Trên mộ phần của Thuỵ Nhiên là rất nhiều vòng hoa trắng. Loại màu hoa dành cho những người chết trẻ. Khuôn mặt Thuỵ Nhiên trong di ảnh thật rạng rỡ, tuyệt nhiên không ai thấy vẻ kênh kiệu nhức mắt thường ngày của cô. Cái chết nhiều khi là cách tốt nhất để được cảm thông, được cởi bỏ lòng thù hận.
Vĩnh cũng tham dự lễ đưa tang của Thuỵ Nhiên. Anh đứng che ô ở một góc phía xa nhất, đủ để quan sát được toàn cảnh. Đến giờ phút này, lòng anh vẫn âm ỉ một ngọn lửa của sự tức giận. Anh tự trách chính bản thân mình ngày hôm đó đã không bảo vệ được cô. Khi anh vào đến nơi, thì cô đã nằm trong vũng máu của chính mình. Tĩnh mạch ở cổ bị cứa đứt, máu phun thành tia ra khắp người của Ngọc và quầy bar gần đó. Điều lạ lùng là Ngọc cũng ngất lịm bên cạnh. Còn kẻ đang cầm mảnh cha thuỷ tinh lại là Q.
Lúc đó anh như một kẻ điên, điều duy nhất anh có thể làm là hạ gục Q. bằng một đòn chí mạng vào phần ức. Đánh mạnh vào đó thì đối thủ sẽ không thể thở được trong vài giây vì đau đớn tột cùng. Vĩnh biết mình không thể nào ngăn cản cái chết đang buông lên đôi mắt mở to của Thuỵ Nhiên. Anh tức giận vì sự bất lực đó của chính mình.
Q. bị bắt ngay sau đó. Hắn ta cũng nhận tội mình đã giết Thuỵ Nhiên. Chỉ vì cô ta đã nói những lời xúc phạm đến hắn. Có một điều bí ẩn nào đó ẩn sau những lời thú tội dửng dưng kia, nhưng Vĩnh chưa có cơ hội tìm ra. Không có camera nào ghi lại quá trình Q. gây án, mà chỉ có tất cả cặp mắt của những người đứng ở hiện trường lúc đó. Hầu hết là nhân viên của Lúc Chiều Tàn. Tất cả bọn họ đều khai những câu trùng lặp nhau.
"Anh quản lý tức giận sau khi nghe chị Nhiên nói gì đó, anh đập vỡ chai bia rồi dùng mảnh vỡ của chai để giết chị Nhiên."
Trong đôi mắt của họ vẫn còn những nét sợ hãi. Nhưng không hiểu sao, có một linh cảm mách bảo cho Vĩnh rằng họ đã không nói điều họ được nhìn thấy thật sự.
Các trang báo mạng, rồi các kênh truyền hình đều đưa tin về vụ thảm sát Thuỵ Nhiên. Họ còn khai thác nhiều vấn đề xung quanh vụ án như sự man rợ của con người đang tăng theo từng vụ án, hay Pháp luật đã không còn là một nỗi sợ đối với những tên biến thái... Những tên giết người đang giết người mạnh tay hơn vì một lý do rất đỗi thản nhiên, bộc phát. Rằng khi nghe những lời khai của chúng, họ đều thấy rợn người.
Vĩnh theo dõi không sót một tin tức nào. Khi đang ăn cơm rang trong một quán phở bò, khi ăn bún cá trong một khu chợ, khi mua thuốc lá trong một hiệu tạp hoá. Chỉ cần là tin về vụ án đó thì anh đều phải dừng lại, chăm chú lắng nghe. Vĩnh cũng không biết mình đang chờ đợi điều gì, đang tìm kiếm điều gì. Rồi nếu như có một sự thật khác đang bị che giấu, thì anh sẽ làm gì?
Anh không phải là một kẻ bao đồng. Anh nên giữ một thái độ như trước mới đúng. Không quan tâm đến đời tư người khác, cũng không để đời tư của mình ảnh hưởng đến ai.
Đây chỉ là một công việc mà thôi.
