Có một loại người, bẩm sinh đã có một thứ khí chất thanh cao tinh khiết xuất trần, cho dù kẻ đó ba ngày không rửa mặt, sáu ngày không tắm, mười hai ngày không thay tất, uống nước suối lê la quán bên đường hay ngủ dưới gốc cây, người đó trông cũng sạch sẽ hơn kẻ ngày nào cũng tắm ba lần, ngày nào cũng thay đồ bốn lần, lúc nào cũng giữ mình sạch sẽ.
Vương Tiểu Thạch là người như thế.
Đương nhiên ngày nào gã cũng tắm rửa. Nếu không tiện, đôi khi lười biếng, một hai ngày không tắm cũng chẳng phải việc lạ. Gã từng ăn khắp các danh lâu trà quán, nhưng lại thích quán nhỏ ven đường, thích dùng khăn lông khô của người khác, mặc đồ cũng phải bảy tám ngày mới thay ra, nhưng người ta có cảm giác làn da gã lúc nào cũng sáng bóng mà căng tràn, tươi tắn nổi bật, quần áo sạch sẽ chẳng nhuốm bụi trần, nhàn nhã tuấn tú, tinh sạch như một cây sen trắng.
Nếu gã là sen, thì Bạch Sầu Phi lại tựa như mây trắng, Vương Tiểu Thạch gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, còn Bạch Sầu Phi thì sạch sẽ đến nỗi cả trần tục cũng chẳng nhuốm.
Vương Tiểu Thạch đương nhiên không loạn.
Có một loại người, thường ngày hi hi ha ha, tựa như một đứa trẻ vậy, nhưng khi xảy ra chuyện, người khác càng loạn thì kẻ ấy càng trấn tĩnh, thực sự có thể đạt đến mức lâm nguy không loạn, gặp biến chẳng kinh, vững chãi như núi, Thái Sơn đổ sập trước mặt mà chẳng hề biến sắc.
Hoạn nạn không chỉ có thể thấy chân tình, đồng thời cũng có thể thấy bản sắc.
Vương Tiểu Thạch là người như thế.
Thậm chí, có lúc, nhìn bề ngoài có thể gã cũng tỏ ra kinh hoàng sợ hãi như người thường, nhưng trong lòng đã có cách đối phó, sợ hãi cũng chỉ là một kiểu che đậy của gã mà thôi.
Gã là người có bản sắc.
Lớp vỏ ôn hòa của gã, chứa đựng một trái tim kiên định như nham thạch.
Nếu ý chí của gã như nham thạch, thì ý chí của Bạch Sầu Phi tựa như một quả núi lớn.
Tâm chí của Vương Tiểu Thạch kiên vững nhưng chẳng đụng chạm tới ai, còn Bạch Sầu Phi thì cứng rắn đến mức khiến người ta phải kinh sợ.
Nhưng, Vương Tiểu Thạch lại rất rối.
Thực sự rất rối.
Rối như một mớ tơ vò.
Đương nhiên, cho dù là ai, sau khi đại chiến với Diệp Kỳ Ngũ và Tề Văn Lục mà chỉ có thể quần áo xốc xếch, chứ lòng không rối, cũng chẳng mất mạng, trên giang hồ, trong Kinh thành, tổng cộng chỉ có vài người.
Trong vài người này, vốn không hề có tên Vương Tiểu Thạch.
Nhưng sau khi trải qua trận này, tên của Vương Tiểu Thạch đã được viết vào tấm bảng đó.
Từ xưa đến nay, người có tài năng đều biết bày tỏ bản thân mình, đều muốn trổ tài, hơn nữa được người ta chú ý. Muốn người ta chú ý, thì phải đứng lên vũ đài, hơn nữa phải để đèn đuốc chiếu vào mình, như thế mới khiến người ta để mắt tới, nếu không, cho dù ngươi biểu diễn hoặc biểu hiện có tốt hơn cũng chẳng ai biết. Cho nên, trước tiên phải thành danh, có nhiều cách thành danh: có người dùng hành động và lời nói kỳ khôi để lấy lòng đám đông, có người đón lấy trào lưu để chiều sở thích của đám đông, có người liều lĩnh lật đổ quyền oai để lập oai, có người bất đắc dĩ, không muốn trổ tài cũng không được.
