Hoá ra đó là lý do bố luôn tàn nhẫn với cô. Cuối cùng thì Thuỵ Nhiên cũng tìm được câu trả lời. Nhưng trả lời cho một câu hỏi làm trái tim cô tan nát lại chính là một sự thật đầy đớn đau khác.
Có thể thấy được sự sụp đổ của Thuỵ Nhiên là một sự sụp đổ của niềm tin. Tại sao cô không phải là con ruột của bố? Tại sao bố lại không nói cho cô biết? Họ còn giấu cô những chuyện gì nữa? Thuỵ Nhiên như người rơi vào cơn mê. Rốt cuộc thì giá trị của cô ở trong gia đình mình là gì? Lòng cô như có muôn ngàn đợt sóng lớn, các đợt sóng dâng cao rồi vỗ tan chính nó lên những mỏm đá nhấp nhô, nhọn hoắt. Đây không phải là một sự hoang mang, đây là đỉnh cao của tuyệt vọng trong lòng.
Hoá ra cái chết không đáng sợ đến mức ấy! Khi biết mình như một đứa trẻ mồ côi, biết được người bố mà cô vẫn luôn thắc mắc về sự vô tình của ông ta không phải là bố đẻ của mình còn đáng sợ hơn. Bao nhiêu năm qua cô đã sống với một người đàn ông xa lạ. Để ông ta biết hết mọi thứ về cô, để ông ta đày sự lạnh nhạt lên trái tim cô, để ông ta dùng tiền khống chế, để ông ta ru mình vào cơn mê.
Ông ta đã huỷ hoại đời cô theo một cách nào đó. Nhưng Thuỵ Nhiên không tìm ra được tên gọi. Và đâu đó trong cô cũng tự trách bản thân mình đã đồng ý để ông ta huỷ hoại.
Thấy Thuỵ Nhiên rơi vào trầm tư thì Thìn có hơi lo lắng, ông không biết tại sao lại có cảm giác thân quen đến vậy với cô gái này. Ở một góc độ nào đó, ông thấy ánh mắt của cô rất giống Thuỵ Nhiên.
"Không sao chứ?" Thìn hỏi.
Thuỵ Nhiên đưa cốc nước lên uống, cốt là để che đi những bất ổn trong lòng. Giờ đây, cô thấy lạc lõng khôn xiết. Cô đã định tìm đến bố để quăng tất cả những gì cô phải chịu đựng khi ở trong thân xác này vào ông, vì cô luôn tin rằng cô rất giống bố. Ông sẽ thấy ghê tởm. Sâu xa hơn nữa, cô muốn thấy được vẻ sợ hãi của ông khi sự ghê tởm ấy lan dần ra trong ông.
Nhưng có còn nghĩa lý gì nữa đâu! Ông ta và cô từ đầu đã luôn luôn khác biệt.
"Vậy chị Thuỵ Nhiên là con của ai ạ?" Cô điên cuồng muốn biết.
Thìn vội vàng dập tắt: "Cháu không có quyền được biết."
"Nhưng tại sao chứ? Nếu chị ấy không phải con của Việt Quang, thì tại sao ông ta phải để chị ta sống trong vinh hoa phú quý như vậy? Có phải là rất mâu thuẫn hay không?"
"Cô bé." Thìn thăm dò ánh mắt của cô bé ngồi trước mặt, cố định nghĩa sự tức giận vô lý của cô ta. Sao cô bé này phải căm phẫn như thế khi biết Thuỵ Nhiên không phải con ruột của Việt Quang chứ? Mà cũng kỳ lạ thật, tại sao ông phải nói ra bí mật động trời này với cô? "Có những chuyện cháu sống để bụng, chết mang theo. Hiểu chứ? Chúng ta là con người, chỉ nên sống với đặc quyền của một con người thôi. Đó là tìm kiếm hạnh phúc và an lành. Tốt nhất cháu nên quên hết những chuyện chú đã nói đi."
"Hạnh phúc và an lành sao?" Nghe mới nực cười làm sao! Thuỵ Nhiên nhếch môi đáp: "Chính chú cũng biết điều đó phải xuất phát từ tâm mà. Nếu tâm chú không an thì sao chú có thể yên ổn mà sống được?"
Ông Thìn bất ngờ về câu nói sâu cay của cô bé. Ông không nghĩ là một người mới mười sáu, mười bảy tuổi có thể nói được điều đó, không, phải là có thể ngộ ra những điều đó.
"Cháu với Thuỵ Nhiên là gì của nhau?"
"Là bạn."
"Thuỵ Nhiên không có bạn bè, cháu không biết ư?"
"Vậy chú có dám chắc chú hiểu tất cả mọi thứ về chị ấy không?"
"Hỏi hay lắm." Ông Thìn cười nhẹ, đuôi mắt hấp háy những toan tính. "Nhưng chú có thể đảm bảo, cuộc sống của Thuỵ Nhiên không có cháu. Rốt cuộc thì cháu là ai?"
"Là ai thì có quan trọng gì? Cháu nói cháu là Thuỵ Nhiên cũng được nữa là."
"Có thể cháu là Thuỵ Nhiên thì sao?"
Thuỵ Nhiên hơi khựng lại, hỏi đầy vẻ nghiêm túc: "Chú nghĩ thế thật à?"
"Biết đâu được."
"Vậy cứ coi là thế đi."
Ông Thìn đứng dậy, nhìn lại cốc cà phê đang nằm gọn gàng trong túi giấy và nói trước khi rời đi: "Chủ tịch không thích cà phê nguội, cho nên chúng ta kết thúc câu chuyện ở đây đi. Về phần bức thư, chú sẽ giữ lại nó. Cháu cũng đừng mong chờ gì ở nó cả. Dù nó có đến tay ông Việt Quang thì ông ta cũng không quan tâm đâu."
