Tôi chỉ mới biết chuyện đó vài ngày trước vụ tai nạn. Không cần đến que thử thai – tôi dư biết các dấu hiệu như căng ngực, buồn nôn khi ngửi thấy một số mùi và tình trạng mệt mỏi. Nhưng tôi chưa có dịp thông báo cho Benny. Nils liên tục bị đau tai, còn tôi như sống trong một màn sương mờ mịt chẳng thấy tương lai.
Làm sao tôi lại dính bầu cơ chứ?
Tôi tin chuyện đã xảy ra vào đêm Giáng sinh. Chuyện chăn gối của chúng tôi đã trở nên khá phập phù với sự hiện diện của hai đứa trẻ trong nhà. Chúng tôi phải từ bỏ những màn dạo đầu kéo dài, vì biết bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt ngang do thằng Arvid muốn đi vệ sinh, ngay cả khi thằng bé không thông báo thì trong đầu chúng tôi vẫn luôn nghĩ tới chuyện đó. Cả hai chúng tôi đều muốn cán đích nhanh chừng nào tốt chừng ấy.
Nhưng hôm Giáng sinh thì cả hai thằng đều lăn quay ra ngủ từ lúc chín giờ tối, do quá mệt. Tôi vào giường trong một chiếc áo ngủ khiêu gợi bằng ren màu đỏ đặt mua qua bưu điện. Đó là món quà Giáng sinh của Benny. Lần đầu tiên kể từ khi tôi cai sữa, mắt anh tròn xoe như hai hòn bi. Và sự nhiệt tình của anh có sức lây lan cực mạnh. Giả sử ông già Noel có đích thân chui ống khói vào nhà cùng với túi quà và đàn tuần lộc thì bọn tôi cũng chẳng hay biết. Chúng tôi cũng quên sạch sẽ tất cả những thứ thuộc về kiến thức tránh thai. Quên hoàn toàn.
Trong những ngày Arvid nằm bệnh viện, tôi đã cất chuyện đó vào một góc kín trong đầu, như thể đó là một mối đe dọa, một phần cũng vì Benny. Trong giai đoạn đó tôi không thực sự tỉnh táo, nếu không, chắc tôi đã tha thứ cho Benny. Nhưng các cảm xúc của tôi cứ trơ lì ra, những cơn buồn nôn và sự mệt mỏi kiệt quệ chỉ càng làm tình hình tồi tệ thêm. Tôi đã phải đấu tranh rất dữ dội để không nói thẳng vào mặt Benny tôi căm hờn anh ta đến mức nào. Mỗi khi số điện thoại của anh ta hiện lên trên màn hình di động, một làn sóng ghê tởm lại tràn qua người tôi, từ đầu đến chân. Benny đê tiện! Tôi không bắt máy.
Anh ta vẫn đến bệnh viện, nhưng chỉ nhìn thấy chiếc áo khoác của anh ta trong hành lang là bụng tôi đã quặn lên rồi. Khi Arvid được xuất viện, khi tôi nhận ra chúng tôi đã giữ được mạng sống của thằng bé và mọi thứ “bình thường” trở lại, tôi như bị bóng tối chụp xuống đầu. Tôi đã bật khóc nức nở.
Tôi phải quyết định thôi.
Liệu tôi có đủ sức lực để đẻ thêm một đứa thứ ba, gần với hai đứa lớn đến thế? Nhất là khi cần phải chuyên tâm chăm sóc Arvid trong giai đoạn phục hồi, còn Nils thì cứ đau tai liên tục? Chưa kể tôi phải đi làm toàn thời gian ở thư viện và phụ giúp Benny mỗi dịp cuối tuần? Một cái thai nặng nề và mệt nhọc giữa mùa hè, cộng với cả núi công việc ở nông trại và hai đứa con còn quá bé?
Tôi không thể hỏi ý kiến Benny. Tôi biết trước anh ta sẽ nói gì. Mỗi khi tôi lo sợ bị dính bầu, anh ta luôn nói:
“Thêm một đứa thì càng hay chứ sao! Trong nhà anh, trẻ con luôn được chào đón! Việc nhà nông cần nhiều lao động mà!”
