“Bông?” Nhiệt Hợp Mạn biết ý đồ của Nhiếp Chấn Hoành thì xua tay liền, “Không có không có, chú lấy của tôi hết rồi còn đâu!”
“Thì bác bỏ thêm ra đi!” Nhiếp Chấn Hoành cười mắng, “Lần trước xe tải hàng về, chính em dỡ giúp bác chứ ai, bác đừng tưởng em không thấy bao hàng tặng to đùng ấy nhé!”
Nói đoạn, Nhiếp Chấn Hoành lại giơ tay xoa đầu cô bé tóc xoăn đang nằm trong lòng Nhiệt Hợp Mạn, “Vả lại, dù có hết cũng không phải tại em, bé Y Na nhà mình mới là quân chủ lực đây này.”
“?” Y Na nghe thấy tên mình, thì dừng việc bện vòng hoa với đứa bạn, ngẩng đầu nhìn về phía chú Nhiếp ở đối diện.
“Y Na, con nói cho chú nghe con lấy bông làm gì được không?” Nhiếp Chấn Hoành cười tủm tỉm hỏi.
Nhiệt Hợp Mạn vừa nghe đã biết phen này toi rồi. Quả nhiên, Y Na nghe thấy từ “lấy bông” là y như được gạt công tắc hưng phấn, con bé nhảy xuống khỏi người bố, chạy lon ton vào buồng trong.
Nhiếp Chấn Hoành không hiểu mô tê gì cả, Nhiệt Hợp Mạn còn chưa kịp giải thích thì đã thấy con mình tung tăng chạy ra.
Còn ôm một con mèo bông béo ú trong lòng.
Bảo con mèo béo, là vì nó béo thật.
Con mèo mà Y Na ôm phải to gấp đôi thú bông bình thường, gần như che hết nửa người cô bé. May mà nó có vẻ không nặng, con bé ôm nó cũng không tốn sức.
“Úi chà, Miu Miu!”
Cam Khả Khả hiển nhiên cũng từng diện kiến con thú bông này. Thấy bạn ôm mèo béo ra, thì bé cũng chạy theo, cầm cái đuôi bự chảng của con thú bông để nghịch chơi.
“Đây này,” Nhiệt Hợp Mạn chỉ vào món đồ chơi trong lòng Y Na với vẻ bất lực, nói với Nhiếp Chấn Hoành, “Gần như tất cả đều ở trong bụng nó rồi đấy.”
Vừa dứt lời, hai người đàn ông lại thấy Y Na nhón mũi chân, bàn tay ngắn ngủn vươn về phía cái giá trưng bày trên vách tường, kéo một nhúm bông xuống.
Sau đó con bé nhét từng cục vào cái mồm hơi hé của con mèo béo.
“… Ô,” Nhiếp Chấn Hoành thấy thế thì cũng lấy làm lạ, “Còn ăn cả bông cơ à? Em chưa thấy kiểu mèo nào như vầy bao giờ!”
“Hầy, tại mụ vợ nhà tôi chứ sao nữa!”
Nói đến đây, Nhiệt Hợp Mạn vừa tức lại vừa buồn cười, thì thào bảo, “Y Na muốn nuôi mèo, vợ tôi ngại dọn lông, nên không cho. Cuối cùng bả làm cho con nhỏ một con thú bông, còn bảo Y Na là, bao giờ mèo bông lớn rồi, nó sẽ thành mèo thật.”
“Con nhóc tin luôn hả.” Nhiếp Chấn Hoành hiểu ra rồi.
“Chuẩn đấy, mèo giả thì lớn lên làm sao được?” Nhiệt Hợp Mạn lắc đầu, “Nhưng hai đứa con nít quỷ này lại nảy ra ý mới! Không rõ tụi nó bàn nhau lúc nào mà bắt đầu nhét bông vào bụng mèo, quả là nhét to cả ra thật!”
“Đúng là béo đấy, thế đặt tên chưa?” Nhiếp Chấn Hoành nghe mà buồn cười, hỏi hai cô nhóc, “Tên nó là Miu Miu à?”
“Dạ dạ!” Y Na nghiêm túc gật đầu, “Tên Miu Miu ạ.”
“Chú Nhiếp, chú xem bộ đồ Miu Miu mặc có đẹp không nè!” Cam Khả Khả đứng cạnh nói xen vào, khiến Nhiếp Chấn Hoành chuyển mắt qua nhìn con thú bông lần nữa.
Chậc, kinh thật, còn mặc váy hoa hẳn hòi.
“Đẹp đẹp.” Nhiếp Chấn Hoành nhớ tới cảnh lần trước con nhỏ này bôi màu vẽ của Lâm Tri lên mặt mình, nghĩ thầm trong bụng giờ con này mới đích thị là mèo hoa đây.
