Thư gì cơ?
Không phải vẽ một bức tranh tặng mẹ à? Cậu… vẽ rồi đó thôi.
Cậu muốn vẽ cái này.
Muốn nói với mẹ rằng, giờ cậu sống rất tốt, lại có người hầm canh cá cho cậu uống rồi.
Còn thư với từ gì nữa?
Cậu không muốn viết đâu.
Tiệm giày chợt chìm trong một khoảng lặng xấu hổ, Hà Khiêm lại bắt đầu nảy sinh cảm giác hoang mang bối rối như lần trước. Nhưng Nhiếp Chấn Hoành hình như đã nhận ra điều mà Lâm Tri giữ trong lòng không nói thành lời.
“Khụ, ờ ờm… Lão Hà này.”
Nhiếp Chấn Hoành nâng tay khoác lên vai Hà Khiêm, kéo anh ta ra ngoài.
Chờ đến lúc ra tới bên ngoài, cảm thấy cậu nhóc bên trong không nghe được nữa, anh mới ngẫm nghĩ rồi mở miệng.
“Chuyện là vầy anh ạ.
“Mẹ của Lâm Tri… đã qua đời rồi.”
Nhiếp Chấn Hoành cũng không muốn lấy chuyện buồn của cậu nhóc ra làm đề tài bàn tán, nên chỉ đề cập một câu vậy thôi.
“Em nó, cũng muốn tặng cho mẹ một món quà nhân Ngày Của Mẹ.
“Nên hôm đấy nghe được số tới của tạp chí bên anh là số đặc biệt nhân Ngày Của Mẹ, em nó cũng có suy tính riêng.
“Bức tranh này, giống như lời mà em nó muốn gửi gắm tới mẹ. Cũng không khác gì những bức thư các bé gửi mẹ trong chuyên mục của anh đâu.
“Chỉ khác ở phương thức truyền tải mà thôi.”
Câu này rất uyển chuyển, nhưng cũng giải đáp được một phần câu hỏi ban nãy của Hà Khiêm.
Mấy ngày nay ngồi cạnh xem Lâm Tri vẽ tranh, thật ra Nhiếp Chấn Hoành đã dần phát hiện có vẻ cậu nhóc không vẽ cảnh tượng nằm trong lá thư của các độc giả nhỏ tuổi, nhưng anh cũng không nói rõ cho Lâm Tri sửa lại.
Cũng giống việc Nhiếp Chấn Hoành có bộ dụng cụ và phương pháp riêng để sửa giày, tuy bình thường anh hay lén gọi Lâm Tri là nhóc này nhóc kia trong lòng, nhưng về lĩnh vực hội họa, Nhiếp Chấn Hoành cho rằng Lâm Tri đã là một người trưởng thành giỏi giang rồi.
Kẻ ngoại đạo như anh không có tư cách chỉ điểm thuyết giáo.
Chẳng qua, Nhiếp Chấn Hoành phát hiện bản thân mình yên tâm vẫn hơi sớm. Ngoài chuyện vẽ tranh, cậu người lớn này lại hóa thành một đứa trẻ vừa ngốc vừa lơ ngơ, còn chưa nghe rõ lời dặn của người ta, mà đã chăm chăm vẽ rồi.
Còn Hà Khiêm thì, sau khi cân nhắc lời Nhiếp Chấn Hoành nói mấy lần, cuối cùng anh ta cũng hiểu.
Thế, thế, thế này thì… Nội dung trong bức tranh của cậu họa sĩ đa sầu đa cảm kia hoàn toàn không đúng với yêu cầu mà anh ta nhắc đến rồi!
“Thật ra em đã xem mấy chuyên mục khác của báo anh rồi, tranh minh họa không nhất thiết phải giống hoàn toàn với nội dung bài viết mà.”
Nhiếp Chấn Hoành quan sát biểu cảm của Hà Khiêm, vừa đưa một điếu thuốc cho anh ta, vừa nói tiếp, “Dù sao cũng hợp chủ đề, anh xem…”
Hà Khiêm cười khổ, anh ta thuê vẽ tranh minh họa, chứ có phải tranh tự do đâu!