Châm thuốc bằng chiếc bật lửa mạ vàng xinh đẹp. Vài giọt mưa vương lên khuôn mặt Vĩnh. Anh không để ý mà hóp má rít mạnh một hơi thuốc. So với nỗi buồn mất đi một sự nghiệp thi đấu vẻ vang trước kia, thì anh lại cảm thấy nỗi buồn này lạ lùng và lớn lao hơn. Trong lòng anh như bị một khấu pháo bắn cho trống hoác. Một lỗ hổng không gì có thể bù đắp được.
"Chào ông!" Vĩnh cúi đầu khi ông Việt Quang tới trước mặt. Anh không dám ngẩng lên nhìn ông ta, vì anh sợ nhìn thấy sự thất vọng của ông. Anh đã được giao nhiệm vụ bảo vệ con gái ông, nhưng nhìn mà xem, giờ cô ấy chỉ là một nắm tro tàn.
Việt Quang hừm nhẹ, sau đó vỗ vai Vĩnh. "Cuối tuần này Thìn chuyển lương cho Vĩnh giúp tôi."
"Vâng." Ông Thìn đáp.
"Cảm ơn cậu thời gian qua."
Vĩnh vẫn không nhìn ông Việt Quang cho đến khi ông đã ra khỏi khu nghĩa địa hoang lương này. Có thể ông ta có một nỗi đau không thể bộc phát ra ngoài. Một nỗi đau không thể rơi thành lệ, không thể khóc thành tiếng. Trông ông ta không giống như vừa mất đi đứa con gái duy nhất trong đời.
Đến tận lúc rời khỏi nghĩa trang, trời vẫn mưa nặng hạt. Đế giày của Vĩnh bám đầy bùn đất, bước đi nặng nề. Anh giậm mạnh chân khi gặp đoạn đường đổ bê tông, hai ngón tay vẫn kẹp điếu thuốc đang cháy dở. Anh không nhận ra bản thân đang hút thuốc nhiều hơn thường ngày.
"Chúng ta đi uống rượu chứ?"
Giọng nói quen thuộc này...
Vĩnh quay người lại, nhíu mày khi thấy Tùng. Anh chợt nhớ ra hôm Thuỵ Nhiên chết, Tùng cũng có mặt cùng với một câu chuyện dang dở. Anh ta muốn hỏi anh gì đó.
Thấy bụi mưa vương lên áo dạ đen của Vĩnh, Tùng tiến lại gần rồi phủi nhẹ. Anh nói: "Chúng ta nói chuyện về Thuỵ Nhiên."
Vĩnh vứt điếu thuốc trong tay xuống, di nát nó như cái hôm Thuỵ Nhiên chết. "Có xe không?"
Tùng nghiêng đầu: "Tôi đỗ bên ngoài."
"Vậy đi thôi, mà đừng vào cái chỗ Lúc Chiều Tàn khốn nạn đó. Tôi ghét nó."
"Chỗ đó đang bị phong toả. Mà chắc còn lâu nữa mới mở lại."
"Được. Vậy cậu tự chọn chỗ đi."
...
Bà Bích ngồi một mình dưới trà thất. Cơn mưa rơi lộp độp trên mái rồi bắn ra thành giọt xung quanh. Chiếu hoa đã ướt đôi chút, trà cũng nguội ngắt mà không được nhấp môi. Cây khế trước nhà quả rụng tan tác. Bà chợt nhiên nhận ra tiếng cười của Thuỵ Nhiên năm cô lên năm và năm cô mười lăm tuổi chính ra không khác nhau là mấy. Niềm vui của cô khi ở bên bà giống như số phận đã mặc định như vậy. Cô yêu bà biết chừng nào.
Có một thứ tình yêu được thắp sáng bằng sự tiếc nuối. Bà Bích nhìn đôi bàn tay đã nhăn và thâm lại vì cái lạnh của mình. Trái tim của bà còn khô héo hơn thế.