Vương Tiểu Thạch chính là hạng người cuối cùng.
Gã đã ác chiến một trận cùng Tề Văn Lục và Diệp Kỳ Ngũ.
Gã không muốn thế.
Gã bị ép buộc.
Bởi vì thanh y văn sĩ đã rút kiếm của gã.
Kiếm của kiếm thủ, chính là tính mạng của hắn.
Thanh y văn sĩ rút kiếm của gã, cầm bằng như lấy mạng gã.
Vương Tiểu Thạch không muốn chết.
Gã không muốn chết thì chỉ đành phản kháng.
Thanh y văn sĩ vừa rút kiếm, đã ra tay, nói: “Ta dùng văn chương để dạy kiếm pháp cho ngươi!”
Y một kiếm đâm thẳng vào cổ họng Vương Tiểu Thạch.
Vị danh sĩ đội mũ cao đứng yên nhìn, nhưng lại la lên: “Minh nguyệt chiếu cao lâu.”
Vương Tiểu Thạch đột nhiên lật bàn tay, xuất kiếm đỡ Thế kiếm đánh tới.
Trong tay Vương Tiểu Thạch không có kiếm, làm sao rút kiếm?
Gã dùng tay làm kiếm, sử ra Lăng Không Tiêu Hồn Kiếm.
Thanh y văn sĩ kêu “ồ” một tiếng, kiếm pháp khựng lại, tưởng rằng đã trật ra, nhưng vẫn chĩa thẳng vào cổ họng Vương Tiểu Thạch.
Văn sĩ mũ cao nói: “Hay cho Minh nguyệt chiếu cao lâu chuyển thành Minh nguyệt chiếu tích tuyết.”
“Minh nguyệt chiếu cao lâu” vốn là câu thơ trong bài “Thất Ai” của Tào Thực< 1, “Minh nguyệt chiêu tích tuyết” là câu thơ trong bài “Tuế Mộ” của Tạ Linh Vậntr valign=”top”> 2, thanh y văn sĩ một chiêu đánh không trúng, lập tức biến chiêu, biến ảo nhất mực tuyệt diệu, tự nhiên, liền lạc không rời.
Vương Tiểu Thạch biết đối phương chẳng những võ công cao, kiếm pháp giỏi, điều đáng sợ nhất là ở chiêu thức nghiêm cẩn, nhưng chiêu pháp lại diệu như đất trời, kỹ pháp chẳng còn sơ hở. Gã kịp thời đánh ra Cách Không Tương Tư đao, coi như đỡ được nhát kiếm này.
Thanh y văn sĩ lạnh lùng hừ nói: “Được, ngươi lại xem chiêu này.” Y một mặt ngâm dài, tay không hề rảnh rỗi: “Đào quân văn tư, quý tại hư tịnh; sơ thược ngũ tạng, táo tuyết tinh thần. Tích học dĩ trữ bảo, chước lý dĩ phú tài, nghiên duyệt dĩ cùng chiếu, huấn chí dĩ dịch từ.”
Trong tiếng ngâm dài, y đã công ra sáu chiêu.
Sáu chiêu, ba trăm mười lăm thức.
Vương Tiểu Thạch bị chiêu thức bao trùm.
Gã hầu như không phá giải được.
Gã biết thanh y văn sĩ đang đọc “Thần Tư Thiên” của Lưu Ngạn Hòa 3. “Thần Tư Thiên” chủ yếu nói về đạo tu dưỡng tâm thần. Phân tích sự giao cảm giữa tư tưởng và ngoại vật, từ đó tạo ra ý tưởng văn chương. Nhưng những đạo lý sáng tác văn chương này, đối với thanh y văn sĩ lại trở thành chiêu thức võ công.