“Ông chủ Nhiếp, không gạt chú chứ.”
Anh ta nhận thuốc lá, châm điếu, “Bức họa của Tiểu Lâm đúng là đẹp thật, cũng rất hợp với chủ đề của kỳ này. Nhưng trước đây tôi đã bảo chú rồi đấy… dù sao đây cũng là biện pháp chữa cháy, tôi đang bị nhòm ngó nhiều lắm.”
Anh ta rất lấy làm đau đầu rít điếu thuốc, rồi lại thở hắt ra, “Dưới tôi có đứa phó tổng biên tập, kiểu sắp lên chức đến nơi, giờ tôi lại chiếm ghế của người ta. Vụ thiếu người phải bổ sung gấp lần này, cũng có liên quan đến gã ta.
“Người ta đang chờ xem tôi trở thành trò cười đây, chú nói coi, tôi mà mang một bức tranh hoàn toàn không liên quan đến nội dung chuyên mục về, thì có qua cửa được không?”
Biết được tiền căn hậu quả, Nhiếp Chấn Hoành cũng hiểu cho nỗi khó xử của Hà Khiêm. Nhưng ngoái đầu lại liếc Lâm Tri còn đang ngoan ngoãn ngồi trong phòng chờ họ, anh lại chẳng muốn làm cậu nhóc thất vọng tẹo nào.
Cắn điếu thuốc trăn trở một hồi, Nhiếp Chấn Hoành khởi động lại tư duy làm ăn mấy năm rồi không động đến của mình, một ý tưởng dần nảy ra trong đầu anh.
“Lão Hà, nói thật, anh cảm thấy tranh của Lâm Tri đẹp, hợp tiêu chuẩn của tạp chí bên anh đúng không?” Anh hỏi Hà Khiêm.
Hà Khiêm gật đầu, “Phải, tuy tôi không phải chuyên gia, nhưng bút pháp của cậu ấy đơn giản, đường nét trơn tru, màu sắc cũng hài hòa, chỉ là…”
“Em biết, chỉ là nội dung tranh không hợp với thư trong chuyên mục.”
Nhiếp Chấn Hoành đã hiểu rõ chỗ khiến Hà Khiêm khó xử, nhưng anh lại đổi góc độ khác, hỏi anh ta, “Em nhớ anh từng bảo, số báo tiếp theo còn chưa in đúng không ạ? Những bức thư mà các bé gửi đến cũng chỉ vừa được dàn trang thôi phải không?”
“Ừ, đang ôm cây đợi thỏ chứ còn gì nữa!”
“Vậy nếu có thêm một lá thư, miêu tả cảnh tượng trong bức tranh của Lâm Tri nhà em thì sao?”
Nhiếp Chấn Hoành cắn thuốc lá cười, “Núi không theo mình, mình phải theo núi thôi. Thêm một lá thư ấy mà, trang báo của anh to như thế, nhét vào vẫn vừa mà ạ.”
“Ơ…”
Hà Khiêm nghe Nhiếp Chấn Hoành nói thế thì sửng sốt lắm, “Nhưng tìm đâu ra lá thư ấy bây giờ?”
Thật ra lòng anh ta đã xuôi xuôi, cảm thấy làm theo hướng đấy cũng không tồi, chẳng qua, “Nếu giở trò bịp bợm, nhỡ bị phát hiện thì tôi càng khó giải thích!”
“Sao lại là trò bịp bợm được hở anh!”
Nhiếp Chấn Hoành xua tay, gương mặt ngay thẳng thoạt trông rất đáng tin cậy, “Chỉ là bổ sung thêm một lá thư đến hơi trễ thôi.”
Anh nghiêng người đi, để Hà Khiêm ngoái đầu theo nhìn cậu thanh niên trong phòng.
Bấy giờ Lâm Tri còn đang múa bút, phết mảng màu cuối cùng chưa hoàn thành trên bức họa.
Vẻ mặt cậu thanh niên bình tĩnh, không có biểu cảm gì, thoạt trông hơi lạnh lùng khó gần, ánh mắt lại hoàn toàn chuyên chú và chứa chan nhiệt huyết. Chẳng qua ánh mắt ấy không dành cho người nào khác, mà hướng về tờ giấy vẽ không có sinh mệnh trên bảng vẽ.