“Đúng chú nhỉ!” Cam Khả Khả ưỡn ngực cực kỳ tự hào, “Bà con may đó! Đẹp ghê á!”
Nhiếp Chấn Hoành không kiềm được nỗi tò mò, duỗi tay bóp con mèo mà hai bé gái đang ôm chung.
Ô, sờ thích phết. Không biết chúng đã nhét bao nhiêu bông vào bụng mèo, dù sao ấn một cái cũng không lún hết được.
Nhiếp Chấn Hoành nghĩ thầm, hay là mình cũng làm một con thế này cho bé con nhà mình nhỉ?
Để trong nhà cũng được, hoặc làm gối ôm, gối dựa gì gì đó.
“Thôi cái suy nghĩ ấy đi nhé, dạo này tôi không nhập hàng nữa đâu.”
Nhiệt Hợp Mạn hình như đã nhận ra suy tính của ông bạn già, vội né ngay, “Mụ nhà tôi đang đau hết cả đầu vì bị Y Na quấy đây. Tôi mà nhập bông về, bụng con mèo này mà không nứt thì tôi cũng bị vợ kéo rách tai mất!”
Nhiếp Chấn Hoành tiếc nuối thở dài, “Thôi vậy.”
Anh đứng lên, chắn tầm mắt hai bé gái, nhanh tay lẹ mắt kéo nốt hai cục bông cuối cùng trên giá trưng bày xuống, cất vào túi quần, “Vậy em giải quyết nốt hàng tồn dư cho bác nhé.”
“…” Nhiệt Hợp Mạn nhìn giá trưng bày trụi lủi, “Tôi lại phải cảm ơn chú quá.”
“Đừng khách khí.” Nhiếp Chấn Hoành vui tươi hớn hở nhận lời cảm ơn, còn được đằng chân lân đằng đầu, “Đúng rồi, có phải tiệm bác vẫn còn vải thừa để làm thảm lông đúng không? Lông dê lông thỏ gì gì đấy, cho em chút đi?”
Nhiếp Chấn Hoành nhớ lại cảm giác khi sờ vào con hamster nhà bà chị. Anh thấy loại da mình hay dùng trước đó không ổn lắm, muốn làm cái gì sờ thích hơn cho bé con, lại bổ sung, “Lông càng mềm càng tốt.”
“Khiếp cái mặt dày gớm nhỉ?!”
Nhiệt Hợp Mạn chọc chọc Nhiếp Chấn Hoành, cười mắng vậy, nhưng vẫn đứng lên, “Tôi nhớ hình như còn một miếng lông thỏ, bị rách một tí, không bán được, để tôi tìm xem để đâu rồi…”
Nói đoạn, chú ta bắt đầu tìm kiếm trong phòng, còn Nhiếp Chấn Hoành kéo hai cô bé đến gần, quan sát chúng chơi đồ hàng với con thú bông.
“Nghỉ Hè mà hai đứa không ra ngoài chơi à?” Nhiếp Chấn Hoành thuận miệng hỏi.
Giờ đã gần đến tháng Tám. Trong khu tập thể, các gia đình có con nhỏ đều rộn ràng như tiếng ve kêu. Đứa nào lớn tí còn đỡ, bị áp lực học tập nên không còn quá nhiều sức lực chơi bời. Bọn con nít thì như được sổ lồng, suốt ngày chạy chơi quậy phá ngoài đường, chọi gà chọc chó, nói chung là không ngơi nghỉ giây phút nào.
Nhất là thằng cu nhà Vương Kim Bảo kế nhà anh, hôm nay đá cầu ngày mai bắn ná, phá làng phá xóm. Mấy hôm trước chí ít đã bị mẹ túm lại dạy cho một bài “cây tre phết đít”. Cu cậu gào khóc ông ổng một hồi thì cũng khôn ra nhiều, nhưng mấy bữa nay lại có xu thế chứng nào tật nấy rồi.
Nhiếp Chấn Hoành nghĩ ngợi, bao giờ các trường khai giảng, thì lúc ấy anh mới có thể sống yên ổn chút đỉnh được.
“Nghịch nước rồi ạ!” Lần này Y Na lên tiếng trước.
“Tuần trước tôi dẫn con bé đi chơi công viên nước rồi.” Nhiệt Hợp Mạn ở bên cạnh tiếp lời, “Rồ dại lên như con dở người, về còn kêu ca đòi bơi trong bồn tắm.”
Mùa này bán chăn bông cũng không đắt, Hè người ta toàn bán chiếu với điều hòa linh tinh là chính. Nhiệt Hợp Mạn quyết định đóng tiệm mấy hôm, đưa vợ con ra ngoài du lịch, cũng chỉ vừa mới về.