“Đào quân văn tư, quý tại thư tịch”, ý nói muốn ấp ủ ý văn trước tiên phải để lòng trống rỗng mới tiếp nhận được sự vật, tĩnh lặng quan sát sự vật, đó chính là cách rèn luyện của kẻ làm văn.
“Sơ thược ngũ tạng, táo tuyết tinh thần”, tức là phải tẩy rửa tâm hồn, để đạt đến cảnh giới trống rỗng và tĩnh lặng.
“Tích hợp dĩ trữ bảo”, ý nói phải tích lũy kinh nghiệm và tri thức.
“Chước lý dĩ phú tài”, có nghĩa là rèn luyện khả năng phân tích, suy ngẫm bằng phương thức phù hợp với nguyên tắc.
“Nghiên duyệt dĩ cùng chiếu”, có nghĩa là phải phát huy và tận dụng kinh nghiệm trong cuộc sống, nghiền ngẫm điều nghe được, điều thấy được để vun bồi khả năng quan sát.
“Huấn chí dĩ dịch từ”, có nghĩa là nên rèn luyện phong cách viết văn, mới có thể nắm vững được ngôn ngữ văn chương.
Đó là sáu bí quyết lớn để sáng tác văn chương, nhưng lại trở thành sáu chiêu kiếm kín như áo trời, chẳng gì xen vào nổi, chẳng có sơ hở, liên miên không ngớt.
Trong lưới thiên la địa võng của màn kiếm quang này, Vương Tiểu Thạch xông không được, phá không rách, vùng vẫy cũng không ra.
Gã tay kiếm trái, tay phải đao.
Gã một mạch sử ra sáu đao, đạp, phá, hạ, lan, sơn, khuyết. Sáu đao vừa xuất, vẫn không phá nổi kiếm võng, vẫn không thoát được kiếm chiêu.
Gã lập tức lại sử ra sáu kiếm.
Mãn, tọa, y, quán, tự, tuyết.
Tiếp theo, tay phải gã lại sử ra sáu đao: “mộng, đoạn, cố, thích, sơn, xuyên”, tay trái thi triển sáu kiếm: “tế, khán, đào, sinh, vân, diệt”.
Hai mươi bốn thức vừa sử qua, đao kiếm hợp lại, sử ra “kim, cổ, kỷ, nhân, tăng, hội”, và “nhất, thời, đa, thiểu, hào, kiệt”!
Sáu sáu ba mươi sáu kiếm đao tề xuất, hợp lại chính là: “Mãn tọa y quán tự tuyết, đạp phá Hạ Lan sơn khuyết, Nhất thời đa thiểu hào kiệt, Mộng đoạn cố quốc sơn xuyên, Kim cổ kỷ nhân tằng hội, Tế khán đào sinh vân diệt 4!”
Sáu câu này là những câu từ nổi tiếng do danh tướng văn thao võ lược đương triều sáng tác, khi vào tay Vương Tiểu Thạch, sáu câu ý tứ hùng tráng, vận dụng vào cả đao lẫn kiếm, thể hiện khí thế hào hùng, kiếm pháp nghiêm mật của thanh y văn sĩ lập tức bị phá vỡ.
Thanh y văn sĩ cũng quát một tiếng “hay”, kiếm không ngừng, lại tiếp tục tấn công, nói: “Sử kiếm cũng như làm văn, ngươi hãy xem nếu văn chương mà ý thâm từ chí, hy thành lưu di, văn đồng thư sao, câu luyến bổ nạp thì thế nào!”
Khi lời nói hết, kiếm đã quét ra.
Kiếm chiêu đã thành.
Kiếm lộ tung hoành.
Tử lộ.
Văn thái phong lưu, nhưng mỗi chiêu đều có bại bút.
Mỗi bại bút đều là kiếm chiêu sát nhân.
Vương Tiểu Thạch không phá được.
