phiên tòa xử Hanna. Làm công tố viên tôi thấy cũng kỳ quặc như luật sư, và thẩm phán thì, để nói cho đơn giản, có lẽ là nghề kỳ quặc nhất. Tôi cũng không thể tưởng tượng ra mình sẽ làm viên chức hành chính; hồi đi tập sự tôi đã làm việc ở sở thị chính và thấy phòng làm việc, hành lang, không khí và các nhân viên ở đó thật là vô vị và buồn tẻ.
Thế thì chẳng còn nhiều việc trong ngành luật nữa để mà chọn, và tôi không biết là mình sẽ làm gì nếu như một giáo sư về lịch sử tư pháp không mời tôi làm việc ở chỗ ông. Gertrud nói rằng đó là sự trốn tránh, đào tẩu trước thử thách và trách nhiệm của cuộc sống, và cô có lý. Tôi đã trốn tránh và vui mừng vì đã trốn được. Cũng chẳng phải làm việc này mãi, tôi nói với cô và với chính mình; tôi còn trẻ, đủ thời gian để sau vài năm lịch sử tư pháp còn kiếm được một nghề tử tế dành cho luật gia. Nhưng rồi việc ấy cứ kéo dài mãi, tiếp theo cuộc trốn tránh này là một cuộc trốn tránh khác, khi tôi rời trường đại học chuyển sang một cơ sở nghiên cứu và tìm được ở đó một địa hạt ngách để theo đuổi đề tài lịch sử tư pháp của mình, ở đó tôi không cần ai mà cũng chẳng phiền đến ai.
Tuy nhiên, trốn tránh không chỉ là chạy trốn, mà cũng là đến đích. Và quá khứ, nơi tôi là nhà nghiên cứu lịch sử tư pháp đặt chân đến, không hề kém sinh động hơn hiện tại. Cũng không phải, như người ngoài cuộc có thể nhận định, là người quan sát cuộc sống quá khứ và vẫn tham gia cuộc sống hiện tại. Nghiên cứu sử là bắc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là quan sát cả hai bên bờ và làm việc ở cả hai bên bờ. Một trong những hành vi nghiên cứu của tôi là luật pháp của Đế chế thứ ba, và ở đây có thể mục sở thị quá khứ và hiện tại gặp nhau trong thực tế ra sao. Trốn tránh ở đây không là nghiên cứu quá khứ, mà chính là quyết định tập trung vào hiện tại và tương lai đang nhắm mắt trước di sản của quá khứ. Chúng ta mang dấu ấn của di sản ấy và phải chung sống với nó.
Ở đây không muốn che giấu cảm giác mãn nguyện khi được thâm nhập vào quá khứ mà ý nghĩ của nó đối với hiện tại không nhiều nhặn gì. Lần đầu tiên có cảm giác đó là khi tôi khảo cứu về các bộ luật và dự duật của thời kỳ Khai sáng. Cơ sở của các tác phẩm ấy là niềm tin rằng trên thế giới đã được định sẵn một nền trật tự tốt đẹp và vì thế có thể đưa thế giới vào một nền trật tự tốt đẹp. Tôi mãn nguyện khi thấy các điều khoản được tạo ra từ đức tin ấy như những người kính gác vinh hạnh cho nền trật tự tốt đẹp, và chúng tụ họp thành các bộ luật tốt đẹp, đem vẻ đẹp ấy đi minh chứng cho chân lý của luật pháp. Một thời gian dài tôi đã tin vào tiến bộ trong lịch sử luật, dù có những thất bại và thoái trào khủng khiếp vẫn là bước phát triển hướng tới tầng cao hơn của cái đẹp và chân lý, hợp lý và nhân đạo. Từ khi ngộ ra niềm tin đó chỉ là ảo vọng, tôi phát triển một hình ảnh khác về tiến trình của lịch sử luật. Theo đó thì tiến trình lịch sử tư pháp có hướng về mục đích, song mục đích đó khi đã đạt được sau vô vàn chấn động, rối ren và lầm lạc là điểm xuất phát ban đầu, và chưa kịp ngồi nóng chỗ ở đích đã phải xuất phát lại từ đầu.
Hồi đó tôi đọc lại Odyssey, sau lần đầu tiên đọc ở trường và ghi nhớ là truyện một chuyến hồi hương. Nhưng đó không phải truyện một chuyến hồi hương. Người Hy Lạp, vốn biết rằng không ai lội hai lần xuống cùng một dòng sông, làm sao có thể tin vào hồi hương. Odysseus không quay về để dừng chân, mà để lên đường lần nữa. Odyssey là câu chuyện về chuyển động, vừa có hướng lại vừa vô hướng, thành công hà hoài công. Lịch sử tư pháp nào có khác gì!