Tại sao? Tại sao khi nhìn lại quá khứ thì những gì đẹp đẽ của chúng ta lại rạn nứt bởi sự xấu xa tiềm ẩn trong đó? Tại sao hồi ức về những năm tháng hôn nhân nhuốm cay đắng khi lộ ra rằng người kia chừng ấy năm có một người tình? Vì người ta không thể hạnh phúc trong tình cảnh đó được? Song người ta đã hạnh phúc cơ mà? Có lúc hồi ức không trung thành với hạnh phúc, nếu kết cục diễn ra đau đớn. Vì hạnh phúc chỉ đúng thật nếu nó vĩnh viễn tồn tại? Vì chỉ cái gì đã từng đau đớn, cho dù không ý thức và không nhận ra, mới kết thúc đau đớn? Nhưng thế nào là nỗi đau không ý thức và không nhận ra?
Tôi nhớ lại ngày xưa và nhìn lại mình trước đây. Tôi mặc cho đến khi rách những bộ com lê lịch sự do một ông bác giàu có để lại, cùng với mấy đôi giày hai màu, đen và trắng, đen và nâu, da trơn và da lộn. Tay và chân tôi quá dài, không hợp với những bộ com lê mà mẹ tôi cho đem ra dùng, nhưng hợp với những cử động của tôi. Kính của tôi có gọng rẻ tiền của quỹ bảo hiểm y tế, tóc tôi là một mớ bờm xờm dù tôi có làm gì đi chăng nữa. Ở trường, tôi không giỏi cũng không dốt. Tôi tin là giáo viên và tất cả những đứa học sinh có máu mặt trong lớp chẳng biết đến mặt tôi. Tôi không ưa diện mạo, cách ăn mặc và cử động của mình, không ưa những gì mình làm ra và vị thế của mình. Nhưng bao nhiêu năng lượng có trong tôi, bao nhiêu tin tưởng rằng sẽ có một ngày trở nên đẹp trai và khôn ngoan, vượt trội và được khâm phục, bao nhiêu mong đợi khi gặp những người mới và hoàn cảnh mới.
Phải chăng điều đó làm tôi buồn? Có phải đó là sự nỗ lực đón nhận và niềm tin tràn trề trong tôi ngày ấy về lời hứa từ phía cuộc sống, một lời hứa mà cuộc sống không và mãi mãi không bao giờ đáp ứng? Thỉnh thoảng tôi thấy sự nỗ lực và niềm tin giống như thế trên khuôn mặt của trẻ con và lũ mới lớn, và tôi nhìn nó với một nỗi buồn, hệt như khi tôi nghĩ lại về chính mình. Có phải nỗi buồn ấy chỉ đơn thuần là nỗi buồn? Có phải đó là nỗi buồn đến với chúng ta khi những hồi ức đẹp đẽ bị rạn nứt trong cái nhìn về quá khứ, vì hạnh phúc trong hồi ức không chỉ sinh ra từ một tình cảnh, mà còn từ một lời hứa không được đáp ứng?
Cô ta – có lẽ tôi nên nhắc đến cô với cái tên Hanna như tôi hồi bắt đầu gọi cô là Hanna – dĩ nhiên cô ta không sống bằng một lời hứa mà sống trong tình cảnh, và chỉ trong tình cảnh mà thôi.