“Đã biết bơi rồi cơ à?” Nhiếp Chấn Hoành giơ ngón cái với Y Na, “Giỏi đấy, lần sau dạy chú nhá.”
Nói ra thì lại xấu hổ, nhưng anh chẳng có hứng thú gì với nước nôi, hoàn toàn là một con vịt cạn. Nhưng giờ có người trong lòng, Nhiếp Chấn Hoành đột nhiên tưởng tượng ra rất nhiều việc mình muốn trải nghiệm với Lâm Tri trong tương lai.
Bơi lội nhảy cầu, leo núi ngắm biển, anh muốn ra ngoài thăm thú cùng cậu nhóc luôn náu mình trong thế giới riêng, cảm nhận nhiều cảnh đẹp thú vui hơn.
Tán dóc thêm mấy câu về đề tài này, Nhiếp Chấn Hoành mới muộn màng phát hiện bé gái còn lại đang im lặng.
Cam Khả Khả bình thường luôn cởi mở mau miệng nay lại chỉ cúi gằm đầu nghịch đuôi con mèo, im thin thít từ nãy đến giờ. Hai người lớn liếc nhau, hơi hối hận vì đã nhắc đến đề tài này.
Mấy năm trước bố mẹ Cam Khả Khả qua đời vì tai nạn giao thông, để lại mình bà Cam nuôi nấng đứa cháu gái còn ít tuổi. Hai bà cháu giờ còn phải ở nhờ nhà người khác, dựa cả vào công việc may giặt của mình bà Cam để lấy tiền cho Khả Khả ăn mặc đến trường. Trong tình cảnh như thế, cô bé không thể có cơ hội hưởng thụ niềm vui được đi du lịch với gia đình. Những chuyện gia đình tầm phào mà họ nói với nhau ở đây, lại là niềm hy vọng xa vời mà Cam Khả Khả có mơ cũng không với tới được.
“Khụ, Khả Khả à,” Nhiếp Chấn Hoành đổi qua đề tài khác, “Dạo này sao con không qua chỗ chú Nhiếp chơi? Không thích chú Nhiếp nữa à?”
Bé gái rốt cuộc cũng ngẩng đầu cất tiếng: “Thích ạ!”
Nói đoạn, cô bé lại ngoái đầu nhìn tiệm may cách cửa hàng chăn bông không xa, giải thích với Nhiếp Chấn Hoành như bà cụ non, “Con đang đi làm kiếm tiền đấy!”
“Đi làm?”
“Dạ dạ!” Đề cập đến chuyện này, Cam Khả Khả lại mau miệng liền, “Dì Tôn nói, một giờ một đồng ạ! Hôm qua con làm được 5 đồng liền!”
“Ồ, giỏi thế cơ à! Vậy Khả Khả nhà mình đã giúp dì Tôn làm gì thế?” Nhiệt Hợp Mạn cũng hỏi hùa theo.
“Ừm…” Cô bé nhớ lại những công việc mình làm gần đây, đếm bằng ngón tay cho hai người, “Vắt sổ, khâu khuyu, may túi… à, cả gấp quần áo nữa ạ!”
Dì Tôn mà Cam Khả Khả nhắc đến, chính là bà chủ tiệm may đang cho hai bà cháu ở nhờ, tên là Tôn Mạn Cầm.
Tôn Mạn Cầm và chồng dì đều là công nhân cũ của xưởng máy móc. Hai mươi mấy năm trước, sau làn sóng sa thải, hai vợ chồng bèn chung tay mở một cửa hàng may vá, làm ăn vẫn khá được. Về sau chồng dì mắc bệnh qua đời, dì bèn kinh doanh một mình, thành công nuôi con trai lên đến đại học. Giờ cu cậu sắp tốt nghiệp rồi, nghe nói đã được nhận vào một công ty hàng tuyển, tương lai xán lạn lắm.
Cũng vì những điều mình từng trải qua, nên Tôn Mạn Cầm rất thương cảm cảnh ngộ của hai bà cháu nhà bà Cam. Hồi đó dì mua tiệm may này cũng không tốn quá nhiều tiền, diện tích còn rất lớn, nên dì dứt khoát để chừa nhà kho đằng sau ra cho hai bà cháu ở, chỉ thu tiền thuê nhà rất rẻ.
Mấy năm nay cuộc sống của dân tình khấm khá lên, tiêu thụ ngày một nhiều, cũng thay quần áo thường xuyên hơn. Công việc của tiệm may vốn sẽ dần khó khăn thêm, nhưng nghe lời khuyên của con trai mình, Tôn Mạn Cầm đã mua một đống thiết bị giặt khô, thành công mở dịch vụ mới. Cả xóm này, chỉ có mình tiệm dì là mở dịch vụ giặt khô sớm nhất, nhiều người sẵn sàng mang quần áo đắt tiền qua bên này giặt. Mấy năm nay, tích lũy dần danh tiếng và nhờ thói quen tiêu dùng, dịch vụ giặt khô ngoài may vá của tiệm nhà dì ngày một phát đạt hơn.