Nói thì hay lắm!
Không, tôi chỉ muốn hét lên, không thể có thêm một đứa con nữa khi chúng tôi còn chưa đáp ứng được yêu cầu của hai đứa hiện tại. Tôi muốn chăm sóc thật tốt thằng Arvid mà tôi suýt đánh mất. Và nếu Rowan là “nhà anh”, thì nhà tôi đâu? Tôi tồn tại phải chăng chỉ để đẻ thêm người lao động cho nông trại của anh? Bọn trẻ cũng cần người chăm sóc chứ, trong khi tôi chỉ có hai tay.
Một sự im lặng khủng khiếp bao trùm lên mọi thứ khi chúng tôi về nhà. Nhiều lần tôi mở miệng định bàn chuyện đó với Benny, nhưng rồi lại thôi. Vì tôi biết anh sẽ lại ca bài ca con cá. Chúng tôi đã từng tranh luận với nhau về chuyện đó. “Anh biết không Benny, chăm sóc trẻ con mệt mỏi lắm, em không biết liệu mình có đủ sức hay không nữa!”, “Xời, càng đông càng vui chứ sao! Chỉ là thêm một cái đĩa ăn thôi mà! Còn quần áo thì chúng ta có hàng đống, nệm ghế xe hơi cũng còn chưa cũ, có gì mà phải lo?”
Nếu tôi còn ngần ngừ thì Benny sẽ bồi thêm: “Này, em đặt sự nghiệp lên trên tất cả hay sao? Hay em cảm thấy chúng ta đi xem opera quá ít?”
Tôi cảm thấy bất công đến nỗi chỉ muốn túm tóc anh ta mà gí xuống sàn bếp. Nhưng thật tình mà nói, không phải lúc nào công việc nhà cửa cũng nặng nề. Nhất là những buổi tối muộn, khi Benny mệt mỏi bước vào nhà, tai còn ong ong tiếng máy kéo. Những lúc ấy anh ta sẽ thấy tôi sung sướng như trên thiên đường. Hai thằng bé con đã ngủ, mùi thức ăn thơm phức, mọi thứ bình yên, bếp núc gọn ghẽ, máy rửa bát vận hành trong tiếng khuấy nước êm ái. Benny có thể tắm rửa rồi duỗi người trên ghế xalông với tờ báo và lon bia trong tay. Tờ báo mà tôi chẳng bao giờ có thời gian để đọc trừ những lúc ở thư viện, lon bia mà tôi phải khệ nệ khuân về nhà trong những túi hàng nặng trĩu… Khi anh đọc đến trang thể thao thì tôi đã kịp tống quần áo vào máy giặt, lấy chúng ra và đem phơi. Thỉnh thoảng, khi anh đọc đến mục ô chữ ở trang cuối cùng thì tôi ngồi xuống bên cạnh và sửa lại vài món quần áo cho con. Nếu không tôi sẽ vào bếp chuẩn bị thức ăn cho bữa trưa hôm sau.
Benny chẳng bao giờ hiểu được. Anh không biết tôi làm việc quần quật như thế nào, vì “công việc nội trợ” chỉ thể hiện rõ ràng khi đã được làm xong.
Khi hai đứa con cùng khóc một lượt và tất cả mọi chuyện nháo nhào, khi tôi về đến nhà trong tình trạng thở không ra hơi, với chiếc xe đẩy được lắp thêm ghế phụ, các túi hàng đầy ứ, đầu đau như búa bổ và bữa ăn phải xong xuôi trong vòng nửa giờ… những khi đó anh đâu có mặt. Khi tôi chẳng kịp cởi áo khoác để lao thẳng vào bếp, khi tôi không có cả thời gian để đi vệ sinh vì phải chăm cho bọn trẻ trước… những khi đó anh cũng chẳng bao giờ xuất hiện.
Anh có hiểu đâu. Vậy thì việc gì phải làm nặng thêm trách nhiệm của mình?
Thế là tôi đặt hẹn để bỏ thai.