Tôi hỏi cô về quá khứ của cô, và câu trả lời của cô tựa như phải lục lọi từ trong một cái rương bụi bặm ra. Cô lớn lên ở Siebenbuergen, mười bảy tuổi tới Berlin, làm công nhân cho Siemens và vào quân đội ở tuổi hăm mốt. Sau chiến tranh cô kiếm sống bằng đủ mọi nghề. Trong nghề soát vé tàu điện mà cô làm từ nhiều năm nay thì cô thích bộ đồng phục và sự chuyển động, khung cảnh thay đổi và bánh xe lăn dưới chân. Chứ còn cô không ưa cái nghề ấy. Cô không có gia đình. Cô đã ba sáu tuổi. Tất cả chuyện ấy cô kể như không phải chuyện của mình mà là của người khác, người mà cô không quen và cũng chẳng có dây mơ rễ má gì. Điều gì mà tôi muốn biết rõ hơn thì cô cũng chẳng nhớ nữa, và cô cũng không hiểu tại sao tôi quan tâm đến bố mẹ cô ra sao, cô có anh chị em gì không, cô sống ở Berlin thế nào và làm gì trong quân đội. “Cái gì cũng muốn biết thế hả cậu bé!”
Chuyện tương lai cũng vậy. Cố nhiên tôi không có kế hoạch gì về hôn thú và gia đình. Song tôi quan tâm đến quan hệ của Julien Sorel với bà Rênal nhiều hơn là với Mathilde de la Mole. Tôi thích thấy Felix Krull rốt cuộc ngã vào vòng tay bà mẹ thay vì yêu con gái bà. Chị tôi học Đức ngữ, trong bữa ăn hay nói về cuộc tranh cãi liệu quí ông von Goethe có quan hệ yêu đương với bà von Stein, và cả nhà ngạc nhiên khi tôi nhất quyết bảo vệ ý kiến đó. Tôi tưởng tượng quan hệ của chúng tôi sau năm hay mười năm nữa sẽ đi đến đâu. Tôi hỏi Hanna mường tượng chuyện ấy ra sao. Cô thậm chí không muốn nghĩ xa đến quá lễ Phục Sinh, vào dịp tôi sẽ được nghỉ học và cùng cô làm một chuyến đi xe đạp. Chúng tôi có thể cùng lấy một phòng như mẹ con và ở với nhau suốt đêm. Cũng lạ là ý tưởng ấy không làm tôi ngần ngại. Nếu giả sử đi du lịch với mẹ thì tôi sẽ cố lấy phòng riêng bằng được. Ở tuổi tôi mà còn được mẹ đưa đến bác sĩ hay đi mua áo choàng mới hoặc đón từ chuyến du lịch trở về thì có vẻ không thích hợp lắm. Khi cùng mẹ ra đường và gặp mặt các bạn cùng trường, tôi chỉ sợ bị gọi là thằng bám vé mẹ. Nhưng đi cũng Hanna, dù cho cô có trẻ hơn mẹ tôi mười tuổi song vẫn có thể coi là mẹ tôi, tôi chẳng thấy hề hấn gì. Mà còn thấy tự hào nữa.
Hôm nay nếu nhìn thấy một phụ nữ băm sáu tuổi thì tôi cho là trẻ. Nhưng nếu gặp một thằng mười lăm tuổi thì tôi thấy nó là con nít. Tôi ngạc nhiên thấy Hanna đã đem lại cho tôi biết bao tự tin. Thành tích học tập của tôi làm các giáo viên chú ý và tôi tin là được họ tôn trọng. Những cô gái mà tôi tiếp xúc nhận ra và thích thú khi thấy tôi không ngại họ. Tôi thấy thoải mái với con người mình.