Không.
Có lẽ với Lâm Tri, hình ảnh trên bức vẽ, mới là thứ tràn trề sức sống hơn cả.
Không có những ánh mắt ngập tràn ác ý, cũng không mang những lời tàn nhẫn vô tình với cậu. Chúng sẽ mãi mãi lan tỏa ráng màu thân thiện ấm áp nhờ được cậu tạo ra.
“Lâm Tri… tuy đã thành niên, nhưng thật ra vẫn rất ngây thơ, ít trải đời.”
Nhiếp Chấn Hoành cố nhịn, nhưng cuối cùng vẫn châm điếu thuốc trong miệng. Rít mấy hơi, anh mới nói với Hà Khiêm, “Lát nữa em bảo em nó viết một lá thư gửi mẹ. Rồi… coi như đấy là một bài trong chuyên mục của các anh, được không ạ?
“Có thư, còn có tranh minh họa phù hợp nhất… tạp chí của các anh nhất định sẽ bán chạy.”
*
Nửa tháng sau, tạp chí nhi đồng của tổng biên tập Hà Khiêm lên kệ.
Vì nhà xuất bản bên họ được Nhà nước hỗ trợ, còn có quan hệ hợp tác với nhiều trường học, nên tệp độc giả rất lớn. Nhiều giáo viên đặt mua về, nếu có bài viết nào hay, họ sẽ lấy ra làm tài liệu đọc thêm cho các em học sinh.
Hà Khiêm là quan mới nhậm chức, các bài báo đều được sàng lọc cẩn thận, chất lượng không tồi. Thêm nữa, chủ đề của số này rất ý nghĩa, nên được nhiều giáo viên đề cử cho học sinh và phụ huynh mua về đọc. Chỉ trong một tuần ngắn ngủi, doanh số của nó đã bỏ xa đối thủ cùng kỳ, cũng ngăn xu thế giảm doanh thu của mấy tháng vừa rồi.
Hà Khiêm được cấp trên khích lệ thì hừng hực khí thế, ngày nào cũng bận rộn tối tăm mặt mũi. Nhưng anh ta vẫn luôn nhớ đến điềm lành của mình. Một hôm nọ, giải quyết công việc xong sớm, anh ta vui vẻ cầm hai quyển tạp chí thành phẩm chạy đến tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành, nhét cho anh và Lâm Tri mỗi người một quyển.
“Lúc trước bận quá, không có thời gian qua đây gửi tận tay hai chú!”
Anh ta còn xách theo túi quà cho Lâm Tri nữa. Đợt trước tặng màu, đợt này anh ta mua một xấp giấy vẽ.
Chẳng qua lần này, cậu họa sĩ lại không ân cần chạy tới nhận ngay.
“Nhận đi! Anh được nhờ bao nhiêu phước từ tranh của cậu, chút quà mọn này có đáng gì đâu!” Hà Khiêm nằng nặc đòi nhét quà vào tay Lâm Tri.
Lâm Tri giấu hai tay sau lưng, lắc đầu, “Không cần đâu. Em đủ rồi.”
Mấy hôm trước anh Hoành mới đưa cậu đi mua nhiều giấy và cọ lắm, đủ cho cậu dùng hơn nửa năm ấy!
Lâm Tri không hiểu đạo lý đối nhân xử thế, nhưng cậu vẫn có cách hành xử riêng với người thân kẻ lạ. Ví dụ đồ mà Nhiếp Chấn Hoành mua cho cậu, cậu có thể vui vẻ nhận ngay, nhưng những người khác thì không được. Trước kia cậu vẽ tranh cho người này, nên nhận màu cũng chẳng sao. Giờ tranh đã xong rồi, cậu không cần những thứ khác nữa.
Mẹ bảo, không được nhận quà bừa bãi của nhà người.
Mình không đáp trả được.
“Cứ nhận đi. Không sao đâu.”
Nhiếp Chấn Hoành đứng một bên, chủ động quyết định giúp Lâm Tri.