Bỏ lại đứa con ngoài giá thú của mình cho người chồng cũ là một sự tàn nhẫn ư? Hồi đó, bà đã gom hết nỗi đau trong một đời của mình để đưa ra quyết định đó. Nếu bà nói tất cả mọi chuyện ra cho thiên hạ biết, đứa trẻ ấy sẽ phải sống một đời tủi hổ, một đời nghèo túng. Ngược lại, nếu bà im lặng ra đi, tất cả đều sẽ được sống không phải lo nghĩ gì. Nhưng phải có một người mang tội. Bao giờ cũng thế, phải có một tội đồ mang những quyết định sai trái. Người đó phải là bà.
Bà Bích thở nhẹ, cảm giác từng tấc sinh mệnh chảy trôi theo cái thở nhẹ đó.
Đã lâu rồi chưa gặp ông ấy. Lúc này chắc tang lễ đã xong xuôi và ông đang trở về công ty giải quyết những vấn đề thường ngày. Ông luôn luôn giỏi trong việc giải quyết vấn đề. Song, vấn đề của cuộc đời ông thì ông không bao giờ giải quyết. Hai người đều chọn cách chối bỏ. Để rồi nó ung lên, thành một cái nhọt khiến cả hai đau đớn.
"Tang lễ có nhiều người đến dự chứ?" Bà Bích vừa rót trà cho ông Việt Quang vừa hỏi. Đây là ấm trà mới. Ấm trà cũ đã được bà rải nhẹ xuống nền đất thấm đầy nước mưa.
Ông Việt Quang hờ hững uống trà, đáp: "Không nhiều. Nhiều thì có tốt đẹp gì đâu."
Bà Bích liếc nhìn ông Thìn ở đằng xa, ông ta vẫn lặng lẽ như một dấu chấm trong một văn bản. Nhưng nếu không có dấu chấm, thì văn bản đó sẽ không thể hoàn thiện được.
"Ông có bao giờ coi Nhiên là con gái của mình chưa?"
"Tôi từng cố coi điều đó là thật, nhưng sự thật hiển nhiên quá nên không thể nào tự đánh lừa bản thân được."
"Con bé vẫn coi ông là bố nó mà."
"Vậy nên tôi đã chứa chấp nó trong nhà mình, để nó tiêu tiền của tôi không tiếc gì trong những năm tháng qua. Bà thấy như vậy là chưa đủ à?"
Bà Bích nói: "Xin lỗi. Tôi không cố gắng lừa dối ông. Tôi đã tự trừng phạt mình nhiều năm qua, nhưng tôi biết sự tha thứ là một điều xa xỉ và tôi phải ôm lấy tội lỗi này xuống mồ. Giá mà tôi đã tỉnh táo hơn."
"Bà không cần làm những điều đó đâu, tôi nguôi ngoai lâu rồi. Bà biết đấy, chúng ta đều không có tình cảm với nhau. Khi không có tình cảm thì không có trách cứ, không có thù hận. Buông bỏ rất dễ."
Bà Bích đặt chén trà xuống hơi mạnh, có thể là do tâm bà đang chao đảo. Đã lâu rồi bà không để bản thân dễ dàng bộc lộ những cảm xúc ra bên ngoài. Thật may là khuôn mặt bà vẫn giữ được vẻ bình yên vốn có.
Tình cảm khó nói. Nỗi đau càng khó bày tỏ. Tốt nhất cứ nên giữ trong lòng.
"Cái trà thất này vì một người mà xây lên, giờ người đó đã không còn nữa. Dù biết là ngồi ở đây sẽ thấy cô đơn và nhớ nhung khôn xiết, nhưng nó nhắc cho tôi nhớ về sự sống vẫn đang hiện diện." Bà nhìn người đàn ông trước mặt, người đàn ông mà bà từng rất yêu. Vậy mà ông nói rằng giữa hai người không hề có tình cảm. Hoặc là ông cố tình nói như vậy để né tránh những nhiệt thành tuổi trẻ của bà. Khi không yêu người đó, chúng ta thường tỏ ra vô tâm để giết chết tình yêu của họ. Bà nói tiếp: "Hy vọng ông sẽ thường xuyên ghé đến đây hơn. Tôi không chào đón ông, tôi chào đón những câu chuyện về Thuỵ Nhiên trong suốt mười năm qua. Ông nên trả cho tôi số ký ức về nó."