Khi ông Thìn chuẩn bị đẩy cửa rời đi, thì Thuỵ Nhiên như người tỉnh mộng. Cô chạy theo ông rồi hỏi lớn: "Vậy điều gì mới khiến ông ấy quan tâm?"
Ông Thìn quay người nói ngắn gọn: "Tiền và quyền lực."
Sau câu nói ấy, chân của Thuỵ Nhiên không còn tiến thêm bước nào nữa. Dường như Thìn vừa vạch ra ranh giới với cô. Nếu bước qua ranh giới đó, ông ta sẽ không chắc cô sẽ phải hứng nhận những gì.
...
Trên cái ghế bành quen thuộc của mình, ông Sinh luôn tưởng tượng mình là một vị vua. Chuyện này hoàn toàn có cơ sở. Bởi từ bé ông đã thích hình hượng Hoàng Đế. Trong mọi cuộc chơi, ông luôn muốn mình sẽ trở thành một kẻ có thể thao túng người khác. Dù đó có là đánh trận giả, thì sau khi vị tướng quân đó thắng trận cũng sẽ được làm vua. Hay là nếu ở bên phía quân địch, ông cũng quyết tâm đánh thắng để được soán ngôi hoặc cướp được nước của phe đối thủ.
Tuy nhiên, chị gái ông lúc nào cũng coi điều đó là nhảm nhỉ. Chị không bao giờ công nhận những chiến công của ông. Cho dù trong trò chơi ông được lên làm vua, thì chị cũng bảo ông đã đạt điều đó một cách vô đạo đức. Sau này khi đã lớn, bất kể ông làm điều gì cũng bị chị gái phán xét. Hoặc là gạt bỏ, hoặc là không công nhận. Ánh mắt chị như cái liềm phạt đi từng lớp cỏ xanh. Đó là hy vọng của ông. Chị làm ông phát điên lên bằng đôi mắt đó. Đôi mắt chứa đầy sự khinh thường.
Không gian đậm đặc âm nhạc xưa cũ từ chiếc đài cassette, rèm trướng bay bay, mùi nước xả vải và nước giặt quyện vào nhau. Có lẽ bà Tuyết đang lấy quần áo từ máy giặt ra phơi. Những ngày qua, Sinh luôn ngồi ở chiếc ghế này để suy nghĩ về đứa cháu của mình. Cứ như thể ông đang ngồi trên ngai vàng để giải quyết những rắc rối của đất nước và con dân.
Sinh nắm chặt cốc rượu trong tay, ông rót ra vì nghĩ sẽ uống nhưng những suy nghĩ kéo tuột ông ra khỏi không gian này và ném ông vào những suy tưởng, khiến cho ông quên đi mất việc phải thưởng thức nó.
Đứa trẻ đó rất lạ! Sinh dán mắt vào chiếc tivi không hề được bật lên. Kể từ sau khi ông đưa nó trở về từ quán bar ấy, nó dường như đã đổi khác. Ông không định hỏi nó về việc tại sao lại vào bar, vì có nhiều lý do để khoả lấp hoặc là che giấu cái động cơ chính của con bé. Ông chỉ chú tâm vào những thay đổi đầy đáng ngờ của nó.
Trước kia Ngọc là một người rất ngăn nắp, ngay cả vợ của Sinh cũng phải công nhận điều đó. Ngọc ưa gọn gàng đến nỗi nó không bao giờ để cái nắp bút không được che đi cái ngòi đầy mực. Nó sẽ không rời giường khi chăn chưa được gấp, gối chưa được chồng lên chăn. Nó sẽ không bao giờ đi ngủ khi mà quần áo chưa được treo vào tủ. Có một ngàn lẻ một sự thay đổi mà Sinh có thể nhìn ra và gọi tên. Nhưng như đã nói, một ngàn lẻ một – con số quá nhiều và quá đủ để ông nghi ngờ đó không phải là Ngọc.
Vậy nếu Ngọc không phải là Ngọc thì nó là ai? Có một linh hồn nào khác đã nhập vào con bé ư? Điều đó thật phi lý. Ông không phải người theo chủ nghĩa duy tâm hay duy vật, ông là người tin vào thuyết Nhị Nguyên. Song, vẫn thật là khó để tin rằng đứa cháu của ông đã được thay một linh hồn mới.
"Sao mà ngồi tần ngần ra thế?" Bà Tuyết cầm một cái giỏ mây trống không đi qua và hỏi. Vẻ mặt thấm đẫm sự mệt mỏi, nhưng ánh mắt lại đầy hài lòng.
"Bà có thấy dạo này con Ngọc rất lạ không?"
Bà Tuyết đứng lại, chống tay lên hông ra chiều suy nghĩ: "Cũng hơi hơi. Nhưng không phải là do chúng ta trở mặt nên nó mới vậy à?"
"Bà cứ làm như trước kia bà tốt với nó lắm mà trở mặt."
"Tôi có ác cũng không ác bằng ông. Tôi nghĩ nó thay đổi là vì ông."
Ông Sinh suy nghĩ một lúc, rồi cuối cùng đứng dậy với vẻ mặt hưng phấn. Dường như ông vừa khám phá ra một điều gì đó. "Tôi cần phải làm một thí nghiệm."
"Thí nghiệm gì cơ?" Bà Tuyết nhìn chồng mình đầy khó hiểu.
"Thí nghiệm phân tách hợp chất."
"Hợp chất? Sao mà ông nói khó hiểu thế?"
"Tôi đồ rằng trong thân xác của con Ngọc là một người khác. Tôi muốn biết kẻ đó là ai!"