Nếu bốn chiêu kiếm này đánh ra đến mức hoàn mỹ vô khuyết, gã vẫn có thể kiềm chế rồi phản công, thậm chí địch nhân mạnh gã càng mạnh hơn, rồi thể nào cũng phá được, nhưng nay chiêu kiếm này khác hẳn với sáu chiêu kiếm lúc nãy: bốn chiêu kiếm này chứa đầy khuyết điểm.
Khuyết điểm này nằm toàn ở chỗ chí mạng, ở nơi tuyệt diệu không thể phá được. Bởi vì địch thủ đã phá thế cục của mình trước rồi.
Phá không được.
Cờ đánh tới đây, đã là cờ chết.
Cờ chết thì phải nhận thua.
Trên đời có những ván cờ không thể phá được.
Cuộc đời sống đến đây, chi bằng chết cho xong.
Con người sống ở trên đời, có những ván cờ không thể không phá, có những ván cờ không thể được thua.
Vương Tiểu Thạch đột nhiên tỉnh ngộ.
Kiếm chiêu mà thanh y văn sĩ vừa sử ra, chính là những tệ đoan trong văn chương được Chung Trọng Vĩ 5 viết trong “Thi Phẩm”: “Ý thâm từ chí”, ý muốn nói văn chương sâu sắc mà tối nghĩa.
“Hy thành lưu di”, vốn còn có một vế nữa là “văn vô chỉ bạc”, ý muốn nói văn chương rời rạc, không nghiêm cẩn, hành văn lỏng lẻo, không có chủ đề chính. “Văn đồng thư sao” vốn nguyên cả câu là: “văn chương đãi đồng thư sao”, ý muốn nói dùng điển tích điển cố nhiều quá, chẳng khác gì chép sách vậy. Còn “câu luyến bổ nạp” còn có vế sau là “đố văn dĩ thần”, luyến tức là nắm tay co lại, nạp có nghĩa là thêm vào, đó là mọt ăn gỗ, tức là dùng điển cố quá nhiều, trở nên bó buộc, khép kín, mấy điều này đã trở thành tệ đoan phổ biến của văn chương.
Câu phê bình này vốn nằm trong những chương đoạn khác nhau của “Thi Phẩm”, thanh y văn sĩ tiện tay lẩy ra, biến những câu này thành kiếm chiêu, liên hoành hợp tung, thoải mái tự nhiên, đủ thấy y nắm vững văn chương kiếm pháp, hợp thành một thể, vận dụng đến vô cùng tuyệt diệu, quỷ khốc thần sầu.
Đối phương dùng sự nguy khốn của văn chương biến thành kiếm chiêu, để vây khốn Vương Tiểu Thạch.
Nếu không muốn bị vây khốn, chỉ có cách bất động!
Nếu muốn bất động, chỉ có…
Vương Tiểu Thạch đột nhiên tỉnh ngộ, lập tức buông đao.
Đao đâm thẳng lên trời, tựa như xé toạc bầu trời.
Thanh y văn sĩ đột nhiên ngẩng đầu, chỉ thấy đao thành kiếm, kiếm thành thanh long, rồng bay trên trời.
Nếu trên trời là kiếm, vậy kiếm trong tay mình thì sao?
Trong khoảnh khắc sinh tử, sự sống chết chỉ cách nhau một chớp mắt, sao Vương Tiểu Thạch có thể buông kiếm.
Y vội vàng nhìn thanh kiếm trong tay mình.
Kiếm trong tay không biết đã biến thành đao từ lúc nào rồi.
Thanh y văn sĩ nhất thời kinh hoảng, muốn biến chiêu thì đã muộn rồi.
Cổ của y lạnh ngắt.
Kiếm đã đặt vào cổ của y.
Lúc này y cảm nhận được sự lạnh buốt của lưỡi kiếm.
Sự vô tình của kiếm.
Y không sợ.
Nỗi sợ hãi vẫn chưa xâm chiếm y, nhưng, sự chấn động đã đánh trúng y.
Cơ hồ đánh y ngã quỵ.