Bởi thế, đôi lúc bản thân Tôn Mạn Cầm cũng bận rộn quay cuồng, vậy nên dì giao một phần công việc may vá cho bà Cam làm. Vừa giúp mình, cũng coi như giúp được cả bà cụ luôn.
Dù sao làm láng giềng bấy lâu, ai mà chẳng biết bà Cam rất giàu lòng tự trọng, không muốn nhận tiền quyên góp giúp đỡ không lý do của người khác, nên họ chỉ có thể bày tỏ tấm lòng và giúp đỡ bà một ít chuyện trong phạm vi cho phép.
“Khả Khả nhà ta giỏi thế này, bà con nhất định sẽ vui lắm!”
Nhiếp Chấn Hoành nghe cô bé khoe thế thì cười, vuốt ve mái tóc tết hai bên của Cam Khả Khả khen cô bé. Nào ngờ bé gái lại “suỵt” anh, “Không được để bà biết!”
“Hả? Tại sao? “
“Bà không cho con làm…” Cam Khả Khả chu môi, “Bà bảo con vụng, sẽ làm hỏng việc của dì Tôn mất, toàn xua con đi chơi…”
Nhiếp Chấn Hoành và Nhiệt Hợp Mạn liếc nhau, đoán được chắc bà cụ nói một đằng nghĩ một nẻo đây.
Một phần có lẽ bà cũng sợ con bé bất cẩn làm hỏng máy móc của nhà chủ, nhưng quan trọng hơn vẫn là, chắc bà thương cháu gái, không muốn để cháu mình mới tí tuổi đầu đã phải lo toan những việc đáng lẽ chỉ người lớn mới phải nhọc lòng.
“Nhưng con với dì Tôn đã bàn nhau rồi! Làm lén thôi!”
Cam Khả Khả lại vui lên liền, nói ba la bô lô, “Dì Tôn bảo, mình cứ làm nhân lúc bà nghỉ trưa! Bà dậy, thì con thôi làm!”
Ui, còn chia ca người làm người nghỉ vậy nữa? Nhiếp Chấn Hoành âm thầm cảm thán mấy câu, thấy cũng khó cho Tôn Mạn Cầm thật. Muốn giúp đỡ hai bà cháu này mà còn phải suy tính nhiều gớm.
“Hôm qua con làm được 5 đồng cơ à? Bà con ngủ trưa lâu vậy ư?”
“Vâng ạ…”
Khả Khả gật đầu, vầng trán ngây thơ cũng tràn ngập vẻ nghi hoặc, “Dạo này bà hay ngủ lắm, ngủ nhiều hơn cả Khả Khả, còn hay ho khan nữa chứ! Dì Tôn bảo đừng quấy rầy bà, để bà ngủ nhiều thêm một lát ạ.”
Nhiếp Chấn Hoành và Nhiệt Hợp Mạn nghe vậy, không khỏi liếc nhau lần nữa.
Bà Cam cũng không già lắm, mới hơn 60 thôi. Nhưng không rõ có phải do mất con chỉ trong một đêm, vả lại còn phải vất vả nuôi cháu gái một mình không, mà thoạt trông bà như một cụ già 70-80 tuổi vậy.
Chuyện thích ngủ có cái lợi cũng có cái hại, nhưng nếu có bệnh nền sẵn, thì lại khiến người ta phải lắng lo.
“Khả Khả, con với Y Na qua tiệm chú chơi một lát nhé?”
Nhiếp Chấn Hoành khom lưng hỏi hai cô bé, “Tiệm chú có một anh vẽ đẹp lắm. Chú bảo anh ấy dạy các con vẽ tranh nhé?”
“Oa!”
“Là cái anh gấp máy bay giấy cho con lần trước ý ạ?”
Nhiếp Chấn Hoành cười nói, “Đúng rồi, anh ấy đó.”
“Muốn đi muốn đi ạ!”
“Vẽ tranh!”
Mắt hai bé gái đều sáng bừng lên. Cam Khả Khả càng khỏi phải nói, đến cả Y Na thẹn thùng cũng sốt sắng muốn đi qua ngay lập tức.
Việc này Nhiếp Chấn Hoành không bàn trước với Lâm Tri, nhưng anh biết bé con nhà anh nhất định sẽ đồng ý. Sau khi Nhiệt Hợp Mạn tìm ra miếng vải lông mà anh cần, hai người đàn ông, mỗi người ôm một đứa bé, cùng đi về hướng tiệm sửa giày.
—
Nha Đậu:
Hôm nay cho Chít Chít làm phông nền hén ~