Thấy cậu nhóc nhìn về phía mình như dò hỏi, Nhiếp Chấn Hoành cười, đỡ gáy cậu, để mắt Lâm Tri quay về hướng bìa quyển tạp chí mà Hà Khiêm lấy ra.
“Chưa báo trước mà đã lấy tranh của nhà mình làm trang bìa rồi, nên đây là quà bồi thường cho em đấy.”
Sắc nâu ấm áp ngập tràn trang bìa quyển tạp chí, rõ ràng là bức tranh của Lâm Tri.
Nó đã thay thế bó hoa tươi thắm trên bản in mẫu trước đó.
“Hề hề, khi sếp tổng bên tôi kiểm duyệt bản thảo cuối, thấy bức tranh minh họa của Tiểu Lâm, ổng càng xem lại càng ưng đấy.”
Hà Khiêm nhắc đến chuyện này thì cũng vinh dự lây. Anh ta có cảm tưởng mình cũng giống Bá Nhạc, biết đâu là Thiên Lý Mã, mắt cứ gọi là tinh thôi rồi.
(Tích Bá Nhạc tìm Thiên Lý Mã, chỉ người biết chọn nhân tài: Link tìm hiểu.)
“Ổng bảo cảnh tượng thế này sẽ dễ khiến mọi người đồng cảm hơn. Bất kể là con hay là mẹ, gần như bất cứ ai ngắm bức tranh này, đều sẽ thực sự cảm nhận được tình thương của mẹ là gì. Sau này bên tôi thảo luận mấy lần, cuối cùng mọi người nhất trí đồng ý chuyển qua sử dụng bức tranh này làm tranh bìa!”
Nói một hồi, Hà Khiêm mở túi xách ra, lấy một phong bì dày cộp ra từ trong đó.
“Tiền nhuận bút đây.”
Anh ta nhét cả nó lẫn quà vào tay Lâm Tri.
“Anh đã lấy mức cao nhất cho cậu rồi đấy,” Hà Khiêm cười tủm tỉm ban ơn để lấy lòng Lâm Tri, “Về sau có cơ hội lại hợp tác nhé!”
Thật ra bây giờ hầu hết mọi người đều nhận nhuận bút qua chuyển khoản online, hiếm có người lấy tiền mặt. Nhưng Nhiếp Chấn Hoành cố ý nhờ Hà Khiêm từ trước, phiền anh ta nếu bản thảo được duyệt, thì nhất định phải trả nhuận bút cho Lâm Tri bằng tiền mặt.
Trước kia Hà Khiêm còn không hiểu tại sao phải phiền toái như thế.
Nhưng giờ đây, nhìn khuôn mặt xinh trai lạnh te của cậu thanh niên dần trở nên sinh động, nhất là khi mở phong bì ra, nhìn thấy số tiền trong đó, Hà Khiêm rốt cuộc cũng hiểu rõ nỗi khổ tâm của Nhiếp Chấn Hoành.
Đôi lúc, tiện lợi và nhanh chóng cũng không phải là hay.
Khi coi tiền là một con số, người ta sẽ dần đánh mất sự tôn trọng và kính sợ với nó.
Thành quả mà mình phải lao động vất vả cần cù mới đạt được luôn nặng trĩu. Nâng niu trên tay, ta càng có thể cảm nhận được niềm vui gặt hát, và cả cảm giác thành tựu quý giá khó lòng miêu tả nổi.
Giống như đôi má lúm đồng tiền của cậu họa sĩ bây giờ.
Chúng như hai quả hồng be bé đậu ở đầu cành, chỉ mới nhìn thôi mà đã thấy ngọt mềm quá đỗi.
—
Nha Đậu:
Thư Chít Chít viết cho mẹ ——
Mẹ ơi, con lớn rồi.
Biết nhè xương, biết cả gặm đầu cá nữa.
Con muốn để dành phần thịt bụng cá cho mẹ ăn, nhưng mẹ không còn nữa, giờ có người để phần thịt đó cho con rồi.
Anh ấy tốt lắm, sau này con muốn san sẻ một nửa thịt cá cho anh ấy.