Y vẫn chưa kịp sợ.
Y thở dài.
Thở dài kinh hãi.
“Đây là chiêu thức gì?” Thanh y văn sĩ thở dài đau đớn nói: “Tại sao lại dễ dàng phá được ‘Thi Phẩm’ của Chung Vinh và ‘Thần Tư Thiên’ của Lưu Hiệp?”
“Không phá được,” Vương Tiểu Thạch đưa tay hớt lấy thanh kiếm rơi thẳng xuống, nói: “Đây không phải kiếm chiêu, cũng không không phải đao pháp, mà muốn vận dụng linh hoạt phải suy gẫm. Ngươi đương nhiên là biết câu ‘Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai 6’. Câu thơ này độc đáo khác người, ý tứ bất ngờ, phá vỡ quy tắc, lời lẽ trực tiếp. Trong Văn Tâm Điêu Long Lưu Hiệp từng nói, suy xét nhanh nhạy, dứt khoát gọn gàng, cũng từng nói, tài làm văn của mỗi người có nhanh có chậm, chẳng ai giống nhau. Ta không thể bị nhốt trong bố cục của ngươi, chỉ đành dùng Thiên Thượng Lai chi kiếm, kiềm chế ngươi, cũng giống như câu ‘Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai’, hoàn toàn phá vỡ quy cách của thơ, bởi vậy mới độc đáo.” Gã thoáng ngưng lại một chút rồi nói tiếp: “Chương pháp quy luật, không thể trói buộc nổi thiên tài.”
Thanh y văn sĩ toát mồ hôi ròng ròng.
Vị danh sĩ mũ cao cũng chăm chú lắng nghe.
Trong khoảnh khắc Vương Tiểu Thạch nguy cấp, đột nhiên dùng thanh đao trong tay đổi lấy thanh kiếm trong tay của đồng bọn y, phóng kiếm lên khoảng không, khiến địch thủ phân tâm, rồi dùng kiếm chế thắng, lúc đó y muốn xông ra cứu viện, nhưng cũng hoa mắt, không kịp làm gì cả. Từ đó có thể suy đoán được sự kịch liệt trong biến ảo, sự lớn lao trong biến hóa, sự nhanh chóng trong biến động, sự cấp tốc trong biến dị.
Lòng bàn tay y cũng rướm mồ hôi.
Vương Tiểu Thạch lại cười.
Vừa cười thì thu kiếm.
Thanh y văn sĩ ấp úng: “Ngươi… ngươi không giết ta?”
“Tại sao ta phải giết ngươi?” Vương Tiểu Thạch cười cười: “Người sống trên đời, khó tránh có lúc nhất nộ bạt kiếm, nhưng tốt nhất là có thể nhất tiếu thu kiếm.”
Văn sĩ mũ cao bước tới một bước, ôm quyền vái dài mà nói: “Ngươi không giết lục đệ, ta nhận tình nghĩa của ngươi, nhưng ta vẫn muốn thỉnh giáo ngươi!”
Vương Tiểu Thạch khẽ khì một tiếng, nói: “Thật ra hai vị không cần phải giấu nữa…” Gã ôm quyền nói với hai người: “Cô Sơn Phóng Hạc Diệp Kỳ Ngũ Diệp huynh, Văn Vô Đệ Nhất Tề Văn Lục Tề huynh, Vương mỗ đã mạo phạm rồi.”
Thanh y văn sĩ và văn sĩ mũ cao đưa mắt nhìn nhau.
“Bọn ta cũng không gạt được ngươi.”
Diệp Kỳ Ngũ nói: “Ngươi đã biết bọn ta là ai, trận chiến này càng không thể không đánh.”
Vương Tiểu Thạch ái ngại nói: “Ván cờ Phi Lưu Trực Hạ, Bình Địa Phong Lưu của Diệp ngũ ca thật sự là võ lâm nhất tuyệt, tại hạ không sánh bằng, khỏi cần phải tỉ thí nữa.”