Hồi ức làm sáng tỏ và khắc ghi những lần đầu tiên gặp gỡ Hanna đã trộn lẫn những tuần lễ đầu tiên giữa lần chuyện trò thứ nhất của chúng tôi và giai đoạn cuối năm học. Một lí do là sự đều đặn của những lần gặp nhau và diễn biến của chúng. Một lí do khác nữa là trước đó tôi chưa bao giờ có được những ngày viên mãn, cuộc sống của tôi chưa bao giờ khẩn trương và tập trung như vậy. Khi nhớ lại công việc của tôi vào những tuần ấy, có cảm giác là tôi ngồi vào bàn học và ở lại đó cho đến khi tất cả những bài học bị bỏ lỡ trong thời gian mắc bệnh được truy bù, học hết từ vựng, các chứng minh toán học, các hợp chất hóa học. Trên giường bệnh tôi đã đọc về nền Cộng hòa Weimar và Đế chế thứ ba. Những lần chúng tôi gặp nhau trong hồi ức đối với tôi cứ như một cuộc hội ngộ duy nhất kéo dài. Sau cuộc chuyện trò ấy chúng tôi toàn gặp nhau vào buổi chiều – từ ba giờ đến bốn rưỡi vì cô làm ca muộn, ngoài ra thì vào lúc năm rưỡi. Bảy giờ là giờ ăn tối, mới đầu Hanna hay giục tôi về nhà đúng giờ. Ít lâu sau tôi không chỉ ở lại đó có một tiếng rưỡi nữa, mà bắt đầu bịa ra lý do để bỏ bữa tối.
Lý do là đọc truyện. Một ngày sau cuộc nói chuyện, Hanna muốn biết là tôi học gì ở trường. Tôi kể về trường ca Homer, cái bài diễn thuyết của Cicero, truyện Hemingway về ông già và cuộc vật lộn với con cá và biển cả. Cô muốn nghe âm hưởng tiếng Hy Lạp và Latinh ra sao, và tôi đọc cho cô nghe Odyssey và lời buộc tội Catilina.
“Anh cũng học cả tiếng Đức?”
“Em hỏi thế nghĩa là gì?”
“Anh chỉ học ngoại ngữ hay còn học thứ gì trong tiếng mẹ đẻ nữa?”
“Ở lớp phải đọc luận văn.” Trong lúc tôi bị bệnh, ở lớp đã đọc Emilia Galolti, âm mưu và tình yêu, và sắp tới sẽ viết bài về chủ đề đó. Nghĩa là tôi phải đọc cả hai vở kịch, và làm tôi làm việc đó lúc mọi bài vở đã xong xuôi. Lúc ấy đã tối, tôi mệt, và đọc gì thì sáng hôm sau quên hết, phải đọc lại lần nữa.
“Đọc cho em nghe đi!”
“Em tự đọc lấy đi, anh đem sách lại đây cho em.”
“Anh có giọng rất hay, cậu bé a, em thích nghe anh đọc hơn là tự mình đọc.”
Cô nói nghiêm chỉnh. Tôi phải đọc cho cô nghe Emilia Galolti nửa tiếng, trước khi cô cho tôi đi tắm rồi lên giường. Bây giờ thì tôi lại thích đi tắm. Sự ham muốn mà tôi mang theo đã nguội lạnh trong khi đọc truyện. Muốn đọc ra sao để ít nhiều phân biệt được tư cách nhân vật, đòi hỏi phải tập trung tinh thần một chút. Sự ham muốn quay trở lại dưới vòi nước tắm. Đọc truyện, tắm, làm tình rồi nằm rốn lại cạnh nhau đã trở thành nghi thức của những lần chúng tôi gặp nhau.
Cô là một thính giả chăm chú. Cách cô cười, khịt mũi khinh bỉ, thốt ra những lời căm phẫn hay đồng tình rõ ràng cho thấy rằng cô hồi hợp theo dõi, coi Emilia và Luise là bọn ngu xuẩn. Những lúc cô sốt ruột bảo tôi đọc tiếp chứng tỏ cô hy vọng rằng sự ngu dại đó rồi sẽ phải chấm dứt. “Chuyện không thể tin được!” Nhiều lúc tôi tự thúc mình đọc tiếp. Khi ngày đã dài hơn, tôi đọc lâu hơn để cùng nằm cạnh cô trên giường lúc trời đã nhập nhoạng. Khi cô ngủ thiếp đi trên tôi, máy cưa im tiếng, con chim hót và các đồ vật trong bếp chỉ còn mang màu xám ở các độ đậm nhạt, đó là lúc tôi tràn đầy hạnh phúc.