Vương Tiểu Thạch nói rất khiêm nhường, Diệp Kỳ Ngũ lại chẳng chịu, nói: “Ngươi đừng quá khiêm nhường, hôm nay chúng ta không tỉ thí ám khí quân cờ với sỏi.”
Vương Tiểu Thạch ngạc nhiên: “Vậy tỉ thí cái gì?”
Diệp Kỳ Ngũ nghiêm nghị nói: “Tỉ thỉ đánh cờ.”
Vương Tiểu Thạch ngạc nhiên: “Ở đây làm gì có cờ?”
Diệp Kỳ Ngũ lớn giọng ngâm: “Trời là cuộc cờ, đất là bàn cờ, ta với ngươi chính là quân cờ.”
Vương Tiểu Thạch lắc đầu nói: “Bây giờ đánh cờ tốn thời gian, sao Diệp huynh không đợi lúc khác, uống trà đọ cao thấp, lúc đó, tại hạ nhất định sẽ chiều theo…”
Diệp Kỳ Ngũ vừa nghe Vương Tiểu Thạch có ý muốn đi, lập tức quát lớn:
“Hừ! Cờ đã bày xong, ai cho ngươi không đánh!” Lời vừa xuất ra, chiêu thức đã phát ra.
Y xuất thủ, xem ra có vẻ bình thường không có gì lạ lùng. Vương Tiểu Thạch thấy chiêu phát chiêu, thấy chiêu phá chiêu; gặp chiêu đọ chiêu, gặp chiêu tiếp chiêu. Mười mấy chiêu trôi qua, đột nhiên phát hiện:
Bộ pháp của Diệp Kỳ Ngũ, tựa như đánh cờ vậy, lúc thì xa nhất bình chi, lúc thì tướng lục bình ngũ, lúc thì mã lục thối tứ, lúc thì binh thất tiến nhất, lúc thì pháo nhị tiến sáu.
Có những chiêu y chưa phát, chỉ dẫn ra; có những chiêu y phát rồi, nhưng chỉ là hư. Trong mười mấy chiêu ngắn ngủi, tựa như đã đánh ra mấy đòn: “Nhẫn chước”, “Đẳng chước”, và “Hiểm chước”, “Sát hình” đã bày, “Sát thế” đã định mà “Sát cục”cũng thành hình rồi.
Còn Vương Tiểu Thạch lại lâm vào thế “Tàn cục”.
1. Tào Thực (192-232), tự là Tử Kiến, khi mất có tên thụy là Tư, nên còn được gọi là Trần Tư Vương. Ông là một nhà thơ nổi bật nhất trong số văn nhân thời Kiến An.
2. Tạ Linh Vận (385-443), cháu nội Tạ Huyền, là một nhà thơ rất nổi tiếng thời Lưu Tống.
3. Tức Lưu Hiệp (465-520 hoặc 521 CN), tự Ngạn Hòa, người nguyên quán ở Huyện Cử – Quảng Đông (nay là Huyện Cử – Tỉnh Sơn Đông). Ông là một nhà lý luận văn học nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, tác phẩm Văn Tâm Điêu Long của ông đến nay vẫn được coi là một điển mẫu trong phê bình văn chương cổ đại Trung Quốc.
4. Sáu câu này thực ra được trích lục từ sáu bài từ khác nhau ở các thời kỳ khác nhau. Tiêu biểu có: ‘Mãn Giang Hồng’ của Nhạc Phi, ‘Niệm Nô Kiều – Xích Bích Hoài Cổ’ của Tô Đông Pha…
5. Tức Chung Vinh, một nhà lý luận văn học nổi tiếng ngang với Lưu Hiệp. Tác phẩm ‘Thi Phẩm’ của ông, cùng với ‘Văn Tâm Điêu Long’ của Lưu Hiệp được một số nhà nghiên cứu tôn lên vị trí sơ tổ của việc luận văn luận thơ.
6. Câu trong bài ‘Tương Tiến Tửu’ của Lý Bạch.